Thiên Tống

Chương 119-3: Dương Bình nhàn thoại (3)

Việc Liễu Tú Nhi bước vào khiến cho bầu không khí chung quanh có phần lúng túng, hai huynh đệ Âu Dương cũng không biết phải nói sao mới phải. Hai người đều cảm thấy có lỗi với người ta. Liễu Tú Nhi hữu ý, Âu Dương lại vô tình. Triệu Ngọc thấy tiểu nữ này hiểu nhầm thân phận của mình, nổi máu ghen tuông nên cũng cảm thấy vô cùng xấu hổ. Kết quả là khiến cho bữa ăn đang vui vẻ trở nên vô cùng nhạt nhẽo. Chỉ có một tin tốt duy nhất là Liễu Tú Nhi thấy Âu Dương không có một chút tình ý nào với mình, tâm như chết lặng, liền hứa với Âu Phong là ngày mai sẽ trở lại kinh thành. Âu Dương giả bộ nói một câu mời ở lại, sau đó không đợi người ta đồng ý đã lập tức bảo người tìm Bạch Liên đến phụ trách đảm bảo an toàn cho Liễu Tú Nhi trên đường về, thuận miệng còn dặn dò một câu:

"Muốn trở về thì trở về, không muốn trở về cũng phải trở về, tránh để người trong nhà lo lắng."

Tình trạng của Âu Phong không được tốt lắm, chắc là uống quá chén rồi.

Âu Dương bảo mấy người tiểu nhị đưa huynh ấy về phòng khách của nha môn lâm thời nghỉ ngơi. Còn Âu Dương vẫn ở bên cạnh Triệu Ngọc, cẩn thận hỏi:

"Người xem, chạng vạng ngày mai loan giá của người mới tới, hôm nay người phải ở đâu đây chứ?"

"Ở trong thành ta đã tìm được một nhà khá tốt, người đưa ta tới đó đi."

Người phụ nữ trung niên rất bất mãn với Triệu Ngọc, không nói một tiếng nào đã đi mất tiêu, gần canh ba mới chịu trở về. Nhưng sau khi nhìn thấy Âu Dương, tất cả mọi điều bất mãn đều tan biến hết. Âu Dương nói đây là biểu tỉ của mình từ nơi khác đến đây, cảm ơn người phụ nữ trung niên đã thu nhận và giúp đỡ. Người phụ nữ trung niên vội nói chớ có khách sáo, còn đi đun nước sôi nữa, khá là ân cần, niềm nở.

Xong xuôi đâu đó, Âu Dương nói:

"Lát nữa ta sẽ cử người đến tuần tra cảnh giới vùng lân cận, tăng cường bảo hộ, rồi bảo bọn người Tiểu Thanh tới đây, người hãy nghỉ ngơi cho tốt."

Triệu Ngọc nói:

"Ngươi đưa ta trở về, lẽ nào một chút suy nghĩ không an phận cũng không có sao?"

"Có!"

Âu Dương thành thật đáp, sau đó hắn nói tiếp:

"Nhưng ta không dám, ta đi đây."

Thật sự là không dám, nữ nhân trong thiên hạ nhiều như nấm, không nhất thiết phải tự tìm phiền phức cho mình. Yêu nhầm nữ nhân hậu quả nghiêm trọng đến thế nào, cứ xem các vở bi kịch trong xã hội hiện đại thì biết. Có biết bao nam nhân vì yêu nhầm người, một phút sa chân hận nghìn đời, trở thành một người cha. Ngộ nhỡ không cẩn thận làm ra chuyện gì thất lễ thì sẽ dẫn đến những chuyện không đáng có. Vả lại, cho dù có bỏ qua muôn vàn khó khăn, có nhân tính mà coi mình là người nhà thì sao chứ. Người ta là Hoàng Đế, mình là cái gì chứ? Phò mã? Hoàng phu? Bà xã? Thật là ô nhục biết bao. Vốn dĩ trên sách lịch sử, người ta sẽ viết như thế này: Âu Dương, chính trị gia, thương nhân, nhà văn hóa, nhà quân sự, nhà minh triết, nhà ngoại giao. Người này đã cho ra đời chế độ tư bản chủ nghĩa ở Đại Tống, khiến Trung Hoa phát triển và quật khởi tới mức không sao đo lường được... Viết như vậy thật tốt biết bao. Nhưng ngộ nhỡ... Thì sách sử sẽ viết: Âu Dương, vị học giả, được Hoàng Đế sủng ái, thống lĩnh hậu cung ba nghìn soái ca, thái độ làm người không những hào phóng mà còn chí công vô tư, cứ ba ngày sẽ vì phu nhân của mình mà chọn ra một vị soái ca làm bạn giường với phu nhân, đạo đức cao thượng, là nhân vật đại diện cho đạo đức của Trung Hoa dân quốc trong lịch sử năm nghìn năm, tinh thần ấy mãi mãi được lưu truyền, là bài ca đi cùng năm tháng.

Cùng Hoàng Đế nằm chung một giường là một chuyện rất vui, nhưng áp lực lại rất lớn đó nha.

Hắn chịu áp lực lớn thìáp lực mà Triệu Ngọc phải chịu cũng không hề nhỏ. Sau chuyện lần trước, nàng lo lắng cả một tháng, sợ bản thân mình sẽ mang thai. Việc này có liên quan đến địa vị Hoàng Đế của nàng. Thứ nhất là vì nàng đã nói sẽ thủ thân mười năm, thứ hai, cũng vì nàng nguyện ý thủ tiết mà các vị vương gia mới tiếp tục giữ thái độ bình thản với việc nàng soán vị. Bất luận là soán vị như thế nào thì tất cả đều là người của Triệu gia, vả lại, dù Tống Duy Tông đáng chết, thì Đại Tống vẫn là giang sơn của Triệu gia. Ngộ nhỡ không thủ thân, sinh ra một đứa trẻ thì nó sẽ được coi là gì? Coi là Thái Tử? Hay là tạp chủng? Lẽ nào lại nói là*** Vu Sơn* trong mộng mà có sao?

*Vu Sơn:Đầy đủ là giấc Vu Sơn: chỉ việc trai gái chung chạ chăn gối, ấp yêu với nhau. Dùng từ này để tránh tiếng tục.

Không thể phủ nhận, từ lúc quen biết Âu Dương, Triệu Ngọc đã có cảm tình với Âu Dương rồi. Nếu Âu Dương không thể sống trong phủ quận chúa, thì sẽ không thể nào sống trong hoàng cung. Bất luận là có nói gì đi chăng nữa, thì với cái nhìn của Triệu Ngọc, muốn hiến dâng mình cho Âu Dương là chuyện có thể tiếp nhận được, nhưng nếu vì Âu Dương mà nàng mất đi giang sơn, thì đó sẽ là chuyện hoàn toàn không thể.

Chiều ngày hôm sau, loan giá trống của Hoàng Đế cuối cùng cũng đã tới, Âu Dương đứng ở mười dặm ngoại thành nghênh đón. Sau đó Triệu Ngọc cũng hợp tình hợp lí mà bước vào ở trong nha môn mới tân trang lại. Tuy có chút sơ sài, nhưng với tình hình hiện tại, Triệu Ngọc cũng không bắt bẻ gì nhiều. Hiện giờ Đông Kinh đang được một vị Vương gia có quan hệ rất tốt với Triệu Ngọc thay nàng chăm lo việc nước, ngoài ra còn có Thái Kinh, Trương Huyền Minh, một văn một võ ở lại trấn thủ. Triệu Ngọc bây giờ cũng rất thông minh và thu xếp mọi chuyện rất chặt chẽ, chỉ cần Trương Huyền Minh nắm giữ binh quyền thì sẽ không có bất cứ chuyện gì xảy ra cả. Sau khi Âu Dương theo loan giá về nha môn và ở ngoài nha môn nghe thông báo, sẽ dựa theo khuôn phép mà đối đãi với Triệu Ngọc. Do Triệu Ngọc đã đến, nên toàn bộ cửa Đông và phố Bắc đều bị phong tỏa, phố Bắc là nơi Triệu Ngọc ở lại, còn mọi người ở cửa Đông thì phải phụ trách việc thu mua nguyên liệu nấu ăn. Phương diện này Âu Dương không hề ra mắt, mà là do một vị Phòng Ngự Sử chỉ huy ba nghìn sương quân từ châu lị phái đến. Nhưng chuyện ăn, ở của ba nghìn sương quân này vẫn thuộc quyền quản lí của Âu Dương. Không ra mặt nhưng vẫn nên bỏ tiền ra a.

Cùng ngày hôm ấy, Triệu Ngọc cũng sẽ tiếp kiến Quốc Tử Giám Dương Bình, gặp gỡ phó tổng biên tập Lưu Huệ Lan của Hoàng Gia báo, gặp gỡ Triển Minh, trong thời gian gặp mặt sẽ hỏi thăm về chuyện tiến hành hôn lễ của hai người, sau đó sẽ gặp gỡ Tô lão gia và những người có vai vế ở Dương Bình. Cuối cùng là cùng với hai vị quan chức Dương Bình sắp cáo lão hồi hương dùng bữa tối. Vốn là phải đợi tới ngày mốt mới bắt đầu thi đấu, nhưng không ngờ vào đêm cùng ngày, giữa cấm vệ quân và nha dịch địa phương lại xảy ra xung đột.

Sự việc bắt đầu từ một vị chủ quầy thất học, do không hiểu cáo thị viết gì, cũng không nghe người ta thông báo, nên tối hôm đó mới bày bán ở khu vực phố Bắc đang bị phong tỏa. Cấm vệ quân đương nhiên là không đồng ý, không chỉ là đả thương người ta, mà còn đập nát cả quầy hàng của họ. Chủ quầy đến báo án, mười mấy tên nha dịch đồng loạt xông lên, bắt tên quan quân cấm vệ quân ấy về nha môn thẩm vấn, cấp dưới của vị quan quân ấy nghe được lão đại bị bắt, liền kéo theo mấy chục người bao vây lấy công đường lâm thời và yêu cầu thả người. Âu Dương và Triển Minh còn đang ở cửa Nam tuần tra vận động viên. Lúc hai người trở về thì sự việc đã phát triển lên một bước mới, hơn trăm nha binh và trăm tên nha dịch bao vây mấy chục tên cấm vệ quân, đồng thời còn dự định khép họ vào tội tu tập quấy rối, sau đó tiến hành bắt tất cả bọn họ.