Trong nhóm bạn của cụ Trì, bà Cẩu và bà Đường là hai mặt đối lập, hai tư liệu sống cho mọi người tham khảo. Đều là chồng mất sớm, một thân một mình nuôi con, chèo chống gia nghiệp. Trên phương diện quản lý gia nghiệp, 2 bà thủ đoạn hay tài trí đều có thừa, ‘cân quắc bất nhượng tu mi’
(phụ nữ không hề thua kém đàn ông), nhưng phương diện giáo dục con cái…
Được rồi, thật ra cụ Trì cũng không có lập trường để chỉ trích sự bao che dung túng chiều hư con mình của bà Đường, bởi dù sao người ta phải nuôi những 4 mặt con hai nam hai nữ, còn cụ nhõn một thằng con cũng có dạy được đâu…
Tuy nhiên, khi gặp hai anh em Đường Bân, Đường Bác đến thăm bà Cẩu, cụ Trì vẫn bị luồng khí đen âm trầm trên người bọn họ dọa sợ.
Hai anh em Đường gia cũng đâu có số đoản mệnh, sao lại thành ra thế này?
Vấn đề này cùng với vấn đề vì sao bà Cẩu tự dưng đổ bệnh đều là những câu hỏi khó đối với một người mới nhập môn như cụ Trì.
Vốn ông cụ cũng biết mình biết ta, chỉ định tìm một góc nơi công viên, chân cầu vượt xem tướng tính mệnh cho người ta mà thôi. Cụ Trì ngồi câu mà cá đâu chả thấy, chỉ thấy rặt một đám ngư lôi, làm ông cụ đau hết cả đầu.
Bà Cẩu đang hôn mê, không thể trao đổi, cụ Trì bèn chuyển hướng tấn công sang phía anh em nhà họ Đường, “Dạo này trong nhà có chuyện gì à, mà sao sắc mặt hai đứa…” Đâu chỉ là sắc mặt không ổn, trông như sắp chết đến nơi ấy chứ.
Thừa dịp ông cụ còn đang châm chước lựa lời để nói, Đường Bân vội trả lời: “Phiền chú lo lắng rồi ạ, nhà cháu vẫn ổn.”
Đường Bác đứng bên cạnh cũng cười nói: “Dạo trước công ty có chút vấn đề, may là chúng cháu phát hiện kịp thời. Chú thấy mặt mày anh cháu trông xám xịt như vậy, chắc là do mấy hôm nay thức đêm thức hôm giải quyết công việc đấy ạ. Nghỉ ngơi mấy ngày là hết ấy mà, cám ơn chú đã quan tâm.”
Tạm thời không hỏi ra được đáp án, nhưng xem ra hai anh em Đường gia vẫn có thể chống đỡ được một thời gian, cụ Trì bèn dời sự chú ý về phía bên kia.
Bà Cẩu vốn tên là Tố Di, sau khi lấy chồng thì theo họ chồng, đổi tên thành Cẩu Tố Di. Năm đó khi còn du học bên nước ngoài, bà và cụ Trì là bạn cùng lớp, sau khi về nước lại cùng định cư ở tỉnh X, bao nhiêu năm qua đi, trong đám bạn bè, tình cảm của hai cụ có thể nói là rất tốt.
Chẳng qua, sau khi chồng qua đời, bà Cẩu không còn tham gia các cuộc giao lưu hội họp mà chỉ tập trung vào quản lý gia nghiệp và nuôi dạy hai người con gái. Dần dà, nếu không có chuyện gì quan trọng, bà cụ đều ru rú trong nhà, đừng nói là các loại tiệc tùng xã giao, họp lớp họp bạn 10 lần có thể đến 1 đã là tốt lắm rồi.
Lần gặp gần đây nhất của mọi người là do cụ Trì chủ trì, ông cụ mới mua được khối ngọc lạ kỳ nên muốn mời bạn bè đến để khoe khoang, khụ, đến để thưởng thức. Bà Cẩu cũng thích sưu tầm những món đồ quý báu từ tự nhiên, cứ ngắm mãi khối ngọc ấy thôi, tiếc là cụ Trì nhất quyết không chịu bán, bà tức lắm, bảo rằng lần sau nhất định sẽ mang tới một món đồ còn lạ hơn, đẹp hơn!
Mấy hôm trước bà Cẩu đã bắt đầu chuẩn bị cho lần hội họp tiếp theo. Trong điện thoại, bà lão có vẻ hứng khởi lắm, bảo rằng mình mới thỉnh về một pho tượng tượng phật bằng đá được đẽo gọt mài giũa hoàn toàn tự nhiên, không hề có bàn tay con người đυ.ng vào. Sau khi thành công khơi dậy sự tò mò của mọi người thì bà chốt lại một câu ‘Đến rồi sẽ biết’ rất chi là qua loa, kỹ năng kéo cừu hận còn cao hơn cả ông cụ Trì.
Kết quả là thế sự khó lường…
Ông cụ đang định cảm thán thì thấy người hầu đã dẫn cháu trai và mèo tường thụy nhà mình vào đây. Sau khi chào hỏi đơn giản, cụ Trì vội dẫn một người một mèo tới phòng bệnh của bà Cẩu.
Chỉ với một miếng ngọc hộ mệnh đã có thể ổn định bệnh tình của bà Cẩu, ông cụ Trì đã thành công xây dựng hình tượng ‘cao nhân’ trong mắt mọi người, hiện giờ những người khác chỉ biết yên lặng đi theo ông cụ, chứ không ai dám dị nghị gì hết.
Kể cũng lạ, Trì Hử và mèo Dao Quang vừa vào đến phòng bệnh, họ còn chưa kịp làm gì, luồng khí u ám trên người bà Cẩu bỗng dưng mất tăm mất tích không còn một mảnh.
Cụ Trì tận mắt chứng kiến một màn này:
… Chuyện chẳng theo kịch bản gì cả! Mở đầu xong kết thúc luôn à! Đột ngột quá đấy!
Những người khác cũng choáng váng, tuy không thể cảm nhận một cách trực quan như ông cụ Trì, nhưng kể từ lúc Trì Hử bước vào phòng bệnh, hạt bồ đề trên cổ tay anh bỗng sáng ngời, trong khoảnh khắc ấy, họ như nhìn thấy một chữ vạn (卍) hình thành giữa không trung… Mọi người trố mắt nhìn nhau, từ trong mắt của đối phương nhận được câu trả lời thống nhất, tuyệt đối không phải ảo giác!
“Bùa hộ mệnh, bùa hộ mệnh trên người mẹ cháu đang, đang…”
Theo tiếng kêu của Cẩu Thanh, mọi người nhanh chóng phát hiện, ngọc bội hộ mệnh đeo trên người bà Cẩu từ sáng trong chuyển sang u ám, đang có dấu hiệu nứt rạn bỗng nhiên ngừng lại, không chuyển biến xấu nữa. Từ phản ứng của bùa hộ mệnh, cho dù bọn họ không nhìn thấy cũng có thể đoán ra được, thứ vô hình đang ăn mòn sinh mệnh của bà Cẩu đã biết mất, hoặc là… đi mất?
Từ giây phút này, sự sùng bái của mọi người đối với cụ Trì cứ phải gọi là dạt dào như nước sông đầu nguồn. Giờ nhìn lại khí chất như người trên mây của cụ Trì, bạn bè của cụ sẽ không còn cảm thấy bạn mình đang bị tẩu hỏa nhập ma nữa.:)
Mặc dù ông cụ vẫn hết sức mờ mịt, nếu không đã chẳng gọi cháu trai và mèo tường thụy đến cứu viện làm gì. Nhưng trong mắt người khác, rõ ràng chuỗi hạt bồ đề trên tay Trì đại thiếu chính là khắc tinh của căn bệnh quái ác trên người bà Cẩu. Ông Trì hơi bị ghê đấy, liệu sự như thần, mới đấy đã tính đến tình huống này rồi, thế nên ổng mới gọi ngay Trì đại thiếu tới đây đúng không!
“Từ từ, tràng hạt của Duyên Niên…” Cụ Trì hiểu rõ, yếu tố quyết định ở đây chính là viên xá lợi của tượng phật đá được xưng là ‘vạn tà bất xâm’ trong chuỗi vòng đeo trên tay Trì Hử, “Xá lợi của tượng phật đá, tượng phật đá…”
Nắm chắc manh mối, cụ Trì lập tức hội ý với đội ngũ cứu trợ là cháu trai và mèo Dao Quang nhà mình, sau đó ông đi hỏi con gái chủ nhà – Cẩu Thanh, “Pho tượng phật bằng đá mẹ cháu nhắc tới mấy hôm trước đang ở đâu?”
Tượng phật đá được hình thành một cách tự nhiên, dù không là linh vật thì trên lý thuyết cũng không nên biến thành tà vật. Nhưng theo như phản ứng của viên xá lợi đeo trên cổ tay của cháu trai khi chạm trán với luồng khí u ám trên người bà Cẩu thì tình hình có vẻ hơi phức tạp. Ông cụ bày tỏ, càng nghĩ càng hãi!
Cẩu Thanh vừa nghe câu hỏi của ông cụ, liền đoán ngay là tượng phật đá chắc có liên quan tới căn bệnh lạ của mẹ mình rồi. Cô nhanh chóng kêu quản gia đích thân mang tượng phật đến đây cho ông cụ xem.
Thế nhưng, quản gia rất nhanh đã trở lại, “Đại tiểu thư, pho tượng phật bằng đá kia không thấy đâu nữa.”
“Không thấy? Pho tượng vẫn luôn đặt trong phòng khách phụ mà, sao tự dưng lại không thấy? Lập tức hỏi xem có ai đi vào phòng đó không!”
Cẩu Thanh với thế giới quan bình thường hơn nửa đời người, tuy cô hoài nghi tượng phật đá có vấn đề, nhưng không hề cho rằng pho tượng có thể mọc chân chạy mất, nhất định là do người làm.
Mà sự thật cũng đã chứng minh, đúng là do người làm.
Hai anh em Đường Bân, Đường Bác vốn không nằm trong danh sách khách tới thăm bệnh. Bà Cẩu rơi vào tình trạng nguy kịch, Cẩu Thanh chỉ thông báo cho mấy người bạn mà mẹ mình nhắc tới trước khi hôn mê. Không biết Đường Bân, Đường Bác nghe tin từ chỗ nào mà đến, nhưng nói gì thì nói, dù quan hệ giữa hai bên chỉ thường thường, nhưng dẫu sao người đến đã có lòng thì cũng nên cám ơn, mời người ta vào nhà uống miếng nước.
Thừa dịp tất cả mọi người tập trung tại phòng bệnh, hai anh em nhà này kêu mệt, muốn nhấp ngụm trà nghỉ ngơi một chút, trong lời nói còn ám chỉ rằng bọn họ cảm thấy hứng thú với bộ sưu tầm của cụ bà. Mặc cho người nhà họ Cẩu rất không hài lòng với hai vị khách tới thăm bệnh nhưng lại đòi đi nghỉ trước này, bọn họ vẫn mau chóng dẫn người tới phòng khách phụ trưng bày các món đồ mà bà Cẩu thu thập được.
Khách khứa nhà họ Cẩu đều là người có thân có phận, con nhà gia giáo, người giúp việc đâu thể lúc nào cũng nhìn chằm chằm người ta, đề phòng khách như đề phòng trộm được. Vì vậy, không ai có thể ngờ rằng hai vị họ Đường lại làm ra hành động ăn cắp vặt này.
Cụ Trì tức đến xanh mặt, hai cái thằng vô liêm sỉ này càng ngày càng quá quắt, chuyện mất mặt như đến nhà người khác trộm đồ mà chúng nó cũng làm được! Mà quá trình gây án của chúng nó sao ông cứ thấy quen quen.
Không lâu trước đây, chẳng phải Đường Bân cũng đến nhà họ Trì thăm ông mấy lần hay sao. Bây giờ mới nhớ, lúc ấy gã cũng làm như vô ý nhắc tới khối phỉ thúy lạ kỳ của ông. Chẳng qua từ khi ông biết có người nhắm tới khối đá của mình nên đã đem đồ cất vào trong kho, quy trình mở ra đóng lại cực kỳ phức tạp, vì thế không dễ gì khiến ông lấy nó ra. Mà ngay cả thằng con đẻ Trì Thạc Thành nhà ông còn chả sơ múi được gì nữa là Đường Bân.
Chuyện này là thế nào? Không lấy được phỉ thúy ở nhà họ Trì nên đến nhà họ Cẩu trộm tượng phật đá à?
Nhưng phỉ thúy còn đỡ, nó không có gì nguy hiểm. Còn pho tượng phật bằng đá này, không biết làm sao mà bà Cẩu mang về mới có mấy hôm đã lăn đùng ra hôn mê, hiển nhiên là có vấn đề. Anh em Đường gia vốn đã mang cái vẻ sắp chết lại còn đi trộm tượng phật đá, đây là ngại mình chết chưa đủ nhanh hả?