Nghe thấy giọng nam trung trầm thấp kia, Hoài Chân bất chợt nghĩ, đây có phải là người da trắng đã nhại giọng Quảng Đông ở ngoài thang máy không?
Hoài Chân mơ hồ nhớ lại, hình như La Văn nói Mộng Khanh không biết tiếng phổ thông và tiếng Anh.
Trong lúc do dự, đúng như dự đoán, người ngoài cửa dùng tiếng Quảng vô cùng thân thiết nói: “Cho cô một phút.”
Người hầu thấp giọng nhắc nhở: “Cô gái này thật sự là bạn của tiên sinh Andre ——”
“Tôi không cho rằng Andre sẽ có bạn là nữ-da-vàng. Không nên có, và cũng không có khả năng.” Anh ta bình tĩnh tuyên bố thay Andre, sau đó quay đầu lại, thay đổi ngôn ngữ vô cùng tự nhiên, giọng điệu rất gắt gỏng: “Cô đang đợi ai ôm cô về khoang hạng ba hả? Hết một phút mà không ra thì đừng trách tôi gọi bảo vệ trên thuyền mời cô ra.”
Hoài Chân dỏng tai lắng nghe xem La Văn có đáp không.
La Văn không lên tiếng, chứng minh người ngoài cửa không dễ trêu chọc.
Cô đành nhặt nhạnh một chữ trong vốn tiếng Quảng nghèo nàn thiếu thốn của mình, đáp lại —— “Được”.
Rồi Hoài Chân lấy bộ quần áo ướt nhẹp trên lan can xuống, từ từ mặc vào.
Quần áo dính nước phát ra âm thanh sột soạt, người bên ngoài cũng nghe rõ.
Người hầu nói, “Tiên sinh…”
Giọng người da trắng rất thờ ơ: “Chuyện này không liên quan gì đến tôi.”
Quần áo dính chặt vào người Hoài Chân, cô cúi đầu kéo sửa rồi đẩy cửa bước ra.
Cửa “két” một tiếng, La Văn và người hầu ngẩng đầu lên, đồng thời ngạc nhiên ra mặt.
Người đàn ông trẻ tuổi không thấy cô. Dáng người cao ráo đứng nơi đó, ngón tay dài vạch qua áo sơ mi màu xanh lơ và quần ka-ki màu trắng; anh ta cúi đầu nhìn chiếc đồng hồ quả quýt trong bàn tay kia, chuỗi xích kim loại màu vàng rũ xuống, cực kỳ hợp với cánh tay rắn chắc và thân hình cao lớn kia, không khác gì một pho tượng Hy Lạp.
Người hầu thấp giọng gọi: “Sir Ceasar?”
Cái tên Ceasar này, không giống phát âm tiếng Anh, cũng không biết là ngôn ngữ gì, chỉ biết là rất gần với chữ “Tây Trạch”*.
(*Tây Trạch phát âm là /xī zé/, đọc gần giống cái tên Ceasar.)
Anh không đáp lại mà chỉ nhìn đồng hồ một cách chăm chú đến xuất thần. Lúc này Hoài Chân mới có cơ hội quan sát anh.
Caesar chỉ khoảng chừng hơn hai mươi tuổi. Đường nét cường tráng, ngũ quan lạnh lùng, da trắng tới mức không có sắc máu, đôi môi mỏng càng thêm mấy phần cay nghiệt, là tướng mạo điển hình của chủng tộc Aryan* tâm sự nặng nề. Nếu không phải vì tóc và con ngươi của anh có màu đen, thì có khi đã bị bắt đến Đức sung vào Đội cận vệ rồi. Dưới ánh đèn hoàng hôn, áo sơ mi xanh đen và áo khoác len màu xanh lam trên người trông có vẻ âm u, càng làm nổi bật nét uy nghiêm trên gương mặt kia. Tuy vẻ mặt khá âm trầm song lại có cảm giác trẻ trung tuấn tú khó nói thành lời, khiến người ta chỉ muốn bóp một cái.
(*Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 người Aryan cổ đại mới được Đức Quốc xã xem là tổ tiên của người Đức hoặc người Bắc Âu. Chủ nghĩa quốc xã Đức đã nâng
lý thuyết “chủng tộc Aryan” lên đến mức cực kỳ phản động: “Chủng tộc Aryan là chủng tộc thượng đẳng có quyền thống trị thế giới”.)
Người da trắng này có ba phần khí chất phương Đông quen thuộc, quả đúng là hiếm thấy. Hoài Chân rất muốn mua một bộ lens mắt màu xanh và thuốc nhuộm màu vàng tặng cho anh ta.
Nghĩ đến đây, Hoài Chân mím môi kìm nén nụ cười.
Ngay trong chớp mắt đó, cô cảm thấy con ngươi màu đen kia khẽ động, lướt qua mặt cô.
Cô lập tức cụp mắt nhìn chòng chọc tấm thảm, chậm rãi dịch về sau.
Anh ta nhướn mày, vẻ mặt buồn cười.
Mọi người cũng đồng loạt nhìn sang theo ánh mắt anh ta. Thì ra trên thảm đỏ có một nhóm dấu vết màu đậm, từ cửa phòng tắm kéo dài đến dưới chân Hoài Chân.
Ceasar quay đầu đi, lễ phép mỉm cười dùng tiếng Anh nhẹ nhàng hỏi La Văn: “Tôi đoán bà có tư chất di trú(1). Bà đã đến đây bao nhiêu năm rồi?”
“Tôi là người Hoa sinh ra ở nước ngoài.” La Văn cúi đầu.
“Chồng bà… là cha của cô ta?”
“Đúng thế.”
Ceasar hiểu ra, khẽ mỉm cười, “Vậy các người kiếm được bao nhiêu tiền từ cô ta?”
La Văn cúi đầu, “Sir, we are a respectable family.” (Tiên sinh, chúng tôi là gia đình đứng đắn.)
“Thế để tôi đổi cách nói. Loại con gái trẻ không bó chân như cô ta thì có thể bán được bao nhiêu đô la?”
Hoài Chân nhanh nhảu, lặp lại câu tiếng Anh kia thay La Văn.
“Sir, we are a respectable family.”
Tiếng Anh của cô cũng không tốt lắm, phát âm chỉ dừng lại ở mức đủ thi vào đại học, giọng rất nặng, là kiểu Trung Hoa học vẹt điển hình.
Ceasar sửng sốt, *cạch* một tiếng gập đồng hồ quả quýt lại: “Con gái bà nói tiếng Anh.”
La Văn kinh ngạc khó hiểu nhìn vào gò má Hoài Chân, như thể muốn nhớ lại nhất cử nhất trong quá trình chung đυ.ng vừa qua với cô gái nông thôn này.
Ceasar mỉm cười: “Nhìn bà có vẻ không biết con gái mình lắm?”
Hoài Chân cũng ngẩng đầu, nhìn sang bà ta.
Trong nháy mắt bốn mắt chạm nhau, La Văn ngoảnh đầu đi, ngay sau đó nói một cách chắc nịch: “Không, con bé không biết. Con bé chưa từng đi học.”
Cô biết nước Mỹ thường xuyên sửa đổi đạo luật về vấn đề người Trung Quốc nhập cảnh theo từng ngày, đổi tới đổi lui, càng đổi càng nghiêm ngặt. Hễ nhập cảnh vào Mỹ thì khi chụp ảnh hộ chiếu phải viết một bản “Tuyên thệ Di trú” ở đại sứ quán, đến lúc nhập cảnh vào Mỹ, hải quan sẽ tiến hành kiểm tra theo thứ tự.
Chắc hẳn tú bà đã chuẩn bị sẵn bản “Tuyên thệ Di trú” cho cô rồi. Nếu cô thay đổi tác phong thì tất cả các vấn đề mà La Văn trả lời Ceasar hay hải quan San Francisco có liên quan đến “con gái” bà ta, sẽ trái ngược lại với nội dung trong “Tuyên thệ Di trú” đã ký ở đại sứ quán Mỹ ở Quảng Đông một tháng trước.
Nên cô mới lặp lại câu tiếng Anh kia, cẩn thận dò xét phản ứng của La Văn.
Nhưng La Văn chỉ trả lời lại bằng cách bóp cổ tay Hoài Chân.
Cô chỉ hận mình chuyển kiếp vào lúc không thỏa đáng, không thể đến sớm hơn, nếu đến sớm thì cô sẽ không để bọn họ nhìn thấu tính tình của Mộng Khanh; hoặc nếu đến sớm hơn nữa, sẽ không để Mộng Khanh gặp ả tú bà kia ở bến tàu.
“Học cũng nhanh đấy. Thông minh lắm.” Lúc này Ceasar mới chịu quay sang nhìn cô, nhưng lại không giống đang nhìn một người mà trông như nhìn một món đồ. Sau đó anh ta không nặng không nhẹ nói với La Văn: “Bà nên đưa cô ta đi học đi.”
“Chúng tôi không phải nhà giàu.”
“Nên bà mới cần cô ta mang lại chút tài sản cho mình.”
“…” La Văn phản ứng không hề chậm, “Tiên sinh, dĩ nhiên hai cô con gái của tôi là tài sản quý báu nhất rồi.”
Ceasar nhìn bà ta chằm chằm, chậm rãi mỉm cười, “Người Trung Quốc cũng thông minh nhỉ.”
Anh ta đang cười, nhưng lại càng để lộ sự lạnh lẽo.
La Văn vẫn cúi đầu, hỏi, “Tiên sinh, con gái tôi đang bị bệnh, lại phải mặc đồ ướt. Bây giờ chúng tôi đã có thể đi được chưa?”
Đột nhiên lúc này trên nắm đấm trên cửa vang lên, cửa mở ra, một bóng người cao to đi vào.
“Ceasar! Sao cậu ——?” Một tiếng này mang theo tức giận, “Đột nhiên trở lại?”
Người hầu gọi một tiếng “tiên sinh Andre” rồi cung kính lùi ra một bên.
Ceasar quay đầu lại, cười nói: “Òa, đúng lúc lắm. Lại đây Andre, giới thiệu cho anh trai của vị hôn thê của anh biết xem nào, cô gái không mặc quần áo trong phòng anh là ai? Hình như tôi chưa thấy bao giờ.”
Andre thoạt nhìn hai mươi tư hai mươi lăm tuổi, có lẽ còn trẻ hơn nữa, dù gì nhìn bề ngoài của người da trắng thì cũng khó mà đoán được tuổi. Là một quý ông tóc vàng mắt xanh điển hình, mặt mũi cũng đằm hơn Ceasar nhiều. Áo khoác âu phục ướt sũng, có thể thấy rõ là đã đứng trên boong dưới trời mưa gió một lúc.
Anh ta rảo bước đi đến cạnh Ceasar, đưa tay giật lấy, “Đưa quần áo cho tôi.”
Thân thủ của Ceasar rất nhanh. Anh ta lập tức né người đi, ngồi xuống tay vịn salon, giơ tay lên cười nói: “Đây là quần áo của em gái anh, không phải là quần áo của Catherine. Anh giấu Catherine chuyện này, có nên giải thích với con bé không?”
“Quan hệ giữa người với người, có lúc tâm ý tương thông hơn xa miệng lưỡi tranh thua, có lúc vế sau sẽ khiến mọi chuyện trở nên tệ hại hơn. Hơn nữa,” Andre dừng lại rồi nói tiếp, “Không-có-quần-áo-mặc, chứ không phải là không mặc quần áo. Tôi chưa bao giờ biết tiếng Anh của cậu lại kém cỏi đến vậy.”
“Anh vẫn luôn biết tiếng Anh của tôi rất kém mà.” Ceasar lại đổi sang khẩu âm Nevada vô cùng khoa trương, không chịu buông tha: “Vậy rốt cuộc cô ta là ai?”
“Không phải ai cả.”
Bỗng từ đằng xa bên ngoài truyền đến tiếng phụ nữ cười nói, hình như là người cả hai đều biết.
“Trước khi con bé chưa vào làm lớn chuyện lên, anh có muốn giải thích không? Nhất định tôi sẽ che giấu cho anh.”
“Ceasar.” Andre hạ giọng: “Please ——”
Lúc này Ceasar mới miễn cưỡng cho qua, giơ quần áo nữ trong tay lên, nở nụ cười rất thiếu đòn.
Andre sầm mặt cướp lấy. Đáng tiếc vị trí bắt quá thấp nên làm rơi một chiếc áo vừa ngắn vừa nhỏ…
Nịt ngực màu trắng bằng vải bông lẻ loi treo trên ngón út của Ceasar, xoay tròn như đang thị uy.
Hai mắt Ceasar sáng rực lên, “Andre à, anh rất là, chu đáo đấy.”
“…” Hoài Chân đau đầu. Đây là chuyện gì thế này?
Im lặng một lúc, một lần nữa Andre cướp lấy nịt ngực từ tay anh ta.
Ceasar cười “phì” một tiếng.
Andre đưa quần áo đến trước mặt Hoài Chân, dùng tiếng Anh nói: “Cầm quần áo về thay đi. Xin lỗi tôi không thể tiễn hai người được, xin lỗi.”
Dù sao bộ đồ trên người Hoài Chân cũng đã ướt. Dày vò lui tới, có ý tốt lại thành gây rắc rối cho người ta.
Cô không nhận quần áo, chỉ lắc đầu rồi nói “cám ơn” bằng tiếng Quảng.
Trong nháy mắt người hầu kéo cửa ra, đúng lúc chạm mặt một cô gái da trắng cao gầy, tóc màu vàng kim.
“Rượu Kakhetian và Brandi đã được đưa đến, người này vừa đến thì người kia lại chuồn mất. Không biết ngày mai sau khi cập bến, có thể lại uống rượu ở bên ngoài như vậy không nữa.”
Cô gái da trắng quở trách đi vào rồi đột ngột sững sờ, nhìn Hoài Chân một lượt từ trên xuống dưới.
Chiều cao bằng 9 đầu người, trong chớp mắt đối mặt với nhau chỉ trong gang tấc. Hoài Chân khẽ ngẩng đầu lên, cảm thấy mình đứng trước mặt cô ấy không khác gì hình nhân vật chibi.
Hai người nhường nhau, cô gái nghiêng người đi vào, mặt mày trông rất mệt mỏi.
Nhân lúc trước khi cô ấy hoàn hồn, La Văn và Hoài Chân lật đật đi ra.
Đúng lúc Ceasar ló đầu ra, khóe môi nhếch lên, giọng điệu rất kiểu cách: “Hy vọng ngày mai cô có thể thuận lợi đi lại ở trạm di trú trên đảo Thiên Thần, cô gái Trung Quốc xinh xắn à.”
Cửa còn chưa khép lại, tiếng nói chuyện bên trong vang ra ngoài hành lang.
Trong giọng của cô gái kia có nét nào đó ngây thơ: “Bọn họ là ai thế?”
Ceasar uể oải đáp thay em rể: “Không ai cả.”
“Em chỉ là —— vì sao lại có… ừm… người da vàng ở đây?”
“Bởi vì từ trước đến nay Andre của chúng ta luôn thân thiện với người da vàng mà.”
“Được rồi. Em không hiểu lắm. Có điều từ nhỏ đã nghe trưởng bối nói, có lúc nơi có người da vàng sẽ khiến người ta không sảng khoái. Vừa xảy ra chuyện gì vậy? Em thấy trông hai anh có vẻ không vui lắm.”
“Bọn anh đang bàn luận vấn đề ‘Không-có-quần-áo-mặc, chứ không phải là không mặc quần áo’.”
“Hả?”
“Không có gì đâu Catherine. Andre hưởng nền giáo dục kiểu Anh, khăng khăng cho rằng tiếng Anh của anh cực-kỳ-tệ. Anh ta rất thích chỉnh sửa lỗi sai ngữ pháp của anh.”
“Lần nào Ceasar gặp người không thích cũng sẽ nói với giọng điệu như vậy, tỏ vẻ bản thân giống như thằng nhãi bờ Tây cáu kỉnh. Hồi nhỏ em cũng tưởng vì trước hai tuổi anh ấy lớn lên ở Hương Cảng với bố, nên hành động mới bất thường như vậy…” Cười khanh khách xong, Catherine hờn dỗi nói, “Vừa bị dầm mưa xong, em muốn đến quầy bar uống rượu Soju, hai người các anh ai đi với em đây?”
…
Hoài Chân đi theo sau lưng La Văn, hai người một trước một sau lặng lẽ bước vào thang máy.
Cửa thang máy khép lại, tiếng nói chuyện cũng dần dần biến mất.
Hoài Chân ngẩng đầu nhìn chăm chú con số màu đỏ trong thang máy, từ số “3” nhảy sang số “2”.
Lúc này trong radio đang phát bằng tiếng Anh khoan thai: “… Bây giờ là mười giờ đêm theo giờ địa phương, bốn giờ sáng ngày mai con tàu Santa Maria sẽ cập bến đảo Thiên Thần, trong thời gian còn lại của cuộc hành trình, quầy rượu Âu Mỹ và phòng tắm phương Đông sẽ mở cửa 24 giờ, trạm báo tự tổ chức có những tin tức mới nhất trong ngày… Đêm đến sẽ có sóng gió nhẹ, đến lúc đó, cách năm phút một lần còi ở mũi tàu sẽ phát ra cảnh báo, xin đừng hoảng sợ…”
Hoài Chân ngáp một cái.
Có lẽ chuyện tốt duy nhất trong giây phút xuyên không quan trọng này là không cần sợ chênh lệch thời gian.
__
Chú thích của tác giả:
Mộng Khanh chỉ biết nói tiếng Quảng Đông. Mà một trong những tiêu chuẩn để hải quan San Francisco xác định xem cô gái này có bị lừa bán hay không: là cô ấy có nói tiếng Quảng không. Vì bọn buôn người chủ yếu hoạt động ở duyên hải Quảng Đông, Phúc Kiến.
Về vấn đề ngoại quốc di trú, có một bộ phận (ví dụ như người Hoa) cả đời không thể trở thành công dân Mỹ được. Nhưng con của bọn họ -người ngoại quốc ra đời trên đất Mỹ thì sẽ được công nhận là công dân. Đạo luật Cable năm 1922 được ban hành ở một số bang ở Hoa Kỳ có quy định “phụ nữ (bất luận có phải là công dân nước Mỹ hay không) gả cho một người ngoại quốc không thể trở thành công dân nước Mỹ thì sẽ mất quyền công dân.” —— giải đáp câu hỏi Ceasar hỏi La Văn.