– Chỉ lần này thôi đó nha Mỹ Anh!
Con nhỏ lè lưỡi ra cái bộ dạng nhát ma, rồi quay qua tôi giục:
– Đi anh, mình đi ăn trưa, em đói bụng quá rồi nè.
Tôi thản nhiên nắm lấy tay con nhỏ, dắt nó đi nhong nhong giữa trại. Sau lưng, con nhỏ bảo vệ nữ lại tiếp tục la:
– Long, muốn vô kỷ luật nữa hả?
Đi cùng con nhỏ xuống nhà ăn, thấy mấy bà giáo vụ già cũng đang lụi cụi lấy cơm (Trại này cán bộ cũng ăn cùng bếp với đám học viên hết). Nhìn thấy tôi, bà giáo vụ già mừng rỡ la:
– Ủa con ra kỷ luật rồi hả Long?
Rồi bỏ bo cơm, chạy lại phía tôi dòm dòm coi bộ thân thiết lắm. Tôi nghe trong lòng cũng ấm áp lạ thường. Trong cái khung cảnh tù đày này, thứ quý giá và hiếm hoi nhất chính là tình người chứ chẳng phải điều gì khác. Bả dòm một hồi, vỗ vỗ lên vai tôi, kêu:
– Nhìn vẫn còn ngon lành quá hen. Lát ăn cơm xong lên phòng giáo vụ nha con, cô có công chuyện kiếm con đó.
Tôi dạ một tiếng gọn lỏn. Bả coi bộ hài lòng dữ, quày quả lấy cơm rồi đi thẳng.
Con nhỏ không cho tôi đi lấy cơm. Nó bắt tôi ngồi im tại bàn, lăng xăng chạy đi lấy cơm, xuống căng tin mua mấy thứ đồ tôi thích ăn bày một đống tại bàn. Lão Ngọc lại gật gù:
– Bữa nay như kiểu đón Việt kiều về nước nha! Kiểu này chắc tao cũng ráng kiếm bạn gái trong trại quá, nhìn mà phát thèm!
Tôi xăng xái phát biểu:
– Em thấy tướng anh với thím Trang là đúng hợp luôn đó anh Ngọc!
Thím Trang là beo cỡ thời tiền sử tại cái trại của tôi. Bả cỡ 50 tuổi, gầy nhom, mặt lúc nào cũng trát nguyên lớp phấn dày cui. Bữa nào đi ăn cơm ngang qua bả tôi muốn bỏ bo luôn, bởi nhìn bả thấy phán ớn. Lão Ngọc nghe câu nói đó của tôi suýt nghẹn, trợn mắt kí đầu tôi một cái, mặc cho con nhỏ Mỹ Anh ở bên cạnh cười khúc khích. Sao đánh tôi ngang xương vậy chớ – thiệt tình tôi thấy không còn ai xứng đáng với lão hơn bả.
Cơm trưa xong xuôi, tôi với con nhỏ lon ton lên phòng giáo vụ. Phòng giáo vụ cũng vừa cơm nước xong, mỗi người ngậm một cái tăm ngồi coi tivi, coi bộ nhàn nhã ghê. Thực ra, trong cái trại này nhàn và sướиɠ nhất chính là đám giáo vụ, tối ngày chỉ lo nói chuyện với học viên, ổn định tâm lý cho tụi nó đỡ trốn trại và bày vẽ chuyện gì đó cho tụi học viên giải trí. Tôi bước vô cửa phòng, thấy nguyên một đám ánh mắt nhìn mình đầy trìu mến. Ông Bảo ngoắc ngoắc:
– 2 đứa vô đây ngồi uống trà nè.
Bà giáo vụ già cũng lăng xăng tới bàn làm việc, móc ra gói bánh ngọt đưa cho con nhỏ Mỹ Anh. Con nhỏ cười re, coi bộ quen với mấy vụ ăn hối lộ của giáo vụ dữ. Lại nghe giọng ông Bảo tỉnh rụi:
– May mà mày ra sớm nha Long, tụi thầy ban đầu sợ trại xảy ra án mạng thì chết cả đám!
Tôi ngẩn người. Cái gì mà có án mạng ở đây trời? Con nhỏ mặt đỏ phừng phừng, nhõng nhẽo la:
– Thầy mà nói ra em nghỉ chơi thầy luôn đó!
Cái con nhỏ này thiệt tình cũng liều quá xá luôn. Đe nghỉ chơi cả với giáo vụ mới ghê. Lão Bảo cười ha hả, sức mấy lão sợ con nhỏ nghỉ chơi:
– Bữa mày mới bị bắt vô kỷ luật, con nhỏ này tối ngày lên giáo vụ ăn vạ, nó còn đòi tự tử nữa đó.
Bà giáo vụ già nghe cũng tủm tỉm cười. Mặt mũi con nhỏ sượng trân, chúi đầu vô lưng tôi không dám ngó ra. Tôi nghe trong lòng ngọt ngào quá đỗi, vòng tay ra sau ôm nhẹ lấy con nhỏ. Đám giáo vụ cũng coi như không thấy gì hết, tỉnh queo ngồi uống nước. Bà giáo vụ già lại tiếp lời:
– Thôi ra như vầy là tốt rồi. Tụi cô đang lo sắp tới Noel, không có ai phụ mấy vụ văn nghệ của trường. Nhỏ Mỹ Anh nó hăm nếu con không ra nó cũng không có tham gia, làm tụi cô mong con ra muốn chết luôn!
Cái mặt con nhỏ áp vô lưng tôi nghe nóng phừng phừng. Thứ da mặt mỏng dính như con nhỏ bị đám giáo vụ cho 2 chiêu chí mạng nhảy dame x3 chắc cũng xém cháy vì mắc cỡ. Tôi kêu bà giáo vụ:
– Giúp được phòng giáo vụ việc gì, tụi con cố hết sức được mà cô. Mấy thầy cô giúp tụi con quá trời rồi mà.
Bả ưa nịnh dữ lắm, chỉ thấy cái mũi nở ra to thiệt to. Mắt bả híp lại, gật gù:
– Vậy cô nhờ Long một chuyện nha. Con kêu anh Ngọc đi đánh guitar dùm trường được không?
Tôi muốn á khẩu với cái đề nghị của bả. Lão Ngọc chơi guitar mùi mẫn có tiếng, nhưng trước giờ đâu ai dám kêu lão đi đánh nhạc cho mà hát. Hơn nữa, bài tủ của lão toàn nhạc tù, nhạc chế, không lẽ trại định tổ chức liveshow văn hóa phẩm độc hại sao ta?
rong trường trại, thứ không thiếu nhất chính là đám biết chơi đàn. 10 đứa từng đi cai, đi trại bét ra cũng có một vài đứa biết chơi nhạc cụ. Không guitar thì gõ bo, cá biệt có đứa chơi được cả organ và nhiều loại nhạc cụ khác. Tôi biết lão Ngọc chơi guitar cũng thuộc dạng số má ở trường trại, nhưng kiếm đại một đứa biết chơi đàn là được, cứ gì phải bắt lão đích thân chơi? Tuy nhiên cái vụ này lại có mắc mớ bên trong mà lúc đó, tôi không sao hiểu nổi.
Thường thường, đám du đãng trong trại luôn phải giữ một bộ mặt trầm hết sức – đại loại anh đại phải có phong thái lạnh lùng giống như phim võ hiệp vậy. Chào họ – lạnh lùng gật đầu. Bới cơm cho – lạnh lùng ăn. Bực lên xáng vô mỏ – lạnh lùng đập lại chèm bẹp. Đám Nam Tàu, Hiếu mốc trong trại cũng vậy. Ngồi đâu là làm bộ như nhà hiền triết đang suy tính về lẽ nhân sinh, ít khi thấy giỡn với đám em út, nói chuyện thoải mái cũng không. Chính vì vậy, đám học viên mới kiềng và nể, không xáp vô nên đâu biết mấy lão nghĩ gì, tính gì. Thiệt tình cũng không trách họ được, du đãng mà suốt ngày cà rỡn, chọc tụi nhỏ, riết rồi sẽ bị lờn mặt, nói đám em út không có chịu nghe. Bởi vậy, dù họ không muốn nhưng cũng phải ráng giữ lấy “cái nét” du đãng mắc dịch của mình.
Lão Ngọc nhà tôi không vậy. Style của lão là hòa đồng, không hay làm bộ. Lão cũng chẳng cần lạnh lùng hay trầm ngâm gì hết ráo, cái tiếng ác của lão ngoài giang hồ đủ làm chỗ dựa cho lão tung hoành không có vướng mắc nào tại cái trại nhỏ xíu này. Hơn nữa, cái cách đối xử của lão hiền lành nhưng có uy, đám em út lúc nào giỡn ra giỡn, làm ra làm chứ không lộn xộn. Mà tính lão rất ghét trò đu đeo, không ưa cái đám khoái dựa hơi kéo đàn kéo lũ theo lão chỉ vì cái tiếng. Bởi vậy, suốt quãng thời gian trong trại, lão cũng chỉ cần có một mình tôi và nhỏ Mỹ Anh là em út.
Kể cũng tội cho đám nhỏ cùng phòng. Tụi nó nhóc con khoái coi mấy thứ phim ảnh, ca nhạc, nhưng tới khi lão nằm đọc truyện lại buồn thiu chui ra ngoài chơi hết. Lão không ưa ồn ào khi đang đọc sách, mà sách kiếm hiệp lão đọc cỡ 18 tiếng một ngày. Tôi bước vô phòng, lão vẫn nằm gác chân đọc truyện coi bộ say mê lắm. Rón rén bước lại, lấy trong túi ngực ra phong kẹo caramen đưa cho lão:
– Ăn kẹo nè anh Ngọc!
Lão có cái tật như con nít là khoái ăn kẹo. Ba cái lúc đọc truyện lại càng khoái dữ. Thiệt tình, giang hồ số má khoái ăn kẹo – tôi mà kể chuyện này ra ngoài chắc lão cũng mất số luôn. Lão cầm phong kẹo, bóc một cái đút vô mồm, lim dim đọc tiếp. Tôi thấy bực à nha, mất công mua kẹo về dụ mà lão cầm tỉnh bơ, không thèm nói với tôi một câu cảm ơn cho có. Tôi leo luôn lên giường, ngồi chồm hỗm:
– Đấm lưng không anh Ngọc? Vừa nằm đọc vừa đấm lưng nha!
Lão quay mặt lại, ngó tôi đầy vẻ nghi ngờ:
– Mày lại tính kêu tao làm gì, đúng không?
Lão này đúng là con quỷ mà. Tôi làm mặt khổ, kêu:
– Trời đất, làm gì có cái vụ đó. Anh giúp em bao nhiêu việc rồi, em làm vầy không được sao?
Lão nghe có vẻ yên tâm, xoay cái lưng lại tiếp tục đọc, kêu:
– Vậy thì được.
Tôi đấm nhè nhẹ vô lưng lão. Lưng này đi massage chắc mấy con nhỏ đấm bóp nhìn cũng muốn xỉu luôn. Ngoài cái hàng chữ vênh váo: vô địch khám lớn, lão còn xăm nguyên cái thuyền buồm bự thật bự, đen thui, nhìn qua hao hao giống tàu hải tặc trong phim vậy. Đám giang hồ Bắc xăm trổ cũng khác nhiều so với dân Nam, thường sau lưng sẽ là một điển cố nào đó của Tàu: Tam anh chiến Lữ Bố (Trương Phi, Quan Vân Trường, Lưu Bị đánh với Lữ Bố), lãng tử hồi đầu (hình cha thư sinh bước một chân lên thuyền, mặt ngoảnh lại), một tay che trời (cái bàn tay quỷ vươn lên nắm lấy mặt trời), long tranh hổ đấu (rồng hổ oánh lộn) hoặc các hình bự, có ý nghĩa đàng hoàng. Tôi cũng khoái xăm trổ lắm, nhưng như kiểu có duyên cớ gì đó, mỗi lần nằm xuống tính xăm lại bị hoãn, giờ trên người vẫn trắng bóc. Khi tới tuổi trưởng thành hơn, nghĩ về mấy vụ xăm trổ lại thấy may. Dẫu sao, thứ đó có đẹp, có ngầu nhưng khi dính vô trên người, muốn bỏ cũng không có được…
Tôi lại làm bộ trầm trồ:
– Tướng anh Ngọc đẹp quá ha, hình xăm cũng ngầu một cây!
Cái này hố à nha. Khen tướng lão đẹp khác gì chọc tức lão. Cái cùi chỏ lão cho ngay một phát vô mạng sườn tôi:
– Thằng nhóc quỷ, chọc tao hả? Có chuyện gì thì nói nhanh, khỏi giả bộ đi!
Tôi cười trừ, ngồi xuống cạnh lão làm mặt ngoan:
– Thật ra thì cũng có chuyện em tính nói với anh nhưng mà ngại không biết nói sao nữa!
Lão tỉnh bơ xoay người lại:
– Bởi vậy nên mày mang kẹo dụ tao, phải không? Tao biết mà, tự dưng thấy mày tốt đột xuất tao cũng nghi nghi.
Tôi liếʍ môi:
– Thật ra thì cũng không phải chuyện của em. Mấy bà giáo vụ biết anh chơi đàn đỉnh cao luôn, muốn mời anh đợt này tham gia văn nghệ chút để các bả nở mày nở mặt nhưng không có dám kêu anh, nhờ em qua nói đỡ.
Đời ai cũng khoái nghe nịnh hết trơn hết trọi. Lão Ngọc cũng không phải ngoại lệ. Lão nghe khen “chơi đàn đỉnh cao”, rồi giáo vụ cũng kiếm thằng nhỏ tới năn nỉ, trong lòng cũng khoái tới nở hoa luôn, nhưng mặt ngoài vẫn làm bộ lạnh te:
– Mắc mớ gì đến tao? Tại sao tao phải đi tham gia cái văn nghệ khỉ gió đó?
Chất của du đãng đỉnh cao là nắm thóp được du đãng đỉnh thấp, du đãng đỉnh thấp lại nắm cổ được đám du đãng tép riu. Cái vòng luẩn quẩn ấy tôi không có biết, nhưng đảm bảo đám giao vụ khôn hơn nghiện biết thừa. Lão Ngọc nhà tôi mà tham gia mấy cái vụ này, đâu dễ gì lão chịu đi một mình. Nam tàu và Hiếu mốc – 2 du đãng cộm cán của trại được lão phân công gõ bo và chơi đàn đệm, bởi lão đâu có tính solo như kiểu Ưng Hoàng Phúc. 2 nhà du đãng hiền triết lại thộp cổ đám đàn em biết văn nghệ đi theo mình cho đỡ … quê độ. Mấy thầy cô trong phòng giáo vụ mém xỉu tại chỗ khi thấy 3 gương mặt du đãng cô hồn khét tiếng của trại hung hăng bước vô … đăng ký tiết mục văn nghệ. Thiệt tình, tính mấy ổng cũng ham vui, suốt ngày làm mặt trầm đâu có dễ chịu chút nào. Hơn nữa, phàm là người có chút tài lẻ, ai cũng khoái được biểu diễn và hò hét ca ngợi hết trơn. Nam tàu gõ bo một cây, thi thoảng cao hứng ổng đệm cho ông Ngọc đàn bá cháy luôn. Hiếu mốc mặt mũi lầm lì nhưng móc guitar cũng có số, có điều trước khi ông Ngọc vô chưa khi nào thấy ổng đàn kiểu liveshow trường trại, chắc sợ … mất số. Có điều, du đãng bự nhất trại cũng tham gia thì còn ngại cái gì nữa chớ!
Mà cũng tội nghiệp mấy người phòng giáo vụ. Thấy 3 cha nội bước vô, đám giáo vụ lăng xăng bưng nước mời như thể có phái đoàn của thành phố ghé thăm. Không nịnh cũng không ổn, bởi ở thứ trường trại này, tiếng nói của họ có khi còn lớn hơn của nguyên đám cán bộ cộng lại. Thứ dữ như ông Ngọc hay Nam tàu, nếu đứng lên kêu … phá trại chắc nguyên cái trại nhỏ xíu này cũng tanh bành. Bởi vậy, đám cán bộ cũng biết đường mà nhường mấy ổng một cây, có chuyện gì cũng mắt nhắm mắt mở cho qua chuyện.
Tới phần chọn tiết mục, đám giáo vụ cũng thiếu điều quỳ lạy ổng. Hỏi Ngọc tính hát bài nào để ban nhạc chuẩn bị, ổng làm bộ suy nghĩ một hồi, kêu:
– Bài “Đêm 30” có được không?
Bài này lạ à nha. Đám giáo vụ nghĩ nát óc không ra bài nào có cái tựa vậy, đang bối rối thì lão kêu:
– Nó như vầy nè!
Rồi gân cổ ca:
– Ba mươi, đêm pháo giao thừa, con nằm trong chốn lao tù. Trại giam, bốn bức tường cao, con phân vân biết trốn sao …
Nguyên đám du đãng cười rần rần. Mặt lạnh như Hiếu mốc cũng phải nhếch mép lên. Lão này sao không đi đóng hài, đi làm du đãng chi uổng quá vậy trời. Nhìn mặt mấy bà cô phòng giáo vụ méo xẹo, tôi đành chạy qua kêu ổng:
– Trời hát nhạc đó sao mà diễn anh Ngọc!
Lão trợn mắt kêu:
– Nhưng đó là bài tủ của tao, không hát bài đó tao hát bài gì? Hay hát “Chim sẻ và đại bàng” nha?
Tôi cũng thua lão luôn. Nhưng cũng hên là còn có người trị được lão. Con nhỏ Mỹ Anh từ đâu chạy vô, bám tay nhõng nhẽo:
– Anh Ngọc hát mấy bài nhạc vàng đi mà. Anh hát mấy bản đó hay quá trời hay luôn, đi nha anh, nha anh!
Cái “nha anh” của con nhỏ kéo dài tới lần thứ 3 thì lão du đãng mắc dịch cũng chịu thua con nhỏ luôn. Thiệt tình, vậy mà cứ luôn mồm kêu tôi là “dại gái”, lão cũng dại nguyên cây. Chốt lại, lão sẽ ca một bản nhạc vàng, Hiếu mốc đàn và Nam tàu chơi bo. Du đãng band rốt cuộc rồi cũng hình thành.
Tôi và con nhỏ cũng tham gia thêm mấy tiết mục tầm bậy, dù biết chắc dưới sân có bao nhiêu hoa cũng sẽ không tới lượt tụi tôi mà sẽ được sắp hàng tặng cho band Tam ca du đãng, kể cả khi các lão hát sai nhạc từa lưa. Không tặng, mai mốt gặp bị đập thì cũng mệt à nha.
Buổi chiều trước khi văn nghệ diễn ra – cũng là chiều Noel luôn, đám giáo vụ mời cơm học viên tham gia văn nghệ để lấy khí thế. Cái vụ này cũng là một điểm đặc biệt tại trại tôi, bởi theo tôi biết rất ít nơi cán bộ mời học viên ăn chung như vậy. Tất nhiên không thể mời hết, ông Bảo chỉ nhắn tôi kêu lão Ngọc, bộ đôi Nam tàu và Hiếu mốc, thêm con nhỏ Mỹ Anh và một con nhỏ làm chân trang điểm khác lên phòng giáo vụ ăn cơm.
3 lão du đãng được mời cơm coi bộ cũng phấn khởi à nha. Nói gì thì nói, ăn cơm trại riết đổi sang cơm đời cũng thấy ngon chứ bộ. Chưa kể, mới bước vô, lão Ngọc đã nhìn chằm chặp vô bình rượu của ông Bảo. Ông giáo vụ già biết ý, dù tiếc đứt ruột nhưng cũng ráng tươi cười, rót đầy vô ly của 3 lão. Ai dè, lão Ngọc làm một câu khiến ổng té ngửa:
– Trời đất, sao lại để thầy rót rượu mời tụi tôi được. Ba cái vụ này thầy cứ để tôi.
Nói xong tỉnh bơ thò tay ra nắm lấy chai rượu. 2 lão du đãng kia thấy vậy mặt mũi cũng tươi như hoa. Trong trại này, rượu là đồ hiếm ngang với ma túy, hơn nữa đám chơi xì ke thường thích cái cảm giác được phê, được lâng lâng. Không có hàng thì rượu cũng ổn quá đi chứ! Lão Ngọc làm chủ xị, cùng 2 lão kia chén chú chén anh một hồi, chai rượu không còn lấy một giọt.
Nhìn lão Ngọc đi liêu xiêu lên sân khấu, tôi thiệt tình cũng chỉ biết trông chờ vào chúa lòng lành. Rượu vào, lão hứng lên có khi kêu học viên phá trại không chừng. Chưa tính 2 cha du đãng mặt mũi cũng đỏ gay đỏ gắt, một ôm bo một ôm đàn như chuẩn bị đi đánh lộn chứ biểu diễn gì trời. Đám học viên đang lộn xộn ở dưới, thấy 3 bóng hình kinh tởm bước lên sân khấu liền im bặt. Nhìn mấy bà giáo vụ mặt mũi tái nhợt, tôi cũng thấy áy náy quá đỗi. Nhưng lỗi một phần cũng là ở các bả, ai biểu kêu lão trời đánh kia tham gia biểu diễn làm chi!
Chỉ thấy Hiếu mốc dợt đàn một nhịp, tiếng hoan hô nịnh đầm đã vang lên khắp bốn góc trại. “Trong đám vỗ tay này, dễ chừng tới 3/4 là lính ổng” – Tôi đoán vậy. Nam tàu cũng hứng chí đập bo một lượt, nghe âm thanh cũng ổn lắm à nha. Tiếng vỗ tay lại vang lên ào ào. “Lính Nam tàu cũng đông dữ” – Tôi chép miệng. Thiệt tình, mấy đứa này cũng không có cơ hội để nịnh đầm đàn anh lộ liễu như vầy nếu họ không lên biểu diễn đâu nha.
Thấy Hiếu mốc quay qua ông Ngọc, nói nhỏ gì đó. Tôi nghi đang bàn chuyện kêu gọi học viên phá trại lắm nha. Thấy lão Ngọc gật gù gì đó, cái bộ dạng nửa say nửa tỉnh trông chẳng có nửa điểm nào giống nghệ sỹ hết trơn. Lão cầm lấy micro, hắng giọng một cái. Tim tôi đập lô tô luôn. Lão mà lớn tiếng la: “Anh em đâu, phá trại đi về chơi Noel!”, dám đám này lao ra bóp cổ bảo vệ rồi đạp đổ cổng trại lắm. Đang còn run rẩy thì nghe cái giọng lão vang lên trong loa:
– Anh em ổn định trật tự, ngồi ngay ngắn chuẩn bị nghe ca nhạc nào!
Lão này thời đi tù từng làm tới thi đua của trại (trong trại tù ngoài Bắc, thi đua của trại chỉ có 1, là giang hồ có số má bậc nhất, chuyên quản lý phạm nhân thay quản giáo) nên nói năng hệt như nói với … đám tù vậy. Thấy đám học viên đang nhộn nhạo im re. Tôi cũng muốn nín thở. Ngó qua mấy bà giáo vụ, thấy mấy bả đang ôm ngực. Cũng hên mấy bả sức khỏe tốt, chứ ba cái vụ này dễ bị đột quỵ lắm nha.
Cái giọng lè nhè của lão lại vang lên:
– Bữa nay anh em muốn nghe nhạc tù hay nhạc thường nào?
Tôi biết mà! Lão quỷ này lại dở chứng, thiệt khổ không để đâu cho hết. Đã vậy, đám học viên bên dưới chẳng thèm để ý tới gương mặt méo xẹo của đám bảo vệ, đồng thanh hô lớn:
– Nhạc tù đi anh!
Anh gϊếŧ em đi anh Ngọc ơi! Tôi ngó mấy đôi mắt hình viên đạn của đám giáo vụ mà lòng thầm than một tiếng đau khổ. Ai dè lão quỷ nghe xong, giơ cái tay ra hiệu im lặng rồi nói tiếp:
– Nhạc tù thì là tủ của anh rồi, có điều bữa nay anh hát nhạc tù xong anh sợ không yên ổn. Có 2 đứa nhóc ác nó hăm nếu anh hát nhạc tù bữa nay, mai nó cúp cơm anh. Bởi vậy, anh em chịu khó nghe nhạc vàng một bữa!
Nguyên đám học viên cười rần rần. Tôi cũng cười mà là … cười khổ. Ánh mắt của lão đưa về phía tôi và con nhỏ Mỹ Anh, hàng trăm ánh mắt đám học viên soi chòng chọc vô 2 đứa nhóc ác dám hăm cắt cơm anh đại. Tôi thiệt tình quê không để đâu cho hết. Kêu lão lên hát, lão lại lên tấu hài mới thiệt là bực bội.
Tiếng đàn guitar vang lên từ đôi tay Hiếu mốc khiến đám học viên im bặt. Hồi nào vào trại tới giờ, tôi mới thấy Hiếu mốc cầm đàn chơi trước nguyên đám đông. Nhưng quả thật, ổng chơi đàn nghề thiệt. Tiếng đàn cất lên giữa cái không gian im ắng có sức truyền cảm tới lạ lùng. Nam tàu cũng bắt đầu gõ bo. Thứ nhạc cụ trường trại cũng cất lên những âm thanh đặc biệt của riêng nó, hòa cùng tiếng đàn bập bùng tạo thành thứ hợp âm không có ở bất kỳ thứ sân khấu ca nhạc nào. Lão Ngọc cũng cầm lấy mic, cái chất giọng nhừa nhựa, buồn buồn của lão cất lên:
– Lời đầu năm ba viết cho con
Trên quê hương khói lửa rã mòn…..
Sau này về với xã hội, thi thoảng hứng chi đi coi liveshow của mấy đám ca sỹ tiếng tăm, tôi cũng chỉ thấy không khí bị nổ tung cỡ như khi lão Ngọc cất tiếng hát là cùng. Phần vì tò mò với màn trình diễn của 3 nhân vật tiếng tăm, phần vì thực sự lão ca bản đó quá hay, cái không gian im ắng như bị xé toạc bởi tiếng vỗ tay, hú hét. Mấy bà giáo vụ già tay cũng đã buông khỏi ngực, ánh mắt hướng về lão ngập tràn vẻ biết ơn. Biết ơn lão đã tha mà không có quậy trại!
Phần trình diễn của tam ca du đãng vừa kết thúc, tiếng hò reo vang lên quá trời. Mấy tay bảo vệ, quản lý gương mặt cũng giãn hẳn ra. Mấy cha bảo vệ già coi bộ còn trầm ngâm xúc động, lặng đi không nói nên lời. Biểu hiện của khán giả như vậy, tới cỡ Micheal Jackson còn âm thầm sung sướиɠ chớ nói chi 3 lão nghệ sĩ nửa mùa này. Lão Ngọc cúi đầu xuống chào khán giả, coi bộ say quá tưởng mình là ca sỹ thiệt hay sao trời. Đám học viên bắc tay vô miệng, la chói lói:
– Tiếp đi ba anh ơi!
– Em thần tượng anh quá, anh Ngọc ơi!
Cái lão này coi bộ rượu vào dễ dụ à nha. Chỉ thấy lão làm bộ như cảm kích, vớ cái micro, chép miệng:
– Tính hát một bài rồi đi xuống, mà anh em nhiệt tình thế này anh đành phải tiếp nhận thôi. Trong không khí đêm Noel tưng bừng như thế này, anh biết nhiều đứa ở đây xa bồ, xa vợ, chắc cũng tủi thân và cô đơn lắm…
Tôi hơi bất ngờ nha, rượu vào không ngờ lão trở nên tâm lý và tình cảm như là người khác vậy. Lại nghe cái giọng lè nhè của lão tiếp tục:
– … bởi vậy anh và Nam, Hiếu sẽ gửi tới các em một nhạc phẩm vui tươi hơn. Mọi người đồng ý không?
Đám học viên lại vỗ tay rào rào. Mặt lão tỉnh bơ, quay qua Hiếu mốc, nói vọng vào micro:
—————-