*) Bắc Đẩu chuyển hướng là dấu hiệu khi trời sắp sáng.
Tháng chín mùa thu năm Kiến Nguyên thứ hai mươi lăm, đây là mùa thay y phục, sương bắt đầu giăng.
Mồng ba, thư từ hai viên đại tướng Bắc Đẩu Cự Môn và Phá Quân đã muộn ba ngày, Tào Ninh liên tiếp phái hai nhóm thám báo đi thúc giục, tiếc rằng ba ngày không đủ đi về nên đến nay vẫn chưa có được hồi âm.
Bắc Đoan vương Tào Ninh hơi đứng ngồi không yên, chạng vạng tản bộ trong doanh trại, chợt thấy lá cây rời cành, lòng bỗng dưng thấp thỏm, hắn ta khom người nhặt chiếc lá khô, nhìn chằm chằm những gân lá cằn cỗi bên trên, lật tới lật lui xem chốc lát.
Thân binh theo hầu không hiểu ra sao, không dám giục, khó hiểu nhìn chiếc lá rồi lại nhìn Đoan vương.
– “Càn thượng Khôn hạ, thiên địa bĩ (1).”
(1) Quẻ “Thiên địa bĩ” (hoặc quẻ Bĩ) là quẻ thứ 12 trong bát quái, quẻ này có dạng Càn ở trên, Khôn ở dưới.
Tào Ninh cuốn lá khô trong lòng bàn tay, từ từ vò nát:
– “Bất lợi quân tử trinh, đại vãng tiểu lai” (2).
(2) Phần mô tả quẻ “Thiên địa bĩ” trong “Kinh Dịch”, nghĩa: bất lợi cho đạo chính của quân tử, cái lớn đi, cái nhỏ lại. (theo “Kinh Dịch – Đạo của người quân tử” của Nguyễn Hiến Lê).
Thân binh khó hiểu:
– Vương gia, ngài nói gì ạ?
Mắt Tào Ninh bị đống thịt mỡ trên mặt chen thực không còn chỗ đặt, thoạt nhìn như hai đường dao cắt, hơi không cẩn thận là có thể lâu ngày sinh tình nối nó lại, ánh sáng bên trong cũng bị ép thành một đường cực nhỏ, càng làm lóa mắt người ta, hắn ta ngẩng đầu nhìn sắc trời ảm đạm, lẩm bẩm:
– Quẻ nói rằng ta nên sớm rút lui…
Tuổi Tào Ninh không lớn nhưng bụng dạ rất thâm sâu, người bên cạnh chưa bao giờ dám vọng ngôn suy đoán hắn ta nghĩ gì. Thân binh nọ đột nhiên nghe hỏi, nhất thời không biết nên lắc đầu hay gật đầu, mồ hôi sắp tuôn ra, lắp bắp:
– Chuyện này… vương gia…
Nhưng dường như Tào Ninh chỉ tự lẩm bẩm chứ không hề muốn nghe đáp án, chưa chờ người nọ nói xong, Tào Ninh chợt quay đầu nói:
– Đi xem xem thư của Cốc Thiên Toàn tới chưa? Lập tức sai người nhóm lửa nấu cơm, giờ dậu ba khắc hôm nay nếu thư của Cốc Thiên Toàn vẫn chưa tới thì gác lại kế hoạch ban đầu, chúng ta nhổ trại rời đi.
Câu này thân binh nghe hiểu, hắn lập tức như được đại xá, đáp vâng rồi nhanh chân bỏ chạy.
Thư của Cốc Thiên Toàn e chỉ người chết mới có thể nhận.
Tào Ninh quyết đoán, không chút dây dưa dài dòng, nói giờ dậu ba khắc đi là không đợi thêm khắc nào, nhổ trại lên đường ngay trong đêm.
Còn lỡ như bọn Cốc Thiên Toàn giữ nguyên kế hoạch đánh lén đại quân Nam triều sau lưng, đánh được một nửa, phát hiện viện quân phe mình không tới sẽ rơi vào kết cục gì? Tào Ninh không ngó ngàng tới.
Xuất thân của hắn ta chịu đủ dè bỉu, cộng thêm ngoại hình thế này, dường như đã định sẵn vô duyên với ngai bảo tọa. Khi còn sống, Tào Trọng Côn rất không thích hắn ta, căn bản không muốn nhìn đứa thứ tử này, nền tảng khiến Tào Ninh sống yên ổn nhiều năm nay, toàn bộ đều do hắn ta lên chiến trường từ nhỏ, dùng quân công chân thật để đổi lấy.
Tào Ninh không hẳn kỳ tài ngút trời, nhưng hắn ta như con chim én trên biển, luôn có thể đánh hơi được mùi gió bão.
Bắc quân nhổ trại đi nhanh trong đêm, thế nhưng trời không chiều người, họ vừa xuất phát không lâu, trời liền đổ mưa rả rích.
“Mưa đêm núi Ba” có thể đầy tràn ao thu (3), nơi đây tuy cách Thục Trung một khoảng nhưng thế mưa thu chẳng kém là bao. Tốc độ hành quân của Tào Ninh khó tránh bị chậm lại không ít, trời như bị dột, quá nửa đêm mà nước mưa chẳng những không có xu thế dừng, ngược lại càng lúc càng mạnh, cùng với sấm chớp đan xen.
(3) Lấy ý từ câu thơ “Ba sơn dạ vũ trướng thu trì” trong bài “Dạ vũ ký bắc” của Lý Thương Ẩn.
Bắc quân đi tới một chỗ sơn cốc hẹp dài, quân tiên phong vừa vào núi liền có một tia chớp to chiếu sáng nửa bầu trời, tiếng sấm rền trong cốc va đập vào vách núi như tiếng trống ầm ầm từ dưới đất vọng lên.
Một lính truyền lệnh vượt lên mọi người như phát điên, từ chỗ chủ soái chạy dọc một hơi về phía trước, la lên:
– Dừng! Dừng! Vương gia có lệnh, đội sau chuyển thành đội trước, đi vòng lại!
Lại một tiếng sấm “đùng đoàng” át tiếng la của tên lính truyền lệnh.
Ánh chớp như ánh đao.
– Đêm mồng ba tháng chín, quân tinh nhuệ Bắc quân gặp phục kích gần chỗ giao giới, tan tác ngàn dặm, thương vong nặng nề, không biết chết bao nhiêu người, máu bắn vào nước mưa thành một con sông đỏ chảy mãi về đông, nước sông ngòi ngoài trăm dặm đều đỏ chót, chạy thật xa vẫn có thể nghe tiếng ma kêu quỷ khóc!
Trong một tửu điếm tồi tàn hở hang bốn phía ở ngoại thành Lư Châu, mấy hán tử Hành Tẩu Bang từ nam chạy tới bắc làm ăn dừng lại nghỉ chân tụ tập cùng nhau, vừa gặm bánh thô vừa bàn tán thời cuộc, thường xuyên phát biểu một vài lời khiến người ta dở khóc dở cười.
– Xàm xí, bày đặt ma kêu quỷ khóc, ngươi nghe à?
– Nhà một biểu thúc bà con xa của ta ở bển, chính tai lão nhân gia nghe đấy!
– Ta thấy người ta là sợ ngươi ở lì hoài không đi nên mới dọa ngươi thôi.
– Ngươi…
Chu Phỉ yên tĩnh ngồi một bên, chờ nước hơi đυ.c trong chén lắng xuống cho sạch, xem những tiếng ồn ào xung quanh như gió thoảng qua tai. Không phải nàng không quan tâm chiến cuộc, thật sự là dọc đường nàng đã nghe quá nhiều, nói hươu nói vượn kiểu gì cũng có, lúc thì nói Chu đại nhân thần thông quảng đại, dâng nước lũ cuốn trôi Tào quân, lúc thì nói sơn cốc nơi Tào quân đi qua có ma quái giữ Bắc quân ở lại làm kẻ thế mạng, vân vân và mây mây… nàng hết cách, chỉ đành mắt điếc tai ngơ.
– Đợi đã, hai vị ca ca khoan tranh cãi. Vậy Tào Ninh gặp mai phục, rốt cục có chết chưa?
Đám người liền yên tĩnh, mấy vị ban nãy bàn tán khí thế ngút trời đều ngậm miệng.
Lúc này, một ông lão ngồi trong góc lên tiếng xa xăm:
– Tào Ninh e chạy rồi.
Giọng ông lão vô cùng đặc biệt, như đồ sắt rỉ sét ma sát trên giấy nhám, khiến người nghe toàn thân khó chịu. Tay nâng chén của Chu Phỉ dừng lại, nhìn theo hướng âm thanh, thấy diện mạo ông lão ấy vô cùng xấu xí, nửa bên mặt kể cả cổ có một vết sẹo hung hiểm, nhìn ra được là sẹo do đao kiếm để lại, ngoài ra, hai bên thái dương của ông hơi lồi lên, ánh sáng trong mắt nội liễm, hẳn là có trình độ về nội công.
Chu Phỉ vừa liếc mắt, ông lão liền lập tức nhận ra, sau khi đối mắt thì gật nhẹ đầu với nàng rồi nói tiếp:
– Trừ thám báo ra, Chu đại nhân đôi lúc cũng sai phái những người như chúng ta giúp ông tra xét động tĩnh trong dân gian, lão hủ già mà chưa chết, rảnh rỗi không có gì làm, tình cờ giúp làm chân chạy một chuyến, có nhận ra vài lá cờ trong quân đội. Ngày đó chắc chắn là bí mật mai phục, ta đúng lúc ở gần đấy nhưng hoàn toàn không nhận ra gì cả, nửa đêm nghe tiếng đánh nhau, bèn vội vội vàng vàng đội mưa lên núi thăm dò xem, thấy vương kỳ của Tào thị Bắc quân bị vây trong sơn cốc, sau chốc lát liền ngã. Trận chiến đó đánh cả một đêm, khắp sơn cốc đều là thi thể dính bùn, cũng có kẻ nhân đêm tối bỏ chạy, sau khi xong việc, theo quy củ của Văn tướng quân là phải gom tù binh lại rồi treo đầu lâu của mấy tên đại tướng Bắc quân lên thật cao, ta qua lại nhìn hết ba lần, không thấy Tào Ninh.
Bên cạnh có người cung kính nói:
– Lão tiền bối, ông nhận ra được Tào Ninh à?
Người kia đáp:
– Có gì mà không nhận ra, nghe nói đầu Tào Ninh bự gấp hai đầu bình thường, nếu ta ở đó, ta cũng sẽ nhận ra!
Mọi người lại bắt đầu nhao nhao bàn tán xem với cái đầu của Tào Ninh thì làm sao mới có thể chạy đi mà không khiến người ta chú ý, Chu Phỉ thấy ông lão để lại tiền rượu rồi chậm rì rì khoác áo tơi, chỗ hổ khẩu ông đầy vết chai, màu da sẫm hơn chỗ khác không ít, nàng không kìm được bật thốt:
– Tiền bối từng luyện Hành Sơn kiếm pháp?
Cái này là nàng thấy trong đống ghi chép lung tung của Ngô Sở Sở, nghe nói kiếm của Hành Sơn kiếm phái năm xưa có kiểu dáng đặc biệt, chuôi hơi cong, vừa khéo kẹp vào hổ khẩu, lâu ngày, nơi đó sẽ bị mài thành đen.
Ông lão dừng lại, lát sau mới khẽ nói:
– Thời nay không ngờ còn người trẻ nhớ được Hành Sơn Nam Nhạc.
Mật đạo Hành Sơn có ơn cứu mạng với nàng, Chu Phỉ vốn định nói câu gì đó với ông, lại cảm thấy lão nhân gia đứng mà mình ngồi thì không thích hợp, định đứng dậy thì thấy ông đội nón lên đầu che lại, cười lớn nói:
– Được, chỉ cần có người nhớ, truyền thừa của Nam Nhạc ta không tính là đứt đoạn!
Nói xong, không chờ Chu Phỉ đáp, ông đã bước hai bước rời khỏi tửu điếm tồi tàn, nhẹ nhàng rời đi.
Đúng lúc này, có mấy nghệ nhân lang thang hát khúc bước vào. Mọi người đã nói chán chuyện tiền tuyến Nam Bắc, bèn giục họ hát ca khúc mới, Chu Phỉ rót nước trà đã lắng lại vào trong ấm nước, bỏ xuống vài đồng tiền, băng qua đám đông ồn ào, định lên đường thì thấy người kéo đàn vái mọi người xung quanh, nói:
– Chư vị đại gia nể mặt, chúng tiểu nhân vừa nghe được khúc mới, hôm nay xin bêu xấu trước chư vị đại gia, hát vẫn chưa quen, xin thông cảm nhiều.
Chu Phỉ đã đến cửa, huýt một tiếng sáo dài gọi ngựa của mình chạy đi ăn cỏ quay về, vừa kéo dây cương định đi thì nghe tiếng người bên trong vọng ra:
– …Đoạn khúc này nghe nói vẫn do Vũ Y ban làm, lời ca vẫn là sách của Thiên Tuế Ưu, tên “Bạch cốt truyện”, chính là một câu chuyện kỳ quái…
Chu Phỉ:
– Huuuu…
Đám người lỗ mãng Hành Tẩu Bang mặc kệ “Bách Tuế Ưu” hay “Thiên Tuế Ưu”, chỉ một mực giục, giọng ca khàn khàn hơi lạc điệu yếu ớt vang lên. Chu Phỉ nán lại ở cửa, nghe từ đầu tới cuối câu chuyện quỷ quái: xương trắng sau khi khởi tử hoàn sinh mạo hiểm đi khắp nơi tìm phần mộ của chính mình, vì ngoại hình khủng bố nên khuấy cho tứ phương sợ hãi bất an, cuối cùng tìm được nơi chôn thây của mình thì phát hiện phần mộ đó đã bị một bộ hài cốt khác đội vàng đeo ngọc tu hú chiếm tổ, bèn tung người nhảy vào nước sông cuồn cuộn đổ ra biển cả, đi theo con sóng lớn, biến thành tinh quái dưới sông.
Chu Phỉ cau mày, cảm giác loại chuyện lan man vô căn cứ này y hệt bộ “Hàn nha thanh” trước đó, không giống như người khác mạo danh ngụy tạo.
Cho nên là Tạ Doãn tự viết?
Tạ Doãn tỉnh rồi?
Hắn cả ngày lạnh co ro như chim cút, sao còn nhàn hạ viết thứ đồ chơi này?
Viết thì viết, hắn không ra ngoài, cũng không cần lộ phí, vì sao muốn đem nó hát truyền đi vào thời khắc mấu chốt này?
Và phần cuối nữa – “sông dài đổ ra biển cả, mênh mông hướng tới màu trời”, thực nghe kiểu gì cũng thấy nó vi diệu sao sao đó, vừa hợp với “Hải Thiên Nhất Sắc”.
Xương trắng biến mất trong mộ huyệt của chính mình, phép ẩn dụ tu hú chiếm tổ, Hải Thiên Nhất Sắc…
Nháy mắt, trong đầu Chu Phỉ lướt qua vô số ý nghĩ, nàng chợt tung người lên ngựa, ra roi thúc ngựa rời đi.
Một canh giờ sau, Chu Phỉ chạy tới trạm ngầm gần nhất của 48 trại, còn chưa kịp nói rõ ràng đã lấy lệnh bài ra, thuần thục viết một phong thư, dặn dò:
– Thay ta đưa tới Nam quốc tử giám, tìm Lâm Chân Giảng.
Trạm ngầm vâng lời, Chu Phỉ lập tức định rời đi.
Nàng đang định đi ra ngoài, vừa khéo một chân chạy đưa tin từ bên ngoài chạy về, suýt đυ.ng phải nàng.
Người đưa tin vội nói:
– Vị sư muội này cẩn thận. Có ba bức thư gửi tới, hai bức là mật thư báo cho đại đương gia kết quả “xem mạch” và một bức thư riêng mang theo tín vật từ phía đông, vừa vặn gom đưa về trại, gửi cho Chu…
Bước chân Chu Phỉ chợt dừng.
Lúc này, trong một viện nhỏ bình thường ở nam thành cố đô.
Tiểu viện bày trí vô cùng đơn giản, trồng vài cây tùng bách, gắng gượng được chút sắc xanh già cỗi trong gió thu tiêu điều, một nam tử râu tóc trắng xám ngồi xếp bằng trong viện, đầu tóc rối bời, gầy gò, cụt một tay, hai nếp nhăn pháp lệnh trên mặt hằn sâu như khắc, trên mặt mơ hồ có khí tím tỏa ra. Cả viện mang hơi thở sát phạt ác liệt cuồn cuộn khó tả, một con chim sẻ đậu bên tường viện, nhanh chóng chịu không nổi, hoảng hốt vỗ cánh phành phạch bay đi.
Đột nhiên, nam tử cụt tay chợt mở mắt, ánh mắt như chớp bắn về phía cửa, ngoài cửa có một tên áo đen Bắc Đẩu đang định mở miệng, bị ánh mắt ngầm mang sát ý của ông ta liếc qua, lập tức chân mềm nhũn, quỳ phịch xuống, để lộ người phía sau mặc quan bào đỏ thẫm – Vũ Khúc Đồng Khai Dương.
Đồng Khai Dương chê tên áo đen vướng víu, đẩy hắn qua một bên, sải bước xông vào trong viện:
– Đại ca, huynh nghe nói chưa?
Nam tử cụt tay chính là Tham Lang Thẩm Thiên Khu.
Thẩm Thiên Khu kiêu ngạo khó thuần, là thủ lĩnh Bắc Đẩu, cả đời chỉ trung thành với một mình Tào Trọng Côn. Từ sau khi ngụy đế bệnh nặng mấy năm trước, không thể lo liệu chính vụ, ông ta cũng lười giao thiệp với các quan viên văn võ từ trên xuống dưới trong triều mà mỗi người đều có dụng ý riêng, dứt khoát đóng cửa từ chối tiếp khách, dần dần ít giao du với bên ngoài, không lộ mặt nữa.
Thẩm Thiên Khu chậm rãi thu hồi tư thế ngũ tâm hướng thiên, lẳng lặng đứng dậy, chỗ ông ta vừa ngồi, đá lõm vào một mảng, hơn nữa không hề có vết nứt!
Con ngươi Đồng Khai Dương rụt lại, nhỏ giọng:
– Chúc mừng đại ca lại có tiến bộ, sắp thành thần công.
– Ta không luyện võ công thì làm gì?
Thẩm Thiên Khu lạnh nhạt nói:
– Đệ làm gì gấp gáp hoảng hốt thế, nghe nói gì rồi?
Đồng Khai Dương đè thấp giọng:
– Đoan vương binh bại, tiền tuyến tan tác ngàn dặm, Chu Tồn tiến quân thần tốc, nội trong ba ngày đã hạ liên tiếp mấy thành, viện quân căn bản không tới kịp, buổi triều hôm nay ầm ĩ cả lên.
Mặt Thẩm Thiên Khu không biểu cảm:
– Hai phế vật Cốc Thiên Toàn và Lục Dao Quang kia chết rồi?
Đồng Khai Dương:
– …Chết rồi.
Bước chân Thẩm Thiên Khu khựng lại, chợt xoay người.