Bốn Năm Phấn Hồng

Chương 38: Gây oán thù

Nếu mâu thuẫn giữa tôi và Trần Thuỷ là bề nổi thì mâu thuẫn giữa tôi và Tô Tiêu chính là bề chìm. Hồi năm thứ nhất, hai chúng tôi đã rất ít nói chuyện với nhau. Trong cuộc tranh đấu giữa cô ta và La Nghệ Lâm, tôi là người trung lập tuyệt đối. Tôi không giúp cô ta, cũng không tham dự vào đội ngũ "giậu đổ bìm leo". Tôi bao giờ cũng cố gắng giữ khoảng cách với cô ta, cũng giống như trước kia, dù Chương Hàm Yên nhiệt thành với tôi như vậynhưng tôi vẫn luôn giữ khoảng cách với cô ấy. Hai người bọn họ đều là những nhân vật quá chói sáng. Ở bên cạnh họ, tôi sẽ không còn tự do tự tại. Tôi không muốn là vật làm nền cho ai ca,rất tôi có cuộc sống lạnh nhạt và trầm lắng của mình. Tôi và bọn họ đều không phải người thuộc cùng một thế giới.

Nói về chuệyn gây oán thù, cần phải đi ngược dòng thời gian về năm thứ hai. Sau khi đợt thi cuối kì kết thúc, kết quả thi tiếng Anh được gửi đến mỗi sinh viên bằng một tờ giấy được niêm phong. Khi đó Tô Tiêu là người đi lấy giấy báo điểm. Khi đưa giấy báo điểm cho tôi, cô ta đột nhiên muốn bóc tờ điểm của tôi ra xem. Hoặc là cô ta tò mò hoặc là cô ta không phục tôi. Giống như việc một cô gái không xinh đẹp thích nhìn và miêu tả tỉ mỉ một mĩ nữ khi không trang điểm, hay như việc một cô gái không thông minh thích thấy điểm không thông minh của một cô gái cực thông minh trong truyền thuyết. Trong môn tiếng Anh, khả năng của tôi vốn không tốt nhưng cũng miễn cưỡng qua được cấp bốn, cấp sáu (1). Tôi không biết mình thi được bao nhiêu điểm, điểm số này nếu cùng lúc lộ ra trước mặt hai chúng tôi thì ai sẽ cười vui, còn ai sẽ sầu não đây? Tôi nắm tờ giấy trong lòng bàn tay không cho cô ta xem, cô ta liền giơ tay ra cướp từ tay tôi. Cô ta càng làm như vậy tôi lại càng cố sống cố chết nắm tay lại. Kết quả là cô ta đã giơ tay ra đánh mạnh vào tay tôi một cái.

Người đẹp đã được chiều quá hoá hư như thế. Khóc lóc om sòm trước mặt đàn ông thì được gọi là nũng nịu, còn lu loa trước mặt phụ nữ thì sẽ khó tránh khỏi bị gán một cái tên không mấy đẹp đẽ là chua ngoa đanh đá. Tôi cảm thấy mình bị sỉ nhục ghê gớm. Mặt đỏ gay gắt vì tức giận. Tôi không còn kiểu chán chẳng buồn nói như trước kia nữa, tôi cũng sấn sổ lên: "Cậu muốn làm cái quái gì thế?"

Cô ta buông tay. Tôi đoán rằng, bàn tay ấy trong một giây phút nào đó đã từng có ý nghĩ cho tôi một cái bạt tai. Nhưng cô ta không dám, chắc chắn là không dám, càng là người trầm tính thì lại càng có sức mạnh tiềm ẩn trong tinh thần hoặc thể chất.

Về sau, quan hệ của chúng tôi càng thêm xa cách. Có lúc cô ta ức hϊếp những bạn học khác nhưng chưa bao giờ dám mạo phạm đến tôi. Chúng tôi rất ít nói chuyện với nhau, đã không vừa mắt nhau thì cũng chẳng có gì để nói. Khi trong phòng chỉ có hai người chúng tôi, chúng tôi có thể không nói một câu nào trong vòng bảy mươi hai tiếng, cứ coi như người kia không tồn tại. Đương nhiên cũng không thể đối đầu ra mặt.

Ở các phòng kí túc trong trường đại học, tiêu chí đánh giá quan hệ không tốt giữa hai người chính là đôi bên không thèm ngó ngàng đến nhau. Nếu dùng tiêu chí này để phán đoán mối quan hệ giữa các nữ sinh ở mỗi phòng thì tuyệt đối không thể sai, đó là một công thức vạn năng. Suy cho cùng mọi người đều là người có học, nên việc thấy ai chướng mắt liền đánh, liền mắng, phỉ báng người ta rồi đặt điều công kích người ta là một việc rất mất nhân cách. Cứ coi như muốn công kích, trả thù thì cũng phải làm sao cho không gây ầm ĩ, phải tri thức hoá nó, phải nữ tính hoá nó. Tôi và Trần Thuỷ sau khi đã xung đột xong thì có thể bỏ qua hiềm khích cũ. Nhưng tôi với Tô Tiêu sau khi xung đột xong sẽ giữ chiến tranh lạnh đến cùng. Mỗi sự việc đều có nguyên do của nó, nếu không suy xét kĩ thì không thể hiểu nổi. Quan hệ và tâm tư của nữ sinh mãi mãi là một điều khó hiểu sâu xa. Mối quan hệ giữa người với người sợ nhất là sự xa cách của con tim, chứ không phải là sự khác biệt về tính cách hay hoàn cảnh. Đó là lí do tại sao, ở những phòng kí túc nữ, hai người trong bốn năm đã cãi nhau không biết bao nhiêu lần nhưng khi tốt nghiệp vẫn ôm nhau khóc, còn có những người không bao giờ xảy ra mâu thuẫn trực tiếp nhưng sau khi tốt nghiệp xong, cả đời cũng không có bất cứ liên lạc gì với nhau.

_________

1. Tương đương với bằng B, bằng C tiếng Anh.