Thần Thoại Hy Lạp

Quyển 2 - Chương 20: Chuyện về gia hệ người anh hùng Tantale

Tantale khinh thị thánh thần

Thần Zeus trong một cuộc tình duyên với nàng Nymphe Plouto sinh ra được một người con trai xinh đẹp tên là Tantale. Tantale xây dựng cơ nghiệp ở xứ Sipyle thuộc đất Phrygie hoặc Lydie. Đô thành của nhà vua xây dựng dưới chân núi Sipyle thật vô cùng đẹp đẽ và thuận lợi. Các vị thần lại ban cho người con trai của Zeus biết bao ân huệ: những cánh đồng phì nhiêu, nho trĩu quả, lúa đầy bông, chắc hạt, những đàn súc vật béo mập gặm cỏ ràn rạt, thỏa thuê trên những cánh đồng cỏ lúc nào cũng xanh tươi mơn mởn. Lại còn những mỏ vàng đầy ắp mà chẳng phải trên thế gian này nơi nào cũng có. Ai đã đi qua đất nước của Tantale thì trăm người, nghìn người như một đều tấm tắc khen cảnh đẹp, của nhiều, đều thèm muốn số phận nuông chiều người con của Zeus. Nhưng đó chưa phải là tất cả những phúc lợi mà thần Zeus ban cho người con trai yêu quý của mình, Tantale còn được hưởng biết bao sự ưu tiên, ưu đãi nữa mà chưa từng có một người trần thế nào dám mơ tưởng đến chứ đừng nói gì đến việc hưởng thụ. Trước hết thần Zeus cho người con trai của mình được sánh ngang với các vị thần của thế giới Olympe, được tự do ra vào cung điện Olympe, một nơi vô cùng thiêng liêng và nghiêm cẩn vốn chỉ dành riêng cho các vị thần. Tantale được ngồi cùng bàn dự tiệc với các vị thần, được thưởng thức những món thức ăn thần và uống các thứ rượu thánh là những thứ chỉ riêng thế giới Olympe mới có, vốn chỉ dành riêng cho các vị thần bất tử. Nhưng như thế chưa phải là tột cùng của sự ưu đãi. Tantale còn được Zeus cho tham dự các cuộc họp của các vị thần, những cuộc họp mà như chúng ta đã biết, thật là vô cùng quan trọng và tối mật vì nó bàn định đến kế sách lớn lao của việc điều hành thế gian. Nhưng trò đời sự nuông chiều, ưu đãi thậm chí có thể nói là nuông chiều và ưu đãi một cách mù quáng và ngu xuẩn thường là mẹ đẻ ra thói xấu hãnh tiến, kiêu căng vô ơn bạc nghĩa... nhất là đối với Tantale, một người chưa từng trải qua những thử thách như những người con khác của Zeus: Dionysos, Persée, v.v.

Tantale lúc nào cũng tự cho mình như là một vị thần, vênh vang kiêu hãnh về những đặc ân mà mình được hưởng. Y chẳng còn biết sự mực thước và khiêm tốn là gì. Lợi dụng sự tin yêu của đấng phụ vương, y đã đem cả những thức ăn thần và rượu thánh xuống trần phân phát cho những người trần thế đoản mệnh sống trong vương triều của y với ý đồ táo tợn là làm cho quần thần của y cũng được bất tử như các vị thần. Hành động liều lĩnh đó của y không qua được mắt của thần Zeus. Tuy nhiên, Zeus vì yêu con nên cũng chưa nỡ khiển trách. Lại một hành động nữa cực kỳ bậy bạ, cực kỳ láo xược của Tantale là đã đem những chuyện cơ mật của các cuộc Hội nghị Thần thánh nói vung ra cho mọi người trần thế đều biết. Cả đến những quyết định của Zeus, chủ kiến của Zeus đối với việc này việc khác, người này người khác, Tantale biết được cũng đem đi nói cho người trần thế biết. Nhưng thần Zeus vẫn bỏ qua. Song le mọi việc trên đời này đều có cái giới hạn của nó. Có một lần Tantale đã làm Zeus phật ý. Hôm đó trong một bữa tiệc linh đình ở cung điện Olympe giữa những tuần rượu thánh hương thơm ngào ngạt và không khí tưng bừng của cảnh ca vũ thần tiên, thần Zeus nhìn đứa con trai, âu yếm nói với nó những lời lẽ vàng ngọc như sau:

- Tantale hỡi! Ta yêu quý con và những mong con sẽ được hạnh phúc đời đời. Ta chẳng muốn con phải sống số phận khốn khổ của những người trần đoản mệnh, phải dãi nắng dầm mưa đào bới lòng đất đen lên mới có được hạt lúa mì vàng óng của nữ thần Déméter. Ta ban cho con nhiều ân huệ nhưng nếu con thấy chưa đủ, con còn muốn gì nữa thì con cứ nói với ta. Ta sẽ làm cho con được toại nguyện.

Tantale nhìn cha một cách lạnh lùng, đáp lại:

- Thôi thôi cha ơi! Con chẳng cần gì nữa! Ân huệ của cha con cũng không cần mà ân huệ của các vị thần khác thì con lại càng không cần thiết. Số mệnh là lực lượng cao hơn hết, quy định điều khiển mọi việc của thế gian, xếp đặt vị trí con người. Số mệnh đã ban cho con một số phận tốt đẹp hơn các vị thần bất tử. Vậy xin cha hãy đem ân huệ mà ban cho những kẻ khác.

Thần Zeus sa sầm mặt lại. Thần không ngờ đứa con mà thần vô cùng yêu quý lại có thể ăn nói một cách cạn tàu ráo máng, ngạo mạn, kiêu kỳ như vậy. “Chiều quá hóa hư rồi”, Thần Zeus nghĩ thế nhưng vẫn nén được cơn giận.

Nhưng đến việc sau đây thì Zeus không thể nào chịu đựng được nữa. Việc thứ nhất là chuyện con chó vàng.

Xưa kia khi Zeus ra đời, mẹ Zeus để che giấu Cronos (nếu Cronos biết sẽ nuốt luôn đứa bé) đã gửi Zeus, đứa con trai út của mình, sang đảo Crète. Thời thơ ấu Zeus sống với các nàng Nymphe và hai người bạn: con dê Amalthée và con chó vàng. Lớn lên, Zeus trở về Hy Lạp để giải thoát cho các anh, các chị. Trước khi ra đi, Zeus giao cho con chó vàng canh giữ ngôi đền thờ của mình. Năm tháng qua đi, cuộc sống cứ như mây trôi nước chảy, bỗng đâu một hôm thần Zeus nhớ lại người bạn nhỏ trung thành trong thời thơ ấu của mình. Zeus về đảo Crète tìm thì... hỡi ôi, con chó vàng đã không cánh mà bay? Truy hỏi ra thì Zeus được biết nhà vua Pandaréos trị vì ở đô thành Éphèse bên đất Tiểu Á (có chuyện kể trị vì ở Milet) đã rắp tâm bắt trộm con chó đó gửi Tantale giữ hộ vì e rằng nếu đem ngay con chó về nhà thì sẽ bị lộ. Pandaréos tưởng rằng gửi Tantale thì không ai biết mà cũng chẳng ai ngờ. Những người trần ngu ngốc cứ tưởng rằng có thể che giấu được thế gian và nhất là thần Zeus mọi chuyện. Họ đã lầm lẫn biết chừng nào. Zeus biết chuyện không nén nổi tức giận. Thần liền cho triệu ngay thần Hermès đến và ra lệnh cho Hermès phải xuống ngay Sipyle đến gặp tận mặt Tantale đòi lại con chó vàng, phải đòi bằng được con chó vàng. Vị thần truyền lệnh kính yêu, con của Zeus tuân lệnh, lên đường ngay không hề chậm trễ. Chỉ một lát sau, Hermès đã đứng trước mặt Tantale trịnh trọng tuyên đọc lệnh của Zeus:

- Hỡi Tantale, người con trai yêu quý của thần Zeus! Ta truyền cho nhà ngươi biết, ngươi phải trao trả ngay con chó vàng cho thần Zeus, nếu không thì ngươi đừng có trách đấng phụ vương là hay nổi nóng. Tên vua Pandaréos dại dột đã lấy trộm con vật quý giá ấy của người. Hắn lại còn ngu ngốc đến nỗi cứ tưởng đem gửi con chó vàng đó cho nhà ngươi thì mọi việc rồi sẽ qua đi, đầu xuôi đuôi lọt, chu tất. Ngươi há lại chẳng biết rằng đối với các vị thần Olympe thì không thể che giấu được một điều gì sao?

Tantale nghe nói, chẳng hề mảy may xúc động. Y với bộ mặt giả dối và trơ tráo, đáp lại thần Hermès bằng những lời lẽ láo xược chưa từng thấy:

- Hỡi thần Hermès! Xin ngài đừng có đem thần Zeus ra mà dọa ta! Trong nhà ta, xin mời ngài cứ vào xem, chẳng hề có một con chó vàng, chó bạc nào cả. Có lẽ các vị thần Olympe nhầm lẫn đấy, bởi vì các vị thần cũng có khi bị nữ thần Lầm lẫn làm cho mất trí. Ta xin thề với thế giới Olympe thiêng liêng và đầy quyền thế, lời nói của Tantale, vua của đất nước Sipyle mỹ lệ và giàu có này là hoàn toàn đúng sự thật.

Hermès ra về. Nhưng các vị thần Olympe ngay sau đó đã vạch trần giọng lưỡi xảo quyệt và bộ mặt giả dối của Tantale.

Việc thứ hai là việc gϊếŧ thịt con trai làm cỗ mời các vị thần ăn.

Tantale, một hôm có ý định mở tiệc mời các vị thần Olympe xuống dự. Y truyền cho gia nhân lo liệu, sắm sửa để làm một bữa tiệc thật trọng thể. Bỗng đâu từ trái tim y nảy ra một ý đồ đen tối: y muốn thử xem các vị thần có đích thực là biết hết mọi việc trên đời này không, có thật là tiên đoán được mọi việc không. Y cho bắt ngay đứa con trai của mình tên là Pélops đem ra chọc tiết, mổ thịt làm cỗ, làm các món ăn thật ngon để dâng các vị thần.

Ngồi vào bàn tiệc, các vị thần không hề đυ.ng thìa, đυ.ng đũa vào một món ăn nào. Các thần đã đoán biết được ý đồ xấu xa của Tantale. Duy chỉ có nữ thần Déméter khi đó đang rầu rĩ về chuyện cô con gái Perséphone bị thần Hadès bắt xuống âm phủ đã sơ ý ăn vào một bát thức ăn nấu bằng thịt của Pélops. Khi các món ăn đã lần lượt đem hết lên bàn tiệc, một vị thần Olympe bèn đứng lên trút tất cả các món ăn đó vào một cái nồi thật lớn rồi đặt lên bếp lửa. Như đã dặn bảo nhau trước từ nhà, sau việc làm đó đều là công việc của thần Hermès. Hermès đứng lên bằng những pháp thuật của mình, đến bên chiếc nồi làm cho Pélops sống lại. Vì các thần không ai ăn mất tí xương, tí thịt nào của Pélops nên Pélops vẫn là con người lành lặn. Tất nhiên, Pélops cũng bị mất một miếng thịt be bé ở vai vì Déméter. Thần Hermès vá vào chỗ khuyết ấy bằng một miếng ngà voi. Chính vì thế mà từ đó trở đi, Pélops và con cháu của Pélops thường gọi là Pélopides đều có một miếng khoang hoặc đốm trắng ở vai.

Sau hai việc tối ư hỗn hào, quá thể láo xược ấy thì thần Zeus không thể nào chịu đựng được nữa. Thần cho triệu ngay Tantale lên thiên đình, quát mắng một trận rồi túm cổ quẳng luôn xuống thế giới âm phủ. Tội lỗi đến như thế nếu mà không trừng trị thì thần Zeus còn mặt mũi nào mà nhìn các vị thần cấp dưới và sao răn bảo được những người trần thế. Thần Zeus còn bắt Tantale phải chịu một hình phạt nặng nề, chịu đời đời cho xứng đáng với tội trạng của y. Tantale suốt đời phải đứng giữa một dòng lạch cạn, nước chỉ đến trên thắt lưng hay dưới ngực gì đó. Y cứ phải đứng như thế hết ngày này qua ngày khác mà không được ăn uống gì. Khát quá, khát khô cả họng khát nóng cả cổ, y cúi đầu xuống đưa hai tay ra toan vục nước lên miệng uống thì lạ sao, nước lập tức rút hết! Rút nhanh đến nỗi Tantale trông xuống chỉ thấy có mặt bùn nhão ở dưới chân mình! Tantale thở dài, đứng sững sờ như một bức tượng đá thì nước lại dâng lên như cũ. Nhưng hễ Tantale cúi xuống định vục nước uống thì nước lại rút đi, rút hết. Tantale cứ phải chịu khát suốt đời. Khát đã vậy lại còn đói nữa. Trên đầu Tantale là một cành cây trĩu quả. Đủ thứ quả: nho, táo, lê chín thơm ngào ngạt. Đói quá, Tantale đưa tay lên toan với một chùm quả chín lủng lẳng ngang tầm mắt, tầm tay, thì lạ sao, chùm quả chín đỏ lập tức nhích ra xa, dướn lên cao khiến cho Tantale không thể nào với tới được. Y lại đứng thất vọng sững sờ. Chùm quả chín lại lủng lẳng ngang tầm mắt, tầm tay. Nhưng hễ Tantale đưa tay ra toan vịn cành với quả thì chùm quả lại đung đưa ra khỏi tầm tay. Chưa hết, cao hơn những chùm quả một chút là một tảng đá chênh vênh từ một trái núi nhô ra, nom rất sợ, sợ đến lạnh cả người vì nó lúc nào cũng như có thể rơi thẳng xuống đầu Tantale, tưởng như chỉ cần một cơn gió mạnh có thể hất tảng đá đổ ụp xuống.

Thành ngữ Nỗi khổ Tantale hoặc Cực hình Tantale (Le supplice de Tantale) chỉ nỗi đau khổ của con người theo đuổi kiên trì một mục đích mà không thành công, một nỗi đau khổ day dứt vì không sao đạt được hoặc khi tưởng chừng như gần đạt được thì lại hỏng, lại thất bại.

***

Trong gia tài thần thoại Hy Lạp, chúng ta thường thấy có những nhân vật phạm tội kiêu căng, bất kính đối với thần thánh hoặc nổi loạn chống đối lại thế giới thần thánh. Mở đầu là vị thần Prométhée, vị thần mà lý tưởng và chiến công đã phản ánh sự nghiệp chiến đấu hào hùng của con người. Quá trình phát triển của thần thoại từ thời kỳ chế độ thị tộc mẫu quyền đến thị tộc phụ quyền và bước chuyển biến có ý nghĩa cách mạng từ thời cổ đại anh hùng với nền dân chủ-quân sự (công xã thị tộc đang tan rã) sang thời đại văn minh với quyền tư hữu tài sản (chế độ chiếm hữu nô ɭệ) là quá trình con người ngày càng “sinh sự”, ngày càng “bướng bỉnh” với thần thánh, ngày càng phạm nhiều tội ngạo mạn, bất kính đối với thần thánh. Biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra. Nào nàng Niobé đã khinh thị nữ thần Léto, tự cho mình đẹp hơn Léto, và nào là gã Silène (hoặc còn gọi là Satyre) Marsyas dám thách thức với thần Apollon đua tài, vào “công cua” (concours) âm nhạc với mình. Ngang hơn nữa là chàng Leucippos dám tranh giành người đẹp tiên nữ Daphné với thần Apollon. Rồi nàng Arachné thách nữ thần Athéna thi tài dệt với mình. To gan lớn mật hơn nữa là anh chàng Ixion mưu toan “bắt bồ” với nữ thần Héra! Đến chuyện Sisyphe và Tantale kể trên thì thật là “đại loạn”. Con người dường như chẳng coi thần thánh là cái gì nữa cả. Xưa kia thần Asclépios chỉ vì có tài chữa bệnh, biết phép cải tử hoàn sinh cho người trần thế đoản mệnh mà đã bị Zeus giáng sét gϊếŧ chết tươi. Nhưng giờ đây thì việc Sisyphe lập mưu bắt sống thần Chết-Thanatos đã thật sự gây rối loạn đến cơ chế của chế độ chính trị Olympe, và lại còn lừa được vị vua của thế giới âm phủ! Tất cả những hiện tượng đó chỉ có thể là sản phẩm của một thời kỳ mà con người đã phần nào bớt sợ hãi thần thánh. Khoa thần thoại học gọi những hiện tượng đó bằng một từ ngữ: chủ nghĩa anh hùng-thần thoại. Tất nhiên những hành động bất kính, kiêu căng nổi loạn của con người đều cuối cùng bị thần thánh trừng phạt và để cho sự trừng phạt hợp lý đương nhiên thế giới thần thánh phải biểu hiện ra như là đại diện cho công lý đạo đức, còn kẻ bị trừng phạt ắt phải là một tên hư hỏng, vô đạo. Con người cuối cùng phải chấp nhận thất bại trước thần thánh, nhưng làm thế nào được. Lịch sử chưa cho phép con người chiến thắng thần thánh!

_________________