Dương Gian Phán Quan

Chương 294: Thực sự là đáng chết

Tiếp theo hai người đi tới khu vực các quán ăn nhậu, với những chiếc bàn thấp lè tè bên trên đặt nồi nước lẩu sôi sùng sục, toả ra mùi hương hải sản khiến ai đó bụng réo càng ác liệt.

Ăn nhậu thì đương nhiên là vui vẻ náo nhiệt rồi.

Nhưng còn kèm theo những vấn đề nhìn nhức mắt vô cùng.

Đúng thật là rất vui, nhưng vui tới nỗi đánh mất kiểm soát luôn mới chịu.

Cao Cường được thấy cảnh một người “hẳn là vợ”, tìm tới quán nhậu kéo một người “hẳn là chồng” về. Khổ nỗi cái người “hẳn là chồng” đã say quắc cần câu, nhất quyết không theo về.

Người “hẳn là vợ” lắm mồm “mà loong mà leng” trách móc gì đó, thế là người “hẳn là chồng” liền vác ghế nện cho một trận tơi bời. Đám đông xúm lại, khó khăn lắm mới can ngăn nổi đấy.

Vấn đề là tách được người “hẳn là chồng” say mèm ra, thì người “hẳn là vợ” đã nằm đo ván với khuôn mặt máu me đầm đìa luôn rồi. Đánh gì như đánh quân thù, nhìn cực kỳ thê thảm.

Đáng nói là trong khi có vài người cuống cuồng đưa nạn nhân đi cấp cứu, người “hẳn là chồng” nửa xu quan tâm cũng không. Gã mau chóng trở lại bàn ra hiệu bạn nhậu tiếp tục cụng li.

Cái đám bạn nhậu cũng chẳng phải thành phần tử tế gì cho cam. Thấy méo mồm méo miệng giống như trách mắng gì đó, nhưng chỉ qua loa lấy lệ rồi nâng li hò dô ta anh em ta cùng cạn.

Này là một đám chí phèo hết thuốc chữa.

Thị nở có nấu cháo hành thơm đến mấy, cũng cứu không nổi cái đám nát rượu này.

Còn chưa hết bức xúc vì chứng kiến tràng cảnh chồng đánh vợ, đã lại thấy hai nhóm đông nghịt lao vào ẩu đả. Khả năng là ngứa mắt nhau, thế là bàn ghế bát đĩa chai lọ cứ bay vèo vèo.

Đánh phi thường ác liệt, hết đấm đá tay chân, liền tới quăng ném đồ vật. Phải đến khi có vài thanh niên lao vào trong quán vớ lấy dao rồi chạy ra đâm chém lung tung thì mới chịu kết thúc.

Một khung cảnh khiến cho lòng người hết sức bàng hoàng. Bàn ghế bát đĩa chai lọ cốc chén đổ vỡ ngổn ngang, mấy chục người nằm la liệt trên mặt đất, rồi thì máu đỏ vương vãi khắp nơi.

Vụ việc qua đi để lại hậu quả nặng nề với hơn chục người bị chém nhiều nhát, trong đó có trường hợp bị chặt cụt cả tay. Nhưng thương tâm nhất thì phải kể tới hai người chết ngay tại chỗ.

Bên tai văng vẳng những tiếng la hét, những tiếng khóc nấc nghẹn ngào. Cao Cường liền liên tưởng tới hình ảnh thôn làng bị giặc thù tấn công trong những bộ phim nói về thời chiến tranh.

Nếu như khép mắt lại, có thêm tiếng súng đạn nữa thì không lệch đi đâu được. Là âm thanh của những mất mát và đau thương, những âm thanh đáng lý ra không nên có tại thời hoà bình.

“Đi tiếp thôi” – Lão hoà thượng một lần nữa vỗ lên vai hắn và khẽ nói.

Chết hai mạng người mà đại sư không làm gì sao? Tụng vài câu kinh cầu siêu chẳng hạn? Nghĩ vậy nhưng Cao Cường không có hỏi ra, nặng nề gật đầu đáp lại rồi theo đại sư rời khỏi.

Chẳng mấy chốc hai người ra tới đường lớn, nhưng không có đi theo hướng trở về chùa.

Mà là chậm rãi dạo bước trên vỉa hè, hai người một trước một sau băng qua từng con phố. Đại sư vẫn như cũ lẳng lặng dẫn đường, Cao Cường tại phía sau vừa đi vừa đưa mắt quan sát.

Dễ nhận thấy nhất trên đường phố là những thân ảnh nhỏ bé gầy gò đen đúa xách theo hộp đánh giày. Cùng những mái đầu bạc phơ, cầm tập vé số mời hết người này người nọ mua giúp.

Đông đảo không kém là những cô gái làng chơi đứng đầy vỉa hè. Trên người khoác bộ y phục ngắn cũn, với khuôn mặt trang điểm khá cầu kỳ, liên tục đánh mắt mời chào người qua đường.

May mà Tây Lan khí hậu nhiệt đới, mặc ngắn nữa cũng không lo chết cóng.

Lẽ dĩ nhiên đi kèm với đó là viễn cảnh những pha đàm phán diễn ra trong chớp nhoáng.

Nhanh như ăn cắp, vài ngón tay dơ lên, khẽ gật đầu là xong một vụ làm ăn. Địa điểm bóc bánh trả tiền hẳn là mấy khách sạn lụp xụp ở ngay góc phố, hoặc lùm cây nào đó trong công viên.

Vượt qua những con phố, Cao Cường cùng với đại sư đi đến một khu quảng trường rộng lớn.

Khắp quảng trường diễn ra khá nhiều tiết mục giải trí, với những tràng pháo tay nhiệt liệt.

Có thể nói nơi này giống như một công viên nhưng không bị thu tiền vé vào cửa.

Có nhóm hoá trang thành những chú hề, không ngừng pha trò mua vui. Đứng quây xung quanh là những gia đình đưa con nhỏ đi chơi, thỉnh thoảng lại thấy có người thả mấy tờ tiền thưởng.

Có chú hề thì tất nhiên không thiếu những tiết mục làm xiếc khác. Nào là diễn xiếc khỉ, nào là trình diễn giữ thăng bằng. Rồi thì phi tiêu với tung hứng, ngay cả phun nuốt lửa cũng có luôn.

Để hắn quan sát những đứa trẻ khốn khổ trong chợ với trên đường phố, sau đó lại để hắn nhìn những đứa trẻ hào hứng cười đùa vui vẻ nơi đây. Đại sư rốt cuộc đang âm mưu quỷ kế gì?

Cao Cường rất không hiểu, tiếp tục đưa mắt quan sát xung quanh.

Ngoài những màn trình diễn cho trẻ em xem, thì còn có những loại hình phục vụ người trưởng thành.

Gây chú ý nhất là nhóm vũ công gồm cả nam và nữ ăn mặc khá hở hang. Hiện đang nhiệt tình nhảy múa trong tiếng nhạc chát chúa, kèm những tràng pháo tay, reo hò cổ vũ của đám đông.

Cao Cường không khoái cái màn nhảy múa này, căn bản hắn thấy tiếng nhạc nghe quá ư nhức đầu.

Đối với hắn thì tiết mục của nhóm mấy người trẻ tuổi đàn hát thể loại Acoustic hay gấp tỉ lần. Đáng tiếc rằng đang phê pha theo điệu nhạc thì đại sư gõ đầu ra hiệu hắn mau chóng đi theo.

Có tiết mục nghe nhìn, sao thiếu được các quầy hàng ăn uống. Tuy hương thơm gây sát thương không lớn như trong khu chợ, nhưng mà cũng đủ để Cao Cường khốn khổ khốn nạn luôn.

Mà trong khu quảng trường này cũng tồn tại những vấn đề khá là nhức nhối. Trong đó có nạn bám dính quấy nhiễu khách du lịch ngoại quốc, khi nào người ta mua hàng thì mới buông tha.

Bán có gói tăm với hộp kẹo cao su nhưng giá ngang với con gà nướng tẩm mật ong. Vị khách nào mà lên tiếng phàn nàn giá cả là y như rằng có ngay vài kẻ mặt mũi hùng hổ xúm lại doạ nạt.

Nhất là vị nào lỡ cầm gói tăm với hộp kẹo trên tay rồi thì đừng có mơ trả lại.

Chẳng cần đám hùng hổ động thủ đánh người, nhóm chim mồi đóng vai ăn dưa quần chúng đứng ngoài buông lời xỉ nhục đã đủ khiến cho khách du lịch muối mặt phải nhè tiền ra cho xong.

Một vốn mấy trăm lời, hình thức kinh doanh đầy nghệ thuật.

Tiên sư cái lũ khốn nạn.

Có điều cái đám ép mua ép bán này chưa là gì so với tổ đội chuyên móc túi. Mới lòng vòng một hồi mà đã thấy sáu vụ khách du lịch sau khi phát hiện túi xách bị rạch, liền đứng khóc ầm trời.

Cao Cường nghe lỏm vài vị khách du lịch từng có kinh nghiệm bị móc túi đứng nói chuyện. Qua đó được biết chỉ mất tiền đã đành, sau đó còn phải chi ra một khoản lớn để chuộc lại giấy tờ.

Nói chung có đánh chết cái đám móc túi này cũng chưa hết tội. Phải chặt đi bàn tay vàng của chúng, đánh què cả hai chân, thả ra giữa đường cho lăn lê trườn bò ăn xin sống qua ngày.

“Cốp..” – Đỉnh đầu lại bị gõ một cú đau điếng, đang mải mê phán tội đám móc túi, Cao Cường liền muốn rơi nước mắt. Đại sư ngài là người xuất gia, bớt bớt dùng bạo lực có được không?

Đáng tiếc đại sư chả thèm đếm xỉa đến khuôn mặt mếu máo của hắn, gõ xong là quay người đi thẳng. Hắn chỉ còn cách vừa xoa đỉnh đầu cho đỡ đau, vừa nhanh chân đuổi theo sát nút.

Lách qua đám đông, hắn và đại sư mau chóng rời khỏi khu quảng trường.

Một lần nữa chậm rãi bước trên hè phố, nhưng vừa đi tới đoạn đường vắng vẻ, đại sư chợt tóm vai hắn rồi phóng lên không trung. Không hiểu muốn đến đâu mà phải phi hành cho nhanh?

---

Cao Cường cứ tưởng đại sư định đưa hắn ra ngoại thành, nhưng đích đến là một bãi xe phế liệu nằm tại phía đông nội thành. Hắn nhớ lúc vào thành thấy nơi này vọng ra âm thanh khá ồn.

Là những tiếng hò hét cổ vũ, với tiếng chó sủa inh ỏi.

Khả năng ẩn nấp bên trong là sân chọi chó.

Có điều khi đại sư mang hắn dừng chân trên đỉnh ngọn núi xe phế liệu. Cao Cường đưa mắt nhìn xuống bên dưới thì thấy làm gì có sân chọi chó. Thay vào đó là có chục sàn đấu võ tự do.

Sàn đấu hình vuông như sàn boxing, rộng khoảng 25 mét.

Bao quanh là chuồng cọp với những thanh thép to bản trông khá chắc chắn. Chỉ chừa lối nhỏ rộng một mét để võ sĩ đi lên sàn đấu, còn đâu thì vây quanh chật cứng toàn người là người.

Tất cả sàn đấu đều không có trọng tài.

Mỗi sàn đấu hiện đang có hai võ sĩ không chừa thủ đoạn lao vào đấm đá túi bụi.

Nói chung võ sĩ chỉ quấn vải trên tay với chân, chứ không có thêm dụng cụ bảo hộ nào khác. Ngay cả miếng bảo vệ hàm cũng chẳng có, quyền cước qua lại một hồi là máu me đầm đìa.

Võ sĩ có thể tuỳ tiện ra đòn hiểm, lên gối, huých cùi chỏ, mà cảm thấy thích thì thiết đầu công vào cằm của đối thủ cũng được luôn. Tóm lại như đã nói, dùng mọi thủ đoạn miễn là thắng.

Tình hình là mỗi trận đấu đều diễn ra khá chóng vánh.

Với kết quả dù là kẻ thắng hay thua đều tơi tả rách nát giống nhau.

Gẫy tay gẫy chân là chuyện bình thường, Cao Cường còn thấy có hai võ sĩ thương nặng ở vùng đầu. Khả năng bị chấn thương sọ não, cửa sống là vô cùng nhỏ bé, gần như không có.

Hơn nữa có sống thì cũng 99,99% rơi vào cảnh sáng nhặt lá chiều đá ống bơ.

Mà đã như vậy thì sống tiếp làm quái gì cho khổ?

Kể ra hơi tàn nhẫn.. nên là bỏ qua đi..

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như thượng đài chỉ là người trưởng thành. Đằng này còn có nhiều trận đấu giữa những đứa trẻ trong độ tuổi 10-15. Vẫn với phương thức chiến đấu bạt mạng.

Chúng với ánh mắt ngạo nghễ, đứng trên đài vung vẩy tay chân hưởng ứng lại những tiếng reo hò cổ vũ của đám đông phía dưới. Điều này chứng tỏ chúng không hề bị ép phải lên võ đài.

Vấn đề là xã hội đã thối nát đến mức những đứa trẻ phải liều mạng kiếm tiền?

Hay là chúng thượng đài với mục tiêu cao cả nào khác?

Nâng cao kỹ năng chiến đấu chẳng hạn?

Dù sao thì toàn bộ võ sĩ đều chiến đấu bằng môn võ cổ truyền của vương quốc Tây Lan. Hoàn toàn có khả năng đám nhóc thượng đài là để tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm thực chiến.

Cơ mà cái giá phải trả quá đắt.

Đám cổ vũ nồng nhiệt phía dưới kia cũng thực sự là đáng chết. Thói đời là vậy, cứ có cầu ắt có cung, đám này không nhiệt liệt hưởng ứng thì làm sao có chuyện mấy đứa nhóc lên đài?

Lão tử mà không bị phong ấn tu vi, liền một chưởng đập lũ khốn các ngươi thành tro bụi.

“Cốp..”

Đang mải mê ác độc suy nghĩ, Cao Cường lại thấy đỉnh đầu đau điếng. Đắng lòng hơn nữa khi mà chưa kịp đưa tay xoa xoa cho đỡ đau, đại sư đã tóm bả vai hắn rồi phóng lên bầu trời.