Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 53: Vịnh San Francisco (3)

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Chiếc du thuyền Elizabeth này lên đường từ Singapore, đi hơn một tháng mới đến vịnh San Francisco. Sáng sớm hôm qua trạm di trú đã liên tục nhận được điện báo, tố cáo trên thuyền không chỉ có người Hoa vượt biên mà hai cô gái trong đó còn xảy ra mâu thuẫn.

Từ khi có người xuống thuyền đi vào trạm di trú, qua khoảng hai mươi phút thì hai cô gái kia mới bị cảnh sát ở trạm di trú đưa đến. Trong thời gian chờ đợi, Hoài Chân ngồi trong phòng khách lan can chạm rỗng ở trạm di trú, nhìn lần lượt những khuôn mặt xa lạ vừa trải qua đường xá xôi đi vào rồi đi ra.

Mấy tháng trước Andre đứng ngay đây gọi tên cô, sau đó mời người đưa cho cô một tờ giấy có ghi số điện thoại căn hộ riêng.

Vẫn cùng căn phòng kính kia để thẩm vấn, bên trên là gương một chiều. Đứng trên lan can cao mấy thước, xuyên qua lớp kính đó, cô có thể thấy rõ mỗi một động tác của những người nhập cảnh. Trong phòng cách ly gần như toàn là người Hoa. Vì để cho mình có ít thể diện mà đa số bọn họ đều mặc âu phục, song bộ âu phục mặc trên thân hình nhỏ bé gù lưng trông không hợp tẹo nào. So sánh với các nhân viên trạm cao to, phiên dịch nghiêm túc cùng hai cảnh sát cầm súng phòng thủ sau lưng, trông họ đều bứt rứt căng thẳng.

Cảnh sát dẫn hai cô gái trẻ tuổi có va chạm với nhau cùng người hầu đi vào, lúc chờ trong hành lang cả hai vẫn không ngừng cãi vả.

Chỉ chốc lát sau, cánh cửa sau lưng bật mở, người da trắng phiên dịch kẹp cặp táp màu đen dùng tiếng Quảng thông báo với cô: “Bên này.”

Người phiên dịch dẫn Hoài Chân đi xuống, vòng qua hành lang dài từ cửa sau đi vào phòng thẩm vấn —— chính là cánh cửa mà ngày đó Ceasar đi vào khi cô và La Văn ở trên trạm di trú.

Trong phòng có không ít người ngồi: nhân viên trạm trung niên mập mạp mũi khoằm, người phiên dịch da trắng tướng tá giống giống Hitler, một số cảnh sát thành phố cùng Ceasar và ba cảnh sát liên bang.

Trước bàn có bốn cô gái người Hoa, có hai người nhìn là thiếu nữ người Hoa mười sáu mười bảy tuổi, mỗi người dẫn theo một người phụ nữ – nom có vẻ là người hầu. Hai cô gái, một người mặc áo sơ mi quần dài, một người khác mặc sườn xám khói tím cùng áo khoác nỉ lông cùng màu, cũng rất hợp mốt. Chỉ bộ trang phục thôi cũng biết là xuất thân từ gia đình giàu có sung túc.

Phiên dịch đã được đổi một lượt. Người phiên dịch da trắng ban nãy tán gẫu với Hoài Chân mấy câu, còn có thể biết tiếng Quảng; bây giờ người phiên dịch này đang ngồi bên trong thấp giọng hỏi mấy câu bằng Hán ngữ, nhưng có vẻ cũng không hiểu tiếng địa phương mà cô gái áo tím và người hầu nói.

Dù bây giờ trong nước đã có Hán ngữ, nhưng khẩu âm phương Nam và phương Bắc mỗi nơi một khác; mà nơi Hán ngữ phát triển lại là ở khu vực bị đám thực dân khai thác, những gia đình có điều kiện tiếp nhận giáo dục tốt thì mới có thể tiếp xúc, còn đa số ở những thành phố lạc hậu thì không thông dụng lắm.

Và nhất là ở phía Nam hễ 5 km lại có ngôn ngữ riêng, giữa hai huyện lân cận có thể cũng không biết tiếng nhau, càng đừng nói đến là người Mỹ biết rất ít về người Hoa.

Vừa thấy Hoài Chân đi vào, Ceasar lập tức nói, “Let her try.” (Để cô ấy thử xem.)

Phiên dịch viên ngước lên nhìn Hoài Chân, khá không tình nguyện nói “OK”, cầm tài liệu trước mặt đi ra cửa.

Ceasar lập tức kéo ghế ngồi của phiên dịch viên cao lớn đi, tự nhiên đổi chiếc ghế thấp mình đang ngồi qua.

Hoài Chân nhìn băng ghế trước mặt bị di chuyển một vòng, lúc này mới ngồi xuống.

Nhân viên ở trạm di trú lập tức đưa trang đầu tiên của bản tuyên thệ di trú cho cô xem, cũng dùng tiếng Anh nói: “Cô ấy không biết tiếng Anh, Hán ngữ cũng như tiếng Quảng. Lời cô ấy nói hầu như không ai hiểu cả. Cô nói thử với cô ấy đi.”

Hoài Chân gật đầu, cúi đầu nhìn mấy chữ tiếng Trung phồn thể trên ấy, dùng tiếng phổ thông hỏi: “Trần Mạn Lệ?”

Cô bé kia đáp rất nhanh: “Là tôi.”

May quá, không phải là tiếng Ôn Châu. Cám ơn trời đất.

Cô lại hỏi tiếp: “Cô mấy tuổi?”

Cô gái ấy căng thẳng đáp, “Năm nay tôi mười sáu tuổi.”

Là âm tắc khó phân biệt của phương ngôn khu vực Tây Nam.

Hoài Chân dùng giọng Tứ Xuyên hỏi: “Cô là người ở đâu?”

“Huyện Tân Đô.” Hốc mắt cô gái đỏ lên, “Rốt cuộc cũng có người nghe hiểu rồi.”

Từ xưa đến nay người dân ở đồng bằng Thành Đô tự cung tự cấp rất ít khi ra khỏi tỉnh chứ nói gì là xuất dương, về điểm này thì hoàn toàn trái ngược với Quảng Đông, cũng khó trách trăm năm qua San Francisco bốn phía toàn người Quảng Đông, khó mà tìm ra được một người phiên dịch nghe hiểu giọng địa phương.

Cô gật đầu an ủi, “Đừng hốt hoảng.”

Sau đó đổi sang tiếng Anh, nói với nhân viên trạm di trú: “Có thể nghe hiểu.”

Nhân viên di trú dùng tiếng Anh thuật lại chuyện xảy ra trên thuyền: Trần Mạn Lệ lên đường từ Quảng Đông, nhập cảnh vào San Francisco, đến thành phố Salt Lake tìm người cha đang là giáo sư địa chất ở trường đại học. Cô ấy không biết chữ, tiếng địa phương lại ít người hiểu. Trước một ngày xuống thuyền, cô ấy cầm một bức thư do người khác viết hộ, hai bản một tiếng Trung một tiếng Anh, nhờ người làm việc trên thuyền giúp cô ấy tìm người tiếp ứng cô ấy ở số 39 San Francisco. Dù đã tốn gần tám trăm tiền Hương Cảng mua được tấm vé giải nhất, nhưng không biết nhân viên trên tàu vì bớt chuyện hay không muốn giúp người Hoa, mà khi hỏi thăm được trên thuyền còn có một lữ khách người Hoa nhập cảnh du lịch ghi đích đến là Salt Lake, biết nói tiếng Anh, thế là ngay tức khắc đưa bức thư ủy thác của Trần Mạn Lệ cho cô gái Thượng Hải Lưu Linh Trân này.

Nhưng Lưu Linh Trân vừa nhìn thấy thư ủy thác thì lập tức giận dữ, dùng tiếng Anh báo lại với nhân viên trên tàu: “Cô ta nói cha cô ta là giáo sư đại học Trần Dư Niên, nhưng tôi biết mười sáu năm trước ông ấy về nước không hề thành thân, càng không thể có một cô con gái nông thôn Tứ Xuyên được. Bởi vì ông ấy là cậu ruột của tôi! Cô ta là giả, cô ta là kẻ vượt biên!”

Hoài Chân nghe xong, nghiêng đầu nhìn hai cô gái.

Lưu Linh Trân được tiếp nhận giáo dục đàng hoàng nên tiếng Anh khá giỏi. Nghe xong chuyện đó, dường như vẫn cảm thấy tức giận chịu không nổi, chẳng qua vì đang ở trước mặt cảnh sát nên không thể chửi mắng được.

Trần Mạn Lệ không biết tiếng nên cúi gục đầu, bất kể kết quả có ra sao thì cũng phải đợi xử lý.

Nhân viên di trú và Trần Mạn Lệ một hỏi một đáp, được Hoài Chân phiên dịch.

“Cô gặp cha mình bao giờ chưa?”

“Chưa hề. Từ nhỏ tôi lớn lên với mẹ. Trước khi mẹ sinh ra tôi thì ông ấy đã về Mỹ, chưa từng quay lại lần nào.”

“Vì sao bây giờ mới đến Mỹ?”

“Mẹ tôi bị lao phổi, bệnh rất nặng không chữa khỏi. Trước đó đưa vé thuyền và bức thư này, còn cả một khoản đô la đưa cho tôi, nói tôi đi tìm cha đi. Tôi không còn người thân nào khác.”

“Cô có biết tên ông bà mình không?”

“Không biết.”

“Cô có biết cha mình có chị gái không?”

“Không biết.”

“Cô chứng minh quan hệ cha con giữa cô và Trần Dư Niên thế nào?”

“Các anh có thể hỏi ông ấy. Không phải bây giờ có điện thoại sao?”

“Số điện thoại không đúng, trừ khi ông ấy đích thân đến San Francisco, đồng thời tiếp nhận một bộ câu hỏi khác…”



Trần Mạn Lệ chẳng biết gì về cha, nên không thể tiếp tục tiến hành thẩm vấn được. Thấy Trần Dư Niên không có ở đây, điện thoại cũng không gọi được, càng không có cách nào tiến hành “nổ giấy” với giấy chứng nhận bản xứ của Trần Mạn Lệ tại chỗ được.

Nhân viên di trú lặp đi lặp lại nhiều thấm mệt nên nghỉ ngơi một lúc, chuẩn bị kiểm tra thân phận công dân của Lưu Linh Trân xong thì sẽ hỏi riêng cô ấy vài thông tin liên quan đến Trần Dư Niên.

Ở phòng thẩm vấn, Lưu Linh Trân rất kiềm chế không ngắt lời câu hỏi của nhân viên trạm và Trần Mạn Lệ.

Nhưng vừa ra khỏi phòng, cô ta lập tức bùng nổ nghẹn ngào: “Cô ta là đồ lừa đảo!” Đối mặt với cảnh sát liên bang tuấn tú, cô ta thút thít tố cáo: “Cậu tôi là con trai độc nhất trong nhà, từ nhỏ được mẹ tôi và bà ngoại vô cùng chiều chuộng. Ở Mỹ tám năm làm giáo sư mới có được thân phận công dân, lúc về Thượng Hải, không biết bao nhiêu bà nhà giàu muốn gả con gái cho ông. Nhưng cho dù có là mỹ nữ du học Anh quốc về thì nhà tôi cũng không để ý… Thì sơn thôn nào dám giả mạo con gái ông ấy?”

Ceasar phớt lờ cô ta.

“Nói tóm lại cô ta là giả,” Lưu Linh Trân bị ngó lơ thì nghiêng đầu đi, “Nếu không phải có nhiều nghèo xơ nghèo xác nhập cư bất hợp pháp, thì người Mỹ có thể ghét chúng ta vậy sao?”

Không hiểu vì sao Hoài Chân lại nhớ đến meme nổi tiếng của dì Tuyết: Lũ lên cuốn trôi miếu Long Vương, người nhà mình đánh người nhà mình.*

(*Dì Tuyết trong phim Tân Dòng Sông Ly Biệt. Ảnh.)



Cô lại dùng Hán ngữ hỏi cô ấy: “Cô có biết hai tòa nhà ở cạnh trạm di trú dùng để làm gì không?”

Cô ấy đưa mắt nhìn Hoài Chân, cao giọng hỏi lại, “Lại liên quan gì đến tôi hả?”

“Mọi người phụ nữ bị nổ giấy trong lúc thẩm vấn thì sẽ bị giam trong tòa nhà đó. Trong một căn phòng chật hẹp chen chúc hơn trăm người, trước khi trả 600 đô la phí trở về nước cho trạm di trú thì đều phải làm lao công trả phí ở đây. Ít thì ba tháng, lâu thì mười năm.” Hoài Chân dựa vào vách tường, nói tiếp, “Cô ấy lớn bằng cô, lại không làm gì sai, nhưng sẽ vì một câu nói của cô mà bị nhốt làm lao động.”

Lưu Linh Trân nói, “Vì sao cô biết cô ta không làm gì sai?”

“Nếu cô ấy đã không biết chữ thì lấy đâu ra họ tên và địa chỉ của cậu cô? Vì chuyện này, một cuộc điện thoại gọi ông ấy từ tiểu bang Utah đến đây, đi tàu hỏa nhanh nhất cũng phải…” Hoài Chân chưa đi tàu hỏa bao giờ, đột nhiên rơi vào bế tắc.

“Sáu ngày.” Ceasar bất thình lình lên tiếng, “Đường sắt không đi qua thành phố Salt Lake, phải đi hai chuyến xe buýt Greyhound.”

Hoài Chân gật đầu, sau lại nói tiếp, “Không chỉ cô ấy, mà sợ là cô cũng phải ở lại trạm di trú, đến khi cậu cô tới đảo Thiên Thần thì thôi. Chạy đi chạy lại cũng phải hơn mười ngày, vô duyên vô cớ xin nghỉ ở trường mười ngày, đến lúc đó không biết tức tới mức nào.”

Lưu Linh Trân sững sờ.

Cửa mở ra lần nữa, cảnh sát gọi tên: “Jin Jean Lau ——”

Cô từ từ lau nước mắt, đẩy cửa đi vào phòng thẩm vấn.

Không gọi điện được cho số điện thoại ở nhà trọ của Trần Dư Niên ở Utah, thậm chí ông ta còn đang đi du lịch vào lúc này, điều này càng tăng thêm tính nghi ngờ của Trần Mạn Lệ.

Tài liệu của Lưu Linh Trân không có vấn đề gì, nhưng thời gian hỏi cô ấy cũng diễn ra rất lâu.

Hoài Chân vẫn ngồi trên tầng hai học bài chờ. Cho đến tận đêm khuya, lúc Ceasar lên lầu thì cô đã gục xuống bàn ngủ.

Nhưng cô ngủ không sâu, nắm đấm cửa vừa vang lên thì cô đã ngóc đầu dậy, song cơ thể vẫn kháng cự không muốn nhúc nhích, mơ màng nói, “Đến rồi hả.”

Ceasar lập tức bật cười, “Người cha kia không xuất hiện, sẽ không có tiến triển đâu.”

Hoài Chân vẫn không quên hỏi thăm, “Hai cô gái kia đâu?”

“E là phải ngủ ở giường tầng trong tòa hành chính.”

Cô ừ một tiếng.

Qua một lúc sau, Ceasar nói tiếp, “Tối nay không có phà về thành phố rồi, cô có muốn…”

Cô gật đầu, toan nằm xuống ngủ tiếp, “Thế thì ngủ ở đây.”

Rồi cô mơ màng nghe Ceasar nói tiếp, “Vẫn còn một chuyến phà đêm đến Oakland. Daisy, Catherine và mẹ kế của tôi đều ở đó, cô cũng có thể đi tắm thay quần áo, ngủ ngon giấc.” Rồi anh dừng lại, như thể lúc này mới nhớ cô là người Hoa, lập tức bổ sung như giấu đầu hở đuôi, “Tin tôi đi, sẽ không có ai hỏi cô là ai đâu. Dù trên bàn ăn sáng cũng sẽ giữ im lặng.”

Hoài Chân vẫn cố gắng lắc đầu.

Lúc này Ceasar mới sải bước đi vào nhà, mở hé cửa sổ ở gần vịnh ra, gió lạnh vù vù ùa vào khiến ngọn lửa trong lò sưởi nhảy múa tí tách. Gió lạnh bất ngờ chui vào áo lông, Hoài Chân bất giác siết chặt quần áo, cũng tỉnh táo phần nào.

“Mở cửa sổ lạnh lắm.” Cô nhìn rèm cửa bị gió thổi bay, than phiền.

Ceasar không ngó ngàng gì tới cô, từ cửa sổ đi vòng đến cạnh lò sưởi, tháo rời chiếc giường xếp màu đen ra, kéo đến gần lò sưởi, kê sát ghế sofa nhung.

Sửa soạn xong xuôi, anh quay đầu nói với cô, “Lại đây.”

Cô đứng dậy khỏi ghế, từ từ lại gần.

Ceasar vỗ vào lưng ghế sofa, “Nằm lên thử xem.”

Cô nhìn Ceasar chăm chú, sau đó cởi giày ra ngồi lên giường xếp, làm lung lay thân giường.

Nhưng không hề phát ra tiếng động.

Ceasar nhớ rất rõ, ngày trước khi anh nằm lên thì còn không dám trở mình; mỗi lần hô hấp là chiếc giường gỗ này đều phát ra tiếng cọt kẹt kỳ quái, như thể sắp rời rạc đến nơi.

Tầm mắt của Ceasar từ bốn góc giường trở lại người Hoài Chân.

Rất kỳ quái. Nhưng rất tốt.

Gió từ phía sau ùa vào, gió lạnh thổi làm Ceasar rùng mình.

Bàn tay chống mép giường cũng run lên, Hoài Chân ngẩng đầu nhìn anh chằm chằm, trong mắt in hằn nụ cười giễu cợt, như thể muốn nói: anh xem, tôi đã nói là lạnh lắm rồi còn gì.

Ceasar đứng dậy, lấy trong tủ quần áo ra khăn choàng và áo khoác sáng nay mặc đến trạm di trú, lúc đi qua ghế sofa, thấy bóng người bé nhỏ đang co ro thì bất chợt muốn đùa dai. Anh quay đầu lại ném áo khoác và khăn đắp lên trên mặt cô.

Trước mắt Hoài Chân tối sầm, hơn nửa tiếng “oai oái” đều bị chìm trong áo khoác.

Ceasar chỉ nghe thấy nửa câu cảm thán bé nhỏ.

Sột soạt gạt bỏ ngọn núi đen bé nhỏ trên giường xếp một lúc, gạt cả buổi thì cái đầu bé nhỏ ấy mới lộ ra khỏi áo khoác.

Mái tóc xù ôm lấy gò má đỏ bừng vì thiếu dưỡng khí, song cô chẳng hề tức giận, xếp khăn thành hình gối kê dưới đầu, rồi lại lần tìm cổ áo khoác, kéo cổ áo rộng rãi ra, vừa đúng lúc có thể đắp thay chăn.

Một loạt các động tác này đều được Ceasar nhìn trong mắt. Chỉ phút chốc, như có một chú mèo con chưa dứt sữa đang cào vào tim anh.

Là cảm giác ngứa ngáy khó nhẫn nại, không cách nào tìm kiếm, lại không thể kiềm chế, không nắm bắt được.

Anh bất giác nghĩ: mẹ nó, con người mười sáu tuổi đáng yêu thế ư?

Vì sao trước đó anh lại không phát hiện?

Ceasar nhận thấy bên tai mình nóng lên. Để che giấu điều này mà anh lập tức xoay người, đi vào góc tối đặt đống củi đã bổ, khom người nhặt lấy hai thanh củi rồi đứng yên ở đó, quay đầu đi, cà tai lên đầu vai.

Cho đến khi cảm giác nhồn nhột biến mất thì anh mới cầm củi ném vào trong lò sưởi.

Có lẽ là chần chừ, hoặc có lẽ anh vốn rất ít khi làm chuyện thêm củi vào lò sưởi.

Mà trong chớp mắt ném củi vào thì ngọn lửa bất ngờ bùng phụt lên, khắp lò sưởi ngập tràn đốm lửa, đốm lửa nhảy từ trong ra thảm.

Ceasar nhanh chóng lùi về sau một bước mới tránh được đốm lửa đốt cháy quần mình.

Đạp tắt mấy đốm lửa, nhưng vẫn có hai đốm rơi xuống thảm, hai luồng khói xanh bốc lên.

Hoài Chân nhìn anh bật nhảy trước lò sưởi thì bật cười, ló đầu ra bảo: “Anh đang nhảy điệu tăng-gô một mình đấy à? Nhạc phối là gì thế?”

“Domani, nếu cô cảm thấy vui.”

Trong phòng nhanh chóng có mùi protein vì bị cháy, Ceasar thấp giọng chửi rủa.

Hoài Chân cười phì, “No F words.”

Ceasar ngoái đầu lại, “Im mồm, ngủ đi.”

Hoài Chân lập tức khép miệng, nhìn anh chăm chú.

Anh đứng yên, cúi đầu nhìn cô, giọng rất tệ, “Hay cô muốn nghe kể chuyện trước khi ngủ?”

Hoài Chân nín cười, “Có được không?”

“…”

“Không được sao?”

Ceasar nhìn cô với vẻ mặt khó gần vạn năm không đổi một lúc lâu.

Rồi sau ba giây, anh đột nhiên thỏa hiệp như anh hùng xông vào tử trận.

“Được rồi.” Anh giơ tay đầu hàng, đưa ra ranh giới cuối cùng: “Nhưng tôi chỉ biết kể chuyện ma.”