*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Từ trạm di trú ở vịnh Trung Quốc đến bến tàu nằm ở vịnh Ayara, cứ mỗi hai mươi phút lại có một chiếc xe cáp* đi qua, trạm xe cách trạm di trú 100 m. Khi cô gái với bộ quần áo màu tím thô kệch kia bước ra khỏi trạm di trú cùng mẹ thì đúng lúc một chuyến xe cáp rời đi.
(*Xe cáp là một trong những phương tiện giao thông nổi tiếng mang tính biểu tượng và lịch sử tại San Francisco. Ảnh.)Hai đường ray chéo nhau băng qua cánh rừng rậm rạp, trạm xe cáp nằm ở vị trí ngã ba. Trên đảo gió rất lớn, hai cánh rừng xanh um rào rào trong gió, quần áo của cô gái kia cũng chừng như bị thổi phồng. Cô trở tay đè quần áo xuống dưới, đưa mắt nhìn chung quanh, bước chân nhanh nhẹn.
“Ceasar.”
Anh quay đầu vịn cầu thang đi xuống, người đối diện ném cho anh một chùm chìa khóa.
Ceasar giơ tay đón lấy xâu chìa khóa kim loại kia, “Tôi tưởng sáng nay anh đã đưa Catherine đến Oakland rồi.”
“Cô ấy nói mệt nên tôi đã bảo Daisy đưa cô ấy về nghỉ ngơi trước rồi.”
“Anh không sợ con bé tỉnh lại sẽ phớt lờ anh ba ngày à?”
“Đợi ba ngày không phải tốt sao?”
Ceasar đưa mắt nhìn ra xa, không biết đang nghĩ gì mà không còn chế giễu anh ta như thường.
Andre nhìn theo ánh mắt anh, trông thấy chấm nhỏ màu tím kia thì bật cười, không nói gì.
Im lặng một lúc lâu, Ceasar đột ngột hỏi, “Anh nặng bao nhiêu?”
“Chừng một trăm bảy mươi pound.”*
(*Bằng 77 kg.)
Ceasar đến gần ướm đo, “Sáu foot?”*
(*Bằng 1 mét 8.)
“Cỡ đấy. Sao vậy?”
“Không có gì. Đột nhiên mất khái niệm về thể trọng thôi.”
Ceasar chống khuỷu tay lên lan can, suy nghĩ một hồi rồi nói, “Tôi nhớ anh từng nói cho tôi biết, gái điếm bán đến phố người Hoa, lần đầu tiên sẽ tính theo cân nặng.”
“Ừ. Hơn một trăm năm trước, bọn buôn người đã dùng thuyền ba lá chở những cô gái trẻ đến đây. Chuyến đi kéo dài mấy tháng, người có thể chất yếu khó mà sống sót được. Những người khỏe mạnh thì lúc đến San Francisco cũng gần như gầy sọp hẳn đi. Ngay trong đêm đặt chân đến đây, những cô gái nào càng có thể trọng nặng thì người Trung Quốc càng cảm thấy cô ấy vừa khỏe mạnh lại may mắn, có thể bị hành hạ nhiều lần, không dễ chết nên giá đấu giá cũng cao hơn. Tuy cái nghề này đã quá cũ, nhưng có rất nhiều tập quán vẫn được kế tục.”
Ceasar im lặng nghe anh ta nói hết, đột nhiên bật cười làm vẻ mặt không hiểu, “Tám mươi lăm pound thì có thể bán được mấy đồng tiền?”
Chiếc xe cáp rung chuông leng keng, kèm theo tiếng gió vù vù thổi tới. Mẹ của cô gái kia đứng trên bậc thềm ở cửa mua vé xe, còn cô gái ấy đã nhanh chóng nắm lấy tay cầm bằng da, đứng trên bục bên ngoài thân xe, như thể đã mong ngóng từ lâu về phương tiện giao thông có một không hai này, và rốt cuộc hôm nay cũng được như ý.
“Nên tôi nói với cậu rồi còn gì, đó chỉ là một cô bé bình thường thôi.”
Andre cười, “Không phải Catherine mười tuổi cũng chỉ tám mươi lăm pound sao? Cậu cứ làm khó con gái người ta làm gì.”
“Chỉ mong là vậy.” Đợi chiếc xe cáp kia bị cánh rừng che khuất, lúc này Ceasar mới sực nhớ ra, “Anh đưa chìa khóa cho tôi làm gì?”
“Không phải cậu nói trước khi tìm được nhà trọ ở thành phố, không muốn đến ngoại ô Oakland nhàm chán mà muốn ở chỗ của tôi sao?”
“Đúng thế.”
Andre kiểm tra lại chìa khóa: “Chìa khóa xe, tầng hầm, cổng lớn, cửa phòng.”
“Anh đi đâu vậy?”
“Đến phố Washington.”
Ceasar, “Phố người Hoa.”
“Sân khấu Grant có phim Trung Quốc, tối nay chiếu phim “Dạ Xuất”. Có muốn đi cùng không?”
“Tuyệt đối không.” Anh từ chối một cách hùng hồn, “Cả đời này tôi sẽ không bước vào cái phố chật hẹp đó nửa bước.”
“Vậy thì, trong tủ lạnh có bia đấy.” Andre ngẫm nghĩ rồi bổ sung thêm, “Bia của Séc. Đừng đi ra ngoài, ở đây không phải Hương Cảng, cẩn thận bị phạt.”*
(*Năm 1917, Mỹ nghiêm cấm “sản xuất, bán hoặc vận chuyển các loại đồ uống có cồn độc hại nhằm mục đích giải khát”. Mãi đến năm 1933 lệnh cấm này mới được chấm dứt. Dòng thời gian trong truyện chưa đến năm 1933.)
***
Từ khi rời khỏi trạm di trú cho đến khi nhìn thấy xe cáp chạy trên đường ray màu đỏ về phía cô, tâm can Hoài Chân đã ngứa ngáy không ngừng, vô hình nhảy nhót.
Đây chính là… xe cáp đó.
Chính là kiểu lâu đài di động của Howl! Là kiểu xe trong “Tàu Đêm Đến Lisbon”! Là cảnh phim vĩnh hằng nhất ở San Francisco!
Cảm thấy hơi lạnh, Hoài Chân hà hơi thổi khí sưởi ấm, không đợi xe chạy đã đi vào ngồi trong xe cạnh La Văn. Có hai thanh niên đu ngoài cửa xe, chuyến xe cáp này chở các cô rời khỏi đại lộ ở trạm di trú, thẳng tiến vào cánh rừng mịt mù. Nơi bìa rừng dần thấp thoáng bóng dáng của vịnh —— Mặt trời vẫn chưa ló rạng, bên ngoài hòn đảo xanh tươi là sương mù
trắng xóa che phủ toàn bộ vịnh hẹp, từ xa xa đã trông thấy đại dương xanh nhạt cùng tòa thành phố lộ diện cuối bờ biển trong sương mù…
Hoài Chân cứ ngẩn người nhìn biển suốt, tới khi sắp xuống xe, miệng còn ngâm nga bài nhạc phim trong phim Mỹ chẳng biết nghe được từ đâu.
Người bán vé phà ló đầu ra, nhiệt tình nói: “Bà đi từ bến thuyền nào thế? Lần đầu dẫn con gái đến San Francisco hả? Nhân lúc sắc trời còn sớm, ra phiên chợ sớm ở bến tàu trên sông mua bánh mì chua đi, đem về nhà ăn sáng cũng không muộn…”
La Văn vô cùng kiên định trả tiền hai tấm vé thuyền đến bến Ngư Phủ.
Hoài Chân kéo vạt áo La Văn, làm bộ đáng thương nói, “Mẹ ơi, con đói.”
La Văn liếc cô.
Quý cô tóc đỏ đứng trong đội ngũ đằng sau quan sát sắc mặt, cười nói: “Bà à, bà nhìn đi, có phải con gái bà cũng thèm ăn rồi không?”
La Văn chột dạ, gượng gạo cười nói với cô: “Bố và chị con còn đang ở nhà chờ, đã mấy tháng rồi chưa gặp, vẫn nên về nhà trước đi.”
Vừa nói vừa kéo Hoài Chân đi ra bến thuyền, có thể nhận ra La Văn rất gấp gáp. Không biết là vội về nhà gặp chồng và con gái đã mấy tháng xa cách, hay vội về phố người Hoa để bàn bạc với tú bà xem nên giải quyết rắc rối là cô đây như thế nào.
Hoài Chân nín cười, bụng nghĩ, một kẻ lừa người phải chịu uất ức cùng một cô gái bị lừa vô cùng bình tĩnh, e trên đời này cũng không có tổ hợp ngoại lệ như vậy.
Đúng lúc hai người bắt kịp con phà tên Penissula Ferry. Con phà này không cần đi qua thành phố Tiburon mà có thể đến thẳng North Beach ở nội thành San Francisco. Trên phà chen chúc đầy người, tổ hợp mẹ con kỳ lạ này đành phải dựa vào lan can trên boong tấp nập ồn ào. Chỉ chốc lát sau, tiếng “brm brm” vang lên, động cơ cuốn lên những dải sóng trắng xóa, chậm rãi đẩy phà tiến về phía Bắc.
Mới khởi hành thì cô đã nghe thấy La Văn cảnh báo bên tai: “Khắp thành phố San Francisco đều có tai mắt của Hồng gia, ngay đến đồn cảnh sát cũng phải nể ông ta ba phần. Mày muốn chạy trốn, trừ khi chạy ra khỏi tỉnh California, nếu không trời cao đất xa tới mấy ông ta cũng có thể bắt mày về. Mày tự lo liệu đi.”
Hoài Chân im lặng lắng nghe, trong đầu nghĩ, tôi nào dám.
Thật ra trên đoạn đường này không phải cô chưa từng nghĩ đến chuyện chạy trốn. Nhưng ở đây không thể so với đất nước của cô, một người sống sờ sờ đột nhiên nhảy ra, không có quyền công dân thì không thể đến trường học hay nơi làm việc hợp pháp nào cả. Cô cũng không nghĩ bà cáo già Khương Tố kia sẽ chăm sóc cô như vậy, chỉ để lại La Văn có sức chiến đấu không hề mạnh hơn cô bao nhiêu đi theo mình.
Giả sử cô chạy đến tổ chức Cứu trợ trẻ em tìm kiếm sự che chở, thì mãi mãi sẽ bị cộp mác gái điếm phương Đông ở nơi đó, ngày ngày tiếp nhận tôn giáo xa lạ rồi phải tụng kinh tẩy não, còn bị nữ tu da trắng phân biệt đối xử răn dạy… Đây mà được gọi là cứu ư?
Rơi xuống loạn thế chỉ có một thân một mình. Đối với cô mà nói, rời khỏi La Văn bây giờ thì có thể mất đi món tiền cược cuối cùng của cô. Cô không ngu đến thế.
La Văn ôm trong mình tâm sự nặng nề, chẳng có vẻ để ý đến ai. Trùng hợp Hoài Chân cũng không muốn nói chuyện với bà ta, nên dọc đường đi chẳng ai nói với ai một câu, chỉ nhìn chiếc phà rời khỏi đảo Thiên Thần, chậm rãi chạy đến thành phố ở phía Nam.
Mặt trời hừng đông ló rạng trên biển xanh, sương mù ở Cổng Vàng trong vịnh hẹp dần tan đi. Trong vịnh San Francisco trống trải, chỉ có phà đến và đi, không thấy chiếc Cầu Cổng Vàng màu đỏ huyền thoại đâu.*
(*Mãi đến năm 1933 thì cây cầu Cổng Vàng mới được khởi xây.)
Bên trái chiếc phà là một hòn đảo xanh biếc nổi lên giữa biển khơi. Cây cối thưa thớt, trên đỉnh hòn đảo là một cung điện màu be nguy nga sừng sững. Đúng lúc radio trên phà dùng tiếng Anh giới thiệu về hòn đảo trên biển này: “Đây là đảo Alcatraz, trên đảo là nhà tù. Hòn đảo này được dùng để nhốt các phần tử thù địch Mỹ và những người đào ngũ trong nội chiến. Cho đến nay, các tù nhân trên đảo không một ai sống sót.”
Du khách trên phà ngạc nhiên xì xào bàn tán, Hoài Chân quay đầu nhìn hòn đảo biệt lập càng lúc càng rời xa. Không biết là đúng hay sai mà bên dưới ánh nắng kia, cả hòn đảo đột nhiên nhìn có vẻ âm u đáng sợ.
Chiếc phà rời xa khỏi đảo Alcatraz, đường nét của thành phố cũng ngày càng rõ ràng. Đứng trên boong cũng có thể nghe thấy âm thanh rộn ràng trên bến tàu đằng kia. Bất chợt có tiếng trẻ con vang lên, một đứa bé da trắng tóc màu vàng kim phát hiện “manh mối” ở bến Ngư Phủ đằng xa đầu tiên.
“Mẹ ơi nhìn đi! Sư tử biển! Có nhiều sư tử biền quá ——”
Trên phà liên tục vang lên tiếng kêu sợ hãi the thé. Dưới ánh nắng mặt trời, Hoài Chân nằm nhoài lên lan can, lười biếng híp mắt nhìn bến thuyền càng lúc càng gần. Những chiếc thuyền câu màu trắng to có nhỏ có đồng loạt cập bến ở bến tàu màu trắng tinh. Người đi đường qua lại giữa những cửa tiệm bằng gỗ, hoặc cũng có người chạy băng băng trong sáng sớm tinh mơ. Mấy con sư tử biển nhô đầu lên mặt nước như muốn tắm dưới ánh nắng, leo lên lục địa dọc theo bờ biển, mọi người xung quanh không hề có vẻ ngạc nhiên lạ lùng.
Bắt mắt nhất ở trên bờ là một tòa nhà màu trắng xanh, lá cờ ngôi sao trên nóc phập phồng trong gió. Trên nhà viết một từ đơn tiếng Anh cùng con số Ả Rập, khi Hoài Chân thấy rõ đó là PIER 39* thì thân phà chấn động, đã cập bờ rồi.
(*Bến cảng 39 là một địa điểm du lịch quan trọng của thành phố San Francisco, nằm ở bến Ngư Phủ.)
“Nhanh chân lên kẻo lỡ xe cáp.” La Văn thúc giục.
Hoài Chân sực tỉnh, hành khách tinh mắt đã sớm trông thấy chiếc xe cáp màu đỏ chạy qua từ đằng xa, lập tức nhảy xuống phà trước mọi người, chạy về phía trạm xe cáp. La Văn cũng không cam lòng yếu thế, một tay xách vali, một tay kéo Hoài Chân nhảy xuống, chạy một mạch như bay trên con đường gỗ ở bến thuyền. La Văn không cao, các hành khách ở trên phà có thể nhìn thấy bóng lưng người phụ nữ mặc bộ đồ truyền thống kéo con gái nhanh chóng chạy đi, đôi chân ngắn đi giày vải to khiến hai chân đung đưa như con quay, mọi người thấy thế thì không khỏi bật cười.
Trong đó có người hét to với bọn họ: “Này bà dì, chuyến xe cáp tiếp theo là hai mươi phút sau, đừng sốt ruột…”
La Văn cố chấp, ngay cả hai mươi phút cỏn con này cũng không chờ nổi. Đợi tới lúc hai người chạy đến trạm xe cáp, không biết tài xế có phải cố ý không mà không kịp đợi hai người lấy lại sức đã từ từ lái xe rời đi. La Văn gấp gáp đuổi theo, vừa đuổi vừa giơ tay đập vào thân xe bằng sắt, hành khách đứng ngoài xe cáp thấy vậy thì cười to ha hả.
Xe cáp chạy đi một đoạn, rốt cuộc tài xế cũng tốt bụng dừng xe lại. La Văn xách hành lý luống cuống lên cửa trước, rốt cuộc bên trong có hành khách không nhịn được nói: “Này bà dì, có phải bà đã quên gì rồi không?”
La Văn đứng ở đầu xe, hai tay sờ vào trong vạt áo, phát hiện mình không đánh rơi thứ gì đáng tiền. Cẩn thận ngẫm nghĩ, lúc này mới quay đầu lại, phát hiện đứa con đáng thương bị bỏ rơi ở nơi cách trạm xe cáp hai mươi mét.
Hoài Chân quả thực chỉ biết trợn mắt há mồm trước những chuyện vừa xảy ra.
Cô đứng tại chỗ há miệng, đột nhiên nhìn chăm chú chiếc xe cáp mà do dự. Hai giây sau, rốt cuộc cô cũng sải bước, đi theo La Văn lên chiếc xe cáp tuyến Powell-Mason.
Trong tiếng cười ồ của mọi người, La Văn và cô chọn một vị trí ở cuối xe cáp ngồi xuống.
Leng keng leng keng ——
Xe cáp lắc lư chạy đi. Hoài Chân tựa đầu vào thành xe, nhìn ra ngoài cửa sổ. Đứng ngoài xe là bốn năm người da trắng trẻ tuổi, mặc áo mỏng nhạt màu cùng quần jean màu xanh da trời. Ngoài ra cô chẳng thấy gì hơn ngoài thành phố bóng dáng lưa thưa.
Chiếc xe leng keng rời khỏi bến tàu, từ từ tăng tốc độ đi lên sườn núi. Hoài Chân bị trọng lực ép ngồi tựa sát lên ghế, nhìn những người trẻ tuổi nắm chặt tay vịn ở ngoài xe lắc lư điên cuồng, cười đùa với nhau.
Đột nhiên thân xe rung lắc, cơ thể Hoài Chân ngã chúi về trước —— xe đã chạy lên điểm cao rồi.
Những người bên ngoài kinh ngạc cảm thán, đồng loạt nhìn lại điểm xuất phát của xe cáp. Hoài Chân cũng theo đó quay đầu, từ cửa kính nhìn ra sau xe cáp, có thể thấy rất rõ toàn bộ bến tàu và vịnh, cùng với hòn đảo Alcatraz ở giữa vịnh.
Cơn buồn ngủ ập đến, nhưng Hoài Chân không khỏi trừng mắt nhìn, như thể trong một giây này có thể in lại tòa thành thị sáng sớm vào trong mắt.
***
Thành phố này như những dãy núi nối nhau, ngồi xe cáp cũng như đi xe qua núi vậy, từ phía bên này, chỉ phút chốc đã trượt đến một nơi khác.
Thời gian ngủ gật chỉ trong chớp mắt, tài xế hô to: “Đã đến phố Clay ——”
Trên xe chỉ có hai hành khách Trung Quốc. Mọi người đồng loạt nhìn sang phía cô và La Văn, có vẻ lo lắng về vị trí hai người vừa ngồi.
Cửa mở ra, hai người chen chúc xuống xe.
Xe cáp nhanh chóng rời đi. Trong sáng sớm tinh mơ, trạm xe cáp ở ngoài phố người Hoa trống trơn, chỉ có hai bóng người lẻ loi đứng thẳng. La Văn khom ngươi, đưa tay chia hành lý ra làm hai xách trong hai tay.
“Đuổi theo.” Vừa dứt lời, bà ta phăm phăm quen thuộc đi đến một con đường hẻm chật hẹp.
Hoài Chân dụi mắt, chợt đứng ngẩn ngơ.
Những viên gạch đen lát mặt đường cùng hiên nhà, một số viên lốm đốm và cũ kỹ. Trong cái thành phố bước vào thời đại hiện đại hóa này, nó giống như tòa cung điện của Yubaba đột nhiên trỗi dậy trong thế giới của Vùng Đất Linh Hồn. Bình minh ghé thăm tòa cung điện này sớm hơn những nơi khác trong thành phố – nơi đây có những ngôi đền và tiệm trà; có những người bán hàng rong đã bước ra phố, gánh đòn gánh mời chào bánh trà buổi sáng; một vài chiếc xe đậu hai bên đường nhỏ thưa thớt, tất cả những điều ấy là biểu tượng hiện đại nhất ở phố người Hoa.
Thoạt nhìn qua, “thành phố trong thành phố” này đã tích tụ đầy bụi đất năm tháng, nhưng trong lụi bại lại có vẻ tĩnh lặng khác biệt.
Dừng một lúc, Hoài Chân chậm rãi bước theo sau lưng La Văn đi qua lại trong phố xá.
Trên đường có dăm ba tốp người Quảng Đông gò má cao da tím tái, đẩy cửa ra đi xuống đường, vươn vai duỗi người. Nhìn thấy La Văn thì cười gọi, “Ây, bà Quý, đã lâu không gặp. Cô gái này là ai thế? Trông lạ quá.”
Rõ ràng La Văn không có tâm tình buôn chuyện, chỉ đáp qua loa với hàng xóm cũ rồi dẫn Hoài Chân bước nhanh qua tiệm cơm Thượng Hải nguy nga lộng lẫy, xuyên qua từng con phố một, đi vào phố Grant Avenue.
Mười phút sau, hai người dừng lại trước một tòa nhà lợp ngói hai tầng.
Hoài Chân giương mắt nhìn, trên tấm bảng treo bên trên ghi năm con giữa phồn thể to tướng: “Tiệm giặt là A Phúc.”
Quý La Văn nhấn chuông đồng cạnh cửa gỗ, tiếng cười mừng rỡ của một cô gái ở bên trong truyền ra: “Có phải mẹ về rồi không?”
Kèm theo đó tiếng bước chân chạy bình bịch, “két ——” một tiếng cửa được mở ra.
“Mẹ đã về rồi! Sao rồi ạ, có mệt không, ở Hương Cảng có gì ngon không, có đem gì về cho con không?”
“Ăn ăn ăn, cả ngày chỉ biết có ăn với uống, mẹ chịu giày vò vất vả hai tháng, ngoài ăn ra con không biết gì khác hả?”
Cô gái kia chẳng quan tâm, vươn tay giật lấy xách hành lý trong tay La Văn.
La Văn giẫm bước vào nhà, vừa né người, cô gái trong nhà và cô gái bên ngoài lập tức đối mặt với nhau.
Gương mặt trái xoan không dài, là ngũ quan quen thuộc của người Đông Phương; tuy không chỉ ra được nhược điểm gì, nhưng trên gò má cao có mấy chấm tàn nhang khiến trông cô có vẻ khổ sở. Có lẽ do gen di truyền của La Văn quá mạnh mà cô gái trong phòng nhìn đã mười sáu mười bảy nhưng lại chẳng cao hơn Hoài Chân là bao.
Trong tay cô ấy đang cầm khăn lông lau tóc ướt sũng. Vừa trông thấy Hoài Chân thì động tác trong tay khựng lại, miệng há to, qua một lúc lâu, mới chậm rãi quay đầu lại: “Mẹ… Lúc trước mẹ đã làm chuyện gì sau lưng cha con con vậy?”
_____
Ảnh bản đồ hành trình của Hoài Chân. Mình mô tả lại bản đồ cho các bạn dễ hình dung.