Lúc nghe Nhược Trúc kể chuyện nhà mình, ta đã có suy đoán về thân phận cô, hiện giờ đáp án được công bố đại thể không khác ý nghĩ ta bao nhiêu, cô là thứ nữ của tể tướng Phú Bật, cháu gái ngoại của Án Thù. Năm ấy Phú Bật gả trưởng nữ Nhược Lan cho Phùng Kinh trước, sau đó Nhược Lan vì ốm bệnh mà qua đời, Phú Bật lại gả Nhược Trúc cho Phùng Kinh làm vợ kế. Hiện giờ trong kinh đô còn có người vịnh Phùng Kinh: “Có anh nho đỗ tam nguyên, hai lần cưới vợ đều nhà tướng công.”, chính là chỉ việc này. Phu nhân Phùng Kinh công chúa gặp ở tiệc rượu trong cung năm xưa là Nhược Lan, mà Nhược Trúc thì hẳn thành hôn với Phùng Kinh khi chàng nhậm chức bên ngoài, thế nên trước hôm nay cô chưa có lần nào gặp công chúa, đôi bên mới không nhận ra nhau.
Ta đương nhiên không quên để ý phản ứng của công chúa. Kể từ lúc nghe A Địch gọi “Phùng thúc thúc”, nụ cười trên mặt nàng đã hơi cứng lại, đợi đến khi Phùng Kinh tự vạch trần thân phận, nét tươi vui trong mắt nàng như pháo hoa bung nở đến cuối, chỉ còn lại vụn sáng yếu ớt trôi giạt, nhoáng cái đã biến thành làn khói nhẹ, lắng bặt mất tăm.
Thế nhưng, nàng vẫn duy trì nụ cười, tựa vào một bên chấn song ngắm Nhược Trúc, ánh mắt an yên như sóng nước vỗ về lên khóe mắt đuôi mày của Nhược Trúc, tìm không ra chút bóng dáng cảm xúc tiêu cực nào tỷ như đố kỵ hay buồn bực trong đó. Nàng chỉ yên lặng đứng đó ngắm cô gái cùng tuổi mình này hạnh phúc, như đang thưởng thức một tác phẩm hội họa tinh xảo không hề liên quan gì đến mình.
Lúc Phùng Kinh đi lên, công chúa đã đội mũ quây vào, cáo từ Nhược Trúc. Nhược Trúc lưu luyến níu tay nàng, hỏi nàng tính danh, bày tỏ hi vọng có thể thường xuyên gặp nàng. Công chúa mỉm cười: “Có duyên ắt sẽ gặp lại.”
Dứt lời, nàng xoay người rời đi. Khoảnh khắc đi ngang qua Phùng Kinh, nàng khẽ vén một góc màn che mũ quây lên, liếc chàng một cái như cười như không. Phùng Kinh trông thấy dung nhan nàng, không khỏi ngẩn người, song rất nhanh đã khôi phục lại trạng thái bình thường, nở nụ cười hờ, khẽ khom người với nàng.
Cảnh tượng mới quen thuộc làm sao, tựa như trở về bên Kim Minh Trì năm xưa, công chúa đương tuổi xuân thì gặp gỡ lang quân áo xanh vừa mới đăng khoa, nàng yêu kiều mỉm cười trong ngựa báu xe hương, má hồng xinh đẹp và mối tình thiếu nữ chớm nở như ẩn như hiện sau lớp màn sa. Giờ đây tái ngộ, chẳng biết Phùng Kinh chỉ là cảm thấy nàng như đã từng quen biết hay vẫn còn nhớ rõ người con gái nét mày tựa dáng non xa đã đưa tay vén rèm trong xe chạm mà chàng gặp mặt ngày ấy khi đề tên bảng vàng, cưỡi ngựa trong gió xuân.
Màn che rủ xuống, nàng dõi mắt nhìn thẳng dời bước ra ngoài, không một lần ngoảnh lại. Mãi đến khi cách xa gian phòng kia, nàng mới dừng bước, tay vuốt ve lan can đỏ son cạnh thang lầu, nhẹ giọng hỏi ta: “Bây giờ cách Hoàng Hựu năm thứ nhất đã bao lâu rồi?”
Ta đáp: “Mười một năm.”
Nàng lặng thinh, sau đó thở dài: “Lâu vậy kia à… Cứ như nằm chiêm bao ấy.”
Lắc đầu, như muốn thoát khỏi dấu tích giấc mộng tàn này, nàng một lần nữa nhoẻn cười, ngẩng đầu chuẩn bị bước tiếp. Nhưng, đúng lúc này, một cảnh tượng bất ngờ hiện ra trước mắt đã giáng cho nàng một đòn nặng nề.
Đối diện nàng, phía bên kia sảnh lớn tửu lâu xuất hiện một nhóm nữ quyến trang phục hoa lệ son phấn đẹp đẽ, hẳn là vừa kết thúc buổi ngắm đèn trên lầu, họ tốp năm tốp ba nói cười rôm rả, khoan thai đi tới thang lầu bên kia. Trong đó có một thiếu phụ trẻ tuổi, dường như hành động bất tiện, bước đi chậm hơn hẳn những người khác, mà bầu bạn bên người cô là một nam tử dáng người tựa ngọc, đang cẩn thận dìu cô, thỉnh thoảng mỉm cười nói gì đó bên tai cô, trong mắt không chút che giấu vẻ quan tâm và nồng nàn ân ái.
Lúc thiếu phụ kia xuống lầu còn đặc biệt lấy tay ôm bụng, nhìn kỹ bậc thang dưới chân rồi mới dè dặt đặt bước, điều này khiến người xem có thể dễ dàng để ý đến cái bụng hơi nhô lên của cô. Mà nam tử kia thì lại càng thêm giữ gìn cẩn thận, mỗi rung động rất nhỏ của cô đều có thể khiến cậu hồi hộp khẩn trương.
Cảnh tượng tình tứ ấy khiến công chúa đông cứng tại chỗ. Bước đi khựng sững, nụ cười điêu tàn, nàng còn chưa kịp rơi lệ, ta đã nghe thấy tiếng cõi lòng nàng tan nát.
Người ấy chính là Tào Bình.
Cậu và công chúa gần nhau đến thế, cậu chỉ cần ngẩng đầu lên là có thể chạm đến ánh mắt sâu kín của nàng. Nhưng không, cậu chẳng rảnh mà để tâm đến, người phụ nữ trong mắt cậu lúc này tựa hồ đã choán kín thế giới trước mặt cậu. Nói cậu đang dìu cô, chẳng bằng nói cậu đang nâng cô trong lòng bàn tay. Chẳng có gì phải nghi ngờ, người vợ đang mang thai cho cậu một sinh mệnh mới này đã được cậu coi là bảo vật vô giá.
Công chúa không tiếp tục bước lên mà ngược lại, đi về phía bao lơn tầng hai, im lặng đứng sau lan can, nhìn Tào Bình và thiếu phụ kia sóng vai ra khỏi Bạch Phàn Lâu,
Cậu đỡ cô lên xe, sau đó tự mình cưỡi ngựa, đi trước xe cô. Từ biệt mấy năm, cậu vẫn mang dáng vẻ thiếu niên xán lạn trong ký ức của chúng ta, tuấn mã tung vó, tay áo giương roi. Công chúa lẳng lặng dõi theo cậu đi xa, nhìn khói chiều cuốn lấy tay áo cậu suốt dọc đường về.
Tào Bình khuất bóng rồi, nàng vẫn không có ý định rời đi, đăm đăm nhìn hướng xe ngựa đi xa trong gió đêm l*иg lộng, thẳng đến khi Nhược Trúc bỗng xuất hiện sau lưng nàng, cười nói: “Ơ, chị vẫn còn ở đây à?”
“À, tôi ở đây, hóng gió ấy mà.” Công chúa xoay người, vội vàng đáp. Nhìn Nhược Trúc, nàng hỏi ngược lại: “Sao chị lại ra đây?”
Nhược Trúc cười chỉ vào nghệ nhân biểu diễn trên bao lơn, nói: “Tôi nghe thấy bên này có người hát bài từ của cậu bảy nhà tôi nên ra xem thử.”
Có tám, chín nghệ nhân diễn tấu đàn sáo, ở giữa là một ca cơ nghiêm trang ôm tỳ bà, vừa nhàn nhã gảy dây vừa ngâm nga câu hát, xướng một bài “Giá cô thiên” của Án Kỷ Đạo, con trai thứ bảy của Án Thù. Công chúa lắng tai nghe, lúc này, ca cơ đang hát đến nửa bài sau: “Tụ dễ tan, thà rỗi nhàn. Chớ để ly hận hại dung nhan. Đây gấm uyên ương ai cùng đắp, chung giấc lầu tây tiết xuân hàn?”
Lúc ta đánh xe đưa nàng về phủ công chúa, bánh xe nghiến qua dấu xe ngựa nhà họ Tào lưu lại, sau đó đó đổi hướng, chạy ra xa. Vết bánh xe của song phương trải dài thành đường vòng cung ngẫu nhiên giao nhau, sau nháy mắt đan xen lại kéo dài theo quỹ tích của chính mình, có lẽ khó có ngày nào hợp lại lần nữa, ta nghĩ, giống như vận mệnh của nàng và Tào Bình vậy, thậm chí là cả với Phùng Kinh.
Trên đường trở về, ngoài trầm mặc ra, công chúa không có bất kỳ biểu hiện dị thường nào khác, song đến canh tư, Gia Khánh Tử hầu trong gác ngủ của nàng lại gõ cửa phòng ta.
“Công chúa vừa tỉnh lại, đang lặng lẽ nằm khóc đấy ạ.” Con bé báo với ta, “Bọn em nghe thấy, vội hỏi người nguyên nhân, người lại không chịu nói, chỉ rơi lệ không ngừng. Tiên sinh mau qua xem thế nào đi.”
Ta lập tức chạy sang. Vào gác ngủ của nàng, thấy mấy thị nữ thϊếp thân và Hàn thị đều đang tụ trước giường nàng, nhao nhao khuyên nhủ, công chúa lại như không nghe thấy, ôm chăn ngồi ở đầu giường, vùi đầu giữa hai đầu gối, khe khẽ thút thít.
Hàn thị thấy ta tiến vào, đứng dậy kéo ta ra ngoài màn che, nhỏ giọng hỏi: “Tối qua công chúa ra ngoài đã nhìn thấy gì à?”
Gia Khánh Tử hẳn đã nói cho bà biết chuyện ta và công chúa ra ngoài. Vì vậy, ta dứt khoát đáp: “Nhìn thấy Tào Bình.”
Bà hiểu ra, thở dài thườn thượt: “Thật đúng là oan nghiệt…”
Sau đó, bà dẫn chúng thị nữ ra ngoài, trước khi đi dặn dò ta: “Lần trước con khuyên được công chúa, bây giờ cũng gắng khuyên bảo người nhiều chút. Ở đây hiện giờ cũng chỉ có lời con nói là lọt được vào tai người.”
Đợi họ ra cửa rồi, ta đi tới trước giường công chúa, nhẹ nhàng gọi nàng. Đợi một chốc, rốt cuộc nàng cũng ngước cặp mắt đẫm lệ lên nhìn ta, nức nở: “Trước khi đi ngủ, Vân nương nói với ta, trăng đêm nay rất đẹp, nhân ngày cuối cùng của tết Nguyên Tiêu, hay là ước lấy một điều. Ta bèn thầm ước trong lòng, hi vọng khi tỉnh dậy sẽ thấy mình mới chỉ tám, chín tuổi, phiền não duy nhất là không thuộc xong thi văn cha giao, vấn đề lớn nhất là làm thế nào để thuyết phục huynh viết văn thay mình…”
Thế nhưng, ban nãy nàng tỉnh lại, phát hiện ra mình vẫn bị vây hãm chốn này, không thể trở về được nữa… Ta giữ tiếng thở dài trong đáy lòng, yên lặng ngồi xuống bên cạnh nàng, nghĩ ngợi rồi nói với nàng: “Sẽ luôn có những thứ không bao giờ thay đổi, bất kể công chúa tám, chín, mười tám, mười chín, hay tám, chín mươi tuổi.”
“Thứ gì?” Nàng nghẹn ngào hỏi ta.
“Chẳng hạn như, ống tay áo của thần, cái bóng của người, và…” Ta không nói hết, chỉ dang rộng tay với nàng.
Nàng thoáng chốc hiểu ý, cũng nhẹ nhàng ghé lại, tựa vào lòng ta.
Và hơi ấm ta có thể cho nàng.
Ta không tài nào thay đổi được vận mệnh nàng, nhưng ít nhất có thể hứa hẹn với nàng, sẽ dâng ống tay áo của mình khi nàng rơi lệ, thổi lên vết thương nàng khi nàng đau đớn, cho nàng tất thảy hơi ấm ta có thể dành tặng khi nàng rét lạnh.
Lư hương trong gác đã nguội, màn sa buông rủ, móc ngọc vén hờ trướng phượng hoàng. Hai ta đều không nói gì nữa, cứ vậy ôm lấy nhau, nghe tiếng đồng hồ nước điểm canh, xem ánh nến dần lụi tắt, mặc cặp đèn cầy ngoài rèm tan thành vũng lệ, làm tranh chuối tố nữ trên bình phong trước giường tối sầm, thẳng đến khi sương lạnh trăng tàn, tinh tú mờ ảo rọi ánh xanh lam lên mành song.
Khoảng thời gian yên tĩnh ấy kết thúc khi trời hửng sáng. Tiếng bước chân trùng điệp vọng từ xa lại gần, xen lẫn với tiếng Gia Khánh Tử: “Quốc cữu phu nhân, công chúa chưa tỉnh giấc, xin hãy đợi ngoài sảnh chốc lát…”
Ta lập tức buông công chúa ra, sải bước ra ngoài màn che, mà cùng lúc đó, Dương phu nhân đẩy cửa bước vào, bốn mắt chạm nhau, đều hiện vẻ cả kinh.
Bà nhíu mày, hoài nghi đưa mắt đánh giá ta một lượt từ trên xuống dưới, sau đó dời sang màn che hãy còn phất phơ, thoáng do dự rồi rảo bước qua, vén thốc lên.
Công chúa ngồi trên mép giường, kinh ngạc quay đầu nhìn Dương thị.
Bấy giờ, chân mày nàng mỏng nhạt, lớp trang điểm cũ còn vương, tóc mai xõa rối, trâm cài nghiêng lệch, dấu lệ vô cùng rõ ràng.
Hơn nữa, thật không may, nàng còn đang làm động tác khoác áo.