Guildford: xứ thần tiên của Alice
Tôi đến Guildford vào một sáng mùa xuân với nắng pha lê màu vàng óng như mật, khi những bông hoa dại e ấp đang dần lộ nhú trong tiết trời ấm áp và bầu trời dịu dàng trong vắt trên cao. Người tài xế taxi đón tôi từ phi trường Heathrow thân thiện trò chuyện và giới thiệu đôi nét về nơi tôi sắp đến tu nghiệp. Guildford là thị trấn (town), không phải thành phố (city), nằm cách Luân Đôn chỉ hai mươi phút xe lửa và nếu đi bằng xe hơi giờ cao điểm, bạn sẽ mất tối đa một tiếng đồng hồ. Dù đã đến nhiều thị trấn bình yên ở các nước châu Âu khác, Guildford của Anh hiện ra quá trong lành và giản dị. Chỉ với hai ngày cuối tuần ngắn ngủi tôi đã khám phá hết Guildford, nhưng bình tĩnh sống cùng Guildford cả tháng trời tôi mới nhận ra thị trấn này thân quen và níu lòng lữ khách thật mãnh liệt không nơi nào bằng.
Từ khách sạn Travelodge tôi thường thích đi bộ thong thả mỗi sáng đến sở làm dù công ty có đề nghị cho taxi rước. Tôi muốn nhìn phố xá nhỏ xinh trong tiết trời lành lạnh dễ chịu, ngang những cây cầu be bé bắc ngang những con kênh xanh liễu rủ buông mành và chầm chậm dấn bước dưới ánh vàng lung linh của nắng xuân. Công ty tôi làm nằm trên đường One Onslow, ngay trung tâm, nhìn từ bên ngoài đó là một tòa nhà cổ với gạch nung màu hồng đặc trưng Anh nhưng bên trong là một cao ốc văn phòng vô cùng hiện đại. Từ trên những tầng cao của công ty, tôi vẫn thường ngồi nhìn xuống những góc đường Guildford. Trên tay là ly trà sữa bốc khói, tôi thấy lòng thật bình yên khi dân tình ngoài kia cũng đang ung dung tự tại. Những ngày đầu làm việc, tôi ngỡ ngàng nhận ra đúng giờ là mọi người về hết, không có chuyện dây dưa thêm giờ như công ty ở Việt Nam. Bù lại, các đồng nghiệp Anh làm việc với năng suất rất cao, hiệu quả đáng kể và tác phong chuyên nghiệp tuyệt đối.
Ở Anh, các trung tâm mua sắm cũng đóng cửa rất sớm, khi tôi tan sở lúc năm giờ rưỡi, các cửa hàng cũng nhất loạt dừng hoạt động. Vì thế, muốn shopping, cô bạn đồng nghiệp Emma thường rủ tôi đi trong giờ ăn trưa. Công ty nằm sát khu mua sắm, vài bước chân đã lọt vào mê hồn trận những cửa hàng lớn nhỏ với đầy đủ mọi chủng loại. Con phố chính High Street với những ngôi nhà hẹp theo kiến trúc đặc trưng Anh luôn tấp nập vì các cửa hàng nằm san sát hai bên. Trẻ con thích dừng lại ngoài đường đùa giỡn thay vì cùng phụ huynh vào các cửa hàng. Bọn chúng vô tư cởi hết áo khoác vì tiết tiết ấm sực, rồi đột ngột rùng mình hắt hơi khi một làn gió xuân lướt qua. Trên phố High Street, điểm nhấn duyên dáng là chiếc đồng hồ vuông của tòa thị chính vươn tay ra vẫy chào mọi người. The Angel Hotel có lối kiến trúc là lạ, bảng tên chính thì khiêm tốn đến mức không nhìn thấy nhưng hàng chữ "Posting house" và "Livery stables" lại bắt mắt mọi người. Đó là quán trọ cuối cùng còn sót lại của thời xưa, khi chuyến xe ngựa từ Luân Đôn đi ngang qua tìm chỗ dừng chân, để lại thư từ giao dịch rồi lại lên đường cho kịp cuộc hành trình.
Những ngày cuối tuần tôi thích lang thang vào trung tâm bằng ngã khác: đi dọc theo sông Wey. Chẳng có ai đi cùng tôi trên con đường ven sông này. Tôi nghe chim hót bên tai, những chú vịt con quẫy đạp trong nước, những đóa hoa dại rung rung trong làn gió xuân và hàng liễu rủ xanh rờn ngút mắt. Thảng hoặc một chiếc tàu nhỏ lững lờ trôi êm đềm. Tôi tự hỏi còn cảnh tượng nào thanh bình hơn và ngỡ ngàng nhận ra mình đang đứng trong công viên, nơi có tượng cô bé Alice và con thỏ trắng hay hốt hoảng: "Tôi trễ rồi!". Quả tôi đang lạc vào xứ thần tiên giống nhà văn Lewis Carroll năm nào. Nhà văn thực chất là giáo sư dạy toán của Đại học Oxford, tại Christ Church College, năm 1868 khi đến Guildford, ông đã chọn nơi đây làm quê hương, đã cho ra đời "Alice lạc vào xứ thần tiên" và sống suốt quãng đời ba mươi năm còn lại của mình. Tôi ước gì cũng được ở lại Guildford trong một căn nhà cổ be bé, sống cuộc đời không bon chen và... viết văn trong khung cảnh thần tiên, được tha hồ tưởng tượng về một con thỏ trắng ngộ nghĩnh, về những lọ thuốc kỳ lạ làm người ta khổng lồ hoặc trở nên tí hon.
Những lúc phải đi Luân Đôn, dù thủ đô tráng lệ, nhiều công trình kiến trúc và vô số những hoạt động giải trí, tôi vẫn nóng lòng lấy xe lửa vào cuối ngày để được về với Guildford, về với khách sạn Travelodge đơn sơ mà tưởng rằng mình đang về nhà. Về với những góc đường thân quen, với dòng sông phẳng lặng, với những dãy nhà cổ đỏ hồng sắc gạch và với những bông hoa dại rung rinh trong gió.
o O o
Thăm nhà Sherlock Holmes
Những ai từng đọc truyện trinh thám Sherlock Holmes đều biết rõ địa chỉ 221b phố Baker, Luân Đôn. Đây là ngôi nhà của vị thám tử cực kỳ thông minh và người bạn cùng chia nhà, bác sĩ Watson. Trong hầu hết các truyện, Sherlock Holmes đã tiếp các thân chủ tại nhà và đây là địa điểm để cảnh sát Scotland Yard tìm đến cầu cứu khi bó tay trước một vụ án kỳ quặc nào đó. Tuy truyện ngắn đầu tiên được Sir Arthur Conan Doyle trình làng vào năm 1887, đến nay nghe đồn vẫn còn rất nhiều khách du lịch nước ngoài mỗi khi đến Luân Đôn đều "ngây thơ" tìm đến địa chỉ này hòng gặp mặt vị thám tử danh tiếng. Và, tôi là một trong những du khách ngây thơ đó.
Mới bảy giờ rưỡi sáng (theo giờ giấc sinh hoạt ở Luân Đôn là sớm lắm), tôi đã hăm hở tìm đến phố Baker và có mặt trước con số 221b. Buồn cười làm sao, trước tôi đã có một hàng người, toàn dân da trắng mắt xanh cũng đang bồn chồn chực chờ đến giờ được vào diện kiến Sherlock Holmes. Hẳn họ cũng mang nhiều tâm trạng vì vướng víu vào một vụ án mạng kỳ bí nào đó? Trước cửa nhà, trên bức tường gạch có treo tấm bảng tròn màu xanh "221b, Sherlock Holmes, thám tử, 1881-1908". Vậy là thôi rồi, năm nay đã 2007, làm sao còn gặp được nhà thám tử mà xin tham vấn?
Thật ra dù ngây thơ đến đâu, khi đứng trước ngôi nhà 221b phố Barker, ai cũng thấy đây là một địa chỉ giả, số nhà thật của nó phải là 239. Điều thú vị hơn là vào thời sáng tác ra loạt truyện về Sherlock Holmes, tác giả Conan Doyle đã hoàn toàn bịa ra địa chỉ này vì vào thời đó, con phố Baker chỉ có đến... một trăm nóc nhà. Phố Baker trong các phim truyền hình làm về Sherlock Holmes trông âm u và kỳ bí rất trinh thám. Trong thực tế, tôi đang đứng trên phố Baker rộng rãi, sáng sủa và rất tấp nập. Vào những năm 1930, phố Baker được mở rộng và nối dài ra, dãy nhà từ số 219 đến 229 được sở hữu bởi công ty Abbey National. Và nói không ngoa, quả trên đời này có rất nhiều người ngây thơ thứ thiệt, hàng đống thư hâm mộ và cả thư xin "gỡ rối tơ lòng" từ nhiều nơi trên thế giới hàng năm cứ gởi tấp nập đến cho Sherlock Holmes làm công ty Abbey National nhận mệt xỉu. Điều đáng nói tiếp theo là Abbey National cũng "chịu chơi" cho treo tấm hình của Sherlock Holmes và Watson lên làm bộ như hai người này đã dọn nhà đến số 221b thật. Năm 1999, công ty này tài trợ cho dựng bức tượng bằng đồng của Sherlock Holmes theo sự mô tả của Conan Doyle. Bức tượng hiện đứng ở phố Baker, ngay trước chỗ xuống hầm xe điện ngầm phố Baker.
Ngôi nhà 221b ngày nay được chia làm hai bên, một bên được xem như là nhà thật của Sherlock Holmes, bên kia là bảo tàng về Sherlock Holmes. Căn nhà này được trang trí trông giống như kiến trúc nhà ở Luân Đôn vào những năm 1815, theo sự mô tả trong loạt truyện trinh thám. Bảo tàng được mở cửa đón du khách từ năm 1990 và hàng ngày đều có rất nhiều "thân chủ" tìm đến với nguyên vẹn cảm giác tò mò và hồi hộp. Bên trong bảo tàng là bức tượng bằng sáp của Sherlock Holmes, những vật dụng và các bức tranh mô tả lại những sự kiện đáng ghi nhớ trong cuộc đời vị thám tử. Tất cả những điều này, dĩ nhiên, đều được bịa ra dựa vào 56 truyện ngắn và bốn tiểu thuyết nổi tiếng của Conan Doyle về Sherlock Holmes. Ngoài ra còn có các bộ sưu tập về sách Sherlock Holmes được xuất bản từ nhiều thời kỳ.
Dù biết Sherlock Holmes chỉ là một nhân vật hoàn toàn trong trí tưởng tượng của Conan Doyle và căn nhà số 221b phố Baker cũng là sản phẩm một trăm phần trăm giả tạo, du khách khắp nơi trên thế giới nói chung và bản thân tôi nói riêng đều có lý do để tìm đến với căn nhà này. Chúng tôi không ngây thơ, cũng không ảo tưởng được diện kiến vị thám thử đại tài, thậm chí ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học trong việc truy tìm thủ phạm, các phương pháp thủ công và cách suy luận theo lô-gic của Sherlock Holmes đã thật sự lỗi thời. Riêng tôi khi đến 221b phố Baker, tôi muốn tận mắt chứng kiến một nhân vật trong truyện đã được yêu mến ra sao, đã sống qua bao năm tháng cùng thời gian bất tận, đã làm hết thế hệ này đến thế hệ kia say mê như thế nào. Bức tượng bằng đồng sừng sững của Sherlock Holmes trên phố Baker càng làm người ta tin rằng vị thám tử này vốn đã thật sự hiện hữu trên trần gian. Cảm ơn Sir Conan Doyle đã cho chúng ta một con người tài đức vẹn toàn bước ra từ những trang sách vô cùng sống động.
o O o
Liverpool của người không mê The Beatles
Nhắc đến Liverpool, những ai mê The Beatles đều háo hức được đặt chân đến thăm thành phố này. Nhưng tôi không nằm trong số đó. Tôi cũng thích những chàng trai vàng, nhưng giờ người thì "đi về nơi xa lắm", người thì "quá đát" rồi. Vì thế, tôi không thật sự mê Paul McCartney, John Lennon, Ringo Starr và George Harrison. Khi tôi sang Anh, những thành phố ưu tiên đến thăm không có Liverpool. Thế nhưng vào phút chót, tôi quyết định cứ đến, vì dù sao đây cũng là một trong những thành phố quan trọng nhất nước Anh. Một người bạn đang học Master ở University of Liverpool viết email khẳng định: "Đến đi, sẽ không hối hận đâu!".
Thế nhưng vừa xuống bến xe khách và ngồi taxi đến khách sạn, tôi đã thấy không ổn. Khách sạn này tôi đặt qua mạng internet, thông tin cho biết ở rất gần trung tâm, chỉ mười phút đi xe bus hoặc hai mươi phút đi bộ là đến. Vậy mà taxi chạy miệt mài, vào một con đường sát bến cảng, cảnh vật hoang phế, những kho bãi xám bụi, những cỗ máy sản xuất thẫm màu dầu nhớt. Không một chiếc xe, chẳng một bóng người. Sau khoảng gần nửa tiếng, taxi dừng trước một nhà trọ nhỏ đóng cửa im ỉm. Tôi tha hồ gào thét cũng chẳng thấy ai ra "welcome". Đứng chỏng chơ ở cái sân vắng lặng đến rợn người đó, tôi hối hận vì đã đọc hết tác phẩm trinh thám của nữ văn sĩ Agatha Christie. Hẳn bà cũng đã xây dựng những vụ án dựa trên cái nền tội phạm ở những nơi hoang phế này. Giờ muốn đón taxi quay trở ngược lại trung tâm thành phố là không tưởng. Lẽ nào số phận tôi lại "an bài" ở một thành phố xa lạ?
Cuối cùng, một bà nào đó chạy xe hơi đến và cũng dộng cửa dữ dội rất muốn vào. Bà nói mình không phải là khách mà là chủ(?!). Kêu gào mãi chẳng ai ra, bà nảy ra sáng kiến mở cửa sổ trèo vào rồi đi ra mở cửa lớn cho tôi. Nhân viên lễ tân của họ đang... đánh một giấc ngủ trưa bí tỉ. Hẳn cô nàng dân phố cảng đã làm vài chục vại bia? Tôi nhanh chóng bỏ đồ vào phòng rồi ra trung tâm thành phố. Cô receptionist sau phút bị bà chủ "băm vằm", mặt bí xị chỉ đường cho tôi. Chắc cô không nhiệt tình hoặc tôi nghe ù cạc thế nào, càng đi tôi càng lạc. May mà tôi không đi ngược lại con đường sát bến cảng hoang vắng, tôi chọn đường phía trong, có lác đác vài người đi bộ và những chiếc xe hơi phả khói mù mịt. Mới vào khoảng hai giờ trưa, lại là một ngày trong tuần, thế nhưng phố xá không đông đúc, cảnh vật vô cùng yên tĩnh. Chắc là tôi rơi vào một ngày nghỉ lễ nào đó của Anh chăng?
Tôi bắt xe bus, nói muốn vào trung tâm. Cuối cùng tôi cũng toại nguyện. Trung tâm Liverpool đón tôi với những tòa nhà hoành tráng như mọi thành phố lớn khác ở châu Âu. Cũng tòa thị chính, tòa án, nhà hát... Có điều ở Liverpool, các công trình kiến trúc trông xám xịt, hẳn vì ảnh hưởng khói ô nhiễm của thành phố công nghiệp. Tuy mang một màu sắc không tươi thắm, nhưng tôi không cảm thấy Liverpool buồn bã, bởi các dòng người đang dần dần đông đúc lên trong các khu mua sắm sầm uất.
Tôi cầm bản đồ lò dò đến Albert Dock, đây là cầu cảng nổi tiếng với những con tàu đang neo đậu và những cánh chim trắng. Các sách hướng dẫn du lịch đều cho Albert Dock là nơi thu hút khách nhiều nhất vì nơi đây là khu phức hợp văn hóa, ẩm thực và mua sắm. Bảo tàng hàng hải và bảo tàng lớn nhất châu Âu về thể loại này. Tôi chỉ đi ngang qua mà không ghé vào. Còn một "bảo tàng" nữa, được viếng thăm rất đông, đó chính là The Beatles Story. Nơi đây sẽ cung cấp cho bạn tất cả thông tin liên quan đến ban nhạc. Fab Four (Fabulous Four - Bộ tứ siêu tuyệt vời) này giúp quê hương Liverpool làm du lịch nhờ vào Fab Tour. Đây là tour du lịch dành cho các khách muốn tìm về quá khứ của The Beatles. Tôi không mê họ nhưng cũng cầm bản đồ lang thang đến quán bar Cavern Club, nơi bốn chàng trai lần đầu chơi nhạc vào đầu những năm 60. Penny Lane và Strawberry Field cũng được người ta dạo qua, vì hai con phố này là tựa của những ca khúc bất hủ.
Chồn chân mỏi gối, tôi vào quán Mc Donal nghỉ mệt. Một bà già rất đẹp lão lò dò đến ngồi kế bên, nhờ tôi... đọc giùm toa thuốc trước khi bà kịp uống nhầm. Nghe giọng nước ngoài, bà thân thiện hỏi tôi đến từ đâu rồi tự nhiên vuốt mặt khen: "You are so lovely!" (Cháu dễ thương quá!). Tôi chỉ còn biết toét ra cười hết cỡ và biết rằng mình đến Liverpool mà không hối hận. Quả thật dân phố cảng rất cởi mở và sẵn sàng chỉ đường nếu thấy ai đó cầm bản đồ lọng cọng trên tay. Suy cho cùng thành phố của họ có gì đâu ngoài ban nhạc The Beatles, đội bóng Liverpool, Albert Dock và lòng hiếu khách. Bà già khoe thành phố năm 2007 kỷ niệm 800 năm thành lập và năm 2008 được trở thành thủ đô văn hóa châu Âu. Bà còn tâm sự một tràng dài về nữ hoàng Anh, rằng bà rất yêu nữ hoàng và thích vẻ đẹp quyến rũ của hoàng tử William. Và khi tôi đứng lên nói tạm biệt, bà cầm tay tôi trìu mến: "Nếu còn trẻ hơn một chút, bà sẽ tìm đường sang Việt Nam thăm cháu".
Ngày rời phố cảng Liverpool, người phục vụ trong quán trọ thức sớm làm đồ ăn sáng, nhiệt ình gọi taxi cho tôi ra bến xe và luôn miệng mong tôi có dịp quay lại. Ấn tượng rùng rợn về một vùng hoang vắng trong các tiểu thuyết trinh thám hôm mới đến vụt tan biến. Tôi gởi lời chào bà chủ, chào luôn cô tiếp tân có giấc ngủ trưa say kỷ lục. Ông phục vụ vẫn còn đeo tạp dề xách va-li giùm tôi lên xe và đứng vẫy tay ngút mắt. Tôi lại đi qua con đường sát bên cảng, cảnh vật hoang phế, những kho bãi xám bụi, những cỗ máy sản xuất thẫm màu dầu nhớt. Mọi thứ dưới ánh ban mai chợt trở nên ấm áp vô cùng.
o O o
Oxford của những tòa tháp trong mơ
Tôi đến Oxford vào một ngày đầu xuân, khi thành phố của những tòa tháp trong mơ đang rộ nở những sắc hoa rực rỡ và các ngôi trường cổ kính phủ cỏ xanh mượt mà. Từ nhà ga tôi khập khiễng kéo cái va-li đã... bay mất một bánh xe tìm đường về Guest House trên đường Iffley. Nhìn trên bản đồ con đường này không xa nhà ga, dường như chỉ đi vài ba bước là đến. Thế nhưng lò dò cả tiếng đồng hồ tôi mới lết nổi đến nhà. Chỉ kịp quăng hành lý vào góc phòng bé tí như dành cho búp bê, tôi hào hứng trở ngược ra trung tâm vì dọc đường đi bao nhiêu cảnh thần tiên đã hút mất hồn tôi rồi.
Tôi dừng bước bên cầu Magdelen bắc ngang dòng sông Cherwell thơ mộng. Hàng liễu rủ xanh xanh xinh đẹp hai bên sông bình yên. Những con vịt xám gọi bầy, đôi thiên nga rũ đôi cánh trắng và vươn chiếc cổ kiêu kỳ soi mình xuống dòng sông phẳng lặng. Một gia đình trẻ dắt con đi dạo trong khung cảnh nên thơ. Thế nhưng cũng trên sông Cherwell, vào một buổi trưa ấm áp trong vườn hoa của Magdelen"s College, tôi lại thấy không khí hoàn toàn sôi động. Đám sinh viên hồn nhiên thuê xuồng chèo mê mệt. Nhìn họ cật lực chèo chèo chống chống mà xuồng chẳng tiến được bao nhiêu, thậm chí còn xoay vòng vòng đến chóng mặt, tôi không nhịn được cười. Cách đó không xa, trên thảm cỏ xanh êm ái, những anh chàng sinh viên cơ bắp đang hào hứng chơi bóng đá, những ngọn tháp xung quanh dường như cũng hồi hộp mỗi khi bóng chui lọt lưới làm các cầu thủ nhà ta buột miệng "shit". Thì ra sinh viên Oxford cũng biết... văng tục.
Đã đến Oxford bạn không thể bỏ quên trường Đại học vì đây là linh hồn của thành phố. Trường Oxford bao gồm đến ba mươi chín ngôi trường độc lập khác nhau gọi là "college". Mỗi college trông cổ kính và đẹp cầu kỳ như những tòa lâu đài với những cánh cổng bằng gỗ được chạm khắc công phu và những ngọn tháp vươn cao quyền quý. Sinh viên và cả giáo sư chạy xe đạp luồn lách vào những con đường hẹp hay những con hẻm nhỏ lót đá di chuyển từ college này sang college kia. Kìa là một cô nàng có hàng tá sách dày cộp trên rổ xe, phía sau lưng lại đang đèo... một bé gái chừng ba tuổi. Hẳn cô đang làm luận án tiến sĩ, thời gian nghiên cứu sinh dài quá nên phải tranh thủ có con luôn?
Ở Oxford, bạn có thể đυ.ng mặt các tiến sĩ tương lai khắp mọi nơi, ai cũng đang bận rộn với những ý tưởng của riêng mình. Có người đang gặm bánh mì, có người đang vác chiếc xe đạp xẹp bánh trên vai, có người lại đang lẩm nhẩm rì rầm gì đó trong miệng. Tôi đã lẻn vào một college trong giờ thì, thấy đám sinh viên ngồi trên hai cái bàn gỗ dài trong gian phòng đá cổ kính. Ngồi sát nhưng chẳng ai thèm liếc ngang liếc dọc "cọp dê" bài nhau. Nhìn không khí thi cử của người ta, tôi ước chi mình cũng... được làm sinh viên Oxford. Một anh bạn đồng nghiệp người Anh của tôi cho biết anh sinh trưởng ngay ở Oxford, bản thân học hành cũng "ghê gớm" lắm nhưng chịu thua không lọt được vào trường Đại học xếp hàng top ten uy tín nhất thế giới này. Giờ đã là tiến sĩ của trường khác nhưng anh vẫn chưa nguôi "hận". Thế mới biết được làm sinh viên Oxford mới kiêu hãnh làm sao. Kiêu hãnh như những ngọn tháp vυ't lên của những college tồn tại từ thế kỷ thứ mười hai. Oxford là trường Đại học dạy bằng tiếng Anh cổ nhất thế giới, thế nhưng ẩn trong lớp bề ngoài phủ rêu phong thời gian ấy là một bộ máy giáo dục vận hành một cách cực kỳ hiện đại. Thật chưa ở đâu tôi thấy rõ sự giao thoa và hỗ trợ nhau tuyệt vời giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại một cách mạnh mẽ và hiệu quả đến vậy.
Vì Oxford tuy cổ kính nhưng dân tình đa phần là sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới nên thành phố nhất định không thể già nua. Ngược lại, Oxford trẻ trung vô cùng với đầy đủ các câu lạc bộ giải trí sôi động, các trung tâm thể thao hiện đại, các cửa hàng thời trang phong phú, các quán ăn đủ mọi thể loại thật ngon miệng. Ở khu shopping trên phố Cornmarket, tôi tìm thấy đủ các cửa hàng nổi tiếng chẳng khác nào ở thủ đô phồn hoa Luân Đôn. Trong cửa hàng "Debenhams" trên phố George, tôi còn may mắn tậu được một bộ áo váy công sở đại hạ giá đến mức "gần như cho không" vì... kích cỡ nhỏ quá chẳng ai mặc vừa. Nhưng cũng tại "Debenhams" ở các thành phố khác, bộ váy áo đó không được bán với giá bèo như vậy dù cũng đang trong đợt giảm giá. Vì thế, khi đã chia tay Oxford, ngoài những college đẹp kiêu hãnh, những tháp chuông giáo đường bình yên, những cô cậu sinh viên đạp xe loanh quanh trong khu phố cổ ra, tôi nhớ nhất là... cửa hàng "Debenhams" của mình. Cuốn "Oxford thương yêu" ra đời như một nhu cầu được "níu giữ" chút thời gian ngắn ngủi tôi ở với thành phố đặc biệt này, và quả Oxford luôn mãi trong tim tôi.
o O o
Không học nổi ở Cambridge
Khi đến Anh, ngoài thủ đô Luân Đôn, hai thành phố Cambridge và Oxford là nơi được du khách tìm đến nhiều nhất. Được biết đến như các thành phố Đại học nói tiếng Anh cổ xưa nhất châu Âu. Và lẽ dĩ nhiên, đây cũng là một trong những nơi cổ kính nhất nước Anh. Nhiều người hỏi tôi Cambridge và Oxford nơi nào thú vị hơn. Dù đã viết cuốn truyện "Oxford thương yêu", nhưng câu trả lời thật không quá đắn đo: Cambridge!
Giống như Oxford, Cambridge cũng có những ngôi trường colleges cổ kính trực thuộc Đại học Cambridge, cũng có những tòa tháp vươn cao quyền quí, cũng có những giáo đường mái vòm và những cánh cửa gỗ được chạm khắc uy nghi. Vậy điều gì làm Cambridge trở nên khác biệt và thú vị hơn?
Cambridge cách Luân Đôn về phía bắc khoảng 80km và được các thị trấn yên bình bao quanh. Vì thế, bản thân Cambridge cũng rất yên tĩnh, bình an và có lượng cây xanh phủ rợp rất trong lành.Cambridge còn có nhiều khoảng không dành cho công viên, các kênh đào thả những loại thủy cầm, các thảm cỏ xanh rì được cắt xén chăm chút. Ngoài ra, dòng sông Cam thanh mảnh uốn mình chảy lượn quanh các colleges chính là linh hồn giúp thành phố toát lên vẻ êm đềm. So với Oxford, Cambridge mềm mại, gần gũi và lãng mạn hơn rất nhiều.
Chúng tôi đi ngang bến thuyền, nơi các sinh viên đăng ký làm người chèo thuyền đưa du khách lững lờ dạo qua các colleges xinh đẹp như King"s College, Trinity" College, Saint John"s College. Được biết những người chèo thuyền toàn là các nghiên cứu sinh, những tiến sĩ tương lai, các du học sinh xuất sắc, chúng tôi thấy ái ngại không dám xuống thuyền. Phần vì... cũng muốn tiết kiệm do giá cả bên Anh cực đắt, chúng tôi tự hài lòng khi đi bộ thong dong dọc theo dòng sông Cam. Ở Cambridge, sinh viên quốc tế chiếm đến 30% dân số nên bạn tha hồ bắt gặp những cô cậu trẻ măng tay ôm sách, tay cầm ổ bánh mì gặm vô tư. Các sinh viên châu Á khá đông, và thỉnh thoảng gặp vài người da màu. Điều này ở Oxford khá hiếm, có thể vì người gốc Á thích vẻ lãng mạn của Cambridge hơn chăng? Riêng tôi, nếu được chọn, tôi thích đến Oxford học tập hơn. Đơn giản vì Cambridge quá thơ mộng, thật quá mà tập trung dùi mài kinh sử được.
Người chủ Guest House nơi chúng tôi trọ rất biết cách làm vui lòng khách, ông nói cười cởi mở, chẳng có vẻ gì là "phớt tỉnh Ănglê". Khi tình cờ xuống bếp, tôi thấy ông có một laptop xịn đang chạy chương trình gì đó rất "trí tuệ". Ông cho hay mình là kỹ sư vi tính, làm việc tại nhà nên có thể giúp vợ trông coi Guest House. Căn bếp rất sạch, sáng bóng và có một trật tự sắp xếp cao. Chả trách căn nhà ông ở chỉ có một lầu, chiều dài 20 mét, chiều ngang 4 mét những được "quy hoạch" để có đến 6 phòng ngủ cho thuê, một phòng khách kiêm phòng ăn, bếp và chỗ sinh hoạt riêng tư cho gia đình. Chúng tôi rất thích ở Guest House vì so với khách sạn, giá không rẻ hơn nhưng không khí lại thân mật hơn, sạch sẽ và ở gần trung tâm thành phố. Các Guest House khi được post lên Internet đều được du lịch địa phương cấp phép nên tuy quy mô hộ gia đình, họ làm ăn rất chuyên nghiệp và uy tín. Những thành phố cổ nhờ vào lượng Guest House mà không phải xây thêm khách sạn to lớn làm mất cảnh quan mà vẫn có thể đón được một lượng du khách không nhỏ.
Ngày hôm sau, nghe theo lời khuyên của ông chủ nhà, chúng tôi quyết định... ngồi thuyền dạo dọc sông Cam. Những ngôi trường cổ xưa vươn mình vừa uy nghi vừa gần gũi. Những con ngỗng trắng và vịt xám được thả bơi trong một vùng lau sậy trong lành. Ngang qua chiếc Cầu Than Thở (Bridge of Sigh) chúng tôi nêu thắc mắc với người chèo thuyền: Vì sao các thành phố cổ ở châu Âu hay có dạng cầu này? Venise, Bercelone, Oxford, Cambridge... mỗi nơi có một Bride of Sigh khác nhau nhưng cũng chung một đặc điểm: chúng ta đừng đi bên trên mà nên đi phía dưới cầu để ngước mắt nhìn ngước lên mà than thở rằng: "Ôi chao là đẹp!". Bridge of Sigh ở Oxford bắc ngang... một con phố nhỏ. Nhưng ở Cambridge, cầu được bắc ngang sông Cam đàng hoàng. Khi thuyền lững lờ nhẹ nhàng trôi qua, chúng tôi được khuyên hãy ước một điều. Đã ước thì một điều hay mười điều thì cũng thế, chẳng nên hà tiện. Vì thế tôi tha hồ ước, những điều ước lãng mạn như dòng sông Cam nhỏ xinh nhưng cũng rất vững chắc, như những ngôi trường sừng sững của Cambridge.
Nếu như thuyền chỉ dành để đãi khách du lịch (đãi nhưng phải trả tiền), thì xe đạp là phương tiện thông dụng cho dân Cambridge. Có đến 25% người dân của thành phố này đạp xe đến sở làm hoặc đi học hàng ngày. Đường phố ở đây nhỏ xinh, được đạp xe loanh quanh giữa những ngôi trường cổ kính, những vườn hoa, những thảm cỏ nhung mượt mà là một cái thú. Ngoài ra, thành phố còn ưu tiên quy hoạch đường dành riêng cho xe đạp để khuyến khích mọi người bảo vệ môi trường.
Tôi hiện đang ở Cambridge vào tháng tư, khi mùa xuân yêu kiều đang trải chiếc áo hoa xinh đẹp và nắng vàng đang lung linh gợi cảm. Vào mùa này ai không đạp xe thật là phí phạm nên có rất nhiều những nam thanh nữ tú và cả các ông giáo sư hói đầu đáng kính đang nhấn kèn xe "reng, reng" thong dong lướt xe đạp trên phố nhỏ. Xe đạp ở Cambridge có những chiếc thật buồn cười, bé tẹo và lùn tè như dành cho trẻ con nhưng lại đang được mấy anh chàng sinh viên cao ngồng đạp hăng hái. Xe đạp được dựng trong sân trường, khóa bên các hàng rào, cột vào các cột đèn như những tài sản không mấy giá trị. Nhưng đừng lầm, theo thống kê của sở cảnh sát, hàng năm vào thời điểm này, tức là vào lúc Cambridge đang đầu xuân, có cả trăm chiếc xe bị "thó" hoặc bị gỡ phụ tùng trơ trụi chỉ còn cái bánh xe bị xích lại. Ngoài ra dân sinh viên còn biết rõ nhiều xe đã bị "làm thịt" mà chủ nhân cũng chẳng buồn báo cảnh sát. Bất quá rình chiếc nào dễ "chôm" thì trả thù lại cho đỡ tức vậy. Trong những con hẻm giữa các colleges, chúng tôi thấy nhiều bảng hiệu sửa xe đạp, tân trang hoặc tháo ráp lại những chiếc xe mới. Và cũng như nhiều ngành nghề thời vụ khác ở Cambridge, các "thợ sửa xe đạp" này hoàn toàn là các thạc sĩ và tiến sĩ tương lai.
Đâu đó trong một cuốn sách người ta nói rằng Cambridge có nghĩa là thành phố của những chiếc cầu bắc ngang sông Cam. Và tôi cũng biết rằng Cambridge còn là thành phố của tri thức, của lãng mạn, của sự trong lành...
Birmingham không bảo thủ
Tôi nghe danh Birmingham đã lâu từ một người "đặc biệt" du học ở đây.
Birmingham là một trong những thành phố lớn nhất nước Anh và đây là cái nôi của cuộc Cách mạng công nghiệp với "nick name" như "Phân xưởng của thế giới" hay "Thành phố ngàn nghề". Từ Birming-ham, các tuyến đường sắt, đường bộ túa ra các khu vực lân cận và là cầu nối cho nhiều thành phố xung quanh. Vì lẽ đó, Birmingham còn nổi tiếng với "Spaghetti junction". Đây là nơi các cầu vượt được xây dựng thành từng tầng chồng chất lên nhau. Nhìn từ trên cao, những chiếc cầu vượt - xa lộ này đan xen một cách rối rắm, chẳng khác nào một đĩa mì Ý spaghetti.
Thành phố đa văn hóa
Và tôi đã cùng người "đặc biệt" của mình vượt qua "dĩa mì spaghetti" ấy để tiến vào thành phố Birmingham vào một ngày đầu xuân tuyệt đẹp. Với tôi đây là lần đầu, ấn tượng chưa có gì "kinh khủng" khi xe đò chạy "xăm xăm" vào thành phố. Nhưng với "đối tác" đang ngồi kế bên, đây là thời điểm khá xúc động, sau năm năm chia tay, anh đang quay về với những kỷ niệm thời du học với thành phố yêu dấu đã cưu mang trong lúc xa quê hương. Từng dãy phố, từng con đường, từng công trình kiến trúc được anh thì thầm gọi tên. Thật khó tin, sao anh lại có thể nhớ rõ sau bao năm cách biệt.
Công bằng mà nói, Birmingham... xấu quá! Đơn giản bởi đây là thành phố công nghiệp, chẳng thể so sánh với Oxford kiêu kỳ, Cambridge lãng mạn hay London phồn hoa. Nhưng cũng công bằng mà nói, Birmingham có một sức hút mãnh liệt từ sự sống động, năng nổ và tốc độ thay đổi rất nhanh. Thành phố mang dáng dấp của một môi trường đa quốc gia, đa chủng tộc và dĩ nhiên là đa văn hóa. Ngoài phố, tôi gặp rất nhiều người không-da-trắng, họ là người da đen (châu Phi), da tái tái (Bắc Phi), da có màu cà phê sữa (người gốc thổ dân trên các đảo Nam Thái Bình Dương, thuộc địa cũ của Anh), da ngăm ngăm (Ấn Độ, Indonesia) và đặc biệt là khá nhiều người da vàng. Những người gốc Á này cũng đến từ khắp nơi, không hoàn toàn là người Trung Quốc. Họ mỉm cười thân thiện với tôi như một lời chào từ những người cùng chủng tộc. Có vài người đứng bán quà rong và bong bóng đủ màu ở khu trung tâm. Họ chỉ đường cho tôi bằng tiếng Hoa, "xí xố xí xố" vô cùng nhiệt tình.
Dấu ấn "da vàng"
Tôi không có một thống kê nào về tỷ lệ người gốc nước ngoài sống ở Birmingham. Có thể người gốc Á chưa phải chiếm số đông, nhưng một điều chắc chắn là sức ảnh hưởng của cộng đồng này thật đáng kể. Quả vậy, những công trình mang dáng dấp Á châu khá dày đặc trong thành phố. Cổng chào của Birmingham có mái che theo lối kiến trúc Trung Hoa. Thật buồn cười cho một thành phố lớn của Anh. Những giao lộ lớn cũng có những công trình sơn màu đỏ, yểu điệu với những đường cong rặt chất Á Đông. Các chùa chiền cũng khá nhiều và đương nhiên là có dáng vẻ của một vùng đất xa xăm. Ngoài ra, các siêu thị bán đồ châu Á cũng được xây dựng theo kiến trúc Trung Hoa với những mái ngói vυ't cong, vòm cổng hình bán nguyệt và mọi thứ đều có màu đỏ tượng trưng cho may mắn. Ở một nhà ga trong thành phố, kiến trúc châu Á cũng hiện diện rõ rệt qua những chiếc cổng được trang trí như mái chùa. Xem ra, cộng đồng da vàng rất chịu khó hòa nhập vào cuộc sống ở Birmingham và muốn để lại dấu ấn của mình thông qua các công trình công cộng. Hẳn họ phải góp tiền hoặc tài trợ cho những công trình xã hội. Và dĩ nhiên, Birmingham cũng "welcome" điều này, thành phố dang tay rộng lòng đón nhận những tinh hoa từ các nền văn hóa khác đem lại, thật thân thiện và gần gũi.
Tất cả những dòng kênh đều chảy
Thật ra, Birmingham không xấu như tôi vội nhận xét. Khi ra trung tâm thành phố dạo chơi sáng chủ nhật, tôi ngỡ ngàng nhận ra Birmingham quá duyên dáng và độc đáo với hệ thống kênh đào vô cùng phong phú. Lẽ ra người ta nên đặt cho thành phố này biệt danh "Venise phương Bắc". Tuy nhiên, "nick name" này đã được gán cho Amsterdam (Hà Lan) và Brugge (Bỉ) mất rồi. Lịch sử thành phố ghi nhận, từ những năm 1760, một hệ thống kênh rạch phức tạp đã được xây dựng trên một diện rộng, xuyên qua Birmingham và vùng "Black Country" kế đó. Hệ thống kênh rạch này đã giúp người dân vận chuyển hàng hóa. Họ mua nguyên phụ liệu thô về sản xuất và chở ra khắp nơi các sản phẩm hoàn thành. Vào những năm 1820, thành phố cho trùng tu và mở rộng thêm nhiều con kênh nữa. Và kinh ngạc làm sao, tôi được biết Birmingham có tổng chiều dài của các con kênh là 60km, hơn hẳn Venise của Ý (chỉ có 41km).
Ngày nay, hệ thống kênh rạch này khá đẹp mắt, tuy không lãng mạn như Venise hay điệu đàng như Amsterdam, các con kênh của Birming-ham cũng được chăm chút khá cẩn thận với những chiếc cầu duyên dáng bắc ngang, đàn thủy cầm thả rong dịu dàng và những chiếc thuyền con rong ruổi lại qua. Thành phố tận dụng hệ thống kênh rạch dày đặc cho việc đi lại của người dân thêm dễ dàng, họ có thể dùng thuyền như xe bus trên bộ để đi lại trong nội thành và như xe đò để đi ra các vùng phụ cận. Tất cả các con kênh đều được sử dụng và trân trọng như nhau. Tất cả những dòng kênh đều chảy...
Yêu văn nghệ và yêu Nữ hoàng
Chúng tôi may mắn đến Birmingham nhân dịp người dân cả nước đang có nhiều hoạt động mừng sinh nhật Nữ hoàng. Tại quảng trường trung tâm, từng nhóm các nghệ sĩ nghiệp dư quây quần múa hát vui nhộn. Tôi cũng hòa vào ngồi chung với hàng trăm khán giả, kế bên là một chiếc xe nôi có chú bé mập mạp nhún người theo tiếng nhạc. Thật lòng mà nói, trình độ biểu diễn của họ không có gì đặc sắc, nhưng lòng nhiệt tình và sự đam mê của những nghệ sĩ nghiệp dư này thể hiện thật rõ rệt. Họ mặc trang phục truyền thống, tập dượt công phu nhiều tháng trời, thậm chí còn phải kiêng ăn để có được vóc dáng thon thả. Đa phần họ đều ở độ tuổi về hưu, tóc điểm bạc nhưng dáng dấp vẫn cố hết sức giữ cho gọn gàng. Các ông cao dong dỏng, nhảy múa những điệu dân gian rất thong thả, khoan thai, ra chiều "gentleman" lắm. Các bà điệu đàng hơn, hay cười với khán giả và xúng xính trong những chiếc đầm phùng xòe. Nhóm các em thiếu nhi càng náo nhiệt, tuy trong lúc diễn các em hay lúng túng vì quên bài, nhưng sự hồn nhiên đã làm các nghệ sĩ nhí trở nên thật đáng yêu.
Thành phố không bảo thủ
Người ta nói dân Anh bảo thủ không phải là không có lý do. Nhưng tại Birmingham, tính bảo thủ dường như rất nhạt nhòa. Nếu như những thành phố khác giữ nguyên các kiến trúc công cộng trong nhiều thập kỷ, Birmingham sẵn sàng xóa bỏ những cái không còn hiệu quả và nhanh chóng cho xây những tòa nhà hiện đại thế vào. "Đối tác" của tôi luôn miệng ngạc nhiên: "Cái này mới! Cái này hồi đó chưa có! Cái này lạ quá!". Này là khu chợ Tàu được mở rộng diện tích kinh doanh. Kia là shopping center BullRing mới xây nằm thật hoành tráng, sát bên một công trình cổ xưa giữa trung tâm thành phố. Và ấn tượng nhất là "The new Selfridges building", một trung tâm mua sắm có thiết kế lạ lùng, mới mọc lên. Tòa nhà có phân nửa diện tích trông khác hoàn toàn với nửa kia: dát những "hột nút áo" khổng lồ, kín bưng không một cửa sổ và hình thù "cong cong ẹo ẹo" ngộ nghĩnh.
Thành phố Đại học
Birmingham còn nổi tiếng là thành phố Đại học. Và cũng vì lẽ đó, "đối tác" của tôi mới đến du học và năm năm sau có dịp nhảy chân sáo dắt tôi quay về "thăm trường xưa lối cũ". Anh rất tự hào về ngôi trường của mình: Đại học Birmingham.
Đây là một trong ba trường lớn của thành phố, cùng với Đại học Aston và Đại học Central England. Đại học Birmingham không hề giống những ngôi trường cổ kính ở Oxford hay Cambridge, trường này có kiến trúc hiện đại, to "khủng bố" với một tháp đồng hồ cao chót vót và mừng rằng không đến nỗi xấu xí. Trường có khuôn viên rộng rãi phủ xanh bằng các loại cây cỏ. Mùa xuân hoa nở rợp trường thật ấn tượng. Này là hoa đào hồng, này là hoa đào trắng, này là hoa huệ vàng... Tuy có kiến trúc hiện đại, Đại học Birmingham lại có lịch sử đến trên 100 năm. Ký túc xá nằm sát bên thì rõ ràng là mỗi năm được nới rộng thêm đáng kể. Vậy mà cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của sinh viên từ khắp nơi đến học. Xung quanh trường là những khu phố được người dân dành cho sinh viên thuê. "Đối tác" dắt tôi tìm thăm lại "nhà cũ", một căn nhà be bé, có ba phòng ngủ và một căn bếp. Nhà hiện chưa có ai thuê nên đang treo bảng "To let" trước cửa. Những kỷ niệm của một thời đèn sách ùa về, vất vả mà tràn ngập hân hoan...
o O o
Straford-upon-Avon bị thời gian bỏ quên
Người Anh thật biết cách làm du lịch và có đầu óc Marketing khá tốt. Quê hương của Shakespeare nằm ở thị trấn Straford-upon-Avon là một ví dụ. Thị trấn nhỏ xinh nằm bên dòng sông cũng nhỏ xinh không kém, ấy vậy mà hàng ngày hút đến hàng trăm khách du lịch. Mọi người đến đây để thăm "bất động sản" của dòng họ Shakespeare để lại. Nói vui như thế, vì trong tour du lịch, khách chỉ đi theo sơ đồ đến những địa điểm thuộc về Shakespeare. Nhưng tôi không hề hối hận đặt chân đến quê hương "cụ Shakespeare", vì sao nhỉ?
Thị trấn bình yên
Xét về mặt "peaceful", Straford nằm bên dòng sông Avon hiền hòa là một trong những thị trấn bình yên nhất mà tôi đã ghé qua. Ven rìa thị trấn vẫn còn là những cánh đồng trải dài một màu xanh rợp mắt, ẩn hiện trong những khóm cây là những ngôi nhà cổ xinh xinh. Và dòng sông phẳng lặng với đàn thủy cầm lững lờ soi bóng chảy vắt ngang đã vẽ nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Tôi cứ ngỡ mình lạc vào nước Anh của mấy thế kỷ trước, khi người ta sống chan hòa cùng thiên nhiên và chẳng mảy may quan tâm đến... tình hình tài chính bất ổn ở phố Wall, giá vàng dựng đứng chóng mặt hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Quả thật, chiếc cầu đá xưa lơ xưa lắc bắc ngang sông càng làm không khí "trung cổ" thêm sống động.
Những con người sống ở thị trấn bị thời gian bỏ quên này hình như cũng thuộc về quá khứ, họ chậm rãi đọc báo trên những băng ghế gỗ, ngồi trong bóng râm của hàng cổ thụ và ung dung tự tại ngắm khách du lịch đang há mồm ra thán phục cảnh "thiên đường là đây". Phố xá ở Straford cũng thuộc về thời xưa cũ, không một bóng xe hơi và lát toàn đá xanh bóng loáng. Thị trấn chia nhỏ các khu rạch ròi như một bàn cờ, đã tồn tại suốt 800 năm nay kể từ những ngày đầu xóm nhỏ thôn quê được quy hoạch thành một thị trấn.
Bất động sản của dòng họ Shakespeare
Theo tài liệu du lịch ghi lại, cụ thân sinh ra chàng trai yêu văn thơ là một nhà buôn "có máu mặt", chuyên về các loại hàng bức thiết của cuộc sống như ngũ cốc, vải vóc, len dạ... Phi thương bất phú, nhờ giàu có, cụ ông trở thành thị trưởng Straford vào nằm 1568. Chàng lãng tử đa tình Shakespeare thế là xuất thân từ giai cấp "con nhà giàu", chàng kết hôn với Anne Hathaway, một cuộc hôn nhân "môn đăng hộ đối" và cho ra đời ba người con. Bỏ lại sau lưng Straford buồn thiu để dấn thân vào những đoàn kịch danh tiếng ở Luân Đôn, Shakespeare ra đi vào năm 1588. Để rồi khi chồn chân mỏi gối sau bao nhiêu thị phi trốn kịch trường, "lão kịch tác gia" quay đầu về cố hương năm 1612 và mất vào năm 1616 khi tròn 52 tuổi. Tôi dùng từ tròn vì ông mất đúng vào ngày sinh nhật của mình, ngày 23-4. Thi hài ông được chôn tại nhà thờ Holy Trinity, nằm sát bên bờ sông Avon hiền hòa. Hiện tại Straford còn lưu dấu khá nhiều "bất động sản" của dòng họ Shakespeare và đều được đưa vào tour du lịch. Trước tiên là "Shakespeare Birth place", ngôi nhà đại văn hào đã oe oe cất tiếng khóc chào đời. Nhà này được trung tu cực tốt và đã biến thành một bảo tàng về Shakespeare, nằm trên phố Henley ngay trung tâm thị trấn.
Tiếp đến là "Nash"s house", ngôi nhà của Nash. Nash là cháu rể, kết hôn với cháu ngoại của Shakespeare. Ngôi nhà cũng đã biến thành bảo tàng với các vật dụng cổ xưa còn lưu dấu thời hoàng kim, mức sống vương giả và đẳng cấp "đại gia" của dòng họ này. Trong vườn còn ghi rõ đây thực chất là nhà của Shakespeare, khi ông rời Luân Đôn về quê nghỉ hưu, ông đã sống những ngày cuối đời và đã mất tại đây. Vì thế, Nash"s house còn được gọi là "New Place". Kế đến là "Hall"s Croft", trang trại của Croft. Chủ nhân là con gái của Shakespeare và trang trại cũng biến thành bảo tàng với khối lượng vật dụng tuyệt đẹp bên trong. Ngoài ra còn "Anne Hathaway"s Cottage (trang trại của Anne Hathaway) và "Mary Arden"s house" (nhà của Mary Arden). Hai nơi này nằm ngoài rìa thị trấn, trông dân dã hơn với các mái vòm bằng rơm trộn đất. Tất cả đều thuộc gia đình Shakespeare. Và toàn bộ nhóm bất động sản này đều nói lên dòng họ Shakespeare thật giàu có, hàng "đại gia" chứ không phải chuyện vừa. Đặc biệt, người dân nơi đây xem ra vô cùng trân trọng và tôn kính Shakespeare.
Những ngôi nhà gỗ viền đen
Ở Straford, tôi còn chiêm ngưỡng thêm những ngôi nhà xinh xắn độc đáo khác. Đó là dạng nhà bằng gỗ, có những sọc đen trang trí trông như một anh chàng mặc bộ "pyjama" kẻ sọc đỏm dáng. Dạng nhà này thường gặp ở các thành phố nằm sát rừng, có nguồn gỗ phong phú để hỗ trợ các công trình xây dựng. Tôi đã thấy loại nhà này ở Rennes (Pháp). Người Pháp gọi kiến trúc này là "maison à colombages", còn người Anh gọi là "half-timbered house", tức là nhà gỗ viền. Trong dãy nhà gỗ viền đen trên phố High Street, khách sạn Shakespeare trông nổi bật nhất. Và sát đó, ngôi nhà có bảng tên "Harvard"s house" cũng là nơi được khách du lịch tìm đến. Hiện nay nhà thuộc tài sản của trường Đại học Harvard. Đây là nơi mục sư John Harvard, vốn tốt nghiệp Đại học Cambridge, đã từng cư ngụ trước khi sang Mỹ sinh sống và thành lập trường Đại học danh tiếng mang tên mình. Trường này nằm trong thành phố Cambridge, bang Massachusetts.
Cách "Harvard"s house" không xa là... ngân hàng HSBC. Sở dĩ tôi nhắc đến ngân hàng này vì nó được tọa lạc tại một ngôi nhà màu đỏ hồng, cổ xưa mà hiện đại. Và vì rất nhiều người lầm rằng HSBC (The Hong-kong and Shanghai Banking Corporation) là ngân hàng của Hong-kong hoặc Trung Quốc. Thực chất, HSBC là của Anh, có trụ sở chính đặt tại Luân Đôn và ngân hàng này có mặt ở khắp các thành phố lớn nhỏ của Anh, chỗ nào có vị trí đắc địa nhất thì HSBC đều xí phần. Sát bên HSBC là những tên tuổi fast-food, nằm "tế nhị" trong những ngôi nhà gỗ viền đen như Pizza Hut, Mc Donal... Khu shopping center cũng được "ẩn mình" trong dãy nhà gỗ. Điều này khiến Straford không bị "phô" vì cuộc sống hiện đại đã tràn tới. Ngồi ăn chiếc pizza nóng, uống coca lạnh và ngắm phố nhỏ Straford một chiều xuân, tôi thầm cám ơn Shakespeare. Sự nổi tiếng của đại văn hào đã kéo tôi đến với thị trấn hiền lành bên dòng Avon xinh đẹp.
o O o
Đến Warwick xem lâu đài ma
Tôi chưa từng thấy ma trong đời, nhưng nếu hỏi tôi có tin ma hiện hữu hay không thì tôi nghĩ là có. Người Việt mình tin có ma đã đành, đến Anh mới biết dân sứ sương mù còn tin sái cổ hơn. Ở Anh hiện tại có rất nhiều tour du lịch đi xem ma trong các lâu đài cổ của những vùng hoang vắng nằm ở phương Bắc. Người ta biết cách kí©ɧ ŧɧí©ɧ trí tưởng tượng khách du lịch, đến mức treo bảng ai dám ngủ một đêm trong căn phòng ma thì được thưởng tiền. Trong thời gian ở Anh, tôi không có thời giờ để đi lên phương Bắc xem ma, những cũng kịp tranh thủ đến Warwick, một thị trấn nhỏ vùng Trung du, đến lâu đài Warwick thăm hồn ma của Sir Greville.
Lâu đài Warwick
Từ Birmingham sôi động, chúng tôi lấy xe lửa chừng một tiếng thì tới Warwick. Thị trấn này hiện ra âm u, thâm trầm và yên ắng. Một bà già ở nhà ga nhìn chúng tôi bí hiểm, hỏi gọn lỏn "Đến lâu đài xem ma phải không?" rồi nắm tay tôi lôi theo để chỉ đường. Tay bà lạnh, gương mặt nhăn nhúm rất ma quái, khi bà cười để lộ cái miệng chẳng còn một cái răng. Nhưng đang ba giờ trưa, không lý gì ma hiện ra giữa ban ngày, nên chúng tôi cười hì hì lại với bà. Bà lão sao khi chỉ đường cũng chuồn lẹ. Không quên chúc chúng tôi gặp được hồn ma của Sir Greville.
Lâu đài Warwick to lớn, cao ngạo nghễ, từ xa đã nhìn thấy những ngọn tháp thâm trầm. Thật ra phải gọi đó là pháo đài bởi kiến trúc không có tí lãng mạn nào, ngược lại, nơi đây được xây dựng để phòng thủ với những bức tường đá dày, kín đáo để mai phục kẻ thù. Bỏ ra mười tám bảng Anh để chui vô lâu đài Warwick, chúng tôi không hy vọng chỉ được xem ma mà còn muốn nhìn thấy nhiều điều độc đáo khác. Lâu đài Warwick có lịch sử kéo dài hơn 1000 năm. Lâu đài được xây từ thời nội chiến Anh, qua hàng bao thế kỷ, trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh. Lâu đài đến nay vẫn đứng sừng sững, bên trong những bức tường thành cao chót vót là hàng ngàn thánh tích, di vật, các bộ giáp sát để ra chiến trường và các loại vũ khí đa dạng. Lâu đài cũng có thể được gọi là bảo tàng, những loại vũ khí, áo giáp được trưng bày khắp nơi. Ngoài ra, các tượng sáp diễn lại cảnh các công nương, bá tước đang sinh hoạt trong các phòng cũng khiến khách hình dung được một thời lịch sử. Đặc biệt, cảnh tra tấn bằng những dụng cụ dã man, cảnh hành hình trong ngục tối, trong hầm sâu với những thân người nhễ nhại máu chưa gì đã khiến tôi rùng mình.
Câu chuyện của Sir Fulke Greville
Từ thời người Norman xâm lược cho đến thời chiến tranh kéo dài hàng trăm năm với người Pháp, lâu đài Warwick đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và là ngôi nhà của các bá tước hùng mạnh xứ Warwick. Từ năm 1604, lâu đài được vua James Đệ Nhất cấp cho Sir Fulke Greville. Lâu đài khi đó đang ở trong tình trạng siêu vẹo, đổ nát và Sir Greville phải bỏ ra hàng núi tiền để sửa chữa, trùng tu lại. Ông cũng biến lâu đài từ chỗ sặc mùi binh đao thành nơi trú ngụ bình yên. Việc sửa chữa kéo dài đến năm 1617, vừa kịp để đón vua James Đệ Nhất đến thăm. Sir Greville cho xây thêm một tòa tháp ở phía Nam của lâu đài để làm cổng bảo vệ khi có kẻ thù đến bằng hướng bờ sông. Sir Greville cũng dọn về tòa tháp này để ở hẳn.
Mặc dù Sir Greville được xem là một hiệp sĩ rất rộng lượng, ông lại có một kết cục bi thảm. Vào năm 1628, trong một cuộc họp ở Luân Đôn, Sir Greville đã tranh cãi rất căng thẳng với Ralph Haywood. Haywood từng là một người hầu của Sir Greville và hắn đã thuyết phục mọi người rằng Sir Greville không xứng đáng để nhận nhiều quyền lợi đến thế. Trong lúc tranh cãi, hắn rút dao đâm Sir Greville và sau đó khi ý thức được việc làm điên rồ, hắn tự đâm mình để tự tử. Sir Greville chưa chết ngay mà bị thương và được đưa về lâu đài Warwick. Ông hấp hối tại lâu đài của mình. Với vết thương quá nặng, ông chết một tháng sau đó.
Hồn ma hiện trên bức chân dung
Hồn ma của Sir Fulke Greville được xem là không siêu thoát vì ông ra đi không bình yên. Tương truyền ông nghĩ mình lẽ ra nên chết dưới tay kẻ thù hơn là bị chính người hầu của mình sát hại. Thế là cho đến tận ngày nay, hồn ma của ông vẫn còn lẩn quẩn trong tòa tháp ông ngụ trước khi chết ở lâu đài Warwick. Theo lời của những nhân viên trông coi lâu đài, hồn ma của ông hiện ra trên bức chân dung treo ở lò sưởi trong thư viện và đi lòng vòng quanh các căn phòng. Những người quản lý lâu đài ngày nay rất có óc sáng tạo, họ tổ chức các tour tìm gặp ma vào mùa Tảo mộ (Halloween Ghost Tour), các tour đi săn trong khuôn viên lâu đài, các lễ hội hóa trang theo dòng lịch sử, các buổi dã ngoại dành cho trẻ em với các hoạt cảnh theo cổ tích... Lâu đài còn khuyến mãi giá vé vào cổng dành cho cả năm là hai mươi bốn bảng Anh. Với nhiều hoạt động như thế, hồn ma nào còn trú nổi trong lâu đài Warwick đây? Tuy vậy, nếu bảo tôi "qua đêm" trên giường Sir Greville thì tôi cũng không có gan vì dù sao, tòa lâu đài cũng rộng khủng khϊếp và luôn có vẻ gì đó rất "ám khí". Thôi thì chẳng mong ở lại tòa tháp để diện kiến Sir Greville nên trời vừa sụp tối là chúng tôi đã vội lên đường rảo bước ra ga, về với Birmingham sầm uất.
Người Anh xem ra giàu trí tưởng tượng và biết cách marketing các tour du lịch hơn hẳn dân láng giềng Pháp, Đức, Bỉ... xung quanh. Dù rằng lâu đài hoang hay pháo đài với những truyền thuyết xác người chất cao như núi nước nào cũng có. Chuyến đến thăm lâu đài ma Warwick là một kỷ niệm vui, dù rằng thực lòng tôi không mong gặp hồn ma của Sir Greville. Bạn biết không, bức chân dung treo ở lò sưởi trong thư viện cho thấy ông không hề đẹp trai. Giá hồn ma ấy đẹp l*иg lộng như hoàng tử William thì cũng đáng. Tôi sẽ trốn lại trong tòa tháp một đêm.