Tây Du Ký

Chương 25: Trấn Nguơn tiên bắt thầy Tam Tạng Tôn Hành Giả phá viện Ngũ trang

Nói về ba anh em đến trước đền, Tam Tạng hỏi rằng:

– Ðồ đệ! Trong am nầy có trái nhơn sâm, mà đứa nào ăn cắp?

Bát Giới nói:

– Tôi thiệt không biết.

Hành Giả đứng chúm chiếm Thanh Phong nói:

– Ai cười thì nấy ăn vụng.

Hành Giả hét rằng:

– Trời sanh cái bộ miệng ta vui vẻ, mới ngó tưởng là cười. Chớ ai biết nhơn sâm ra làm sao mà ngươi nói nhận diện!

Tam Tạng nói:

– Ðồ đệ, mình là người tu hành, chẳng nên nói dối, ăm làm chi những vật sau lưng! Như có ăn lỡ rồi, thì lạy người ta mà chịu lỗi. Ðể chối cãi làm chi.

Hành Giả thấy thầy nói phải, liền thưa thiệt rằng:

– Chuyện nầy không phải tại tôi. Bởi Bát Giới thấy hai người đạo đồng ăn, nên biểu tôi kiếm mà nếm cho biết, tôi hái ba trái về chia ba người ăn. Bây giờ biết làm sao mà liệu?

Minh Nguyệt nói:

– Ăn vụng của người ta hết bốn trái, mà thầy còn nói không phải học trò ăn cướp hay sao?

Bát Giới nói:

– Mô Phật, hái trộm bốn trái mà đem về có ba trái mà chia. Ðã dính tay hết một trái. Coi ai nặng tội hơn?

Bát Giới cứ cằn nhằn như vậy mãi.

Còn hai đồng tử hỏi ra quả tang chánh án, càng mắng nhiếc hơn xưa.

Hành Giả tức mình, trợn mắt tròn vo, nghiến răng trèo trẹo.

Nghĩ rằng:

– Hai thằng nhỏ thiệt đáng ghét quá chừng. Ðể ta làm tuyệt hậu, báo hại cho chúng nó hết ăn trái nhơn sâm.

Nghĩ rồi, nhổ một cái lông sau ót, biến ra Ngộ Không giả đứng cùng Bát Giới, Sa Tăng, còn mình xuất thần ra vườn nhơn sâm, cầm thiết bảng nhảy dựng lên, đập nhơn sâm rụng hết phân nữa. Rồi chuyển thần lực xô trốc gốc cây nhơn sâm.

Thiệt là:

Nhơn sâm trốc gốc bầy trơ rễ,

Ðạo sĩ nhăn răng chịu chết thèm.

Hành Giả xô ngã cây nhơn sâm, coi lại không còn một trái. Vì thiết bảng có bịt vàng nên đυ.ng nhằm thì rụng. Khi ngã xuống đất thì nhập thổ, nên còn cây lá mà thôi. Hành Giả nói:

– Như vậy mới hết tức mình.

Nói rồi hiện về như cũ.

Nói về hai đồng tử mắng một buổi trọn, mấy thầy trò làm thinh mà chịu.

Thanh Phong nói:

– Minh Nguyệt, ta coi các hòa thượng chịu lì không nói lại. Có khi không phải hái bốn trái chăng, thế tại lá rậm che khuất nên đếm sai một trái. Hãy ra coi lại, kẻo mắng hϊếp người ta.

Minh Nguyệt nói phải.

Hai anh em đi tới cửa vườn, thấy cây nhơn sâm trốc gốc gãy nhánh, rụng là hết trái. Hai người chết điếng.

Hai đạo đồng nhào xuống đất kinh hãi nhưng biết làm sao cho đặng.

Hai người chắc lưỡi than dài.

Thanh Phong nói:

– Cây thuốc tiên chết rồi, thầy về hỏi trả lời sao đặng?

Minh Nguyệt nói:

– Xin sư huynh đừng kinh hãi. Nhắm không ai vô đây? Chắc là hòa thượng mặt nhiều lông, làm ra công chuyện đó. Nếu cãi lẫy với nó, ắt là đánh lộn chớ chẳng không, mình có hai anh em, cự sao lại bốn hòa thượng. Chi bằng chịu lỗi, gạt nó như vầy: Nhắm chừng nó nấu cơm đã xong, ta đem đồ ăn cho nó. Ðợi ngồi mâm thì đóng cửa. Cầm lại đó mà đợi thầy về. Thầy xử lẽ nào tự ý.

Thanh Phong khen phải, đồng mừng rỡ trở vào.

Khi ấy Thanh Phong, Minh Nguyệt đến lạy Ðường Tăng mà chịu lỗi rằng:

– Khi nãy anh em tôi nói xúc phạm nhiều lời, xin sư phụ miễn chấp.

Tam Tạng hỏi:

– Vì cớ nào mà chịu lỗi?

Thanh Phong nói:

– Trái nhơn sâm chẳng hề mất. Bởi lá rậm nên coi chẳng phân minh. Tôi mới đếm lại rõ ràng còn nguyên hiện.

Hành Giả nghe nói lấy làm lạ nghĩ rằng:

– Cây trái đã tang hoang, sao lại nói còn nguyên hiện. Hay là cây ấy, có phép cải tử hoàn sanh?

Tam Tạng nói:

– Như vậy thì mình dọn cơm mà ăn!

Bát Giới đi dở cơm đem dọn.

Hai tên đồng tử bưng phụ đồ ăn, lại nấu một bình trà ngon mà hờ đó.

Bốn thầy trò mới cầm đũa, hai đồng tử đóng cửa khóa liền.

Bát Giới cười rằng:

– Phong tục ở đây lạ lắm, ai đời ăn cơm còn sớm, mà đóng cửa bao giờ?

Minh Nguyệt nói:

– Phải, phải. Ăn cơm rồi sẽ mở cửa.

Thanh Phong mắng rằng:

– Sãi trọc chết thèm ăn vụng, là một tội rồi, sao lại dám cả gan xô gãy cây nhơn sâm, làm mất giống linh trong ám báu, hỡi còn nói lẻ hay sao? Hoặc đầu thai kiếp khác, mới đi tới Tây Phương, chớ kiếp nầy hết kể.

Tam Tạng nghe nói, thất kinh nghẹn họng, buông đũa thôi ăn.

Hai đồng tử đóng ba vòng cửa, mắng hơn một buổi, rồi vào phòng khóa cửa nghỉ ngơi.

Còn Tam Tạng tức tối, nhiếc Ngộ Không rằng:

– Thằng mặt khỉ tới đâu cũng gây họa. Ðã ăn vụng lỡ thì người ta mắng nhiếc cũng phải nghe, có lẽ nào lại hại cây người cho tuyệt giống, nếu chuyện nầy chúng kiện, dầu ông già mi làm quan xử đoán cũng không lẽ vị tình.

Hành Giả nói:

– Thôi mà, thầy đừng có ngầy lắm! Trời tối hai đứa nó vào phòng hết, đợi nó ngủ mình sẽ trốn mà đi.

Sa Tăng nói:

– Anh ôi! Ba vòng cửa nó khóa hết, lại giấu chìa khóa rồi, mở làm sao cho đặng? Hành Giả cười rằng:

– Không cần gì hết. Lão Tôn có phép thần thông.

Bát Giới nói:

– Ai không biết anh có phép? Anh hóa ra đỉa bò cũng được, hóa ra muổi bay cũng như chơi, ngặt chúng tôi không biết làm sao, phải giơ đầu mà chịu tội.

Tam Tạng nói:

– Nếu nó không đem chúng ta ra hết, thì ta niệm thần chú ngày xưa, coi nó chịu nổi không cho biết.

Bát Giới nghe nói hỏi rằng:

– Thưa thầy, thần chú chi ngày xưa?

Hành Giả nói hớt rằng:

– Bởi em không rõ. Cái niền trên đầu ta, nguyên Quan Âm Bồ Tát truyền cho thầy, thầy gạt ta đội lên, nó dính vào thịt. Hễ niệm thần chú thì niền ấy bóp lại gần bể đầu, nhờ phép thầy trị ta mới đặng. Thầy đừng niệm làm chi cho mệt, bề nào tôi cũng đem ra.

Coi lại trời đã khuya rồi, đạo đồng ngủ hết, Hành Giả nói:

– Bây giờ phải thời đi lắm.

Nói rồi cầm thiết bảng chỉ lên ống khóa, làm phép giải tỏa mở các cửa tức thì.

Tam Tạng lên yên, Sa Tăng dắt ngựa.

Bát Giới gánh đồ hành lý đồng theo Ðại Thánh ra khỏi viện Ngủ trang.

Khi ấy Hành Giả nói:

– Khi tôi làm Tề Thiên đại thánh cỏi tiên, tôi đặt vận ăn cuộc với Tăng trưởng thiên vương. Tôi ăn đặng ít con buồn ngủ, gọi là Hạt thóa trùng. Hễ cho đậu trên con mắt thì buồn ngủ. Ðể tôi trở lại cho hai thằng nhỏ ngủ một tháng cho biết chừng.

Nói rồi đến cửa phòng bắt hai con buồn ngủ quăng vào lỗ song, giống ấy cứ kiếm con mắt người ta mà đậu. Hai người ngủ như say như chết, rồi Hành Giả chạy theo Tam Tạng.

Ðêm ấy ngựa đi không ngừng vó, tới trời sáng mới dừng.

Tam Tạng nói:

– Trời đã sáng rồi, thầy ngồi dựa cội cây mà nghỉ.

Tam Tạng xuống ngựa ngồi dựa cội tòng, còn Bát Giới, Sa Tăng đặt lưng liền ngủ. Còn Hành Giả nhảy thót lên cây.

Nói về Trấn Nguơn đại tiên nghe Nguơn Thủy giảng kinh xong xả, liền dắt đệ tử về am, thấy cửa mở khắp nơi, đèn hương tắt hết. Trước sau không thấy bóng người! Vào đến thấy cửa phòng đóng chặt, hai đạo đồng nằm ngủ li bì! Còn học trò vỗ cửa mà kêu không dậy! Cạy cửa ra kéo hai trò xuống. Cũng mê man như say.

Trấn Nguơn cười rằng:

– Tiên đồng hay quá! Thánh tiên thì tinh thần no đủ, không hề ngủ khi nào, chắc cũng bị ai khuấy chi đó, mới ngủ vùi như vậy.

Nói rồi truyền đệ tử múc nước, niệm chú rồi phun nước vô mặt, hai trò ấy tỉnh liền. Thanh Phong, Minh Nguyệt ngó thấy thầy về động, đồng quỳ lạy thưa rằng:

– Người quen lớn của thầy là sãi Ðông Ðộ mới qua, thiệt là một bầy ăn cướp. Rõ ràng là chánh đảng, chớ không phải lâu la!

Trấn Nguơn đại tiên cười rằng:

– Chuyện chi dữ vậy?

Thanh Phong Minh Nguyệt thuật chuyện lại, và tức mình quá khóc ròng.

Trấn Nguơn đại tiên nổi giận nói rằng:

– Nín đi, đừng khóc, bởi chúng bây không biết họ Tôn; thần thông quảng đại, năm xưa làm phản thiên cung, chúng bây có biết mặt người hại cây báu hay không?

Thanh Phong thưa:

– Biết.

Trấn Nguơn đại tiên nói:

– Biết mặt thì đi theo ta. Còn các trò sắm sửa dây roi, đặng ta bắt đem về khảo. Các tiên đồng vâng lệnh sửa sang.

Khi ấy Trấn Nguơn đại tiên bắt Minh Nguyệt Thanh Phong, đằng vân theo Tam Tạng.

Ði hơn một ngàn dặm ngó không thấy Ðường Tăng.

Ngó ngoái trở lại phía Ðông, Minh Nguyệt Thanh Phong ngó thấy Tam Tạng, liền thưa rằng:

– Ðường Tăng ngồi dựa cội tòng kia kìa.

Trấn Nguơn đại tiên nói:

– Ta đi quá hơn chín trăm dặm, phải không ngó lại, thì kiếm không ra!

Nói rồi biến ra ông đạo sĩ đi đường, tay cầm cái phất chủ.

Ði đến cội tòng nói lớn rằng:

– Tôi chào thầy đó.

Tam Tạng đáp lễ vừa rồi, đạo sĩ hỏi:

– Thầy ở đâu đến đây?

Tam Tạng nói:

– Tôi ở Ðông Ðộ Ðại Ðường vâng chỉ đi thỉnh kinh bên Phật.

Ðạo sĩ làm bộ kinh hãi hỏi rằng:

– Thầy có đi ngang núi tôi chăng?

Tam Tạng nói:

– Không biết núi thầy ở gọi là núi chi?

Ðạo sĩ nói:

– Am Ngũ Trang tại núi Vạn Thọ.

Hành Giả nói hớt rằng:

– Không biết, không biết, chúng tôi cứ đường thẳng mà đi.

Ðạo sĩ điểm mặt Hành Giả mà cười rằng:

– Con khỉ nầy nói giấu ta sao đặng. Mi đến am ta, ăn trái nhơn sâm cho đã, rồi lại gϊếŧ gốc nhổ cây, mi trốn cả đêm nay, hãy còn chối phức! Ðố ngươi đi đâu cho đặng, phải bắt đền cây nhơn sâm cho ta.

Hành Giả nghe nói nổi xung, giơ thiết bảng liền đập.

Ðạo sĩ nhảy lên trên không hiện ra hình thiệt, Hành Giả nhảy theo đập hoài.

Trấn Nguơn đưa phất chủ đỡ mãi, liền giũ tay áo một cái, thâu bốn thầy trò và ngựa với gánh đồ, liền bay về am.

Kêu học trò đem dây ra cho sẳn, bắt từ người trong tay áo đưa ra, mới thấy còn nhỏ như hình hát bội đem ra ngoài lớn như người ta.

Truyền buộc bốn thầy trò vào bốn gốc cột, đóng nọc buộc con ngựa tại căn giữa, gánh đồ để một bên, bảo học trò lấy roi da ra, đánh hòa thượng một hồi, vì sự Huờn đơn thảo.

Khi ấy học trò vào lấy roi da rồng nhún nước, rồi thưa rằng:

– Ðánh người nào trước?

Trấn Nguơn đại tiên nói:

– Ðường Tăng Tam Tạng là thầy cả, mà không biết dạy học trò, thì cứ thầy đánh trước.

Hành Giả hét rằng:

– Thầy nói sai lắm! Tôi hái trộm, tôi ăn vụng, tôi xô gãy cây nhơn sâm sao lại không đánh tôi, để ăn hϊếp thầy cả.

Trấn Nguơn đại tiên cười rằng:

– Con khỉ nầy thiệt gan ruột quá chừng, thôi bây đánh nó trước.

Tiểu tiên nói:

– Thưa thầy, đánh mấy chục roi?

Trấn Nguơn đại tiên nói:

– Ðánh ba chục mà thôi.

Tiểu tiên vâng lời giá roi liền đánh.

Hành Giả thấy roi lớn quá, trợn con mắt coi đánh tại đâu, chẳng ngờ cũng đánh đích. Hành Giả biến ra da sắt mà chịu đòn, đánh ba chục roi thì trời mới đứng bóng, Trấn Nguơn đại tiên biểu đánh Tam Tạng, vì tội dạy không nghiêm để học trò gian ác. Hành Giả nói:

– Thầy nói hϊếp quá! Hồi tôi ăn cắp thầy tôi cũng không hay. Ví dầu có tội chi, tôi là phận học trò xin chịu thế, có đánh bao nhiêu nữa thì đánh tôi đi.

Trấn Nguơn đại tiên khen rằng:

– Con khỉ yêu tuy là gian xảo, mà cũng có hiếu nghĩa với thầy. Vậy thì y theo lời nó xin, đánh thêm ba chục nữa.

Tiểu tiên vâng lệnh đánh y số mới thôi.

Tôn Hành Giả không biết đau chút nào. Dòm sau đít sáng trưng như mặt kiếng.

Khi ấy trời gần tối Trấn Nguơn đại tiên nói:

– Thôi, đem roi ngâm nước một đêm, để mai sẽ đánh nữa.

Ðệ tử vâng lệnh. Rồi đâu đó về phòng.

Còn Tam Tạng khóc ròng than rằng:

– Tại chúng bây làm nhăn, mà báo ta mắc nạn. Bây giờ mới tính làm sao?

Tôn Hành Giả nói:

– Ðừng có cằn nhằn, đợi họ ngủ rồi sẽ trốn nữa.

Ðêm khuya ai nấy ngủ hết.

Tôn Hành Giả biến hình nhỏ, vuột dây ra.

Trước mở trói cho thầy, sau mở cho Sa Tăng Bát Giới. Tam Tạng cỡi ngựa, Sa Tăng gánh đồ.

Hai người mở cửa động đi trước.

Còn Tôn Hành Giả biểu Bát Giới, đốn bốn cây dương, trãi nhánh xong xả, đem vào buột vô bốn gốc cột như cũ.

Tôn Hành Giả niệm thần chú, rồi cắn lưỡi chảy máu phun trên bốn khúc dương.

Hóa ra hình bốn thầy trò, không sai một mảy. Hỏi cũng biết đáp lại như người. Xong rồi Tôn Hành Giả với Bát Giới đóng cửa động như thường, nhảy ra chạy theo Sa Tăng, Tam Tạng.

Ðêm ấy ngựa không ngừng vó, người chẳng nghỉ chân.

Ði tới sáng trắng, Tôn Hành Giả thấy thầy ngủ gục trên lưng ngựa.

Sợ rủi ro té xuống mà khó lòng. Nên kiếm thạch bàn dựa bóng cây, thầy trò đồng nghỉ.

Rạng ngày Trấn Nguơn đại tiên kêu học trò thức dậy.

Ăn cơm mai xong rồi, Trấn Nguơn truyền học trò lấy roi đánh bốn sãi mỗi người ba chục!

Tiểu tiên vâng lệnh. Xách roi ra nói với TamTạng rằng:

– Bữa nay đánh ngươi trước.

Giả Tam Tạng hỏi:

– Ðánh tôi sao?

Tiểu tiên đánh ba chục.

Rồi lại nói với Bát Giới rằng:

– Bây giờ đánh Hòa Thượng mỏ dài.

Bát Giới hỏi:

– Ðánh tôi phải không?

Tiểu tiên cũng đánh y số.

Rồi nói:

– Bây giờ đánh Hòa Thượng mập.

Giả Sa Tăng cũng nói y như vậy.

Tiểu tiên đánh thẳng tay.

Rồi đánh tới giả Tôn Hành Giả.

Thì Tôn Hành Giả thiệt đương ngủ vùng phát lãnh giựt mình nói rằng:

– Không xong! Không xong! Ta ngỡ là hôm qua đánh đã hai lần sáu chục. Bữa nay nó chừa ta. Nên dùng máu lưỡi mà hóa bốn thầy trò. Ai dè nó đánh ta, đau lưỡi quá chịu sao cho nỗi.

Nói rồi thâu phép, hết run hết rét tức thì.

Còn Tiểu tiên mới đánh giả Tôn Hành Giả ba roi, coi lại không phải bốn thầy trò, thiệt bốn gốc dương liễu. Liền vào thưa tự sự với thầy.

Trấn Nguơn đại tiên cười hả hả nói rằng:

– Tôn Hành Giả là một con khỉ yêu nghiệt. Ðã trốn thì thôi ta cũng kiếm. Sao lại đem dương liễu hóa mình chịu thế, khi ta không biết hay sao. Nói thiệt dung mi không đặng.

Nói rồi đằng vân ngó xuống. Thấy thầy trò đi lại hướng Tây.

Trấn Nguơn đại tiên kêu lớn nói rằng:

– Tôn Hành Giả chạy đi đâu cho khỏi? Phải bắt đền cây nhơn sâm cho ta.

Bát Giới nghe kêu lớn, kinh hãi nói rằng:

– Chủ nợ đà theo đệ!

Tôn Hành Giả nói:

– Xin thầy gói hai chữ từ bi lại. Ðể anh em tôi cầu siêu độ cho thầy ấy, thì đi đến Tây phương.

Tam Tạng run lập cập, chưa kịp trả lời.

Ba anh em đằng vân áp đánh.

Khi ấy Trấn Nguơn đại tiên đưa phất chủ ra đỡ. Rồi cũng giũ tay áo, bắt như xưa. Ðem về bắt Tam Tạng ra biểu cột tại gốc hòe. Còn Bát Giới Sa Tăng cột vào hai cây đại thọ. Có một mình Tôn Hành Giả thì trói dộng đầu tại cây cau. Truyền đệ tử lấy mười in vải.

Tôn Hành Giả xem thấy cười rằng:

– Bát Giới! Ông đại tiên tử tế lắm. Ðem vải may áo cho bọn mình, còn dư xé khăn lau miệng nữa.

Nói về Trấn Nguơn đại tiên truyền đệ tử lấy vải vấn cùng mình bốn sãi. Chừa từ cổ sắp lên.

Tôn Hành Giả cười rằng:

– Tưởng là may áo, không dè đại liệm!

Khi ấy các tiểu tiên vấn rồi hết, Trấn Nguơn truyền đem sơn sống sơn chín, tô ngoài vải dày mo. Rồi bảo đem chảo lớn nấu dầu cho sôi, quyết nấu Tôn Hành Giả mà báo cừu cây nhơn sâm.

Tôn Hành Giả nghe nói mừng thầm rằng:

– Mình lâu tắm gội xót ngứa lắm. Sẳn dịp nấy tắm chơi luôn thể, song nghĩ lại Ðại tiên phép nhiệm, không biết có bùa chú ếm chăng, dầu mình chẳng hề gì, e thầy với hai em phải chết.

Nghĩ rồi ngó bốn phía, thấy con sư tử đá bên mái tây. Liền lăn đến đó, cắn lưỡi chảy máu; phun thạch sư tử mà biểu rằng: “Biến biến”. Thiệt biến như hình Hành Giả, còn Tôn Hành Giả tàng hình ẩn trên mây.

Giây phút Tiểu tiên vào thưa rằng:

– Chảo dầu đã sôi rồi.

Trấn Nguơn đại tiên truyền quăng Tôn Hành Giả vào vạc dầu nấu cho rục.

Bốn tiên đồng khiêng Tôn Hành Giả không nổi, phụ thêm bốn người nữa, đỡ cũng không lên.

Lần lần tới mười hai người cũng không nổi, các tiên đồng nói rằng:

– Con khỉ nhỏ mà nó nặng quá tay, miết xuống đất như sắt!

Nói rồi áp lại cộng hai mươi người, rán hết hơi khiêng mới nổi.

Quăng vào chảo nghe một cái cảng!

Dầu văng phỏng mặt các tiên đồng.

Người chụm lửa la lớn rằng:

– Lủng chảo rồi; chảy dầu lai láng.

Coi lại con thạch sư tử nằm trong chảo, không biết Tôn Hành Giả biến đi đâu!

Khi ấy Trấn Nguơn đại tiên ra xem, thấy vậy nổi nóng nói rằng:

– Con khỉ khốn nạn nầy, thiệt là vô lễ dám diễu trước mặt ta, đã trốn khỏi thì thôi, sao lại hại cho bể chảo; thôi thôi bỏ nó đi cho rảnh. Thay chảo khác, nấu dầu Tam Tạng mà báo cừu cây nhơn sâm.

Nói về Tôn Hành Giả ở trên mây nghe nói như vậy, liền hiện xuống trước mặt Trấn Nguơn đại tiên, bái mà nói rằng:

– Ðừng có nấu dấu thầy tôi, để tôi chịu thế.

Trấn Nguơn đại tiên mắng rằng:

– Mi là con khỉ yêu nghiệt, sao hại lủng chảo ta.

Tôn Hành Giả cười rằng:

– Nếu ông không nấu dầu tôi, thì sao đến nổi lủng chảo ngã lò tắt bếp. Phải tại tôi hay sao? Thiệt tình tôi cũng muốn vào chảo mà tắm dầu. Ngặt mắc đại tiện thốn tới, sợ làm bậy trong chảo, nữa sau ông nấu đồ ăn không ngon. Nay xuất cung (đi đại tiện) đã sạch sẽ rồi, nên vào thế cho thầy, kẻo oan và tội nghiệp.

Trấn Nguơn đại tiên nghe nói nổi giận cười gằn, liền bắt Tôn Hành Giả.