Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 148: Loan Tể (1)

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

La Văn không thích để cô đến Viễn Đông, cảm thấy quốc gia đang trong thời loạn thế, thảm họa chiến tranh đảng ngục đầy rẫy, không có được mấy nơi sống tốt. Huống hồ Hương Cảng còn là thuộc địa, tất cả đều đặt lợi ích của người da trắng lên hàng đầu, nếu xảy ra chuyện gì thì cũng không nhận được công bằng.

Hoài Chân nói, “Con là sinh viên, đi cùng giáo sư.”

A Phúc nói, “Đúng thế, là quốc gia nhà mình, có công bằng gì mà không thể lấy được?”

La Văn cười, “Ông chưa nghe nói hả? Người trên tô giới và thuộc địa chia thành chín loại, người Anh Pháp Đức Mỹ loại một, người Nhật loại hai, người Nga loại ba, quan liêu Trung Quốc loại bốn, ở Thượng Hải thì người Thượng Hải loại năm còn người Quảng Đông loại sáu, ở Quảng Đông thì người Quảng Đông loại năm người Thượng Hải loại sáu, người Hoa ở thuộc địa là loại bảy, loại tám là người Chiết Giang An Huy, loại chín là người ở vùng khác.”

A Phúc nói, “Em gái là người Mỹ.”

La Văn chế giễu, “Nước Mỹ có lợi hại tới mấy thì người trên đường cũng chia ra ba sáu chín loại.”

Hoài Chân nói tiếp, “Dì Quý cứ yên tâm… Nếu không, người vùng khác đã không thể sống được ở Trung Quốc rồi, nếu xảy ra chuyện gì thì vẫn có thể dựa vào luật pháp Mỹ che chở.”

Dù cô có trấn an La Văn như vậy, nhưng nghe vẫn thấy lòng chua xót.

Trong nhà một người bạn ở Long Nham, Los Angeles có cô con gái đang đi học ở trường đại học Tufts, Boston, vì cô ấy học chuyên ngành tại trường Luật pháp và Ngoại giao Fletcher – trường liên thông giữa đại học Tufts và Harvard, cho nên vợ chồng A Phúc đã mời cô gái kia đến nhà làm khách một ngày.

Ý ban đầu là muốn để Hoài Chân bỏ ý định xin đến Hương Cảng, vậy mà cô gái kia lại nói thẳng, “Đi cũng tốt!”

Lúc này ngay tới Hoài Chân cũng hoang mang, hỏi cô ấy vì sao lại nói vậy.

Cô gái đó nói, “Harvard vẫn chưa tuyển nữ sinh, lần trước trong buổi họp báo, giáo sư Hummel đã nhận một nữ sinh dưới biết bao con mắt, khiến ủy ban giáo vụ, hội sinh viên nam, nam sinh và nữ sinh học viện Radcliffe đã làm ầm lên. Đợi em sang đó, không biết bọn họ sẽ bắt nạt chỉ trỏ em thế nào. Đợi khai giảng, em xin đi Viễn Đông với giáo sư hai quý đi, không chỉ có thể bớt học phí hai quý, mà cũng cho bọn họ thời gian thảo luận xem nên tiếp nhận một nữ sinh thế nào. Không chỉ bọn họ, giáo sư Hummel và em cũng bớt đi được rất nhiều rắc rối, mọi người cũng thuận lợi.”

Nói đến đây, trái lại cũng trấn an được hai người nhà họ Quý.

Có điều nếu hai cô con gái cũng đã vào đại học, thì quyền lựa chọn cũng nên tự các con quyết định, cùng lắm người lớn chỉ nhắc nhở thôi. Hơn nữa, bây giờ đã quyết định chuyện làm ăn chuỗi tiệm giặt giũ trên phố người Hoa rồi, A Phúc là đại cổ đông nên phải thường xuyên hoạt động, càng không có thời gian để ý đến hai cô con gái, ngay tới Vân Hà đau răng cũng không biết.

Hoài Chân đi cùng cô ấy đến khám nha sĩ. Bác sĩ cầm đèn pin lên, thở dài nói, “Bị sâu mấy răng rồi.”

Vân Hà hỏi, “Có quan trọng không ạ?”

Nha sĩ đáp, “Răng sâu thì không sao, thường súc miệng bằng nước muối là được. Có điều có hai chiếc răng ở vị trí rất xấu, có chút rắc rối.”

Hoài Chân hỏi, “Vì ăn nhiều đường quá sao?”

Vân Hà liếc cô, “Có lẽ do nói tiếng Nhật nhiều, nên miệng cũng ghét luôn.”

Hoài Chân bật cười, lại hỏi bác sĩ, “Còn răng khôn thì sao ạ?”

Bác sĩ nói, “Phải nhổ hết.”

Hoài Chân hỏi, “Có thuốc gây tê không ạ?”

Bác sĩ hồ nghi, “Có Orthoform, Amylocaine và Procaine, nhưng thuốc gây tê thì phải tự chi trả.”

Nói đoạn, bác sĩ đưa liều dùng và chi phí của thuốc gây tê cho Vân Hà xem.

Hoài Chân quay đầu nhìn máy khoan điện xoay tròn với tốc độ cao trong tay bác sĩ. Âm thanh nó xoay nghe như cảnh đánh trận trong phim.

Cô thử hỏi Vân Hà, “Nhổ chưa?”

Vân Hà cẩn thận hỏi ngược lại, “Chưa nhổ hả?”

Hoài Chân cũng trả lời thay cô ấy, “Chưa nhổ.”

Bác sĩ nói, “Không nhổ cũng không sao, nhưng không được nổi cáu, ít thức khuya… Có điều không thể có thai, trước khi có thai cần phải nhổ hết.”

Hoài Chân nói, “Thế thì không nhổ, dù gì trước mắt cũng không mang thai.”

Vân Hà trợn tròn mắt, suýt nữa nhảy dựng từ trên giường kiểm tra xuống đánh cô.

Cô vừa né tránh vừa la oai oái, “Em nói thế là có lý do mà!”

Dĩ nhiên là cô có lý do, nhưng cô cũng không thể nói là do trong hai năm này chi phí của thuốc gây tê quá đắt, lại còn không đủ an toàn. Chiến dịch giục sinh sau chiến tranh thế giới thứ hai an toàn hơn nhiều, và chiến tranh thế giới thứ hai cũng sẽ khiến người yêu trẻ tuổi của cô ấy vào trại tập trung.

Nếu thời gian ấy vẫn chưa kết thúc, nếu Vân Hà vẫn còn ở bên Hayakawa, cô sẽ nhất quyết ngăn cản hai người họ kết hôn.

Sau khi hai người bọn họ chính thức hẹn hò, có lúc một ngày có ba hàng xóm trên phố người Hoa đến cửa chửi mắng; hễ hai người có bất đồng ý kiến thì lại kéo sang hận nước thù nhà, một khi cãi nhau là không khác gì hai quốc gia giao chiến tại tòa án quốc tế; mà nói lời khó nghe rồi, mấy hôm sau Vân Hà cũng tự mình hối hận.

Mỗi lần cảm thấy ảo não, cô ấy lại than vãn với Hoài Chân, “Lúc người Hoa trên phố người Hoa bị đánh đập bị xem thường thì ai cũng ghét bỏ, không thể cùng vinh với quốc gia, nhưng phải cùng nhục với quốc gia.”

Hoài Chân bảo cô bớt nói lời như thế đi, nếu không A Phúc nghe được lại tức giận.

Cô nhớ ngày trước có một buổi chiều đi xe buýt với Vân Hà đến Fort Point, ngồi trên ghế đá nhìn Cổng Vàng chìm trong sương mù, Vân Hà cảm khái với cô, “Trong trường đều dạy ‘rời đất nước nhớ quê nhà, phí hoài năm tháng’, mà những người con sinh nơi xứ lạ như chúng ta, cũng chỉ có thể nhìn thủy triều lên rồi lại xuống ở San Francisco, làm gì biết được cái gọi là ‘rời đất nước nhớ quê nhà’?”

Nói thật, Hoài Chân cũng không thấm thía được cảm nhận “nỗi nhục quốc gia”. Đó là một ranh giới rất mơ hồ, in hằn trên mặt mỗi con người bướng bỉnh, giống như đột nhiên có người thân qua đời, rồi mấy năm sau cũng khuây khỏa; nhưng nó lại có thể chân chính chạm thấu trong mỗi một chi tiết thiếu sót. Giống như chính cô vậy, đến Mỹ đã hơn một năm, vẫn sống mãi ở phố người Hoa dưới đạo luật bài trừ người Hoa, hầu như không có quan hệ thân quen với nhiều người Mỹ; hiện tại phải về Trung Quốc, đột nhiên lại cảm thấy thế giới ở đầu kia Thái Bình Dương thật xa lạ, mọi thứ chỉ cô đọng trong lịch sử cận đại đã học ở trường, ngay tới cảnh sắc cũng thật u ám.

Vân Hà bắt đầu giấu kín người yêu Nhật Bản trẻ tuổi của mình, từ tháng chín trở đi, ngay tới Hoài Chân cũng chỉ gặp anh ta một lần, ở bên ngoài phố người Hoa. Là một cậu con trai ăn nói nhỏ nhẹ, lại rất lễ phép, gần như không ai có thể tưởng tượng được lúc tức giận anh ta sẽ như thế nào. Hoài Chân chưa bao giờ hỏi anh ta như thế nào là bản sắc văn hóa của người Mỹ gốc Nhật ba thế hệ, nhưng trong bụng cũng tự chủ trương thay đôi tình nhân này: nếu chiến tranh đánh đến Honolulu, là sinh viên khoa y, Hayakawa cũng có thể xin ra chiến trường, như thế cũng có thể may mắn không để người nhà phải bị đưa vào trại tập trung. Nhưng không biết liệu anh ta có đồng ý mà dốc sức chống lại nước đồng minh vì quốc gia mình từng tận trung không*.

(*Trong chiến tranh Thế giới thứ hai, các nước Trung Quốc, Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp thuộc phe đồng minh, liên kết chống lại Đức, Ý, Nhật)

Dù lúc nhập tịch vào Mỹ, ai ai cũng từng thề “Hoàn toàn từ bỏ quyền công dân và lòng trung thành của tôi với bất kỳ tân vương, quốc vương, nhà nước hay chủ quyền nước ngoài nào. Tôi sẽ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp và pháp luật của hợp chủng quốc Hoa Kỳ, chống lại tất cả kẻ thù trong và ngoài nước. Tôi xin thề sẽ tận hiến với Hoa Kỳ, thề sẽ xách vũ khí để bảo vệ Hoa Kỳ”, nhưng như Vân Hà nói đấy, có thể cùng vinh còn tốt, nhưng nếu có một ngày nảy sinh mâu thuẫn với đất nước của người Anglo-Saxon, không biết kết quả sẽ ra sao.

Xin đến đại học Hương Cảng hai quý, ngay khi nhận được điện báo của cô, giáo sư đã chuẩn bị lo liệu xong mọi thứ cho cô.

Hai tuần sau, vé thuyền của hãng White Star Line được gửi đến phố người Hoa, hành trình kéo dài hai mươi tư ngày, vì muốn đến Hương Cảng trước khi khai giảng vào dịp Tết Nguyên tiêu, nên bắt buộc phải lên đường từ ngày 24 tháng giêng.

Sắp đến ngày nghỉ giáng sinh và năm mới, mọi cửa hàng đều giảm giá; Vân Hà rảnh rỗi, chiều ngày nào cũng có thể cùng cô đến phố Union mua sắm bút máy, vở tốc ký, vật dụng hằng ngày, còn cả vài bộ quần áo tay ngắn và quần đùi mặc mùa hè, bởi vì cô sẽ phải ở trên hải đảo suốt một mùa hè, mà thành phố San Francisco chỉ có hai mùa xuân thu, nên khó mà mặc được quần áo như vậy.

Vân Hà còn định mua thêm cho cô vài bộ, tốt nhất là mua đầy một vali quần áo, “Đợi đến khi về Mỹ thì em bán hết ở Hương Cảng đi, không lỗ đâu. Quần len mua mùa hè năm ngoái vẫn còn đó không?”

Hoài Chân đáp, “Có ạ.”

“Mang theo luôn đi.”

“Đem đi cũng không mặc được.”

“Cuối tháng hai vẫn còn lạnh mà, đợi mùa mưa tháng tư qua đi mới thấy nóng.”

Kể ra thì Vân Hà cũng chưa đến Nam Trung Quốc lần nào, vậy mà còn nhiều kinh nghiệm hơn cả cô.

Đến chỗ quản lý vận chuyển đường thủy hỏi mới biết, tuy mỗi khách khoang hạng hai có thể đem theo hai vali, nhưng nghĩ đến cảnh ở khoang hạng hai là hai phòng bốn giường ngủ, vợ chồng giáo sư ở một phòng, con gái giáo sư và cô ở một phòng. Chắc chắn hành lý của một nhà ba người nhiều hơn cô, dù cô không thể lúc nào cũng khư khư cầm trong tay thì cũng không tiện kéo chân sau người ta, đếm tới đếm lui, cuối cùng cô chỉ đem theo một vali lên đường. Quần áo trong vali cũng ít nhất, cô giải thích với Vân Hà, “đến vùng nhiệt đới rồi mua tiếp, còn rẻ hơn mua ở San Francisco nhiều.”

Vì cuối tháng tám phải về Harvard báo cáo, giáo sư cũng không gấp gáp, thế nên trên đường về chỉ có mình cô, có thể mua tiếp một túi vali ở Hương Cảng rồi xách lên khoang hạng hai. Cô cũng có thể chọn mua vài thứ đồ tốt ở Nam Trung Quốc đem về cho Vân Hà, cùng cả mấy cô gái ở phố Lombard nữa.

Vân Hà ôm đống quần áo mùa hè mua được ở phố Union, than phiền, “Chị đã chịu đựng cái thành phố quanh năm chỉ có một mùa này đủ lắm rồi, muốn đến vùng nhiệt đới mặc váy quá đi, hẳn là đẹp lắm.”

Hoài Chân cười to, “Có thể nói Hayakawa đưa chị đến Florida, hoặc Dallas cũng được.”

Vân Hà liếc cô, “Thế sao chị không đi Mexico luôn?”

Hoài Chân đáp, “Cũng được đó.”

Vân Hà lẩm bẩm, “Ở UCB* chỉ có chương trình học ba tháng ở Honolulu, không biết nửa năm sau có được đi Hương Cảng không.”

(*UCB là viện Đại học California-Berkeley.)

Hoài Chân cười, “Nửa năm sau? Lúc đó em về rồi.”

Đi bờ Đông về mà chưa tặng quà cho các cô gái ở phố Lombard, điều này làm Hoài Chân áy náy mãi. Vừa hay bây giờ đi Hương Cảng, cô bèn hỏi Seol Rae và Lê Hồng có muốn mua quà gì không, hai người liệt kê cho cô cả một danh sách viết bằng tiếng Anh, nhưng toàn là mấy món đồ rẻ tiền nhỏ nhẹ, ví dụ như áo khoác đi biển, váy đầm, lịch ngày họa báo, thánh kinh chữ tiếng Anh bán ở thuộc địa, còn có cả bức tranh sơn dầu mô phỏng lại tranh của Picasso mà Seol Rae muốn mua. Các cô ấy không biết nhiều về Nam Trung Quốc, còn nói bọn họ cũng muốn có một phần giống của Vân Hà. Hoài Chân ghi nhớ từng thứ một.

Hầu như bạn học xung quanh đã lên đại học, Lê Hồng không giỏi học hành, nên vừa hâm mộ mà cũng phiền não. Đúng lúc cô ấy nhắc đến gần đây có hãng điện ảnh Vạn Lý Trường Thành đang quay một bộ phim mới trong nhà hàng Việt Nam “New Saigon” của cậu cô ấy tại Los Angeles, Hoài Chân bèn nhắc, “hay là Lê Hồng đến giúp sức xem, nhân tiện nhờ nhϊếp ảnh gia dạy cậu chụp ảnh quay phim luôn?”

Lê Hồng nói cũng được, song vẫn do dự.

Vân Hà lập tức khuyên cô đi đi, nói Hoài Chân từng học Chu dịch và Phù kê* của Trung Quốc cổ đại, đã kiếm tiền là kiếm rất chuẩn, tin con bé chắc chắn không sai. Bất luận là gì thì cũng có thể đến Paramount để học hỏi bổ sung kiến thức.

(*Chu Dịch là tác phẩm kinh điển

làm cơ sở của khoa học dự đoán, khoa học thông tin, ra đời từ vũ trụ quan đối lập thống nhất, là phương pháp luận đạo giáo và nho giáo Trung Hoa cổ đại,

nói đơn giản dùng để bói toán; Phù kê là một lối cầu thần, xin bói dân gian.)

Có bạn bè khuyên nhủ, cô ấy nhanh chóng quyết định sẽ đến Los Angeles.

Chuyện có liên quan đến Ceasar mà Harold nói với cô, cô không kể với bất kỳ một ai, tránh nói sai nói bậy, đem lại thêm rắc rối cho anh và Harold.

Lúc không có ai, cô chỉ nói với Vân Hà là cấp trên lớn nhất của Ceasar từng là tổng lãnh sự ở Hương Cảng, trợ lý bình thường dưới trướng ông ấy cũng sẽ đến thuộc địa của Anh ở Viễn Đông.

Lúc này Vân Hà mới bừng hiểu, “Đó là nguyên nhân em đi Hương Cảng đấy hả?”

Hoài Chân bảo cô ấy đừng nói với ai.

Vân Hà nghĩ lui nghĩ tới mấy ngày, có một hôm nằm trên giường, không nhịn được hỏi, “Lúc hai đứa không nhìn thấy hy vọng tương lai thì em lại làm tổn thương anh ta, giờ thấy anh ta có tiền đồ thì lại chạy về… Liệu có khi nào làm anh ta cảm thấy em nịnh nọt ham giàu không?”

Nghe Vân Hà nói thế, không hiểu sao Hoài Chân lại thấy vui, lập tức bật cười.

Vân Hà buồn bực, “Em cười cái gì?”

Cô nói, “Anh ấy nghĩ như thế thật cũng đúng, mọi người đều công bằng, em cũng không đến nỗi phải áy náy đến tận bây giờ.”

Vân Hà nghe mà lắc đầu không thôi.

Hôm khác thi thử xong về nhà, cô ấy gọi Hoài Chân đến phố Clay ăn đồ ăn nhanh kiểu Mỹ, lấy hết cổ phiếu trong tay mình và tiền để dành trong nhà, cùng với thu nhập ở các cửa hàng điền sản tại Quảng Đông của nhà họ Quý thế hệ trước ra, đưa cả cho Hoài Chân, nói, “Nếu anh ta bắt nạt em thì lấy hết mấy thứ này ra cho anh ta xem, nhà anh có tiền hả, nhà tôi cũng không kém đâu nhé.”

Ở ngay nơi công cộng, cô ấy dọa Hoài Chân sợ tới mức làm rớt cả miếng thịt trong hamburger.

Tới gần cuối tháng giêng, bốn năm người da trắng tìm đến cửa, đưa thiệp mời đỏ thẫm ra, nói là có người giới thiệu mời cô Quý Hoài Chân tham gia cuộc thi Miss Chinatown vào ngày mồng mười đầu năm, muốn chụp ảnh và làm bài phỏng vấn ngắn gọn về cô.

Hoài Chân từ chối, lại hỏi là ai đề cử.

Người đó nói, bình thường danh sách Miss Chinatown sẽ chọn ra hai mươi tư cái tên được đề cử nhiều nhất, có mười chín người đề cử cô dự thi, xếp ở tốp đầu.

Nhờ người nói rõ mọi lợi ích cho cô nghe, ví dụ như dự thi thì sẽ có tiền thưởng là 200 đô la, ba người đoạt giải sẽ có tiền thưởng lần lượt là 3.000, 1.000 và 500 đô, lại có cơ hội làm quen với rất nhiều danh nhân đến phố người Hoa, sau này dù đi học hay đi làm cũng không lo không tìm được người viết thư giới thiệu, bây giờ Hollywood còn tìm cả diễn viên Trung Hoa quay phim, phần lớn đều cân nhắc đến những quý cô đã dự thi Miss Chinatown.

Mới đầu Hoài Chân còn lịch sự từ chối, nói mồng chín cô phải lên thuyền đến Hương Cảng.

Bên kia không tin, nói đi học ở đâu mà quan trọng hơn Miss Chinatown? Không biết có bao nhiêu sinh viên giỏi ở bờ Đông cũng phải xin nghỉ để về tham gia cuộc thi sắc đẹp.

Mấy lần sau lại còn làm phiền đến tận Berkeley, tìm Vân Hà đưa bao lì xì, bảo cô về nhà khuyên nhủ em gái.

Dĩ nhiên Vân Hà không nhận, về nhà kể lại với Hoài Chân, cô vô cùng tức giận, lôi nhẫn cưới ra hỏi mấy người kia “con gái đã lập gia đình cũng có thể tham gia Miss Chinatown hả?”

Mấy người kia á khẩu câm nín, không còn đến tìm cô nữa.

Một tuần sau, hội quán Nhân Hòa lấy danh nghĩa Miss Chinatown làm một huy chương màu vàng khắc chữ “Dragon Daughter”. Vân Hà treo chiếc huy chương kia ở vị trí dễ thấy nhất trong tiệm giặt A Phúc, nhìn mà cười không ngậm được miệng, “Chị nói rồi mà, quả nhiên Tiểu Lục gia muốn mượn danh nghĩa cuộc thi Miss Chinatown để giữ em lại.”

Hoài Chân đáp, “Dù sao em cũng tự biết mình hơn Tiểu Lục gia. Tham dự Miss Chinatown thì có gì hay? Em mà đi thật thì khác gì chim cút trong bầy gà mái, có chết cười không?”

Vân Hà lại không vui, nói, “Làm gì có ai tự so mình với chim cút? Phong cách hơi khác thôi, chứ em gái của chúng ta vẫn rất được người ta yêu thương đấy nhé.”

Càng đến gần ngày rời nhà, Hoài Chân lại càng bận rộn.

Sau kỳ nghỉ năm mới, tiệm giặt giũ chính thức thuê thợ, có kha khá người da trắng nghèo khó vất vả muốn đến phố người Hoa tìm việc làm; phần lớn thế hệ trước ở phố người Hoa đều không nói được tiếng Anh, nên phải để con cháu trong nhà đi kiểm tra công nhân da trắng. Lại một ngày cuối tuần, Vân Hà từ Berkeley chạy về nhà giúp đỡ, bận tới mức chân không chạm đất.

Hoài Chân phải làm việc ở chỗ cha xứ Paulist cho đến thứ bảy trước khi đi; ngoài ra, sau khi phòng khám Huệ Thị đóng cửa, cũng có những dược liệu mà người dân ở phố người Hoa mong muốn, do già Huệ tiến hành đóng thành thùng gửi tới, tất thảy đều do Hoài Chân kiểm tra giúp ông. Không biết bây giờ già Huệ đang ngao du vui vẻ ở đâu, dù có gửi điện báo cũng không biết là gửi từ đâu.

Cho đến đầu tháng hai, nhân viên ở cục điện báo Pacific đưa một bức điện báo của già Huệ tới, bên trong chỉ lời ít ý nhiều viết “cô K, một thùng gừng khô và đảng sâm, ngày mười lăm thuyền sẽ đưa tới”.

Hoài Chân không khách khí nhờ người gửi về lại theo địa chỉ đó, “Ngày mười bốn đi thuyền đến Hương Cảng, cô K liên quan gì đến con”.

Vậy mà anh chàng ở cục điện báo Pacific lại nói, điện báo gửi đến Philippines một chữ 25cent, mười lăm chữ, tổng cộng là 3 đô la 50 cent.

Ngày hôm sau điện báo gửi về lại, chỉ lác đác vài chữ “vừa hay mười lăm tháng tám cũng đến Hương Cảng”, không hề đề cập là phải làm gì với dược liệu.

Nếu không phải sắp đến ngày đi, tâm tình phấn khởi, thì suýt nữa Hoài Chân đã bị ông làm cho tức chết.

Tiền trong tay Hoài Chân, ngoài phần nộp học phí ra thì đã đưa cả cho nhà họ Quý, nên bây giờ không có tiền dư. Bởi vì từ lâu đã nghe nói đến tỷ giá đô la chính thức của thị trường chợ đen trên cảng Nam Trung Quốc, nên vào ngày thứ bảy trước khi rời đi, cô cầm tiền lương 90 đô la trong ba tháng qua ở chỗ cha xứ Paulist, đến Wells Fargo đổi thành ba trăm đồng tiền Hương Cảng. Ba mươi đồng đủ để Lục Nghê Quân dẫn theo người nhà sinh sống ở Thượng Hải ba tháng, mà cô không cần phải trả tiền thuê nhà ở Hương Cảng, ký túc xá cũng có phục vụ bữa sáng và bữa tối, vé thuyền khứ hồi cũng nhà trường trả thay cô, cho nên tính ra 300 đồng vẫn đủ sống.

Vài ngày trước khi rời đi, La Văn lại chạy đến Wells Fargo một chuyến, đổi cho cô 300 đồng xu Tôn Trung Sơn, cộng thêm cả 500 đồng lần trước bà ấy về nước đổi, đưa cả cho Hoài Chân đem theo, nói Hương Cảng tốt xấu lẫn lộn, dùng tiền gì cũng hữu dụng hết; dù sao cũng phải đến Lĩnh Nam chơi một lần, không thể không dùng đồng bạc được. Rồi bà lại cho cô biết tất cả tài khoản của ngân hàng American Metro chi nhánh Hương Cảng, bảo cô nếu bao giờ thiếu tiền thì gọi điện về nhà là được.

Bắt đầu từ năm ngoái, Hương Cảng và Mỹ đã có đường dây điện thoại quốc tế, thành ra điều này đã nhắc nhở Hoài Chân một chuyện. Cô cố tình đến tòa soạn một chuyến, đặt “Nhật báo Washington” trong vòng nửa năm gửi đến nhà trọ ở phố Lombard, nhờ Vân Hà để ý đến tin tức trên đó thay mình. Đợi tới khi cô vào ký túc xá ở giáo hội thì sẽ nói cho Vân Hà biết cách thức liên lạc, nếu có tin tức gì liên quan đến Ceasar thì nhất định phải gọi điện, hoặc là gửi điện báo đến Hương Cảng cho cô biết.

Cả nhà cứ thế bận rộn cho đến Tết, đến sáng sớm đưa tiễn Hoài Chân lên thuyền, mọi người mới thả lỏng.

Hành lý của Hoài Chân không nhiều, một người xách là đủ rồi. Ngoài người nhà họ Quý ra, Vân Hà còn gọi cả Hayakawa đến tiễn đưa cô, vì hai người đều biết ở bến tàu rất đông đúc, vợ chồng giáo sư phải để mắt đến con gái, e là không thể trông coi nhiều hành lý như vậy được.

Từ sớm giáo sư đã gửi điện báo tới nói “gặp nhau ở trên thuyền”, song lúc ra bến thì lại không thấy người đâu. Cho tới khi nghe Hoài Chân bảo là vé khoang hạng hai, Hayakawa mới nói, “Mời lên thuyền cùng đấy.”

Vân Hà ngạc nhiên, “Chúng ta lên thuyền đi Hương Cảng với em gái sao?”

Hayakawa nói, “Hành khách ở khoang hạng hai thuyền viễn dương có thể mời khách lên thuyền.”

Lúc này Hoài Chân mới chợt hiểu ra, thì ra giáo sư nói “gặp nhau ở trên thuyền” là thật sự chỉ trên thuyền.

Lần đầu tiên nghe nói chuyện về việc đi khoang hạng hai, người một nhà đi theo sau lưng Hayakawa xách hành lý cho Hoài Chân, dưới ánh nhìn soi mói của nhân viên châu Âu mà leo lên thuyền, không khỏi có chút xấu hổ. La Văn ngoái đầu kéo Hoài Chân đi, cả hai đều nhớ chuyện xảy ra lần đầu khi Santa Maria sắp vào cảng – Mộng Khanh uống thuốc sắp chết, lúc ấy mới đổi lại được chiếc giường nằm ở khoang hạng ba do thủy thủ trên tàu bán giá rẻ; được bác sĩ người da trắng chăm sóc, đến khoang hạng nhất mượn dùng phòng tắm, vẫn không khỏi bị người ta chế giễu một phen.

Có điều từ nay trở đi, mọi chuyện ở tiệm giặt A Phúc sẽ trở nên tốt hơn.

Hoài Chân mỉm cười với La Văn, nắm chặt tay bà. Người làm việc nhà quanh năm không phân biệt nóng lạnh, trên đầu ngón tay có đầy vết chai dày cộm, cũng chẳng biết bà có thấy ấm không.

Nhân viên dẫn mọi người đến trong khoang, nhấn chuông cửa, một cô bé người Hoa búi tóc cao, mặt tròn mắt đen đi ra mở cửa.

Đang hồ nghi không biết phải đi nhầm khoang không, thì cô gái kia lập tức dùng tiếng Anh Mỹ hỏi, “Là chị Quý đúng không ạ?”

Hayakawa né người, Hoài Chân đứng đằng sau mỉm cười với cô ấy.

Cô gái kia vội ngoái đầu lại gọi, “Cha, mẹ, chị Quý đến rồi.”

Người ngoài cửa ngạc nhiên.

Hoài Chân quay đầu thấp giọng giới thiệu đây là con gái út của giáo sư, là người Hoa xin nuôi; con gái lớn là người da trắng do vợ chồng sinh thì đang đi học ở Hương Cảng.

Ngay sau đó, hai người da trắng trung niên đi ra cửa. Phu nhân da trắng mặc váy đầm kiểu châu Âu, giáo sư ôm cô con gái vào trong vòng tay chào hỏi mọi người, cởi mũ beret ra mời mọi người vào uống trà hàn huyên, trước khi thuyền khởi hành sẽ có người đến mời khách xuống thuyền.

Vân Hà lập tức đưa cho Hoài Chân bó hoa cẩm chướng màu đỏ thẫm, bảo cô đến giao cho vợ chồng giáo sư.

Vì là lần đầu gặp giáo sư Harvard nên A Phúc khá căng thẳng, mấy câu tiếng Anh cố học thuộc tối qua đã quên sạch bách.

Ông run run bắt tay với giáo sư, không nói nổi một câu “chào ngài”, lập tức bị Vân Hà chê, “Cha, Anh Quốc hóa như thế buồn cười lắm đó!”

Giáo sư cười to, dùng quốc ngữ nói, “Ha ha ha, quốc tế hóa, cũng không sai.” Nói rồi lại dùng sức bắt tay A Phúc.

Nhân viên đem ấm hồng trà và giỏ bánh mì mềm đến, mọi người ngồi xuống. Phu nhân Hummel trò chuyện bằng tiếng Anh với Vân Hà và Hayakawa, bảo tình trạng ở ký túc xá giáo hội rất tốt, “Dụng cụ vệ sinh thuộc loại tân tiến ở Hương Cảng, mỗi tối có hai giờ thông đường ống nước nóng, thời điểm còn lại trong ngày thì cho mỗi người lớn hai thùng nước ấm để tắm. Hầu hết ở đó đều là là nữ sinh giáo hội và giáo sư trẻ tuổi độc thân, các nữ tu Bồ Đào Nha từ Macau đến sẽ làm bữa sáng kiểu Tây cho mọi người, phục vụ từ bảy giờ đến chín giờ sáng, cứ hai mươi phút sáng sớm mỗi ngày lại có một chuyến xe buýt, đón mọi người ở ký túc xá đến Pok Fu Lam trên đảo Hương Cảng, khuôn viên trường đại học nằm ở đó.”

Vân Hà bèn hỏi, “Để Hoài Chân ở phòng trong ký túc xá, vậy mọi người nghỉ ngơi ở đâu ạ?”

Phu nhân giáo sư nói, bọn họ có vài căn hộ gần khách sạn Cửu Long và Peninsula, con gái lớn đang đi học ở trường Cơ Đốc nơi đó, sẽ thuận tiện hơn nhiều.

Giáo sư đang nói chuyện với A Phúc bằng quốc ngữ, đột nhiên mở miệng nói chen vào, “Ký túc xá giáo hội nằm ở công viên

Pok Fu Lam, cách Loan Tế không xa, có lẽ ban đêm sẽ hơi ồn, có điều cũng may là nằm rất gần tổng lãnh sự quán nước Mỹ, ở ngay vườn hoa Trung tâm.”

Vân Hà đột nhiên ngoái đầu nhìn Hoài Chân, che miệng cười trộm.

Những người khác không hiểu gì, “Có liên quan gì đến lãnh sự quán sao?”

Giáo sư cười bảo, “Nên là ông Quý, bà Quý, hai người không cần phải lo lắng, đối với con gái cầm giấy thông hành nước Mỹ mà nói, thì không có đâu an toàn hơn nơi đó cả.”

A Phúc nghe thấy thế, cuối cùng cũng yên tâm, vui vẻ cám ơn tiến sĩ đã tốn công để tâm đến con gái út nhà ông.

Cô bé người Hoa rất ít lên tiếng, La Văn không khỏi hỏi, “Vì sao lại để con gái lớn ở lại Hương Cảng, mà lại dẫn con gái nhỏ đến Mỹ?”

Giáo sư nói, “Nước Mỹ là một chiếc thuyền, trên thuyền có rất nhiều loại người; bất kể trên thuyền có mâu thuẫn gì thì nó vẫn muốn tiến thẳng về phía trước; Còn Hương Cảng được gọi là “lò luyện lớn của phương Đông”, luôn nói “phương Tây đưa mọi thứ bại hoại và rác rưởi của họ đến Hương Cảng”, nhưng thực chất không phải thế. Bà nhà tôi cảm thấy Hương Cảng giống như một ly cocktail, bất kể ở đấy có xảy ra rối ren gì, thì trước sau vẫn như một ly cocktail không cách nào hòa lẫn vào nhau được. Chúng tôi cảm thấy, một người phương Đông nên nhìn vào nước Mỹ, biết cái gì gọi là kỳ thị và bài xích, đồng thời cũng sẽ biết được tự do là gì; và một người phương Tây cũng nên đến Hương Cảng một lần, nhìn xem làm thế nào mà một quốc gia của đạo Cơ Đốc lại phát động hết trận xâm lược này đến trận xâm lược khác, mà đám người da trắng gọi là tao nhã lễ phép, áo mũ chỉnh tề kia, rốt cuộc vì sao lại biến lò luyện lớn này thành thứ bại hoại hoàn toàn; đồng thời phải luôn cảnh tỉnh bản thân không được trở thành người như thế.”

Uống xong một ly trà, nhân viên nhanh chóng đi đến, nhắc nhở đã tới lúc tiễn khách xuống thuyền.

Sau khi người nhà họ Quý rời đi, Hoài Chân từ boong thuyền quay về khoang, cũng coi như bình tĩnh.

Cho đến khi nghe tiếng nổ “bùm ——”, trong tiếng còi như sấm vang bên tai, rốt cuộc cũng có nơi nào đó trong lòng bị chạm thấu.

“Lần đầu tiên rời nhà sao?” Giáo sư hỏi.

Cô gật đầu.

Giáo sư lập tức nhắc nhở cô “ra ngoài vẫy tay đi.”

Vừa dứt lời, cô nhanh chóng kéo cửa khoang ra chạy thẳng ra ngoài, kéo tấm ván cửa sổ mạn tàu lên.

Trong bến tàu ở vịnh San Francisco có đầy những thuyền trắng nhỏ, Những con sóng trắng xóa bị cuốn lên bởi con thuyền du lịch đang chậm rãi rời bến. Trên bến tàu phía sau những chiếc thuyền nhỏ có bốn bóng người nhỏ bé, vừa nhìn thấy cô khua khoắng vẫy tay bên cửa sổ, những gương mặt đang nhíu lại vội giãn ra, cùng mỉm cười nhìn cô.

Rời đất nước nhớ quê nhà sao? Không hẳn là như vậy, có điều rời nhà chừng ba quý, một thân một mình phiêu bạt lại là chuyện khác, hoàn toàn khác hẳn cảm giác có người bận tâm. Chỉ là không biết từ bao giờ mà mình lại có nhiều ràng buộc với thành phố San Francisco thế này. Cô chỉ cảm thấy White Star Line giống như một con diều giấy, làn sóng trắng bật lên là sợi dây câu chắc chắn, còn San Francisco ở đằng sau đang níu giữ nó lại, nắm lấy sợi dây, ngay lập tức con thuyền lớn bay lên.

Trên biển gió to, chỉ chốc lát mặt trời đã khuất bóng, không còn thấy gì ở trên bờ. Cô đứng bên cửa sổ mạn tàu, chờ xem bao giờ hải đăng trên đảo Alcatraz sẽ sáng lên, cho cô thấy được diện mạo ban đầu của vịnh San Francisco, nhưng mãi vẫn không chờ được.

Con gái của giáo sư đi ra tìm cô.

Cô bé nói bằng tiếng Anh, “Cha nói chị đang khóc.”

Hoài Chân mỉm cười, dùng biểu cảm nói với cô bé là mình không khóc, lại bảo, “Chị đang đợi hải đăng trên đảo Alcatraz sáng.”

Cô con gái nói, “Mới hoàng hôn, hải đăng sẽ không sáng đâu.”

Hoài Chân hỏi, “Vì sao?”

Cô bé đáp, “Người xấu sẽ không làm chuyện xấu vào lúc hoàng hôn, bình thường phải vào lúc trời tối hoàn toàn, mọi người đã ngủ say mới ra tay.”

Hoài Chân cười, hỏi cô bé có nói được tiếng Quảng hay quốc ngữ không.

Cô bé đáp không, “Mới chỉ biết đọc tên mình thì đã mất liên lạc với người nhà rồi ạ.”

Hoài Chân hỏi, “Vậy em tên gì?”

Cô bé nói, “Em tên là Mai. Cha mẹ cũng gọi em là Mai, trong tiếng Anh chữ này cũng có ý nghĩa.”

Hoài Chân mỉm cười.

Mai hỏi tiếp, “Chị muốn ăn gì không? Em sẽ bảo phòng trà làm canh thịt bò thêm bánh Baguette, chị có thích ăn không?”

Cô đáp mình thích lắm.

“Vậy chị có biết chơi cờ tướng không?”

“Có biết chút chút về cờ vua.”

Mai nói, “Vậy chị vào đi, em dạy chị, sau đó có thể ăn cơm. Hay chị muốn tiếp tục ở ngoài này đau lòng tiếp?”

Hoài Chân nghiêm túc gật đầu, “Ừ… Vậy chị vào trong phòng khóc, bên trong ấm hơn.”

Thuyền từ vịnh chạy ra đại dương, chòng chành suốt đêm. Khách ở khoang hạng hai có vẻ ngoài gọn gàng hơn khoang hạng ba, lại náo nhiệt hơn khoang hạng nhất, trừ học sinh Trung Hoa ở gia đình trung lưu ra nước ngoài đi học, thì có nhiều người da trắng, chủ yếu là thành phần cổ cồn trắng trẻ tuổi độc thân.

Khoang hạng hai và khoang hạng nhất dùng chung phòng ăn và phòng trà, chưa tới mấy ngày, những thanh niên trẻ tuổi đó đã làm quen nhau, nam nam nữ nữ hẹn đến tối khiêu vũ hoặc là uống rượu.

Đều là thanh niên khoảng hai mươi tuổi, học hành giỏi hoặc có thu nhập khả quan, tiền đồ có triển vọng nên mới được phái đến Viễn Đông. Tương lai sáng sủa, mục tiêu giống nhau, đều là nam thanh nữ tú, chẳng mấy chốc đã nảy sinh phản ứng hóa học; mà sự gia tăng phản ứng hóa học này, đến những đêm khuya vắng người lại càng rõ ràng.

Mai mới mười hai tuổi, đêm đến nghe thấy tiếng rêи ɾỉ là lại hỏi Hoài Chân, “Bọn họ đang làm gì thế ạ?”

Hoài Chân vắt nát óc nghĩ, nói, “Bọn họ đang tuân theo quy luật của tự nhiên.”

“Tự nhiên có quy luật gì mà cần tuân theo thế ạ?”

“Sinh sôi… sinh sống.”

“Vậy bọn họ cũng đang tuân theo hả chị?”

“Bọn họ vi phạm.”

“Em không hiểu.”

Hoài Chân không giải thích nổi nữa, chỉ cảm thấy có khi cô bé còn hiểu hơn cả mình.

Phu nhân giáo sư thấy Hoài Chân hết dạy Mai học thì lại chơi cờ vua với con bé, đến tối thì cầm thánh kinh đọc cho Mai nghe, cả ngày nhốt mình trong phòng, lòng lặng như nước tựa lão tăng ngồi thiền, bà lấy làm ngạc nhiên, hỏi cô vì sao không vào đi chơi với những người trẻ tuổi ở trong khoang.

Mai không thèm ngẩng đầu lên, trả lời hộ, “Vì chị Quý không muốn làm trái với quy luật tự nhiên.”

Giáo sư suy nghĩ hai giây, vừa đi ra chỗ rẽ thì lập tức hiểu ra, cười ha ha không ngớt.

Phu nhân hỏi ông cười cái gì.

Ông nói, “Quý đã kết hôn rồi.”

Phu nhân càng ngạc nhiên, “Là ai thế?”

Giáo sư nói, “Là một người da trắng, từng đến hội trường ở đại học Columbia với em ấy, anh có nói với em rồi mà.”

Phu nhân bừng tỉnh, “Thì ra đã kết hôn rồi, vậy cậu ta đâu?”

Giáo sư cười nói, “Anh không biết.”

Phu nhân nhìn Hoài Chân.

Hoài Chân cũng cười nói, “Em cũng không biết.”

Phu nhân nổi giận, “Sao đến chồng mình ở đâu mà em cũng không biết hả?”

Giáo sư nháy mắt, “Có lẽ hôm nào đó đi dạo trong vườn hoa Trung tâm, nói không chừng chúng ta sẽ gặp được thôi, đúng không?”

Phu nhân nghe mà đầu óc mơ màng.

Một tuần sau đó, hễ phu nhân giáo sư nhìn cô là lại càng lộ dẻ dịu dàng và có phần cân nhắc, như một độc giả đang dùng thị giác của thượng đế để xem xét thương hại nhân vật trong sách vậy. Giáo sư nói vợ mình thích đọc Maugham, mà hôn nhân dị tộc dưới ngòi bút của Maugham thường là “đa phần đều cam tâm sa vào xúc phạm điều cấm, chí ít luôn là tình yêu đơn phương nồng nàn”.

Ceasar cũng thích Maugham, nhưng cô cảm thấy mình và anh không như thế, không liên quan đến dị tộc hay không, chỉ là một người cực kỳ bình thường, không đáng để ca ngợi hay thương hại.

Cho đến ngày cô đã thành thạo môn cờ vua, cuối cùng White Star Line cũng cập cảng Victoria. Cô chưa bao giờ đến đây, nhưng khi nhìn thấy bến cảng rộng gấp mấy lần bến ở vịnh San Francisco, thực sự khó tin đây chính là bến tàu nhỏ đã thấy rất nhiều lần trên bưu thϊếp, bị những lần khai hoang lấp biển lấn át.

Mà bây giờ bến cảng càng thêm sâu rộng, có hàng chục chiếc thuyền 10.000 tấn đang cập cảng, từng con thuyền một chậm rãi xê dịch về phía cửa biển trong nắng mai dịu êm, cảnh tượng này quá đỗi hùng vĩ. Đầu kia của biển là những căn nhà phong cách phương Tây cao thấp chằng chịt, bầu không khí đậm mùi thuộc địa vùng nhiệt đới đã nhắc nhở cô, mặc dù cùng chung một Thái Bình Dương, nhưng giờ đây đã cách rất xa Thái Bình Dương ở vịnh San Francisco.

Cô tựa vào lan can, quay lưng về phía bán đảo, mắt nhìn đảo Hương Cảng.

Trong những tấm biển quảng cáo trên những căn nhà kiểu Tây nằm dọc trên bờ biển, đột nhiên xuất hiện một bảng cáo thị của chính phủ nước Anh, dùng tiếng Anh và phồn thể viết rõ: ngày 15 tháng 3, vịnh Causeway sẽ thực hiện công trình lấp biển kéo dài hai tháng, mở rộng đến phía tây bắc vườn Victoria, mọi xe cộ qua lại cần chú ý.

Hoài Chân cười lắc đầu, xoay người đi vào khoang.

Nhân viên mặc đồng phục trên tàu lần lượt gõ cửa bảo mọi người đóng cửa khoang lại, đợi phun thuốc khử trùng xong mới được xuống thuyền.

Hoài Chân ngạc nhiên, dùng tiếng Anh hỏi nhân viên, “Không cần kiểm tra nhập cảnh sao?”

Nhân viên trả lời cô bằng tiếng Anh nặng khẩu âm vùng thực dân, “Không cần, Man.”

Vừa dứt lời thì cánh cửa bật mở.

Vợ chồng giáo sư ở trong phòng cười to, “Thuyền là thuyền nước Mỹ, không một người Mỹ nào phải vượt biên đến thuộc địa của Anh cả; nhưng nước Mỹ có bệnh cúm Tây Ban Nha, người Anh rất sợ thứ này. Người nói tiếng Anh ở đây đều thích chèn thêm từ man, không cần phải bận tâm.”

Mặt trời tháng ba chiếu lên thân thuyền bằng sắt, mùi nước khử trùng trên sàn nhanh chóng bốc lên, nơi nơi đều có mùi của bệnh viện.

Hoài Chân mở cửa sổ ra, dựa vào cạnh cửa, nhìn công nhân Quảng Đông mặc đồng phục màu vàng lái máy trục, tháo dỡ từng hành lý ở khoang thuyền, đưa đến chỗ được trông coi ở bến cảng.

Ngay sau đó, nhân viên trên tàu mở cửa khoang hạng nhất ra, đợi tất cả hành khách trong khoang đã xuống hết thì mới thông báo tiếp cho khách ở khoang hạng hai.

Hành lý được xe đẩy đẩy ra, lập tức xung quanh có những chiếc xe kéo tay* xúm đến, tiếng Anh kiểu thuộc địa ở eo biển cũng theo đó chen chúc tới.

(*Xe kéo tay: ảnh.)Giáo sư dùng giọng phương bắc hô to, “Làm ơn nhường đường ——”

Không ai nghe hiểu, bọn họ vẫn chặn kín con đường phía trước, khiến giáo sư cuống quít đổ mồ hôi đầy đầu.

Hoài Chân cười cười, nói bằng tiếng Quảng, “Lái xe xuất hành, làm ơn nhường đường. Xin cám ơn.”

Lái xe trẻ tuổi trước mặt lập tức lùi ra sau nhường đường, Hoài Chân bất giác quay đầu nhìn chiếc xe kéo không phải màu vàng*, thân xe sơn màu xanh lục, còn thùng xe lại là màu đỏ sẫm mới mẻ, y hệt trái dưa hấu vùng nhiệt đới.

(*Từ xe kéo tay trong tiếng Trung là “hoàng bao xa”, hoàng nghĩa là màu vàng.)

Bốn người vội vã đẩy xe rời khỏi bến tàu, vợ giáo sư cũng khen, “Biết nói tiếng Quảng thì thuận tiện hơn rồi.”

Hoài Chân đắc ý.

Một người da trắng lái một chiếc xe màu cam của hãng Maurice đến, nhìn thấy hành lý chất đống dưới chân vợ chồng giáo sư thì mở to mắt, thốt ra giọng Anh chính tông, “Tôi phải thuê một chiếc xe chở hành lý rộng rãi đến nữa mới phải!”

Tuy trách móc nhưng anh ta vẫn mở cốp hành lý ra, cố gắng tính toán không gian chất đồ.

Hoài Chân đoán có khi người Anh còn thua cả mình, không nhịn được tiến lên phụ một tay, cuối cùng nhét tất cả vali vào chỗ cốp sau.

Chàng trai người Anh rất xấu hổ, tai đỏ ửng đứng cạnh cô.

Giáo sư thấy thế thì giới thiệu, cô Quý, học trò mới của tôi; Mark, giáo viên đại học.

Mark lập tức hỏi, “Cô Quý là người Thượng Hải sao?” Trong năm qua, cô gái da vàng nước ngoài đến Hương Cảng thì nhiều nhất là người Thượng Hải, và cũng điển hình nhất; không phải đến từ Thượng Hải, quần áo cũng rất điển hình.

Giáo sư nói, cô Quý là người Mỹ.

Mark lấy làm ngạc nhiên, nhìn cô như nhìn một điều mới mẻ. Người chưa từng đến Mỹ, có lẽ sẽ không hiểu được phân biệt đối xử ở xã hội nước Mỹ.

Vừa lên xe, giáo sư đã bảo anh ta lái đến ký túc xá giáo hội trên núi Nicholson.

Hoài Chân tưởng sẽ đi thuyền đến Cửu Long trước.

Giáo sư cười giải thích, “Đưa em về nhà an toàn trước đã. Còn hôm khác đến Cửu Long dùng trà cũng được.”

Hoài Chân cám ơn vợ chồng hai người.

Xe đi vòng qua phố đi bộ Trung tâm, chạy thẳng lên núi, tựa như cảnh ở phố người Hoa từ từ biến thành đường núi phủ đầy nhựa hắc ín, cảnh ngoài cửa xe cũng dần dần bị hoa đỗ quyên, nham thạch và biển thay thế.

Trong xe chuyện trò rôm rả, đột nhiên giáo sư quay qua hỏi cô, “Cảm giác thế nào?”

Hoài Chân biết ông muốn hỏi cô cảm giác truy tìm căn nguyên cội nguồn, cô ngẫm nghĩ rồi trả lời, “Trông giống một phố người Hoa sang trọng lại thưa thớt người ở.”

Giáo sư cười to, nói, “Hương Cảng rất đẹp, ở lâu em sẽ biết. Thành phố San Francisco thích hợp để dưỡng lão, còn Hương Cảng lại là nơi thích hợp để những người trẻ tuổi gặp nhau.”

Hoài Chân mỉm cười, nhưng trong lòng bác bỏ. Không biết Hương Cảng có phải là nơi thích hợp để gặp nhau hay không, nhưng cô biết thành phố San Francisco cũng là nơi rất thích hợp.

Đương lúc nói chuyện, những ô cửa chớp ở ký túc xá màu vàng dần dần xuất hiện sau rừng cây nhiệt đới.

Lái xe chạy vào vườn hoa, đậu bên ngoài phòng tiếp khách. Có một chậu bông sứ màu xanh đặt cạnh cửa phòng khách, bên trong trồng những cây cọ nhỏ, khuất đằng sau cây là ghế mây và ghế tựa màu trắng.

Sàn nhà sạch sẽ sáng màu sữa đặc, tường nhà trắng xóa, bầu không khí nóng ran đập vào mặt.

Mark giúp cô mang hành lý xuống, xung phong bấm chuông cửa phòng tiếp tân thay cô, gọi nhân viên tiếp tân Lucy Chu.

Phòng ở trên lầu, ký túc xá không có thang máy, giáo sư bèn bảo Mark xách hành lý lên lầu. Vì ba người giáo sư đang đợi bên dưới, lại không tiện để người ta chờ lâu, nên hai người cùng xách hành lý lên đặt ngoài cửa phòng rồi lập tức đi xuống.

Vợ chồng giáo sư đang nói chuyện với tiếp tân, có lẽ đang nhờ cô ấy quan tâm chăm sóc mình.

Thấy cô đi xuống, ông quay đầu cười nói, “Lucy rất quen thuộc với nơi này, lát nữa cô ấy sẽ nói rõ cho em biết về cuộc sống ở đây, làm quen với môi trường xung quanh, tuyến xe buýt, quy tắc dậy sớm, có chuyện gì cứ bảo cô ấy dạy thêm.”

Hoài Chân gật đầu.

Đột nhiên Mark xung phong nhận việc, “Cũng có thể hỏi tôi, tôi…”

Vừa nói vừa lấy danh thϊếp ra đưa cho Hoài Chân, anh ta vội vã tới mức Mai cũng phải bật cười.

Giáo sư lại tán thưởng, “Em mới đến còn chưa quen biết nhiều, còn Mark có xe, thuận tiện chở em đi đây đi đó.”

Hoài Chân do dự.

Giáo sư tiếp lời, “Em muốn nói mình đã kết hôn rồi đúng không —— Kết hôn một phần thì chưa gì là chắc chắn, chỉ có thể coi là đính hôn.”

Hoài Chân bất đắc dĩ mỉm cười.

Giáo sư rút bút Parker ở áo sơ mi ra, viết địa chỉ căn hộ ở khách sạn Peninsula và số điện thoại cho Hoài Chân, nói với cô ở tầng một ký túc xá có cho thuê điện thoại, có thể sử dụng bất cứ lúc nào, có chuyện gì thì cứ liên lạc với ông; có điều hẳn Mark sẽ có nhiều thời gian hơn, cũng có thể cho cô trải nghiệm du lịch vui vẻ.

Mark vẫn rất nhiệt tình với cô. Lúc sắp lên xe còn nói, anh ta biết một quán ăn kinh doanh đồ Mỹ, nằm ở tầng sáu khách sạn Hương Cảng tại Tiêm Sa Chủy, tên là Grepow, hy vọng nếu Hoài Chân có thời gian rảnh thì có thể đi cùng anh ta, anh ta chưa nếm thử đồ Mỹ lần nào.

Hoài Chân cười, nói tôi cũng không biết đồ ăn Mỹ có những gì. Hamburger? Khoai tây chiên hay Coca?

Người trong xe cười to.

Sau khi gia đình giáo sư rời khỏi, Lucy Chu dẫn cô lên xem phòng.

“Tầng thượng là vườn hoa, còn phòng khách ở tầng một, nhà hàng và sân là những khu vực dùng chung. Bữa sáng bắt đầu lúc bảy giờ, nếu cô muốn đi xe buýt lúc sáu giờ rưỡi để đến trường thi thì nhớ báo trước cho sơ Soysa; hầu hết đều là bữa ăn kiểu Pháp, nhưng nữ sinh cũng ghét ăn tỏi, nên bình thường bữa sáng kiểu Pháp đều không cho tỏi; tiết sớm nhất bắt đầu lúc sáu giờ rưỡi, lớp muộn nhất là đến chín giờ; bữa tối bắt đầu lúc sáu giờ, kết thúc lúc bảy giờ rưỡi, vì năm giờ trường tan học nên nếu về trễ, có lẽ chỉ có thể ăn uống gì đó ở các quầy hàng tại vịnh Causeway. Phòng của cô là phòng đơn nằm cuối hành lang, diện tích phòng khá hẹp. Ký túc xá dựa lưng vào vườn thực vật Trung tâm, chỉ cần đẩy cửa phòng tắm ra là có thể nhìn thấy; cửa sổ sát mép giường hướng về phía biển – có điều không được tùy tiện kéo rèm cửa ra đâu đấy, ở đây trên núi, lại nằm gần vườn thực vật, đến mùa hè là cô biết thôi. Đây là chìa khóa của cô, cô có thể đi xem phòng, xem xem tôi nói có thật không.”

Hoài Chân đẩy cửa ra, nhìn chiếc giường nằm cuối phòng, mặc dù nhỏ nhưng lại đầy đủ vật dụng. Cô kéo vali vào phòng, lại mỉm cười bảo mình rất thích nơi này.

Lucy nhiệt tình nói, “Chỗ tôi có vỏ gối sạch, nếu cô muốn nghỉ bây giờ thì theo tôi xuống lầu lấy, có thể ngủ một giấc.”

Cô hỏi, “Có thể mượn dùng điện thoại được không?”

Lucy đáp, “Không cần phải gấp, văn phòng học vụ ở trường đã nghỉ rồi, ngày mai đến trường báo danh cũng không muộn.”

Cô hỏi, “Hôm nay là ngày mấy?”

Lucy trả lời, “Ngày mồng 7 tháng 3.”

Cô mệt mỏi gật đầu, năm giờ rưỡi chiều trên đảo Hương Cảng, là rạng sáng ở thành phố San Francisco, bốn giờ rưỡi sáng Washington, ở Mỹ vẫn chưa bắt đầu ngày 7 tháng 3… Đường dài vất vả, quả thật cô cần ngủ ngon giấc.

__

Qin:

Chương này siêu dài… bằng 4 chương truyện bình thường.