Venise Và Những Cuộc Tình Gondola

Chương 6: Nước đức

Berlin mùa Giáng sinh

Trong tập truyện Bồ câu chung mái vòm của tôi, truyện ngắn Con gà nói tiếng Đức có nhiều bạn đọc đồng cảm nhất. Với riêng tôi thì truyện ngắn này "khai trương" cho loạt truyện viết về bối cảnh nước ngoài, giúp tôi được độc giả công nhận và khiến tôi nhận ra thế mạnh của mình về đề tài nằm ngoài biên giới Việt Nam. Nhắc đến Con gà nói tiếng Đức, tôi cũng nhớ ngay đến chuyến lãng du đến Berlin vào mùa đông năm 2000.

Thành phố trật tự

Ấn tượng của tôi khi bước chân xuống nhà ga Berlin là thành phố quá trật tự. Dù đang mùa Giáng sinh, người dân vẫn đi mua sắm hoặc dạo phố một cách ung dung, thong dong. Có vẻ gì đó rất ổn định, không thấy sự háo hức hay chộn rộn như ở những thành phố châu Âu khác. Tôi cùng vợ chồng một người bạn trọ trong một khách sạn ngay khu trung tâm, sát bên nhờ thờ "Cụt đầu". Khách sạn không hiểu sao có một mức giá siêu khuyên mãi, có thể vì đang mùa đông, nhưng cũng có thể vì sát bên đang có một công trình xây dựng gây tiếng ồn và bụi bay sang. Bạn tôi sống ở Đức cho biết người Đức nói chung và người Berlin nói riêng rất qui củ. Họ sống theo một trật tự được hoạch định, tôn trọng tự do cá nhân dựa trên những quyền lợi chung của cộng đồng. Nếu vì lý do nào đó bạn gây cho người khác sự phiền toái, khả năng đền bù thiệt hại và sự áy náy của bạn luôn được đánh giá cao. Hẳn công trình xây dựng sát bên khách sạn đã "bù lỗ" nên chúng tôi mới may mắn có giá phòng rẻ như vậy. Chỉ với mười lăm euros (khoảng 300.000 đồng), một căn phòng rộng dành cho ba người đón chúng tôi vào.

Berlin by night

Như mọi thành phố châu Âu trong tháng mười hai, Berlin được trang hoàng bằng những ánh đèn, những cây thông, những quả chuông giáng sinh... Tuy nhiên Berlin rất "chừng mực", không cố tạo vẻ khoa trương, cũng không "màu mè" ra vẻ quý phái hay theo một trường phái trẻ trung nào cả. Những ai thích hội hè sẽ dễ dàng thất vọng, chê Berlin khô khan, buồn tẻ hoặc chẳng có gì để chơi. Riêng tôi, chỉ cần bước chân ra khỏi khách sạn, nhìn nhà thờ "Cụt đầu" đủ khiến tôi "ngây ngất". Nhà thờ này chẳng có gì "ghê gớm", nhỏ xíu và thấp lè tè so với vô vàn những nhà thờ ấn tượng khác ở châu Âu. Nhưng cái độc đáo ở đây là chóp của nhà thờ bị xén ngang do bị bom đạn trong thế chiến thứ hai gây ra. Nhà thờ không bị sụp mà vẫn hiên ngang tồn tại. Thế là người dân Berlin biểu quyết không sửa gì cả, cứ để nhà thờ bị cụt đầu, xem như một vết tích của chiến tranh. Cho đến nay, nhà thờ cụt đầu được xem như biểu tượng của Berlin. Và danh từ "Nhà thờ cụt đầu" hoàn toàn làm người ta quên đi tên thật của nhà thờ. Sát bên nhà thờ trứ danh này là một cái tháp xây dựng đơn giản đến mức... khá xấu, dùng làm nơi lễ lộc, cầu nguyện. Mùa giáng sinh, cái tháp nhỏ này cũng được thắp đèn, nhưng tù mù, không lộng lẫy gì. Tuy vậy, tôi thấy rất ấn tượng vì điều này hợp lý cho một chiến tích.

Đi xa hơn tí nữa, chúng tôi đến quảng trường lớn được huy động làm hội chợ Noel. Những quầy kiosque nhỏ bằng gỗ mọc trật tự vòng quanh, người ta bán các vật dụng trang trí, bánh ngọt, rượu đỏ, bia tươi, xúc xích, thịt nguội, thức ăn nhanh... Chúng tôi cũng gọi một ly rượu Đức được hâm nóng hổi, một ly bia và vài thanh xúc xích. Bắt chước thiên hạ cho vui chứ chẳng ai trong bọn mê bia rượu cả. Dân Berlin ngồi "nhậu" cũng rất yên bình, cụng ly nhè nhẹ và nói chuyện rỉ rả. Trời càng khuya nhiệt độ càng thấp, khách "nhậu" càng bớt sung rồi đứng dậy chầm chậm ra về. Tôi rất thắc mắc, đáng lý trời lạnh uống rượu phải nhiều cho ấm lên chứ. Chắc họ sợ "trúng gió" chăng? Nhắc đến "trúng gió", bạn tôi cười nghiêng ngả, dân Đức làm gì có khái niệm này.

Berlin dưới ánh mặt trời

Dù mùa đông, may sao Berlin cũng có chút nắng vàng. Cô bạn Christine người Berlin đến khách sạn đón chúng tôi đi chơi. Christine nói tiếng Pháp hoàn hảo, làm việc ho hãng hàng không Air France. Cô có thân hình nhỏ bé, thật trái ngược với dân Đức đa phần to cao rất "khủng bố". Christine cười khi nghe tôi nhận xét, cô đùa: "Adolf Hitler cũng nhỏ con chứ bộ!". Chúng tôi lên xe bus, đi vòng quanh Berlin theo sự hướng dẫn rất nhiệt tình của Christine. Cô chỉ chỗ này Hitler từng cho đốt sách, chỗ kia ông đọc diễn văn, chỗ nọ người ta biểu tình. Thú thật tôi vốn không rành lịch sử thế giới, lịch sử nước Đức càng "ù ù cạc cạc", nhưng cũng ráng đi theo Christine nghe cô thuyết trình. May thay, cuối cùng chúng tôi vào... sở thú. Thoát khỏi những bài học lịch sử, tôi vui vẻ xem thú, ngắm các loại cây cỏ phong phú và thành thật phát biểu: "May mà có sở thú, Berlin còn dễ thương!".

Christine cũng dẫn tôi đến Khải Hoàn Môn của Berlin, chỉ nơi đâu là phân cách Đông-Tây trong thời đất nước bị chia cắt. Ngày nay, "bức tường nhục nhã" chẳng còn lại vết tích gì nên tôi tìm mua bưu thϊếp, hy vọng còn vài hình ảnh quá khứ. Trong tiệm quà lưu niệm, bất ngờ tôi gặp các cô bán hàng là người Việt nói tiếng Bắc, tôi xin giảm giá vì "tình đồng hương". Các cô mặt lạnh như tiền "Không trả giá!", làm tôi quê... hai cục (hơn cả "quê một cục"). Christine không hiểu cuộc đối thoại của chúng tôi song chắc cô đoán "có vấn đề", tự dưng cô cho biết đến tận ngày nay, dân hai bên Đông và Tây của Berlin vẫn còn kỳ thị nhau, rồi nhìn tôi thật lạ: "Chẳng bao giờ thế giới phẳng đâu! Mỗi dân tộc có những niềm tự hào và nỗi nhục riêng! Hiểu không?". Câu nói của Christine có quá nhiều ẩn ý, hẳn cô cũng chắc tôi chẳng hiểu gì. Nhưng ít ra, tôi cũng mơ hồ thấy, Christine đại diện cho lớp trẻ, hãnh diện về nguồn cội của mình, và cũng mang những mặc cảm một thời "phát xít".

Chia tay Berlin trong một weekend ngắn ngủi, tôi nghĩ chắc mình không có hứng quay lại đây lần nữa. Thành phố không có gì đặc biệt để "níu lòng lữ khách". Nhưng khi tôi leo lên xe đò, tạm biệt vợ chồng người bạn và Christine, tự dưng tôi thấy xốn xang. Và khi xe chạy mải miết, suốt đêm ròng rã, đến tận mười giờ sáng hôm sau mới về đến Paris, tôi biết rồi mình sẽ quay lại. Ít ra, vẫn còn đó cô bạn Berlin quá dễ thương.

o O o

Eau de Cologne

Lần đó nhân chuyến đi từ Liège (Bỉ) sang Vienne (Áo), tôi đã quá cảnh tại thành phố Köln của Đức hai tiếng đồng hồ để đổi xe lửa. Sau khi lang thang trong nhà ga chán chê vẫn chưa đến giờ lên tàu, chúng tôi quyết định ra khỏi ga xem thành phố có cái tên Đức rất khó đọc là "Köln" có gì lạ.

Vừa lú mặt ra ngoài trời đêm mưa tầm tã, trước mặt chúng tôi là một ngôi giáo đường sừng sững đến choáng ngợp. Tôi giơ máy ảnh lên định chụp nhưng biết là khó thành công trong thời tiết và tầm nhìn quá khiêm tốn này. Một người Đức khuyên tôi bằng tiếng Anh: "Cô nên chụp giáo đường ở Cologne vào ban ngày!". Lúc này chúng tôi mới biết mình đang ở Cologne, là cách đọc theo tiếng Anh và Pháp của từ Köln, một thành phố rất nổi tiếng của Đức. Tôi reo lên "Đây là Cologne sao? Là "Eau de Cologne" đó phải không?". Người Đức bật cười và thành thật khuyên chúng tôi nên đổi vé tàu để ở lại viếng thăm thành phố này thêm một ngày nữa. Sau khi cân nhắc và gọi điện sang Vienne báo tin với người bạn Áo sẽ đến trễ một ngày, chúng tôi háo hức tìm khách sạn gần đó để chờ trời sáng.

Thành phố cổ kính 760 năm tuổi này rất thân thiện và nhà ga được cố tình xây sát bên giáo đường xinh đẹp với dụng ý hút khách quá cảnh như chúng tôi. Ngôi giáo đường quả rất độc đáo, được UNESCO chọn là một trong những di sản văn hóa thế giới. Người Đức thì rất tự hào vì nơi đây được khách nước ngoài đến viếng đông nhất, và theo thống kể của bộ Du lịch, có đến sáu ngàn du khách mỗi năm.

Giáo đường Cologne được xây theo lối kiến trúc Gothic, có hai tháp cao khoảng 157 mét và vô số các cửa kính màu được khắc hình minh họa những câu chuyện trong Kinh Thánh. Dù người phương Tây đa số vô thần, giáo đường Cologne không chấp nhận cho du khách ăn mặc hở hang bước vào bên trong. Một số người bán hàng rong chào mời các khăn choàng rộng cho những ai lỡ mặc áo không tay hoặc quần cao trên gối. Cách người Đức tôn trọng chốn tôn nghiêm làm chúng tôi hơi ngạc nhiên nhưng lại rất thích thú.

Bên trong giáo đường có một cầu thang cao đến 509 bậc dẫn lên ngọn tháp phía nam, ai đủ sức leo sẽ có được một tầm nhìn bao quát thành phố Cologne. Từ ngọn tháp này chúng tôi còn được thấy dòng sông Rhine êm đềm chảy vắt ngang. Thành phố nhờ sông Rhine mà đã trở thành trung tâm thương mại rất sầm uất ở châu Âu trong suốt bao nhiêu thế kỷ. Tuy nhiên trong thế chiến thứ II, rất nhiều công trình kiến trúc từ thời Trung Cổ đã bị phá hủy hoàn toàn. Vậy mà giáo đường lại trường tồn với thời gian, vượt qua bao trận ném bom, "như thế là ý Chúa", theo người dân lý giải. Ngoài giáo đường Cologne, thành phố còn lại trường đại học Cologne, một số nhà thờ, tòa thị chính, và một số những công trình lịch sử khác cũng có lối kiến trúc Gothic cổ xưa.

Chúng tôi xuống phố, đến những con đường trung tâm với các cửa hiệu hợp chủng quốc đang mời gọi. Nào là Mc Donal của Mỹ, Burger King của Anh, Yves Rocher của Pháp. Hurt Pizza của Ý. Tuy nhiên, những quán ăn đặc trưng Đức với các loại bia địa phương mới là nơi hút khách nước ngoài đông đúc. Thật chẳng trách Cologne được mệnh danh là thành phố ẩm thực châu Âu. Từng dòng người lũ lượt chẳng biết từ đâu đổ ra nườm nượp shopping vui vẻ. Họ nói tiếng Đức của dân địa phương, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hà Lan, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Hoa và chúng tôi đang nói tiếng Việt. Một quán bia có lối trang trí rặt một màu vàng như màu lúa mạch của bia được chúng tôi chọn bước vào. Giá cả không quá mắc, một ly bia Kolsch giá 1.3 euros. Người bán cho biết bia này lâu đời lắm, từ 1487 đã cho ra mẻ đầu tiên. Bia được bán chung với đậu phộng, sườn heo muối và khoai tây chiên. Vậy là chúng tôi ngồi nhậu kiểu Đức, lắng nghe các thực khách nước ngoài nói chuyện. Một vài du khách Pháp bàn nhau đến những địa điểm nghệ thuật vì Cologne được mệnh danh là thành phố văn hóa.

Với 36 bảo tàng, hơn cả trăm phòng tranh tượng và mấy chục nhà hát, phòng hòa nhạc, Cologne cũng hút khách du lịch yêu thích các loại hình nghệ thuật. Trên phố, một poster với dòng chữ "We will rock you" đang được giới trẻ bu quanh bàn tán. Chúng tôi không có nhiều thời giờ, và cũng không mấy hứng thú với các bảo tàng nên chọn đi thăm nhanh Thảo Cầm Viên và đi dạo dọc hai bên bờ sông Rhine. Thảo Cầm Viên được xây từ 1914 có vô số các loại hoa xinh đẹp nhưng chúng tôi chỉ kịp "cưỡi ngựa xem hoa". Thời gian còn lại chúng tôi để mặc những bước chân vô định dẫn mình lạc lối vào những con đường nhỏ trong khu phố cổ, thú vị thấy mình đang ở trong một sân vườn nhỏ xinh và ngồi xuống một quán cà-phê vỉa hè.

Khi tàn một ngày trời, chúng tôi quay lại nhà ga chờ tàu đến sẽ sang Áo. Chợt tôi nhận ra mình quên không mua chút nước hoa "Eau de Colgone". Thứ chất lỏng thơm phức ngày nhỏ mẹ tôi hay thoa vào đầu khi dắt tôi đi chơi ngày chủ nhật. Một cửa hiệu trong nhà ga may thay đáp ứng được ước muốn này của tôi với cái giá khá đắt. Chẳng hề chi, chính "Eau de Cologne" đã là một đại sứ du lịch giúp tôi vô tình mà biết thêm một thành phố thú vị. Và nói như ngạn ngữ châu Âu "Nếu bạn chưa biết Cologne, bạn chưa biết nước Đức", tôi hài lòng được biết nước Đức trong hai mươi bốn giờ.