Dịch giả: Hoa Gia Thất Đồng
Mùa đông giá buốt.
Mảnh trăng lưỡi liềm mọc từ sớm, giờ đương lúc lặn, trời gần hửng sáng.
Vùng sông nước thôn Chu lúc này vẫn còn chìm trong màn sương sớm mông lung, chỉ có thể thấy được đường nét mờ mờ ảo ảo.
Nơi bờ sông im lìm không một tiếng động, hàn phong lạnh lẽo như đao.
Trong cái tổ trên ngọn cây khô, lũ quạ đã co rúm vì lạnh, chốc chốc lại bật lên tiếng nỉ non, trong sắc trời tờ mờ nghe sao ai oán, hết sức chướng tai.
Tô Trần đương đứng trên một chiếc bè trúc con con, đôi bàn tay đã ửng đỏ vì lạnh nắm chặt lấy ngọn sào dài. Sào dập dềnh khua trong nước, đưa bè lướt đến giữa lòng sông.
Phần bè phía sau lưng y đặt một cái sọt đan từ trúc, một ống đèn trúc, và một tấm lưới đánh cá.
Hoa sóng thỉnh thoảng vỗ nhẹ lên bè, làm ướt đôi giày cỏ của y, nước thấm qua lạnh đến buốt thịt thấu xương. Gió lạnh thổi đến, tấm thân gầy run theo từng đợt.
Tô Trần là con một gia đình hàng chài nghèo khó của thôn Chu.
Cuộc sống của dân chài lưới hết sức khó khăn. Thuế thuyền bè của huyện nha Cô Tô vốn đã rất nặng, lại thêm các bang phái giang hồ thường xuyên sách nhiễu, tựa như hai khối đá lớn đồng thời chèn ép khiến cả nhà họ Tô không ai thở nổi.
Cha mẹ y mỗi ngày ra hồ lớn đánh cá đều đi sớm về khuya, cũng chỉ đủ cho một nhà năm miệng ăn gắng gượng mà sống tạm qua ngày.
Tô Trần mới chỉ là một thiếu niên mười hai tuổi ốm yếu nhưng đã chững chạc và hiểu chuyện lắm, muốn nhân lúc trời chưa tỏ, còn cách hừng đông một canh giờ, ra sông mà đánh ít tôm cá, bán lấy ít tiền bù đắp thêm chi phí trong nhà.
Bè trúc ra đến giữa sông, y cắm ngọn sào dài sâu vào lớp đất bùn lắng dưới đáy, khiển bè đứng lại.
Tô Trần xoa lấy xoa để đôi bàn tay nhỏ đã gần như lạnh cứng, tự làm mình ấm lên một chút. Y xắn tay áo gai lên, từ trong ngực áo lôi ra đá đánh lửa cùng với cỏ khô, gắng đánh hơn mười mấy cái mới nhóm cháy được một búi cỏ.
Y vội vàng dùng cỏ khô thắp đèn trúc lên, lại lấy một cây gậy chống ngọn đèn rồi đặt xuống mép bè chỗ sát mặt nước.
Ở nơi sông nước tịch mịch phủ bởi sắc trời tờ mờ này, ánh đèn trúc ảm đạm kia lại trở thành nguồn sáng duy nhất.
Tôm cá ưa ánh sáng, trong đêm dễ dàng bị ngọn lửa hấp dẫn.
Nếu rải thêm ít thứ mồi nhử cá như lá ngư thảo(1), giun đất với bánh ngô(2) đã nghiền vụn, hiển nhiên sẽ dẫn dụ được nhiều tôm cá hơn nữa đến kiếm ăn.
Phép “lửa đèn nhử cá” này là tiểu xảo của ngư dân khi đánh bắt trong đêm, cũng là kỹ thuật sở trường của Tô Trần.
Tô Trần làm xong mấy thứ này rồi mới rút người vào sâu trong tấm áo vải gai mỏng manh, ngồi xổm trên mặt bè giá lạnh do thấm nước, cầm sẵn tấm lưới chài, kiên nhẫn chờ đàn cá dưới sông tìm đến kiếm ăn.
Dưới sông lắm tép nhỏ cá con, nhưng chẳng đáng là bao nhiêu tiền.
Đi một chuyến xa xôi đến chợ phiên trên bến cửa Tây huyện thành Cô Tô mà bán, một sọt lớn đựng đầy ắp cá tôm be bé cũng chỉ đổi được đôi ba đồng, gần như chẳng đủ tiền cơm cho ngư dân cả một ngày đầu tắt mặt tối.
Đáng tiền chính là những giống cá lớn, nặng cân.
ooOoOoOoo
Lân cận vùng sông nước thôn Chu, thuộc huyện Lâu(3), có một cái hồ lớn sâu hơn trăm dặm gọi là Điến Sơn Hồ. Mặt hồ gió to sóng cả, loài cá diếc lớn sinh sôi.
Một con cá diếc lớn nặng trên hai cân có thể bán được hơn năm đồng. Bất quá, đó là thứ mà chỉ những người ở huyện thành hoặc khách quý của các quán rượu, quán trọ mới thường được ăn.
Ngư dân trong thôn Chu đánh được cá lớn đều không nỡ ăn, thường sẽ đem vào huyện thành Cô Tô bán lấy tiền, rồi cầm đi nộp thuế thuyền bè cho huyện nha. Dăm đồng còn thừa lại, mới đi đổi lấy gạo muối dầu vải, miễn cưỡng duy trì sinh kế của một nhà từ già đến bé.
Ngoài ra, trong hồ lớn còn có ba món trân phẩm cực kỳ hiếm lạ: cá đao lưng bạc, cá đá tuyết hoa, và tôm lớn đuôi đỏ.
Nghĩ đến ba thứ cá tôm quý giá này, Tô Trần liền sốt ruột.
Chỉ một con cá đao lưng bạc quý hiếm nặng nửa cân, đem bán cho quán rượu lớn nhất huyện thành Cô Tô - Thiên Ưng Khách Sạn, có thể bán được năm trăm đồng, cái giá cao đến nỗi người ta phải líu lưỡi vì kinh hãi, áng chừng ngang cả giá một chiếc thuyền đầy ắp cá mà ngư dân đánh được.
Tô Trần thường cùng những ngư dân khác đi qua Thiên Ưng Khách Sạn bán cá, quen được đứa nhóc tiếp việc vặt tên A Sửu. Qua lại đôi ba lần như thế, hai gã thiếu niên trở thành hảo huynh đệ không có lời chi phải giấu giếm nhau, nhờ thế y cũng nắm rõ được tình hình buôn bán cá ở huyện thành.
Chỉ có điều, mấy giống cá quý này cực kỳ khó bắt. Mỗi ngày hàng trăm chiếc thuyền cá xuống hồ, cũng chưa ắt đã được một hai thuyền bắt dính một con trong ba món quý ấy.
Dù có là tay đánh cá đã mấy mươi năm lão luyện, ở nơi hồ rộng nước sâu này, dùng lưới đánh cá lớn đến mấy trượng cũng khó mà bắt được cá đao lưng bạc.
Nếu có người ngư dân nào may mắn đánh được một con, nhất định sẽ khoe ầm lên với hết thảy ngư dân ở thôn Chu, mong sao người người đều ngưỡng mộ mình.
Tiếc là, chỉ có những ngư dân đã tráng niên mới dám lái thuyền cá xuống hồ lớn quăng lưới đánh bắt.
Tô Trần vẫn còn nhỏ tuổi, người gầy sức yếu, không dám xuống hồ lớn, chỉ có thể chống chiếc bè con ở nơi sông phẳng lặng mà bắt cá. Đối với mấy giống cá là đặc sản lại quý hiếm này, y tuy thèm muốn nhưng cũng chẳng dám ra hồ.
Ở sông nhỏ thỉnh thoảng cũng có thể bắt được cá diếc lớn bơi ra khỏi hồ.
Có điều, dòng nước thông từ thôn Chu đến huyện thành Cô Tô lại là một đường sông rất tấp nập. Ban ngày thuyền buôn lớn nhỏ qua lại ít nhất mấy chục chiếc, thuyền cá lại mấy trăm chiếc. Cá lớn dưới sông dễ bị thuyền lớn làm cho kinh hãi, lặn trốn xuống đáy sâu bảy tám trượng, về cơ bản không có cách gì đánh bắt.
Chỉ có lúc tờ mờ sáng trong một canh giờ ngắn ngủi, khi mặt sông hầu như không có thuyền lớn qua lại, cá lớn mới không bị giật mình mà trồi lên bề mặt tìm ăn sinh vật phù du.
Đây cũng là cơ hội duy nhất để bắt cá diếc lớn của Tô Trần.
ooOoOoOoo
Chẳng bao lâu, mấy đàn cá nhỏ bị ánh đèn hấp dẫn, đã xuất hiện xung quanh bè trúc.
Tô Trần chịu đựng cơn gió rét thấu xương, ngồi xổm trên bè trúc kiên nhẫn chờ.
Nghe bụng có hơi đói, y lấy từ trong ngực áo ra một ổ bánh ngô lạnh cứng, bẻ làm đôi mà nhai ăn lần lần để lót bụng, còn thừa nửa cái không nỡ ăn cất trở vào trong ngực.
Thứ y muốn bắt không phải là mấy con cá tôm bé tẹo đựng đầy một sọt lớn cũng chẳng đáng bao nhiêu đồng này, mà là cá lớn.
Cũng chẳng rõ đã trôi qua bao lâu.
Đột nhiên, dưới sông xuất hiện một đạo ngân quang, trông tựa như một sợi dây bạc đương di động linh hoạt trong nước. Thứ đó trồi lên ăn mồi cá, bị ánh lửa từ ngọn đèn dầu treo trên bè chiếu rọi, trong sắc đêm bừng sáng rực rỡ khiến người ta phải kinh ngạc.
Chính là cá đao lưng bạc!
Tô Trần trong sát na còn ngỡ mình bị hoa mắt.
Con ngươi đen nhánh linh động của y không chút nhúc nhích, dán chặt vào sợi dây bạc đang phiêu diêu uyển chuyển nhẹ nhàng đó, hô hấp trở nên dồn dập, và tim không ngừng đập thình thịch trong l*иg ngực. Sắc mặt y lộ rõ vẻ khó tin.
Cá đao lưng bạc chỉ ở nơi rất sâu bên dưới hồ lớn mới thỉnh thoảng bắt gặp được. E là thức ăn ở hồ lớn không đủ, nó mới phải bơi ra sông này kiếm ăn trong đêm đông giá lạnh.
Xem kích thước của con cá đao lưng bạc này, ít nhất phải nặng đến bảy tám lạng!
Cá đao lưng bạc nặng nửa cân thôi đã có thể bán được năm trăm đồng, cứ thêm một lạng lại bán được thêm một trăm đồng. Cả con cá đao này có thể bán với giá bảy tám trăm đồng, bằng với số tiền y phải làm lụng cả năm trời mới kiếm được.
Sắc mặt Tô Trần đỏ phừng, tim đập thình thịch.
Gia đình đã nghèo rớt mồng tơi, y đương nhiên biết con cá đao lưng bạc quý giá này có ý nghĩa nhường nào.
Nếu bắt được con cá đao này, đến khách sạn ở huyện thành Cô Tô bán với giá cao, liền có thể đổi được mấy túi lớn đầy những thứ như bột gạo trắng tuyết, lương thực, muối ăn và vải vóc mới.
Bấy giờ là tháng chạp, chẳng mấy chốc đã phải đón tết.
Tết năm nay đã có thể ăn một bữa há cảo rau củ tôm khô với cơm trắng bát lớn thơm lừng, sẽ không còn phải gặm mấy ổ bánh ngô cứng ngắc cứng còng nữa. Lại còn có thể xé cho đệ đệ, muội muội mấy khúc vải lớn, làm ra hai bộ quần áo mới đón tết.
Tiền vẫn thừa nhiều, thậm chí còn có thể nộp thuế thuyền bè cho huyện nha Cô Tô, giúp cha mẹ giảm nhẹ phần nào gánh nặng trên vai.
Cha mẹ mà biết được y giỏi giang thế này, chắc chắn sẽ hân hoan tươi cười, xoa đầu y mà khen lấy khen để.
Có con cá đao lưng bạc này rồi, năm nay nhất định sẽ là một năm sống thoải mái, tốt lành!
Tô Trần vội nín thở, cặp con ngươi trong trẻo lấp lánh ánh kim quang của bạc tiền, đôi tay nhỏ nắm chắc cái nơm lưới, bắt đầu thu về một cách hết sức chậm chạp.
“Cá đao lưng bạc”, hiệu xưng ngọn phi đao trong nước, tuyệt không phải chỉ là hư danh.
Nó rất dễ bị kinh động, tốc độ bơi lại cực kỳ nhanh, tựa đao chẻ nước, chớp cái đã mất.
Bắt cá đao lưng bạc thử thách bao nhiêu là công sức của một ngư dân: tâm phải tĩnh, khí phải thu, mắt phải tinh, tay phải thật lẹ!
Tô Trần nín thở, từ từ thu lưới.
Chính vào lúc này, trong cái tổ trên ngọn cây ven bờ sông, một con quạ đen chẳng biết tại làm sao đột nhiên tỉnh giấc, phát ra một tiếng kêu thê thiết.
“Quạ…!”
Tô Trần đương tập trung toàn bộ tinh thần phải giật mình, đôi tay nhỏ nắm khư khư tấm lưới không kiềm được phải rung nhẹ một cái. Mặt sông gợn lên ít bọt nhỏ.
Con cá đao lưng bạc dưới sông liền giật mình kinh hãi, bất thình lình quẫy đuôi một cái, nhanh như chớp đã vọt từ mép chiếc nơm lưới ra xa ba bốn trượng, trong nháy mắt lặn xuống đáy sông mất hút không thấy đâu nữa.
Hỏng!
Cá đao lưng bạc bị kinh hãi, bơi đi mất rồi!
Tô Trần nhấc lấy cái nơm lưới rỗng không bên trong chỉ lác đác vài con tép nhỏ, thân người không nhịn được phải run lên. Y chực khóc.
Đều tại con quạ đen thúi mõm chết bầm kia kêu lung tung!
Con cá đao lưng bạc đó nặng có đến bảy tám lạng, đáng bảy tám trăm đồng tiền!
Đáng tiếc, tại con quạ mõm thúi hoắc đó kêu một tiếng mà nát bét hết!
Mong ước năm nay được sống thật tốt cũng đã tan tành!
Mắt Tô Trần ngận đỏ, hung hăng nhìn trừng vào cái tổ quạ trên ngọn cây ven bờ.
Y nổi giận đùng đùng, lướt bè trúc qua bên ấy, tay nắm cây sào dài chọc thẳng vào tổ quạ trên ngọn.
“Đồ quạ thối tha, cho mày kêu vớ vẩn này!”
Tổ quạ bị chọc trúng, quạ trong tổ thất kinh kêu loạn xạ mấy tiếng “quạ quạ quạ”, nhưng vẫn ở lì trong tổ, chết cũng chẳng chịu ló đầu ra.
Hồi lâu, cánh tay đã mỏi nhừ, Tô Trần chán chường quăng mình ngồi phịch xuống bè trúc, nôm ủ rủ hết sức. Gương mặt nhỏ đã đỏ ửng vì sương giá của y phủ một màn u ám thất thỉu.
Than ôi!
Tô Trần cũng biết, con quạ này chẳng hiểu gì sất, chỉ là giật mình thức trong đêm sương giá rồi kêu bậy một tiếng mà thôi, cũng chẳng phải cố ý hại y.
Giận nó mà làm gì!
Tô Trần than thở một tiếng, lại có chút áy náy, cứ ngóng nhìn tổ quạ trên ngọn cây.
“Xin lỗi! Tao không nên nhất thời nóng bực mà tìm mày trút giận, chọc phá tổ của mày. Trời đông giá rét này, mày ở trong tổ cũng chịu khổ vì lạnh, chút tép này là tao đền cho mày đó.”
Tô Trần bóc từ trong sọt ra một nắm tép con, vứt dưới gốc cây già, sau đó chống bè đi đánh cá tiếp. Đợi y đi xa rồi con quạ tự nhiên sẽ bay xuống mà ăn.
Con quạ kêu lên mấy tiếng “da da” phản đối, rúc trong tổ tiếp tục giả chết.
ooOoOoOoo
Một canh giờ sau, Tô Trần rốt cuộc cũng đánh được một sọt đầy cá lớn lẫn tép con.
Bận rộn cả đêm, tuy không bắt dính con cá đao lưng bạc quý hiếm kia, song cũng thu hoạch được ít thứ khác, bắt được một con cá diếc lớn nặng hai lạng.
Một con cá diếc lớn đem bán ở chợ phiên thôn Chu, ước bằng với tiều phu đổi về một bó củi lớn đốt được bốn năm đêm đông.
Năm đồng này chẳng nhiều, nhưng chỉ cần thường xuyên đi đánh, đêm ngày tích góp cũng có thể bù đắp được một ít chi phí trong nhà, cha mẹ cũng vui mừng.
Tép nhỏ cá con thừa lại trong sọt tuy bán chẳng được mấy đồng, nhưng cũng có thể nấu cho đệ đệ muội muội vài chén canh cá mà ăn. Ăn không hết lại đem đến chỗ nông dân trong thôn Chu đổi ít rau xanh.
Trời đông này thực khó mà chịu đựng, so với mọi năm phải sống vất vả hơn nhiều.
Tô Trần đánh được một sọt đầy cá, gương mặt non nớt không giấu nổi vẻ vui mừng. Lúc chống bè về nhà, y thầm ngẫm nghĩ, qua cái tết này đệ đệ muội muội lại lớn thêm một hai tuổi, trong nhà được thêm hai đứa trẻ hiểu chuyện đỡ đần cho cha mẹ, ngày tháng rồi cũng sẽ dần tốt đẹp hơn.
------------------------------------------------
Chú thích của người dịch:
(1) Ngư thảo: từ này theo bản văn gốc là 鱼草, nhưng mình không rõ ý tác giả có phải 鱼睲草(Hán Việt: ngư tinh thảo), tức rau diếp cá hay không; cũng không rõ giống rau này có thể dùng mồi cá. Vậy xin để nguyên từ Hán Việt.
(2) Bánh ngô: nguyên là một loại bánh làm từ bột ngô, bột cao lương hoặc một số loại lương thực khác, có dạng hình chóp đơn giản, ruột lõm vào có thể dùng đựng nhân bánh. Tạm dịch “bánh ngô”.
(3) Huyện Lâu: một địa danh cổ, nay thuộc thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.