Lục Thời Khanh đi đến Tử Thần điện. Từ Điền Nam quay về, y còn một đống công vụ tồn đọng phải giải quyết nên mấy ngày nay vô cùng bận rộn, trình vài công văn quan trọng lên thánh nhân xong, y lại bị lôi kéo hỏi dò ý kiến về ứng cử viên mới cho chức đại lý tự khanh.
Lúc y không ở Trường An, triều đình đã định tội của Khương tự khanh, cách chức ông ta với tội danh móc nối tự khai thác quặng sắt ở Lĩnh Nam, đày ông ta đến Phòng Lăng, đồng thời quy định ba đời chi thứ hai của Khương gia không được nhập vào quan tịch. Khương gia cứ thế sụp đổ, cả nhà trên dưới tan tác trong một đêm, người có chút lương tâm thì theo Khương Dân đi Phòng Lăng, còn lại ai đi đường nấy. Tuy thánh nhân không cấm người Khương gia ra vào kinh thành nhưng người hơi biết chút nội tình đều không dám ở lại đất thị phi này nữa.
Dù sao Huy Ninh Đế nổi giận như vậy không liên quan tới tội danh bề ngoài là “tự khai thác quặng sắt”, mà giận vì Khương Dân nói lời ngon tiếng ngọt khiến ông tin tưởng nhưng lại âm thầm ủng hộ Bình vương, ngay cả vũ khí quân đội cũng dám động vào. Lần này loại bỏ triệt để Khương gia cũng là cho Bình vương một lời cảnh cáo.
Lục Thời Khanh đề cử đại lý tự khanh dựa vào năng lực ưu tú, nhưng Huy Ninh Đế trầm ngâm:
– Trẫm không hỏi khanh ai có năng lực hơn, mà là ai có thể khiến trẫm an tâm hơn. Đại lý tự đứng đầu tam pháp ti, rất quan trọng với triều đình, trẫm không muốn thấy một Khương tự khanh thứ hai nữa.
– Thần không cách nào kết luận được rốt cuộc ai khiến bệ hạ yên tâm nhất, nhưng thăng cấp vượt mức chung quy không ổn, nếu bệ hạ thực sự lo ngại về Đỗ thiếu khanh thì có thể cân nhắc Thái tự thừa, như vậy cũng không tính là chênh lệch quá nhiều.
Huy Ninh Đế gật gù như có điều suy nghĩ.
Biết lão hoàng đế đang cân nhắc Thái tự thừa, trong lòng y hơi bình tĩnh.
Thái tự thừa là người của Trịnh Trạc, với địa vị của Lục Thời Khanh trong lòng Huy Ninh Đế vốn có thể trực tiếp đề cử ông ấy. Nhưng chuyện Khương Dân hiển nhiên đã đánh một hồi chuông cảnh báo cho lão hoàng đế, kéo theo vị “sủng thần” này cũng bị liên lụy, trước mắt tốt nhất là bớt đi những động tác quá trực tiếp, đi đường vòng nhiều hơn.
Huy Ninh Đế nói xong chính sự, trước khi y đi thì hỏi:
– Trẫm nghe nói hôm nay Tứ Nhàn cũng vào cung?
Lục Thời Khanh đáp:
– Vâng.
Huy Ninh Đế khẽ bật cười:
– Khanh có thể nghĩ thông suốt là tốt nhất, có khanh ở đây, trẫm cũng an tâm với Nguyên gia hơn.
Ý là mong Lục Thời Khanh thay ông ta theo dõi Nguyên gia.
Ban đầu Huy Ninh Đế đã có ý tác hợp hai người, một là để giữ chân Tứ Nhàn, hai là để theo dõi Nguyên gia, nhưng Lục Thời Khanh luôn tỏ vẻ không muốn nên ông không tiện thúc ép quá mức. Mãi tới khi Nguyên Dị Trực sắp về Điền Nam, thấy nếu chưa định hôn sự cho Nguyên Tứ Nhàn thì nàng sẽ phải theo họ rời kinh, ông mới hạ quyết tâm, dù Lục Thời Khanh không chịu, ông cũng sẽ ban hôn.
May mà Lục Thời Khanh nghĩ thông suốt, chủ động tới cầu hôn, khiến ông không tới mức dùng thủ đoạn mạnh tác hợp họ, khiến mặt mũi hai bên đều khó coi.
Lục Thời Khanh thảo mai:
– San sẻ thay bệ hạ là chức trách thần nên làm ạ.
Huy Ninh Đế lại quan tâm hỏi:
– Mấy ngày trước cầu hôn, người Nguyên gia có làm khó khanh không?
Y lắc đầu:
– Lần này thần giải nguy cho Điền Nam, Điền Nam vương rất khách sáo với thần ạ.
– May nhờ có khanh mới không tới mức Điền Nam khăng khăng với Nguyên gia. Bên cạnh trẫm có người hữu dụng như khanh là đủ rồi.
Lục Thời Khanh cười:
– Bệ hạ quá khen.
Huy Ninh Đế phất tay với y hào phóng ra hiệu:
– Mau đến Môn hạ tỉnh làm việc đi, xong thì cùng Tứ Nhàn tới tiệc lưu thương chơi, lần này đúng lúc tới lượt lục lang chủ trì, khanh cũng thay trẫm trông coi nó nhiều chút.
Lúc Lục Thời Khanh thảo mai với Huy Ninh Đế ở Tử Thần điện, Nguyên Tứ Nhàn đang vắt óc lo xử lý tên nhóc Trịnh Hoằng.
Tên nhóc 5 tuổi này quá nghịch, quá ham chạy, có lẽ bình thường đều nhờ Thiều Hòa công chúa hoặc Lục Thời Khanh trấn áp mới ngoan ngoãn đọc sách luyện chữ. Nguyên Tứ Nhàn do hạn chế thân phận không tiện đánh mắng, lại muốn để lại ấn tượng “mẹ hiền” cho hoàng đế tương lai, nên bó tay bó chân, phí cả nén nhang cũng không làm gì được cậu.
Nhìn Trịnh Hoằng chạy đỏ cả mặt, đầu đầy mồ hôi, nàng thở dốc vịn đầu gối nói:
– Điện hạ… ngài còn không đọc sách thì sư mẫu xinh đẹp của ngài sẽ phải chịu phạt chung với ngài đó, ngài biết không?
Nguyên Tứ Nhàn than khóc trong lòng, Lục Thời Khanh đuổi cung nhân đi làm gì chứ, Hàm Lương điện to thế này, nàng ngay cả một trợ thủ cũng không có, làm sao khiến con cá chạch nhỏ này nghe lời đây chứ. Đúng là quá khiến người ta “lạnh lẽo” mà (1).
(1) “Hàm lương” nghĩa là “lạnh lẽo”.
Trịnh Hoằng mở to đôi mắt tròn cười khúc khích, chắp tay ra dáng người lớn nói:
– Nên phạt!
Nguyên Tứ Nhàn nhẫn nại:
– Điện hạ muốn thế nào mới chịu đọc sách?
– Cô chơi với ta, ta sẽ đọc sách.
Nàng cắn răng:
– Điện hạ chơi xúc xắc không?
Khi Lục Thời Khanh về Hàm Lương điện thì thấy Nguyên Tứ Nhàn đang cùng Trịnh Hoằng thi thả xúc xắc.
Nguyên Tứ Nhàn hình như thả được 6 điểm, vỗ tay nói:
– Tôi thắng nữa rồi, điện hạ thua, đọc một câu nghe nào.
Trịnh Hoằng tức giận trừng mắt, rất không cam tâm mà đọc một câu cho nàng nghe.
Lục Thời Khanh nheo mắt, bước qua ngưỡng cửa, tiến lên nói:
– Nguyên Tứ Nhàn, nàng đang dạy điện hạ chơi cờ bạc hử?
Nguyên Tứ Nhàn nghe tiếng chợt ngẩng đầu, hơi chột dạ. Biện pháp này quả thực không tốt, dễ khiến người ta ham chơi mất ý chí, nếu không phải thực hết cách, nàng cũng sẽ không ra hạ sách này.
Nàng giải thích:
– Ta hết cách với ngài ấy mà, vả lại ta nghĩ lục điện hạ tinh thông xúc xắc, nói không chừng thập tam điện hạ cũng sẽ thích.
Nàng không nói còn đỡ, nói đến chuyện này, Lục Thời Khanh từ giận giả biến thành giận thật.
Đúng nhỉ, ban đầu ở Phù Dung Viên, Trịnh Trạc muốn chung thuyền với Nguyên Tứ Nhàn nên gian lận xúc xắc, còn y vì muốn giúp mà phí tâm phí sức ném ra số lẻ.
Mặt khác, hồi đông chí, trò ngũ mộc mà Nguyên Tứ Nhàn chơi say mê cũng là một trong những sở thích của Trịnh Trạc.
Ha ha. Lục Thời Khanh xụ môi, không nói chuyện với nàng, quay đầu nghiêm túc nói với Trịnh Hoằng:
– Điện hạ, thần tới kiểm tra bài.
Mỗi lần mắt phượng của y nheo lại là Trịnh Hoằng hơi sợ hãi, cậu rụt ra sau Nguyên Tứ Nhàn, nắm ống tay áo của nàng không chịu buông, nhỏ giọng nói:
– Sư mẫu, con gọi người một tiếng sư mẫu, người phải bảo vệ con đấy.
Lúc nãy Nguyên Tứ Nhàn ép cậu gọi “sư mẫu” cả buổi cũng không ép được, bây giờ nghe từ này lập tức như mở cờ trong bụng, hào quang mẫu tính tỏa ra bốn phía, nàng ôm Trịnh Hoằng nói với Lục Thời Khanh:
– Chàng kiểm tra thì kiểm tra, hung dữ như vậy làm gì.
Lục Thời Khanh hơi nhướng mày:
– Vậy nàng đáp thay nhé?
Thế thì thôi đi. Nguyên Tứ Nhàn không thích đọc sách cho lắm.
Nàng cười với y, sau đó nhìn Trịnh Hoằng:
– Điện hạ yên tâm, chàng không dám làm gì ngài đâu.
Lục Thời Khanh ngồi xuống đối diện hai người, rút quyển sách ra, tiện tay lật một trang hỏi:
– Trong “Thượng thư lữ hình” nói “sĩ chế bách tính vu hình chi trung”, “duy lương chiết ngục, võng phi tại trung” và “minh khải hình thư tư chiếm, hàm thứ trung chính”. Thần hỏi điện hạ, “hình chi trung”, “tại trung” và “trung chính” trong các câu trên chỉ điều gì? (2)
(2) “Lữ hình” là bộ luật thời Tây Chu, nay đã thất truyền. Trong “Thượng thư” có một phần của “Lữ hình” còn sót lại.
+ Sĩ chế bách tính vu hình chi trung: Sĩ sư dùng hình phạt công chính để chế ngự bách quan và thần dân.
+ Duy lương chiết ngục, võng phi tại trung: Người hiền lành thẩm tra án thì không có chuyện không công bằng hợp lý.
+ Minh khải hình thư tư chiếm, hàm thứ trung chính: Phải tra cứu hình thư rõ ràng, cân nhắc đắn đo, lấy công chính làm tiêu chuẩn.
Miệng Trịnh Hoằng méo xẹo nhìn Nguyên Tứ Nhàn, nói nhỏ:
– Sư mẫu, lúc nãy người không giảng cho con câu này.
– …
Tội này, Nguyên Tứ Nhàn không gánh… có được không?
Cơ hội lấy lòng Trịnh Hoằng đang ở ngay trước mắt, nàng chấp nhận không chút do dự, nói với Lục Thời Khanh:
– Ta quên giảng cho điện hạ, chàng đổi câu hỏi khác đi.
Lục Thời Khanh liếc nàng:
– Câu này mà ngài ấy đáp không được thì phạt chung hết hai người.
– Vậy ta đáp thay có được không?
Nàng mặt nhăn mày nhó nói.
Nàng không biết xấu hổ đi trả lời câu đơn giản vậy hả?
Khóe môi Lục Thời Khanh giật giật:
– Nguyên Tứ Nhàn, nàng mấy tuổi?
Nàng ai oán lườm y rồi nhìn Trịnh Hoằng:
– Điện hạ, ngài thật sự không trả lời được sao? Chàng không dám làm gì ngài nhưng dám làm gì tôi đấy. Ngài không sao nhưng sư mẫu xinh đẹp của ngài rất nguy hiểm…
Trịnh Hoằng do dự một lát, nói:
– Nể mặt sư mẫu dạy con thả xúc xắc, con vẫn phải nỗ lực trả lời. “Trung” trong câu này…
Cậu nhìn Lục Thời Khanh:
– Có lẽ là chỉ “trong lòng”, ý nói luật pháp là ở trong lòng con, trong lòng con muốn thế nào thì luật pháp nó như thế nấy.
Nguyên Tứ Nhàn nghẹn.
Ý nghĩ này nguy hiểm lắm đó.
Lục Thời Khanh cũng nhíu mày:
– Điện hạ, là ai dạy ngài rằng luật pháp ở trong lòng ngài?
Trịnh Hoằng ấp úng:
– Con không nhớ…
– Điện hạ phải nhớ, luật pháp không phải là vật tùy tâm, nó không ở trong lòng ngài, cũng không ở trong lòng bất kỳ ai.
Lục Thời Khanh giải thích.
Cậu chớp chớp mắt:
– Vậy “trung” trong câu đó có nghĩa gì?
Nguyên Tứ Nhàn tranh thể hiện:
– “Trung” trong câu đó là chỉ trung dung, ý nói người chấp hành luật pháp phải chấp hành nghiêm ngặt, đúng đắn không thiên vị, không quá mức cũng không bất cập.
Nói xong, nàng cười với Lục Thời Khanh:
– Ta nói đúng không, Lục thị lang?
Lục Thời Khanh nhìn nàng, không đáp mà hỏi ngược lại Trịnh Hoằng:
– Ngài nhớ rồi chứ?
Trịnh Hoằng chỉ chỉ ngực:
– Dạ nhớ, cái này con để trong lòng.
Nguyên Tứ Nhàn cảm thấy trẻ nhỏ dễ dạy, vừa cao hứng liền quên mất còn nợ Lục Thời Khanh một hình phạt, nàng nói với Trịnh Hoằng:
– Điện hạ, lúc nãy ngài hứa với tôi là sẽ viết chữ cho tôi đấy, ngài có nhớ trong lòng không?
Trịnh Hoằng trưng bộ dạng hết cách với nàng, thở dài:
– Được rồi được rồi, có thua có chịu, ta viết là được chứ gì.
Nguyên Tứ Nhàn kích động xoa xoa tay:
– Ngài đừng viết sai chữ, với lại, nhớ ký tên nữa nha.
Lục Thời Khanh khó hiểu nhìn hai người, thấy Trịnh Hoằng trải giấy ra, nhấc bút viết mấy chữ to:
Nguyên – sư – mẫu – là – người – đẹp – nhất – cả – Đại – Chu. Sau đó ký tên: Trịnh Hoằng.
– …
Nguyên Tứ Nhàn cuốn chữ lưu niệm do Trịnh Hoằng tự tay viết cho vào trong tay áo, quyết định sau khi về nhà sẽ trang trí lại rồi cất kỹ. Đợi sau này cậu đăng cơ, vật này sẽ là bảo bối vô giá, đến lúc đó nhất định phải treo trước cổng lớn Nguyên phủ, à không, Lục phủ, để người khắp thiên hạ đều tới chiêm ngưỡng mới được.
Nhìn hành động hám lợi của nàng, tâm trạng Lục Thời Khanh rất phức tạp, y ngẫm nghĩ rồi vẫn cảm thấy nên để nàng tránh xa Trịnh Hoằng, tránh dạy hư trẻ nhỏ thì hơn, thế là y vội vàng cáo từ, dẫn nàng rời cung.
Sự hưng phấn của Nguyên Tứ Nhàn từ đầu đến cuối luôn thể hiện rõ, nàng tính toán xem lần sau lại kiếm về vật gì có giá trị kỷ niệm, vào trong xe ngựa rồi nàng còn nói với Lục Thời Khanh:
– Chừng nào chàng đi dạy thập tam hoàng tử học nữa? Sau này ta sẽ luôn đi với chàng.
Y liếc nàng:
– Nàng muốn tới lần nào bị ta phạt lần nấy hả?
Nàng nghẹn, oán giận:
– Hôm nay có phải chàng cố ý gài ta không?
Đương nhiên. Bài đó Lục Thời Khanh chưa từng bảo Trịnh Hoằng xem.
Nhưng ngoài mặt y lại nhàn nhạt nói:
– Nhìn ta giống người nhàm chán vậy à?
Nàng nhìn y đầy chê bai, thầm nhủ đúng là không giống, bởi y rõ ràng là người nhàm chán. Nàng hỏi:
– Vậy chàng muốn phạt gì?
Lục Thời Khanh suy nghĩ, nhẹ nhàng đáp:
– Ghi sổ chung với vụ ngũ mộc lần trước, để tính sau.
Nói xong y gọi với ra dặn Triệu Thuật bên ngoài:
– Đi phường An Hưng, phủ lục hoàng tử.
Xe ngựa từ từ lăn bánh tới phường An Hưng. Nguyên Tứ Nhàn hỏi thăm nước tới chân mới nhảy:
– Ta rời kinh nhiều năm, không nhớ cách chơi tiệc lưu thương nữa. Năm nay sao lại là lục hoàng tử chủ trì yến tiệc?
Nàng nhớ Trường An có một tập tục truyền thống, là vào đêm trước tết hoa triều (3) hàng năm, tức ngày 14 tháng 2, thanh niên tuấn kiệt trong kinh thành sẽ thay phiên chủ trì yến tiệc lưu thương, mời những người tao nhã khắp nơi tới tham gia, một là để mừng trăm hoa đua nở, xuân về xinh tươi, hai là để những thanh niên có tài tụ tập tỷ thí với nhau.
(3) Tết hoa triều: còn gọi là tết hoa thần, sinh nhật bách hoa… là ngày lễ kỷ niệm sinh nhật bách hoa. Vào ngày này, mọi người ra ngoại thành du lịch ngắm hoa, các cô gái cắt giấy đủ màu đính lên cành hoa. Do điều kiện thời tiết khí hậu khác nhau, ở miền bắc Trung Quốc tết này vào ngày 15 tháng 2, còn ở miền nam thì vào ngày 12 tháng 2.
Lục Thời Khanh giải thích:
– Mấy năm nay đổi quy tắc rồi, người thắng đến cuối cùng của tiệc lưu thương năm trước sẽ có tư cách chủ trì tiệc năm sau.
Nguyên Tứ Nhàn bừng tỉnh, lại cảm thấy không đúng:
– Không phải chứ, năm ngoái chàng không tham gia tiệc lưu thương à?
Y vô thức nói thật:
– Có tham gia.
– Vậy sao lại là lục hoàng tử thắng đến cuối cùng, thám hoa lang như chàng nhục mặt quá!
Mặt Lục Thời Khanh thoắt trở nên u ám.