Đại Ngụy Cung Đình

Chương 3: Thả Diều

Dân phú quốc cường và quốc phú dân cường, hai cụm từ này trông có vẻ gần giống nhau nhưng trên thực tế, giữa chúng có một sự khác biệt vô cùng to lớn.

Đầu tiên, nói về “quốc phú dân cường”, đây mới là cụm từ phổ biến của Đại Ngụy thời bấy giờ, lấy “quốc” làm gốc, cường điệu đặt vai trò của “quốc” lên trước “dân”, mà ý nghĩa của chữ “quốc” lại là thế nào?

“Quốc” tức là xã tắc, là cơ nghiệp tổ tông hoàng tộc Cơ Thị họ Triệu, cái gọi là thiên tử và quốc gia không tách rời. Ở Đại Ngụy, thiên tử chính là quốc, quốc chính là quốc gia của thiên tử Đại Ngụy.

Câu này phù hợp với tình hình quốc gia của Đại Ngụy hiện tại: “dĩ quốc vi bổn” (1): “trung quân ái quốc”.

Còn câu “dân phú quốc cường”, hoàn toàn trái ngược với câu trên đây, mặc dù từ mặt chữ có thể hiểu là “bách tính yên ổn sung túc, quốc gia sẽ cường thịnh”, nhưng vấn đề ở chỗ câu đó đã đặt “dân” ở phía trước, đặt ở phía trước xã tắc Đại Ngụy, thiên tử Đại Ngụy, hàm ý thực sự của nó chính là “dĩ dân vi bổn”.

Như vậy là đã đề cập đến ý chí chính trị, cần phải biết rằng đương kim thiên hạ dù là Đại Ngụy hay bất kỳ quốc gia nào khác, quốc thể đều là “dĩ quốc vi bổn”, quốc gia và thiên tử đều phải đặt lên hàng đầu, đó cũng chính là “trung” mà Nho gia đề xướng. Còn câu “dân phú quốc cường” lại định nghĩa quốc thể thành “dĩ dân vi bổn”, đặt dân sinh lên trước hoàng quyền, điều này mâu thuẫn với tư tưởng thống trị hoàng quyền, nói cách khác, bốn chữ này dùng với Đại Ngụy lúc bấy giờ là đã phạm sai lầm về tư tưởng chính trị.

Nói không hề khoa trương, cũng may người đề ra câu này là hoàng bát tử Triệu Hoằng Nhuận của thiên tử Đại Ngụy Triệu Nguyên Tư, nếu là một kẻ sĩ bình thường đề ra câu này, sự việc sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Chính vì vậy, ba vị quan viên trung thư tỉnh là trung thư lệnh Hà Tương Tự, trung thư tả thừa Lận Ngọc Dương và trung thư hữu thừa Ngu Tử Khởi đều không dám nói bừa, chỉ quay mặt nhìn nhau.

Có lẽ trong lòng họ còn đang đoán chừng, đoán xem câu này có phải được nói ra từ miệng của một kẻ sĩ trẻ tuổi vừa bước chân vào quan trường hay không, vì chỉ có những kẻ sĩ sơ xuất mao lộ (3), tràn đầy nhiệt huyết mới vì tuổi còn trẻ mà ngông cuồng không xem hoàng quyền cao cao tại thượng ra gì, đặt bách tính là giai cấp cơ bản nhất lên hàng đầu. Phải sau nhiều năm lăn lộn ở quan trường, họ mới dần dần ngộ ra rằng, ý nghĩa tồn tại của quan viên, không phải để mưu cầu hạnh phúc cho bách tính, mà là hỗ trợ hoàng quyền thống trị bách tính của quốc gia.

Chính vì hiểu rõ những điều này, ba vị đại thần trung thư tỉnh không ai dám mở miệng.

Thấy vậy, lão thái giám Đổng Hiến thấp giọng nhắc Triệu Nguyên Tư: “Bệ hạ, nếu bệ hạ không nói ra sự thật, e rằng ba vị đại nhân không dám bình luận việc này.”

Nghe ngữ khí nhẹ nhàng của Đổng Hiến, trung thư lệnh Hà Tương Tự nghĩ, nếu quả thật câu này nói ra từ một kẻ sĩ ngông cuồng nào đó, ngữ khí của Đổng Hiến tuyệt đối sẽ không nhẹ nhàng như vậy.

Đây chính là một ngọn đèn sáng chỉ đường!

Nhưng điều nên hỏi, Hà Tương Tự vẫn phải hỏi: “Đánh bạo xin hỏi bệ hạ, chẳng hay câu nói này... là do người nào nói ra?”

Thật ra thiên tử Đại Ngụy cũng hiểu đạo lý trong đó, chỉ có điều ông không ngờ ngay cả ba vị đại thần trung thư tỉnh ông tín nhiệm nhất cũng không dám đưa ra ý kiến.

Ông mỉm cười giải thích: “Là do bát tử Hoằng Nhuận của trẫm nói.”

Vừa nghe đây là câu nói của hoàng tử, ba vị đại thần trung thư tỉnh liền thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng, trong lòng thầm nghĩ, nếu là do hoàng tử nói ra, vậy câu nói này sẽ không có vấn đề chính trị nữa.

Vẻ mặt của ba vị đại thần thiên tử Đại Ngụy đều nhìn thấy rất rõ, vừa cười vừa mắng: “Trẫm chẳng qua chỉ là thuận miệng hỏi thôi, xem các khanh kìa, ai nấy đều nhát như thỏ đế. Hà Tương Tự, khanh còn lớn hơn trẫm những hai mươi tuổi nữa chứ.”

Trung thư lệnh Hà Tương Tự không để bụng, chớp mắt hài hước nói: “Người ta thường nói, người càng già, gan càng nhỏ, lão thần đã hơn lục tuần, lá gan của thần chỉ còn bé bằng hạt gạo thôi, chịu không nổi hù dọa đâu. Bệ hạ có biết không, lúc nãy trái tim lão thần đập điên cuồng luôn đấy ạ.”

Thiên tử Đại Ngụy nghe xong cười to: “Khanh thật là, lúc khanh còn trẻ gan to bằng trời ấy chứ, trẫm không tin đâu.”

Quân thần vui vẻ cười đùa, nói một hồi, họ lại chuyển đề tài về câu “dân phú quốc cường”, lần này ba vị đại thần trung thư tỉnh không còn kiêng dè gì nữa, bắt đầu thảo luận.

Trung thư tả thừa Lận Ngọc Dương nói trước tiên: “Tạm gác bỏ những vấn đề khác, thần cho rằng: “dân phú quốc cường” mà bát điện hạ nói đích thật là một chính sách cường quốc cường dân. Sự cường thịnh của một đất nước, trước tiên phải xem quân vũ, tức vũ lực của quân đội. Mà vũ lực của quân đội được đánh giá như thế nào? Đầu tiên là huấn luyện binh tuất, thứ hai là quân bị. Quân bị các đời của Đại Ngụy ta, đều hao tổn cực lớn, số tiền này đến từ đâu? Chính là thuế má! Mà thuế má lại lấy từ dân. Nếu như dân gian sung túc, việc thu thuế tự nhiên sẽ thuận lợi, quốc khố cũng sẽ dồi dào, tự nhiên sẽ có thể lấy ra một số tiền lớn để hỗ trợ quân đội. Ngược lại, nếu bách tính dân gian cơm cũng không có mà ăn, làm sao có thể nộp thuế? Nếu không có thuế má, quốc khố khó khăn, hộ bộ lấy tiền từ đâu để nuôi quân?”

Thiên tử Đại Ngụy cũng nhận định như vậy, thuế má chính là gốc rễ của quốc gia, đây là điều ai cũng biết.

Nhưng làm cách nào để bách tính sung túc?

Trung thư hữu thừa Ngu Tử Khởi nghiêm túc đưa ra một phương lược: “Trọng thương!”

Thiên tử Đại Ngụy chau mày không nói gì.

Cái gọi là trọng thương, tức là dốc sức cổ vũ bách tính trong nước phát triển thương nghiệp, khích lệ họ mang đặc sản bản địa bán sang những địa phương khác để kiếm lời từ giá chênh lệch. Nhưng vấn đề là, con đường lấy thương nghiệp kiếm lời xưa nay đều bị phú hào quyền quý các nơi nắm giữ, nếu Triệu Nguyên Tư ra sức cổ vũ dân gian phát triển thương nghiệp, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của bọn phú hào quyền quý.

Mà sau lưng phú hào quyền quý hầu như đều là quý tộc công khanh, thậm chí là hoàng thất thân vương, cũng chính là giai cấp thượng lưu, những vấn đề, quan hệ mà cách làm này dính líu đến vô cùng phức tạp, không đơn giản chỉ là đề ra một quốc sách “trọng thương” là có thể giải quyết được.

Dường như nhìn ra nỗi lo lắng của thiên tử, Ngu Tử Khởi thấp giọng nói: “Tài phú của Đại Ngụy tổng cộng lại cũng là bấy nhiêu đó, người này nhiều thì ngươi kia ít, đây là thiên lý. Thần cho rằng, mấu chốt của vấn đề không ở chỗ tài phú nhiều hay ít, mà ở chỗ những tài phú này rốt cuộc được dùng vào việc gì. Người ta nói, nhà giàu rượu thịt để ôi, ngoài đường có kẻ chết cóng. Có người lo được bữa nay không lo được bữa kế, nhưng lại có người có thể ném vạn lượng vàng vào thanh lâu...”

“Khụ!” Trung thư lệnh Hà Tương Tự ho một tiếng cắt ngang lời nói quá tiến bộ của Ngu Tử Khởi, dù sao những lời này của Ngu Tử Khởi cũng là nhắm thẳng vào giai cấp quyền quý của Đại Ngụy.

Ngu Tử Khởi nhìn Hà Tương Tự, cũng ý thức được mình đã lỡ lời, mau chóng im lặng, không nói tiếp nữa.

Lận Ngọc Dương ở bên cạnh, thấy chủ đề hơi nặng nề, bèn nhanh chóng cứu vãn, cười nói: “Ngu đại nhân giận dữ quá mức rồi, ngày trước tên công tử phú gia đó ném vạn lượng vàng để mua một nụ cười của giai nhân, một thời gian còn được ca tụng, không ngờ theo những gì Ngu đại nhân nói, lại thành ra quá quắt như vậy.”

“Hừ!” Trung thư hữu thừa Ngu Tử Khởi khẽ hừ một tiếng, cũng không nói thêm gì.

Thiên tử Đại Ngụy lặng lẽ nghe, thực tế việc Ngu Tử Khởi nói ông cũng từng nghe nói đến, nhưng chuyện một công tử nhà giàu phung phí gia tài không phải là chuyện thiên tử Đại Ngụy quản lý. Hơn nữa, không lẽ những sự việc tương tự xảy ra trên người con cháu tông tộc hoàng thất còn ít sao?

Hai năm trước thế tử của hai quân vương không phải đã vì một kỹ nữ thanh lâu mà ganh ghét nhau, khiến hoàng tộc Cơ Thị họ Triệu Đại Ngụy mất hết mặt mũi sao?

“Bệ hạ, cũng đến giờ rồi, hay bệ hạ đi dùng thiện trước?”

Lão thái giám Đổng Hiến đứng bên cạnh thấy sắc mặt thiên tử Đại Ngụy không được tốt lắm, liền nhanh chóng chuyển đề tài.

“Ừm.” Triệu Nguyên Tư gật đầu.

Thấy vậy, Đổng Hiến bèn phái người bảo mang thiện thực (4) đến.

Dù thân là thiên tử Đại Ngụy, nhưng thiện thực hàng ngày của Triệu Nguyên Tư khá đơn giản, cũng chỉ có vài món ăn. Chỉ vào những dịp lễ quan trọng mới thiết yến ở đại điện đãi chúng thần tử.

Những ngày còn lại, Triệu Nguyên Tư hầu như đều lệnh cho người mang thức ăn đến Thùy Củng điện, bao gồm cả thức ăn của ba vị đại thần trung thư tỉnh, sau đó quân thần bốn người cùng dùng cơm ở Thùy Củng điện, dùng cơm xong thì đến điện bên nghỉ ngơi một lúc, hoặc cũng có thể bắt đầu ngay công việc của buổi chiều, tiếp tục phê duyệt những tấu chương mãi mãi không thể nào phê duyệt hết được.

Đây chính là cuộc sống hàng ngày của thiên tử Đại Ngụy và đại thần trung thư tỉnh.

Nhưng hôm nay sau khi dùng cơm xong, thiên tử Đại Ngụy lại nảy sinh một ý định khác.

“Đổng Hiến, nơi ở của Hoằng Nhuận... ở đâu?”

“Bát điện hạ?” Lão thái giám nghĩ một lúc, cúi người trả lời: “Là Văn Chiêu các.”

“Ai đang hầu hạ?”

“Bẩm bệ hạ, trong Văn Chiêu các có hai mươi tiểu thái giám phụ trách hầu hạ sinh hoạt thường ngày của bát điện hạ và việc quét dọn trong điện, ngoài ra, phủ nha tông tộc có phái mười tông vệ làm thị vệ cận thân của bát điện hạ, tổng cộng là quy chế ba mươi người.”

“Ừm.” Thiên tử Đại Ngụy gật đầu.

Mặc dù trong số các vị hoàng tử sẽ có người được sủng và không được sủng, nhưng trước khi xuất các, quy định đãi ngộ của mọi hoàng tử đều như nhau, đây là quy chế tông tộc.

“Trẫm muốn đi xem thử.” Triệu Nguyên Tư đứng dậy, vừa cười vừa nói với ba vị đại thần trung thư tỉnh: “Ba vị ái khanh có hứng thú cùng trẫm đến đó không?”

Vì sau khi dùng cơm có một khoảng thời gian nghỉ ngơi, thêm vào đó ba vị đại thần trung thư tỉnh cũng khá hiếu kỳ đối với vị hoàng bát tử Hoằng Nhuận, người đã đề ra câu “dân phú quốc cường” đó, do đó sau khi thiên tử Đại Ngụy hỏi xong, ba vị đại thần đều tỏ ý muốn đi cùng.

Vì vậy, đoàn người xuất phát từ Thùy Củng điện, chậm rãi đi về hướng tẩm các của hoàng bát tử Hoằng Nhuận.

Theo tổ chế của Đại Ngụy, hoàng tử phải đủ mười lăm tuổi mới đủ tư cách xuất các lập phủ, đồng thời phong vương phong chức, từ đó ngoài việc thân thế càng tôn quý hơn, sẽ không khác gì đại thần trên điện. Nhưng trước khi xuất các, tẩm các của hoàng tử được sắp xếp trong hoa viên nội cung Biện Kinh, một là vì nơi đó phong cảnh đẹp, hai là vì cách đông cung và hậu cung cũng tương đối gần, tiện cho huynh đệ gặp mặt xây dựng tình cảm, cũng tiện vào cung bái kiến mẫu phi của mỗi người.

Còn về lý do thứ ba, đó chính là vì nơi đó cách chính điện “Đại Khánh điện” của Biện Kinh cung khá xa, hoàng tử trước khi xuất các nghiêm cấm tiếp xúc với bất kỳ quan viên nào trong triều, dù là chủ động hay bị động. Thân là con của hoàng đế, các hoàng tử chỉ cần học hành đàng hoàng trong cung là đủ, không cần tiếp xúc những thứ khác.

Điều đáng nhắc đến là, từ xưa đến nay trong tẩm các của hoàng tử nghiêm cấm bố trí cung nữ, thứ nhất là để tránh hoàng tử mất đi đồng dương lúc còn quá nhỏ, ảnh hưởng dậy thì, thứ hai là để tránh những cung nữ có lòng dạ bất chính vì muốn trèo cao mà cám dỗ hoàng tử nhỏ tuổi vô tri.

Do đó, hoàng tử chưa xuất các, bên cạnh họ chỉ có thái giám và hộ vệ do tông phủ phái đến, người phụ nữ duy nhất được gặp chính là mẫu phi của họ.

Thế nên, cuộc sống của hoàng tử thật ra cũng không tốt như ảo tưởng của thế nhân.

Khoảng thời gian một nén nhang, thiên tử Đại Ngụy Triệu Nguyên Tư dẫn theo lão thái giám Đổng Hiến và ba vị đại thần trung thư tỉnh đến trước Văn Chiêu các.

Nhưng vừa ngẩng đầu nhìn tấm hoành phi của tòa các này, Triệu Nguyên Tư lập tức ngẩn người.

Vì chữ khắc trên tấm hoành phi này rõ ràng không phải là Văn Chiêu các mà là Tiêu Dao các.

“Không phải Văn Chiêu các sao?” Thiên tử Đại Ngụy nhìn người dẫn đường lão thái giám Đổng Hiến với vẻ mặt khó hiểu hỏi.

Thật ra lúc này trong lòng Đổng Hiến cũng cảm thấy khá khó hiểu, thầm nghĩ đây rõ ràng là Văn Chiêu các, sao lại biến thành Tiêu Dao các chứ?

“Lão nô... lão nô chưa từng nghe nói trong cung có Tiêu Dao các...”

Thấy Đổng Hiến nói vậy, thiên tử Đại Ngụy cũng cảm thấy kỳ lạ. Thân là thiên tử Đại Ngụy, Triệu Nguyên Tư chưa từng nghe nói trong Biện Kinh cung có thứ gọi là Tiêu Dao các.

Nghĩ đến đây, thiên tử Đại Ngụy vẫy tay gọi lang vệ đang canh gác hành lang ngoài điện đến, hỏi: “Đây có phải là Văn Chiêu các không?”

Lang vệ đó khom lưng cúi chào thiên tử Đại Ngụy trước, sau đó cung kính trả lời: “Bẩm bê hạ, đây đúng là Văn Chiêu các.”

“Vậy đây là...” Triệu Nguyên Tư nghi hoặc chỉ vào tấm hoành phi trên Văn Chiêu các.

Lang vệ cười khổ một tiếng, ấm úng đáp: “Bẩm bệ hạ, bát điện hạ chê “Văn Chiêu các” không hay nên dặn công bộ khắc tấm hoành phi “Tiêu Dao các” thay thế...”

Thiên tử Đại Ngụy vừa nghe vừa chau mày, thầm nghĩ cung điện các nơi trong Biện Kinh cung đều do hoàng đế tiền triều đặt, há có thể tự ý thay đổi?

“Không biết phép tắc!” Triệu Nguyên Tư bất mãn hừ một tiếng: “Ngươi đi thông báo một tiếng, nói là có trẫm đến, bảo bát hoàng tử ra đây nghênh giá!”

“Chuyện này...” Vẻ mặt lang vệ tràn đầy khó xử: “Bệ hạ, bát điện hạ không ở trong các...”

“Sao?” Triệu Nguyên Tư ngẩn người, thoáng chốc hiểu ra: “Có phải đi học rồi không?”

“A... có lẽ cũng không phải đi học...”

“Sao? Không lẽ đến hậu cung thăm mẫu phi?”

“Sáng hôm nay đã qua đó...”

“Vậy bát điện hạ đã đi đâu?” Thiên tử Đại Ngụy càng nghe càng thấy mơ hồ, thầm nghĩ, không phải đi học, cũng không phải đi hậu cung thăm mẫu phi, lại không ở trong Văn Chiêu các, rốt cuộc Triệu Hoằng Nhuận đã đi đâu?

Đúng lúc này, thiên tử Đại Ngụy đột nhiên nghe thấy từ xa vọng đến tiếng ồn ào.

“Nô tài... nô tài đúng là bay lên rồi... Điện hạ, điện hạ, nô tài bay lên rồi...”

“Ha ha ha, các ngươi kéo chặt vào...”

“Yên tâm đi, điện hạ...”

Thiên tử Đại Ngụy chau mày, thầm nghĩ rốt cuộc là ai dám gây ồn ào trong cung.

Ông đi men theo âm thanh đến nơi phát ra nó, không ngờ đi qua chỗ rẽ của các tòa điện, ông kinh ngạc nhìn thấy trên quảng trường cung đình được trải bằng đá xanh ở nơi xa có một nhóm người đang tụ lại cười ha hả.

Một người trong số đó, rõ ràng chính là người sáng hôm nay gặp ở Văn Đức điện, bát tử Triệu Hoằng Nhuận!

Lại ngẩng đầu lên nhìn trời, Triệu Nguyên Tư ngạc nhiên phát hiện trên không trung có một thứ đang bay, trông giống một con chim kỳ lạ, điều không thể tưởng tượng nổi chính là bên dưới thứ đó có cột một con người! Dựa vào trang phục, người đó chắc là tông vệ do tông phủ phái đến cho một vị hoàng tử nào đó.

“Thứ quái quỷ đó là gì? Có thể giúp người bay lên trời?” Thiên tử Đại Ngụy thầm nghĩ. Ông vô cùng kinh ngạc, lặng lẽ đi đến phía sau đám người đó.

Triệu Nguyên Tư để ý thấy chín thân vệ bên cạnh Hoằng Nhuận, trên tay đang hợp sức kéo một sợi dây mảnh, sợi dây mảnh này nối liền với “quái điểu” trên không trung, nếu không nhầm, con quái điểu có thể cõng người đó, có lẽ là nhờ sức gió mới có thể bay lơ lửng trên không.

“Khụ!” Triệu Nguyên Tư giơ tay che miệng ho một tiếng.

Trước đó, dù là hoàng bát tử Triệu Hoằng Nhuận hay tông vệ của cậu, mọi sự chú ý đều tập trung trên trời, không hề phát hiện thiên tử Đại Ngụy lúc này đang đứng sau lưng họ.

Hiện tại, Triệu Nguyên Tư đã ho một tiếng, chín tông vệ đang đứng dưới đất kéo dây có phản ứng trước, quay đầu lại nhìn.

Nhìn thôi thì vẫn chưa có gì, khi họ kinh ngạc phát hiện thiên tử đang đứng sau lưng với vẻ mặt không lấy gì làm vui vẻ, họ gần như sợ đến nỗi hồn phi phách tán, làm gì còn tâm trạng kéo dây, lập tức quỳ lạy.

“Bái kiến bệ hạ!”

Chưa dứt lời, trên trời đã truyền đến tiếng kêu la thảm thiết.

Triệu Nguyên Tư ngẩng đầu lên nhìn, kinh ngạc nhìn thấy con “quái điểu” trên trời, do không còn sợi dây phía dưới kéo, không thể tiếp tục giữ thăng bằng trước gió, lập tức rơi xuống.

“Tiêu rồi! Tiêu rồi! Mục Thanh sắp rơi rồi, mau đi cứu người! Mau lên!”

Bát tử Triệu Hoằng Nhuận của Triệu Nguyên Tư lúc này cũng không còn tâm trạng hành lễ với phụ hoàng, hốt hoảng dẫn chín tông vệ đi cứu người.

Nhìn đám người này tay chân luống cuống chạy về phía xa, cố gắng đỡ lấy thân vệ đang rơi xuống từ đầu dây trên trời, Triệu Nguyên Tư không biết nên nói thế nào.

Sau lưng thiên tử Đại Ngụy, vẻ mặt ba vị đại thần trung thư tỉnh cũng như vừa gặp phải ma, quay đầu nhìn nhau.

“Bệ hạ, nơi này gió to, e sẽ tổn hại long thể, hay bệ hạ di giá đền Văn Chiêu các trước?” Đổng Hiến cẩn trọng nói.

Triệu Nguyên Tư hít một hơi thật sâu: “Nói với tên nghịch tử đó, trẫm chờ nó ở tẩm các!”

“Vâng.”

***

(1) Dĩ quốc vi bổn: Lấy đất nước làm gốc

(2) Dĩ dân vi bổn: Lấy dân làm gốc

(3) Sơ xuất mao lộ: Chân ướt chân ráo

(4) Thiện thực: Thức ăn hàng ngày