Đại Ngụy Cung Đình

Chương 24: Nhất Phương Thủy Tạ (1)

Nửa khắc sau, đám người Triệu Hoằng Nhuận bước ra từ một cửa tiệm bán đồ quý giá nhìn rất hoành tráng. Lúc này trong tay họ đã có tiền, ngay cả dáng đứng cũng đã thẳng hơn rất nhiều.

Tổng cộng sáu trăm lượng. Ai có thể ngờ bức sơn họa đồ do lục hoàng tử Triệu Hoằng Chiêu vẽ ra khi bán cho chưởng quầy ở cửa tiệm đó lại được trả giá đến sáu trăm lượng chứ?

Tuy được cái giá như thế, nhưng Triệu Hoằng Nhuận quan sát giọng điệu và thái độ của chưởng quầy thì vẫn đoán ra được một điều: Cậu đã bị người ta chém đẹp rồi.

Sau này Triệu Hoằng Nhuận mới biết, vị lục hoàng huynh được gọi là Kỳ Lân Nhi ấy từ nhỏ đã nổi danh khắp kinh sư, nhờ tài phong lưu nho nhã, chữ nghĩa đầy mình mà được biết bao nhiêu tài tử giai nhân trong kinh thành tôn sùng. Không biết đã có bao nhiêu học giả phong nhã mong mỏi mơ ước được tham gia hội thơ của Triệu Hoằng Chiêu, cũng không biết có bao nhiêu khuê tú đại gia chưa xuất giá ngày đêm mơ tưởng được kết duyên với vị điện hạ này.

Chỉ tiếc là hội thơ Nhã Phong của Triệu Hoằng Chiêu không phải ai cũng có thể tùy tiện tham gia được. Cho dù là con cháu của một vị đại thần nào đó trong triều nhưng nếu không đủ tài học thì cũng khó nhận được lời mời từ Triệu Hoằng Chiêu.

Chính vì thế nên các tài tử giai nhân trong kinh thành đều xem việc được Triệu Hoằng Chiêu mời đến Nhã Phong các tham gia hội thơ, được tận mắt thưởng thức các bức mặc bảo của vị lục điện hạ này là việc nho nhã nhất, xứng đáng được tán dương nhất. Đến mức các bức mặc bảo của Triệu Hoằng Chiêu trở nên rất nổi tiếng trong kinh thành, được những nhà giàu có nhiều tiền tranh nhau sưu tầm.

Nhưng điều đáng tiếc là Triệu Hoằng Chiêu lại là hoàng tử được thiên tử Đại Ngụy cưng chiều nhất, vừa không thiếu tiền lại vừa không muốn tác phẩm của mình bị mùi tiền làm cho ô nhiễm, thế nên ngoài vài bức tranh mà cậu tặng cho những người thân thiết ra thì hầu như không có bức tranh nào xuất hiện trong kinh sư, dẫn đến việc giá của nó ngày một tăng cao.

Có thể nói rằng, Triệu Hoằng Nhuận đã bị lừa gạt trắng trợn, vì trên bức tranh mà cậu trộm được ấy còn có ấn chương của lục hoàng huynh Triệu Hoằng Chiêu, bán ra chắc chắn phải được cả ngàn lượng. Nếu may mắn gặp được một nhà giàu quyền quý yêu thích phong nhã thì có khi giá bán còn cao hơn nữa.

Nhưng mà nói thật thì khi nhận được sáu trăm lượng này, Triệu Hoằng Nhuận cũng đã cảm thấy hài lòng lắm rồi. Dù gì thì bổng lộc hoàng tử của cậu một tháng được bao nhiêu chứ? Theo quy định tổ chế của Đại Ngụy thì các hoàng tử chưa xuất các chỉ được hưởng đãi ngộ bằng một nửa của thân vương, sau khi trưởng thành mới được hưởng đãi ngộ thân vương. Mà bổng lộc một tháng của thân vương chỉ bằng khoảng gấp rưỡi so với bổng lộc của thần tử nhất phẩm triều đình.

Như vậy tính ra bổng lộc của hoàng tử chưa xuất các chỉ bằng bảy phần mười so với bổng lộc của đại thần nhất phẩm trong triều, quy ra ngân lượng là khoảng hơn năm trăm lượng, một năm được khoảng sáu ngàn lượng.

Đối với bá tánh bình thường mà nói thì đây đúng là một con số trên trời, vì dù gì một nhà bá tánh trong kinh thành chi tiêu cả một năm cũng không quá một trăm lượng. Sáu ngàn lượng sẽ đủ để họ sống sáu mươi năm!

Nhưng đối với một hoàng tử sống trong cung mà nói thì một tháng hơn năm trăm lượng thật sự chẳng là gì cả. Dù gì chỉ tùy tiện thưởng cho một tiểu thái giám trong cung thôi cũng là từ năm đến mười lượng rồi, nếu không thì đừng hòng sai khiến bọn họ làm việc gì. Ngoài việc này ra còn có các chi phí bảo trì tẩm các, mua sắm, đặt làm y phục mới, còn phải trả lương cho tông vệ của mình. Tất cả các chi phí linh tinh này gộp lại thì một tháng cũng phải trả năm trăm lượng rồi. Thậm chí các hoàng tử trong cung còn phải thường xuyên đến gặp mẫu phi của mình để nhận tiếp tế riêng, nếu không thì thật sự khó lòng duy trì được cái gọi là “sự ưu nhã của bề trên.”

Sáu trăm lượng, nếu đổi ra thành các đĩnh bạc trị giá năm mươi lượng một đĩnh thì sẽ là mười hai đĩnh, nặng bằng cả một đứa bé sáu bảy tuổi. Thế nên, lúc ấy Triệu Hoằng Nhuận đã yêu cầu chưởng quầy cửa tiệm đổi cho một vài đĩnh bạc trị giá năm lượng và mười lượng, còn đĩnh bạc trị giá hai mươi lượng và năm mươi lượng thì chỉ lấy vài đĩnh.

Thứ nhất là vì đĩnh năm lượng và đĩnh mười lượng mới là loại tiền được sử dụng nhiều ngoài chợ, thứ hai là có chia ra cũng tiện cho đám tông vệ mang theo, chứ nếu chỉ bắt một mình Lữ Mục phải vác sáu trăm lượng thì cũng giống như việc bắt anh ta phải cõng một đứa bé sáu bảy tuổi chạy vòng vòng vậy. Cứ như thế thì cho dù một chàng trai hơn hai mươi tuổi khỏe mạnh như Lữ Mục cũng sẽ không chịu nổi.

Chia ra thế này thì mỗi tông vệ sẽ cầm khoảng mười mấy đến mấy chục lượng, áp lực của Lữ Mục sẽ giảm đi đáng kể.

“Thẩm Úc, ngươi là người địa phương Đại Lương, ngươi có biết được trong kinh thành thì… cái nơi ấy nổi tiếng nhất là ở đâu không?”

“Thanh lâu nổi tiếng nhất ư?”

Thẩm Úc tuy không bằng lòng với việc dẫn điện hạ nhà mình đến nơi yên hoa liễu hạng ấy, nhưng vì Triệu Hoằng Nhuận đã quyết định rồi thì anh ta cũng hết cách.

Anh ta nghĩ một lúc rồi nói: “Bên cạnh kênh Đô Giang hình như có một nơi rất nổi tiếng.”

Kênh Đô Giang là một con kênh được đào để dẫn nước từ một con sông ở gần Trần Đô Đại Lương vào thành nội. Do nơi đây là Trần Đô Đại Lương, kinh sư của Đại Ngụy, nên con sông ấy được gọi là Đô Giang, và kênh đào dẫn nước từ đó vào thành cũng được gọi là kênh Đô Giang.

Tác dụng của kênh Đô Giang rất rõ rệt, không những kết nối với con sông ngoài thành mà còn là nguồn nước uống và nước sinh hoạt của phần lớn bá tánh trong thành, có một vai trò quan trọng trong Trần Đô Đại Lương. Thậm chí vì để bảo vệ cho con kênh mà hình bộ Đại Ngụy đã ban ra các hình luật liên quan.

Chẳng hạn như cấm vứt các vật bẩn thỉu xuống kênh, cấm tắm rửa đùa nghịch dưới kênh…

“Kênh Đô Giang à? Ta biết ở đâu rồi.”

Mục Thanh hào hứng muốn dẫn đường cho mọi người ngay, nhưng bỗng nhiên Triệu Hoằng Nhuận ngăn lại.

“Đừng vội.” Triệu Hoằng Nhuận phẩy tay rồi nói bằng một giọng nghiêm trọng: “Trước tiên chúng ta đi lung tung vài vòng trong thành để cắt cái đuôi sau lưng đã.”

Đám tông vệ vừa nghe thế thì ngẩn người, bất giác nhìn ra bốn phía.

Thẩm Úc khẽ hỏi: “Điện hạ, không lẽ có người của nội thị giám đi theo sao?”

“Ha.”

Triệu Hoằng Nhuận cười lạnh lùng. Tuy cậu cũng không rõ kẻ ở sau lưng kia có phải là người của nội thị giám bám theo giám sát họ hay không, nhưng mà nghĩ kỹ lại, hôm nay là ngày đầu tiên cậu xuất cung, thế thì vị phụ thân của cậu, cũng là đương kim thiên tử Đại Ngụy ấy theo lí mà nói chắc chắn sẽ bảo Đổng Hiến phái người của nội thị giám đứng từ xa theo dõi hành trình của họ hôm nay.

Nếu để đương kim thiên tử Đại Ngụy biết được hôm nay họ đã đến nơi yên hoa liễu hạng ấy thì sẽ ra sao đây?

“Đi ngõ nhỏ.”

Thẩm Úc vốn là người dẫn dắt nhóm tông vệ lập tức nói khẽ, đám tông vệ thầm lĩnh hội, bèn dẫn điện hạ nhà mình đi vào một ngõ nhỏ.

Quả nhiên, bọn họ vừa đi thì phía bên kia đường liền xuất hiện mấy người đàn ông giả trang làm bá tánh, người nào cũng mặt mũi thanh tú, dáng vẻ không được nam tính cho lắm, vừa nhìn là biết chính là các công công của nội thị giám trong cung.

“…”

Vị công công đứng đầu trông còn khá trẻ tuổi, đưa mắt nhìn vào ngõ hẻm đã không còn bóng người ấy rồi bất giác cau mày, khẽ dặn dò: “Chia ra tìm.”

Mấy tiểu thái giám trẻ tuổi gật đầu, có người men theo con đường đi về phía trước hoặc phía sau, có người lại men theo ngõ hẻm ấy mà đi.

Khoảng nửa canh giờ sau, đám người Triệu Hoằng Nhuận lại bước ra từ một ngõ khác rồi hòa vào dòng người trên đường.

“Nếu thật sự có người theo dõi thì chắc đã bị cắt đuôi rồi đúng không?” Thẩm Úc có hơi không tự tin lẩm bẩm, dù gì thì bám đuôi và cắt đuôi không phải là sở trường của mấy tông vệ như họ.

“Vẫn nên cẩn thận một chút thì hơn.” Vệ Kiêu khẽ nói.

Khi hai người họ nói chuyện thì những tông vệ còn lại đều nhìn ra bốn phía, ánh mắt sắc bén, có vẻ đang muốn tìm đám thái giám nội thị trong dòng người, cứ như giữa dòng người ấy thật sự có thái giám trong cung đang theo dõi.

Thấy hành động kỳ lạ của đám người này ngược lại còn gây thêm sự chú ý của bá tánh trên phố, Triệu Hoằng Nhuận lừ mắt rồi nói bằng giọng khó chịu: “Đủ rồi đủ rồi, các người càng thế này thì chúng ta càng dễ bị tìm thấy đấy… Bình tĩnh chút.”

Đám tông vệ lúc này mới thu lại ánh nhìn sắc bén.

Để đề phòng, bọn họ lại tiếp tục đi qua vài con đường náo nhiệt và vài ngõ hẻm yên tĩnh nữa, đến khi cảm thấy có lẽ thật sự đã cắt đuôi được đám thái giám đó rồi mới đến chốn yên liễu bên cạnh kênh Đô Giang mà Thẩm Úc dẫn đi.

Đi một lúc, Triệu Hoằng Nhuận phát hiện những người đi đường xung quanh mình dần có sự thay đổi.

Còn nhớ lúc nãy khi ở đường Triều Dương, bá tánh trên đường loại người nào cũng có, có già có trẻ, có nam có nữ. Nhưng hiện giờ trên con đường này thì đa phần đều là đàn ông, có những công tử nhà giàu phong độ ngời ngời, có nhân sĩ quyền quý toàn thân gấm vóc lụa là, nhưng hầu như không nhìn thấy một cô nương trẻ nào.

Tiếp tục đi về phía trước một đoạn nữa, Triệu Hoằng Nhuận ngạc nhiên nhìn thấy trước mắt có một tòa lầu các như tự nhiên mọc lên từ kênh Đô Giang. Một mùi hương nhẹ nhàng từ tòa lầu các ấy theo gió kênh lan tỏa khắp nơi.

“Thơm quá, là hoa gì thế?” Trữ Hanh, người thật thà nhất trong đám tông vệ khịt khịt mũi rồi kinh ngạc hỏi.

“Hương hoa ư? Không, đây là… mùi phấn son.”

Ngửi mùi son phấn nhẹ nhàng khiến con người ta thư thái ấy, Triệu Hoằng Nhuận bất giác cảm thấy trong lòng có một sự kích động kỳ lạ.

Cùng với sự kích động ấy còn có cả một sự xao động khó hiểu.

“Đây mới là… đây mới là nơi mà ta luôn muốn đến…”

Triệu Hoằng Nhuận bị bắt phải lớn lên trong thâm cung suốt mười bốn năm giờ kích động đến mức muốn rơi lệ. Cậu cảm thấy mùi phấn son nhẹ nhàng này trong phút chốc đã cứu được sinh lí quan, nhân sinh quan có hơi méo mó đi khi ở trong cung của cậu.

“Thẩm Úc, Mục Thanh, Lữ Mục, đi theo ta, những người còn lại chia thành đợt mà vào.”

Cảm thấy đám người mười một người này của mình thật sự khiến người ta quá chú ý nên Triệu Hoằng Nhuận chỉ dẫn ba người Thẩm Úc, Mục Thanh và Lữ Mục vào trước, những người còn lại tạm thời nghe theo sự chỉ huy của Vệ Kiêu.

“Đi.”

Sau khi sắp xếp thỏa đáng xong, Triệu Hoằng Nhuận bèn cùng ba người kia bước vào nơi yên liễu mà trước nay cậu luôn muốn đến nhưng chưa có cơ hội đặt chân đến.

“Nhất Phương Thủy Tạ?”

Từ xa nhìn thấy tấm biển của tòa nhà ấy, trong lòng Triệu Hoằng Nhuận không khỏi có chút kinh ngạc.

Bởi vì cậu cứ tưởng những nơi thế này thì sẽ có tên là “Cái gì đó Uyển”, “Cái gì đó Các”, hoàn toàn không ngờ rằng nó lại có một cái tên nho nhã thế này.

Bổ sung kiến thức

Trước tiên xin giải thích về từ “Thanh lâu”. Thanh lâu vốn dùng để chỉ những nhã xá hào hoa tinh xảo, cũng dùng để chỉ nhà giàu có.

Thế nên chỉ những tầng lớp cao mới được gọi là thanh lâu. Tuy về nghĩa thì không khác nhau nhưng vẫn cao quý hơn so với từ “Yên hoa liễu hạng”. Có thể hiểu là nơi vui chơi của đại gia, là nơi tràn ngập thịnh yến và thú vui nhân gian.

Tiếp theo xin giải thích sự khác biệt giữa “Xướng” và “Kỹ”.

Chữ “Xướng” được ghép từ hai bộ “Nữ” và “Xương”. Ý nghĩa của chữ “Xương” là phồn hoa náo nhiệt, nghĩa là đường phố. Có người nhìn mặt chữ mà giải thích, Xướng là để chỉ những cô nương đứng trên đường chào mời khách, ám chỉ những người phụ nữ hành nghề thân xác.

Còn “Kỹ” được ghép từ hai bộ “Nữ” và “Chi”, nếu thoáng nhìn qua thì sẽ không rõ nghĩa, nhưng nếu xem chữ “Chi” là một nửa của chữ “Kỹ” trong kỹ nghệ thì sẽ không khó hiểu nữa. Nói đơn giản thì Kỹ nghĩa là những người phụ nữ có kỹ nghệ.

Nói cách khác, Kỹ sẽ cao cấp hơn Xướng, là những cô nương tinh thông kỹ nghệ. Đương nhiên kỹ nghệ này không phải ám chỉ khả năng giường chiếu mà là những tài năng như cầm kỳ thi họa. Cũng chính vì thế mà có nhiều người lại gọi các cô nương ở thanh lâu là tiểu thư, mặc dù từ “Tiểu thư” ở thời cổ đại là để chỉ những bậc thiên kim phú gia.

Nếu giải thích thế này vẫn chưa rõ, các bạn có thể tìm hiểu về các danh kỹ thanh lâu đời nhà Tống, sẽ thấy các Kỹ ấy đều là những nữ tử đa tài tinh thông cầm kỳ thi họa, chỉ đáng tiếc vận mệnh quá bạc mà thôi.

Cuối cùng dùng một câu thể này để phân biệt khái quát nữ tử trong thanh lâu: Ở thanh lâu, người thích tài năng của bạn mà chịu ngủ cùng, ấy là Kỹ, người thích tài sản của bạn mà chịu ngủ cùng, ấy là Xướng.