Một cô bạn tâm sự với tôi rằng,
cô không biết nên làm gì với lọ nước hoa mà anh chàng đồng nghiệp vừa tặng. Khi hai người đang trong tình trạng “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, anh tặng cô chai nước hoa Tendre Poison nhân dịp đi công tác nước ngoài về và nói “đó là mùi hương anh rất thích”. Cô sung sướиɠ lắm, chỉ khổ một nỗi, cô không thích và không thấy hợp với cái hương thơm nồng nàn dịu ngọt đó. Mỗi lần sử dụng cô như phải trở thành một người khác.
Tôi nói, bạn có ba chọn lựa: một là sử dụng mùi hương đó chỉ vì anh ta yêu thích - không loại trừ khả năng nó khiến anh ta nhớ… người yêu cũ của mình. Hai là cho anh ấy biết bạn không thích mùi hương đó và cho anh ấy biết bạn sẽ hạnh phúc nếu anh ta tặng bạn những loại nước hoa nào. Ba là bỏ anh chàng ấy nếu chàng ta không vừa lòng với chọn lựa thứ hai.
Mùi hương có thể nói nhiều về người sở hữu nó, nước hoa cũng có thể là một chiếc áo hóa trang. Mỗi mùi hương thường quyến rũ một (vài) kiểu người nào đó, nên nếu dùng loại nước hoa không đúng với mình, bạn có thể quyến rũ… không đúng người.
Một anh bạn thân của tôi, lúc trước có hẹn hò với một cô gái, thấy cũng rất xứng đôi, trừ một việc, cô… không thích cả hai mùi nước hoa của anh. Đó là hai mùi nước hoa mà anh ưa thích nhất, nó luôn khiến anh thấy thoải mái và tự tin khi bước ra ngoài. Nó khiến anh thấy mình là mình. Đôi khi, thật điên rồ khi nghĩ rằng anh đã chấp nhận chia tay một cô gái xinh đẹp thay vì chia tay với chai nước hoa giá chỉ vài triệu. Chuyện nhỏ như hạt cát. Nhưng là hạt cát trong chiếc giày - anh nói. Và cuối cùng anh đã cưới một người con gái khác. Tất nhiên, cô yêu thích mùi nước hoa của anh.
Sự thật là những “lấn cấn” nhỏ nhặt đôi khi quan trọng hơn những bất đồng lớn. Bởi cái lấn cấn đó chính là tiếng chuông báo động của giác quan thứ sáu… Mơ hồ nhưng rõ ràng là có nguyên do.
Giống như đi mua một chiếc áo, có khi ta lấn cấn vì nó “chỉ” hơi chật một chút, hơi rộng một chút, hơi dài một chút… nhưng màu sắc, chất liệu, kiểu dáng quá đẹp, thêm vào lời dụ ngọt ngào của cô bán hàng khiến ta bỏ qua lấn cấn ban đầu. Kinh nghiệm bản thân cho tôi biết thường thì những chiếc áo đó sau khi mua về được nhét vào hốc tủ sau nhiều lần ướm vào rồi lại cởi ra. Bạn không thể khoác một tấm vải đẹp nếu nó không khiến bạn tự tin và thoải mái.
Tình yêu cũng vậy.
Vì sao bạn chưa tìm thấy Mr/Ms. Right của mình? Nhiều khả năng là vì chính bạn cũng chưa tìm thấy mình. Đó là lý do vì sao ở tuổi mười lăm thường có nhiều chàng trai yêu thích chỉ một cô gái, hoặc quá nhiều các cô gái yêu thích chỉ một chàng trai. Và vì sao những mối tình đầu thường hay tan vỡ. Người ta bảo không nên lao vào tình yêu khi còn quá trẻ, vì nhiều lý do, và lý do chính đáng nhất, theo tôi, là khi đó ta chưa định hình được bản thân: “ta là ai?”, “ta muốn gì?”. Ta không thể biết mình cần gì khi chưa xác định được điều mình thiếu.
Có một cô gái hay đến ngồi ở quán cà phê quen của tôi, một mình, uống cà phê đen và châm thuốc hút. Nhìn dáng vẻ và điệu bộ, tôi có cảm giác gần như chắc chắn đó không phải là kiểu của cô. Nhưng vì sao cô làm vậy? Nếu bạn tỏ ra mình là người không cần đến một bờ vai thì bạn sẽ không có được một bờ vai. Nếu bạn tỏ vẻ mình không muốn nghe lời nói dối thì bạn có khả năng chấp nhận những lời nói thật.
Trong bộ phim
George of the jungle (Brendan Fraser đóng) có một câu thoại khiến tôi bật cười: “Vằn đi với vằn, đốm đi với đốm”.
Nếu bạn là vằn mà khoác lên người chiếc áo đốm thì hiển nhiên bạn sẽ thu hút các chàng đốm còn chàng vằn thì… bỏ chạy.
Con người ta có thể thay đổi, và cũng hay thay đổi, nhưng không thay đổi quá nhiều. Thường thì, theo thời gian, những cái “khác với trước đó” mà ta thấy ở một người là do người ta bộc lộ bản thân nhiều hơn là do thay đổi. Bi kịch của cô ngựa vằn khoác trên mình lớp áo đốm là sau khi nhận ra lớp da thật sự đằng sau lớp áo hóa trang thì chàng đốm cũng bỏ đi nốt… Hoặc là bỏ đi sau khi đã xơi tái cô vằn.
Đó là điều vẫn diễn ra hàng ngày. Đôi khi, đó là cách chúng ta đánh mất tình yêu, tình bạn của người khác và là nguyên nhân khiến người khác đánh mất tình yêu, tình bạn của chúng ta.
Thực ra, con người mà ta thể hiện trước nhân gian thường không bao giờ trùng khớp với con người thật sự của ta. Chỉ khác nhau ở chỗ cái phần che giấu ấy là gì, và nhiều hay ít. Năng lực, tình cảm, sự yếu đuối và cả sự mạnh mẽ, tình yêu thương và cả những mưu mô toan tính… Đôi khi, ta nhìn xung quanh và thấy cuộc đời như một vũ hội hóa trang vậy, dù có người khoác chiếc áo hóa trang là để tấn công, còn có người là để tự vệ. Chỉ những người đủ tin tưởng vào con người cũng như đủ tin tưởng vào bản thân mới có thể bước ra khỏi nhà với con người thật của chính mình.
Nhưng dù chúng ta hóa trang vì mục đích gì thì vẫn có một sự thật không thay đổi: con người mà ta thể hiện gần với con người thật của mình chừng nào thì những mối quan hệ của ta nhiều khả năng bền vững chừng ấy. Bạn thể hiện càng gần với bản chất của mình bao nhiêu thì càng có nhiều cơ hội yêu được đúng người bấy nhiêu…
Đó chính là lý do để cô ngựa vằn chẳng việc gì phải tìm cách khoác lên mình bộ lông báo đốm.