Thế Giới Ngầm

Quyển 1 - Chương 13: Nghiên cứu sách

Việt giật mình thêm lần nữa, chẳng ngờ ông tinh ý như vậy, anh cười hà hà để che dấu sự bối rối:

- Dạ cháu cũng tò mò về cái này, cháu hỏi bà cụ rồi, nhưng bà cụ chỉ bảo nó không có tác dụng gì với bà nên bà đem bán ạ.

- Hừm!... Để xem bên trong thế nào, ái chà!...

- Sao vậy ông?

Ông tặc lưỡi rồi đáp:

- Chữ viết rất tốt, chữ tuy không được đẹp cho lắm nhưng cứng rắn, góc cạnh, đầy phóng khoáng, có lẽ người viết sách này có thân phận chẳng tầm thường.

Quả nhiên là chuyên gia thư pháp, đọc sơ qua đã đưa ra được nhận định vô cùng chuẩn xác. Việt háo hức hỏi:

- Hay quá, ông dịch cho cháu ông nhé?

Ngược với vẻ mong chờ của anh, ông trầm ngâm suy nghĩ một chốc, sau đó lắc đầu trả lời:

- Không! Ông sẽ không dịch cuốn sách này cho cháu đâu.

Anh ngớ người, ông đã từ chối, thế hóa ra công sức anh nài nỉ từ nãy giờ đều đổ sông đổ bể ư? Anh vội vàng hỏi:

- Tại sao ạ? Thật sự đúng là cháu không ăn cắp sách này từ ai cả, cháu không hề làm việc xấu đấy.

Ông đáp một cách từ tốn:

- Không phải ông không tin, có ý bảo cháu xấu xa, ăn trộm ăn cắp mà ông lo lắng dịch xong sách này cho cháu thì cháu sẽ trở nên xấu xa thôi.

- Ơ, cháu chưa hiểu.

Việt ngẩn tò te. Lời của ông làm anh hồ đồ. Ông suýt chút nữa bật cười khi nhìn gương mặt anh, ông nói:

- Đây là sách dạy võ thuật, mà cháu vốn quậy phá từ nhỏ, nên nó như con dao hai lưỡi. Ông lo lắng cháu tập theo mấy thứ trong này rồi sẽ đi gây sự với người ta.

Thì ra là vậy, những điều ông băn khoăn quả rất có lý. Việt không ngờ việc này khó thành công thế, anh cố gắng nói lời hay ý đẹp:

- Ông à, người ta vẫn thường nói luyện võ làm tính tình điềm tĩnh hơn, cháu chắc chắn không thành người xấu đâu ạ.

- Hừm...

Việt tiếp tục lấn tới:

- Lúc nhỏ cháu phá phách, nhưng giờ cháu lớn rồi, biết suy nghĩ cẩn thận, ông cứ yên tâm đi ạ.

- Hừm...

Thấy ông hơi do dự, Việt ra sức thuyết phục, rốt cuộc ông đồng ý:

- Được rồi, được rồi, ông dịch nó cho cháu, nhưng có một điều kiện, tuyệt đối không được dùng nó để hại người khác, cho dù cháu có giận đến mức nào đi chăng nữa.

Ông nhận lời rồi thì điều kiện nào cũng được, Việt gật đầu cái rụp:

- Có trời chứng giám, cháu xin hứa sẽ không làm hại người tốt.

- Hừ, người nào cũng không được. Cháu cầm lấy cuốn sách.

- Ơ, cháu tưởng ông dịch ạ.

- Yên tâm, ông đã hứa thì sẽ làm, mai ông dịch cho, còn bây giờ, ông đi... xem phim đã.

Anh lần thứ hai hụt hẫng, hay thật đấy, ông đã bảy mươi tuổi rồi mà vẫn không mất đi khiếu hài hước.

Nói mai dịch là nói mai thế thôi chứ sáng hôm sau cả nhà Việt bận tối tăm mặt mày, mọi người đều có việc riêng của mình, thời gian ngồi lại với nhau tán gẫu hai ba câu cũng không có.

Chẳng qua mất cái này bù cái khác, đúng là mệt thật đấy nhưng vui thì cũng rất vui. Chưa bao giờ anh thấy hai ông bà cười nhiều như lần này, xem ra chuyến này trở về quê tuyệt hơn dự tính.

- Phù, cuối cùng đã xong, thế là đi tong hai ngày.

Việt đặt lưng xuống giường, thở dài một hơi. Hai ông bà đã nghỉ ngơi từ sớm. Một ngày bận rộn, anh không muốn ông nhọc công làm gì nữa. Bản thân anh mệt rã rời, chả buồn cầm sách chứ đừng nói gì đến đọc chữ.

Ông Quốc Việt giỏi tiếng Nôm không kém gì tiếng mẹ đẻ vậy, chỉ trong vòng sáu ngày đã dịch xong phần một và hai. Còn phần cuối ông bảo chỗ này khá rối rắm nên anh cứ để nó ở đây, khi nào dịch xong ông gửi cho,

Anh biết tính ông cẩn thẩn, tỉ mỉ, đến cả những giấy tờ anh đi học lúc nhỏ, ông vẫn cất ở chỗ kín đáo. Vi thế nên anh đồng ý mà không hề lo lắng nó bị lộ ra ngoài. Anh lên xe quay trở lại trường học.

...

Ngồi trên giường, anh bắt đầu nghiền ngẫm bức thư và cuốn sách.

Bức thư của bà hoàng Lê Ngọc Hân đã được ông anh dịch xong toàn bộ. Trước khi nhờ ông dịch Quốc Việt cũng đã đọc qua nên nội dung anh cũng hiểu được tương đối. Phần anh chưa hiểu thật ra cũng không chứa quá nhiều thông tin lịch sử. Ngược lại thông tin về cuốn bí kíp thì nhiều.

Nhưng điều làm anh bất ngờ nhất là phần sau cùng của bức thư là do bà hoàng Bùi Thị Nhạn viết. Tuy kiến thức lịch sử anh không phải quá xuất sắc nhưng về các nhân vật nổi tiếng anh cũng biết.

Theo nội dung lá thư thì cuốn sách này vốn được cất giữ trong tay bà hoàng Ngọc Hân. Vì thương tiếc người chồng vắn số của mình, bà đã viết bà văn tế Ai Tư Vãn và cất nó cùng với quyển bí kíp. Ba gắng gượng nuôi hai con, đến lúc biết mình không thể cầm cự lâu hơn nữa thì bà trao chiếc hộp lại cho bà Nhạn. Mấy ngày sau thì bà mất. Tính ra bà chỉ sống được ba năm kể từ khi vua Quang Trung băng hà.

Chiếc hộp được chuyển sang cho bà Nhạn. Tình cảm giữa hai bà hoàng vốn rất tốt, bà Nhạn cất giữ chiếc hộp cẩn thận và viết tiếp vào bức thư, vẫn là những lời về vua lúc sinh thời.

Rồi khi bà biết không thể chống thể chống nổi quân của Nguyễn Ánh - tức vua Gia Long sau này, thì đem giấu nó ở dưới bàn cờ Tiên. Nguyên nhân vì sao chôn ở đấy cũng là một điều thú vị: vua Quang Trung từng dẫn bà lêи đỉиɦ ngắm cảnh; lúc bấy giờ vua đã chính thức lên ngôi hoàng đế. Bà nhìn vật nhớ người nên đem nó chôn ở đấy.

Bức thư chỉ viết đến đấy, diễn tiến sau đó thế nào thì chính sử đã viết. Vua Gia Long đánh vào kinh thành, nhà Tây Sơn thất thủ. Bà Nhạn cùng con là vua Cảnh Thịnh chạy ra bắc. Đáng tiếc, kết cuộc vẫn thất bại, vua Cạnh Thịnh bị bắt, còn bà thì tự vẫn để bảo toàn khí tiết.

Đọc xong bức thư, Việt không nén được tiếng thở dài bi thương. Cảm giác như sự hưng vong của cả một triều đại đang tái hiện ngay trước mắt. Bức thư được viết với tâm huyết của chính những nhân vật mà trước giờ chỉ nghe qua những trang sách lịch sử. Một nỗi thương cảm khó giải thích bao trùm tâm trí anh. Giờ thì anh đã hiểu tại sao khi dịch, ông anh lại liên tục thở dài như vậy.

Hồi lâu sau anh mới bắt đầu đọc quyển bí kíp. Tâm trạng của anh từ bi thương ban đầu dần chuyển sang hứng thú. Dù sao đây cũng là quyển bí kíp võ học cả đời của một bậc anh hùng trong lịch sử.

Đọc sách của vua rồi anh mới biết, võ công thật sự không hề giống những gì được mô tả trong tiểu thuyết kiếm hiệp ba xu được bán trên thị trường hay đăng tràn lan trên mạng. Nó cũng không phải là một người vô tình nhặt được thần công, đọc nó, ngồi xếp bằng nhìn trời nhìn đất, hít thở, luyện khí bao nhiêu lâu đấy rồi đùng phát biến thành cao thủ võ lâm. Thực tế thì muốn luyện võ thành tài, phải trải qua không ít gian khổ, thậm chí đau đớn.

Võ Việt từ ngàn xưa đến nay cũng như nhiều loại võ khác, có một hệ thống tập luyện riêng biệt. Nhưng dù học loại nào đi chăng nữa, tất cả võ sinh đều phải trải qua một khoảng thời gian tập luyện dưới mọi hình thức như cày ruộng, gánh nước, giã gạo, xay lúa, đốn cây...

Các công việc lao động phải làm đấy chính là những bài tập rèn luyện sức mạnh theo quan điểm “học võ công trước hết phải luyện võ lực”. Bởi một lẽ, luyện theo đường lối luyện nội công thì phải mất rất nhiều thời gian, ít nhất phải mất vài năm tới vài chục năm tùy theo phương pháp tu luyện như thế nào. Giả sử trong thời gian bắt đầu luyện nội công, có kẻ tới kiếm chuyện, nếu không có căn cơ võ lực nhất định thì chưa kịp thành đạt được mơ ước thì đã gặp nạn rồi. Chính vì vậy, việc luyện võ lực là không thể thiếu. Chúng đòi hỏi võ sinh vận dụng sức lực và phải cố gắng, kiên trì trước khi được thầy dạy võ công cho.

Ngoài ra, giai đoạn này sẽ làm bộc lộ tính cách, ý chí của người luyện võ, đồng thời cũng để cho anh ta tu dưỡng "tâm bền, chí quyết" đối với việc luyện võ. Nói chung quá trình luyện võ lực có thể chia làm ba loại, tăng cường sức bền bỉ, chịu đựng của cơ thể và từng bộ phận.

Luyện tay thì dùng các ngón co lại bấu chặt vào miệng chiếc xô đựng đầy nước rồi nâng lên, hạ xuống nhiều lần cho đến khi các ngón căng cứng không còn nâng được nữa. Luyện tay và chân thì có cách xách hay túi vải lớn đựng cát, sạn rồi đi và chạy ngược lên rồi xuống dốc liên tục cho đến khi đôi chân mỏi không còn đi được nữa; hoặc cõng những bao gạo, những bó củi nặng trên vai, chạy trên đoạn đường dài lởm chởm sỏi, đá.. Chỉ có điều, các phương pháp tập luyện “võ lực” ghi trong sách đều dành cho võ sinh của thời xưa, khó mà áp dụng cho Việt trong thời hiện đại được.

Anh nghĩ ra nhiều phương pháp có thể thay thế chúng. Anh bèn sử dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại. Anh chạy ra chợ và các cửa hàng mua các vật liệu về để làm dụng cụ luyện tập, kết hợp với nhảy dây, tập xà đơn, hít đất, kéo dây lò xo. Anh tự tạo cho mình bao cát hay bao đựng mùn cưa, trấu để đấm và đá; mua tạ chân đeo vào khi chạy bộ đường dài vào buổi sáng hay chiều. Chưa hết, anh còn đăng ký một khóa tập thể hình tăng cường thể lực nữa.

Một điều quan trọng cần lưu ý, tập phải chính xác theo hướng dẫn và có cường độ hợp lý. Bản thân Việt cũng hiểu rõ điều này. Anh tập tới khi nào thấy mệt mỏi thì dừng lại nghỉ ngơi; nghỉ khỏe rồi lại tập. Nhưng không bao giờ anh tập quá sức bởi anh biết nó chỉ có hại mà thôi.

À phải, quên một thứ, luyện võ thì nên kèm thêm thêm cả thuốc hỗ trợ cho việc luyện võ có hiệu quả. Thuốc bao gồm hai loại, thuốc bôi (xoa) và uống. "Thuốc xoa" dùng trước và sau khi tập. Nó được dầm chung với rượu hoặc với giấm để xoa bóp bên ngoài các bộ phận cơ thể chịu sự va đập trong khi rèn luyện. "Thuốc uống" được sử dụng khi có sự va đập vào đầu, ngực, lưng, bụng... hầu hết là phần mềm. Chúng có tác dụng thông khí, hoạt huyết, làm tan máu ứ bầm, cũng có tăng cường sức lực để khỏi bị cảm cúm tránh làm gián đoạn việc tập. Quyển bí kíp ghi rõ ràng tên những loại thuốc nào, công thức pha chế ra sao, bôi hay uống với liều lượng cụ thể, anh cứ thế mà làm theo.

Hồi nhỏ, anh đã có thời gian ba năm tập võ cổ truyền nên không lạ với những điều này. Cũng may, lúc còn ở quê, anh thường xuyên làm công việc nhà nông, thân thể vừa đủ điều kiện miễn cưỡng vượt qua giai đoạn đầu tiên. Chỉ mươi ngày sau, anh vượt qua bài tập thể lực, tiếp tục bước vào các bài tập sau.

Bài tập mà bất cứ ai khi bắt đầu luyện võ đều phải tập là đứng tấn. Tấn là phương pháp giữ vững trọng tâm và cân bằng cho co thể con người ở mọi vị thế, trong mọi trường hợp, vì thế mà có thể thực hiện những động tác, những ý muốn của toàn thân, khi bất động hoặc di động đuợc linh hoạt, dễ dàng, chắc chắn và hữu hiệu.

Trung bình tấn là thế căn bản, nhất thiết phải tập thật vững chắc. Tư thế đứng mở rộng hai chân ngang vai, hạ thấp trọng tâm xuống, hai đùi song song mặt đất, eo lưng cổ thành một đường thẳng, hai tay để ngang eo hoặc để thẳng, thế tấn này để luyện sự vững chắc của hai chân, sức bền và sự dẻo dai của eo lưng, xong thế tấn này thì đến thế Kim kê tấn, Hạc tấn, Xà tấn, v.v... Kế đó mới tới phần chiêu thức, quyền pháp...

Quốc Việt tận dụng thời gian không ngừng tập luyện, kể cả trong khi học trên trường hay ở phòng trọ. Dĩ nhiên, tập sao không gây phản cảm với người xung quanh là được.

P/S: Vì kiến thức về võ học còn kém nên khi viết dựa vào tư liệu sách vở và trên mạng là chính nên còn nhiều sai sót, mong độc giả thông cảm cho.