Thiên Kim Bạc Tỉ: Chị Vợ Anh Yêu Em

Chương 68: “Trước sau chẳng thấy mặt người”(*)

Sau khi Lưu Viễn xuất viện ông cùng bà Minh đã bay về Los Angeles và tạm thời ở trong dinh thự của nhà họ Cao. Dinh thự rộng lớn được xây theo kiểu cổ điển châu Á với nhiều gian nhà kết nối với nhau. Giữa các gian nhà là giếng trời và hoa viên khoáng đạt. Dinh thự rộng lớn lạnh lẽo này chỉ có một chủ nhân là Cao lão phu nhân sống và thờ phụng tổ tiên. Còn lại chỉ là những thuộc hạ thân tín lâu năm. Lâu lâu Yên Di đến ở chơi cùng bà, còn Cao Thừa Hiên thì như cánh chim bạt gió bay đi khắp nơi, chẳng mấy khi chịu ở nhà. Ngôi nhà nhiều đau thương lẫn hạnh phúc trải qua thăng trầm cả trăm năm giờ đây lại hân hoan chào đón chủ nhân chân chính Cao Hiển Minh trở về cùng vợ và con gái Tinh Vân. Đoàn Nam Phong muốn đưa Tinh Vân về Nebula ngay nhưng vì chiều theo ý nguyện của Cao lão phu nhân cho nên cũng đưa Tinh Nhật về Dinh thự của Cao gia ở vài hôm.

Dinh thự của nhà họ Cao không quá xa biệt thự của Đoàn gia cho nên Đoàn lão phu nhân và Đoàn phu nhân vẫn thường xuyên qua thăm nhà. Phút chốc dinh thự nhà họ Cao trầm mặc bao nhiêu năm lại rộn ràng không khí hoan hỉ. Người trên kể dưới bận bịu luôn tay luôn chân sửa soạn phòng ốc, trang hoàng nhà cửa, nấu ăn tiệc tùng vui vẻ.

Người thích thú nhất là tiểu soái ca Tinh Nhật. Thời tiết vào hè nóng bức nhưng khi bước vào dinh thự của bà cố ngoại thì cả người cậu thấy vô cùng dễ chịu vì ngoại trừ hoa viên lớn ở cổng chính và hậu viên thì giữa mỗi phòng đều có hòn giả sơn với tiếng suối róc rách và cá vàng thi nhau bơi lội. Chỉ cần mở cửa phòng ra là có cảm giác hòa mình cùng thiên nhiên. Bà cố ngoại của cậu còn đặc biệt căn dặn người làm trồng thêm hoa có màu sắc rực rỡ để não bộ nhận biết hình ảnh của cậu được phát triển. Mỗi ngày Tinh Nhật đều chạy chơi mỏi chân giữa các gian phòng. Duy chỉ có một gian phòng tầng một dãy lầu phía Tây là bị đóng kín - gian phòng của bà Nhã Miên.

...

Hoàng lão gia chống gậy bước xuống xe. Chiếc xe hơi cao cấp Limousine được thiết kế riêng cho Hoàng lão gia dừng ngay sát cổng một ngôi chùa rộng rãi khang trang ở ngoại ô phía Nam thành phố Los Angeles hoa lệ. Cổng chùa ẩn mình dưới tán cây Bồ Đề gần trăm tuổi với gốc to lớn và tán lá cao rợp bóng cả một phần sân lớn trước cổng chùa.

Hoàng Gia Khiêm dìu ông chống gậy đi qua sân chùa rộng lớn với những pho tượng Phật cao lớn phúc hậu. Khu vực chính điện nằm ở tòa nhà lớn nhất trong chùa. Phía sau chính điện là một căn gác thanh tĩnh chứa Kinh Phật. Chiếc cầu nhỏ phía sau gác chứa Kinh Phật dẫn đến một vườn lan rực rỡ. Nơi này là hậu viện dùng để tiếp đãi khách và nhà bếp. Nhìn quang cảnh chùa khang trang thanh tĩnh cũng đủ để thấy Cao lão phu nhân đối với cô em chồng Cao Nhã Miên này rất tốt.

Theo sự hướng dẫn của các chú tiểu và vài đệ tử tục gia thì Mật Niệm sư thái đang ở trong phòng chép kinh. Phòng của sư thái là một gian nhà nhỏ phía phải của hậu viện. Hoàng lão gia nhanh rảo bước về phía ấy. Ông vội vã muốn gặp bà. Từ phía cửa sổ, những cây đinh hương bắt đầu trổ hoa ánh sắc tím vào gian phòng Cao Nhã Miên đang ngồi. Bà bình thản, ung dung chuyên tâm ngồi chép kinh Phật để tu dưỡng tâm tính.

Hoàng lão gia từ bên ngoài ngắm nhìn bà, bất giác lại nhớ đến chuyện ngày xưa:

“Nhã Miên, mái tóc của em thật đẹp!”

“Vậy sao?” - Cô gái với suối tóc dài đen mượt mỉm cười quay sang nhìn người đàn ông ngồi cạnh mình.

Người đó đưa mũi lại gần tóc nàng, hít lấy mùi thơm của thảo mộc trên mái tóc suôn mềm như tơ. Bàn tay nhẹ vuốt lấy mái tóc mềm mại của nàng, cảm giác mê luyến lướt qua từng kẽ tay: “Nhã Miên, anh yêu em!”

Lời yêu đương lan vào trong gió, vang vọng đến cuối chân trời xanh ngắt của ngày đó. Không biết rằng khi xuống tóc người ấy có buồn không nhưng Hoàng Thời ông chỉ nghĩ đến là thấy trái tim đau buốt.

Thấy ông đứng bất động, Hoàng Gia Khiêm khẽ giục: “Ông ngoại, chúng ta đi thôi.”

Chú tiểu nhỏ tuổi lễ phép dẫn đường cho hai người đi về phía cửa chính của phòng sư thái. Chú tiểu để họ ngồi đợi ở phòng khách và đi vào báo với sư thái.

Một lúc sau, chú tiểu bước ra nói: “Xin lỗi chư vị thí chủ, sư thái bận chép dở Kinh Phật không tiện ra gặp hai người. Sư thái chuyển lời xin hai vị hãy về cho.”

Hoàng Gia Khiêm cũng đoán được trước kết quả này nhưng anh vẫn chờ quyết định của ông mình. Hoàng lão gia nhìn chú tiểu nhẹ giọng nói: “Nói với sư thái, ta sẽ chờ ở đây đến khi bà ấy xong việc.”

Sau đó ông lại quay sang Hoàng Gia Khiêm: “Cháu cứ đi lo việc của mình. Để ta ở đây được rồi.”

Hoàng Gia Khiêm liền nói: “Cháu sẽ ở đây với ông. Ông vừa khỏi bệnh, để ông một mình ở đây cháu không yên tâm.”

Hoàng lão gia lắc đầu: “Không sao, cháu đi lo việc của cháu đi. Ta muốn một mình ở đây suy nghĩ. Không cần lo cho ông già như ta.”

Thấy Hoàng lão gia nói đến tiếng thứ hai, Hoàng Gia Khiêm liền lễ phép lui ra ngoài. Nhưng anh vẫn cẩn thận bố trí vệ sĩ canh gác bên ngoài để bảo đảm an toàn cho ông. Một lúc sau chú tiểu mang trà bánh vào cho ông. Chốc chốc lại châm trà và thêm bánh. Ông cứ ngồi đó như pho tượng, nhìn vào gian phòng sách kế bên. Hai người cách nhau bức vách mà ngỡ như muôn trùng.

“Thiên ngôn vạn ngữ” trong năm mươi năm qua không biết bắt đầu từ đâu. Có những lời nói ra đã là quá muộn màng nhưng ông vẫn muốn gặp mặt và nói với bà. Hay cũng không cần phải nói gì, chỉ là mong muốn được gặp mặt mà thôi.

...

Bốn tiếng đồng hồ trôi qua, trời đã quá trưa, một ni cô tầm chín, mười tuổi mang mâm cơm chay vào cho ông: “Thí chủ, mời dùng cơm chay đạm bạc của chùa chúng tôi.”

Hoàng lão gia liền hỏi: “Sư thái của các người đã ăn chưa?”

Ni cô lễ phép chấp tay: “Thưa, bần ni đã mang một phần vào cho sư thái.”

Hoàng lão gia gật đầu kiên nhẫn chờ đến tận chiều tối nhưng Cao Nhã Miên vẫn không ra gặp ông. Cho đến khi Hoàng Gia Khiêm quay lại đón ông về.

Sáng hôm sau Hoàng Gia Khiêm lại đưa ông đến chùa Liên Hoa ngồi đợi. Liên tục mười ngày đều như vậy nhưng Cao Nhã Miên không hề để tâm và có ý muốn gặp. Mỗi ngày trôi qua ông đều vô vọng đến và vô vọng rời đi.

Đến ngày thứ mười một thì Hoàng lão gia thực sự đã ngã bệnh. Nhưng ông vẫn kêu Hoàng Gia Khiêm cho người khiêng ông đến. Gian phòng khách nhỏ của sư thái bây giờ lại có thêm một chiếc giường di động của Hoàng lão gia. Vẫn cơm chay ngày ba bữa, trà nước đầy đủ nhưng Cao Nhã Miên vẫn không ra gặp ông. Ông biết bà hận ông, cũng biết dù ông có làm gì thì bà cũng không tha thứ cho ông. Nhưng ông vẫn muốn đợi để gặp bà dù chỉ một lần trong đời.

Hoàng Gia Khiêm nhìn thấy tình hình không ổn liền báo cho Tinh Vân đến khuyên ông về nhà nghỉ ngơi. Sau khi nghe được sự tình cô và Đoàn Nam Phong liền tức tốc chạy đến chùa Liên Hoa.

.......

(*) “Trước sau chẳng thấy mặt người

Hoa đào năm cũ còn cười gió đông”

(Truyện Kiều- Nguyễn Du)

Có bản ghi là: “Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm cũ còn cười gió đông”

Nhưng mình thích từ “mặt người”. Bởi vì mình thích hai câu thơ của Thôi Hộ:

“Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong.”

(Thôi Hộ)

(Mặt người nay chẳng thấy ở đâu

Chỉ còn hoa cũ cười trong gió)

Hai câu thơ trên nói về chuyện tình của Thôi Hộ trong một lần gặp gỡ tình cờ đã yêu thích một cô gái ở Đào hoa thôn - Cái thôn trồng toàn hoa đào. Năm sau quay lại không thấy cô ấy đâu đã làm một bài thơ tứ tuyệt gắn lên cửa. Vậy mà người đó nhận được đã tương tư thành bệnh. Lúc sắp chết thì gặp được người đó nên đã sống lại. Sau hai người lấy nhau, kết thúc đoàn viên vui vẻ. Hạc Giấy cũng thiệt sợ mấy ông thi nhân và sức mạnh của ngồi bút.

Về sau Nguyễn Du cũng mượn hai câu thơ này để nói về việc Kim Trọng quay lại vườn Thúy nhưng đã không còn gặp Thúy Kiều để chỉ sự lỡ duyên, muộn màng. Cảnh còn người mất là đau thương khó nói của con người.

Trong câu chuyện của Hạc Giấy, Hoàng Thời và Cao Nhã Miên cũng là lỡ duyên. Nhưng là lỡ duyên trong thời gian rất dài rất dài. Nửa đời người quay lại, cảnh không còn, chuyện xưa đã cũ. “Thương hải tang điền” cái gì cũng đã qua. Người tuy còn sống nhưng đã không còn là người xưa với mái tóc thề năm ấy. Cảnh vẫn còn, người đã mất là nỗi đau nhưng người còn mà mối quan hệ không còn như xưa nữa lại là chuyện đau như thế nào? Vài điều suy ngẫm của mình sau khi viết xong chương này.