Edit: Kogi
Thôn Đổng gia không tiếp đón quá phô trương, chỉ có một mình trưởng thôn đứng chờ ở cổng, tuyết rơi từ hai hôm trước vẫn chưa tan, từng đống từng đống bị quét ở bên đường, chỗ nào quét không đi thì bị người qua kẻ lại giẫm lên, mặt đất gồ ghề, bên trên phủ một lớp sương mỏng.
Trưởng thôn nhìn chúng tôi, xoa xoa tay, ngượng ngập mỉm cười: “Hôm nay lạnh quá nhỉ, trong thôn toàn người già yếu, tôi cũng không dám gọi bọn họ ra… Lễ nghi không chu đáo, mong các anh thông cảm.”
E rằng không dám mời là giả, không mời nổi mới là thật.
Xem ra sự xuất hiện của chúng tôi không được chào đón cho lắm. Tôi biết điều đó, nhưng cũng vô tình làm khó trưởng thôn, dù sao cảm giác bị kẹp giữa chính phủ và dân làng không dễ chịu gì, liền gật đầu không tra cứu thêm.
Ông ấy gần như là thở phào nhẹ nhõm, niềm nở dẫn chúng tôi đi vào.
Thôn làng vẫn giống như nhiều năm trước, mùa đông lạnh buốt, dù mặc áo lông dày cộm, hơi lạnh vẫn luồn vào trong.
Xung quanh trắng xóa là tuyết, thỉnh thoảng mới lộ ra màu đen của đất, thân cây ngô sau khi được thu hoạch bị bỏ lại chỏng chơ giữa màn trời bao la, như thể chúng đang thực hiện nhiệm vụ canh gác của mình.
Chúng tôi đi qua một hộ gia đình, bên trong có mấy ông bà già đang tụ tập, họ ngồi trên kháng sôi nổi đánh bài, bên cạnh thỉnh thoảng lại có một hai người chỉ trỏ, như thể muốn đánh thay họ.
Tôi nhìn quanh thôn làng xa cách nhiều năm.
Tốt quá, trong lúc khoa học kỹ thuật từng bước xâm nhập vào cuộc sống, những phong tục chất phác nơi này vẫn không thay đổi.
Tiếc rằng…
Niềm tin của tôi đối với mọi quyết sách mình đưa ra, ngay lúc này bỗng nhiên có chút gì đó do dự, còn có cảm giác áy náy khó tả.
Điện thoại trong túi rung lên, gạt đi hết những cảm xúc này.
Tôi mở ra, giao diện có một tin nhắn, Thẩm Tu Thần: “Họp xong rồi.”
Tôi trả lời ngắn gọn: “Đang ở thôn Đổng gia.”
Thẩm Tu Thần nghe vậy đủ hiểu, không nói gì nữa.
Khi tôi tưởng cậu ấy sẽ không nhắn lại, điện thoại rung lên một lần nữa: “Em tin vào sự lựa chọn của anh, đừng lo lắng, cũng không cần lo lắng.”
Tôi nhìn câu nói chỉ vỏn vẹn hai dòng, dường như có thể tưởng tượng ra vẻ mặt băn khoăn của Thẩm Tu Thần bên kia, viết rồi xóa, xóa rồi lại viết.
Không thể phủ nhận, tôi bị cậu ấy lấy lòng rồi, đến tâm trạng sầu não chán chường ban nãy cũng trở nên thanh thản nhẹ nhàng hơn.
Tôi cất điện thoại di động, gọi trưởng thôn lại: “Về việc di dời… mọi người có phản ứng như thế nào?”
Trưởng thôn đứng đó, sợ đắc tội tôi nên không muốn nói, nhưng sợ chức vị của tôi nên không thể không nói, điệu bộ tiến thoái lưỡng nan.
Tôi nhìn thẳng về phía ông ta: “Có gì nói đó.”
Trưởng thôn ngẫm nghĩ xem phải trình bày thế nào, dè dặt nói: “Có vài người không hiểu cho…”
“Ừm, vậy vì sao lại đồng ý?” Tôi quay sang hỏi Ngô Trình Dũng: “Hộ không đồng ý trong thôn là một hay hai gia đình?”
Ngô Trình Dũng vội đáp: “Một gia đình.”
Trưởng thôn có vẻ hết sức khó xử, cuối cùng ông ta nghiến răng, nói: “Thị trưởng, tôi nói thật lòng vậy, nếu không phải An Định về làm công tác tư tưởng cho tôi và mọi người, e rằng hơn một nửa số người sẽ không ủng hộ.”
“An Định?”
“Là con trai của một quả phụ trong thôn, mấy năm trước đã qua đời, An Định thì bị đưa đi. Nhưng cậu ấy thường xuyên về thăm thôn, dọn dẹp căn nhà của hai mẹ con. Hơn nữa cậu ấy là sinh viên duy nhất của thôn, nên ai cũng nghe lời cậu ấy.” Trưởng thôn đang nói thì chợt dừng lại, chỉ vào ngôi nhà một tầng phía trước nói: “Chính là căn nhà này.”
Tôi nhìn theo hướng ngón tay ông ta, khu vườn được hàng rào gỗ bao quanh, căn nhà đắp đất, trơ trọi nhưng quang đãng, không có chút kiểu cách nào, đầu tôi nổ bùm một tiếng, trống rỗng.
Tôi nhớ nơi này.
Rất nhiều lần khi tôi cảm thấy áp lực trên vai sắp đè nát mình, tôi sẽ nhớ về nó, nhớ về khoảng thời gian sinh sống ở đây.
Lúc này đây, tôi đã trở về.
Tôi lục tìm túi áo, không có thuốc lá. Vì vậy tôi khẽ hỏi Ngô Trình Dũng: “Có thuốc lá không?”
Ngô Trình Dũng kính cẩn đưa cho tôi, tôi mở bao ra, rút một điếu, ngậm vào miệng, châm lửa. Đến khi mùi vị quen thuộc tràn ngập trong phổi, ngón út của tôi mới ngừng run rẩy.
Tôi ngẩng đầu nhìn trời, bầu trời mùa đông chỗ nào cũng vậy, nếu không phải là tiếng xào xạc, thì là màu xám trắng xa xôi.
Hôm nay chính là màu sức ảm đạm thiếu sức sống này.
Tôi hít sâu một hơi, bình tĩnh lại: “An… An Định thường về lúc nào?”
Có vẻ trưởng thôn không ngờ tôi lại hứng thú với An Định như vậy, nhưng vẫn thành thật đáp: “Những năm trước thường ba tháng về một lần, năm nay thường xuyên hơn, nhưng ngày tháng không cố định, đôi khi là đầu tháng, đôi khi là giữa tháng, cũng có thể là cuối tháng. Hình như hễ có thời gian là về.”
Năm nay thường xuyên hơn? Là vì vẫn còn nhớ tôi, muốn âm thầm trợ giúp tôi? Hay là… Năm nay mới được điều về?
Ý nghĩ này làm tim tôi nảy lên thình thịch.
Nếu là như vậy, mọi thứ đều được giải thích hợp lý, bao gồm cả tình yêu sâu sắc khó hiểu của Thẩm Tu Thần, và cả tin nhắn ngày hôm nay.
Tôi về nhà, lấy một cuốn vở trong ngăn kéo bị khóa trái, trang đầu của cuốn vở kẹp một mảnh giấy.
Giấy là phần thừa lại từ câu đối dán Tết, hơi phai màu, nhưng vẫn nhìn ra không khí hân hoan vui sướиɠ.
Chính giữa tờ giấy, viết thẳng đứng mấy chữ to đùng đến mức xiêu vẹo:
An Định, anh Dung Xuyên.
Ở giữa vẽ một nửa hình trái tim.
Đứa trẻ năm ấy không biết viết “Dung” và “Định”, hai chữ này đều là tôi bắt tay dạy cậu bé. Tôi còn nhớ rõ khi đó cậu bé muốn viết “An Định thích anh Dung Xuyên”, nhưng vì chữ “thích” nhiều nét quá, nên lược bỏ đi, đổi thành hình trái tim xiêu vẹo.
Sau đó đứa trẻ cầm tờ giấy quấn quýt đòi tôi viết một bản nữa, rồi lại vẽ ở giữa một nửa trái tim.
Cuối cùng ghép hai tờ giấy lại với nhau, cậu bé đưa cho tôi xem như đang hiến vật báu: “Anh Dung Xuyên, anh cầm tờ này, em cầm tờ này, em sẽ xem TV ở nhà hàng xóm, đợi sau này chúng ta gặp lại, sẽ ghép hai mảnh lại với nhau, vậy là anh nhận ra em rồi.”
Tôi véo khuôn mặt nhỏ nhắn mập mạp của cậu bé: “Sao anh có thể không nhận ra em chứ? Ngộ nhỡ em không nhận ra anh thì sao?”
“Còn lâu nhé!” Cậu ấy nói chắc như đinh đóng cột: “Em vĩnh viễn vĩnh viễn không quên anh Dung Xuyên.”
Lúc cậu ấy nói câu này, hai mắt to tròn lấp lánh, vừa ngây thơ vừa đáng yêu, phùng má như con cá nóc bị vớt lên bờ vì câu hỏi của tôi.
Những cảnh tượng này, vẻ mặt của cậu bé còn hiển hiện trước mắt.
Tôi nhắm mắt lại.
Tiểu An Định, anh sẽ tìm em ngay đây.