Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 6: Ðốt Kim Quyết, Ðổng Trác Làm Càn. Giấu Ngọc Tỷ, Tôn Kiên Trái Ước

Trương Phi tế ngựa xấn vào cửa quan, nhưng tên và đá bắn xuống như mưa, không thể nào tiến vào được, phải quay ngựa trở về.

Chư hầu tám xứ cùng mời Lưu, Quan, Trương đến mừng công rồi lại sai người về trại Viên Thiệu báo tin mừng. Thiệu bèn đưa tờ hịch đến Tôn Kiên bảo Kiên tiến binh.

Tôn Kiên liền đem Hoàng Cái, Trình Phổ, đến trại Viên Thuật, rồi cầm gậy vạch xuống đất nói rằng:

– Ðổng Trác với tôi thật không có hằn thù gì, nay tôi không nghĩ gì đến thân, xông pha mũi tên hòn đạn để trừ hắn, trước vì nước nhà, sau để báo thù riêng cho nhà tướng quân (trỏ Viên Ngỗi), thế mà tướng quân nghe lời gièm pha, không phát lương cho tôi, để đến nỗi tôi bị thua, sao tướng quân đành lòng thế được?

Thuật thấy vậy, sợ hãi không biết nói sao, bèn sai đem chém người gièm, để tạ lỗi Tôn Kiên. Khi ấy bỗng có người đến báo với Kiên rằng:

– Trên cửa ải có một tướng cưỡi ngựa đến trại, muốn vào hầu tướng quân.

Kiên từ giã Thuật về trại, gọi hỏi ai, hóa ra viên tướng yêu của Ðổng Trác, tên là Lý Thôi.

Kiên hỏi:

– Ngươi lại đây làm gì?

Lý Thôi nói:

– Thừa tướng chỉ kính trọng tướng quân thôi! Nay thừa tướng muốn kết thân với tướng quân; thừa tướng có một cô con gái muốn gả cho con trai tướng quân.

Tôn Kiên nổi giận mắng rằng:

– Ðổng Trác là thằng nghịch thiên vô đạo, làm xã tắc nghiêng đổ, ta muốn gϊếŧ cả chín họ nhà hắn đi để tạ thiên hạ, sao lại thèm kết thân với hắn! Ta tha chém cho ngươi, ngươi về mau đem dâng cửa ải cho ta. Mau mau lên! Chậm thì ta băm xương ra bây giờ!

Lý Thôi lủi thủi ra về, kể với Ðổng Trác. Trác giận lắm, bèn hỏi Lý Nho.

Nho nói:

– Lữ Ôn Hầu thua trận mới về, quân sĩ ngã lòng cả, không có bụng đánh nhau nữa. Nay nên kéo quân về Lạc Dương, đem vua sang Trường An, để ứng vào lời đồng giao mấy hôm nay có nói rằng:

Mé Tây một nhà Hán.

Mé Ðông một nhà Hán.

Hươu chạy về Trường An,

Mới khỏi phải gặp nạn.

Mé Tây một nhà Hán nghĩa là: đức Cao Tổ ngày xưa đóng đô ở Trường An, truyền ngôi được mười hai vua. Mé Ðông một nhà Hán nghĩa là: vua Quang Vũ đóng đô ở Lạc Dương, cũng truyền ngôi được mười hai vua. Thế là vận trời xoay vần. Nay thừa tướng lại lên thiên đô về Trường An, mới khỏi lo được.

Trác mừng nói rằng:

– Ngươi không nói thì ta không biết!

Trác bèn đem Lữ Bố về Lạc Dương, rồi hội ngay các quan văn võ để bàn việc thiên đô.

Khi các quan đã đến đông. Trác nói rằng:

– Nhà Hán ta ở Lạc Dương, hơn hai trăm năm nay, khí số đã hết. Ta xem bây giờ vương khí tụ ở Trường An. Vậy ta muốn rước vua về đó, các quan nên gấp rút sắm sửa hành trang.

Tư Ðồ là Dương Bưu nói rằng:

– Trường An bị tàn phá đã lâu rồi. Nay bỗng dưng ta bỏ cả tôn miếu, hoàng lăng mà đi sang đó, tôi sề rằng thiên hạ kinh động, mà thiên hạ kinh động lên thì dễ, yên lại thì khó. Xin Thừa Tướng hãy xét cho kỹ.

Trác giận mắng Dương Bưu:

– Ngươi lại dám ngăn trở việc lớn nước nhà à?

Thái Úy là Hoàng Uyển cũng nói rằng:

– Dương Tư Ðồ nói thế phải đấy: trước kia trong lúc Vương Mãng thoán nghịch, kế đến Canh Thủy, Xích Mi nổi loạn, Trường An bị đốt cháy thành ra tro sỏi. Vả lại nhân dân xiêu tán, trăm phần không còn một hai phần. Tôi nghĩ không nên bỏ cả cung điện ở đây mà đi chỗ đất hoang ấy.

Trác nói:

– Tại Lạc Dương đây trộm giặc nhiều lắm, nhân dân loạn lạc, đi mất cả. Trường An có núi Hào, núi Hàm hiểm trở; lại gần Lũng Hữu, đá gỗ và gạch ngói dễ kiếm, sửa sang cung thất độ hơn một tháng thì xong, không ai được nói lôi thôi nữa!

Tư Ðồ là Tuân Sảng lại can rằng:

– Thừa Tướng thiên đô đi thì thiên hạ tất sẽ nhiễu động ngay.

Trác tức mình gắt rằng:

– Ta vì thiên hạ mà lo việc thiên đô, có xá gì những đứa tiểu nhân!

Ngay hôm ấy Trác cách chức Dương Bưu, Hoàng Uyển, Tuân Sảng, giáng xuống làm thứ dân.

Trác trở ra lên xe, thấy có hai người đứng trước vái, trông ra thì là Thượng Thư Chu Bật và Hiệu Úy Ngũ Quỳnh, Trác hỏi có việc gì. Bật nói:

– Chúng tôi nghe thừa tướng muốn thiên đô, nên lại can ngăn.

Trác giận nói:

– Trước ta nghe hai ngươi, dùng Viên Thiệu cho hắn làm quan, bây giờ hắn làm phản. Thế ra hắn với các ngươi cùng một đảng!

Nói rồi, Trác sai võ sĩ đem Chu Bật, Ngũ Quỳnh ra cửa phủ chém, rồi hạ lệnh thiên đô, hạn đến ngày hôm sau phải đi.

Lý Nho xui Ðổng Trác:

– Nay tiền lương thiếu thốn nhiều, ở Lạc Dương nhiều nhà giàu, ta nên tịch thu của cải, lấy phát lương cho quân. Phàm bao nhiêu môn hạ Viên Thiệu ngày trước, nên đem gϊếŧ cả đi để lấy của, sẽ thu được vô số.

Trác lập tức sai năm ngàn quân thiết kỵ đi bắt cả những người giàu ở Lạc Dương, cả thẩy mấy ngàn hộ, mỗi người cắm một lá cờ lên đầu, để bốn chữ “Phản Thần Nghịch Đảng” rồi đem ra ngoài chém tuốt, bao nhiêu của cải lấy sạch.

Lý Thôi, Quách Dĩ, bắt hết cả dân Lạc Dương, ước mấy trăm vạn, đưa sang Trường An, cứ mỗi một toán dân lại cho một đội quân đi đàn áp, người chết ở dọc đường không biết bao nhiêu mà kể. Lại cho quân sĩ đi hãʍ Ꮒϊếp đàn bà con gái, cướp hết lương thực của dân, tiếng kêu khóc động trời chuyển đất. Người nào đi chậm, đằng sau có quân lính đốc thúc: quân lính cầm đao, gϊếŧ người ngay ở giữa đường.

Lúc Trác ra đi, sai phóng hỏa đốt cả cửa nhà dân chúng, và tôn miếu, cung phủ; Nam, Bắc hai cung, lửa khói mù mịt; bao nhiêu cung cấm hóa ra tro cả.

Trác lại sai Lữ Bố khai quật hết cả những lăng tiên hoàng, hậu phi để lấy vàng bạc châu báu. Quân sĩ thấy vậy cũng thừa thế đào mả các nhà quan, nhà dân.

Ðổng Trác sai xếp những đồ vàng bạc vóc nhiễu được vài ngàn xe, rồi bức thiên tử và hậu phi phải sang Trường An.

Tướng Ðổng Trác tên là Triệu Xầm, thấy Trác đã bỏ Lạc Dương, bèn dâng ngay cửa Dĩ Thủy cho Tôn Kiên. Kiên kéo binh vào trước. Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi vào cửa Hổ Lao; chư hầu cũng dẫn quân vào cả.

Tôn Kiên đi đến Lạc Dương thấy trong thành lửa cháy ngùn ngụt, ngọn lửa bốc lên tận trời; dưới đất khói đen mù mịt; trong một quãng hai ba trăm dặm, tịnh không có tiếng gà kêu chó cắn.

Ðầu tiên Kiên sai quân vào dập lửa, đoạn ra lệnh cho chư hầu đến đóng quân mã ở trên bãi đất hoang. Tào Tháo đến, thấy Viên Thiệu cũng ở đấy, bèn hỏi rằng:

– Nay Ðổng tặc đã kéo về Trường An rồi, ta nên thừa thế mà đuổi theo bắt hắn mới phải, Bản Sơ lại đóng quân ở đây, là ý làm sao?

Thiệu nói:

– Chư hầu đều mỏi mệt cả, đuổi theo, tôi sợ không được việc gì.

Tháo nói:

– Ðổng tặc đốt cung thất, bức vua thiên đô; trong nước rối động, dân không biết theo ai. Ðó là lúc trời hại hắn đấy, nhân lúc nầy chỉ đánh một trận là yên thiên hạ, sao các ông không đánh?

Chư hầu đều nói:

– Ta không nên khinh động!

Tháo giận nói rằng:

– Ðồ trẻ con cả, không đáng cùng mưu đồ việc lớn!

Nói rồi tự dẫn hơn một vạn quân, sai Hạ Hầu Ðôn, Hạ Hầu Uyên, Tào Nhân, Tào Hồng, Lý Ðiển, Nhạc Tiếu, luôn ngày đêm đuổi theo Ðổng Trác.

Khi Ðổng Trác đi đến Vinh Dương, Thái Thú là Từ Vinh ra tiếp.

Lý Nho nói:

– Thừa Tướng mới đi khỏi Lạc Dương, tôi sợ có quân đuổi theo nên sai Từ Vinh phục quân ở bên cạnh núi ngoài thành; hễ có quân đuổi theo đi qua thì cứ để cho đi, đợi khi nào đi khỏi chỗ quân phục, trong này ta đánh trở ra, hắn tất thua chạy, bấy giờ ông sẽ đánh chẹn đường, còn quân đi sau tất không dám đánh đuổi nữa.

Trác nghe kế ấy, sai Lữ Bố đem tinh binh đi chặn hậu.

Bố đang đi bỗng có một toán quân Tào xấn đến. Bố cười nói rằng:

– Lý Nho đoán không nhầm!

Bố đem quân mã bày dàn, Tào Tháo tế ngựa lên gọi to:

– Nghịch tặc! Bây bức thiên tử và đem trăm họ đi đâu?

Lữ Bố mắng rằng:

– Tên phản chủ kia, sao dám nói càn?

Hạ Hầu Ðôn vác giáo nhảy ngựa, xông thẳng vào để đâm Lữ Bố. Ðôn với Bố đánh nhau được vài hiệp. Lý Thôi dẫn một đội quân từ bên tả kéo ra. Tháo lại sai Hạ Hầu Uyên ra địch. Lúc bấy giờ lại thấy ở bên hữu có tiếng reo. Quách Dĩ kéo quân ra. Tháo sai Tào Nhân ra địch, nhưng đằng kia ba mặt quân mã đánh dồn lại, thế khó đương nổi.

Hạ Hầu Ðôn chống với Lữ Bố không lại, phi ngựa chạy về. Bố thúc quân vào đánh gấp. Quân Tháo thua chạy kéo về Vinh Dương.

Khi chạy đến dưới sườn núi, bấy giờ đã canh hai, trăng sáng như ban ngày, Tháo sắp sửa hội quân lại làm bếp thổi cơm ăn, bỗng nghe thấy bốn mặt tiếng reo ầm ầm; quân phục của Từ Vinh xông ra. Tào Tháo vội vàng tế ngựa cướp đường chạy trốn; không ngờ gặp ngay Từ Vinh, Tháo lại quay đầy chạy, Vinh giương cung bắn một phát tên trúng ngay vào vai Tháo.

Tháo vừa đeo tên vừa chạy; chạy qua một rặng núi, có hai tên lính phục trong đám cỏ, trông thấy ngựa Tháo đi đến, hai ngọn giáo cùng phóng ra. May đâu một tướng vừa tế ngựa đến, múa đao chém chết hai tên lính, cứu được Tào Tháo.

Tháo trông xem ai thì là Tào Hồng. Tháo bảo Hồng rằng:

– Thôi! Ta đành chết ở đây, hiền đệ nên trốn đi mau.

Hồng nói rằng:

– Xin ngài lên ngựa ngay. Tôi tình nguyện đi bộ.

Tháo hỏi:

– Giặc đuổi đến nơi, ngươi làm thế nào?

Hồng nói:

– Thiên hạ có thể không có tôi, nhưng thiên hạ không thể không có ngài!

Tháo nói:

– Ta nếu lại được sống, thực là nhờ ngươi đó!

Tháo lên ngựa. Hồng cởϊ áσ giáp, cắp đao chạy theo sau.

Chạy đến độ canh tư, chẹn mất đường đi. Ðằng sau nghe thấy tiếng reo hò đã đến nơi. Tháo nói:

– Thôi! Mệnh ta đến thế này, sống sao được nữa!

Hồng kíp vực Tháo xuống ngựa, cởϊ áσ bào ra, cùng Tháo lội qua sông. Vừa qua đến bờ sông bên kia, quân đuổi cũng vừa đến, tên bắn qua sông như mưa. Tháo cứ mặc cả quần áo ướt, lướt thướt mà chạy, chạy mãi đến mờ mờ sáng, được hơn ba mươi dặm, đến một gò đất mới tạm nghỉ hơi một chốc.

Bỗng nghe có tiếng reo, một toán quân mã kéo lại, thì ra Từ Vinh cứ bên kia sông chạy theo lên mạn trên, sang đò đuổi kịp.

Trong khi Tháo đương hoảng hốt. Hạ Hầu Ðôn, Hạ Hầu Uyên vừa đem vài mươi quân kỵ đến, quát to lên rằng:

– Từ Vinh, chớ được hại chủ ta!

Vinh xông đến đánh Hạ Hầu Ðôn. Ðôn vác giáo đâm Vinh ngã xuống ngựa, rồi đánh tan quân Vinh. Ðằng sau, Tào Nhân, Lý Ðiển, Nhạc Tiến cũng dần dần tìm đến, ra mắt Tào Tháo, nửa lo nửa mừng. Tháo thu thập tàn quân, còn độ năm trăm, kéo về Hà Nội. Tàn quân của Trác chạy về Trường An.

Ðây nói ở Lạc Dương, chư hầu chia quân đóng trại. Tôn Kiên dập tắt lửa trong cung, đóng quân trong thành, đặt trướng ngay trên đền Kiến Chương rồi sai quân quét dọn những gạch ngói ở các cung điện. Phàm những lăng tẩm mà Ðổng Trác đã khai quật lên, Kiên sai chôn cất lại cả. Lại cất ba gian điện, lợp cỏ ở trên nền nhà Thái Miếu, đặt linh vị các vua, gϊếŧ trâu mổ bò, mời chư hầu đến tế. Tế xong rồi, các tướng ai về trại ấy.

Kiên về trại, đêm hôm ấy trăng sao vàng vặc. Kiên cầm thanh kiếm ra sân, ngẩng mặt lên xem thiên văn thấy trong tồ tử vi có khí trắng mờ mờ. Kiên than rằng:

– Ðế tinh không được tỏ, cho nên tặc thần loạn nước, muôn dân phải lầm than, kinh thành không còn gì nữa.

Vừa nói vừa rỏ nước mắt khóc. Bên cạnh có tên lính trỏ tay bảo Kiên rằng:

– Kìa, ở phía Nam điện này có hào quang năm sắc, từ dưới đáy giếng bốc lên.

Kiên liền sai quân sĩ đốt đuốc xuống giếng tìm xem. Một lát quân mò đem lên được một cái thây người đàn bà chết đã lâu ngày nhưng chưa nát; người này mặc theo lối của cung đình, dưới cổ đeo một cái túi gấm, mở túi ra xem thấy một cái ấn bằng ngọc, vuông bốn tấc, trên núm dấu chạm năm con rồng; bên cạnh có sứt một miếng phải lấy vàng bịt lại; mặt dấu khắc tám chử triện: “Phụ Mệnh Vu Thiên, Ký Thọ Vĩnh Xương”

Kiên được ấn ngọc ấy, hỏi Trình Phổ, Phổ nói:

– Ðấy là ngọc tỷ truyền quốc. Ngày xưa, Biện Hồ ở dưới núi Kinh Sơn trông thấy chim phượng hoàng đậu ở trên hòn đá, đem đá ấy về tiến vua Văn Vương nước Sở. Lúc phá đá ra trong có hòn ngọc. Ðến đời nhà Tần, năm thứ 26 (221 trước công nguyên) vua Tần sai thề ngọc dũa ra làm ấn quốc bảo. Tám chữ triện viết ở trên mặt ấn là chử Lý Tư. Năm thứ 28 Tần Thủy Hoàng đi tuần đến hồ Ðộng Ðình, gặp sóng to gió lớn, thuyền sắp đắm, vua vội vàng ném ngọc tỷ ấy xuống hồ mới không việc gì. Ðến năm thứ 38, Thủy Hoàng đi tuần đến núi Hoa Âm, đương đi gặp một người tay cầm ngọc tỷ đứng đón đường, đưa cho quân hầu nói rằng: “Ðem cái nầy về trả Tổ Long”

Nói xong rồi biến mất. Ấn ngọc ấy lại về nhà Tần. Ðến năm sau, Thủy Hoàng mất. Tử Anh đem ngọc dâng cho Cao Tổ nhà Hán. Ðến lúc Vương Mãng khởi loạn, hoàng hậu vua Hiếu Nguyên cầm ngọc ấy đánh Vương Tầm, Tô Hiến sứt mất một góc, phải lấy vàng bịt vào. Vua Quang Vũ được ấn ngọc ấy ở Nghi Dương, truyền đến bây giờ. Khi mười tên hoạn quan làm loạn, bức đem Thiếu đế ra Bắc Mang, lúc về thấy mất ngọc tỷ. Nay tướng quân lại tìm được, tất là trời cho tướng quân đó. Ðiềm này là điềm báo tướng quân sẽ làm vua. Vậy tướng quân không nên ở lâu chốn nầy, mà nên về ngay Giang Ðông để mưu toan việc lớn!

– Ngươi nói chính hợp ý ta. Ngày mai ta sẽ cáo bệnh về.

Bàn định xong, Kiên truyền quân sĩ không được nói hở cho ai biết. Không ngờ trong đám quân sĩ có một người cùng làng với Viên Thiệu, biết việc đó, muốn nhân dịp tiến thân, ngay đêm hôm ấy lẻn sang báo với Viên Thiệu.

Thiệu thưởng cho người ấy rồi giữ lại ở trong quân.

Hôm sau Tôn Kiên sang trại Viên Thiệu để cáo từ, nói rằng:

– Tôi hơi khó ở, xin phép về Trường Sa.

Thiệu cười nói rằng:

– Tôi đã biết bệnh của ông rồi. Bệnh ấy là bệnh ngọc tỷ!

Kiên thất sắc, hỏi rằng:

– Ai nói với ông thế?

Thiệu nói:

– Nay chúng ta vì nước đánh giặc. Ngọc tỷ là của báu triều đình, ông bắt được, nên ở chỗ minh chủ, đợi khi nào gϊếŧ được Ðổng Trác, thì đem trả lại cho nhà vua. Nay ông giấu ấn ấy mà bỏ đi, định làm gì?

Kiên cứ chối:

– Ngọc tỷ làm gì có ở tôi?

Thiệu nói:

– Cái gì bắt được ở đáy giếng đền Kiến Chương, bây giờ ở đâu?

Kiên nói:

– Tôi không có của ấy cưỡng bức nhau làm gì thế?

Thiệu nói:

– Mau mau bỏ ra đây, kẻo vạ vào thân bây giờ!

Kiên trỏ tay lên trời thề rằng:

– Tôi được của ấy mà giấu đi, thì sẽ chết dưới mũi tên hòn đạn.

Các tướng đều nói rằng:

– Văn Ðài đã thề như thế, chắc là không bắt được ngọc tỷ.

Thiệu gọi người làm chứng ra, hỏi Tôn Kiên rằng:

– Lúc mò được ngọc, có người này ở đấy không?

Kiên giận lắm, rút ngay kiếm ra, định chém người ấy. Thiệu cũng rút kiếm ra bảo rằng:

– Hễ ngươi chém hắn thì ngươi dối ta.

Nhan Lương, Văn Sú đứng sau lưng Viên Thiệu cũng rút kiếm ra. Sau lưng Tôn Kiên, Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Ðương, cũng cầm đao lăm lăm ở trong tay. Các tướng đều xúm lại can đôi bên. Kiên lập tức trở ra, lên ngựa về nhổ trại, bỏ Lạc Dương đi.

Thiệu giận lắm, liền viết một lá thư, sai người tâm phúc ngay đêm hôm ấy đem sang Kinh Châu, đưa cho quan Thứ Sử là Lưu Biểu, sai Biểu chẹn đường Kiên, lấy lại ngọc tỷ.

Hôm sau có người báo rằng:

– Tào Tháo đuổi Ðổng Trác, đánh nhau ở Vinh Dương thua to trở về.

Thiệu bèn sai người đón Tháo vào trại, ở tiệc rượu cùng với Tháo giải phiền.

Trong khi uống rượu, Tào Tháo than rằng:

– Ta trước kia khởi nghĩa lớn, cốt là muốn vì nước trừ hại. Các ông đã có bụng trượng nghĩa mà đến với tôi, ỵ tôi muốn phiền Bản Sơn đem quân Hà Nội sang đóng ở Mạch Tân; còn các quân Toan, Táo cứ giữ vững Thành Cao, giữ cửa ải Ngao Thương, ngăn Hoàn Viên, Ðại Cốc, khống chế những nơi hiểm yếu. Còn Công Lộ đem quân Nam Dương sang đóng ở Ðan Triết, tiến vào cửa Vũ Quan, để cho cái uy thế ở Tam Phụ to lên. Nơi nào cũng thành cao, hào sâu, không đánh nhau, chỉ giữ làm nghi binh, để thiên hạ trông rõ hình thế, cho ta là kẻ thuận đi trừ gian, thì việc lớn có thể định ngay được. Thế mà các ông dùng dằng mãi chẳng tiến quân, làm mất cả lòng mong đợi của thiên hạ, tôi lấy làm xấu hổ quá!

Lũ Thiệu không ai nói câu gì. Một chốc tiệc tan.

Tháo thấy lũ Thiệu mỗi người một bụng, nghĩ cũng không làm được việc lớn, bèn tự kéo quân về Dương Châu.

Công Tôn Toản thấy tình cảnh thế, cũng chán. Một bữa Toản bảo với Lưu, Quan, Trương:

– Tôi xem Viên Thiệu không làm nên được trò trống gì đâu; ở lâu tất sinh biến , chi bằng chúng ta hãy về.

Bèn nhổ trại về phía Bắc. Ði đến huyện Bình Nguyên, Toản sai Lưu Bị làm tướng ở đó, giữ lấy đất, nuôi lấy quân.

Thái Thú Duyện Châu Lưu Ðại, thiếu lương hỏi vay Thái Thú Ðông Quận là Kiều Mạo, Mạo không cho vay, Ðại đem quân xông vào dinh Mạo, gϊếŧ Mạo rồi thu phục quân sĩ và thu hết của quân lương.

Viên Thiệu thấy chư hầu mỗi người đi một ngả, cũng rời Lạc Dương kéo quân về Quan Ðông.

Thứ Sử Kinh Châu là Lưu Biểu, bắt được thư của Viên Thiệu xin đem quân chẹn đường Tôn Kiên, liền sai ngay Khoái Việt và Sái Mạo dẫn một vạn quân ra đón đường đánh Kiên.

Lưu Biểu, tên chữ là Cảnh Thăng, quê ở Cao Bình, đất Sơn Dương, cũng là tôn thân nhà Hán. Lúc còn nhỏ, Biểu kết bạn với bảy danh sĩ, bấy giờ người ta gọi là “Giang Hạ bát tuấn”. Trong tám người ấy thì một người là Lưu Biểu, còn tám người nữa là: 1- Trần Tường; 2- Phạm Phang; 3- Khổng Giực; 4- Phạm Khang; 5- Ðàn Phu; 6- Trương Kiệm; 7- Sầm Hĩnh.

Biểu cùng bảy người ấy kết làm bạn, nhưng ngoài ra còn có mấy người phù tá. Một là Khoái Lương, người ở Diên Bình, hai là Khoái Việt cũng người ở Diên Bình, ba là Sái Mạo người ở Tương Dương.

Khoái Việt, Sái Mạo dẫn một vạn quân ra chặn đường Tôn Kiên vừa đến đó, Khoái Việt bày trận rồi nhảy ngựa ra.

Kiên thấy Việt, hỏi rằng:

– Khoái Việt cớ sao chẹn đường ta?

Việt nói:

– Ngươi đã làm tôi nhà Hán, sao được giấu ngọc tỷ truyền quốc? Ðưa ra ngay ra đây, ta sẽ cho đi.

Kiên tức lắm, sai ngay Hoàng Cái ra đánh. Sái Mạo múa đao lại địch. Ðược vài hiệp, Cái hoa ngọn roi, đánh trúng ngay miếng kính che ngực Mạo. Mạo quay đầu ngựa chạy. Kiên thừa thế đuổi đánh khỏi cửa ô. Lúc bấy giờ, ở trong núi bỗng thấy chiêng trống khua rầm lên. Thì ra Lưu Biểu vừa dẫn quân đến. Kiên ngồi trên ngựa chào hỏi tử tế, rồi nói với Lưu Biểu rằng:

– Ta với Cảnh Thăng là láng giềng với nhau. Sao Cảnh Thăng lại nở tin lời Viên Thiệu và xử tệ với ta làm vậy?

Biểu nói:

– Nhà ngươi dấu quốc bảo, muốn làm phản à?

Kiên lại thề:

– Ta mà có của ấy ở trong mình, xin chết ở dưới mũi tên viên đạn.

Biểu nói:

– Muốn cho ta tin, nhà ngươi phải để cho ta khám cả đồ hành Lý.

Kiên nổi khùng, mắng Lưu Biểu rằng:

– Tài sức ngươi thấm vào đâu, mà dám khinh ta!

Hai bên sắp sửa giao binh đánh nhau. Lưu Biểu lui ngay. Kiên thấy vậy thả ngựa sấn lại. Bấy giờ quân phục ở sau hai rặng núi kéo ồ ra; sau lưng Khoái Việt, Sái Mạo ập lại, vây bọc lấy Tôn Kiên ở giữa trận.

Thế rõ thực là:

Ngọc tỷ đem về không dùng được,

Lại vì của ấy động binh đao.

Chưa biết Tôn Kiên làm thế nào mà thoát được thân, xem hồi sau sẽ rõ.