Thiên Kim Bạc Tỉ: Chị Vợ Anh Yêu Em

Chương 164: Chuyện xưa (5)

Gương mặt của người đàn ông vẫn trầm tĩnh, ánh mắt không mảy may xúc động, chậm rãi  nói: “Nhã Miên chết rồi, con của chúng tôi cũng không còn. Chỉ một cái tát cho cô đã là quá nhẹ.”

Người phụ nữ căm tức đưa mắt trân trối nhìn chồng mình, nghiến răng nói lại rằng: “Hại chết con hồ ly tinh đó là tôi. Tại sao anh lại trút giận lên anh ấy? Anh ấy tạc bức tượng đó là do tôi yêu cầu, hoàn toàn không biết gì hết.”

“Tại sao?”

“ Tại sao anh lại cho người đập nát đôi tay của anh ấy?”

“ Anh ấy yêu nghệ thuật điêu khắc đến như vậy, nếu không còn đôi tay thì anh ấy sống thế nào?”

“Tại sao ông lại độc ác như vậy?” - Theo từng câu hỏi “tại sao” là từng hồi xúc động đến rung người của bà Thanh Xuân. Bà lao đến nắm chặt lấy cô áo ông để chất vấn.

Tuy nhiên, ông Hoàng Thời không trả lời mà chỉ cầm tay bà đẩy ra khỏi người ông rồi cất bước rời khỏi nhà.

Hai người họ tuy là hôn nhân mai mối nhưng không phải ông không thích bà. Trước khi cưới, hai người họ chưa từng gặp mặt nhau. Hoàng Thời là người nghiêm túc lại ham học cho nên ông không để tâm đến chuyện tình cảm nam nữ. Khi gia đình đề cập đến chuyện hôn nhân ông cũng không phản đối. Biết được đối phương là con cháu hoàng tộc thì ông càng không có lý do để từ chối.

Ngày kết hôn, lần đầu gặp được dung nhan diễm lệ yêu kiều của cô dâu thì ông chỉ có mê đắm. Lần đầu tiên, ông rung động với một người phụ nữ chính là  với Thanh Xuân. Cô gái trẻ dịu dàng, công dung ngôn hạnh không chê vào đâu được, lại là một tấm thân trong trắng trao cho ông. Hai người họ “sơ kính như tân”, đối xử lễ nghĩa với nhau êm đềm hạnh phúc cho đến khi có đứa con đầu lòng thì ông phát hiện ra sự tồn tại của người đàn ông tên Lucas Ngô. Hắn vốn là bạn học của Thanh Xuân cũng là mối tình đầu dang dở của cô ấy. Ngốc nghếch nhất chính là ông vẫn xem hắn là bạn mà dùng lễ đối xử. Không ngờ hai người họ bao lâu nay vẫn thư từ qua lại. Mặc dù hắn  đã chuyển về Lisbon (thủ đô của Bồ Đào Nha) sinh sống nhưng thư của hắn vẫn đều đều mỗi tháng gửi đến Mĩ. Từng lời từng ý nhu mì đến mức khiến Hoàng Thời đắng lòng. Cũng từ đó, ông bỏ hết sản nghiệp của gia đình ở Chicago và người vợ đang mang thai mà sang Los Angeles làm ăn. Ông xin việc ở công ty của nhà họ Cao và đã gặp Cao Nhã Miên.

Hoàng Thời là một người cao ngạo và sỉ diện. Chuyện bí mật của vợ mình ông không bao giờ nói ra cho ai biết bao gồm Cao Nhã Miên nhưng thư từ qua lại của bà ta và Lucas Ngô thì ông không đánh mất bức nào. Hai người họ tuy chưa dám vượt vòng lễ giáo đội mo sừng cho ông nhưng việc làm này khiến ông không chịu nổi. Nếu như năm đó Thanh Xuân chịu nhường một bước tác hợp cho ông và Nhã Miên thì có lẽ kết cục sẽ không phải ai oán đến như vậy.

“Thanh Xuân, mi khóc cái gì? Phải nghĩ cách kéo chồng quay lại. Ngồi đây khóc lóc có ích chi? - Giọng một người phụ nữ Huế vừa ăn trầu vừa nói.

Con gái bà vừa ôm đứa con nhỏ vừa ngậm ngùi kể: “Thôi mạ à, con quyết định rồi. Hắn thích người khác thì cứ để hắn đi. Dù sao con cũng không yêu hắn.”

Người phụ nữ ngồi bắt tréo chân hừ mạnh một tiếng rồi khó chịu nói: “Mi nói hay hử? Hồ ly tinh cướp chồng thì cho nó cướp ư? Rồi con mi? Rồi mi? Rồi gia đình nhà ta phải thế mô?”

Nói đến đây bà lại lên giọng răn dạy con gái mình: “Mi có từng nghĩ đến nếu không có nhà họ Hoàng thì cuộc sống ở Mĩ của chúng ta phải thế mô?”

Con gái bà đưa tay chấm nước mắt. Nỗi khổ trong lòng cô, bà không sao hiểu được. Nếu năm ấy không vì gia đình sa sút cần một chỗ dựa để bảo đảm cuộc sống tốt của gia đình mình thì Thanh Xuân cũng không chia tay mối tình đầu nhiều mộng đẹp như vậy để lấy người đàn ông xa lạ. Tuy cô vẫn an phận và giữ gìn phụ đạo nhưng trái tim này sớm đã theo người đàn ông khác. Nay hai bên không còn tình cảm nữa thì ly hôn cũng không phải là điều khó khăn gì. Chỉ là trong lòng Thanh Xuân đau đớn vì bị phản bội nhưng xét cho cùng đây cũng là cơ hội giải thoát cho cả hai. Chỉ có điều, ba mẹ cô nhất quyết không đồng ý.

“Xin mạ hãy tác thành cho con ly hôn. Người phụ nữ đó và hắn đã có con với nhau. Con không chịu nổi nữa.” - Thanh Xuân uất ức lên tiếng van xin.

Mẹ cô vẫn điềm nhiên, mặt không biến sắc, không quan tâm cũng không muốn quan tâm đến cái gọi là “giải thoát cho nhau”. Trong thâm tâm của bà chỉ có một ý niệm đó là: kẻ nào cướp chồng thì phải bị đánh ghen. Còn dùng cách nào để hạ đối thủ thì bà sẽ nghĩ.

Với kinh nghiệm sống trong cung đình lâu năm và chứng kiến không ít trò cung đấu, mẹ của Thanh Xuân trong nháy mắt đã nghĩ ra diệu kế triệt hạ đối thủ. Bà nhếch môi cười, đôi môi đỏ do ăn trầu cong lên như ẩn giấu nhiều tính toán. Bà kêu con gái ghé tai và thì thầm cách giật lại chồng cho con gái nghe. Vừa nghe xong, Thanh Xuân trợn tròn mắt nhìn mẹ mình. Cô lắc đầu kêu lên: “Không được đâu mạ. Cách này quá ác. Lỡ cô ta xảy ra chuyện thì làm thế mô?”