Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa

Chương 20: Lục Sứ Biện Kinh Cáo Ngự Trạng Vương Khâm Định Kế Mưu Bát Vương

Dương Diên Chiêu đến bên cung khuyết, gióng trống kêu oan, kêu rằng muốn gặp vua mà trần cáo, bị thủ quân bắt đến cho Đề ngục quan, Đề ngục quan tra hỏi rõ ràng, đem trạng tâu dâng lên Thái Tôn. Thái Tông đem cáo trạng trải trên ngự án đọc, thấy viết:

Người kêu oan là Dương Diên Chiêu, bị mưu độc thâm hại, khiến cho toàn quân bị gϊếŧ, khi quân lỡ việc nước nhà:

Cha thần là Dương Nghiệp sinh trưởng ở Thái Nguyên, mấy đời làm kẻ sĩ ở Hà Đông, chịu ơn sâu coi trọng của tiên đế, tiếp đến lại được hoàng thượng triệu về cha con thần nguyện hết lòng trung trinh, đến chết mới thôi. Gần đây do Khiết Đan vào đánh, quan đến cướp ở Qua Châu. Với Phan Nhân Mĩ cầm quân đi chống cự nhờ ơn bệ hạ sắc phong cha thần làm chức tiên phong. Đây chính là lúc thức khuya dậy sớm, ngày mà biên thần phải gắng sức vậy. Nào ngờ Phan Nhân Mĩ ôm lòng hờn oán từ lâu, luôn có lòng mưu hại, nên dùng kế sai quan bảo vệ trở về, lén đưa thư khiêu chiến với địch. Ép quân mình phải vào đường nguy hiểm, giả hoàng mệnh để phải ra quân. Ở thôn Lang nha quân ngựa xung trận, chủ soái thì ngồi cao mà nhìn, không cho một quân tới cứu. Nơi Trần gia cốc sức cùng lực kiệt, còn tướng Phiên thì như mây đen kéo đến, nên khiến cho toàn quân đều bị gϊếŧ. Cha thần là Dương Nghiệp, hy sinh tự vận nơi bia Lý Lăng, đó là lẽ đương nhiên của khí tiết kẻ làm tôi con. Em thần là Diên Tự bị loạn tiễn trong trại phía Tây, thì đúng là muốn báo thù riêng vậy? Quân thua nước nhục, đúng là tự hại nước nhà. Nay còn muốn giấu tội lỗi, che sự gian, dùng mọi cách ngăn bít đường nói. Tận diệt thần tự gốc rễ nên sai quân đón cản nơi Hoàng Hà.

Nhổ cỏ để không được mọc nữa, lại dùng lời giản trình lên triều đình. Đáng thương cho cha con thần tám người, trung thần vì nước, muốn báo ơn của bệ hạ, nhưng chỉ thấy soái thần bị hại. Thần một mình một thân trôi dạt, bơ vơ không nơi nương tựa, nên đánh trống đình để kêu oan, xin ơn trời mà soi xét. Nếu khiến cho cha anh thần linh thiêng, làm bệ hạ khai rọi ánh sáng nhật nguyệt, bắt gϊếŧ kẻ gian, rửa sạch oan ức, khiến kẻ ở cửu tuyền được nhắm mắt, thì cho dù thần có phải chết xuống cửu tuyền, cũng không có gì ân hận vậy.

Thái Tông xem xong cáo trạng, vô cùng giận dữ, chợt Khu mật viện lại trình lên biểu chương của Phan Nhân Mĩ, viết rằng cha con Dương Nghiệp tham công nên thất cơ. Thái Tông được tấu, im lặng hồi lâu rồi nói: "Phan Nhân Mĩ nói Dương Nghiệp của tội tham công, Dương Diên Chiêu lại nói Phan Nhân Mĩ có ý hãm hại, mỗi người nói một khác, ai đúng ai sai?" Nam đài ngự sử Huỳnh Ngọc tâu rằng: "Việc ở bên ngoài, nhiệm vụ ở tướng soái. Nếu như hiệu lệnh không nghe, thì làm sao làm việc? Nay cha con Dương Nghiệp kháng lệnh tham công, dẫn đến toàn quân bị gϊếŧ, thì vốn là có tội. Nay bị người Phiên gϊếŧ chết, lại còn vu cáo chủ soái, đó là coi thường bệ hạ vậy. Người chết thì tha cho, còn Dương Diên Chiêu thì nên giải ra triều môn”, Huỳnh Ngọc là anh vợ của Phan Nhân Mĩ, nên ra sức cứu.

Bấy giờ Bát Vương vội bước ra tâu rằng: "Cha con Dương Nghiệp có công với triều đình, tiên đế thường tiếp đãi vào bậc nhất, nay bị gian thần hãm hại, bệ hạ lại không giúp làm rõ nỗi oan ức. Việc này thần biết đã lâu, xin hãy bắt Phan Nhân Mĩ tới nha môn pháp Ty, giao cho các quan cùng Diên Chiêu đối chất, tra hỏi rõ ràng, rồi để bề trên quyết định".

Thái Tông y tấu, liền sắc cho Tham tri chính sự Phó Đỉnh Thần tra xét bọn Phan Nhân Mĩ. Phó Đỉnh Thần nhận chỉ, liền mở nha môn, bắt bọn Phan Nhân Mĩ, Lưu Quân Kỳ, Tần Chiêu Khánh, Mễ giáo luyện đến, đều ở dưới thềm. Đỉnh Thần nói: "Ngày trước đối xử với Phan Chiêu Thảo theo tình đồng liêu, còn bây giờ là mệnh vua, khó thể dung tình. Nếu thật sự là vi phạm pháp luật thì hãy thành thật khai ra, đừng để dùng đến hình pháp thì không tốt". Nhân Mĩ nói: " Kẻ hèn này phụng mệnh vua đi chống quân Liêu, cha con hắn tự làm thất cơ, nên mới bị hại chết, giờ lại nói ngược để vu hại bọn chúng tôi. Nếu triều đình không xét rõ, khiến cho kẻ làm soái bị làm nhục, thì sau này ai dám ra làm chức vụ ấy nữa! Xin đại nhân minh giám, làm rõ với bề trên"

Đỉnh Thần im lặng không nói, lệnh tả hữu đem bọn họ nhốt vào trong ngục, rồi lui về hậu đường. Chợt nghe báo: "Phan phủ Huỳnh phu nhân sai thị nữ nói có việc cơ mật muốn vào gặp đại nhân”. Đỉnh Thần lệnh gọi vào hậu đường, thị nữ quỳ dưới thềm nói: "Phu nhân nay vì Thái sư bị giao cho Tham chính tra hỏi, không có gì biếu dâng, nay có chút quà mọn là 100 lượng hoàng kim, một sợi đai ngọc, mong đại nhân rộng mở phương tiện, sẽ hậu tạ nữa". Đỉnh Thần vốn là đồ ham lợi, thấy các lễ vật, vô cùng mừng rỡ, sai tả hữu thu lấy nói với thị nữ rằng: "Ngươi về nói với phu nhân, không nên lo lắng, tham chính tự có cách phân xử”. Thị nữ bái từ mà ra, không ngờ Bát Vương biết được Đỉnh Thần là kẻ tham tài, sợ Phan gia sẽ cho người đến hối lộ nên lén sai thủ hạ thám thính nơi cửa phủ, vừa thấy tên thị nữ vào phủ, liền chạy đi báo Bát Vương. Bát Vương lập tức đến nơi, vừa đúng lúc gặp tên thị nữ ra khỏi cửa phủ bèn bắt lấy, tay xách kim giản, đi vào hậu đường.

Phó Đỉnh Thần nhìn thấy, sợ đến mặt xám ngoét như đất, liền vội xuống thềm nghênh tiếp. Bát Vương to tiếng quát rằng: "Người là mệnh quan triều đình, sao lại nhận hối lộ của Phan phủ, muốn hại nhà họ Dương?” Đỉnh Thần nói: "Hạ quan vốn không phải vậy, vì sao Điện hạ lại nói lời này?"

Bát Vương bèn sai người hầu đem thị nữ của Phan phủ mang đến dưới thềm tra khảo, thị nữ hết đường chối cãi, nên phải khai thật. Bát Vương nổi giận nói: "Phó Tham chính còn muốn biện hộ nữa không?” Đỉnh Thần miệng câm như hến, tự bỏ đi quan phục, quỳ dưới thềm thỉnh tội. Bát Vương lệnh chuẩn bị ngựa, vào triều gặp ngay Thái Tông, tâu rõ mọi việc. Thái Tông thất kinh nói rằng: "Nếu không phải khanh sáng suốt nhìn xa, suýt nữa bị gian thần giở trò" Lại hỏi Đỉnh Thần đáng xử theo tội nào?" Bát Vương nói: "Riêng nhận hối lộ, nhưng niệm tình chưa làm gì tệ, nên xử theo tội uổng pháp. Phải bị cách chức quan bãi làm dân". Thái Tông chuẩn tấu, tiến hạ chỉ bãi chức của Đỉnh Thần đuổi về quê.

Bát Vương lại tâu: "Tây Đài ngự sử Lý Tế, trung cần công chính, có thể xử vụ án của Phan Nhân Mĩ". Thái Tông chuẩn tâu, sắc mệnh Lý Tế thừa lệnh thi hành. Lý Tế lệnh chỉ, mở Ngự sử đài, ngồi ngay ngắn trên đường. Tả hữu quân úy uy phong lẫm lẫm, bày ra các loại hình cụ, kẻ nhìn thấy không ai là không sợ hãi.

Chính là:

Sinh tử điện tiền nan đệ huý,

Huyết oán đài thượng bất dung tình.

(Trước điện sống chết khó phân thay,

Trên đài oan máu khôn tha thứ).

Một lát sau, ngục quan giải bọn Phan Nhân Mĩ, Diên Chiêu vào, tới dưới thềm thẩm vấn qua một loạt. Nhân Mĩ ra sức chối cãi nói: "Dương Nghiệp tự bị gϊếŧ chết, không liên can đến bọn tôi". Lý Tế giận nói: "Ngươi làm chủ soái, bại trận mà về, lại nói là hắn tự phạm tội mà chết trận ư. Còn Dương thất lang có tội gì? Mi dùng loạn tiễn mà bắn. Nay Phó tham chính vì mi mà mất cả tương lai. Hôm nay phải khai cho thành khẩn để tránh phải dùng đến hình cụ, nếu không đừng trách hạ quan tàn bạo vậy". Nhân Mĩ cúi đầu không đáp. Lý Tế nạt quân hiệu đem Lưu Quân Kỳ, Tần Chiêu Khánh, Mễ giáo luyện đồng loạt đẩy ra giữa thềm, ra sức tra khảo. Ba người chịu đau không được, đành phải đem việc hãm hại Dương Nghiệp và bắn chết thất lang, nhất nhất khai ra rõ ràng. Lại ty trình lên Lý Tế thẩm án Lục tâu, rồi đem phạm nhân giam lại, chờ thánh chỉ định đoạt.

Lý Tế rời khỏi Ngự sử đài, ngày hôm sau đem tờ khai của Phan Nhân Mĩ vào tâu với Thái Tôn. Thái Tông xem xong, giận dữ nói: "Trẫm vì Phan Nhân Mĩ là công thần của tiên đế, nên nhiều lần dung thứ lỗi lầm. Nay lại xem thường phép nước như vậy, nếu không xử thật nặng, làm sao khích lệ được biên tướng”. Liền hỏi Bát Vương phải xử trí như thế nào? Bát Vương tâu rằng: "Phan Nhân Mĩ đáng phải tội chém, nhưng bệ hạ nể tình hậu phi, giảm hai bậc, cách chức làm dân; Lưu Quân Kỳ, Tần Chiêu Khánh, Mễ giáo luyện phải tội thông mưu, cũng nên xử tử, nhưng giảm cho một bậc, xung quân nơi biên viễn; Dương Diên Chiêu ngộ thất quân cơ, đày ra nơi nhiệm sở. Còn những người khác thì tùy chỉ xử lý"

Thái Tông chuẩn tấu, hạ sắc cho Lý Tế theo chỉ mà làm. Lý Tế lĩnh mệnh, về phủ đem văn án xem kỹ, rồi bãi Phan Nhân Mĩ làm dân thường, Lưu Quân Kỳ đày ra Truy Châu làm lính, Tần Chiêu Khánh đày ra Lai Châu làm lính, Mễ giáo luyện ra Mật Châu đày làm lính. Dương Diên Chiêu thì đày ra Trịnh Châu. Án đã quyết, đem bọn Lưu Quân Kỳ ra đánh trượng xong, theo kỳ mà khởi hành, chuyện không có gì đáng nói. Người sau đọc đến đây có thơ:

Đảng ác hại nhân hà sở ích,

Thí khán kim nhật phối quân kỳ.

Hoàng thiên hữu nhãn ưng vô ngộ,

Chỉ tại tư tu dữ báo trì.

Hôm sau, Lý Tế đem việc phát khiển Phan Nhân Mĩ đồng loạt tâu lên trên. Trên nói với thị thần rằng: "Ngày trước Dương Nghiệp phụ tử lập nhiều kỳ công, không may chết vì việc nước, trẫm rất thương xót, nên muốn ban cho ân điển, các khanh nghĩ sao?" Trực học sĩ Khấu Chuẩn tâu rằng: "Bệ hạ nhớ đến công thần, để an ủi người sau, đó là việc đáng làm cho xã tắc vậy, đâu có gì là không được. Vả lại Dương Nghiệp phụ tử trung cần vì nước khó có kẻ làm tôi được như ông. Nay chỉ còn lại một người con là Diên Chiêu trên đời, chính nên hậu đãi vậy để cho biên tướng biết được mà mang ơn triều đình" Thái Tông nghe theo lời bàn, bèn sai sứ thần đến Trịnh Châu mang Diên Chiêu về.

Chợt cận thần vào tâu: "Võ Thắng Quân Tiết Độ Sứ Triệu Phổ mất". Thái Tông nghe tâu xúc động, nói với quần thần: "Triệu Phổ có thể quyết đoán đại sự, tận trung với quốc gia, thật là trụ cột của xã tắc vậy”. Khấu Chuẩn nói: "Thật như lời bệ hạ nói, bọn thần đều không sánh bằng"

Theo đó ta biết Triệu Phổ tính vốn thâm trầm, cương nghị quả quyết, tuy hay đa nghi nhưng có thể xem việc của thiên hạ như việc của mình, nên khi làm tể tướng thì làm theo việc nghĩa, an việc võ, sửa việc văn, cẩn thận khi phạt, vô cùng tiết kiệm, nên lập được công nghiệp với đời sau, và công này rất lớn vậy. Triệu Phổ lúc trẻ ít học, Thái Tổ khuyên nên đọc sách, liền nghe theo tay không lúc nào rời quyển. Mỗi khi về nhà riêng, đóng cửa mở tráp, lấy sách ra đọc suốt ngày, hôm sau lâm chính, xử lý việc rất trôi chảy. Nay mất, người nhà mở tráp lấy sách ra xem, thì ra 20 thiên quyển "Luận ngữ”. Triệu Phổ thường nói với ta: "Thần có một bộ "Luận ngữ", lấy nửa cuốn phò Thái tổ mà định thiên hạ, lấy nửa cuốn giúp bệ hạ được thái bình". Triệu Phổ làm tể tướng hai triều, chưa từng vì con cháu cầu ân trạch, mất năm 71 tuổi. Sau phong Hàn Vương, thụy là Văn Hiến Công.

Bấy giờ Thái Tông trị vì đã lâu, nhưng vẫn chưa lập Đông cung. Bọn Phùng Thừ lên sớ xin sớm định ngôi Thái tử, vua giận, biếm ra Lĩnh Nam. Từ đó trong ngoài không ai dám nhắc việc này. Thất vương biết được tin này mật cùng tâm phúc là Vương Khâm rằng: "Phụ hoàng nay tuổi đã cao, mà chưa chịu lập Hoàng thái tử. Đình thần người nào can thì đều bị biếm. Không lẽ là do việc của Bát Vương, nên muốn đem thiên hạ trả lại sao? Nếu thật sự có ý như vậy, thì ta bị thất vọng vậy”. Vương Khâm nói: "Lời của Điện hạ, chính hợp ý tôi, vả lại, chúa thượng rất trọng lời di ngôn, tất sẽ đem thiên hạ trả cho Bát Vương chứ không còn nghi ngờ gì nữa. Nếu không sớm lo việc này thì hối hận không kịp" Thất vương nói: "Ông có kế nào dạy tôi không?”

Vương Khâm nói: "Trừ phi mưu hại chết Bát điện hạ, tất đại sự an bày vậy!" Thất vương nói: "Bát điện hạ là người mà phụ hoàng yêu nhất, làm sao hại được?" Vương Khâm nói: "Thần có một mẹo, không biết điện hạ có chịu làm theo không?" Thất vương nói: "Ông nói nghe thử xem”. Khâm nói: "Có thể mời thợ giỏi đến phủ, sai làm bình rượu Uyên ương, có hai tầng để đựng được hai loại rượu. Gặp lúc cảnh xuân, trăm hoa đua nở, sai người mời Bát Vương tới hậu uyển thưởng ngoạn. Rồi lệnh cho bếp dâng thức ăn, quan hầu rót rượu. Trước tiên đem rượu độc đổ ở tầng bên ngoài, sau đó mở bỏ rượu ngon vào trong. Bát Vương mà uống, không tới nửa giờ sẽ chết bất đắc kỳ tử vậy, đâu có gì khó?" Thất vương nghe xong mừng rỡ nói: "Mẹo này rất hay, việc này không nên chậm trễ, lập tức làm ngay” . Liền sai quân úy tới thành tây triệu Hồ ngân tượng vào trong phủ làm bình uyên ương.

Không đầy vài ngày, thì hoàn thành. Ngân tượng (thợ bạc) đem dâng cho Thất vương. Thất vương nhìn thấy, quả nhiên là tinh xảo, không ai có thể nghi ngờ. liền nói với Vương Khâm: "Khí vật đã làm xong, nên hành động vào lúc nào? Vương Khâm nói: "Điện hạ trước hết nên đem người thợ này gϊếŧ đi để diệt khẩu".

Thất vương nghe theo, nên ban thưởng rượu cho thợ bạc, uống xong lập tức té ngã. Thất vương lệnh tả hữu đem bỏ vào giếng ở sau vườn. Vương Khâm nói: "Điện hạ nên đưa thư đến Bát Vương phủ mời, ngày mai có thể hành sự ngay". Thất vương liền sai nội quan mang thư đến phủ Bát Vương, dâng thơ lên:

Đệ Nguyên Khản nhân ngày xuân tươi đẹp, hoa liễu thơm đẹp, gặp lúc triều đình đang lúc nhàn rỗi, nay xa cách vương huynh đã lâu, mong hãy xa giá đến hậu uyển để cùng thưởng ngoạn giây lát, để an ủi lòng mong mỏi của đệ, để đáp lại sự thịnh vượng của mùa xuân.

Bát Vương được thư, sai nội quan phúc mệnh, nói ngày mai sẽ đến theo lời hẹn. Nội quan bái từ, về gặp Thất vương, thưa lại Bát điện hạ đã hứa đến theo hẹn. Thất vương được báo, bèn sai đầu bếp gϊếŧ mổ, chuẩn bị yến tiệc đầy đủ.

Hôm sau, xa giá Bát Vương đến nơi, Thất vương thân ra cửa phủ, nghênh tiếp, mời vào trong đường ngồi xuống, hai người kể lể tình cảm thương nhớ. Trà hết ba tuần nhị vương cùng vào hậu uyển, chỉ nghe thấy nhạc công ca nữ, đánh đàn thổi sáo. Bát Vương cùng Thất vương chia ngôi chủ khách mà đối tiệc. Thất vương cười nói: "Tình cảm huynh đệ, hỷ lạc tương đồng, khó được cảnh xuân như vậy nay đặc biệt xin cùng anh vui trọn ngày hôm nay, để an ủi bình sinh chi niệm". Bát Vương nói: "Nhiều lần được mời, đâu dám chối từ. Ngặt nỗi vài ngày nay do nóng lạnh bất thường, nên trong người luôn thấy không khỏe, nhưng vì tình anh em, nên đành đúng hẹn, thật không dám uống rượu . Thất vương nói: "Dù huynh không uống mười phần, thì cũng nên cạn vài chén cho vui".

Một lát sau, đầu bếp vào dâng món ăn. Thất vương lệnh quan hầu rót rượu. Quan hầu cầm hồ rượu uyên ương trước hết rót một chén vàng dâng lên trước Bát Vương. Rượu vừa rót vào chén, khí độc xông lên. Bát Vương thân thể chưa hết bệnh, ngửi thấy hơi rượu, bịt mũi không ngửi. Chợt một trận cuồng phong thổi qua bàn tiệc, thổi đổ chén vàng, làm rượu đổ đầy đất, bắn tung tóe khắp nơi, người hầu ai nấy đều sợ hãi. Bát Vương rời tiệc, sai người hầu chuẩn bị xa giá, từ biệt Thất vương mà trở về phủ. Thất vương thấy kế không thành vô cùng hối hận. Vương Khâm nói: "Điện hạ đừng lo Bát Vương không biết được nguyên do bên trong, chắc cũng không trách, ta chờ mà tính tiếp vậy".

Thất vương buồn bã không vui. Xin xem hồi sau phân giải.