Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 43: Gia Cát Lượng Trổ Tài Hùng Biện Lỗ Tử Kính Ra Sức Luận Bàn

Gia Cát Lượng Trổ Tài Hùng Biện

Lỗ Tử Kính Ra Sức Luận Bàn

Lỗ Túc từ biệt Huyền Ðức và Lưu Kỳ rồi dẫn Khổng Minh qua Sài Tang.

Khi xuống thuyền, hai người đàm đạo một hồi, Lỗ Túc liền dặn nhỏ Khổng Minh:

– Khi tiên sinh ra mắt Tôn tướng quân, xin chớ nói thiệt quân Tào Tháo có nhiều nhé!

Khổng Minh gật đầu nói:

– Tử Kính chớ lo, tôi sẽ có lời đối đáp.

Khi đến Sài Tang, Lỗ Túc liền mời Khổng Minh lên quán dịch tạm nghỉ, rồi vào trước ra mắt Tôn Quyền.

Lúc ấy Tôn Quyền đang nhóm hết các tướng để thương nghị, nghe Lỗ Túc về liền triệu vào hỏi:

– Tử Kính qua Giang Hạ thăm dò thế nào?

– Lỗ Túc nói:

– Tôi đã biết qua đại lược, xin để thủng thỉnh sẽ bẩm Chúa công nghe.

– Tôn Quyền lại trao hịch văn cho Lỗ Túc xem và nói:

– Tào Tháo mới sai sứ đem hịch văn này qua đây, bảo ta hiệp binh săn bắn nơi Giang Hạ để bắt Lưu Bị rồi chia đất Kinh, Tương ra mà chiếm cứ. Ý ta chưa quyết.

– Túc đỡ lấy tờ hịch, thấy đại khái như sau:

“Ta vâng mệnh Thiên tử đi đánh kẻ có tội. Cờ mao trỏ xuống miền Nam, Lưu Tông phải bỏ chạy, quân dân Kinh, Tương đều theo gió quy hàng. Nay ta thống xuất trăm vạn quân, ngàn viên thượng tướng, muốn cùng Tướng quân qua Giang Hạ hội binh cùng đánh Lưu Bị, chia đôi đất đai, kết hòa hiếu mãi mãi. Xin chớ nghi ngờ, kíp gởi hồi âm phúc đáp…”

– Túc xem xong rồi hỏi lại:

– Ý Chúa công thế nào?

– Tôn Quyền nói:

– Ý ta chưa quyết

– Trương Chiêu tiến lên nói:

– Tào Tháo xua binh trăm vạn, lại lấy danh nghĩa Thiên tử chinh phạt bốn phương. Ta chống cự thì danh không thuận. Vả lại Chúa công có thể cự với Tào Tháo được là nhờ có sông Trường Giang hiểm yếu. Nay Tào Tháo đã chiếm Kinh châu, thì cái hiểm của sông Trường giang Tháo đã chia mất của ta một nửa, vì thế ta chẳng nên đánh. Theo ngu ý không gì bằng hiệp binh với hắn để rồi chia đất. Ðó là kế vạn toàn…

– Các mưu sĩ đồng thanh nói:

– Lời Tử Bố nói rất phải.

Tôn Quyền cứ làm thinh trầm ngâm không nói.

Trương Chiêu lại nói tiếp:

– Chúa công chớ có nghi ngại, nếu hàng Tào Tháo thì Ðông Ngô được an, sáu quận đất Giang Nam cũng đều giữ được.

– Tôn Quyền cũng cứ ngồi trầm ngâm không đáp.

Sau đó, Tôn Quyền đứng dậy vào nhà trong.

Lỗ Túc bước theo.

Tôn Quyền hiểu ý liền quay lại hỏi Lỗ Túc:

– Ý của khanh như thế nào?

– Lỗ Túc nói:

– Lời mọi người vừa bàn đó, thực làm hỏng việc của Chúa công. Các người ấy hàng là phải, nhưng Chúa công thì không thể nào hàng được.

– Tôn Quyền hỏi:

– Vì cớ gì vậy?

– Lỗ Túc nghiêm trang đáp:

– Như bọn Túc này mà hàng Tháo, vẫn được làm quan, thế nào Tháo lại chẳng ban cho mỗi người một chức Châu, Quận hoặc tương đương. Nhưng Tướng quân mà hàng Tháo thì… ôi, còn biết về đâu? Ngôi chẳng qua đến phong Hầu. Xe bất quá được một cổ, ngựa bất quá được một con, quân hầu nhiều lắm được năm bảy tên. Như thế phỏng còn quay mặt hướng Nam mà xưng “Cô”, xưng “Quả” được chăng? Lời mại người nói ra đều là vị kỷ. Ai cũng chỉ biết có thân họ, vợ con họ mà thôi… Thật không nên nghe! Tướng quân nên sớm lo kế lớn mới được.

– Tôn Quyền nghe xong than:

– Nghị luận của mọi người quả làm cho ta hết trông cậy. Tử Kính nói ra kế lớn, chính hợp lòng ta. Thật là Trời đem Tử Kính ban cho ta vậy. Ngặt binh Tào Tháo đã được binh của Viên Thiệu, lại mới thắng Kinh châu, ta e khó cự địch với hắn.

– Lỗ Túc thưa:

– Tôi đến Giang Hạ, có đưa được người em của Gia Cát Cẩn về đây. Chúa công nên mời vào hỏi xem, để biết rõ hư thực của quân Tào.

– Tôn Quyền nghe nói mừng rỡ hỏi:

– Ngọa Long tiên sinh có đây sao?

– Lỗ Túc đáp:

– Hiện còn ở nơi quán dịch.

– Tôn Quyền nói:

– Hôm nay trời đã tối, khoan ra mắt đã. Ngày mai họp hết các tướng văn võ rồi mới hắn vào để cho hắn thấy nhân vật ở đất Giang Ðông ta, sau đó sẽ lên công đường bàn việc.

– Lỗ Túc vâng mệnh lui ra.

Hôm sau Lỗ Túc đến quán dịch mời Khổng Minh rồi lại ân cần dặn nhỏ:

– Tiên sinh vào ra mắt Chúa tôi, xin chớ nói binh Tào nhiều mạnh nhé!

– Khổng Minh cười nói:

– Chừng đó tôi sẽ tùy cơ ứng biến.

– Khi Lỗ Túc đưa Khổng Minh đến trước trướng, đã thấy bọn Trương Chiêu, Cố Ung ngồi cùng một đám văn võ hơn hai mươi người, áo mão rực rỡ.

Khổng Minh liền ra mắt từng người, hỏi thăm tên họ xong, lại ngồi nơi khách vị.

– Bọn Trương Chiêu thấy Khổng Minh tướng mạo đoan trang, có một vẻ thầm lặng, biết ngay là người du thuyết, liền kiếm lời ghẹo trước:

– Tôi là bọn sĩ phu hèn mạt bên Ðông Ngô có nghe tiên sinh đã lâu, nằm ở trên cao là chốn Long Trung, thường sánh mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị. Ðiều đó có quả vậy chăng?

– Khổng Minh mỉm cười đáp:

– Ðó chỉ là câu ví tầm thường hồi Lượng này còn nhỏ tuổi.

– Trương Chiêu lại nói:

– Mới đây tôi có nghe Lưu Dự Châu đi cầu tiên sinh ba phen nơi thảo lư, mới hân hạnh được tiên sinh ra giúp, coi như “cá gặp nước”, những tưởng ra tay một chút là quét sạch đất Kinh châu. Nay Kinh châu phút chốc bỗng về tay Tào Tháo! Chẳng hiểu chủ kiến tiên sinh thế nào?

– Khổng Minh thầm nghĩ:

– Trương Chiêu là một tay mưu sĩ thứ nhất của Tôn Quyền, nếu trước chẳng phục được hắn thì làm sao nói cho Tôn Quyền nghe được.

– Liền đáp:

– Ta coi việc lấy đất Hán thượng như trở tay, ngặt vì Chúa ta là người nhân nghĩa, chẳng nỡ đoạt cơ nghiệp của người đồng tông, nên khước từ không chịu. Lưu Tông là đứa trẻ thơ, nghe lời xiểm nịnh lén đầu Tào Tháo, nên Tào Tháo mới lộng hành như vậy. Nay Chúa ta đóng binh nơi Giang Hạ còn nhiều kế hay, những kẻ tầm thường không sao hiểu được.

– Trương Chiêu lại nói:

– Nếu vậy, lời nói với việc làm không đi đôi với nhau. Tiên sinh thường ví như Quản Trọng với Nhạc Nghị. Quản Trọng làm Tướng quốc nước Tề, giúp Hoàn Công đánh dẹp thiên hạ dựng nên nghiệp bá. Còn Nhạc Nghị giúp nước Yên là một nước nhỏ yếu, mà hạ được Tề hơn bảy mươi thành. Hai người ấy mới thật là có chân tài tế thế. Chớ như tiên sinh cứ trong chốn thảo lư cười trăng ngạo gió, ôm gối ngâm thơ. Nay ra phò Lưu Dự Châu thì lúc chưa có tiên sinh vẫn còn tung hoành trong thiên hạ, chiếm cứ được thành trì. Nay được tiên sinh, người người trông cậy, những tưởng hùm đữ thêm cánh, ắt quét sạch binh Tào không có chỗ đất mà ở, ai cũng trông đợi tiên sinh sẽ quét sạch mây mù trên trời cao để thấy rõ ánh sáng của mặt trời, mặt trăng. Ngờ đâu, Lưu Dự Châu được tiên sinh rồi, binh Tào vừa kéo ra đã quăng thương bỏ giáp chạy dài, trên chẳng giúp được Lưu Biểu cho an dân thứ, dưới chẳng giúp được kẻ mồ côi giữ gìn cương thổ, lại bỏ Tân dã chạy qua Phàn Thành, thua nơi Tương Dương chạy qua Hạ Khẩu, không còn chỗ đất dung thân. Ấy là lúc Lưu Dự Châu đã được tiên sinh rồi sao lại không bằng lúc trước vậy? Quản Trạng, Nhạc Nghị có như thế sao? Lời tôi nói ngay xin tiên sinh chớ chấp.

– Khổng Minh nghe nói cười ngất đáp:

– Chim bằng bay muôn dặm, bầy chim sẻ há hiểu được cái chí hay sao? Việc lớn gặp nguy nan cũng ví như người đau bệnh nặng, trước phải dùng nước cháo loãng cho ăn, rồi hòa thuốc cho uống. Ðợi chừng phủ tạng điều hòa, cơ thể tạm yên mới dám dùng cá thịt tẩm bổ, lấy thuốc mạnh cho uống, thì căn bệnh mới dứt. Nếu chẳng chờ mạnh, cứ đổ thuốc mạnh vào thì e khó sống. Chúa tôi là Lưu Dự Châu lúc bại binh nơi Nhữ Nam qua Lưu Biểu, binh không đầy một ngàn, tướng chỉ có Quan, Trương, Triệu mà thôi, ấy rõ là bệnh đang lúc ngặt nghèo đó. Thành Tân dã là chỗ rừng núi hẹp hòi, nhân dân rất ít, lương thực không đủ, Lưu Dự Châu bất quá là tạm dung thân, há đi giữ chỗ ấy làm gì? Trong lúc binh giáp không đủ, lương thực không có, thành quách không bền mà đốt được binh giặc nơi Bác Vọng, dùng nước nhận chìm quân địch nơi Bạch Hà, làm cho bọn Hạ Hầu Ðôn và Tào Nhân tan hồn vỡ mật. Xét như Quản Trọng và Nhạc Nghị dụng binh cũng không được như vậy. Ðến như Lưu Tông đầu Tào Tháo, Lưu Dự Châu cũng chẳng hay, lại cũng chẳng nỡ nhân lúc loạn mà đoạt cơ nghiệp của đồng tông, ấy là người đại nhân đại nghĩa đó. Lại lúc kéo binh đi nơi Tương dương cũng vì quyến luyến bá tánh chẳng nỡ bỏ, nên ngày đi chỉ mười dặm, để bảo vệ bá tánh ấy cũng là việc đại nghĩa đó. Ít không địch nổi nhiều, thua được, được thua cũng là chuyện thường. Như xưa kia, đức Cao Hoàng thua luôn Hạng Vũ bao nhiêu trận, mà sau nơi Cai Hạ đánh một trận nên công ấy chẳng phải là mưu hay của Hàn Tín hay sao? Mà Hàn Tín phò Cao Tổ đã lâu, nào đã mấy khi thủ thẳng? Thế mới biết những kẻ chủ mưu đều xét đến quốc gia đại kế chớ chẳng phải nhìn vào một chút việc nhỏ để tự đắc khinh người. Khi yên bình ngồi bàn to luận lớn thì không ai bì kịp, khi lâm cơn ứng biến th ì trăm điều không có một điều hay, ấy mới bị người ta cười chê.

– Khổng Minh nói luôn một thôi như thế, khiến cho Trương Chiêu tái mặt không có một lời đáp lại.

Cũng trong đám ấy có một người ứng tiếng nói:

– Tào Tháo đóng binh trăm vạn, chiến tướng ngàn viên, muốn đến nuốt đất Giang Hạ, ông thấy thế nào?

– Khổng Minh xem lại người ấy là Ngu Phiên, liền đáp:

– Tào Tháo thu được những quân ong bầy kiến của Viên Thiệu, cướp được những binh ô hợp của Lưu Biểu, thì dẫu có mấy trăm vạn cũng không đáng sợ.

– Ngu Phiên cười lạt nói:

– Binh bại nơi Tương Dương, thế cùng nơi Hạ Khẩu, nay phải khúm núm đi cầu người ta mà còn nói là không sợ, thật là lời khoe khoang và khinh người đó.

– Khổng Minh nói:

– Lưu Dự Châu với vài ngàn quân nhân nghĩa địch sao lại trăm vạn quân bạo tàn? Nay phải lui về giữ Hạ Khẩu là để đợi thời cơ. Chớ như Giang Ðông binh hùng tướng mạnh lại thêm có sông Trường Giang hiểm trở mà họ còn khuyên chúa họ đầu giặc, không nghĩ đến việc thiên hạ chê cười, ấy mới là đáng chán! Cứ xem thế thì quả Lưu Dự Châu không sợ binh Tào vậy.

– Ngu Phiên đối lại không được. Trong đám ấy lại có người lên tiếng hỏi:

– Tiên sinh muốn bắt chước Tô Tần, Trương Nghi, đem ba tấc lưỡi sang du thuyết Ðông Ngô sao?

– Mọi người nhìn lại, thì ra Bộ Chất (tên tự là Tử Sơn). Khổng Minh mỉm cười:

– Tử Sơn chỉ coi Tô Tần, Trương Nghi đều là biện sĩ, mà không biết Tô, Trương chính là những người hào kiệt, hết lòng vì xã tắc: Tô Tần đeo Tướng ấn sáu nước, Trương Nghi hai phen phò chúa nên nghiệp lớn. Hai người như thế không thể đem sánh với hạng sợ mạnh hϊếp yếu, trốn đao tránh gươm như vậy đâu? Các ông mới nghe Tào Tháo bày lời dối trá đã sợ xin đầu. Vậy mà dám cười Tô Tần và Trương Nghi sao?

– Bộ Chất làm thinh. Bỗng có một người ứng tiếng hỏi nữa:

– Tiên sinh cho Tào Tháo là người thế nào?

– Khổng Minh quay lại thấy Tiết Tổng, liền đáp:

– Tào Tháo là đứa giặc của nhà Hán, còn phải hỏi gì nữa?

– Tiết Tổng nói:

– Lời nói đó sai rồi. Nhà Hán truyền xuống tới nay đã hơn bốn trăm năm, số trời đã gần hết, nay Tào công đã có trong tay hai phần ba thiên hạ. Lưu Dự Châu chẳng biết thời trời, ý muốn cường tranh, cũng như lấy trứng chại đá, lẽ nào chẳng bại?

– Khổng Minh vùng nói lớn:

– Tiết Kính Văn sao lại nói lời không cha, không chúa như vậy? Phàm làm người đứng trên trời đất, phải lấy trung hiếu làm gốc lập thân. Ông đã làm tôi nhà Hán, thấy có kẻ trái đạo thần tử như thế, thì phải thề với lòng, tìm kế tru diệt nó đi, mới là đúng đạo làm tôi chứ? Như Tào Tháo, tổ tông đời đời ăn lộc Hán, mà chẳng lo báo đền lại mưu đồ soán nghịch, thiên hạ đều oán hận, ông lại cho là thiên số. Thật rõ ràng là người không chúa không cha, xin đừng nói nữa.

– Tiết Tổng thẹn đỏ mặt, ngồi câm miệng hến.

– Chợt có người cất tiếng vặn hỏi:

– Tào Tháo tuy hϊếp Thiên tử, sai khiến chư hầu, nhưng cũng là dòng dõi của Tướng quốc Tào Tham. Còn Lưu Dự Châu tự xưng là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương mà chẳng có gì làm bằng cứ! Hiện mắt trông thấy, chỉ là một kẻ dệt chiếu, đóng giày thì có đủ chi mà tranh với Tào Tháo?

– Khổng Minh xem lại, người ấy là Lục Tích, liền cười ha hả:

– Ông có phải là Lục Lang ăn cắp quít của Viên Thuật lúc nọ đó không? (1). Xin ngồi lại để tôi nói một lời. Tào Tháo là dòng dõi của Tào Tung, thế thì đời đời phải làm tôi nhà Hán. Nay nó lại chuyên quyền, rõ ràng là không chúa không cha, chẳng những trái với triều đình mà cả với dòng họ nữa. Như vậy Tào Tháo chẳng những là tôi loàn của nhà Hán, mà còn là con giặc của họ Tào nữa. Còn Lưu Dự Châu đường đường thuộc dòng vương thất, chính Ðức Ðương Kim Hoàng Ðế, tra vào Hoàng tộc thế phổ mà gọi là Hoàng thúc, ban cho danh tước rành rành, sao ông lại bảo là không căn cứ? Vả lại, Ðức Cao Tổ cũng xuất thân là một viên Ðình trưởng, sau lại được thiên hạ, tưởng cái việc dệt chiếu, đóng giày không phải là hèn mạt vậy. Cái kiến thức của ông thật là tuồng trẻ con, không đáng đàm luận với bậc cao sĩ.

– Lục Tích nghẹn họng không nói được nữa. Kế có một người đứng dậy nói:

– Những lời Khổng Minh vừa nói ra, chẳng qua là cưỡng từ đoạn lý, chớ không phải là lời luận chánh yếu. Nhưng thôi, hà tất phải cãi vã làm gì. Ðể tôi hỏi Khổng Minh một câu: chẳng hay tiên sinh bình nhật chuyên nghiên cứu kinh điển gì?

– Khổng Minh xem ra là Nghiêm Tuấn liền đáp:

– Phàm nói ra mà tìm từ bài, lựa từ câu, ấy là học trò dốt, nào phải người giúp nước. Còn như ông Y Doãn cày ruộng nơi đất Sằn, ông Tử Nha câu cá nơi sông Vị, với những ông Trương Lương, Trần Bình, Cảnh Cam, Hạng Vũ đều là những người biết tế thế an bang, tùy cơ ứng biến, vậy ai biết họ đã dùng kinh điển gì? Hay là bắt chước bọn thư sinh mặt trắng, mới biết đua đòi việc bút nghiên đã khua môi uốn lưỡi, múa văn giỡn mực, vậy đâu phải là người tài.

– Nghiêm Tuấn xấu hổ làm thinh. Lại có người nói:

– Ông ưa lý luận theo thời sự mà thôi, chưa chắc là người có học cao, e bị học trò nhỏ cười.

– Khổng Minh biết người ấy là Trình Bỉnh (tự là Ðức Khu), vốn người xứ Nhữ Nam, nên nói:

– Trong Nho giáo cũng có chia ra hai hạng: quân tử nho và tiểu nhân nho. Quân tử nho là kẻ biết phò vua, giúp nước, thương dân, ưa chánh ghét tà, lo cho ngày nay mà còn phải để danh thơm cho hậu thế. Còn tiểu nhân nho là kẻ lo giàu lo nghèo, lúc xuân xanh ưa làm thơ, khi già cố xem cho hết sách viết ra để tỏ mình là người lưu loát, chớ trong lòng không được một kế. Như Dương Hùng là người có danh trong làng văn, lại hạ mình thờ Vương Mãng chẳng khỏi có ngày phải gieo đầu từ lầu cao xuống đất mà chết, đó gọi là tiểu nhân nho. Thử hỏi: dù đi ít bước làm được bài thơ, hay là một ngày làm được muôn bài cũng chẳng ít lợi g ì?

– Trình Bỉnh nghẹn lời, đối lại không được.

– Ai nấy thấy Khổng Minh đối đáp như nước chảy, mọi người đều thất sắc.

– Lúc ấy có Trương Ôn và Lạc Thống còn muốn hỏi nữa, bỗng từ ngoài có một võ tướng chạy vào, nói lớn như quát lên:

– Khổng Minh là bậc kỳ tài trong thiên hạ, các ông lại dùng miệng lưỡi vấn nạn như vậy sao gọi là giữ lễ. Nay đại binh của Tào Tháo đã đến, các ông không lo kế chống ngăn, cứ ngồi đấu khẩu với nhau như vậy ích gì?

Mọi người xem lại, mới biết người ấy là Hoàng Cái (tự là Công Phúc), vốn quê ở Linh Lăng, hiện đang làm chức Lương Quan tại Ðông Ngô.

– Trách bọn mưu sĩ xong, Hoàng Cái bảo Khổng Minh:

– Tôi thiết nghĩ: “Nhiều lời mà không có ích lợi chẳng bằng làm thinh không nói”. Sao ông không lấy lời kim thạch luận bàn với Chúa tôi, lại biện bạch làm chi với mấy người ấy?

– Khổng Minh nói:

– Mấy người ấy không biết thời vụ, cứ theo vấn nạn, tôi không thể không đáp.

– Sau đó, Hoàng Cái và Lỗ Túc dắt Khổng Minh vào trong, bỗng gặp Gia Cát Cẩn.

Khổng Minh vừa thi lễ, Gia Cát Cẩn đã hỏi:

– Hiền đệ đã qua đến Giang Ðông, sao không đến thăm anh vậy?

– Khổng Minh nói:

– Em đã phò Lưu Dự Châu rồi, phải lo việc công trước, rồi sau mới đến việc tư. Nay mới đến đây, việc công chưa xong, chẳng dám nghĩ đến việc tư, xin anh miễn chấp.

– Gia Cát Cẩn nói:

– Nếu vậy, hiền đệ ra mắt Ngô Hầu, việc xong rồi đến nhà chuyện vãn cùng anh.

– Cẩn dặn rồi liền đi ra ngoài.

– Lỗ Túc lại dặn Khổng Minh:

– Những điều tôi dặn dò, mong tiên sinh chớ quên.

– Khổng Minh cũng gật đầu. Vào đến nơi, Tôn Quyền bước ra nghinh tiếp rất ân cần cung kính, lại mời Khổng Minh lên ngồi trên, còn các quan đứng hai bên hầu.

Lỗ Túc cũng đứng một bên Khổng Minh nghe luận đàm câu chuyện.

– Khổng Minh liếc nhìn sắc diện Tôn Quyền, mắt xanh râu đỏ, tướng mạo đường đường, nghĩ thầm:

– Người này phải lấy lời lẽ nói khích chớ không thể nói khéo được!

Tả hữu dâng trà nước xong, Tôn Quyền nói với Khổng Minh:

– Thường nghe Tử Kính khen tài túc hạ, nên cô muốn gặp mặt song chưa có kịp, nay được gặp ở đây, thật là điều may mắn.

– Khổng Minh nói:

– Lượng là người trí mọn, tài hèn, có đủ chi mà Tướng quân dạy thế.

– Tôn Quyền nói:

– Túc hạ giúp Lưu Dự Châu đánh với Tào Tháo nơi Tân Dã, chẳng biết binh tướng của Tào Tháo hư thực như thế nào?

– Khổng Minh đáp:

– Lưu Dự Châu binh ít tướng thiếu, vả lại Tân Dã thành nhỏ, không lương thì làm sao chống cự cho lại.

– Tôn Quyền hỏi:

– Binh Tào cộng hết ước được bao nhiêu?

– Khổng Minh đáp:

– Binh bộ, binh kỵ, và binh thủy ước chừng độ hơn trăm vạn.

– Tôn Quyền nói:

– Có phải là dối chăng?

– Khổng Minh đáp:

– Không phải tôi dối đâu. Tào Tháo từ lúc ở Duyện châu đã có sẳn quân Thanh châu hơn hai mươi vạn, khi đánh được Viên Thiệu rồi lại được thêm năm, sáu mươi vạn. Còn thêm binh mới mộ ở Trung nguyên được ba, bốn mươi vạn. Nay lại được binh Kinh châu hai, ba mươi vạn nữa. Cứ thế mà tính thì ít ra Tháo có trên 150 vạn binh. Tôi nói như vậy là nói ít đi, vì sợ làm cho tướng sĩ Giang Ðông nản lòng đó thôi.

– Lỗ Túc thấy Khổng Minh nói như vậy thất kinh, liền đứng một bên nháy nhó.

Khổng Minh giả vờ không thấy.

– Tôn Quyền lại hỏi nữa:

– Bộ hạ, chiến tướng của Tào Tháo được bao nhiêu?

– Khổng Minh nói:

– Những kẻ sĩ túc trí đa mưu với chiến tướng quen xung trận ước chừng trên vài ngàn người.

– Tôn Quyền lại hỏi:

– Nay Tào Tháo lấy được Kinh châu rồi, liệu còn mưu tính gì xa nữa không?

– Khổng Minh nói:

– Nay hắn đóng trại dài theo mé sông, sắm sửa chiến thuyền, nếu chẳng muốn lấy Giang Ðông thì đi lấy xứ nào?

– Tôn Quyền lại hỏi:

– Nếu hắn có ỵ tóm thâu Giang Ðông thì phải đánh hay không đánh, xin túc hạ quyết định giùm cho ta.

– Khổng Minh nói:

– Lượng có một lời muốn nói, nhưng sợ Tướng quân không chịu nghe mà thôi…

– Tôn Quyền nói:

– Xin cứ cho nghe lời cao kiến?

– Khổng Minh nói:

– Trước đây, thiên hạ đại loạn, lệnh tôn lấy nơi Giang Ðông, còn Lưu Dự Châu tụ chúng nơi Hán Nam để tranh thiên hạ với Tào Tháo. Nay Tào Tháo đã trừ được đại nạn, đâu đó đã bình. Mới đây lại lấy được Kinh châu oai danh rúng động, dầu ai có chí anh hùng đi nữa cũng không có đất dụng võ, nên Lưu Dự Châu mới lánh ra Hạ Khẩu. Vậy còn một Tướng quân, xin hãy nên xét lại lực lượng của mình. Nếu dùng được binh Ngô-Việt chống nhau với Trung quốc, thì phải tuyệt giao ngay. Bằng liệu thế không kham thì thôi cứ nghe theo lời các mưu sĩ mà bỏ giáp, bỏ thương quay mặt về hướng Bắc, đầu hàng phứt đi cho rồi.

– Tôn Quyền lúng túng chưa biết đáp ra sao, Khổng Minh lại nói tiếp:

– Tướng quân bề ngoài giỏi tiếng phục tùng, nhưng bên trong còn nghi kỵ, toan tính nước đôi. Việc đã cấp bách mà không dứt khoát, thì họa đến không biết ngày nào đó.

– Tôn Quyền thấy Khổng Minh biết được ý mình, thất kinh nói:

– Nếu như túc hạ nói thì sao Lưu Dự Châu không hàng Tào đi cho rồi, còn chống cự lại làm chi?

– Khổng Minh nói:

– Xưa Ðiển Hoành là một tay tráng sĩ nước Tề, vậy mà còn giữ nghĩa chẳng chịu nhục thay, huống chi nay Lưu Dự Châu là dòng vương thất, tiếng anh hùng lừng lẫy trên đời, hiền sĩ xa gần đều trông ngóng, dẫu việc không thành cũng là tại số trời, đâu bao giờ chịu nhục đầu hàng đứa giặc.

– Tôn Quyền nghe Khổng Minh nói lời ấy, bất giác sa sầm nét mặt, vùng đứng dậy bỏ đi vào. Các quan đều mỉm cười, bỏ ra về hết.

– Lỗ Túc trách Khổng Minh:

– Tiên sinh sao lại nói như vậy, may là Chúa tôi có đức khoan hồng độ lượng, không quở trách ngay trước mặt. Lời tiên sinh nói đó thiệt là khinh bạc Chúa tôi.

– Khổng Minh liền ngước mặt lên cười nói:

– Sao mà độ lượng hẹp hòi quá vậy? Tôi có kế phá Tào, tại người chẳng hỏi nên tôi không nói.

– Lỗ Túc nói:

– Nếu tiên sinh có kế hay, tôi phải vào thỉnh Chúa công ra đây đàm đạo mới xong.

– Khổng Minh nói:

– Ta coi trăm vạn quân Tào không khác gì đàn kiến. Ta chỉ ra tay một cái là chúng tan như cám!

– Lỗ Túc nghe nói thế, lập tức vào hậu đường xin bẩm Tôn Quyền.

Bấy giờ Tôn Quyền còn đang tức giận chưa nguôi, thấy Lỗ Túc đi vào liền bảo:

– Gia Cát Lượng thật bậy! Y coi thường ta quá lắm!

– Lỗ Túc nói:

– Tôi cũng trách Lượng như thế, thì y lại cười Chúa công hẹp lượng dung người, chứ kế phá Tào y vẫn có sẳn, nhưng không chịu khinh xuất mà nói ra đấy thôi. Sao Chúa công không ngỏ lời mà hỏi?

– Tôn Quyền nghe nói, hết cả giận, vui mừng lên ngay:

– Thì ra Khổng Minh vốn có kế hay, nên mới nói khích ta như thế. Vì ta nông nổi chốt lát hiểu lầm, suỵt nữa hỏng mất việc lớn.

Rồi lập tức cùng Lỗ Túc trở ra mời Khổng Minh ngồi lại đàm nghị.

– Tôn Quyền tạ lỗi rằng:

– Vừa rồi lỡ mạo phạm uy nghiêm, xin tiên sinh thứ lỗi!

– Khổng Minh nói:

– Lượng nói năng thất thố xin Tướng quân thứ cho.

– Tôn Quyền mời Khổng Minh trở vào hậu đường bày tiệc rượu thết đãi. Uống được vài tuần, Tôn Quyền liền hỏi:

– Tào Tháo bình sinh chỉ sợ có Lữ Bố, Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Biểu, Lưu Dự châu với cô mà thôi. Nay mấy tay hùng lược kia đã bị diệt, chỉ còn lại Dự châu và Cô Gia. Cô Gia há lại đi hàng nó hay sao? Ý Cô Gia đã quyết, nếu chẳng có Lưu Dự Châu, thì ai mà cự nổi Tào Tháo. Ngặt vì Lưu Dự Châu mới bị thua đây, chẳng hay còn đủ sức lo nạn nầy không?

– Khổng Minh nói:

– Lưu Dự Châu tuy mới thua trận thật, nhưng Quan Vân Trường còn đang xuất lãnh hơn hai muôn binh hùng, Lưu Kỳ còn đang thống lãnh chiến thuyền ở Giang Hạ không kém một vạn người. Binh Tào tuy đông, nhưng ở xa mới đến đã quá mệt mỏi. Như mới đây, vì cố đuổi theo Lưu Dự Châu mà quân khinh kỵ một ngày một đêm phải chạy tới ba trăm dặm. Như thế, dù quân tinh tráng tới đâu cũng phải suy yếu, khác nào cây cung cứng bị giương quá sức đã oằn, đem bắn bức lụa căn cũng khó thủng. Vả lại quân miền Bắc lâu nay chuyên về đường bộ, không thiện nghệ đánh đường thủy thì cũng không đáng lo. Còn quân dân Kinh châu theo Tháo, chẳng qua vì bức bách chẳng phải thực tâm đâu. Nay nếu Tướng quân thật quyết tình đồng tâm hiệp lực với Lưu Dự Châu, ắt phá binh Tào như chơi. Khi binh Tào Tháo lui rồi. Ðông Ngô với Kinh châu chẳng những trở thành thế mạnh, lại tạo thành cái hình “Thiên hạ chia ba chân vạc”! Cái cơ thành bại chính ở lúc này. Chỉ còn đợi Tướng quân quyết định.

– Tôn Quyền mừng rỡ nói:

– Lời tiên sinh nói đó như vạch mở chông gai, ý ta đã quyết chẳng còn nghi ngờ. Ngay ngày hôm nay phải bàn việc khởi binh, chung sức diệt Tào Tháo.

– Nói rồi sai Lỗ Túc đem ý ấy truyền dụ cho khắp văn quan võ tướng hay, và đưa Khổng Minh về quán dịch nghỉ ngơi.

– Trương Chiêu nghe Tôn Quyền muốn đem binh đi đánh Tào Tháo, bàn với các mưu sĩ rằng:

– Chúa công đã trúng kế Gia Cát Lượng rồi!

– Liền dắt nhau đến ra mắt Tôn Quyền nói:

– Chúng tôi nghe Chúa công sắp hưng binh giao chiến với Tào Tháo, nên xin có mấy lời bẩm bạch: Chúa công sánh với Viên Thiệu thế nào? Viên Thiệu binh hùng tướng mạnh, thanh thế vang lừng, còn thua thay, huống chi Tào Tháo nay đem cả trăm vạn quân đánh miền Nam. Chúng ta khinh địch sao được? Nếu nghe lời Gia Cát Lượng mà hất tấp dùng binh, chẳng khác nào lấy bổi khô chữa lửa vậy!

– Tôn Quyền thấy các mưu sĩ can ngăn, chẳng nói gì. Cố Ung cũng nói:

– Lưu Bị bị Tào Tháo đánh bại, nên muốn mượn binh lực Giang Ðông ta để chống đ ỡ đấy. Chúa công lẽ nào để cho người ta lợi dụng như thế? Xin nghe lời Tử Bố là hơn.

– Tôn Quyền vẫn trầm ngâm không nói, ngần ngừ chưa quyết ra sao?

– Bạn Trương Chiêu ra khỏi, Lỗ Túc lại vào ra mắt Tôn Quyền và nói:

– Vừa rồi bọn Tử Bố lại can Chúa công đừng động binh, cố ý khuyên hàng như thế, thật là bọn bề tôi chỉ lo giữ thân xác bảo toàn vợ con, mưu kế vị kỷ đã rành rành, xin Chúa công chớ nghe họ.

– Tôn Quyền vẫn đăm đăm suy nghĩ. Lỗ Túc lại giục:

– Nếu Chúa công còn dùng dằng, ắt hư việc lớn.

Tôn Quyền nói:

– Thôi khanh hãy tạm lui ra, để ta suy tính thật kỹ càng đã.

– Lỗ Túc lui ra. Bấy giờ các quan đang tụ họp bàn tán. Các v õ tướng có những người muốn chiến, còn bọn quan văn đều muốn hàng, thành ra tranh luận ồn ào chẳng đi đến đâu cả.

– Tôn Quyền trở vào cung, nghĩ ngợi nhiều quá, ngồi đứng chẳng an, ăn ngủ không được, phờ phạc cả người mà vẫn chưa biết quyết định ra sao?

– Ngô Quốc Thái thấy vậy liền hỏi:

– Con có việc chi, coi bộ lo lắng quá vậy?

– Tôn Quyền nói:

– Nay Tào Tháo đồn binh nơi Giang Hán, có ỵ dòm ngó Giang Nam, con hỏi các quan văn võ thì kẻ khuyên hàng, người khuyên đánh, ý kiến không đồng.

– Ngô Quốc Thái hỏi:

– Vậy ý con thế nào?

– Tôn Quyền thưa:

– Ý con chưa quyết. Ðánh thì sợ binh ít đánh không lại, mà hàng thì lại e Tào Tháo chẳng dung. Vì thế còn do dự chưa quyết…

– Ngô Quốc Thái nói:

– Mấy lời dặn dò của anh con khi lâm chung, con quên rồi sao?

– Tôn Quyền nghe nhắc như rượu say mới tỉnh, như thức giấc sau cơn mơ.

– Ðó chính là:

Nhớ lời Quốc mẫu khi lâm biệt

Cho được Chu lang lập chiến công

Chú thích:

Hồi ấy, Viên Thuật ở Hoài Nam mở riêng một tiệc dành cho trẻ con các gia đình có tiếng, đặt tên là tiệc Tiểu Diên.

Lục Tích đến dự, vì ăn cắp mấy quả quít đem về cho mẹ, mà được ghi tên vào cuốn “Nhị thập tứ hiếu”.