Thiên Táng

Chương 6: Mất mát ở thanh hải

Khi Zhuoma và Văn từ hồ quay về, họ thấy có hai người đàn ông trong lều, cả hai đều khoác súng trường cắm lưỡi lê. Văn nghĩ họ hẳn là họ hàng của Gela, hoặc có thể là chỗ quen biết của Zhuoma vì cô gái lập tức bắt chuyện với họ. Mấy người đàn ông được cả nhà đón tiếp nồng hậu, nấu cả một tảng thịt cừu to để đãi cơm, mùi thịt nướng và rượu lúa mạch thơm phức cả lều.

Khi mấy người kia đi khỏi, Zhuoma cho Văn biết họ là những lữ khách đang đi hái thuốc. Cả cô lẫn Gela chẳng ai quen biết họ cả, nhưng ở Tây Tạng bất cứ lữ khách nào đi qua cũng đều được đón tiếp nồng nhiệt bởi họ là những người mang tin. Theo truyền thống, người ta đón tiếp họ rất trọng thị, mời ăn những món ngon nhất. Ngựa của họ sẽ được đàn ông kiểm tra, còn phụ nữ chuẩn bị nước và đồ ăn khô cho họ đi đường. Điều đáng buồn là nhóm người này không cung cấp được nhiều thông tin có ích cho cả Gela lẫn Zhuoma và Văn.

Sáng sớm hôm sau, khi những tia nắng đầu tiên trải dài trên mặt cỏ, ai nấy bắt tay làm nhiệm vụ của mình như thường lệ. Đàn ông bắt đầu lùa cừu và bò về phía các triền núi phía Nam. Đây là lúc duy nhất trong ngày khi ba người đàn ông cất giọng. Có một âm sắc ngầm của nỗi hân hoan trong những tiếng gọi đầy khí lực họ vang lên gọi thú, và âm thanh đó hòa lẫn với tiếng rống của bò cùng tiếng be be của lũ cừu. Zhuoma khởi hành đi ra hồ, với Ni và Hồng đi theo vừa bước vừa tán chuyện và cười rúc rích, như thể những cái túi da đựng nước rỗng sau lưng họ đang chất đầy hạnh phúc. Saierbao, Bát và Văn bắt tay vào đánh bơ, giờ Văn cũng đã thành thạo việc này rồi. Cô tràn đầy niềm hy vọng và tự tin mới mẻ. Zhuoma dự tính tặng Gela ít nữ trang của mình để đổi lấy hai con ngựa, và mặc dù Văn chẳng có gì để cho, nhưng cô quyết định sẽ để lại cuốn sách Tuyển tập tiểu luận của Lương Thực Thu. Ít lâu nay, giữa bữa ăn chiều và giờ cầu nguyện, bọn trẻ con thường nài cô đọc to một đoạn trong cuốn sách, và cô đọc trong khi Zhuoma cố dịch lại cho chúng. Thật khó giúp cô gái hiểu được lối văn triết lý của Lương Thực Thu, nhưng nhờ vậy mà cô có thể trau dồi tiếng Trung. Ngày nào cô và bọn trẻ cũng học được điều gì đó mới.

Bất ngờ, Văn thấy Bát đứng như bị hút hồn nơi cửa lều, nhìn đăm đăm ra đằng xa. Ngay cả khi Saierbao gọi cô bé đến phụ đánh bơ, cô bé vẫn không nhúc nhích. Còn lạ hơn nữa là sau đó cô bé đi quanh lều hai lần. Mặc dù Saierbao dường như không lo lắng gì trước cách cư xử của con gái, nhưng Văn thì bối rối. Cô đi lại cửa lều thì thấy ở đằng xa Ni và Hồng đang chạy về phía họ. Chẳng có dấu hiệu gì của Zhuoma.

Khi mấy đứa trẻ rốt cuộc cũng đến được cửa lều, cả hai đều ràn rụa nước mắt. Văn thấy Saierbao tái nhợt đi trong khi chị nghe lũ trẻ kể lại chuyện gì xảy ra, thế rồi chị chạy ra khỏi lều vung tay gọi to về phía Gela, Ge’er và Án đang ở mãi đằng xa. Văn sốt ruột chờ đám đàn ông quay về lều để cô có thể biết chuyện gì đã xảy ra. Nghe những gì bọn trẻ lắp bắp kể, cô chỉ nghe được mỗi một từ “Zhuoma” lặp đi lặp lại nhiều lần.

Sau một hồi tưởng lâu hàng tiếng đồng hồ, mấy người đàn ông vào lều và lắng nghe bọn trẻ kể. Văn dùng cử chỉ để khẩn nài chúng giải thích cho cô hiểu chúng nói gì. Chính Ge’er, như thường lệ, dường như hiểu cô. Lấy một tấm bảng thường được dùng để gia công lông cừu, anh rắc một ít bột lúa mạch lên đó rồi dùng ngón tay vẽ vài bức tranh. Mặc dù thô thiển, các bức tranh cũng khá rõ ràng. Một nhóm đàn ông cưỡi ngựa đã ném một cái bị chụp lên đầu Zhuoma rồi mang cô gái đi. Khi Văn hoàn hồn sau cú sốc khi hiểu ra điều gì, cô ra sức hỏi Ni xem liệu cô bé còn thấy gì nữa không. Ni thả ống tay áo xuống, để lộ mấy vết xước dài trên vai phải. Hồng đặt tay Văn lên đầu chú, ở đó cô cảm thấy có một cái bướu tướng. Cô đoán rằng chúng chắc đã bị thương trong khi giằng co với những kẻ bắt cóc Zhuoma. Văn không biết tại sao lại có người muốn bắt cô ấy đi. Thật không hiểu nổi. Trừ phí đó là một số kẻ thù chưa biết tới của Zhuoma, hoặc là lính Trung Quốc.

Từ đó cho đến hết ngày hôm ấy, Văn cứ hỏi Ni và Hồng nhiều câu hỏi bằng cách dùng cử chỉ, hình vẽ, đồ vật, ra sức tìm hiểu thêm chi tiết về chuyện xảy ra. Hình như Zhuoma và lũ trẻ đang trên đường đem nước về nhà thì có một nhóm đàn ông cưỡi ngựa đến gần họ, dùng thòng lọng tóm Zhuoma giống như tóm ngựa rồi buộc cô gái vào trong một cái bị to bằng vải, loại người ta hay dùng để mang đồ cúng lễ. Bọn trẻ có thể hiểu được đám đàn ông nói gì, nên chắc hẳn đó là người Tây Tạng. Có hai kẻ trong số đó hình như là những người đã tới thăm lều của họ ngày hôm trước. Ni bảo Văn rằng Zhuoma vẫn tiếp tục chống cự, ngay cả khi cô bị vắt lên lưng ngựa. Văn nhớ lại hành vi kỳ lạ của Bát vào buổi sáng xảy ra vụ bắt cóc. Cô bé đã nhìn thấy hay cảm thấy gì chăng? Cô cố gắng hỏi cô bé xem cô bé có biết Zhuoma đang ở đâu không, nhưng Bát chỉ lắc đầu chỉ vào mồm, không nói một lời. Văn không sao hiểu được cô bé muốn nói gì.

Những ngày đó, Gela và Ge’er dành hàng giờ cưỡi ngựa lùng sục khắp vùng xung quanh, cố tìm xem có dấu hiệu gì của Zhuoma và những kẻ bắt cóc cô gái không, nhưng họ đã tan biến vào không khí. Chiều nào cánh đàn ông cũng chán nản trở về. Khi mắt hai bên gặp nhau, Văn hiểu rằng họ không có hy vọng gì tìm được Zhuoma, và họ đang lấy làm tiếc cho Văn, bởi giờ đây cô hoàn toàn đơn độc, không cách gì nói năng cho họ hiểu.

○○○

Khi hè chuyển sang thu, Văn bước vào thời kỳ đen tối nhất trong đời cô. Đêm đêm, cô thường khóc cho người thiếu nữ mà chỗ ngủ bên cạnh cô giờ đây vắng lạnh, nhớ thương lòng can đảm và trí thông minh của người đó. Vào ban ngày, cô cố gắng xoay xở khi không có Zhuoma làm thông dịch. Dăm ba câu chữ lõm bõm bằng tiếng Tây Tạng mà Zhuoma đã cố công dạy cho cô - một vài động từ và những câu như “có” và “không” - cho phép cô cũng làm tạm ổn những nhiệm vụ hàng ngày, nhưng ngoài những việc bình thường đó ra thì cô bị giam cầm trong một thế giới câm lặng. Còn chưa hết, cô thấy chẳng có bao nhiêu hy vọng học thêm được tiếng Tây Tạng. Gia đình Gela xưa nay vẫn sống theo kiểu nói ít hiểu nhiều. Ngay cả khi họ có thì giờ nói chuyện với nhau, cũng hiếm nghe thấy họ trò chuyện. Không có ngôn ngữ, làm sao cô có thể thuyết phục họ giúp cô rời khỏi nhà họ để liều sống một thân một mình trên cao nguyên? Ngoài chuyện cô vẫn giữ bức ảnh Khả Quân, cả nhà này chẳng biết gì về anh cả. Zhuoma đã có lần khuyên cô đừng nói cho họ biết quân đội Trung Quốc đang ở Tây Tạng. Họ sẽ không hiểu được lý do và chuyện đó sẽ làm họ sợ.

Làm sao cô nói được cho họ hiểu rằng cô yêu chồng cô đến nỗi cô sẵn sàng chịu đựng tất cả miễn sao tìm lại được anh?

Văn bị nỗi đau đớn và thất vọng vò xé. Như thể cô đã tới gần được chồng chỉ để lại thấy anh biến mất thêm lần nữa. Cô bị mắc kẹt và không sao tìm được lối thoát.

Sau khi Zhuoma biến mất, gia đình này dường như có vẻ sợ sệt hơn nhiều. Tiếng cười vui tươi của Ni tắt hẳn, cả cậu bé Hồng hiếu động bất kham giờ đây cũng lặng lẽ bám lấy mẹ thay vì hết nhảy cẫng lên lại nhảy chân sáo quanh lều. Khi đến lúc chuyển tới bãi chăn kế tiếp, Gela dường như chọn một nơi còn xa hơn để lưu lại. Cứ hễ nhìn thấy bóng người ở đằng xa, Gela lại ra hiệu cho gia đình lánh mặt. Một đôi lần, thậm chí anh còn giấu Văn giữa bầy cừu sao cho những lữ khách đi qua không nhìn thấy họ, như thể anh sợ rằng cả cô nữa cũng sẽ bị bắt đi mất. Dường như họ đang bỏ lại thế giới của con người mãi xa đằng sau lưng họ.

Văn bắt đầu ghi nhật ký. Ngày nào cô cũng dùng một trong mấy hòn đá màu để vạch vài dòng lên những trang sách Tuyển tập Tiểu luận của Lương Thực Thu.

Mấy hòn đá chỉ vạch được một vết lõm mờ. Cô phải viết thật sít và diễn đạt thật hạn chế để tiết kiệm giấy. Tuy vậy, cuốn nhật ký là cách duy nhất để cô ghi lại những ý nghĩ của mình và duy trì khả năng viết tiếng Trung. Nó cho cô một sức mạnh mới và quyết tâm mới để sống còn.

Một sáng nọ, Ni ngất xỉu trong khi đang giúp Saierbao đánh sữa. Saierbao hét gọi các anh chồng tới giúp, và Gela cõng Ni về lại lều. Lộ rõ vẻ lo lắng, Gela nói gì đó với Ge’er, anh này liền lập tức rời lều và bắt tay thắng yên ngựa. Sau đó Gela nói nhỏ mấy lời với Saierbao, chị ta liền đến chỗ bếp lò đun sôi ít nước. Vận dụng toàn bộ vốn tiếng Tây Tạng mà cô đã học được, Văn cố nói với Saierbao rằng cô là một menba, rằng cô có thể giúp họ, nhưng Saierbao chỉ nhìn cô bằng cái nhìn trống rỗng rồi tiếp tục việc đang làm. Bất ngờ, Hồng hét lên, chỉ tay vào phần thân dưới của Ni. Ai nấy đưa mắt nhìn theo ngón tay chỉ của chú: máu đang rỉ qua lớp áo ngoài Ni mặc. Gela bảo Bát đưa Hồng ra ngoài, rồi ra hiệu bảo Văn giúp anh cởϊ qυầи áo Ni ra. Trên lớp đồ lót bên dưới áo ngoài họ thấy có vấy máu hết lớp này đến lớp khác.

Giờ thì Văn hiểu tại sao tối nào Ni cũng khóc: chắc hẳn cô bé bị chảy máu như thế này từ lâu lắm rồi. Cô nhớ Zhuoma có kể cho cô rằng bởi việc gánh nước rất nặng nhọc nên phụ nữ rất khéo léo trong chuyện hà tiện giặt giũ quần áo và thường cố hết sức để tránh bị dính máu khi có kinh. Do vậy việc Ni chảy máu có thể chỉ là một kỳ kinh nguyệt bình thường thôi.

Cố kìm nước mắt, Saierbao ra hiệu bảo Văn rằng vấn đề này tất cả họ đều biết từ lâu nay, nhưng chẳng biết phải làm gì.

Gela nhúng một mẩu vải nỉ vào nước nóng, vắt cho khô, ngậm rượu lúa mạch đầy mồm rồi nhổ lên đó hai lần, lại vắt khô rồi đi đến chỗ tượng Phật để cầu nguyện. Sau đó anh quấn mẩu vải nỉ quanh hai bàn chân Ni và lại nhổ một bụm rượu lúa mạch lên trán cô bé. Môi của Ni khẽ động đậy và mắt cô hé mở. Cô ngước nhìn mẹ đang vừa xoay bánh xe cầu nguyện vừa tụng niệm trước bàn thờ. Gela gọi Saierbao đến rồi đặt tay đứa con bé vào tay chị. Ni mỉm cười yếu ớt, rồi lại nhắm mắt.

Văn tiến lên bắt mạch cô bé. Mạch vô cùng yếu và cô bé vẫn tiếp tục mất máu. Thế nhưng không có thiết bị y tế hay thuốc men thì Văn chẳng thể làm gì để giúp cô. Văn bị giằng xé bởi cảm giác có lỗi và thất vọng.

Suốt ngày hôm đó, cả gia đình lặng thinh túc trực bên cạnh Ni, kể cả Hồng dù đói đến đến nỗi phải mυ'ŧ ngón tay cũng hoàn toàn im lặng. Saierbao và Gela cũng quỳ trước tượng Phật, vừa tụng kinh vừa xoay bánh xe cầu nguyện không ngừng nghỉ.

Đến hoàng hôn, tiếng vó ngựa phi cho biết Ge’er quay về. Anh cầm trong tay một cái túi, ba người lớn liền nhanh chóng mở túi ra. Họ trộn chất bột đựng trong đó với nước rồi bón cho Ni. Văn quan sát, như bị mê hoặc, nhưng hoàn toàn không biết họ đang bón cái gì cho cô bé. Mười phút sau, Văn thấy má Ni hơi có màu trở lại.

Đêm đó không ai ngủ. Gela ra hiệu bảo Văn đi nghỉ khi thấy cô đã kiệt sức. Cô nằm xuống, lắng nghe tiếng xoay bánh xe cầu nguyện cho đến khi rạng sáng.

Họ không cứu được cô bé Ni đáng yêu, đầy sức sống. Linh hồn cô bé đã đi quá xa. Cô bị ngã quỵ hôm trước thì hôm sau lìa đời. Cô bé chắc chưa quá mười bốn tuổi.

Lòng Văn trĩu nặng đau buồn. Cô khóc cho cả nhà, nhưng cũng cho chính bản thân mình. Trong tất cả các thành viên của gia đình Gela, Ni là người mà cô hay gần gũi nhất, cũng là người mang lại cho cô nhiều hạnh phúc nhất. Giờ đây cô mất cả Zhuoma lẫn Ni, người này nối sau người khác quá nhanh. Tương lai của cô trải ra trước mắt như một vực thẳm vô vọng.

Văn kinh sợ khi nghĩ rằng gia đình có thể sẽ đưa Ni đi thiên táng. Zhuoma đã kể rằng sau khi cha cô mất, người ta chặt xác ông thành nhiều mảnh rồi để giữa một bàn thờ trên núi cho chim kền kền ăn. Khi thấy Văn tỏ ra ghê tởm, cô đáp lại rằng tục thiên táng chỉ là một biểu hiện khác của sự hài hòa giữa trời và đất ở Tây Tạng, giữa thiên nhiên với con người, nên chẳng có gì phải ghê tởm cả. Nhưng mặc dù nhớ những lời của Zhuoma, Văn vẫn e mình không chịu nổi nếu phải nhìn cảnh xác Ni bị phơi cho lũ kền kền. Rốt cuộc cô không phải thấy cảnh ấy: gia đình đưa thi hài Ni ra hồ để thủy táng.

○○○

Thu chuyển sang đông, đông chuyển sang xuân. Văn nhận ra rằng chị không còn nắm được đã bao nhiêu năm trôi qua nữa. Đơn giản là gia đình Gela đi đâu thì chị theo đó, tìm những bãi chăn mới và nơi trú ẩn tránh thiên tai. Với chị thì núi nào cũng giống núi nào, đồng cỏ nào cũng giống đồng cỏ nào; nhưng với họ thì luôn luôn có những khác biệt tinh tế. Hễ rảnh được lúc nào là chị lại viết vào cuốn sách - những bức thư gửi Khả Quân mà chị hy vọng rằng ngày nào đó sẽ có thể trao cho anh; những chi tiết những cuộc sống hàng ngày của chị. Lời lẽ cứ chất chồng. Khi đã ghi kín hết các trang trống của cuốn Tiểu luận, chị bắt đầu viết vào giữa các dòng chữ. Khi ngay cả những chỗ đó cũng ghi kín hết rồi, chị viết đè lên những dòng chữ khắc mờ đã có ở đấy. Chỗ duy nhất mà chị không viết là bìa trong. Chị để dành nó cho Khả Quân. Khi chị tìm được anh, anh sẽ ghi lời nói đầu cho cuốn nhật ký của chị. Những trang giấy tràn ngập nỗi cô đơn của Văn, tình yêu và ý chí sống còn của chị.

Cuốn sách ngày một dày hơn.

Bức ảnh Khả Quân ố vàng đi. Khuôn mặt anh trông nhàu nhĩ, nhăn nhúm.

Bởi không còn cơ hội nào để thoát nữa, Văn thôi không nghĩ về việc làm sao thoát khỏi cảnh này. Thân thể và tâm trí chị đã thích nghi với cách xử trí mọi việc của người Tây Tạng; chị thôi không còn quá bận tâm đến những nhu cầu và mong muốn của mình. Khi cả gia đình cầu nguyện, chị cũng cầu nguyện, cũng xoay bánh xe pháp của riêng mình. Chị thêm vào lời kinh những lời của Vương Lượng: “Chỉ sống được thôi cũng đã là chiến thắng rồi.”

Cơ hội để Văn tiếp xúc gần nhất với thế giới ngoài túp lều của gia đình Gela là lễ hội Weisang[8]. Vào mùa thu, cánh đàn ông từ khắp vùng tụ tập lại rất đông để dâng cúng tổ tiên. Do phụ nữ không được phép tham gia nên Văn, Saierbao, Bát và Hồng ngồi trên sườn đồi quan sát trong khi hàng trăm kỵ sĩ mang cờ phướn màu sắc sặc sỡ di chuyển thành đội hình theo nghi thức xung quanh bàn thờ hiến tế. Gela thường mang đồ trang sức về cho Saierbao, chỗ trang sức đó sẽ nhập chung vào số rất nhiều nữ trang mà chị vẫn dùng để làm đẹp. Ban đầu Văn không hiểu làm sao gia đình này vốn nghèo mà lại có thể tiêu tiền cho những món xa xỉ thay vì mua súc vật. Nhưng cùng với thời gian, chị nhận ra rằng đồ trang sức không được coi là của cải vật chất, mà thật ra là những món đồ mang tính tôn giáo.

Gela, Ge’er và Án không thể năm nào cũng dự lễ Weisang nhưng luôn cố tham dự càng thường xuyên càng tốt. Lần đầu tiên Văn thấy họ ra đi trên lưng ngựa, chị rất lo. Kích cỡ của những cái bọc họ mang theo cho thấy họ sẽ đi khá lâu và chị không hiểu tại sao họ lại ra đi để lại đàn bà trẻ con một mình. Chính Bát là người cố giải thích cho chị hiểu. Cô bé bắt chước Văn vẽ một bức tranh trên nền bột lúa mạch cho thấy ba vầng mặt trời được trang trí bằng những dụng cụ để ăn sáng, ăn trưa và ăn tối. Dưới vầng mặt trời ở giữa, cô vẽ ba người đàn ông. Đến đó thì Văn hiểu cánh đàn ông sẽ đến đích cần đến vào giữa trưa và sẽ không đi quá xa. Nhưng chị vẫn còn rất bối rối.

Hai ngày sau, Saierbao bảo lũ con thay quần áo mặc vào dịp lễ và tìm được một dải lụa màu để quấn quanh eo Văn. Họ buộc gia súc bằng thừng đuôi bò bên ngoài lều, đóng chắc cửa rồi cưỡi ngựa lên đường. Trong khi chuẩn bị ra đi, Saierbao rất ít sai bảo lũ trẻ, và chúng đi theo họ mà không nói năng gì. Đến giờ thì Văn đã quen với kiểu làm mọi việc trong im lặng của nhà này nên cảm thấy ít băn khoăn hơn.

Sau ba giờ ruổi ngựa, họ dừng lại để ăn. Bất ngờ Hồng chỉ ra đằng xa, vừa cười to vừa hét. Ở đằng xa là cả một biển người và cờ xí. Những lá cờ phấp phới trong làn gió nhẹ hòa lẫn với những biểu ngữ bay phần phật cắm trên mặt đất, đâu đâu cũng sống động những sắc màu và chuyển động. Khói và mùi gỗ cháy từ ngọn lửa thiêng bốc lên bao trùm cảnh vật trong một màn sương lung linh. Văn ngỡ như mình được đưa vào một thế giới khác. Sau hàng bao nhiêu tháng sống cách biệt, cô đơn, những đám đông, màu sắc và tiếng ồn ào cứ như là ảo ảnh.

Qua năm tháng, Văn trở nên quen với những biểu hiện khác thường đó của đức tin. Chị cũng đã quen với việc thiếu tin tức từ thế giới bên ngoài. Sự thay đổi duy nhất trong đời chị do lễ Weisang mang lại là việc Án lấy vợ, trong một đám cưới được hai gia đình thu xếp tại đám hội. Vợ của Án, Maola[9], có tính khí rất giống Saierbao: một phụ nữ ít nói, nghiêm trang, chăm chỉ, luôn luôn mỉm cười. Mặc dù Án vẫn tiếp tục chơi đàn bên ngoài lều hàng đêm, nhưng tiếng nhạc của anh giờ đây nghe phơi phới hạnh phúc hơn trước nhiều.

Không lâu sau đám cưới, Maola có thai. Hai con cừu bé bị tách ra khỏi bầy và buộc vào lều. Văn quan sát cảnh người ta vỗ béo hai con cừu để bồi bổ cho Maola lúc sinh nở và để mừng sự xuất hiện một thành viên mới của gia đình. Chính giữa lúc kinh ngạc quan sát Gela và Ge’er khéo léo trao một bé gái khỏe mạnh vào tay Án, Văn mới nhận ra rằng tuy bản thân chị vốn dĩ là bác sĩ và thực chất là một phụ nữ Trung Quốc, nhưng điều đó đã rời bỏ chị.

Tối hôm đó, Gela dẫn dắt cả nhà cầu nguyện cho bé mới ra đời. Saierbao và Văn làm việc quần quật suốt ngày để chuẩn bị cho bữa tiệc. Trong bữa tiệc, Saierbao đưa cho Văn một chiếc chân cừu nướng giòn. Theo chỗ Văn nhớ, phần chân cừu xưa nay luôn luôn được dành cho Gela và Ge’er. Cử chỉ của Saierbao dường như muốn nói với chị rằng: “Chị nay là người một nhà với chúng tôi. Hãy chia sẻ niềm hạnh phúc với chúng tôi.”

○○○

Khi Thư Văn kể đến phần này trong câu chuyện của bà, chúng tôi đã trò chuyện được mười tiếng đồng hồ. Thiên hạ ra ra vào vào quán trà và anh bồi, hình như cũng là chủ khách sạn, rót thêm nước vào ấm trà của chúng tôi nhiều lần. Trà đã nhạt hết hương vị.

Đêm đang xuống nên tôi đề nghị Thư Văn rằng chúng tôi cùng ở một phòng khách sạn và hôm sau sẽ tiếp tục trò chuyện. Bà đồng ý với đề nghị của tôi cũng một cách ngắn gọn như khi trả lời mọi câu hỏi của tôi. Những lúc bà không đắm mình kể cho tôi về những gì bà đã trải qua, giọng bà đều đều và cụt lủn.

Khi sửa soạn đi ngủ, tôi cố bắt chuyện với bà để biết chắc rằng bà vẫn ổn, nhưng bà vẫn rất trầm lặng.

“Bà muốn uống chút nước không?” tôi hỏi.

“Không.”

“Phòng có được không ạ?”

“Được.”

“Bà có thấy tiện nghi không. Trông bà hơi mệt.”

“Tôi khỏe.”

Tôi cố khiến cho bà trò chuyện thân mật hơn, để tôi có thể hỏi hàng bao nhiêu câu hỏi mà tôi đã tích tụ suốt ngày hôm đó, nhưng rõ ràng là Văn cho rằng mọi trò chuyện ngày hôm đó đã kết thúc.

Tôi lo rằng thân thể to lớn của bà có thể không vừa với cái giường đơn nhỏ hẹp, nhưng một lần nữa, Văn lại hành động ngoài mong đợi của tôi. Trước khi cởi bộ áo ngoài Tây Tạng, bà lấy các đồ vật của mình ra khỏi nó giống như nhà ảo thuật lấy những con chim ra khỏi một cái mũ vậy. Từ hai cái túi trong bà lôi ra sách và tiền, còn từ túi trong tay áo bà lôi ra mấy túi nhỏ bằng da cừu. Từ trong giày bên phải xuất hiện một con dao, từ giày bên trái là một ít giấy. Bà luồn tay vào trong eo áo dài lấy ra hai cái túi da to, rỗng. Rồi bà cởi cái thắt lưng dài bằng lụa, lại có thêm mấy cái túi da nhỏ và dụng cụ này nọ gắn vào đó nữa.

Tôi quan sát mà kinh ngạc: chiếc áo dài là vali hành lý của bà. Hóa ra nó cũng là cái giường cho bà nữa. Bà trải cái áo dài ra trên giường giống như tấm chiếu, đặt cái thắt lưng lụa lên mấy quyển sách và tờ giấy để làm gối, rồi lộn trái hai ống tay áo ra ngoài. Bà nhồi hết đồ đạc của mình vào trong hai ống tay áo lộn trái đó, ngoại trừ con dao. Nó nằm trên gối bên cạnh bà. Cuối cùng, bà nằm lên trên cái áo, kéo hai vạt áo quấn quanh mình rồi dùng hai cái túi to rỗng để đắp chân. Cả cơ thể bà lẫn đồ đạc của bà đều được bảo vệ hoàn hảo.

Tôi chắc là bà không nhận thấy vẻ trầm trồ trên mặt tôi trong khi tôi trèo lên giường bên cạnh. Tôi cảm thấy như mình vừa trải nghiệm một mẩu nhỏ của đời sống Tây Tạng. Tôi rồi sẽ trải nghiệm được nhiều hơn khi đến Thanh Hải vào năm 1995 để cố hiểu những gì Văn đã trải qua. Ở đó tôi sẽ chứng kiến sự khéo léo của người Tây Tạng, những người đã tìm được cách xoay xở để sống với ít tài nguyên đến thế. Tôi sẽ thấy những hòn đá chất đống để định hướng, thấy đồ ăn được giấu dưới mặt đất đóng băng để lúc nào đó về sau sẽ đào lên hoặc dành cho khách qua đường, thấy gỗ được trữ dưới những tảng đá để làm củi đốt. Tôi sẽ biết được rằng hai cái túi da to và Văn trải ra để đắp chân vốn được dùng để đựng lương khô như bột lúa mạch và thịt hong khô ngoài gió những lúc đi đường.

Đêm hôm đó ở Tô Châu tôi khó lòng chợp mắt. Tôi cứ mong trời sáng mau để tôi có thể hỏi Văn vài câu cứ ong ong trong tâm trí tôi.

“Bà có tìm được Khả Quân không?”

“Bà có biết chuyện gì xảy ra với Zhuoma không?”

“Trong suốt những năm đó tình trạng tinh thần và thể chất của bà ra sao?”

“Làm sao bà quay về được?”

Chưa bao giờ tôi gặp người nào mất liên lạc với thế giới một cách hoàn toàn như vậy. Tôi thấy thật khó hình dung. Khi kể lại chuyện mình, Văn cực kỳ mơ hồ về chuyện thời gian. Cuộc sống của dân du mục là cuộc sống theo các mùa, chứ không phải theo đồng hồ hay theo lịch. Thật khó biết được chính xác bà đã sống bao lâu với gia đình Gela. Bà đã nhắc rằng khi bà mới đến thì Hồng khoảng chín tuổi, còn khi bà đi thì cậu đã thành người lớn. Vậy có nghĩa là bà ở với họ ít nhất mười năm, có thể còn lâu hơn nhiều.

“Điều ấy làm bà thay đổi ra sao?” tôi vừa nghĩ vừa trằn trọc. “Bà sẽ trở thành ai?”