Thần Chiến Triều Trần

Quyển 1 - Chương 12: Ngã ba Trung Hà

Hai người trèo đèo lội suối, đi cả ngày lẫn đêm. Tuy Hắc Hổ tài phép cao cường nhưng vì cắp theo Bạc Nương nên y không thể bay quá nhanh. Khinh công của Vi Mai và Nhật Duật đều vào loại xuất chúng, họ lại nghỉ ngơi rất ít nên vẫn theo kịp Hắc Hổ. Nhật Duật dần dần nhận ra Rắn Bạc lưu lại dấu vết bằng các vệt sáng rải rác trên đường. Vệt sáng đó cứ theo hướng Đông mà tới, dẫn hai người ra khỏi đạo Đà Giang. Càng ngày vệt sáng càng rõ, cả hai thấy vui mừng vì sắp bắt kịp tên yêu quái.

Nhật Duật và Vi Mai đều là người từng trải. Duật được triều đình giao trọng trách trấn thủ đạo Đà Giang và đã có hơn hai năm ở trên vùng Tây Bắc. Mai thì khỏi nói, nàng vốn trưởng thành tại nơi miền ngược. Thế nhưng lần này vượt rừng vượt núi cả hai đều thấy lo lắng bất an, lúc nào cũng có cảm giác như yêu ma quỷ quái đang rình mò xung quanh.

Vất vả đã ba hôm, đến chiều hôm thứ tư Nhật Duật và Vi Mai bỗng nhiên nghe thấy tiếng sóng nước ầm ầm.

- Lẽ nào chúng ta đã đến bờ sông Thao?

Mai và Duật đều thấy ngạc nhiên. Tuy hành trình bất kể ngày đêm nhưng cả hai không thể ngờ tốc độ của mình mau đến vậy. Vượt qua đỉnh núi, hai người thấy dòng sông mềm mại, uốn lượn dưới chân. Khác với sông Đà nổi tiếng là con sông dữ tợn nhất Đại Việt, sông Thao tuy cũng chảy từ phía Bắc xuống nhưng lại hiền hòa, yên ả hơn nhiều. Con sông có chiều ngang hàng trăm trượng, trải dài hàng mấy chục dặm nằm kẹp giữa hai dãy núi lớn là dãy Hoàng Liên và dãy Con Voi. Duật và Mai đều không hề xa lạ gì với con sông này. Trông thấy dòng sông mơ màng chảy trước mặt, hai người có cảm giác như chợt thấy người bạn thân lâu ngày không gặp.

Vi Mai và Nhật Duật đi xuống bờ sông, dấu vết của Rắn Bạc vẫn còn thấy thấp thoáng ở những bãi lau sậy cao ngang thân người mọc rậm rạp ven bờ. Duật và Mai cứ theo bãi lau sậy mà đi. Trải qua thêm một ngày vất vả nữa, lau sậy thưa dần, dòng sông mở rộng ra rồi hòa vào dòng sông Đà đoạn chảy ngược từ phía Nam lên. Nơi giao nhau của hai con sông lớn tạo thành một hồ nước tự nhiên nhìn bao la không thấy bến bờ. Nơi đây chính là ngã ba Trung Hà.

Đứng trước ngã ba Trung Hà mênh mang, nước và trời như hòa làm một, Vi Mai và Nhật Duật đều cảm thấy trong lòng khoáng đạt. Tuy nhiên đến đây họ cũng chính thức mất dấu Rắn Bạc.

- Nơi này sóng nước mênh mông, đi thêm một đoạn đến ngã ba Bạch Hạc lại càng là nơi giao thông tụ hội. Thật không biết nên tìm ngả nào. - Nhật Duật cau mày, nói.

- Chúng ta sang bờ bên kia dòng sông Thao tìm thử xem. Nếu vẫn mất dấu thì có thể Hắc Hổ đã xuôi dòng Nhị Hà(1) về phía Thăng Long rồi. Tôi không nghĩ y dám đi về phía Nam, nơi địa phận núi Tản Viên. - Vi Mai lập luận.

Núi Tản Viên là nơi ở của đức thánh Tản Sơn Tinh. Hắc Hổ chỉ là một trong Ngũ Hổ Thần cai quản vùng núi Tây Bắc còn đức thánh Tản là thần linh cai quản toàn bộ các núi đồi lớn nhỏ của Đại Việt. Hắc Hổ gặp phải đức thánh cũng như quỷ đầu trâu, mặt ngựa gặp Diêm La Địa Đế vậy, y không quỳ xuống vái lạy mới là chuyện lạ. Huống hồ Hắc Hổ đã bỏ thiện theo ác, lại còn bắt Bạc Nương mang theo. Bất kể trong trường hợp nào y gặp người của núi Tản thì đều như yêu quái hoành hành bắt cóc dân lành. Hắc Hổ dù gan hùm chính hiệu cũng quyết không dám mon men vào địa phận Tản Viên.

- Được, vậy chúng ta cứ vượt ngã ba Trung Hà sang bờ bên kia của dòng sông Thao rồi tiếp tục tìm kiếm. - Nhật Duật quyết định, Vi Mai gật đầu đồng ý với chàng.

Hai người liền đi chặt cây kết bè. Nhưng chặt cây kết bè là việc làm rất tốn sức, Vi Mai bị thương chưa khỏi hẳn nên công việc tiến hành rất chậm. Đến khi hoàng hôn bắt đầu xuống, trời tối dần mà hai người vẫn chưa hoàn thành nổi chiếc bè. Mai và Duật đang bàn tính tạm thời nghỉ tay, hạ trại trú qua đêm ở ven sông thì chợt thấy có bóng thuyền chèo ở nơi mênh mang nước, cùng giọng thơ phú trầm trầm vang tới:

“ Vui thay! Ngã ba Trung Hà ; Vui thay! Ngã ba Trung Hà.

Dưới họp một dòng ; trên chia ba ngác.

Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào;

Lênh lang dễ biết sâu nông, nước đen pha nước bạc.

Nhớ xưa: Vũ trụ mơ màng, càn khôn xếch xác.

Vua Bàn cổ khai lò tạo hóa, hồng mông đà phơi phới hơi xuân ;

Họ Hữu Ngu khơi mạch sơn hà, cương giới vẫn rành rành dấu tạc.

Vậy có: Nắm đất Đoài phương ; cạnh giời Nam quốc.

Ba góc bờ chia vành vạnh, huyệt kim qui hẻm đá rộng hông hênh ; "(1)

Nhận ra đó là một con đò nhỏ, Mai giục Duật vẫy gọi. Chiêu Văn Vương nghi ngờ nghĩ thầm giữa vùng hoang vu sao tự dưng lại có người đi đưa đò, nhưng Mai liên tục giục giã khiến chàng phải miễn cưỡng làm theo. Sau một hồi hò hét, người lái đò đã thấy bọn họ. Con đò từ từ quay đầu rồi nhằm phía bờ sông tăng tốc lướt tới. Khi đò cập bờ, Nhật Duật đỡ Vi Mai bước lên.

- Phiền quý anh cho chúng tôi đi nhờ sang bên kia bờ sông Thao. – Nhật Duật hướng tới người lái đò nước da đen bóng, đội nón lá sùm sụp che kín mặt nói.

Người lái đò nghe thế không đáp chỉ gật đầu. Đoạn y nhảy xuống, đẩy đò ra khỏi bãi cạn ven sông, sau đó leo lại lên trên, dùng chèo đưa đò lướt nhanh ra vùng sóng nước. Đò chèo mát mái, thoáng chốc đã xa bờ, lướt đến đoạn giữa ngã ba sông. Xung quanh mênh mang, bốn bề đặc màu hoang sơ nguyên thủy, tịnh không thấy dấu vết của làng xóm nào. Sương khói nổi bảng lảng mặt sông, mọi người trên đò phóng tầm mắt ra xa thấy mờ ảo hiện ra dấu vết nơi hai con sông lớn yên ả nhập chung một nguồn. Và ở nơi đó, là cảnh vầng Thái Dương đỏ dịu treo lơ lửng ngang trời như một chiếc mâm đồng lớn. Sông nước bị ánh hoàng hôn nhuộm một màu đỏ quạnh, hợp cùng những cánh rừng rậm rạp âm u hai bên bờ khiến cho quang cảnh khoác lên người tấm áo thê lương khôn cùng. Ngắm nhìn cái cảnh buồn thảm đó, Nhật Duật lại nhớ tới đoạn phú vang lên lúc trước. Chàng thở dài rồi nói với người lái đò.

- “Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào. Lênh lang dễ biết sâu nông, nước đen pha nước bạc”. Hai câu này không chỉ mô tả dòng sông mà còn mô tả dòng đời. Những câu phú quý anh đọc lúc trước thật sâu sắc. Nhưng dường như bài phú vẫn còn đoạn sau nữa, có thể cảm phiền quý anh ngâm nốt cho tôi được mở rộng tầm mắt?

Người lái đò không ừ không hữ, chỉ húng hắng giọng rồi cất tiếng ngâm:

“ Hai bên cỏ mọc lâm da^ʍ, hang anh vũ giữa dòng sâu huếch hoác.

Mọi thú mọi vui ; một chiều một khác.

Lơ thơ đầu ông Lã thả cần ;

Trần trụi mặc Chử đồng ngâm nước.

Bè khách thương bạ bến, cắm neo quỳ gối lắc cày xuôi;

Thuyền ngư phủ thuận dòng, giương nách khom lưng chèo tếch ngược.

Dùi điểm thùng thùng trống gọi, cửa tuần ty rộn rã khách chen vai;

Chày đâm văng vẳng chuông đưa, nền Phật tự lao xao người rén bước.

Khác gì: Những chốn Tiêu Tương ; đồ Tranh thủy mặc.

Ai hữu tình ngắm lại mà coi, kể làm cực nhân sinh chi khoái lạc. ”

- “Ai hữu tình ngắm lại mà coi, kể làm cực nhân sinh chi khoái lạc”. - Nhật Duật vừa lim dim mắt, vừa ngâm lại câu cuối. - Hay thật. Vừa trữ tình, vừa triết lý mà cũng rất phóng khoáng. Có điều chắc bài phú được làm đã lâu. Hiện giờ cảnh nơi đây đâu còn phồn thịnh như xưa.

Ngã ba Trung Hà dù không được như ngã ba Bạch Hạc là nơi linh thiêng của trời đất. Nhưng vào triều Lý, khu ngã ba Trung Hà này rất nhộn nhịp, chùa chiền, làng xóm vui vẻ, đông đúc xung quanh. Tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng niệm Phật luôn vang trên sông, không ngày nào là dứt. Tuy nhiên sau khi bị cuộc chiến tranh với quân Thát Đát lần thứ nhất tàn phá, chùa chiền, làng xóm dần chỉ còn tụ tập quanh khu ngã ba Bạch Hạc, ngã ba Trung Hà giờ chỉ còn lại cỏ lau và cây cối mọc um tùm.

- Chẳng hay quý anh tự sáng tác ra bài phú này hay học được của ai vậy? - Nhật Duật bình sinh rất thích kẻ sĩ có tài, nghe được bài phú hay chàng liền muốn tìm ra tác giả.

- Không phải ta. - Người lái đò lúc lắc đầu trông dáng vẻ rất buồn cười. Y chèo thêm hai cái nữa, chiếc đò đã ra giữa sông nước mênh mông, hơi khói mờ ảo dâng cao che kín hết bờ, bốn bề chỉ thấy sương mù và hơi nước.

- Bài này do một thư sinh trẻ, nhân dịp đến tham quan ngã ba Trung Hà tức cảnh sinh tình mà làm. - Người lái đò nói, giọng cao dần lên. Y khoát thêm cái nữa, đò lại lao đi vun vυ't.

- Chẳng hay quý tính đại danh thư sinh đó là gì. Qua nhiều năm liệu quý anh còn nhớ không? - Nhật Duật nghe vậy thì tiếp tục hỏi.

- Không biết, không nhớ. - Người lái đò lắc, không chỉ mỗi đầu mà cả thân mình.

- Vậy quý anh có nhớ sau khi tham quan ngã ba Trung Hà, người thư sinh đó đã đi về đâu?

- Không đi về đâu cả, bị chìm đò mà chết rồi.

- Chìm đò mà chết ư? - Nhật Duật nghe thế thận trọng hỏi. - Sao lại bị chìm đò vậy?

- DO TA LÀM. - Giọng người lái đò lên cao vυ't. Người y giật liên hồi, miệng há ngoác ra đỏ lựng như chậu máu, hai bên tai y mọc ra hai cái mang cá, khắp người nổi đầy vẩy. Bất chợt y buông mái chèo, lộn một vòng ra sau rơi đánh ùm xuống nước. Chiếc đò con tròng trành liên tục như sắp lật tới nơi.

- Không xong rồi. - Nhật Duật và Vi Mai thấy vậy liền tái mặt.

Chợt nghe ầm ầm dưới sông, có thứ gì khổng lồ từ dưới sâu đáy nước trồi lên, xô con đò lật hẳn sang một bên.

- Gã thư sinh kia đã nằm trong bụng ta từ lâu rồi. Các ngươi mốn nghe thơ phú của y thì cùng chui vào đây mà thưởng thức.

Một thân mình khổng lồ ngoi lên mặt nước. Vẩy của cá tinh to như chiếc mâm bạc ánh lên trong ánh chiều trông cực kỳ ma mị. Sương khói đã tan hết nhưng sự tăm tối của đất trời hợp cùng những đợt sóng lớn biến tất cả thành một khối tù mù. Cá tinh quẫy đuôi như chiếc chầy khổng lồ đập ầm ầm xuống nước. Dòng sông đang yên ả bỗng sôi lên sùng sục.

* * * * *

Do chuẩn bị sẵn tâm lý đề phòng từ lúc mới lên đò nên khi con đò sắp lật, Nhật Duật không hoảng loạn. Chiêu Văn Vương chủ động nhảy xuống sông rồi lặn sâu để tránh bị va vào thân đò. Nhà Trần vốn xuất thân nghề chài lưới, ngay cả tên trong dòng họ Trần ban đầu cũng thường lấy tên các loài cá. Ông tổ của nhà Trần có tên Trần Lí tức là cá chép, tiếp nối Trần Lí là Trần Thừa tức cá dưa, sau Trần Thừa là Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của triều Trần và cũng là vua cha của Trần Nhật Duật có tên húy Trần Cảnh có nghĩa là cá lành canh. Tuy nhà Trần ở ngôi đã được gần năm mươi năm nhưng đất nước liên miên dính khói lửa chiến tranh nên các vương gia, hoàng tử luôn được luyện rèn rất nghiêm khắc. Việc rèn thủy quân và thủy chiến vẫn được tiến hành đều đặn hàng năm tại bến Đông Bộ Đầu. Nhật Duật không những là một tướng tài về thủy chiến mà ngay cả ngón nghề bơi lội chàng cũng không hề thua kém bất kỳ một ai trong Chiêu Văn Quân.

Lại nói về sự tình trên ngã ba Trung Hà, sau khi Nhật Duật lặn xuống nước mới cảm thấy hết sự khủng khϊếp của con cá tinh. Con cá này không hiểu đã sống mấy trăm năm rồi, thân hình nó dài cả trăm trượng trông lừng lững như quả đồi nhỏ dưới đáy sông. Cá tinh quẫy mình, đập đuôi, cả ngã ba Trung Hà liền dậy sóng.

Nhật Duật biết ở dưới nước chả chóng thì chầy cả chàng và Mai đều sẽ sớm rơi vào bụng cá. Duật nhìn lên trên thấy Mai đang cố bám vào mạn chiếc đò vừa lật. Mai sống trên núi đã lâu, ít khi vào chốn sông nước nên dù nàng phép thuật cao siêu nhưng cũng rơi vào cảnh sống dở chết dở. Huống hồ Mai trọng thương chưa khỏi, thành ra mỗi lần sóng to đánh tới làm nàng khốn khổ vô cùng.

- Theo tôi mau lên, đừng ở gần đò dễ bị con yêu tinh nhìn thấy. - Nhật Duật trồi lên gần Vi Mai, kéo nàng ra khỏi chỗ chiếc đò.

Mai đang mắt mũi đầy nước, được Nhật Duật kéo thì vội vã bơi theo. Hai người vừa rời đi khỏi thì nghe “ẦM” một tiếng, chiếc đò đã lĩnh nguyên cái đuôi của cá tinh đập vào tan thành trăm mảnh. Con yêu một đòn thất bại liền lặn sâu xuống nước.

- Mau lên, cởi đồ ra.

- CÁI GÌ? Đã như thế này mà vương còn định giở trò sao? - Mai sặc một ngụm nước lớn nhưng nàng mặc kệ, tay cuống cuồng ôm lấy ngực đề phòng.

- Khổ quá, chúng ta phải mau gài quần áo vào mấy tấm gỗ này, sau đó ném sang hướng khác. Hy vọng có thể kéo dài thời gian và đánh lừa được con yêu, với cả cũng đỡ vướng víu, bơi lội thuận tiện hơn. Nàng mau nhanh lên không con yêu nó trồi lên bây giờ.

Chiếc khăn vấn đầu của Mai từ khi rơi xuống nước đã trôi đi đâu mất. Nàng chỉ còn phải tháo dây lưng, cởi bỏ chiếc váy ra trao cho Nhật Duật. Phía trong Mai mặc một bộ quần áo làm bằng vải mỏng, nước sông thấm đẫm khiến y phục bó sát vào da thịt. Dù trong cơn nguy hiểm nhưng Nhật Duật vẫn thấy mê mẩn vì những đường cong trước mắt mình.

- Vương nhìn cái gì?

- Không, không có gì. - Nhật Duật khỏa lấp. Chàng cũng vội cởi bỏ áo dài giao lĩnh rồi quơ hai mảnh gỗ văng ra từ chiếc đò gần đấy vắt hai cái áo lên.

“Ùm, ùm” Nhật Duật dùng sức ném hai mảnh gỗ ra xa.

- Bơi theo tôi. Bơi theo kiểu sải, lướt thân mình thật xa vào, hạn chế đập chân tay nhiều vừa đỡ tốn sức vừa khó bị con yêu phát hiện.

Nhật Duật bơi trước, Vi Mai theo sau. Dù trong sóng to gió lớn thì khả năng định hướng của Duật vẫn rất tốt. Triều đình quả thật đã có được một vị tướng toàn tài. Mai về ngộ tính(2) thì rất cao, lại sẵn căn cơ huyền thuật nên sau khi được Duật chỉ dậy sơ sơ, nàng cũng lĩnh hội được các yếu tố cơ bản của thuật bơi lội. Nhật Duật lướt đi như cá, Vi Mai lấy lại được bình tĩnh sử dụng huyền thuật hỗ trợ cũng không thua kém là bao.

Đúng lúc đấy lại nghe “ẦM” một tiếng lớn, bọt nước văng tung tóe như mưa rào. Cá tinh há miệng khổng lồ đớp vào miếng gỗ có bộ váy của Vi Mai. Thân mình nó tung hẳn lên không óng bạc dưới ánh chiều vừa lung linh vừa kinh hãi. Lại nghe hàng loạt các tiếng ầm ầm nữa vang lên, cả người cá tinh như hòn núi nhỏ rơi trở lại mặt sông. Khắp không gian ngập tràn bọt nước.

- Hay lắm, mau tận dụng cơ hội này.

Duật nói đoạn lôi tay Mai, tựa theo đợt sóng khổng lồ do cá tinh vừa tạo nên lướt như bay trên mặt nước. Thoáng chốc hai người đã rời xa chỗ cá tinh gần nửa dặm. Cá tinh sau khi đớp nát thanh gỗ mới biết là mình bị lừa. Tâm trí của nó rất linh mẫn, lập tức phát hiện ra Nhật Duật và Vi Mai ở phía đằng xa liền quay người đuổi theo.

Duật và Mai lúc này đã nhìn thấy bờ, sau lưng lại bị cá tinh đuổi riết nên hai người cắm cổ bơi thục mạng. Cũng may bơi thêm một hồi đã tới chỗ nước nông, hai người biết cá tinh có hung dữ mấy cũng không thể vào nơi này nhưng vẫn không dám lơi tay, ngừng chân chậm lại. Cá tinh đuổi theo thêm một lúc thì biết là không thể bắt kịp hai người. Nó điên cuồng quẫy mình đập đuôi, gây ra trận sóng gió bão tố ầm ĩ giữa ngã ba sông nước.

* * * * *

* Chú thích

(1) Đây là bài “Ngã ba Hạc Phú” của Nguyễn Bá Luân (1700-1786) một viên quan lớn dưới thời vua Lê, chúa Trịnh. Bài phú vốn viết về ngã ba Bạch Hạc nhưng tôi đã mạo muội sửa lại thành ngã ba Trung Hà cho phù hợp với diễn biến của truyện. Thành thật xin lỗi cụ tác giả.

(2) Ngộ tính: là khả năng giác ngộ hoặc học hỏi những điều mới.