Thanh Triều Ngoại Sử 3

Chương 21: Xuất chinh Hồi bộ

Buổi sáng hôm sau Tiêu Phong rời khỏi kinh thành có Sách Ngạch Đồ tiễn đưa.

Khi từ biệt, Sách Ngạch Đồ tặng Tiêu Phong một con ngựa tên gọi Thiên Phi, có tài leo núi như chạy trên đồng bằng, vốn là một loại ngựa quý hiếm.

Tiêu Phong rất lấy làm cảm kích đối với Sách Ngạch Đồ.

Lôi Kiến Minh cũng đến cổng thành tiễn Tiêu Phong xuất chinh Hồi bộ, hai chân Lôi Kiến Minh bủn rủn, khuỵu ngay xuống đất.

Tiêu Phong la lên:

- Lôi nhị thúc, xin đừng quỳ lạy cháu! Thúc đừng đa lễ như vậy!

Lôi Kiến Minh không chịu đứng lên, cứ khăng khăng nói:

- Lần này ngài đi, khi trở về lão nô không còn dịp gặp ngài nữa đâu.

Lôi Kiến Minh năm nay tuổi tác cũng cao lắm rồi, biết sức khỏe của mình không chờ được tới hai mươi năm.

Tiêu Phong quỳ nói:

- Lôi thúc, xin đừng xưng chủ tớ với cháu, từ nhỏ cháu đã luôn coi thúc như cha!

Tiêu Phong lạy đáp lễ, sau đó đỡ Lôi Kiến Minh dậy.

Hai người cầm tay nhau, bốn mắt nhìn nhau mà trong lòng trùng trùng tâm sự, Lôi Kiến Minh không ngớt rơi lệ.

Sách Ngạch Đồ đứng cạnh hai người trong lòng cũng đau như cắt nhưng không tỏ ra mặt, tự nhủ đại binh chưa xuất phát mà Lôi lão nhị đã khóc than phải chăng là một điềm chẳng lành?

Sách Ngạch Đồ lại nghĩ đến đứa con chưa chào đời của Tiêu Phong, dầu gì dòng họ Tế Nhĩ Ha Lãng của Tiêu Phong cũng có người nối hậu rồi, chỉ có điều… Sách Ngạch Đồ nén tiếng thở dài, đứng lặng nhìn Tiêu Phong.

Tế Nhĩ Ha Lãng, vốn là một gia tộc có nhiều đời làm tướng quân, từ thời nhà Thanh khai thiên lập quốc, đã đạt được vô số chiến công hiển hách trên chiến trường. Tiêu Phong đã từng được Hiếu Trang chỉ hôn với Mẫn Mẫn - một quý tộc người Mông Cổ, phụ thân của Tiêu Phong là chủ soái Hạ Ngũ Kỳ, mẫu thân cũng là trưởng công chúa được tiên đế rất sủng ái. Một thân phận hiển hách như vậy mà cuối cùng lại diễn ra tấn bi kịch như ngày hôm nay!

Tiêu Phong trông giống cha như đúc, cái hình ảnh cao lớn phiền muộn của Tế Nhĩ Ha Lãng Dương Cát Xích chợt hiện rõ trong đầu Sách Ngạch Đồ.

Đó là một thân hào hòa nhã, nhưng cũng nghiêm khắc đáng kính trọng nhất trong triều.

Ở Tế Nhĩ Ha Lãng Dương Cát Xích chưa bao giờ Sách Ngạch Đồ thấy nụ cười, cái đôi mắt sâu suy tư gần như lúc nào cũng đầy vẻ hư vô...

Tiêu Phong đang đứng trước mặt Sách Ngạch Đồ bây giờ cũng là một hình ảnh thứ hai của ông ấy.

Sách Ngạch Đồ nghĩ đến đây không dằn được xúc động, vỗ nhẹ lên vai Tiêu Phong.

Tiêu Phong đang nghĩ gì đó, khẽ giật mình nhìn Sách Ngạch Đồ.

Sách Ngạch Đồ biết Tiêu Phong muốn được nhìn thấy nữ thần y trong lúc này.

Sách Ngạch Đồ chợt cảm giác bất nhẫn vô cùng, nhớ lại những gì mình đã nói với Khang Hi nên sáng nay Khang Hi đã truyền lệnh sắc phong nàng thành quý nhân, cũng đã cho người đưa nàng vào cung.

Trong lòng Sách Ngạch Đồ bao bọc trong nỗi buồn tê tái, rõ ràng là đang đau đớn nhưng lại không để Tiêu Phong nhìn thấy, không biểu lộ ra ngoài dù chỉ một chút.

Tiêu Phong lên ngựa dẫn đại quân rời khỏi cổng thành.

Sách Ngạch Đồ và Lôi Kiến Minh nhìn chiến mã đưa chủ soái của nó xa dần, khuất hẳn nơi chân trời.

Hai ngày sau Khang Hi cho gọi cha con Sách Ngạch Đồ, Trương Đình Ngọc, Ngạch Nhĩ Thái, Vương Diệm, Mã Tề và Long Khoa Đa vào cung Càn Thanh bàn về chuyện dẹp loạn Tam Phiên.

Các quan theo Ung công công, ai nấy đều sửa lại mũ áo rồi xếp thành hàng nối đuôi nhau tiến vào thư phòng.

Hai bên chia ban đứng xếp hàng thứ tự, nghiêm cẩn.

Trời lúc này đã rạng đông, ánh nắng đã soi rực góc trời đông, nhuộm hồng những khuôn mặt của các quan đứng trong thư phòng, đang lặng lẽ đợi chờ, thỉnh thoảng tiếng sột soạt của tấm rèm cửa sổ mới bị gió thổi tung rồi lại im bặt.

Khang Hi ngồi sau long án nói:

- Sau khi tam mệnh đại thần chết, trong triều đã yên, nhưng tình hình bên ngoài còn nhiều việc rất đáng làm trẫm lo ngại, nhất là những nguy cơ để lại từ cuối thời Minh...

Mọi người đều biết Khang Hi đang nói đến ba vị vương từng là hàng tướng của nhà Minh, gồm Bình Tây vương Ngô Tam Quế ở Vân Nam, Bình Nam vương Thượng Khả Hỷ ở Quảng Đông, và Tĩnh Nam vương Cảnh Tinh Trung ở Phúc Kiến.

Tam phiên có địa bàn cai quản rộng lớn, thế lực ngày càng mạnh, lại là tướng cũ của nhà Minh nên trở thành mối lo của Khang Hi.

Từ khi chính thức trực tiếp nắm quyền hành, Khang Hi đã tự mình viết tấm biển “tam phiên, hà vụ, tào vận,” để đặt ra nhiệm vụ giải quyết ba mối lo của triều đình này.

Khang Hi nói một hồi nhìn một lượt khắp các quan hỏi:

- Tam phiên là mối lo lớn nhất của trẫm, do đó, trẫm muốn nghe ý kiến các khanh, làm sao trừ bỏ họ, trước khi họ gia nhập Hồng Hoa hội.

Khang Hi nói xong nhìn nghị chánh đại thần, các quan đứng nhìn nhau, mãi lâu sau vẫn chưa nói gì.

Thêm một hồi lâu nữa Sách Ngạch Đồ bước ra, nhưng lại nói muốn được mang thi thể Cửu Dương đem đi chôn.

Khang Hi định lên tiếng phản bác, chợt những người khác ai nấy quỳ cả xuống.

Khang Hi nhìn các quan, lại nghĩ đến Cửu Dương.

Người đàn ông đó, Khang Hi vừa nghĩ đến đã không khỏi tức giận.

Khang Hi cứ nghĩ mình là hoàng đế, muốn có người nào hay gϊếŧ người nào, đó chính là thiên ý, không ai có thể làm trái được.

Nhưng hắn ta, Khang Hi không thể ngờ ngoài việc thả khâm phạm số một của mình ra khỏi đại lao, lại còn cả gan mang tặng mình hai thẩu rượu mà bên ngoài một vò rượu vẽ một chiếc thuyền, còn vò còn lại vẽ hình ảnh một con sông.

Đương nhiên Khang Hi đã đọc qua Trinh Quán Chính Yếu, trong quyển sách trị quốc đó hoàng đế Đường Thái Tông ví mối quan hệ giữa quân vương và dân chúng giống như mối quan hệ giữa thuyền và nước.

Đường Thái Tông nói: “Chu sở dĩ bỉ nhân quân, thủy sở dĩ bỉ lê thứ. Thủy năng tái chu, diệc năng phúc chu,” tức là quân chủ giống như thuyền, còn dân giống như nước.

Nước có thể nâng thuyền lên nhưng cũng có thể làm lật thuyền.

Nếu như dân chúng không phục tức thì địa vị của bậc quân chủ cũng không yên. Dân chúng mà không phục thì không có gì tốt hơn cách ban ân cho họ.

Lựa chọn người tài đức làm quan, đề bạt người trung thành mà lại nghiêm chỉnh vì dân phục vụ, đề xướng hiếu đễ, giúp đỡ người nghèo khổ, làm được như vậy tức thì tâm của dân chúng đối với việc chính trị sẽ được an.

Lấy dân làm gốc, như thế thì địa vị của quân chủ mới được lâu dài, vững chắc. Nếu không làm được như vậy thì nguy cơ sẽ càng ngày càng tăng, thậm chí chính bản thân người cầm quyền cũng lâm nguy.

(còn tiếp)