Cung Đường Vàng Nắng

Chương 13: Hai nhiệm vụ bất khả thi

Từ ngày có thêm Isabella và Zineb, tôi năng "hạ sơn", rời đồi gió hú Sart-Tilman xuống trung tâm Liège bát phố. Dù vẫn ngán đi xe bus nhưng tôi cố gắng tranh thủ lúc chưa nhập học để khám phá nhiều hơn thành phố này. Theo lời các cô bạn cùng phòng, Liège... xấu òm, gần như là xấu nhất thế giới.

_ Vậy ra hai bạn đã đi vòng quanh thế giới rồi? – Tôi nghi ngờ hỏi.

_ Chưa! – Isabella tỉnh bơ – Nhưng ai cũng nói vậy!

_ Tôi chưa được đi khắp thế giới nên không vội chê bai như thế - Tôi ra vẻ công bằng – Dù sao với Bruxelles và Bruges, Liège mới nhìn quả... xấu thật.

Cả bọn cười ồ trước nhận xét của tôi. Bruxelles xứng đáng là thủ đô châu Âu với đầy đủ những khu phố cổ kính và những tòa nhà hiện đại, Bruges thì nức danh là thị trấn lãng mạn, nhan sắc chẳng khác nào một tiểu thư xinh xắn thanh tao.

_ Liège như một nàng Lọ Lem – Tôi so sánh – mặt mũi lúc nào cũng tèm lem xám xịt.

_ Thì đây là thành phố công nghiệp mà – Isabella giải thích – nên phố xá bị ám khói, có những khu phố toàn một màu xám đen vì ô nhiễm chất thải của các nhà máy.

_ Vậy hả? – Tôi ngạc nhiên – Tôi không thấy một nhà máy nào nằm trong khu vực nội thành cả.

_ Chắc trước kia thôi, giờ nhà máy dời ra xa rồi – Zineb đoán – Dù ở ngoại thành, khói công nghiệp cũng ảnh hưởng chứ!

Về mặt kiến trúc, Liège không có gì đặc sắc so với Bruxelles hay Bruges, nhưng so với... Sài Gòn, tôi thấy thành phố bị chê xấu này trông cũng còn đẹp chán. Dù sao ở khu trung tâm, tôi vẫn bị choáng ngợp trước một vài công trình tuyệt đẹp. Place Saint Lambert có cung điện Palais des Princes Evêques lộng lẫy trải dài, nay được dùng làm tòa án. Place Saint Lambert có nhà thờ Saint Jacques tháp nhọn cổ kính lúc nào cũng đầy những chú bồ câu thong dong đi dạo trước sân. Place du Vingt-Aout có trường Đại học Liège hoành tráng, là cơ sở đầu tiên của trường, sau phát triển mạnh hơn, trường mới có thêm cơ sở hai trên đồi Sart-Tilman. Phía trước cổng trường là tượng tướng André Dumont đang cưỡi ngựa oai phong. Place du Marché có tòa thị chính duyên dáng mà uy nghi... Place trong tiếng Pháp có nghĩa là quảng trường, nhưng không rộng bát ngát như quảng trường Ba Đình. Place ở Bỉ nhỏ xíu, chỉ xinh xinh giống trung tâm Sài Gòn với những chỗ như Ủy Ban Nhân Dân, Bưu Điện Thành Phố, công viên 23 tháng 9, công trường Mê Linh, hồ Con Rùa... Ngay cả Grande Place – Quảng trường Lớn ở Bruxelles cũng chỉ bé tạo, đi bộ cả chục vòng vẫn chưa thèm mỏi chân.

Liège còn có dòng sông Meuse uốn lượn chảy qua, chia thành phố thành hai bờ đối lập. Bờ Bắc có trung tâm thành phố nên nhộn nhịp đông vui, bờ Nam yên tĩnh hơn nhưng hàng hóa bán trong các cửa hiệu đều rẻ hơn một tí. Những bờ kè chạy dọc hai bên bờ sông được chăm chút cẩn thận. Ở thành phố này nếu muốn đi dạo cả ngày trời cũng không thấy chán vì các cửa hiệu nằm rải rác khắp nơi, những quán kem dọc các vỉa hè, tiệm bánh gauffre hình hàng rào luôn tỏa mùi thơm ngào ngạt đánh thức mọi giác quan.

Chúng tôi mua mỗi người một cây kem rồi co ro ngồi trên băng ghế trong vườn hoa ở Place Saint Paul nghỉ chân sau một ngày bát phố lượn lờ window shopping. Nhà thờ Saint Paul et Trésor trước mặt màu xám cổ kính đang đổ một hồi chuông yên lành.

_ Thật ra tôi thấy Liège cũng đâu có tệ - Tôi nhận xét thật lòng – Nhất là trong khu vực trung tâm thành phố cổ này.

_ Dĩ nhiên – Isabella đồng ý – Tôi yêu những con đường nho nhỏ quanh co, những ngôi giáo đường giản dị. Tôi rất thích khu Le Carré.

_ Đó có phải là khu sinh viên không? – Zineb bất ngờ quan tâm – Nghe đồn cuối tuần đây là khu ăn chơi, nhảy nhót, uống bia. Giới trẻ đến đây quậy thâu đêm suốt sáng...

_ Đúng rồi! Le Carré ở ngay sát đây, đi vài bước chân là tới – Isabella hào hứng – Cuối tuần này mình đi nhé. Nhưng phải ở luôn cho đến sáng mới có xe bus đưa về lại ký túc xá ở Sart-Tilman.

_ Sao gọi là Le Carré vậy? – Tôi đoán mò – Le Carré tiếng Pháp là hình vuông, khu đó vuông vức như bàn cờ?

_ Đúng rồi! – Isabella xác nhận – Khu bàn cờ hình vuông đó có mấy con phố nhỏ xíu giao nhau, toàn dùng để làm nhà hàng, quán bar, quán café, discothèque... Giá bán bình dân chuyên phục vụ sinh viên. Nên khu này còn được gọi là khu sinh viên. Vô đó cuối tuần tha hồ vui!

_ Thôi chị không vô đâu – Tôi rên lên não nùng – Chị đến Bỉ để du học, không phải để ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Phải tiết kiệm từng xu nhỏ, cô em à!

Zineb dù đến từ Maroc, một nước còn kém phát triển ở Bắc Phi nhưng chị có học bổng Cao học do chính phủ Bỉ cấp. Isabella thì là người Bỉ đến từ thành phố Anvers, vùng Flamande, vốn giàu có hơn vùng Wallonnie, nên đến Liège học lại rẻ hơn học tại Anvers. Cả hai rõ ràng là tiêu xài ít tính toán chi ly hơn tôi nên không ai dám ý kiến gì, ra vẻ thấu hiểu cho nỗi lòng mượn nợ đi du học.

_ Thôi nào! – Isabella dễ thương nài nỉ - Thỉnh thoảng chị cũng cho em phép mời chị uống ly bia ở khu Le Carré chứ!

_ Dù mượn tiền du học – Zineb e dè khuyên – Em cũng nên tận dụng cuộc sống sinh viên ở Bỉ, lâu lâu phải tham gia những hoạt động giải trí cùng sinh viên.

_ OK! – Tôi không muốn là người thảm hại – Đã lỡ mắc nợ rồi, tiêu xài thoải mái tí cho cục nợ to to thêm chút cũng chả sao!

_ Nghe chuyện em kể - Zineb chân thành – Chị thấy ba em đúng là người cha lý tưởng. Em may mắn thật!

Tôi đã định xếp xó dự án mượn tiền Van Lattel đi du học nhưng Jean viết e-mail phân tích thiệt hơn, lại còn gọi điện về công ty ở Việt Nam tới tấp khuyến khích tôi nên mạnh dạn quyết định. Tôi làm một phép tính đơn giản nhất để thấy rằng muốn du học một năm ở Bỉ, ít nhất tôi phải tốn mười lăm ngàn euro gồm tiền vé máy bay, học phí, ăn ở, bảo hiểm sức khỏe... Số tiền này tương đương nửa tỷ đồng mà lương của tôi hiện tại chỉ có một trăm triệu đồng một năm. Vậy tôi phải làm việc năm năm thì mới đủ trả hết món nợ này. Đó là chưa nói trong thời gian đi học, tôi hoàn toàn không có lương. Khi đi học về, nếu chỉ lo trả nợ, tôi cũng không thể chi tiêu hay giúp ích gì về tài chính cho ba mẹ.

Jean giả định con số mười lăm ngàn euro nhưng chị Linh tư vấn rằng còn nhiều chi phí phát sinh thêm, nên chắc tôi phải tiêu đến mười tám, hai mươi ngàn. Chị hứa sẽ đứng ra gây quỹ khuyến học trong dòng tộc, những gia đình Việt kiều sống rải rác khắp nơi. Nếu mỗi gia đình cho tôi vài trăm euro thôi, thì gom lại tôi cũng thêm được vài ngàn euro nữa. Chị Linh khá chắc chắn "Việt kiều ngán cho tiền bà con ở Việt Nam theo kiểu xóa nghèo, nhưng nếu biết tiền đó giúp cho một đứa cháu ham học được sang châu Âu, học sẵn sàng giúp đỡ. Em đừng ngại!". Thật ra tôi không ngại vừa mắc nợ vật chất công ty Van Lattel, vừa mắc nợ tình cảm với dòng tộc. Tánh ba tôi không muốn mắc nợ ai, dù là một bữa ăn hay một chầu café. Giai đoạn gia đình tôi túng thiếu nhất, dạo ba tôi vừa bị thất nghiệp, Việt kiều về cho vài trăm đô, không ai dám đưa ngay mặt ba tôi mà phải dấm dúi đưa cho hai chị em tôi, nói là cho tiền các cháu ăn bánh.

Không ngờ một buổi tối khi tôi đi học Anh văn về trễ, ba gọi tôi vào phòng nói chuyện. Chị Linh đã gọi về thuyết phục ba mẹ tôi. Không phải ai mới đi làm cũng được công ty tin tưởng, cho mượn tiền đi học với lãi suất gần như cho không. Van Lattel là tập đoàn có tiếng ở châu Âu, được làm việc lâu dài cho công ty này cũng là cơ hội tốt cho sự nghiệp của tôi. Đi học luôn là một khoản đầu tư dài hạn, không nên nhìn quá ngắn để thấy đây là món nợ kinh khủng không trả nổi.

_ Ba mẹ bàn với nhau rồi – Ba nhìn sâu vào mắt tôi – Con cứ đi du học!

_ Nhưng... - Tôi rụt rè – Bà nội có nói gì không? Ai phụ giúp ba mẹ tiền chợ...

_Thôi! – Ba tôi nói nhanh – Ba mẹ quyết định rồi, con đừng lo. Mọi người nói với bà nội là con được công ty cho đi học miễn phí. Con đi rồi thì chi tiêu ở nhà ba mẹ tiết kiệm một chút cũng xong. Con lo xúc tiến thủ tục cho nhanh, kịp nhập học vào mùa Thu năm nay nhe!

Ba tôi đứng dậy ra phòng khách xem TV, coi như vấn đề đã được thông suốt. Tánh ba tôi ít nói, nhưng đã nói thì cứ thế mà tiến hành.

Tôi đã xúc tiến các thủ tục với phòng Nhân Sự tập đoàn Van Lattel xin mượn tiền, nhờ Jean tìm trường, gởi bản điểm xin nhập học ở trường Đại học Liège, xin thị thực nhập cảnh... mà lòng rối bời. Tôi luôn tự hỏi quyết định du học có đúng đắn khi bản thân tôi thật ra không hoàn toàn ham học đến thế. Tôi muốn đi du học còn nhiều lý do ích kỷ khác: được "thoát ly" gia đình cho tự do thoải mái, được ở châu Âu văn minh, được tiếp xúc và kết bạn với giới trẻ phương Tây, được đi du lịch bụi vòng quanh các nước, được mang danh du học sinh tốt nghiệp Cao học trở về...

Thậm chí, tôi còn có một lý do thầm kín khác: được gặp chàng hoàng tử trong mơ của mình. Tôi không tin ở Việt Nam có ai đó chịu yêu tôi mà không vì vẻ bề ngoài. Tôi ghét cái cách mẹ tôi luôn ta thán "Như vậy làm sao kiếm chồng? Như vậy có thằng nào mà thèm yêu? Như vậy ế là cái chắc!". Tôi muốn qua châu Âu văn minh để tìm cho mình ai đó, dù tôi có "như vậy" thì vẫn yêu, vẫn cho tôi cảm giác mình đặc biệt và vẫn hỏi cưới tôi linh đình.

Ba tôi không nói tới nói lui nhưng mẹ tôi lại mắc bệnh ca cẩm. Cho đến sát ngày tôi lên máy bay, mẹ tôi còn rêи ɾỉ "Đã như vậy rồi mà còn học cao lên làm chi? Đã như vậy rồi mà còn bày đặt du học xa làm gì? Sao không tìm thằng nào nó rước giùm tui cho rồi! Đi học cho đã rồi về ôm cục nợ, chồng nào thèm lấy? Qua bên đó rủi vờ phải thằng Tây ba xàm ba láp nào nữa thì chết! Mất hết cái vốn lẫn lãi..."

Tôi đã lên máy bay sang Bỉ với hai nhiệm vụ: tốt nghiệp khóa Cao học và tìm được người yêu đem về. Trời ơi! Cả hai nhiệm vụ đều xem ra... bất khả thi.