MINH CUNG TRUYỆN – CHƯƠNG 30:
NGỌA THÍNH NAM CUNG THANH LẬU TRƯỜNG
(Đêm nằm nghe giọt đồng hồ điểm canh)
*Câu thơ đề trích "Trường Tín thu từ của Vương Xương Linh. Khi xưa, đồng hồ được đổ đầy nước, rơi từng hạt tí tách. Người cung nhân trong đêm khuya nghe thấy giọt nước đồng hồ rơi từng nhịp. Ám chỉ nỗi cô đơn trong đêm
-----------------------------
"Nương nương có dặn dò gì Phần Nhi?" Nhữ Phần hỏi lại Hoàng hậu, đột nhiên thấy trong lòng trống trải, trái tim như bị thắt lại, đau đớn vô cùng.
Hoàng hậu nói với thị: "Đợi sau này, khi Thẩm Nhạc Hy vào cung, ngươi hãy đến hầu hạ nàng ấy. Kể cả sau này Thái Quyên có vào cung, ngươi cũng hãy chọn theo hầu Thẩm thị. Nói với nàng ta, bản cung cảm ơn ân tình của nàng ta. Hãy nhớ lấy lời bản cung hôm nay."
Nhưng từ ánh mắt Hoàng hậu, Nhữ Phần cứ thấy mọi chuyện như thể không đơn giản là vậy. Thế nhưng, là lời cuối cùng của Hoàng hậu, Nhữ Phần vẫn nhẹ nhàng đáp: "Nô tỳ nhất định sẽ giúp nương nương. Nửa đời của nô tỳ được nương nương che chở, nửa đời sau nô tỳ nguyện dùng hết sức để đền đáp ân đức của nương nương."
Hoàng hậu đưa tay vén chỗ tóc mai hơi rối trước trán ra phía sau, giọng yêu yếu nói với Nhữ Phần: "Bản cung đương nhiên không chỉ để ngươi đến đó hầu hạ. Bản cung cũng không đơn thuần là muốn trả ân tình gì đó. Thế nhưng..." Lúc ấy, giọng người chầm chậm lại: "Nhữ Phần à... ngươi không biết đâu. Lúc bản cung đàn xong Trường Môn phú, ánh mắt Hoàng thượng nhìn bản cung rất đỗi ôn nhu ấm áp, rất đỗi cảm thông, rất đỗi chân thành. Cho dù Thẩm thị... nàng ta có làm gì phía sau, bản cung vẫn cảm kích nàng ta vô tận. Chỉ tiếc là Hoàng thượng người..."
"Chỉ tiếc Hoàng thượng người nhẫn tâm với Thái Uyển quá. Người có thể dung thứ tất cả mọi thứ, tất cả mọi người, sao không thể dung thứ cho nỗi lòng của Thái Uyển thϊếp chứ?" Đó là câu cuối cùng Nhữ Phần được nghe thấy từ tiên hậu. Ngày hôm sau, người từ trần.
Nhạc Hy nhìn qua Nhữ Phần. Nàng ta quả nhiên đã khác đi nhiều so với lần đầu gặp ở Khôn Ninh cung. Phong thái, dung nhan, tuổi tác, cũng đều đã khác rồi.
"Ngươi là cận tỳ tâm phúc của Trần Hoàng hậu, chắc ngươi trung thành với tiên hậu nương nương lắm nhỉ?" Nhạc Hy vòng vo một hồi, sau cùng mới nghi hoặc hỏi một câu: "Vậy lấy gì để bản cung tin là sau này ngươi sẽ tuyệt đối trung thành với bản cung đây?" Phải, một tớ không thờ hai chủ.
Nhữ Phần cúi thấp đầu nói: "Nô tỳ và tiên hậu nương nương tình như tỷ muội. Trước khi qua đời, tiên hậu muốn nô tỳ đến hầu hạ nương nương để... trả ân nghĩa năm xưa cho nương nương."
Nhạc Hy hơi sững người, mơ hồ hỏi lại: "Ân nghĩa?"
Nhữ Phần khéo léo lựa các tình tiết kể lại cho Nhạc Hy nghe.
Lúc ấy, Nhạc Hy chợt nhận ra sự đáng thương vô hạn của Thái Uyển – một nữ tử luôn khao khát chân tình. Nàng nào có ân với Thái Uyển cơ chứ? Chính nàng đã bày mưu cho Trích Hoa hãm hại Trần Thái Uyển năm xưa. Trong Tử Cấm Thành rộng lớn bao la này, yêu chân thành đế vương, chắc cũng chỉ có một mình Trần Thái Uyển.
Nhạc Hy nói: "Bản cung tạm thời tin, để ngươi hầu hạ ngoài điện, khi nào bản cung triệu kiến mới được đi vào nội điện. Có điều này bản cung cũng nhắc nhớ ngươi. Hãy yên phận một chút, bằng không bản cung nhất định sẽ trừng phạt. Bản cung có thể dùng kẻ vụng về nhưng không thể dùng kẻ bất trung." Ngữ khí của Nhạc Hy vẫn đạm nhiên và trầm ổn, không có đe dọa, căm phẫn.
Con người nàng xưa nay luôn vậy, bình tĩnh và ung dung.
Nhữ Phần quỳ xuống, dập đầu ba cái, vui mừng: "Nô tỳ tạ ơn nương nương khoan dung."
Nhạc Hy phất phất tay cho Nhữ Phần lui xuống. Hoàng Chiêu Mai đợi Nhữ Phần đi khỏi mới hỏi Nhạc Hy: "Nương nương, người thực sự tin tưởng Nhữ Phần sao?"
Hoàng Chiêu Mai tuy không biết Trần Hoàng hậu đã từng được Nhạc Hy giúp điều gì, thế nhưng Nhữ Phần đến đây hầu hạ có chút không thỏa đáng.
Nhạc Hy cười, vịn tay Phương Hà và Hoàng Chiêu Mai: "Thị là tôi tớ của kẻ khác, đã từng hết mực trung thành với kẻ khác, sao bản cung có thể tin thị chứ?" Nhưng nàng chẳng mấy vướng bận, chỉ nói: "Phương Hà, ngươi có biết Yến Hoa viên ở đâu không?"
Phương Hà có hơi ngạc nhiên: "Có ạ, Yến hoa viên gần với Nhân Thọ cung của Thái hậu nương nương ạ. Từ Vị Ương cung đến Nhân Thọ cung cũng không xa lắm." [1]
[1] Vị Ương cung là một cung trong Tử Cấm Thành, sau được đổi tên là Khải Tường cung rồi Thái Hòa điện.
Nhạc Hy mỉm cười. Phương Hà khi vào đây, có lẽ đã được các vị Thượng nghi [2] cho xem Hậu cung đồ, biết được vị trí các cung trong Tử Cấm Thành.
[2] Thượng nghi: một chức vị của nữ quan.
"Cô cô ở lại tẩm điện đi. Biết đâu Văn Cung phi tìm bản cung không thấy lại to chuyện. Vẫn nên có người ở lại điện." Nhạc Hy không thực sự tin tưởng Hoàng Chiêu Mai tuyệt đối. Nàng ta chung quy cũng là người của Thẩm gia, dù có ơn dưỡng dục với nàng nhưng nàng vẫn không thể không đề phòng.
Chiêu Mai đáp "vâng" một tiếng rồi quay người vào tẩm điện.
Nhạc Hy vịn vào tay Phương Hà bước đi. Chắc chỉ có mình Phương Hà hết lòng trung thành với nàng thôi. Giống như Nhữ Phần hết lòng trung thành với Thái Uyển. Chỉ những người nha hoàn hồi môn mới có thể trở thành tâm phúc của các tần phi trong cung này. Phương Hà cũng thế.
Bước khỏi cổng Vị Ương cung, nàng không khỏi ngoảnh đầu nhìn lại. Cổng Vị Ương cung này đối với nàng đã thành thân thuộc. Nàng đã biết bao lần đi đi lại lại trong Vị Ương cung, ngang qua cánh cổng màu đỏ sẫm này, nhưng lại chưa từng bước ra khỏi đó. Cuộc đời nàng suốt hai mươi ba năm này...
Muời ba năm bị giam hãm trong bốn bức tường dày của Trương gia.
Mười năm bị khóa kín trong cái l*иg son của Thẩm phủ.
Rồi từ nay về sau, nàng lại bị kìm kẹp nơi Vị Ương cung – Tử Cấm Thành này.
Lắc đầu cười khổ sở, nàng bước đi một cách vô thức theo lực kéo của tay Phương Hà. Trên trường nhai [3] dài dặc ngoài cung Vị Ương, vài cung nhân quét rác buổi sớm nép vào bên đường chờ nàng đi qua. Nàng thấy rõ, thi thoảng họ lén đưa mắt lên nhìn nàng ái ngại. Vài cung nữ lắm điều khẽ rỉ tai nhau điều gì mà cười khúc khích.
[3] Trường nhai: hay còn gọi là vĩnh hạng, là đoạn đường nối giữa các cung trong Tử Cấm Thành.
Họ cười điều gì, nàng hẳn là biết rõ. Nàng là phi tần vô sủng, có khi sẽ vô sủng cả đời.
Sống trong hậu điện Vị Ương cung, nàng mới thấu cảm tình cảnh của cung nhân sống trong Tử Cấm Thành hoa lệ này. Khi đêm xuống, bóng tối kia chính là nỗi sợ lớn của mỗi nữ tử. Họ không ngại giấu mình, không sợ bày mưu nhưng lại sợ sự cô đơn trong đêm tối. Đêm trong cung quả là dài biết bao. Cái nữ tử cần bất quá chỉ là một đêm có người bầu bạn. Chỉ có thế, chỉ vậy thôi.
Những đêm đầu đến đây, nàng không ngủ được. Đêm ấy cứ nghe tiếng giọt nước đồng hồ tí tách từng hạt một rơi xuống.
Nàng nghe thấy cả tiếng côn trùng kêu bên ngoài điện, nghe thấy cả tiếng gió đêm bầu bạn với cây lá. Nàng nhìn rõ mảnh trăng cô độc giữa bầu trời ngoài cửa sổ. Trăng kia hóa ra cũng giống nàng – cô độc một mình. Nhiều khi nghĩ, giá nàng có thể hái mảnh trăng kia xuống bầu bạn nơi đêm tối vắng lặng này.
Nỗi cô đơn ấy, nghĩ thôi cũng thấy đáng sợ.
Yến hoa viên vẫn như năm nào – thanh bình và yên ả. Nàng tìm đến gốc cây hồng hạnh năm nào. Nó vẫn còn nơi đó. Trái tim nàng như chợt được bao bọc và sưởi ấm. Nàng hình dung rõ lại, nơi cây hồng hạnh kia mười năm về trước, có một nam tử ngồi đó. Ánh mắt y giống như tia nắng ban mai, dịu dàng và đẹp đẽ lạ thường.
Ký ức giữa y và nàng cũng chỉ có như vậy – đơn thuần và ngắn ngủi biết bao. Phải, ngắn lắm, nhưng nàng vẫn không thể quên.
"Hy tần vạn phúc." Hai người phía sau đồng thanh cất lời.
Nhạc Hy quay đầu, có phần ngạc nhiên: là Đỗ Khang tần và Lư Hòa tần nhập cung cùng nàng. Nàng cũng nhún người đáp lễ: "Khang tần vạn phúc, Hòa tần vạn phúc." Phương Hà cũng khom người thỉnh an hai vị nương nương.
Từ khi vào sống ở Vị Ương cung, Nhạc Hy chưa ra khỏi cung lần nào. Sau đợt tuyển tú nữ, đến giữa tháng, Hoàng hậu cùng Thái hậu nương nương rời khỏi cung đến hành hương ở Ninh Vũ am ngoại thành, cuối tháng mới trở về. Cũng vì thế mà Nhạc Hy cũng chưa tới thỉnh an Hoàng hậu và Thái hậu. Tuy vậy, từ buổi tuyển tú nữ, nàng cũng nắm được lai lịch hai người này. Khang tần đứng ở bên trái, gương mặt hiền lành, chân phương y hệt cái tên – Đỗ Nhược Phân [4]. Nàng ta không có dáng dấp yêu kiều lộng lẫy như Trương Trích Hoa hay Trần Thái Uyển. Vẻ đẹp của nàng ta rất mực thuần phác, mộc mạc, trông không giống một người hợp với cuộc sống trong cung. Nàng ta mặc bộ y phục màu tím nhạt, thêu hoa ban trắng, càng làm nổi bật nét đẹp giản dị vốn có của nàng ta. Đỗ Khang tần xuất thân từ gia đình quan lại, cha là tứ phẩm Tiết độ sứ, ngang hàng với phụ thân của Văn Cung phi nhưng nàng ta không hề có sự kiêu căng, ngạo mạn như Văn thị kia. Hòa tần đi bên cạnh nàng ta xuất thân chắc cũng không hơn là mấy, hình như phụ thân là lục phẩm viên ngoại lang bộ Hộ. Từ bộ y phục nàng ta vận, Nhạc Hy dễ đoán được gia thế nàng ta cũng không quá lớn lao. Thêm dáng vẻ Hòa tần lúc nào cũng e dè, khúm núm, dễ nhận ra là người yếu đuối, tự ti. Tên nàng là là Lư Minh Thiềm. Minh Thiềm – con cóc trên mặt trăng [5]. Thiềm trong "Thu thiềm độc chỉ minh" [5]. Tên "Thiềm"của nàng ta cũng có chút nét giống với chữ "Nguyệt" trong tên của Nhạc Hy khi trước.
[4] Đỗ Nhược Phân: Đỗ nhược là tên một loài hoa dùng làm thuốc. Nhược phân là tên một loại cỏ.
[5] Xưa quan niệm vệt đen trên mặt trăng là bóng con cóc. Vì vậy mặt trăng còn được gọi là "thiềm cung", "minh thiềm" hay "ngân thiềm".
Thu thiềm độc chỉ minh: trích Dạ cú của Trần Sư Đạo. Trăng thu chỉ sáng một mình.
"Bản cung ở Vị Ương cung cũng hơi chán, cho nên đi dạo một chút, không ngờ gặp hai vị tỷ tỷ ở đây. Hai vị thật có nhã hứng." Nhạc Hy nói ung dung, khách khí.
Trong hậu cung, nếu nói không được sủng ái thì cũng chỉ có Hy tần, Khang tần và Hòa tần – cũng là ba người có vị thấp nhất trong số Cửu tần của Hoàng đế.
Hòa tần cười khổ sở một tiếng, nửa tiếc nuối lại nửa chán chường: "Đâu chỉ mình Hy tần? Chúng ta đều là tần phi vô sủng, ngày dài nhàn rỗi, sinh ra chán nản thôi.Bản cung sống ở Thọ An cung, sống cùng với Trang tần nương nương hiền lành, hiểu lễ nghĩa còn là may mắn. Chứ Khang tần và Diêm Lệ tần thì..."
Khi Hòa tần nói đến đó, Khang tần khẽ cúi đầu xuống. Nhạc Hy nhìn dáng điệu ấy, nửa cảm thông lại nửa xót thương. Cuộc sống của Khang tần và Lệ tần khác nào nàng và Văn Cung phi chứ? Mà Lệ tần là phi tần mới nhập cung, ắt nàng ta còn có chút e dè chứ kẻ ở lâu trong cung mà kiêu ngạo như Văn Cung phi thì luôn lấn tới, tìm cách áp bức người khác. Thế nhưng chung quy đều là kẻ đắc sủng, Văn thị và Lệ tần kia đều cho mình là người có quyền thế.
Phương Hà sẵn được thế, buột miệng nói: "Khang tần nương nương thì có hơn gì nương nương nhà nô tỳ chứ. Sống ở Vị Ương cung với Văn Cung phi nương nương..."
Nhạc Hy khẽ lườm một cái cho Phương Hà im lặng, thị không dám nói gì thêm. Nhạc Hy lắc đầu nói: "Hai vị tỷ tỷ đây nói với Hy tần muội cũng vô ích thôi. Muội bất quá chỉ là một tần vị bé nhỏ, không sủng, nào dám lên tiếng gì chứ?" Đến mặt Hoàng thượng, nàng còn chưa gặp lần nào.
Khang tần khẽ thở dài nói: "Muội muội xuất thân chắc cũng hơn Văn Cung phi mấy phần. Ngày sau nàng ta ắt sẽ phải nể muội thôi."
Nhạc Hy cười, thân thế của nàng, nhiều người như Khang tần chắc là không biết nhưng chắc chắn Văn Cung phi đã biết rồi. Biết rồi, thế mà vẫn tìm cách chèn ép.
Nhạc Hy cũng chỉ thản nhiên, không lộ chút cáu giận: "Hai vị tỷ tỷ, nếu có thời gian, muội muội sẽ sang Thọ An cung và Trường Xuân cung [6] thăm các vị tỷ tỷ."
[6] Thọ An cung và Trường Xuân cung: là hai cung trong Tử Cấm Thành, về sau, Thọ An cung được đổi thành Hàm Phúc cung. Trường Xuân cung đến năm Gia Tĩnh thứ 15 (1535) được cải thành Vĩnh Ninh cung rồi sau đổi lại tên Trường Xuân cung. Hai cung này cùng với Vị Ương cung đều nằm ở phía tây hậu cung Tử Cấm Thành.
Hòa tần cười mỉm: "Được như thế còn gì hơn nữa? Muội muội thật có lòng rồi."
Nhạc Hy nhún mình: "Cũng không còn sớm nữa, muội muội xin cáo từ. Hai vị tỷ tỷ cứ đi thong thả."
Phương Hà cũng khom người hành lễ rồi đỡ tay Nhạc Hy, cùng nàng đi về phía Vị Ương cung.
Phương Hà vừa đi, vừa nói với nàng: "Vị Khang tần và Hòa tần này, có vẻ là người hiểu lễ, nhu mì. Sau này nương nương qua lại với họ nhiều một chút cũng không có hại gì."
Nhạc Hy cười nhạt: "Cũng chưa biết hai người bọn họ có phải người an phận, hiền lành thật không, nhưng nếu có qua lại chút đúng là cũng tốt. Coi như chúng ta có thêm đồng minh, cũng không mất lòng ai cả. Hơn nữa, từ bọn họ cũng có thể biết được nhiều hơn về Lệ tần và Trang tần sống cùng bọn họ. Hôm nào đó có dịp, bản cung sang Thọ An cung thăm Hòa tần sau."
Phương Hà nói: "Nương nương vào cung vốn là để giúp đỡ Thái hậu nương nương và Hoàng hậu nương nương, tính toán lâu dài cũng là cái tốt. Giờ đợi Hoàng hậu nương nương hành hương trở về rồi tính tiếp những bước phía sau."
Nhạc Hy cười, xem ra Phương Hà đi cùng nàng lâu vậy, dù tính tình bộp chộp chưa sửa được, thêm cái miệng thật quá hóa dở hại mình, thế nhưng thị cũng khá hiểu con người nàng. Nàng cười bảo: "Phải, đợi Hoàng hậu về, lúc ấy chúng ta nghĩ kế đối phó với Văn Cung phi. Bản cung có lẽ không cần đối phó ả, nhưng Hoàng hậu thì có lẽ là cần đấy."
Phải, Văn Cung phi đắc sủng, chưa biết chừng sau này sẽ hoài thai. Mà đây không phải điều Hoàng hậu mong muốn. Với Nhạc Hy, có lẽ người ngu ngốc kênh kiệu như Văn Ngọc Hiểu không phải là mối đe dọa, thế nhưng với Hoàng hậu, nàng ta hiện chính là mối họa lớn.
-----------
Nói về chế độ nữ quan, Trung Quốc thời Đường – Tống – Nguyên – Minh thiết lập chế độ nữ quan gồm lục cục:
Thượng cung cục (尚宮局): nắm giữ mọi việc chung trong cung. Cơ cấu gồm: Ti kí (司記); Ti ngôn (司言); Ti bộ (司簿); Ti vi (司闈); Lục cục xuất nạp văn tịch đều phải thông qua Thượng cung cục này.
Thượng nghi cục (尚儀局): nắm giữ lễ nghi trong cung. Cơ cấu gồm: Ti tịch (司籍); Ti nhạc (司樂); Ti tân (司賓); Ti tán (司贊); ngoài ra còn có hai Đồng sử (彤史) hàm Chánh lục phẩm và hai Nữ sử (女史) giúp việc.
Thượng phục cục (尚服局): quản lý các đồ đạc như lễ phục, lễ khí, thang mộc của hoàng gia và thị vệ. Cơ cấu gồm: Ti bảo (司寶); Ti y (司衣); Ti sức (司飾); Ti trượng (司仗);
Thượng thực cục (尚食局): quản lý vấn đề ăn uống trong cung, ngoài ra còn quản lý rượu và y dược. Cơ cấu gồm: Ti thiện (司膳); Ti uấn (司醞); Ti dược (司藥); Ti xí (司饎);
Thượng tẩm cục (尚寢局): quản lý long sàn, mành trướng, đèn đuốc, các món vật nội thất. Cơ cấu gồm: Ti thiết (司設); Ti dư (司輿); Ti uyển (司苑); Ti đăng (司燈);
Thượng công cục (尚功局): quản lý các vấn đề về nữ công, sửa chữa và tạo ra đồ đạc hoặc y phục. Cơ cấu gồm: Ti chế (司制); Ti thải (司彩); Ti trân (司珍); Ti kế (司計);
Ngoài ra còn có các chức ngoài Lục cục như: Cung chánh (宮正) hàm Chính ngũ phẩm; Ti chánh (司正) hàm Chánh lục phẩm; Điển chánh (典正) hàm Chánh thất phẩm; có nhiệm vụ xử xét sai trái của Nữ quan và Cung nữ, phụ giúp có 4 Nữ sử (女史). Ngoài ra còn có A giám (阿監) và Phó giám (副監), trật Chánh thất phẩm.
Thời Đường, có Văn Học quán (文學館), do các Nữ quan có học thức đảm nhiệm, sẽđược thăng làm Học sĩ (學士), phụ trách giản dạy phi tần và cung nhân kiến thức.
[Wikipedia]
5