*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Bệnh gai đốt sống thắt lưng của ông Thượng quả thực là rất cấp tính, sau khi xuống tầng thì đứng lên thôi cũng không nổi nữa, chỉ có thể nằm trên giường rên hừ hừ.
Bà Thiện làm bữa sáng, ngồi bên giường cho ông lão ăn, Bạch Phỉ Lệ nhanh chóng dọn dẹp hành lý cho hai ông bà rồi lái xe đưa hai ông bà đến phòng khám của bác sĩ chỉnh hình ở ngõ Phong Thịnh.
Khám chỉnh hình tốt nhất ở Bắc Kinh có hai chỗ, một là bệnh viện Tây y Tích Thủy Đàm, hai là phòng khám Đông y ở ngõ Phong Thịnh. Vị bác sĩ mà ông Thượng muốn đến khám tên là Dư Thanh, cha Dư Thanh vốn có một phòng khám vật lý trị liệu Đông y ở ngõ Phong Thịnh, bản thân ông ta cũng học Tây y. Hai mươi năm trước, khi sụn đệm cột sống thắt lưng của ông Thượng mới được phát hiện mắc chứng bệnh này, đã đi khám rất nhiều bác sĩ, nhưng bệnh vẫn tái phát nhiều lần. Sau cùng, có người giới thiệu ông đến bệnh viện Tích Thủy Đàm tìm Dư Thanh, Dư Thanh chữa cho ông một lần, suốt năm năm liền sau đó không bị tái phát.
Sau nữa, ông cụ dạy học mệt mỏi, thỉnh thoảng bệnh tái phát, đều đến tìm Dư Thanh. Mười hai năm trước, Dư Thanh ra khỏi cơ chế của bệnh viện, thừa kế phòng khám Đông y của cha mình, chuyên tâm nghiên cứu về vật lý trị liệu, thu nhận học trò dạy học, ông bà Thiện cũng thường hay tới đây làm một liệu trình xoa bóp chăm sóc sức khỏe. Qua nhiều năm, hai ông bà và Dư Thanh trở thành chỗ tri kỷ. Phía sau phòng khám của Dư Thanh là một cái sân nhỏ yên tĩnh, hai ông bà sau khi làm vật lý trị liệu xong thường vào sân này nghỉ ngơi phơi nắng, tán gẫu với Dư Thanh về Đông y và Tây y.
Bạch Phỉ Lệ cũng rất quen thuộc với nơi này.
Cọp Cái rất thích leo lên lưng Bạch Phỉ Lệ, về sau lại càng ngày càng nặng, có một lần đã trực tiếp khiến xương cổ của Bạch Phỉ Lệ không biết làm sao mà bị trật khớp. Hai ông bà đưa Bạch Phỉ Lệ đến, Dư Thanh tỉ mỉ sờ nắn gáy Bạch Phỉ Lệ một hồi, hai ngón tay "răng rắc" chỉnh lại đốt xương cho anh. Bọn họ làm vật lý trị liệu ở khoa chỉnh hình, lực ngón tay rất mạnh, lần đó đã khiến Bạch Phỉ Lệ đờ đẫn mất một lúc, gần như tạm thời mất ý thức, trở về rồi, vết bầm sau gáy một tuần sau mới tan.
Dư Thanh nói với hai ông bà: "Đứa cháu ngoại này của hai vị, cứ như được tạo ra từ măng giòn ấy nhỉ, tôi có hơi quá tay, lần sau hai vị dẫn cháu nó qua đây, tôi sẽ nhẹ tay hơn một chút."
Nhưng từ đó về sau, Bạch Phỉ Lệ không dám tới gần Dư Thanh nữa, mỗi lần đưa hai ông bà đến xong đều chạy mất dạng.
Hôm nay, Bạch Phỉ Lệ đậu xe cạnh phòng khám của Dư Thanh, ông Thượng không đứng dậy nổi nữa, anh bèn cõng ông cụ lên. Dáng người ông cụ mập mạp, thể trọng cũng chẳng nhẹ nhàng gì cho cam, ông cụ xót cháu, ai da á ôi la hét đòi xuống bằng được. Bạch Phỉ Lệ cõng vững ông lão lên rồi, nói: "Ngoại đừng quấy!"
Ông cụ lập tức ngậm miệng.
Cõng đến cửa phòng khám, bà Thiện gõ cửa, người ra mở cửa là một học trò của Dư Thanh, vừa thấy là ông cụ tới xin chữa bệnh thì vô cùng bối rối:
"Thầy nhà cháu...mấy ngày nay nghỉ xem bệnh, muốn khám, chỉ có thể để đám chúng cháu khám thôi."
Bà Thiện kinh ngạc hỏi: "Thầy các cậu làm sao vậy? Ngã bệnh à?"
Anh học trò áy náy xoa xoa quả đầu đinh, hơi ngại ngùng đáp: "Aiz, cháu nhỏ nhà thầy cháu tuần trước vừa từ nước ngoài về, trẻ con nghịch ngợm, mới hai ba tuổi mà đã leo cây bắt chim lên mái nhà lật ngói, thầy cháu bị thằng bé làm ngã gãy chân."
"Ối, nặng lắm không?"
"Haiz, thầy nhà cháu là bác sĩ chỉnh hình, tự chữa cho mình cũng không có gì khó khăn lắm, có điều có lẽ hoạt động sẽ bất tiện mất mấy tháng."
"Đứa cháu đâu rồi?"
"Thằng bé tuần trước về Mĩ với ba mẹ rồi ạ."
"Aiz, cũng thật là." Bà Thiện oán giận, "Ông nhà gãy chân cũng không chịu ở lại chăm sóc mấy ngày, chưa đâu đã vội vội vàng vàng đi như thế."
"Công việc bận rộn mà." Anh học trò nói, "Cũng có bọn cháu ở đây chăm sóc thầy rồi."
"Vậy giờ phải làm sao đây?" Bà Thiện nhìn Bạch Phỉ Lệ và ông Thượng, "Chẳng lẽ bọn tôi lại phải qua Tích Thủy Đàm à?"
Đúng lúc này, Dư Thanh chống gậy đi ra, "Ai tới thế?" ông ta hỏi, thấy bà Thiện, rồi lại thấy ông Thượng được Bạch Phỉ Lệ cõng, vội mời họ vào trong, phân phó mấy anh học trò đưa ông cụ vào phòng vật lý trị liệu.
"Lão Thượng, mấy tháng nay chắc chắn lão lại không chịu nghe lời tôi rồi. Không nghe nên mới khổ cái thân thế đấy." Dư Thanh cởϊ áσ khoác ra, thay trang phục khám bệnh vào, vừa mở miệng ra là lập tức phê bình không nương lời. Thân hình ông cao lớn, đã là người hơn năm mươi gần sáu mươi rồi, nhưng bởi quanh năm làm công việc trị liệu ở khoa chỉnh hình nên dáng vẻ vô cùng rắn rỏi mạnh mẽ. Trên mặt tuy đã hiện nét phong sương năm tháng, lạnh lùng nghiêm nghị ít khi nói cười, nhưng vẫn loáng thoáng nhìn ra được khi còn trẻ là con người hào hoa.
"Dư Thanh, chân anh thế liệu có làm được không?" Ông Thượng nằm lên giường vật lý trị liệu rồi vẫn lo lắng cho chân ông bạn, Bạch Phỉ Lệ thì đứng xa xa quan sát.
"Lão là bác sĩ hay tôi là bác sĩ đây?" Dư Thanh lạnh lùng buông một câu, khiến ông Thượng nghẹn lời. Hai học trò đỡ Dư Thanh, Dư Thanh xắn tay áo lên, rửa tay rồi lau bằng khăn khử trùng, bắt đầu sờ nắn từng đốt từng đốt xương trên thắt lưng ông Thượng.
Mọi người nín thở ngưng thần, hồi lâu sau, Dư Thanh thu tay lại, Bạch Phỉ Lệ hỏi: "Bác sĩ Dư, ngoại cháu không sao chứ ạ?"
Dư Thanh mở to mắt liếc Bạch Phỉ Lệ: "Ngoại anh thì không sao, nhưng tôi thấy xương cổ anh thì có vấn đề đấy."
Bạch Phỉ Lệ sợ sệt lùi về sau một bước, tựa lên tường.
Dư Thanh nói: "Dán cao Xạ Hương Tráng Cốt không bằng để tôi nắn cho rồi."
Bạch Phỉ Lệ muốn tông cửa xông ra ngoài tới nơi rồi.
Dư Thanh nói với ông Thượng: "Không có vấn đề gì lớn đâu, vẫn là bệnh cũ thôi, nhưng lần này lão nên chịu khó hơn một chút, làm một đợt vật lý trị liệu liên tục hai mươi ngày, một ngày cũng không được ngắt quãng, nếu không, dây chằng này của lão sẽ bị vôi hóa nghiêm trọng hơn, phẫu thuật cũng phải chào thua, có là trời cũng không giúp được lão nữa đâu. Lão tự tính đi."
Ba tháng nay ông Thượng ở Nhật Bản quả thực có hơi buông thả, không nghe theo lời dặn dò kiên trì bảo dưỡng của Dư Thanh, bây giờ tỏ ra rất xấu hổ, khúm núm với Dư Thanh.
Dư Thanh còn nói: "Có điều, có chuyện này. Lão cũng biết, tôi mỗi lần làm vật lý trị liệu cho lão đều kết hợp với điều trị qua ăn uống. Nhưng dì làm cơm tôi mời bên tôi có việc phải về với ông bà, chừng hết năm mới quay lại được. Nhất thời chưa tìm được ai thích hợp, tôi chỉ có thể kê thực đơn cho lão, lão tự về nhà làm theo thôi."
Bà Thiện nói không sao, bà sẽ làm cho ông Thượng, lại hỏi Dư Thanh họ phải ăn những gì, Dư Thanh sai học trò đi viết, rảnh rang vô cùng.
Bạch Phỉ Lệ đứng cách Dư Thanh năm mét, đợi ông Thượng làm vật lý trị liệu xong thì lái xe đưa hai ông bà về nhà, cơm nước xong xuôi mới đến studio Cưu Bạch.
Trong phòng làm việc đang rất náo nhiệt, Quan Cửu mặc một bộ trang phục múa dài thòng, xõa mái tóc dài xuống, nhảy múa ở khoảng trống giữa phòng, các thành viên khác của studio thì đứng xung quanh, đồng thanh hát:
"... Nghĩa trang um tùm, chôn máu chính đạo. Chính đạo còn tận, máu cũng cạn rồi, hương hồn chuột đây sẽ mãi không tan..." (*)
(*) Chế theo bài đề từ "Hương mộ" của Kim Dung.
Bạch Phỉ Lệ về nước được một năm rưỡi, lần đầu tiên chứng kiến tang lễ của Chít Chít. Sắc mặt anh xanh mét, dính sát người lên tường định âm thầm đi xuyên qua tới chỗ ngồi của mình. Ai ngờ Quan Cửu tinh mắt, đang múa mà vẫn trông thấy anh. Múa xong một khúc, cô vẫn mặc nguyên bộ trang phục múa tay rộng, chạy tới trước mặt Bạch Phỉ Lệ, nằm rạp trên vách ngăn trên bàn nhìn anh, đầy vẻ hờn giận nói:
"Tao nhắn WeChat báo mày Chít Chít qua đời, không phải là mày nên bày tỏ chút gì à?"
Bạch Phỉ Lệ liếc cô: "Sống thọ, chết tại nhà, là hỉ tang."
"Hỉ tang cái đầu mày ấy." Quan Cửu mắng, đang định phất tay áo lên mặt anh, chợt thấy anh chìa tay ra với mình.
Trong lòng bàn tay Bạch Phỉ Lệ là một bé cưng lông vàng, thấy Quan Cửu liền lơ mơ đứng dậy, thu hai chân trước lại, để lộ ra cái bụng phủ lông màu sữa. Hai cái tai nhỏ dựng lên, con mắt như hạt đậu đen, cái mũi ươn ướt hít lấy hít để.
"Ba má ơi! Hamster lông vàng!" Quan Cửu vừa thấy bé cưng này lập tức phát cuồng, lao qua bàn làm việc xông tới, giữa chừng còn bị vấp phải gấu váy. Quan Cửu nhảy chồm lên người Bạch Phỉ Lệ, hai tay hai chân quặp chặt lấy anh, hôn một cái rõ kêu lên mặt anh: "Quan Sơn tao yêu mày, yêu mày suốt đời!"
Bạch Phỉ Lệ ghét bỏ đẩy mặt cô ra.
Quan Cửu vẫn quấn lấy người anh không nhúc nhích, cúi đầu liếc thấy màu của vết giấu dưới cổ áo anh, con mắt chợt lóe lên, hạ giọng ghé lên tai anh hỏi: "Gì đây gì đây? Món quà về nước tao đưa cho mày, rốt cuộc cũng dùng tới rồi à?" Khóe miệng cong lên, nói tiếp: "À nhớ rồi, người ta bảo hạn sử dụng là ba năm đó."
Bạch Phỉ Lệ: "Cút xuống hộ cái."
Quan Cửu cười ha hả, nhanh chóng nhảy xuống, nâng niu nhận lấy Chít Chít đệ tứ, nói: "À đúng rồi, có người tới tìm mày đấy, tao sợ người ta thấy bọn tao ầm ĩ nên để ông ấy chờ mày trong phòng thu âm."
Bạch Phỉ Lệ hỏi: "Ai thế?"
Quan Cửu xòe tay: "Tao biết đâu, ông ấy nói là người mày thích nhất trần đời. Nói chung có vẻ là đại soái ca có tiền đấy, tao dẫn người ta vào rồi."
Sắc mặt Bạch Phỉ Lệ tối sầm, xoay người đi về phía phòng thu âm.
Studio Cưu Bạch thu kịch truyền thanh, sáng tác nhạc, phối âm các thứ, thường xuyên phải dùng tới phòng thu âm, nên studio đã chi ra một khoản lớn, trang bị một căn phòng có hiệu quả cách âm cực kỳ tốt.
Trước khi vào, Bạch Phỉ Lệ gõ cửa một cái.
Không ai đáp lại.
Anh đẩy cửa đi vào, trước mắt trống không chỉ có mỗi thiết bị trong phòng, không thấy bóng dáng người nào. Đang định quay đầu thì phía sau chợt vụt qua một bóng đen. Anh mắt thấy không ổn, đang định tránh đi, người nọ đã từ đằng sau ôm chầm lấy anh.
Người kia còn cao hơn anh một đoạn, ôm anh rất chặt, Bạch Phỉ Lệ suýt không thở được, tuyệt vọng nghĩ hôm nay vận khí đúng là chẳng ra sao, nhắm mắt cắn răng cố nhịn bị người kia hôn chụt một cái lên mặt.
Người nọ giữ anh rất chặt, sợ anh chạy mất, nhiệt tình dùng giọng địa phương trộn lẫn phổ thông gọi:
"Cu con bé nhỏ, tâm can bảo bối của ba, A Phỉ, Tiểu Lệ Lệ! Cuối cùng cũng tìm được con rồi! Đã bao lâu rồi ba không được gặp con? Con không nhớ ba sao? Hả? Ba nhớ con chết được!"
Trong tấm gương gắn trên tường phòng thu âm, người này mặc một bộ trang phục xám bạc, áo khoác dạ bên ngoài là kiểu dáng thịnh hành nhất hiện thời. Tóc cắt ngắn, mũi cao, xương gò má sắc nét, một khuôn mặt khá quyến rũ. Đôi mắt đẹp như đong đầy xuân thủy, hệt như đúc ra từ cùng một khuôn với Bạch Phỉ Lệ.
Người này, không phải ai khác, chính là ông bố ruột đã gọi một đống cuộc mà vẫn không tìm được Bạch Phỉ Lệ, đành tự mình tìm tới cửa, Bạch Cư Uyên.
***
Tiệm cơm Lão Kỳ.
Quán cơm đầy phong vị cổ điển Bắc Kinh nằm trên đường Tây Đơn Thái Bộc này, mỗi ngày chỉ mở cửa trong vòng năm tiếng, ăn một bữa cơm mà như nếm giá của hai bữa, nhưng kể từ lúc khai trương, không lúc nào mà không kín chỗ.
Nói là đến để thưởng chim cũng được – vừa vào cửa sẽ lập tức nghe thấy tiếng sáo mỏ ngà ríu rít chào đón như trong phim Bắc Kinh. Vào phòng khách, nơi nơi đều có thể thấy những l*иg chim cảnh kiểu cũ của Bắc Kinh, chim được nuôi rất mát tay, quan trọng là đều hót rất hay. Lúc ngồi đợi có thể vuốt lông chúng, chúng cũng không sợ.
Nói là đến để chiêm ngưỡng văn hóa Bắc Kinh cũng được, quán được bày trí theo phong cách tường hoang ngói lở của những con hẻm cũ, bàn ăn đều được đánh số bằng những biển số nhà trong những con ngõ nhỏ, những biểu tượng đậm nét Bắc Kinh cổ điển đều được trưng bày, ông già thỏ, tường Cửu Long, diều giấy, những món đồ men xanh Cảnh Thái (*), hơi thở đầy nghệ thuật nhưng cũng rất hiện đại len lỏi trong từng ngóc ngách của tiệm cơm, bao gồm cả trong những món ăn đặc trưng của quán.
(*) Đều là những món đồ đặc trưng trong văn hóa Bắc Kinh, xem rõ ở cuối chương.
Nhưng khách quen nhiều nhất vẫn là tới để ngắm người – bồi bàn phục vụ trong quán, nữ mặc xường xám, nam mặc trường sam, mỗi người đều có tuyệt chiêu đặc biệt, bất chợt sẽ thể hiện trà nghệ cho anh xem, biểu diễn nghệ thuật đốt lửa, tỷ như một màn "Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ (*)"; dẫu sao cũng có thể nhìn sắc mặt mà đùa giỡn cùng anh mấy câu, hệt như một diễn viên tấu nói (**).
(*) Hán Việt: "Giang phong ngư hỏa đối sầu miên", câu thơ trong bài "Phong kiều dạ bạc" của Trương Kế, bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh (nguồn: thivien.net).
(**) Nguyên văn là 相声 (tương thanh), một loại hình nghệ thuật nói hát dân gian của Trung Quốc, đặc trưng là sử dụng hình thức nói, bắt chước, trêu chọc, hát, đối đáp hài hước để gây cười.
Hai hội phó Lang Huyên và Hắc Bách của Hoa Tiếu từ Hàng Châu tới Bắc Kinh làm một chuyến công tác liên kết với bên ngoài, Ly Hận Thiên hẹn họ đến ăn ở tiệm cơm Lão Kỳ. Hôm nay là ngày 27 tháng 12, đúng dịp sinh nhật Lăng Tửu, Hoa Tiếu lấy danh nghĩa chính thức mua hoa tươi và bánh ga-tô tới tặng. Hiện giờ studio Phi Ngã vẫn đang là nhà ăn nên làm ra nhất trong tứ đại thương đoàn, mỗi nhà đều không khỏi ngầm tranh đấu gay gắt với nhau, nhưng biểu hiện ra bên ngoài thì vẫn hòa hợp êm thấm.
"Nghe nói studio Cưu Bạch đêm qua vừa mới lấy được bản quyền kịch bản vở "Huyễn thế đăng"?" Lang Huyên hỏi. Cô nàng cầm tai ông già thỏ, nhìn một cái, một miếng nuốt trọn.
"Chậc." Ly Hận Thiên ăn bì vịt tẩm đường trắng, nói, "Tin tức của các cô cũng nhanh nhạy quá rồi."
"Hắc Bách rất thân với biên tập bản quyền của Anime Hữu Yêu, nghe nói Cưu Bạch từ tháng năm đã bắt đầu đàm phán về bộ manhua (*) này rồi, không biết sao đến giờ mới quyết định nữa." Lang Huyên lại đớp cái tai còn lại của ông già thỏ, chậm rãi hỏi, trong mắt lóe lên tia sáng hứng thú.
(*) Tớ nghĩ mọi người đều biết về cái này rồi nhưng vẫn định nghĩa lại cho chắc, chúng ta đều biết manga là thuật ngữ chỉ truyện tranh (và phong cách vẽ truyện tranh) xuất phát từ Nhật Bản, qua đến Trung Quốc thì nó thành manhua, Hàn Quốc thì là manhwa, cả ba vốn là cùng một nghĩa, nhưng về sau được chia ra làm thuật ngữ chỉ riêng truyện tranh của từng nước, manga là truyện tranh Nhật Bản, manhwa là truyện tranh Hàn Quốc và manhua là truyện tranh Trung Quốc. Không chỉ thế, các thuật ngữ trong manga và anime cũng đều được Trung hóa nhưng bởi ở Việt Nam không quen thuộc với những từ ngữ đó nên tớ sẽ giữ nguyên từ gốc tiếng Nhật hoặc những từ quen thuộc trong giới đọc truyện tranh của Việt Nam.
Ly Hận Thiên biết cô nàng này đang moi tin của hắn. Lang Huyên và Hắc Bách ở Hoa Tiếu có địa vị như tả hữu hộ pháp, Lang Huyên được gọi là "Khoái Kiếm", ra tay nhanh gọn, gặp phải chết chắc, Hắc Bách thì trầm tính ổn trọng. Có điều, chuyện về Cưu Bạch, Ly Hận Thiên chưa bao giờ keo kiệt trong việc chia sẻ.
Không thể phủ nhận là, sau màn biểu diễn đáng trầm trồ ở triển lãm thành phố Y, tứ đại thương đoàn không thể không nhìn nhận Cưu Bạch như một nhân tài mới xuất hiện.
Nhưng cho tới giờ, Ly Hận Thiên chưa từng dời mắt khỏi Cưu Bạch.
"Giả dụ cô là Quan Cửu, cô có đồng ý dựng kịch cho bộ manhua "Huyễn thế đăng" này không?" Ly Hận Thiên vừa hỏi vừa nhai bì vịt tẩm đường trắng, gần như không có chút vị ngấy chút nào.
Lang Huyên thoáng nhíu mày. Nếu không phải sáng nay Hắc Bách nói cho cô biết Cưu Bạch lấy được "Huyễn thế đăng", có lẽ cả đời này cô cũng không biết đến trên đời lại có một bộ anime quốc nội như thế.
"Huyễn thế đăng" được đăng trên Anime Hữu Yêu, Lang Huyên cũng đã liếc sơ qua. Anime Hữu Yêu là trang web manhua lớn nhất trong nước, không ai sánh bằng. Trên đó, shoujo, shounen, fantasy (*)... thể loại nào cũng có, cũng bồi dưỡng ra được rất nhiều tác phẩm cấp đại thần. Vở kịch của Yêu Đao Liên Minh ở triển lãm thành phố Y cũng là soạn lại từ bộ manhua thuộc trang web này, đó là một tác phẩm gốc có độ nổi tiếng rất khủng. (**)
(*) Shoujo là thể loại truyện tranh chủ yếu dành cho đối tượng là con gái (ví dụ: Bá tước tiểu thư, Nữ hoàng Ai Cập...), thường là truyện tình cảm lãng mạn; shounen là thể loại chủ yếu dành cho con trai, đa phần có nội dung phiêu lưu, bạo lực ở mức độ nhẹ (One piece, Naruto...), fantasy là thể loại truyện phiêu lưu kỳ ảo (...đừng trông chờ tớ sẽ phun được cái tên nào ra ở đây vì thực ra, lạy hồn, tớ không có đọc truyện tranh và xem phim hoạt hình).
(**) Giải thích một chút, theo tớ hiểu thì Anime Hữu Yêu hoạt động giống như một webtoon platform, tức là một trang web/ứng dụng đăng truyện tranh trả phí, ở đó, Anime Hữu Yêu sẽ đóng vai trò trung gian giữa độc giả và tác giả, xuất bản, quảng bá, phân phối bản quyền tác phẩm của tác giả, thu phí của người đọc và trả lương theo doanh thu cho tác giả. Giống như Comicola ở Việt Nam ấy, nhưng Comicola thì nghiêng về xuất bản sách hơn, hình như đang chuẩn bị ra mắt ứng dụng đọc truyện thì phải.
Nhưng phong cách của "Huyễn thế đăng" thì...thực sự có hơi đặc biệt.
Giữa rừng manhua màu bạt ngàn, nó lại là một bộ truyện tranh đen trắng, phong cách vẽ thô cứng nhưng sức tưởng tượng lại vô cùng tráng lệ. Bối cảnh là vào thời loạn thế Nam Bắc triều, nhân vật chính Diệp Huyễn Nô bước qua núi xương, xuyên qua hai giới âm dương, một chiếc đèn soi rọi lòng người biến ảo và câu chuyện của vạn vật.
Bộ manhua này tương đối hắc ám quái dị, số yêu quái trong đó cũng phải đến một ngàn nhân vật, Lang Huyên khi đọc đã nghĩ, Cưu Bạch làm sao có thể đưa được bộ manhua kén người đọc với hơn một ngàn nhân vật yêu quái này lên kịch chứ? Hắc Bách nói, lúc biên tập bản quyền của Hữu Yêu nói với anh ta chuyện này thì đang rất vui mừng, cảm thấy bán được bản quyền chuyển thể của nó là đã hời rồi.
Kịch sân khấu 2D, phục trang hóa trang và đạo cụ hoặc là hoàn toàn y theo nguyên bản trong trò chơi hoặc manhua màu để làm; hoặc là như "Công tử trong hồ", hoàn toàn phát huy trí tưởng tượng qua câu chữ, không bị ràng buộc. Nhưng từ manhua đen trắng sang kịch sân khấu thì lại không nhẹ nhàng như vậy.
"Danh tiếng của studio Cưu Bạch hiện giờ rực rỡ, trong tay còn đang nắm một dự án chỉ lời không lỗ là "Long lân". Không phải nghe nói Cưu Bạch đã thỏa thuận đặt cược với SE sao? Tôi nhớ Quan Cửu nói là họ tất nhiên sẽ nhận thêm nhiều dự án loại này trước đã, bù lại hết khoản thua lỗ của ba năm trước rồi lại nói sau." Lang Huyên đắn đo nói, chợt nhớ tới điều gì, nhìn Ly Hận Thiên, "Ý anh là...trong nội bộ studio Cưu Bạch nảy sinh chia rẽ sao. Vậy nên mới kéo dài lâu như vậy?"
Ly Hận Thiên gật đầu: "Cô đừng quên, đối tác của Cưu Bạch, là hai bên khác nhau."
Lang Huyên "ha" một tiếng, cầm thìa khuấy khuấy bát canh, chầm chậm nói: "Nếu đây là sự thật, vậy Quan Sơn Thiên Trọng cũng không phải là chỉ hát "ooh ooh ooh" đâu nhỉ?"
"Cho đến giờ đều chưa từng chỉ hát "ooh ooh ooh"." Ly Hận Thiên kéo Lăng Tửu một cái, cưng chiều nhìn cô ả, "Chỉ tội cho cô bé ngốc của anh thôi, cứ vậy bị người ta lừa suốt hai năm."
"Phiền chết được, nhắc đi nhắc lại." Lăng Tửu mất hứng vùng ra khỏi hắn, "Các người nói chuyện trước đi, tôi ra ngoài hút điếu thuốc, trong này đông người quá."
Lăng Tửu ra ngoài, Lang Huyên nhìn bóng lưng cô ả cười sâu xa: "Cô gái nhỏ trưởng thành rồi." Hơn nửa năm nay, studio Phi Ngã lăng xê cho Lăng Tửu không ít, địa vị của Lăng Tửu trong giới cũng lên như diều gặp gió.
Ly Hận Thiên cười: "Còn không phải sao? Cô bé này dã tâm rất lớn, tôi sắp không giữ được cô ấy nữa rồi."
Lang Huyên kính Ly Hận Thiên một ly, nói: "Lão Ly, không phải tôi cố ý chia rẽ đâu, nhưng cô nhóc này, có thể đá Quan Sơn Thiên Trọng thì cũng có thể đá anh đấy."
Ly Hận Thiên uống cạn rượu trong ly, cười ha ha, từ chối phát biểu ý kiến.
Hắc Bách nãy giờ vẫn im lặng đột nhiên lên tiếng: "So với những người từng trải như Ly Hận Thiên và Quan Sơn Thiên Trọng, Lăng Tửu vẫn còn non lắm."
Lang Huyên liếc sang anh ta, hỏi: "Cậu nói Ly Hận Thiên từng trải tôi còn hiểu được, nhưng Quan Sơn Thiên Trọng làm sao là giang hồ lão luyện được?"
"Cảm giác."
"Cậu gặp hắn rồi à?"
"Chưa."
Quan Sơn Thiên Trọng không bao giờ lộ diện, trước đó bọn họ quả thực cũng chưa từng chú ý đến.
"Xì." Lang Huyên phì cười một tiếng, chỉ vào Hắc Bách mà nói với Ly Hận Thiên, "Nói chuyện với người như cậu ta chính là không thông được mà."
Ly Hận Thiên cụng ly với Hắc Bách một cái, cười nói: "Gọi tôi là người từng trải, anh đề cao tôi quá rồi."
"Anh mà không từng trải thì ai mới từng trải?" Lang Huyên nói, "Thanh xuân của chúng ta đều cúng cho cái giới này hết rồi, tre già măng mọc, chỉ còn mỗi mấy người đã hai mươi bảy, hai mươi tám chúng ta mới già rồi mà không chịu đi. Những tân binh như Lăng Tửu không biết những chuyện cũ chứ chúng ta thì sao lại không biết được?"
Cô nàng cười đầy thần bí, ghé sát vào Ly Hận Thiên, hạ giọng hỏi: "Năm đó anh theo đuổi Nhược Thủy rầm rộ thế, kết quả người ta lại cứ cong từ đầu tới cuối, quan hệ với Quan Cửu còn tốt hơn. Có phải anh vẫn canh cánh trong lòng nên về sau mới đối địch với Cưu Bạch vậy không? Còn đào góc tường nhà người ta nữa?"
Đang nói, Lăng Tửu đã quay lại, có chút ảo não nói: "Sao bên ngoài cũng lắm người vậy chứ." Lang Huyên vội vã mỉm cười ngồi thẳng lại, nói: "Cuối tuần mà, đây lại còn là Tây Đơn, sao có thể ít người được chứ. Nếu em ngại Bắc Kinh nhiều người thì tới Hoa Tiếu bên chị đi, ở Hàng Châu người ít, phong cảnh lại đẹp, khí hậu dưỡng người, có khi em lại đẹp thêm một bậc không chừng."
Ly Hận Thiên vỗ bàn một cái: "Đào người ngay trước mặt tôi, Hoa Tiếu các cô rốt cuộc có biết "đạo đức nghề nghiệp" viết thế nào không thế?"
Lang Huyên nói với Lăng Tửu: "Hoa Tiếu bọn chị đang hợp tác dài hạn với câu lạc bộ Tập Anh đấy..."
Ly Hận Thiên hô: "Tính tiền tính tiền!"
"Mọi người nhìn thử cô nhân viên ở hướng chín giờ đi kìa." Hắc Bách không tham dự vào cuộc tranh đấu giữa họ, thình lình nói một câu như vậy, "Hát nghe được phết."
Mấy người theo lời nhìn lại...
Đó là một bàn lớn mười người, xem chừng là một đại gia đình đến mừng sinh nhật cho cụ nhà, ông cụ mặc áo gấm bông màu đỏ thêu chữ Phúc, trước mặt đặt một bát mì trường thọ. Bữa tiệc của họ đã đến hồi cuối, bắt đầu lên hoa quả tráng miệng rồi.
Nhân viên Hắc Bách chỉ là một cô gái, mặc xường xám hoa xanh nền trắng đồng phục của tiệm cơm Lão Kỳ, cô đặt đĩa dưa hấu, nho và dưa hami vào giữa bàn, khép ngón tay lại đung đưa, hát:
"Dưa hấu miếng nhỏ bổ bốn năm, vỏ mỏng ruột xốp thực vừa lòng..." (*)
(*) Bài "Dân bản xứ Bắc Kinh" do Trương Bá Hồng thể hiện.
Một câu này dùng giọng Bắc Kinh hát nghe vô cùng bay bổng, cô cười đến xán lạn, cúi người một cái với khách, nói: "Mời dùng thong thả!"
Bàn khách kia nhất thời chưa phản ứng kịp, cô nói xong "Mời dùng thong thả" rồi mới bất chợt nhất tề vỗ tay tán thưởng, "Cô bé hát hay thật đó, quay lại hát thêm một đoạn đi nào!"
Cô gái cũng không rụt rè, nụ cười càng thêm chói lọi, cười đến độ mắt phượng híp lại, cô nói: "Hát gì đây ạ?"
Mấy người nhìn nhau, người đàn ông trung niên ôm con nhỏ nói: "Ông cụ và bà cụ nhà tôi đều thích bài hát của Lý Cốc, hay là hát một đoạn "Cố hương là Bắc Kinh" đi."
Cô gái kia làm bộ xắn tay áo – xường xám ngắn tay, căn bản không có tay áo để xắn. Cô hắng giọng một cái, nói: "Cháu đúng là có thể hát thật, chỉ sợ hù dọa đến cụ thôi."
Ông cụ: "Chớ sợ chớ sợ!"
Cô gái bèn hát thật, nhảy cóc qua khổ đầu, hát luôn vào điệp khúc:
"Đừng nói, trăng trên thiên đàn, gió ngoài bắc hải, cầu qua sông Lư sư tử còn ngồi, nơi chùa Đàm Chá tùng còn phất phơ..." Chữ "phơ" hát nghe uyển chuyển trầm bổng, vô cùng dập dờn, tựa như ngàn con nước nhỏ có thể len lỏi đi khắp nơi, khí vận dài lâu, mọi người đều vỗ tay tán thưởng.
Cô hát tiếp: "Hát không hết, tường đỏ ngói xanh điện Thái Hòa, nói khôn cùng, mười dặm phố phường...ngự cầu vồng..."
Khác với Lý Cốc, giọng cô thuần nam tính, hát đến "Mười dặm phố phường...ngự...cầu...vồng", khí vận hồn hậu càng thêm nhuần nhuyễn, dường như đang vung xà tung hoành, khiến người ta nghe mà cả người khoan khoái không gì sánh được.
Giọng hát này quả rất hay, tuy chỉ là hát chay, không có loa mic khuếch đại âm thanh, nhưng giọng hát đó so với giọng nói bình thường của cô trước đó, lại mang theo khả năng xuyên thấu vô cùng mạnh mẽ, ánh mắt của mấy bàn quanh đó đều bị bên này thu hút, bao gồm cả bàn của đám Ly Hận Thiên.
"Đây chính là cô gái lần trước chúng mày muốn dẫn tao tới xem ấy hả?"
"Đúng vậy, đẹp đúng không? Quan trọng là bảo hát là hát ngay, không cự nự gì hết, gần đây, những cô gái thế này hiếm lắm. Có muốn hẹn ra vui đùa chút không?"
Gã trai trẻ tuổi được hỏi nhất thời nhướng mày, bàn tay dưới bàn siết chặt lại.
Cô gái kia còn chưa hát hết: "...Ngọt làm sao, giòn giã sao, giọng Bắc Kinh vốn tự đa tình, giọng Bắc Kinh vốn...tự...đa...tình..." Lúc hát đến "giòn giã sao", một chữ vừa kết thúc, cảm giác như giọng cô cũng giòn tan, như tươi non mọng nước như ngó sen. Câu "Giọng Bắc Kinh vốn tự đa tình" sau đó lại càng như rồng bay phượng múa, vừa bật ra được tính hồn hậu mạnh mẽ đầy vang vọng của giọng nam, lại cũng không mất đi sự mềm mại tinh tế của phái nữ. Mọi người vỗ tay một tràng như sấm, ông cụ vô cùng hài lòng, liên tục giơ ngón cái lên. Cô gái vừa cười vừa cúi người một cái, lễ phép lui ra.
Bên kia, Ly Hận Thiên và Lăng Tửu không phát ra tiếng nào, Lang Huyên chọc đũa vào bát: "Ái chà chà, Bắc Kinh thật đúng là ngọa hổ tàng lòng, hát hay vậy mà lại đi làm nhân viên bồi bàn sao? Nhân tài không được trọng dụng nhân tài không được trọng dụng."
Lăng Tửu chợt đứng dậy, kéo trưởng kíp mặc áo khoác bên cạnh lại:
"Bọn tôi muốn đổi người phục vụ, có được không? Số 7, đúng rồi, chính là cái cô vừa hát đó."
***
Dư Phi làm công ở tiệm cơm Lão Kỳ cũng đã được mấy tháng.
Chưa đầy tám tháng mà vừa phải thi chuẩn bị vừa phải viết đơn xin học nghiên cứu sinh, với nền tảng trước đây của cô mà nói, vẫn khá khó khăn. Cô nghĩ tới nghĩ lui, quyết định vẫn lấy ngón nghề học từ nhỏ của cô ra để duy trì kế sinh nhai, phần lớn thời gian thì dành để ôn tập.
Khi còn ở Thiện Đăng Đĩnh thì không cảm giác được, đến lúc thật sự ra ngoài làm việc rồi, Dư Phi mới phát hiện ra mình ngoài hát hí khúc ra thì hầu như cái gì cũng tệ. Ngay cả đi làm nhân viên dọn vệ sinh, người ta cũng chê cô không đủ nhanh nhẹn, còn nói là với ngoại hình của cô không nên làm những việc thế này, khuyên cô nên tìm một công việc "thích hợp" hơn.
Cô hiểu rất rõ ý tứ của hai chữ "thích hợp"này, cảm thấy nghe thế nào cũng giống như một kiểu kỳ thị.
Vì vậy cô thay đổi sang phong cách nữ sinh, nuôi lại tóc dài, tận lực tu bổ thành dáng vẻ lanh lợi hiện tại. Sau hơn mười ngày tốn công vô ích ở chợ lao động, cô tổng hợp lại suy xét về năng lực của mình và số tiền cần thiết, quyết định hay là tìm công việc gì đó liên quan đến vốn liếng sẵn có.
Ban đầu, cô định đi dạy kinh kịch cho thiếu nhi, kết quả là vì cô không xuất thân chính quy từ trường hí khúc nên các bậc phụ huynh không tin cô lắm. Sau nhiều lần đυ.ng phải chướng ngại, rốt cuộc cô đành ngoan ngoãn đi biểu diễn hí khúc ở quán trà.
Cô không hóa trang, chỉ hát chứ không diễn, vậy nên cũng không tính là vi phạm lời thề đã lập khi rời khỏi Thiện Đăng Đĩnh. Ai ngờ hát được hai bữa, lại có người kín đáo kéo cô lại, hỏi cô có phải "Dư Phi" không.
Cô cả kinh, cũng không dám nghĩ ngợi nhiều, luôn miệng phủ nhận.
Từ đó về sau, không dám lên đài hát lại lần nữa.
Cho đến tận khi có người giới thiệu cho cô đến tiệm cơm Lão Kỳ. Tiệm cơm Lão Kỳ đặc biệt thiếu nhân viên phục vụ biết hát hí khúc như cô. Cô hát hay, xinh đẹp, phóng khoáng lại cởi mở, rất được lòng quan khách. Có không ít khách thậm chí còn vì yêu cầu cô hát mà ăn thêm bữa nữa.
Dựa vào bản lĩnh này mà cô đã xin được quản lý tiệm cơm cho trở về trước tám giờ tối để ôn tập, lương theo giờ cũng rất khá.
Cô tính toán chính xác, đến cuối tháng Mười hai, tiền lương về tay, số tiền trước đó mượn bố cũng có thể trả hết được rồi.
Kỳ thi nghiên cứu sinh đã thi xong, mọi chuyện đều đã được hoạch định, chỉ còn chờ ý trời.
Cả một năm long đong lận đận, giờ chỉ cần kiên trì bốn ngày nữa là có thể có được một cái kết hoàn mỹ. Từ nay về sau không nợ không nần, cả người nhẹ nhõm, sạch sẽ tinh tươm bắt đầu lại từ đầu.
Nghĩ đến đây, cô liền muốn hát cho mỗi người.
Bước chân cô như mang theo gió, vui vẻ tựa một cánh chim sải rộng.
Hát cho nhà nọ nghe "Cố hương là Bắc Kinh" xong, trưởng kíp gọi cô lại: "Trong góc Bách Hoa kia có một bàn gọi em đấy, bàn họ mới vào, vung tay rất mạnh. Em phục vụ tốt vào nhé, tranh thủ giữ chân người ta làm khách quen."
Cô híp mắt cười: "Được ạ."
Nhưng đến bàn trong góc Bách Hoa rồi, nụ cười của cô cứng lại, lập tức biến mất.
Từ lúc gặp phải Bạch Phỉ Lệ bên bờ Phật Hải, cô đã nên nghĩ đến, khoản nợ một năm này của cô, còn chưa chấm dứt được rõ ràng. Ở một nơi sâu thẳm nào đó như có một vị thần cầm bàn tính gảy hạt lên xuống, ngẩng đầu lạnh lùng cười với cô: Cuối năm rồi, nên thanh toán thôi.
Cô nhìn Ly Hận Thiên, trên thái dương hắn đã có thêm một vệt mờ mờ. Lăng Tửu cũng thay đổi rất nhiều, lớp trang điểm hôm nay rất dày, ánh mắt lóe ra vài tia lạnh lẽo.
Sợ là khó mà giải quyết tốt được.
Bầu không khí quanh quẩn một cảm giác kỳ quái, Lang Huyên và Hắc Bách cũng đã nhìn ra. Studio Phi Ngã giữ rất kín chuyện xảy ra ngày hôm đó, trừ Quan Cửu biết được thông qua điều tra của cảnh sát ra, những người khác hoàn toàn không hay biết gì.
Lang Huyên không nhịn được hỏi: "Ba người quen nhau à?"
Ly Hận Thiên ngoài cười mà trong không cười, nói: "Cô và Hắc Bách cũng biết đấy, còn nhớ "Công tử trong hồ" của Cưu Bạch không? Vị này chính là người diễn Lưu Hí Thiềm đó!"
Lang Huyên và Hắc Bách đều lấy làm kinh hãi, nhìn cô chằm chằm một lượt từ trên xuống dưới, Lang Huyên kinh ngạc không thôi, nói: "Thật là cô sao? Cưu Bạch vẫn đang tìm cô đấy, sao cô lại ở đây làm nhân viên thế này?"
Dư Phi lẳng lặng nói: "Tôi sắp tan làm rồi, để tôi đi nói trưởng kíp thay người khác phục vụ các vị."
"Khoan đã!" Ly Hận Thiên chỉ vào vết sẹo trên thái dương, nói: "Đánh người bỏ chạy, còn chuyên nhằm vào mặt, cô gái à, tâm tư cô thật ác độc."
"Vậy các người hôm nay muốn thế nào đây?" Dư Phi nhếch khóe miệng, cười một cái.
"Đổi đĩa trước đã."
Dư Phi không nói gì, nghiêng người qua thu dọn những cái đĩa ngập đầy dầu mỡ của họ, rồi lấy khăn sạch lau bàn. Lăng Tửu lạnh lùng nhìn cặp mắt xếch đuôi nhọn, khi nhướng mày tỏa ra khí chất ngây ngất lòng người gần trong gang tấc kia. Cô vươn người qua thay đĩa mới cho họ, chiếc xường xám ôm sát lưng cô tạo thành một đường vòng cung lõm xuống dưới.
Rèm nặng chẳng lưu nổi hương lâu, nghiên nông lại đọng được mực nhiều. (*)
(*) Hán Việt: "Trọng liêm bất quyển lưu hương cửu, cổ nghiễn vi ao tụ mặc đa.", hai câu thơ của nhà thơ Lục Du thời Nam Tống.
Cô ở đâu, hơi thở nghệ thuật này sẽ xuất hiện ở đó, dù cho nơi ấy có là chỗ ầm ĩ ồn ào.
Cảm giác này khiến lòng cô ả dâng lên một nỗi chua xót ác liệt, và cả một nỗi căm hận cay độc không thể thành lời vì không sao đuổi kịp được.
Ly Hận Thiên nói: "Hôm nay cô hát cho chúng tôi một bài, chuyện quá khứ sẽ xí xóa, hời cho cô đó."
Dư Phi nhìn chằm chằm vào mắt hắn, chậm rãi đứng thẳng dậy: "Không hát được."
"Vì sao?"
"Không muốn hát."
"Hả? Còn có thể cò kè mặc cả được nữa sao? Hôm nay là sinh nhật bạn gái tôi, bảo cô hát một bài cũng không được?"
"Không được."
"Trưởng kíp!"
Trưởng kíp vội vã chạy tới, "Có chuyện gì vậy?" Anh ta nghe Ly Hận Thiên nói vài câu, quay sang trách Dư Phi: "Thế chẳng phải đỡ nhất cho em rồi sao..."
"Bỏ đi, có thể cổ họng cô ấy không thoải mái lắm." Lăng Tửu bỗng lên tiếng, thở dài khe khẽ như đang thỏa hiệp, nhìn bàn đối diện, nói: "Trà nghệ kia nhìn cũng hay lắm, nếu để con gái châm trà nhất định sẽ lại càng đẹp mắt, chúng tôi muốn cô ấy giúp chúng tôi châm trà, có được không?"
Bàn đối diện, sư phụ trà nghệ mặc trang phục chuyên dụng, cầm một cái ấm có vòi dài khoảng ba thước, đang biểu diễn "Long thành thập bát thức", nhấc ấm nâng chén, chuyển qua dời lại như du long.
Trưởng kíp nhìn về phía Dư Phi, Dư Phi nói: "Em không làm."
Sư phụ trà nghệ cầm ấm trà đi qua bàn họ, Lăng Tửu nói: "Sư phụ, trà nghệ của thầy học dễ không? Tôi có thể tìm thầy học vài chiêu không?"
"Chuyện này..." Sư phụ trà nghệ khó xử, "Dạy cô vài chiêu thì không thành vấn đề, có điều trang phục cô mặc hôm nay chỉ sợ không làm được." Lăng Tửu mặc một chiếc váy dài kiểu dáng phức tạp, còn đi một đôi giày da cao gót.
Lăng Tửu nhìn trưởng kíp, mỉm cười: "Anh xem, không học được mất rồi."
Trưởng kíp nhíu mày, đánh mắt với Dư Phi, ý bảo cô cứ làm cho có lệ đi, đừng xích mích với khách.
Châm trà so với mở họng ra hát có thể tạm chấp nhận được hơn một chút. Với Dư Phi mà nói, giọng hát mới chân chính là xương tủy của cô, nếu cô bị róc xương lóc thịt, đốt thành tro tàn, nhưng sau cùng lại có một viên xá lợi (*) bất tử bất diệt, thì đó nhất định chính là giọng hát của cô.
(*) Khi các bậc cao tăng về cõi Niết Bàn, sau khi hỏa thiêu sẽ còn lại những hạt châu được gọi là xá lợi, như một minh chứng cho đạo hạnh và đức hạnh cao sâu của họ, ví dụ như trái tim xá lợi của nhà sư Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm vào năm 1963, hiện được thờ ở Việt Nam Quốc Tự, TP. Hồ Chí Minh.
Cô nói không hát, chính là sẽ thật sự không hát.
Đã là cuối năm, cách kết thúc một năm chỉ còn bốn ngày, Dư Phi không muốn làm lớn chuyện. Ánh mắt cô trầm xuống đôi chút, cầm lấy ấm trà từ tay sư phụ trà nghệ.
Ấm trà nặng trịch, nước nóng bên trong gần như vẫn đầy. Dư Phi theo sư phụ luyện công từ nhỏ, có mệt mỏi hơn cũng không được kêu ca. Vậy nên trong xương cô có một sự dẻo dai, giúp cô không đánh đổ nước trà ra chút nào. Mà trà Mông Đỉnh đong đầy trong cái ấm này cũng thật sự rất quý giá, nếu đánh đổ, chỉ sợ tiền lương tối nay của cô cũng sẽ bay mất sạch.
Mấy người bàn bên kia kéo kéo người đàn ông trẻ tuổi nọ, nói: "Mau xem kìa, cô gái kia sắp học Long hành thập bát thức đó!"
"Mấy anh bạn bàn đó nói đúng đó, nhìn dáng vẻ một cô gái mặc xường xám luyện trà nghệ này, còn không phải là eo ra eo, mông ra mông sao? Sáng kiến! Đúng là sáng kiến!"
"Mày nói xem, Long hành thập bát thức này nếu luyện giỏi thì bàn long thập bát thức có phải cũng thành luôn không?"
"Ha ha ha ha ha ha ha ha..."
Người đàn ông trẻ tuổi kia chợt đứng dậy, bỏ lại câu: "Mắc tiểu, chúng mày cứ xem trước đi." Nói đoạn đi ra ngoài.
Sư phụ trà nghệ dạy Dư Phi vài chiêu thức nhập môn, Dư Phi vô cùng chăm chú. Cô rất có căn cơ luyện công, gần như là vừa học đã biết, một điểm là thông, sư phụ trà nghệ luôn miệng khen ngợi, trưởng kíp cũng liên tục gật đầu, cười nói: "Em về sau trực tiếp bái sư học trà nghệ đi là được rồi!"
Vốn định hạ nhục cô một phen, lại bị cô trở mình thành xuất sắc. Rồng cuốn mây vần, cảnh lướt sóng trào, tuy còn chưa nhuần nhuyễn, động tác còn luống cuống, nhưng tư thái cô diễm lệ, không ngờ lại tạo nên một vẻ phong tình rất riêng.
Ấm trà vừa nặng vừa nóng, Dư Phi tập trung tinh thần vào việc cân bằng ấm trà và thân thể. Nhưng có một động tác cô phải giơ ấm qua đỉnh đầu, lúc đứng thẳng một chân, dưới đáy bàn bỗng vươn ra một cái chân, đá mạnh vào chân cô!
Cô đứng rất sát bàn, động tác đều tập trung trên tay, trên bàn lại có khăn trải bàn dài thượt rủ xuống tận chân bàn, động tác này, đúng là không có ai chú ý đến.
Dư Phi cảm thấy ống quyển đau dữ dội, kêu lên một tiếng đau đớn, ngã nhào lên sàn. Ấm trà ngả nghiêng rơi xuống, nước trà nóng rẫy giội xuống đầu, nửa mặt và nửa thân cô đều bị dính.
Tất thảy chỉ xảy ra trong nháy mắt, Lang Huyên và Hắc Bách cả kinh cùng đứng bật dậy, sư phụ trà nghệ và trưởng kíp nhất thời không biết phải làm sao.
Da con gái rốt cuộc vẫn là non mịn, trong sát na trở nên đỏ bừng như tôm luộc! Xường xám cô mặc cũng mỏng, căn bản không đỡ được nước trà nóng bỏng. Cũng may bên trong cô có mặc áσ ɭóŧ, sau khi thấm xuống, cũng không quá mức khó chịu.
Phản ứng của cô rất nhanh, nghiêng người lập tức từ dưới đất bò dậy, nhào tới bàn vả cho Lăng Tửu một cái bạt tai giòn giã!
"Dám đá tôi!"
"Ai đá cô chứ!" Lăng Tửu sao ngờ được động tác của cô lại nhanh như vậy! Ôm mặt đứng dậy, vành mắt đỏ ửng.
Tóc Dư Phi thấm ướt, rũ rượi, cô níu lấy cổ áo Lăng Tửu, đẩy về phía sau, chỉ nghe thấy tiếng ghế nghiêng ngả rầm rầm, Lăng Tửu "bịch" mọt tiếng bị ấn vào vách tường sau lưng!
Dư Phi nửa mặt trắng như tuyết, nửa còn lại nóng hầm hập, hai mắt vằn tia máu, vẻ mặt tất nhiên là rất dữ tợn. Lăng Tửu sợ đến không thốt nên lời, nỗi sợ hãi thấu xương của đêm nọ ùn ùn kéo tới, cô ả thất thố thét lên.
Ly Hận Thiên gắng sức tách hai người ra, trưởng kíp và sư phụ trà nghệ cũng cuống quít chạy qua kéo Dư Phi lại, "Mau mau, mau đi bác sĩ..."
Dư Phi giữa màn hỗn loạn bị trưởng kíp và sư phụ trà nghệ đẩy vào phòng y tế, Lang Huyên và Hắc Bách cũng theo sát tới. Ly Hận Thiên kéo Lăng Tửu, Lăng Tửu vẫn còn đang hơi hơi run rẩy, chưa lấy lại được tinh thần.
"Có phải em hơi quá đáng rồi không?"
"Em quá đáng?!" Lăng Tửu nghẹn ngào gào lên, bị Ly Hận Thiên che miệng lại, "Lúc cô ta kêu người đến, chúng ta suýt bị đánh chết đó! Em chỉ đá cô ta một cái, thế mà là quá đáng à?! Anh đừng quên, khi trở về chúng ta còn phải đến khám bác sĩ tâm lí, sống mũi Âm Độ Tư còn bị gãy mất đó!"
Ly Hận Thiên nhìn về phía Dư Phi rời đi, ánh mắt hiện vẻ u ám.
Đêm đó là nỗi nhục trọn đời của hắn, không thể nghi ngờ.
Nói cho cùng, đều là bởi một người, Quan Sơn Thiên Trọng, hoặc giả là...
***
Dư Phi được đưa vào phòng y tế của tiệm cơm, tiếp nhận giảm nhiệt khẩn cấp, thay trang phục, bôi thuốc, đắp đá. Sư phụ trà nghệ trẻ tuổi vẫn đầy tự trách mà xin lỗi cô, cô nói không sao. Cũng may nhiệt độ nước trà cũng chỉ khoảng sáu mươi độ, cô được xử lý y tế cũng rất nhanh, ngoài việc da bị đỏ lên thì vết bỏng cũng không bị rộp.
Lúc này cô mới bắt đầu cảm nhận được đau rát như bị thiêu đốt râm ran khắp nửa người, chỉ có dùng túi chườm đá lên người mới dịu đi được chút ít. Nằm trên giường nhìn lên trần nhà, cô nở nụ cười mỉa mai.
Một năm nay, kể từ khi rời khỏi Thiện Đăng Đĩnh, mới biết được con thuyền đỏ lênh đênh trên Phật Hải này đã chắn cho cô bao nhiêu mưa gió trong quá khứ.
Thế sự như lưới, ngàn vạn nhân quả, người trong lưới như tôm cá trong nước trong bùn.
Cũng may, Thứ Cơ thường nói với cô: Thường nghĩ một hai, không nghĩ tám chín. Cô nghe lâu cũng hiểu được đạo lý trong đó. Lúc này đây, mặt mày còn chưa vàng vọt, cùng lắm mới chỉ bong mất một lớp da, cô cảm thấy mỹ mãn lắm rồi.
Hơn nửa giờ sau, cô đổi qua ba túi chườm đá, cuối cùng cũng cảm thấy bỏng rát trên người đỡ đi nhiều. Nhưng một y tá lại tiến đến, đắp cho cô tấm chăn đơn mỏng, nói có người muốn vào gặp cô.
Cô tưởng là quản lý tiệm cơm. Nhưng người nọ đẩy cửa vào lại thật sự làm cô kinh hãi.
Người này họ Dư tên Dương, là người anh thứ cùng cha khác mẹ của cô.
Bố ruột cô tên là Dư Thanh, từng là một bác sĩ khoa chỉnh hình rất có danh tiếng. Dư Thanh và vợ trước có hai người con trai, con cả giờ đang định cư ở Mĩ, con thứ thì ở Bắc Kinh cùng đám bạn lông bông chạy chút việc kinh doanh linh tinh, như rồng thần thấy đầu không thấy đuôi.
Dư Dương tướng mạo tuấn tú, tính cách thì Dư Phi biết rất rõ – điển hình thiếu gia công tử nhà giàu, hơn nữa còn ghét cay ghét đắng cô.
Năm cô mười tuổi bị bệnh nặng, sư phụ ở Thiện Đăng Đĩnh bó tay không biết làm sao, gọi điện cho Ngôn Bội San. Ngôn Bội San cuống đến độ không nghĩ ngợi được gì nữa, trong lúc mất lý trí đã gọi điện đến bệnh viện của Dư Thanh.
Chính là bắt đầu từ đó, sự tồn tại của cô lần đầu tiên xuất hiện trong tầm mắt Dư Thanh, cũng triệt để lật đổ cuộc sống của Dư Thanh.
Nghỉ việc.
Ly hôn.
Bị cô lập.
Dư Thanh bị coi như một người vợ con ly tán.
Khi đó, cô bỗng nhiên biết được sự đời, hiểu được tất thảy về mẹ, về bố, và cả mọi thứ của bố mẹ.
Dư Thanh dốc hết sức cứu cô về. Nhưng cô cũng biết, trong lòng Dư Thanh đè nén một nỗi phẫn hận phức tạp.
Từ lúc Ngôn Bội San bệnh nặng cho đến khi qua đời, Dư Thanh không thương hại hay trợ giúp chút nào.
Sau đó, ông ta cũng không lấy ai nữa, lui về căn nhà cũ ở ngõ Phong Thịnh, tập trung vào y thuật, chữa bệnh dạy học trò.
Cô mang ơn nên mỗi năm đều đến thăm Dư Thanh một lần, đặt quà ở cửa, nhìn ông ta một cái rồi đi.
Cô biết lần nào Dư Thanh cũng ném quà của cô đi, nhưng cô cảm thấy Dư Thanh thấy được tâm ý của cô là được.
Nhưng thằng con Dư Dương này của Dư Thanh thì lại không dễ chọc như vậy. Hắn hơn cô một hai tuổi, có lẽ là vì gia đình ly tán khi còn nhỏ nên hắn không chín chắn trầm tĩnh được như anh cả hắn. Mỗi lần thấy Dư Phi đều sẽ xông tới tay đấm chân đá, cắn xé lẫn nhau với cô như chó điên.
Nhưng Dư Phi cũng chẳng phải dạng hiền lành gì. Cô ở Thiện Đăng Đĩnh từng luyện công, nhưng mới đầu vì vừa mới khỏi bệnh, ốm yếu dặt dẹo, trông thấy Dư Dương chỉ biết trốn chạy.
Sau đó, có một lần bị Dư Dương đuổi tới Thiện Đăng Đĩnh, giữa trời đông giá rét, hắn đẩy mạnh cô xuống Phật Hải vừa đóng băng, thừa dịp trời tối trăng mờ, muốn cô chết đuối.
Lần đó, cô cảm thấy hắn thật sự muốn cô chết thật. Dưới ánh trăng trắng nhợt, cô thấy trong mắt Dư Dương ngập ngụa thù hận và điên cuồng, gần như đen kịt, không có lấy chút lòng trắng nào.
Trong sát na ấy, sau ót cô chấn động, toàn thân nảy sinh sự phản nghịch mãnh liệt. Cô không biết lấy đâu ra sức lực, chìm vào làn nước lạnh thấu xương của Phật Hải, bơi về phía tối nhất.
Dù có là một đóa hoa ti tiện nhất, cũng có quyền được sống tiếp.
Từ đó về sau, cô và Dư Dương cứ thấy mặt là lăn xả vào đánh nhau, không nói nhiều lời, ai đánh gục được người kia thì là người thắng. Đánh suốt hơn chục năm cũng chưa phân thắng bại.
Dư Phi thấy Dư Dương tiến đến, nằm dưới chăn đơn ôm chặt lấy túi chườm đá, cảnh giác hỏi: "Anh tới đây làm gì?"
Dư Dương chẳng nể nang gì ngồi xuống trước giường cô, nheo cặp mắt phượng xếch lên trên, nói:
"Nhìn con tôm lớn bị luộc đỏ nhà mày."
"Nhìn con em anh!" (*)
(*) Chỗ này tớ nghĩ mọi người cũng đều biết là câu chửi nhưng vẫn muốn giải thích kỹ một chút. Chắc ai cũng biết bên Tàu gọi cái đó của đàn ông là tiểu đệ đệ, vậy nên đối ngược lại, muội muội là chỉ chỗ đó của con gái.
"Đúng, nhìn con em tao." Dư Dương cười ranh mãnh, "Đê tiện tiếp đi, rốt cuộc cũng có người trị mày. Bỏng chết cha mày đi, đáng đời."
"Loại người như anh còn ngồi được ở đây, là bởi trời cũng lười quản đó!"
"Vậy à, người tốt không sống thọ, tai họa sống ngàn năm. Tao và mày đều là tai họa, để xem ai sống lâu hơn ai."
"Anh tai họa chó gì, đồ rùa đen thì có."
"Đ*t cụ mày! Tao xé mồm mày ra giờ!" Dư Dương chồm tới, hung tợn bóp miệng cô. Dư Phi liền dúi túi đá vào bụng hắn.
Hai người lại đánh nhau. Dư Dương chợt dừng tay: "Chờ chút, cái đồ ti tiện nhà mày, còn chưa mặc quần áo nữa. Đợi mày khỏe lại rồi ông đây lại tới dạy cho mày một bài."
Dư Phi dữ dằn nói: "Không đến là chó."
Dư Dương hung ác trợn mắt trừng cô, đứng lên nói: "Chờ chút nữa quản lý sẽ tới kết toán tiền lương với mày, mày cầm tiền rồi cút đi."
Dư Phi sững người ngạc nhiên: "Anh có ý gì?"
"Mày đê tiện cũng đừng có đê tiện trước mặt người khác! Tao nói với tiệm cơm rồi, về sau mày không được làm việc ở những chỗ thế này nữa! Để tao bắt được lần nào tao sẽ đập mày ra bã lần đó. Mẹ kiếp còn bị người ta hắt nước sôi, nếu không phải chúng nó chạy mất thì tao đã đạp chết chúng nó rồi!"
Dư Phi nóng nảy, quát: "Ai cho anh làm chủ thay tôi?! Mất việc chỗ này tôi về sau kiếm đâu ra tiền ăn?"
Dư Dương nổi giận đùng đùng đá đổ cái ghế bên cạnh, "Tao kệ mẹ mày kiếm đâu ra tiền ăn! Mày gọi tao một tiếng ông nội đi rồi tao sẽ tạo điều kiện cho mày ăn ngủ tử tế, nói chung đừng có làm cái chuyện thấp kém này nữa! Mày không ngại mất mặt, nhưng tao thì không ngẩng đầu lên được!" Nói xong liền ra ngoài, nhấc chân đạp cửa phòng cứu thương đánh "uỳnh" một tiếng.
Dư Phi nặng nề ngã vật xuống giường.
- -----
Về những món đồ được trưng trong tiệm cơm Lão Kỳ:
• Ông già thỏ (兔儿爷): một món đồ chơi thủ công truyền thống Bắc Kinh, thường được làm vào Trung Thu cho trẻ con. Người ta dưa theo truyền thuyết thỏ ngọc trên cung trăng mà nhân hóa, dùng bùn nặn thành nhiều loại tượng ông già thỏ khác nhau, vừa mang tính linh thiêng lại vừa gần gũi với thế tục, trở thành một di sản văn hóa vật chất của Bắc Kinh. Cái mà Lang Huyên ăn có lẽ là một món bánh nặn gì đó mô phỏng theo tượng ông già thỏ.• Tường Cửu Long (九龙壁): là một bức tường phù điêu, xây theo kiểu vách tường chắn tầm mắt trong kiến trúc cổ Trung Quốc, nằm ở ngoài Hoàng Cực Môn trong cung Ninh Thọ, Tử Cấm Thành.• Men xanh Cảnh Thái (景泰蓝): một loại hàng kim loại mỹ nghệ đặc biệt nổi tiếng ở Trung Quốc, đỉnh cao của kỹ thuật chế tác loại hàng này là vào thời Minh Cảnh Thái, bởi vậy nên người sau gọi là Cảnh Thái Lam. Kỹ thuật chế tác này là trên phôi kim loại (đồng, bạc...), dùng một sợi dây kim loại nhỏ dẹt dễ uốn, tạo thành khuôn hình hoa văn gắn lên phôi, sau đó dùng men màu (chủ yếu là màu xanh lam) tráng vào trong những khuôn hoa văn đó, nung lên thành hoa văn sứ.