Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 228: Chết đói hay chặt đầu? (2)

- Còn, còn có quân triều đình, thế nào cũng phái viện bình tới dẹp loạn, giờ thiên hạ đã thái bình, hoàng đế lên ngôi, đám giặc nhỏ này thế nào cũng bị diệt.

Lương thị không tham gia cuộc trò chuyện của Hầu Phổ với cha con Tả Quý nên chẳng biết gì, Tả Thiếu Dương kiên nhẫn giải thích cho mẹ, phải ổn định tâm lý của mẹ trước, nếu không khi quan binh soát nhà, mẹ quá sợ hãi để lộ sơ hở thì coi như xong:

- Tỷ phu nói, hiện giờ ở biên cương phương bắc, người Đột Quyết quấy phá dữ dội, triều đình phải phái đại quân đi chinh phạt. Mẹ xem quân đội tới đây đa phần là già yếu bệnh tàn, chứng tỏ không còn binh lực dư nữa. Hoàng thượng là người anh minh thần vũ, thiện chiến, biết nặng nhẹ hoãn gấp, quân chủ lực lên phương bắc đối phó với ngoại tặc, phản quân chỉ là đám tàn dư, không đủ gây họa lớn, nên kiềm chế là đủ, đợi khi nào dẹp yên phía bắc mới cho chủ lực về dẹp loạn. Cho nên không hi vọng gì vào viện quân lúc này đâu mẹ..

Lương thị rối lên:

- Vậy phải làm sao?

Tả Thiếu Dương cắn răng nói:

- Rất đơn giản... Bán lương thực cho quan binh, mấy nhà chúng ta chết là cái chắc. Giữ lại lương thực, nếu bị quan binh phát hiện, cả nhà bị chặt đầu, cha mẹ thấy nên chọn đường nào?

Lương thị mặt trắng bệch không nói lên lời.

Tả Quý chậm rãi nói:

- Dù sao cũng là đường chết, chẳng qua là sớm hay muộn, chẳng bằng liều một phen, dấu lương thực đi đánh cược với số phận, còn tốt hơn là chết đói.

Lương thị vẫn ôm hi vọng nhỏ nhoi, ngập ngừng nói:

- Cả thành mấy vạn người, quan binh sao có thể trơ mắt nhìn tất cả chết hết? Nói không chừng quan binh thu lương thực lại để khi cần kíp phát ra cho mọi người sống qua ngày.

- Mẹ à, con không rõ quan binh còn bao nhiêu lương thực, song nhắm mắt cũng biết được là không đủ duy trì nữa, nếu không làm sao phải mạo hiểm hạ lệnh tàn khốc như trưng thu lương thực, chẳng lẽ không sợ dân không có cái ăn mà bạo loạn sao? Phát lương cứu tế bách tính khẳng định là sẽ có để vỗ về lòng dân, nhưng chẳng có được là bao đâu, chỉ là hành động tượng trưng thôi, không giải quyết được vấn đề.

Lương thị rất nhát gan:

- Cùng lắm thì ăn rau dại, nhà ta đâu phải là chưa ăn.

Tả Quý hừm một tiếng:

- Rau dại đủ ăn à, quên mất thời chúng ta còn ở quê rồi sao...

Lương thị như nhớ tới việc gì, gai ốc nổi khắp người, khi ấy bà và Tả Quý còn trẻ, vẫn ở quê, hoàng đế chưa thống nhất thiên hạ, đã trải qua chuyện bị địch vây thành, đó là ngày tháng không ai muốn nhắc tới hay nhớ tới. Tuy nói khắp nơi có cây cối hoa quả, song thứ ăn được không có mấy, tuyệt đại đa số không ăn được, chẳng mấy chốc mà ăn hết. Ăn hết lương thực sẽ tới rau dại, vỏ cây, rễ cây, thậm chí là bùn đất. Rất nhiều người vì ăn những thứ có độc mà chết, hoặc là vì ăn thứ không tiêu hóa nổi mà chết trong đau đớn. Không còn cái gì ăn nữa, những kẻ độc ác bắt đầu ăn thịt người... Mỗi ngày đều có vô số người chết, chẳng ai còn sức mang những thi thể đó ném đi nữa, xác chết đầy đường, mùi hôi thối nồng nặc, không khác gì địa ngục.

Chỉ mới nghĩ lại, Lương thị lạnh khắp người:

- Vậy thì chúng ta giữ lại thêm chút lương thực, đủ cho mấy tháng thôi không cần nhiều, có lẽ dù bị phát hiện cũng không tới mức bị chặt đầu.

Tính tình mẹ là thế, là một y giả, sự kiên nhẫn của Tả Thiếu Dương rất cao, chậm rãi phân tích cho mẹ hiểu:

- Mấy nhà chúng ta hai mấy người, giữ đủ lương thực thôi cũng hơn trăm đấu, mà Phàn đội chính đã nói, hơn một đấu gϊếŧ gia trưởng, hơn ba đấu gϊếŧ cả nhà. Cho nên giữ lại ít hay nhiều cũng chết, sao không đánh cược một lần, cược thắng thì cả nhà sống, thua thì cả nhà chết cho đỡ cô quạnh. Nếu giao nộp lương thì chẳng còn chút hi vọng nào.

Lương thị biết thế, song vẫn còn sợ.

Tả Quý dứt khoát nói:

- Trung Nhi nói đúng, cược một lần đi. Cứ làm thế.

Trượng phu đã đưa ra quyết định, Lương thị sẽ không cãi, rầu rĩ gật đầu.

Tả Quý tiếp tục:

- Có điều một mình nhà ta mạo hiểm là được, đừng có liên lụy người khác. Đợi lệnh trưng thu lương thực công bố, nhà ta dựa theo tiêu chuẩn, đem lương thực chia cho nhà Hồi Hương, Miêu gia và Cù lão gia, tránh khi bị phát hiện, lương thực lấy đi hết, nhà họ cũng không còn cái gì mà ăn. Đây là việc của ba người nhà ta, không liên quan tới Chỉ Nhi, còn may nó chưa gả vào Tả gia ta, bớt được người nào bị liên lụy tốt người đó.

Rốt cuộc cha cũng thừa nhận âm mưu của mình rồi, kiến nghị này Tả Thiếu Dương không thể đồng ý hơn được nữa.

Nói chuyện với cha mẹ xong thì đã muộn, Tả Thiếu Dương không ngâm chân nữa, về phòng cởi y phục chui vào chăn, Bi Vàng đã trở về rồi đang ngồi đợi y, ngày càng lớn thì nó càng ít quấn lấy Tả Thiếu Dương, cũng phải, vì nó không phải là chó, mèo hay ngựa đã được con người thuần hóa nhiều đời, nó là con thú hoang, nên khi tự kiếm ăn được, bản năng của nó lớn dần lên. Tả Thiếu Dương từng hỏi nó biến đi đâu suốt cả ngày, nó đứng thẳng lên, chớp chớp mắt rồi kêu chít chít một tràng dài, tiếc là y chẳng hiểu quái gì, cho nên không biết vẫn hoàn không biết.

Có điều dù đi đâu thì buổi tối Bi Vàng luôn trở về Tả Thiếu Dương đi ngủ, thân mật làm nũng một hồi rồi chui vào cái ổ lót bông tơ ấm áp.

Bi Vàng cũng tha lôi rất nhiều thứ về phòng, trong đó có cả rác, song nhiều nhất vẫn là các loại quả khô. Một cái lợi khi có Bi Vàng trong nhà là bọn chuột chạy hết sạch, từng có con chuột táo gan ăn trộm thức ăn của nó, thế là Tả Thiếu Dương phải thay mất cái chăn, kết cục của con chuột đó đúng là thảm không nỡ nhìn, từ đó bọn chuột tránh xa nơi này, chắc chúng nó cũng rỉ tai nhau chỗ này có một con thú hung bạo, không nên xâm phạm.

Tả Thiếu Dương có thói quen thì thầm với Bi Vàng về những việc làm trong ngày trước khi đi ngủ, y gặp khá nhiều người trong thời đại này, song tới giờ không hề có bạn, chẳng có một ai giãi bày chia sẻ lúc khó khăn, lúc vui buồn, tới giờ tuy gần như hòa nhập hoàn toàn vào cuộc sống nơi này, song y vẫn cô độc.

Hôm nay cũng thế, kể cho Bi Vàng nghe nhà mình chuẩn bị giấu lương thực, bảo nó nên dấu chỗ quả khô của nó đi, chỗ đó tính cả vỏ thì phải hơn một đấu rồi, cẩn thận bị lột da làm sóc quay, Bi Vàng chẳng hiểu gì, còn tưởng được khen, ngoáy đuôi loạn lên. Đồng thời nhớ ra phải thương lượng với Bạch Chỉ Hàn một chút, nữ tử này tính cách rất quật cường, cố chấp, đừng để xảy ra chuyện gì, búng má Bi Vàng một cái:

- Đến lúc phải nói chuyện với tỷ tỷ của mày rồi.

Quay xuống dưới, nói với Bạch Chỉ Hàn:

- Bạch cô nương, đa tạ những việc cô làm cho nhà ta thời gian qua, sáng mai cô về nhà ngoại tổ phụ đi.

Bạch Chỉ Hàn đang trải đệm ở dưới, nghe một câu không đầu không cuối như vậy thì ngẩn ra:

- Thiếu gia muốn đuổi nô tỳ đi?

- Không phải đuổi cô đi, mà cô nên về nhà mình đi thôi.

- Vì sao, nô tỳ làm sai điều gì à?

- Không phải cô sai, chúng ta đều biết cô sang đây đâu phải làm nô tỳ cho ta, giờ cha mẹ ta cũng thấy chuyện này không thành rồi, cô nên về đi thôi.

Bạch Chỉ Hàn quỳ xuống tiếp tục trải đệm, chỉ lạnh nhạt một câu:

- Không về.

Tả Thiếu Dương ngồi dậy, là cái giọng điệu đó, lâu lắm rồi không được nghe, nha đầu ẩm ương này tái phát bệnh cũ rồi, kiên nhẫn nói:

- Ta sẽ trả giấy bán thân cho cô.

- Vô ích.

- Ê này Răng Thỏ, ta là chủ, ta đuổi nô bộc đi là quyền của ta nhé.

Bạch Chỉ Hàn dừng tay, giọng nói có chút thê lương:

- Ngoại tổ phụ nói rồi, không được vì bất kỳ chuyện gì mà hủy bỏ lời thề, nếu thiếu gia đuổi Chỉ Nhi đi, là muốn nô tỳ hủy lời thế, là muốn nô tỳ chết.