Chuyển ngữ: Wanhoo
Luyện một lúc rồi dừng, người cô ướt nhẹp mồ hôi, cô múc nước lau người rồi đi làm đậu.
Bây giờ khoảng ba giờ sáng, Ninh Thư xay đậu đến mười giờ đêm nhưng ba giờ sáng đã phải tức dậy nhóm lửa làm đậu, tờ mờ sáng gánh thùng đậu nóng hôi hổi đi bán. Tính ra Chúc Tố Nương không ngủ đủ sáu tiếng một ngày.
Ninh Thư làm một ít đậu phụ khô. Cô rắc thêm tiêu, ép đậu ra nước, đậu phụ khô ăn vừa miệng, bán chung được cả với đậu thường mà còn được giá hơn đậu thường.
Ninh Thư chuẩn bị gánh hai thùng đi bán bà Chúc mới thức dậy, dựa cửa nói: “Tố Nương, con lại gửi điện báo cho Nghiên Thu nói u muốn gặp nó.”
Mặt bà Chúc tái nhợt, trông bà chẳng còn mấy sức, cô gật đầu: “Con biết rồi.”
Ninh Thư ra ngoài sẽ khoá trái cổng, trong nhà có trẻ con và người ốm, lỡ có người xấu vào nhà thì nguy.
Có lẽ do luyện Tuyệt Thế Võ Công, cô khoẻ hơn một chút nên hôm nay gánh thùng mà bước chân cứ thoăn thoắt, nhẹ nhõm hơn nhiều.
Bán hết đậu Ninh Thư lại đến bưu điện, nhân viên bưu chính nói: “Có điện báo của em.”
Ninh Thư cầm xem, đó là điện báo của Chúc Nghiên Thu. Nội dung là lịch học dày đặc không về nhà được. Cuối dòng còn nhắc Ninh Thư gửi tiền, giọng điệu hằn học vì lần trước không gửi.
Ninh Thư nhếch môi, gửi điện báo cho Chúc Nghiên Thu với nội dung mẹ cậu ốm nặng muốn gặp cậu, cậu mau về đi.
Ninh Thư nộp tiền điện báo, tiền gửi điện báo thời này rất đắt vì tính theo từng ký tự. Gửi điện báo nhiều lần Ninh Thư cũng chẳng còn bao nhiêu tiền, chỉ khi có chuyện quan trọng mới gửi điện báo còn không sẽ gửi thư.
Rời khỏi bưu điện, Ninh Thư đi mua thịt. Cô cần cải thiện bữa cơm, ít nhất một ngày một bữa ăn mặn, mặt khác cũng vì Ninh Thư luyện Tuyệt Thế Võ Công lúc nào cũng đói.
Ninh thư định ăn tích cốc đan nhưng ngày sau lương thực ngày càng khan hiếm, cô nên tiết kiệm tích cốc đan.
Về đến nhà, Ninh Thư đưa điện báo cho bà Chúc nằm trên giường: “U ơi, Nghiên Thu bảo là bận học, dám có thể năm nay không về.”
Bà Chúc đọc điện báo, mặt bà tái sạm, bà không trả lời xem chừng rất thất vọng.
Ninh Thư nói: “Con lại gửi điện báo cho cậu ấy rồi.”
Bà Chúc nói: “Nghiên Thu cần tiền, lần trước con đã gửi cho nó chưa?”
“Con gửi rồi ạ.” Ninh Thư nói dối, Chúc Nghiên Thu đừng hòng trấn lột được một nghìn nào của cô.
Bà Chúc lật người quay lưng lại với Ninh Thư. Bà thở nặng nhọc, dự là đang khóc thầm.
Ninh Thư miễn cho ý kiến, cô rời khỏi phòng bà Chúc. Về phòng, Chúc Tư Viễn trên giường đang ăn mứt quả và đậu phụ khô. Cu cậu thấy Ninh Thư liền trèo xuống giường gọi u u nhõng nhẽo.
Con sắp ba tuổi nhưng chưa từng gặp mặt bố nó.
Chúc Tố Nương chết, Chúc Tư Viễn được Chúc Nghiên Thu đón về nuôi vì dẫu gì vẫn là con.
Trẻ con mười mấy tuổi đang trong tuổi phản nghịch, thằng bé hận ông bố Chúc Nghiên Thu cũng như nữ anh hùng Phương Phỉ Phỉ vô cùng. Thằng bé làm tất cả mọi chuyện mà Chúc Nghiên Thu không thích, trở thành một đứa khó bảo, không sợ đòn roi.
Chúc Nghiên Thu khi ấy đã là sĩ quan cao cấp có sự nghiệp thành công, quản lý mười mấy nghìn lính, xưng bá một vùng. Chúc Tư Viễn ngày càng chơi lớn, cậy bố làm to gây hoạ khắp nơi.
Chúc Tư Viễn hận ông bố Chúc Nghiên Thu thấu xương. Trong khi u ở quê bán lưng bán mặt nuôi ông ta, cái u nhận lại chỉ là sự ruồng rẫy vô tình.
Hai bố con không khác gì kẻ thù không đội trời chung, gặp nhau là rút súng. Rất nhiều lần Chúc Nghiên Thu muốn bắn chết thằng con này nhưng không làm được.
Một kẻ bỏ vợ bỏ con cuối cùng có sự nghiệp thành công, được mọi người kính nể.
Ninh Thư xoa đầu Chúc Tư Viễn, từ giờ hai mẹ con cô sẽ sống vì nhau, mặc kệ Chúc Nghiên Thu. Cô sẽ cho Chúc Tư Viễn trở thành cậu thanh niên có lý tưởng, có hoài bão, ngồi lên đầu bố nó, bắt bố nó phải cúi chào.
Ghét ai thì phải ngồi lên đầu kẻ đó, điều khiển cuộc đời kẻ đó.
Phương Phỉ Phỉ được ngợi ca là nữ anh hùng à? Đã làm mẹ của Chúc Tư Viễn vậy thì phải làm gương cho con noi theo.
Ngày nào Ninh Thư cũng bận tối mắt tối mũi, tối không ngủ, dành thời gian tĩnh toạ thay cho việc ngủ. Sáng sớm thức dậy làm đậu.
Ninh Thư muốn kiếm nhiều tiền hơn để mua lương thực. Đến ngày khủng hoảng lương thực, thức ăn khan hiếm, một thỏi vàng không mua được một cái bánh bao.
Cô vừa phải hoàn thành nguyện vọng của Chúc Tố Nương, chăm lo cho Chúc Tư Viễn, vừa phải xây dựng cuộc sống vẹn toàn cho người uỷ thác. Chúc Tố Nương có ngày hôm nay chẳng phải vì Chúc Tố Nương không giỏi bằng Phương Phỉ Phỉ à?
Trời ngày một lạnh, Ninh Thư mua một cây vải bông về may quần áo cho mình và Chúc Tư Viễn. Cô không may cho bà Chúc vì bà ta đã nằm liệt giường, ốm nặng không đi lại được, uống nhiều thuốc đến mấy cũng công cốc.
Dù công cốc nhưng thỉnh thoảng Ninh Thư vẫn sắc thuốc cho bà Chúc, tăng số lần mua mứt quả.
Đây là tâm bệnh của bà ta.
Không chịu được khổ, nếu chịu được chắc chắn sẽ trở thành cụ bà có phúc vì sau này Chúc Nghiên Thu sẽ thành công mà.
Trong cơn mơ màng, bà Chúc thường gọi tên Chúc Nghiên Thu, trông có vẻ sắp chầu trời. Thầy lang khám và dặn Ninh Thư chuẩn bị lo hậu sự.
Ninh Thư thường xuyên gửi điện báo cho Chúc Nghiên Thu kêu cậu ta về. Ngày trước cậu ta còn trả lời, về sau thấy Ninh Thư lắm mồm quá, cũng không gửi tiền nên giận hay sao mà không trả lời nữa.
Ninh Thư nói thẳng u cậu sắp chết về chịu tang đi.
Lần này Chúc Nghiên Thu có trả lời, tỏ ra khó chịu vì Ninh Thư nói u cậu ta sắp chết. Bà Chúc là phu nhân nhà giàu, lâu nay khoẻ mạnh nào có bệnh gì. Cậu ta còn nói Chúc Tố Nương tự lo liệu việc nhà đi.
Cuối dòng Chúc Nghiên Thu nịnh rằng vất vả cho em quá. Than mùa đông ở Thượng Hải quá lạnh, gió mùa thổi vào từ sông Hoàng Phố nên rất giá. Tóm lại muốn xin tiền mua quần áo.
Ninh Thư: →_→
Ninh Thư xé điện báo, nói dông nói dài thế nào đi nữa Chúc Nghiên Thu cũng không về. Rời khỏi bưu điện, Ninh Thư tìm mua quan tài và áo liệm.
Bà Chúc không nuốt trôi cơm, nước cũng không buồn uống, chỉ ăn ít đồ lỏng.
Lúc nào tỉnh táo bà ta lại hỏi Nghiên Thu về chưa? Ninh Thư nói chưa và bà Chúc lại rớm nước mắt.