Yêu Anh Đã Hai Mươi Năm

Chương 42

Dịch giả: Ars. Tương Cầm

Tiếng kèn Sô-na, như kể lể khóc than.

Mẹ thay áo tang cho cô hai. Bên trong áo tang rộng thùng thình, là thân hình gầy nhỏ của cô hai. Mẹ nói: “Cô hai của con phải nhận bao nhiêu đau khổ, nên mới gầy như vậy.” Tôi không đành lòng nhìn tiếp, đi ra khỏi cửa.

Tôi cùng với Triển Tường kéo theo Phi Dương và Nhiễu Nguyệt, mang tất cả quần áo cũ của cô hai lúc còn sống đem đốt ở ngã tư đường bên ngoài thôn. Ánh lửa hừng hực, chiếu vào đôi mắt to đen láy của Phi Dương và Nhiễu Nguyệt, không ngừng lóe lên. Lần đầu tiên tôi nhìn kỹ hai đứa, mới phát hiện ra hai đứa sinh ra lại dễ thương như phấn điêu ngọc mài vậy. Chỉ là, hai gương mặt bình tĩnh này lại không có bất kỳ biểu tình gì.

Ngày cô hai nhập quan là ngày 13 tháng 03. Trong tiếng kèn Sô- na, là tiếng người mặc đồ tang khóc bi thương xé gan xé ruột. Những nhạc cụ đơn giản như vậy, mà mấy người đàn ông đánh một chút, thổi một chút, lại phát ra tiếng nhạc tang đau xót làm người ta hít thở không thông.

Cho dù là khóc không ngẩng mặt, hay đứt từng khúc ruột gan như thế nào, thì cuối cùng, cô hai cởi mở ấm áp kia vẫn phải nhập thổ vi an. Chú ba giống như cái xác không hồn vậy, nhận lấy những lời cảm thông “Cố nén bi thương” từ những người khác. Phi Dương và Nhiễu Nguyệt đội mũ màu trắng, ở phần eo quấn đai trắng, mở to đôi mắt không rành thế sự, yên lặng nhìn người đến người đi, nhìn những người quen thuộc và cả không quen thuộc đi ra đi vào trong nhà, hai đứa bọn nó nắm tay nhau, im lặng quỳ ở nơi đó.

Tôi đi đến ôm bọn chúng vào trong ngực, bọn nó lại đẩy tôi ra, lùi lại về phía sau mấy bước chân, lạnh lùng nhìn tôi, lạnh lùng nhìn ông ngoại bà ngoại, cậu mợ, và chú nhỏ của bọn nó, lạnh lùng nhìn cha của chúng. Không có biểu tình, không có bất kỳ biểu tình gì.

Là vì quá nhỏ, nên không biết đau thương? Hay là thiếu niên già dặn, đã học được cách che giấu ưu tư của chính mình? Tôi luôn cảm thấy hai đứa bé này có khí chất khác với bọn trẻ con đồng lứa, bọn nó già dặn, lạnh lùng hơn. Tôi nghĩ đến cô hai và chú ba thường nói, hai đứa bé này hướng nội, biết điều và không thích nói chuyện.

Ngày 13 tháng 05, ông bà, bố mẹ, tôi và Triển Tường, còn có Phi Dương, Nhiễu Nguyệt cùng nhau trở về quê của tôi. Mất vợ, chú ba đã bị đả kích. Sau khi an táng cô hai xong, chú liền bắt đầu say khướt, thậm chí đôi lúc chú còn không muốn gần gũi với nhà ngoại ở xa tới. Hơi chút không vừa ý là qua nắm tay Phi Dương, Nhiễu Nguyệt đang núp ở góc khuất mà quở trách hoặc là ra sức đánh đòn.

Người đàn ông có tính cách thuần phác này, ở trong nỗi buồn khổ không thể giải quyết, đã bắt đầu sống buông thả. Bất kể là người khác có khuyên nhủ như thế nào cũng không kéo được thần chí của chú. Thậm chí Triển Tường còn đánh vào lưng của chú ba, mong chú ba tỉnh lại. Thế nhưng, trong mắt của chú ba lại tràn ngập tơ máu khϊếp người. Đấy là do chú mấy đêm không ngủ, là do chú nhớ nhung mà thành tật. Bà nội bảo, muốn dẫn mấy đứa trẻ về quê, thấy cảnh này, bà quả thực là không yên tâm.

Cho đến tận lúc chúng tôi sắp đi, chú ba rốt cục cũng tỉnh táo trở lại, nắm góc áo của Phi Dương mà khàn khàn dặn dò: “Đến nhà bà ngoại thì phải nghe lời, đừng có làm cho ông bà ngoại tức giận. Qua một thời gian ngắn nữa cha sẽ đến gặp các con.”

Vừa mới trải qua tử biệt, lại gặp phải sinh ly.

Mẹ tôi dắt tay Phi Dương, Nhiễu Nguyệt đi ra cửa chính.

Lúc trước, chúng tôi còn lo lắng rằng tình yêu của chúng tôi sẽ gặp phải tầng tầng lớp lớp ngăn cản. Thậm chí còn nghĩ đến các loại giải thích, đã đối đáp trôi chảy.

Nằm ngoài dự đoán, cả nhà đều không có nói chuyện, tất cả đều ngầm đồng ý. Ngay cả ông nội vừa bảo thủ lại vừa cổ hủ cũng chỉ giảng đạo lý cho chúng tôi đôi chút, rồi chống quải trượng, hơi run run đi ra cửa chính.

Vào lúc cơm chiều, tôi ở trong bếp nhóm lửa, mẹ nấu cơm. Bà nhẹ nhàng thở dài: “Cô hai của con trước khi đi đã từng nói, Hạ gia và Triển gia sẽ còn có một đoạn duyên phận.”

Tôi dừng rút củi, sững sờ nhìn mẹ qua làn khói mỏng. Chúng ta vẫn luôn nói mình trưởng thành, từng trải nhiều, nhận thức bao nhiêu người, có phải lợi hại hay không. Nhưng mà, cô hai cuộc đời chìm nổi kia, chỉ một ánh mắt đã đem chúng tôi nhìn thấu, không che giấu được chút nào.