Đại Ngụy Cung Đình

Chương 1: Bài Thơ Làm Náo Động Văn Đức Điện

Đại Ngụy, từ thời Cơ Thị họ Triệu.

Ngày 19 tháng 2 năm Hồng Đức thứ 16, trong cung Biện Kinh, Đại Lương, hoàng đế Đại Ngụy Triệu Nguyên Tư sau khi tảo triều về Văn Đức điện nghỉ ngơi.

Vị hoàng đế Đại Ngụy Triệu Nguyên Tư này hai mươi sáu tuổi đăng cơ, đến nay đã tại vị mười sáu năm, đối nội khích lệ dân sinh, cắt giảm lao dịch thuế má, đối ngoại phát binh diệt Tống, mở rộng lãnh thổ, cũng có thể xem là một minh quân.

Triệu Nguyên Tư không phải là một thiên tử tại vị có dã tâm. Ông đã rất hài lòng với cống hiến của mình cho xã tắc tổ tông để lại, không vọng tưởng thôn tính các nước láng giềng xung quanh, thống nhất thiên hạ.

Hiện tại, ông chỉ muốn bồi dưỡng được một người kế thừa xuất sắc, tiếp tục truyền lại cơ nghiệp của tổ tông.

Tuy nhiên, làm sao để chọn ra một người nối dõi trong số các vị hoàng nhi lại trở thành nỗi phiền muộn đau đầu nhất lúc này.

Từ xưa đến nay, các hoàng tử do tranh giành vị trí chi trưởng dẫn đến cốt nhục tương tàn, rối loạn triều cương không phải chuyện hiếm. Mặc dù Triệu Nguyên Tư không hy vọng những người con của mình cũng vì tranh giành hoàng vị mà trở mặt thành thù, huynh đệ tương tàn, nhưng trên thực tế ông cũng hiểu rõ, những chuyện này cho dù ông là thiên tử Đại Ngụy cũng không thể nào tránh khỏi.

Vốn dĩ ông muốn kéo dài thêm hai năm nữa, nhưng sự nghiệp cần chính hơn mười năm nay đã khiến vị thiên tử Đại Ngụy lao tâm lao lực này dù mới chỉ hơn tứ tuần đã đầu tóc bạc phơ. Tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu cũng không ngừng nhắc nhở ông, nhất thiết phải nhân lúc cơ thể vẫn còn đang tương đối khỏe mạnh này chọn ra một vị hoàng tử kế ngôi vừa lòng ông, cắt đứt ý niệm của những đứa con còn lại, nếu không ngày sau nhất định xảy ra chuyện.

Nhưng nghĩ đến việc rốt cuộc phải chọn ai, nói thật ngay cả bản thân Triệu Nguyên Tư cũng khó có thể quyết định.

“Đổng Hiến.” Thiên tử gọi.

Đổng Hiến là vị thái giám hầu hạ bên cạnh thiên tử Đại Ngụy, khi Triệu Nguyên Tư vẫn còn là thái tử Đông Cung thì Đổng Hiến đã hầu hạ bên cạnh ông, nay Triệu Nguyên Tư trở thành thiên tử Đại Ngụy, địa vị Đổng Hiến cũng lên như diều gặp gió, ngồi vững trên vị trí của một trong hai Nội Thị Giám, có thể nói là một trong hai đại thái giám có chức hàm cao nhất, quyền hành lớn nhất trong cung hiện tại.

“Có lão nô.” - Đổng Hiến khom khom cái lưng vốn dĩ đã rất còng của mình, thấp giọng trả lời.

Thiên tử Đại Ngụy trầm ngâm một lúc, hỏi:

“Ngươi cảm thấy sau này trẫm nên truyền vị cho vị hoàng tử nào thì ổn thỏa?”

Đổng Hiến nghe xong hai hàng lông mày bạc phơ bất giác run lên, dù hắn là lão bộc hầu hạ bên cạnh Triệu Nguyên Tư mấy chục năm nay, hơn nữa Triệu Nguyên Tư cũng rất tin tưởng hắn, nhưng liên quan đến vấn đề hoàng trữ (1), cho dù là Đổng Hiến thì cũng không dám nói bừa.

Hắn nhăn khuôn mặt vốn dĩ đã đầy nếp nhăn lại, khó xử nói:

“Bệ hạ, chuyện hoàng trữ là chuyện lớn, bệ hạ có thể bàn với hoàng hậu, cũng có thể bàn với triều thần... lão nô chỉ là một kẻ khiếm khuyết, nào dám phát biểu bừa bãi chuyện thiên gia?”

Triệu Nguyên Tư nghe xong liền nhíu mày, liếc nhìn Đổng Hiến rồi bực bội nói:

“Trẫm bảo ngươi nói ngươi cứ nói thẳng, trẫm không trách tội!”

Đổng Hiến có chút khó xử, dù thiên tử Đại Ngụy đã tha tội nói thẳng cho hắn, nhưng những chủ đề này hắn cũng không tiện can thiệp, dù sao chuyện hoàng trữ liên quan rất nhiều vấn đề khác, không những liên quan đến mấy vị hoàng tử, mà còn liên quan đến các nương nương hậu cung, lỡ nhất thời bất cẩn nói sai điều gì, nhất định sẽ đắc tội thế lực nào đó.

Nghĩ một lúc, Đổng Hiến cười gượng nói:

“Lão nô cảm thấy, nếu như bệ hạ đã lập trưởng hoàng tử làm thái tử, ắt hẳn lòng bệ hạ cũng hướng về thái tử điện hạ.”

Câu nói này của hắn rất thông minh, thuần túy xem thái tử như ngọn đèn sáng, phát biểu một sự thật hiển nhiên mà ai cũng biết, cũng sẽ không vì vậy mà đắc tội ai.

Tuy nhiên thiên tử Đại Ngụy lại không hài lòng.

Nhưng ông không làm khó Đổng Hiến nữa, dù sao ông cũng hiểu, Đổng Hiến càng là người lớn tuổi bên cạnh ông, đối với vấn đề hoàng trữ này hắn lại càng giấu kín như bưng, dù sao bất luận ở đâu chăng nữa, bàn luận người được chọn làm hoàng trữ cũng là điều cấm kỵ.

“Đổng Hiến, truyền khẩu dụ của trẫm, trước buổi tảo triều ngày mai triệu tập các hoàng nhi đến Văn Đức điện, trẫm phải đích thân kiểm tra học thức của các vị hoàng nhi, xem thử thành quả học tập thời gian qua của chúng như thế nào. Lệnh cho các đại học sĩ đảm nhiệm việc giảng dạy cũng phải có mặt.”

“Tuân khẩu dụ bệ hạ.”

Hôm sau, trời còn chưa sáng hẳn, chín vị hoàng tử của Triệu Nguyên Tư đã phục chỉ tập hợp ở Văn Đức điện, nhưng đếm kỹ lại, sẽ phát hiện mới chỉ có tám người có mặt, thiếu một người.

Nhưng có vẻ Triệu Nguyên Tư không phát hiện, đang chuẩn bị công bố đề thi.

Thấy vậy, Đổng Hiến bèn cúi người nhắc nhỏ bên tai thiên tử:

“Xin bệ hạ khoan đã, vẫn còn một vị điện hạ chưa đến.”

Triệu Nguyên Tư nghe xong rất ngạc nhiên, nheo mắt cẩn thận đếm lại số người trong điện, quả nhiên phát hiện chỉ có tám vị hoàng tử có mặt.

Nhưng nhất thời ông cũng không thể xác định được là thiếu vị hoàng nhi nào, chỉ biết rằng năm vị hoàng tử mà ông quan tâm đều đã có mặt đủ cả. Năm vị hoàng tử này lần lượt là: Hoàng trưởng tử - Thái Tử - Hoằng Lễ, thứ tử - Ung Vương - Hoằng Dự, tam tử - Tương Vương - Hoằng Cảnh, tứ tử - Yến Vương - Hoằng Khương và hoàng ngũ tử - Khánh Vương - Hoằng Tín.

Năm vị hoàng tử này người lớn nhất đã hai mươi lăm tuổi, trẻ nhất cũng đã hai mươi mốt. Ngoài thái tử Hoằng Lễ, những người còn lại đều đã lập gia thất và phủ đệ, được phong vương vị, cũng là những người trong lòng thiên tử Đại Ngụy lựa chọn làm hoàng trữ.

Những vị hoàng tử còn lại hiện tại vẫn chưa lập gia thất và phủ đệ. Hoặc là do Triệu Nguyên Tư không nỡ, ví dụ như lục hoàng tử Hoằng Chiêu, người này rất giỏi thơ từ ca phú, cầm kỳ thi họa, rất được Triệu Nguyên Tư sủng ái. Hoặc là vẫn chưa đến tuổi, ví dụ như thất hoàng tử Hoằng Ân, bát hoàng tử Hoằng Nhuận và cửu hoàng tử Hoằng Tuyên.

Cũng chính vì ba vị hoàng tử nhỏ nhất tuổi vẫn còn nhỏ, Triệu Nguyên Tư không liệt chúng vào danh sách lựa chọn làm hoàng trữ vì vậy mà cũng rất ít quan tâm đến chúng.

“Là hoàng nhi nào chưa đến?” - Triệu Nguyên Tư chau mày hỏi.

“Là bát hoàng tử Hoằng Nhuận.”

Đại thái giám Đổng Hiến phụ trách cuộc hoàng thí này thấp giọng cáo tội:

“Lão nô đã phái người đi hối thúc, tin rằng bát điện hạ sẽ đến đây ngay thôi.”

Triệu Nguyên Tư lại chau mày.

Bát hoàng tử Triệu Hoằng Nhuận, là người con thứ tám của ông, năm nay mới mười bốn tuổi.

Trước đó Triệu Nguyên Tư cũng có nghe nói rằng người con này rất bưởng bỉnh, ham chơi, không lo học hành, khiến các đại học sĩ đảm nhiệm việc dạy học trong cung luôn thầm oán thán.

Nhưng do người con này còn nhỏ, huống hồ lại không có tài an dân trị quốc, không nằm trong danh sách hoàng trữ nên Triệu Nguyên Tư trước đây không quan tâm lắm.

Không ngờ hôm nay người con này ngay cả hoàng thí cũng đến trễ, việc này khiến Triệu Nguyên Tư trong lòng rất tức giận.

Thiên tử Đại Ngụy im lặng ngồi trở lại long tọa, sắc mặt tối sầm rất đáng sợ.

Điều này khiến các vị đại học sĩ có mặt để giám thí quay mặt nhìn nhau, họ cũng không dám lên tiếng nói lời nào.

Còn mấy vị hoàng tử đã có mặt thì tỏ vẻ mặt thờ ơ, có người im lặng không nói gì, có người như chuẩn bị xem náo nhiệt, chỉ duy nhất cửu hoàng tử nhỏ tuổi nhất mặt đầy lo lắng.

Trong số các vị hoàng tử, quan hệ giữa cậu - Hoằng Tuyên - và Hoằng Nhuận là mật thiết nhất, vì mẫu thân Thẩm Thục phi của Hoằng Tuyên chính là tỷ muội thân thiết của mẫu thân Hoằng Nhuận lúc còn sống và Thẩm Thục phi cũng chính là dưỡng mẫu của Hoằng Nhuận.

Do đó, dù cùng cha khác mẹ, nhưng Hoằng Nhuận và Hoằng Tuyên lại lớn lên nhờ cùng một dòng sữa mẹ. Mặc dù hiện nay hai người họ cũng đã ngày càng lớn, sớm đã dọn ra khỏi tẩm điện của Thẩm Thục phi nhưng quan hệ vẫn thân thiết như xưa.

Thời gian khoảng một nén nhang trôi qua, một lang vệ cung điện dẫn một vị hoàng tử trẻ tuổi đi vào Văn Đức Điện, người này mi thanh mục tú, tướng mạo đường đường, tuy còn nhỏ nhưng khá tuấn tú. Nhưng chỉ tiếc rằng, không biết có phải người này mới ngủ dậy hay không, cử chỉ có chút buồn ngủ lười biếng, cặp mắt không sáng như các vị hoàng tử khác.

Nhìn bộ dạng này của bát hoàng tử Triệu Hoằng Nhuận, thiên tử Đại Ngụy lập tức đoán được rằng, đứa con này nhất định là vừa bị lang vệ cung điện lôi từ trên giường xuống, nhưng trước mặt các vị đại học sĩ trong điện, ông cũng không tiện phanh phui chuyện này, chỉ còn cách hung dữ liếc nhìn Triệu Hoằng Nhuận, ra hiệu bảo cậu vào vị trí.

Thấy các hoàng tử cuối cùng cũng đã đông đủ, Triệu Nguyên Tư bèn công bố đề thi lần này.

Tổng cộng gồm hai câu. Câu đầu tiên thi tài năng và học vấn, yêu cầu chín vị hoàng tử viết một bài về chí hướng của bản thân, phỏng theo “Kinh Thi”, không giới hạn thơ hay từ. Câu thứ hai thi kiến thức trị quốc của các hoàng tử, yêu cầu họ viết một bài “Quốc Phú Luận”, có thể phân tích về tình hình đất nước Đại Ngụy hiện tại, cũng có thể bình luận lợi và hại của các chính sách triều đình đang thực thi, đồng thời phải thêm vào quan điểm cá nhân, tóm lại, chỉ cần có thể giúp Đại Ngụy mạnh hơn đều có thể viết ra.

Sau khi công bố đề thi, Triệu Nguyên Tư dứng dậy đi tảo triều, để lại các vị đại học sĩ giám sát những người con của ông.

Khoảng một canh giờ sau, tảo triều kết thúc, Triệu Nguyên Tư lại cùng đại thái giám Đổng Hiến trở về Văn Đức Điện, chuẩn bị kiểm tra thành quả một canh giờ vừa qua của các vị hoàng nhi.

Lúc này, chín vị hoàng tử đều đã viết xong, ngừng bút, ngồi sau án chờ đợi phụ hoàng quay lại thu bài phê duyệt.

Triệu Nguyên Tư ban đầu rất hài lòng, nhưng sau khi ánh mắt lướt một lượt trên đại điện, nụ cười trên môi ông liền khựng lại.

Không đúng, rõ ràng chín vị hoàng nhi, tại sao lại thiếu mất một người nữa?

Triệu Nguyên Tư mở to mắt đếm kỹ lại, phát hiện trong điện quả nhiên chỉ có tám vị hoàng tử, còn một người không biết đã đi đâu, suy nghĩ kỹ lại, Triệu Nguyên Tư phát hiện người này không ngờ lại chính là bát hoàng tử Triệu Hoằng Nhuận vừa đến trễ lúc sáng.

“Hoằng Nhuận đâu?” - Triệu Nguyên Tư hỏi.

Vừa dứt lời, hoàng thứ tử Ung Vương Hoằng Dự vừa cười vừa trả lời:

“Thưa phụ hoàng, Hoằng Nhuận về rồi.”

“Về rồi?”

“Vâng. Hoằng Nhuận nói đệ ấy chưa ngủ được mấy canh giờ đã bị lang vệ gọi dậy, không thể không nhanh chóng chạy đến Văn Đức điện tham gia hoàng thí và nếu như đã làm xong bài thì có thể về ngủ bù tiếp.”

“Tên nghịch tử này...”

Thiên tử Đại Ngụy bất mãn lẩm bẩm một câu, trước mặt các vị đại học sĩ ông cũng không dám bộc phát, cố nén cơn giận miễn cưỡng nói:

“Hừ! Xem ra bát hoàng nhi của ta có chuẩn bị từ trước rồi nhỉ! Ai đọc thử bài của Hoằng Nhuận nghe xem.”

Các vị học sĩ quay mặt nhìn nhau, không một ai đứng ra đọc thơ từ văn chương do hoàng bát tử Hoằng Nhuận viết, xem ra các vị này cũng biết rõ tài năng của vị hoàng tử điện hạ này rồi, đến nỗi mà không ai dám chủ động đọc văn hắn viết, để tránh đọc ra lại chọc tức thiên tử bị vạ lây.

Thấy vậy, Triệu Nguyên Tư giơ tay chỉ cửu hoàng tử Hoằng Tuyên:

“Hoằng Tuyên, con đọc.”

“Vâng, thưa phụ hoàng.”

Dù cùng một mẫu thân nuôi lớn, nhưng cửu hoàng tử Hoằng Tuyên nhỏ hơn ca ca Hoằng Nhuận một tuổi này lại biết lễ nghi của một vị hoàng tử hơn Hoằng Nhuận, cậu ta chậm rãi đứng dậy, cúi người lạy một lạy về phía phụ hoàng, đi đến trước án thi của ca ca Hoằng Nhuận, cầm tờ giấy trên án cẩn thận xem một lượt.

Xem xong, Hoằng Tuyên nhỏ tuổi nhất thời nhíu chặt đôi mày.

“Đọc đi!” - Triệu Nguyên Tư bất mãn thối thúc.

Tuy nhiên, Hoằng Tuyên vẫn do dự không mở được mồm.

Thấy vậy, đại thái giam Đổng Hiến đột nhiên trong lòng cũng hiểu rõ, ắt hẳn là văn chương bát hoàng tử Hoằng Nhuận viết quá không ổn nên khiến hoàng cửu tử Hoằng Tuyên vì nể tình huynh đệ mà khó lòng mở miệng.

Vì vậy, hắn nhẹ giọng nói với Triệu Nguyên Tư:

“Bệ hạ, mấy hôm gần đây gió to, cửu điện hạ vẫn còn nhỏ tuổi, có lẽ đã bị nhiễm phong hàn, cổ họng không khỏe, hay để nội giám phía sau lão nô đọc.”

“Ừm.” - Triệu Nguyên Tư lướt nhìn Triệu Hoằng Tuyên, cũng phát hiện có gì đó bất thường.

Dưới ánh mắt ra hiệu của đại thái giám Đổng Hiến, một tiểu thái giám cúi người bước nhanh đến bên cạnh Triệu Hoằng Tuyên, nhận lấy bài thi từ tay cửu điện hạ đang cười gượng gạo, to giọng đọc:

“Báo thần chi kê thượng vi đề, quân triệu chúng nhi điện Văn Đức. Nhất vấn tài thức, nhị vấn triều bình. Ngô huynh đọc thư vạn quyển, ngô đệ huy bút hữu thần. Nại hà nhi thần phúc trung không, trảo nhĩ náo tai văn nan thành...”

Triệu Nguyên Tư nghe xong cũng vui lên chút ít, một người tinh thông Kinh Thi như ông tất nhiên hiểu rõ kết cấu bài thơ này của Triệu Hoằng Nhuận không phải lấy từ Kinh Thi, nhưng không hiểu tại sao khi đọc lên lại cảm thấy rất có vần điệu, nhất là câu “Nại hà nhi thần phúc trung không, trảo nhĩ náo tai văn nan thành”, miêu tả rất sinh động cảnh vừa nãy Triệu Hoằng Nhuận ngồi trong điện nhìn những huynh đệ khác ngồi viết lia lịa, còn bản thân thì lại khổ sở vì không viết được gì.

“Dù thể thơ kỳ lạ, nhưng cũng có thể xem là khá hay, tại sao Hoằng Tuyên không dám đọc?” - Triệu Nguyên Tư nghĩ thầm, cảm thấy khó hiểu.

Lúc này, vị tiểu thái giám đó tiếp tục đọc.

“...Thế nhân giai đạo hoàng tử hảo, há tri hoàng tử diệc nan đương. Thứ tử vị khởi ngô dĩ khởi, thứ tử dĩ thụy ngô vị thụy...”

“...” Triệu Nguyên Tư bất giác có chút động lòng. Cách dùng từ của bát hoàng tử Hoằng Nhuận tuy có hơi thẳng thắn, nhưng đã viết ra được nỗi khổ của hoàng tử, nhất là câu “Thứ tử vị khởi ngô dĩ khởi, thứ tử dĩ thụy ngô vị thụy”, những hoàng tử sinh ra trong gia đình đế vương, có ai không phải từ nhỏ đã phải tiếp nhận cách giáo dục cung đình nghiêm khắc, không có lấy chút tự do nào?

Hơn nữa câu này dùng cho người thân là thiên tử Đại Ngụy Triệu Nguyên Tư cũng rất thích hợp.

Triệu Nguyên Tư tại vị mười sáu năm, cần cù chăm lo quốc chính, có đêm nào không thức khuya hơn bá quan, dậy sớm hơn bá quan? Cho dù là bình dân bách tính, lại có bao nhiêu người có thể được như ông?

Vậy nên mới nói, làm hoàng tử khó, làm thiên tử càng khó, mà muốn làm một vị minh quân lại khó thêm một bậc!

Câu này, quả thật đã viết ra tiếng lòng của Triệu Nguyên Tư.

Lúc này, tiểu thái giám đó đang đọc câu cuối.

“Sách tính ngô chí bất tại thử... à... Sách tính ngô chí bất tại thử... ừm...”

“Đọc đi!” - Triệu Nguyên Tư hối thúc với vẻ mặt khó hiểu, trong lòng nghĩ, bài thơ viết cũng khá hay mà, sao lại không đọc tiếp?

Dưới sự hối thúc của thiên tử Đại Ngụy, tiểu thái giám đó đỏ mặt tía tai, đột nhiên, cắn chặt răng, đọc ra câu cuối.

“... Sách tính ngô chí bất tại thử, ha ha, tùy tha khứ bãi (mặc kệ nó đi)!”

Vừa dứt lời, toàn điện im phăng phắc.

Còn mặt thiên tử Đại Ngụy Triệu Nguyên Tư thì trơ như tượng gỗ.

“Ha... ha? Mặc kệ nó đi? Mặc kệ... nó đi?”

Triệu Nguyên Tư đột nhiên hoàn hồn, tức giận đến nỗi đôi mắt trợn tròn, cuối cùng ông đã hiểu tại sao Hoằng Tuyên lại do dự không dám đọc bài thơ kỳ lạ này.

“Láo xược!!!”

Thiên tử phẫn nộ, tất cả mọi người trong Văn Đức điện đều sợ đến nỗi quỳ rạp dưới đất, thấp thỏm lo âu.

--- Bài thơ kỳ lạ của Hoằng Nhuận, một bài thơ dở tệ khiến người ta nghĩ nát óc ---

Báo thần chi kê thượng vi đề,

Quân triệu chúng nhi điện Văn Đức.

Nhất vấn tài thức, nhị vấn triều bình.

Ngô huynh đọc thư vạn quyển, ngô đệ huy bút hữu thần.

Nại hà nhi thần phúc trung không, trảo nhĩ náo tai văn nan thành.

Thế nhân giai đạo hoàng tử hảo, há tri hoàng tử diệc nan đương.

Thứ tử vị khởi ngô dĩ khởi, thứ tử dĩ thụy ngô vị thụy.

Sách tính ngô chí bất tại thử,

Ha ha, tùy tha khứ bãi!

Hoằng Nhuận - Văn Đức điện loạn phú

***

(1) Hoàng trữ: Người được xác định sẽ kế thừa ngôi vua.