[Mao Sơn Tróc Quỷ Nhân] Những Chuyện Chưa Kể

Chương 8: Thái Ất Phất Trần

  Dưới đây là thông tin chung về phất trần, không nói riêng về Thái Ất Phất Trần của Mao Sơn mà Diệp Thiếu Dương hay dùng.

Thiều gia giản giới:

Phất trần (拂 = phất qua phớt lại, 麈 = bụi trần, bụi trên trần thế, bụi hồng trần; phất trần 拂 麈 = 拂尘. Phiên âm: fú chén) là danh từ gốc Hán dùng để chỉ một thứ "chổi" đặc biệt chuyên dùng để xua tà khí, quét "hồng trần" trong các nghi thức tôn giáo xưa, đặc biệt là nghi lễ của Phật giáo và Đạo gia Trung Quốc.



Với Thiền tông, người ta thường thấy các vị Bồ Tát, Trưởng giả, các sư Trụ trì tay cầm phất trần mỗi khi đăng đường thuyết pháp hoặc khi tiến hành các cuộc đại lễ của Phật môn. Và vì vậy, đối với giới tăng ni phật tử Thiền môn thì "phất trần" không những được coi là thứ "pháp khí" không thể thiếu để tiến hành các nghi lễ mà còn là biểu tượng của sự trang nghiêm.

Với Đạo gia, phất trần được dùng với dụng ý là quét sạch bụi "trần duyên" khiến con người trở nên "siêu phàm thoát tục". Trong các thư tịch, kinh văn của Đạo gia, trong thi ca hội họa cổ... khi đặc tả thần thái tiêu dao tự tại, Tiên phong hạc cốt của các bậc chân nhân như Thái Thượng Lão Quân, Lữ Động Tân, Thái Ất Chân nhân... đều không thể thiếu cây phất trần, sự uy phong thần vũ của các vị đều là "Các hiển thần thông" của phất trần. Đối với Đạo gia, phất trần không chỉ đơn thuần là "pháp khí" khi đăng đàn hành lễ mà còn để xua ruồi đuổi muỗi, đuổi côn trùng... và quan trọng hơn, phất trần còn là thứ vũ khí dùng để tấn công phòng vệ vô cùng lợi hại. Do lấy phất trần làm vũ khí để phòng thân, tự vệ nên phất trần là vật "Bất khả ly thân", kể cả lúc hành đại lễ cũng như khi vân du ngoài thế tục. Tục ngữ cổ có câu: "Thủ nả phất trần bất thị phàm nhân" (kẻ mà trên tay cầm phất trần tất không phải là người thường) cũng xuất phát từ việc này.

Phất trần xưa có tên gọi là súy tử, về sau lại gọi là trần vĩ, vân triển, phất tử... Phất trần được tạo thành bởi 2 bộ phận: một phần dùng để cầm tức cái cán thường được làm bằng gỗ gọi là "bỉnh" hay "bính" và phần kia là do lông loài thú hoặc sợi bện lại mà thành. Do được hình thành dựa trên nền tảng võ thuật, tuân thủ nghiêm mật qui luật âm dương ngũ hành cùng với triết lý vô vi của Đạo giáo nên bài quyền hễ vũ động thời như "Thiên mã hành không", thần thái phiêu dật, tiên phong hạc cốt. Tuy hình thành dựa trên nền tảng "vô vi" của Lão Trang nhưng không vì thế mà các chiêu thức của bài "võ phất trần" trở nên hời hợt và lạc lỏng mà ngược lại nó không những có kết cấu chặt chẽ, có sự tương quan mật thiết, công thủ kiêm bị, khai hợp khẩn tấu. Về kỹ thuật, phất trần vận dụng một cách linh hoạt các kỹ thuật của Đao pháp, thương pháp, côn pháp, kiếm pháp v.v. trong đấy lấy phách, lạp, triền, đẩu, tảo... làm nền tảng của hoạt động công thủ do vậy kỹ thuật công kích rất phong phú đa dạng, mới lạ và cực kỳ hấp dẫn.

Yêu cầu khi luyện: Hình với Ý hợp, Ý với Khí hợp, Khí với Thần hợp. Khi thi triển cần phải đạt đến độ thần thái tiêu dao, an nhiên tự tại, động tác nọ phải nối tiếp động tác kia, liên miên bất đoạn, nhất khí hợp thành.