Tứ Hoàng Tử

Chương 45: Tâm tư khó dò

Nơi ở của tam vương gia là chốn kì quặc nhất. Tọa lạc ngay trong kinh thành, nhưng không giống phủ của Tứ Thụy, cũng khác hẳn chỗ ở của các hoàng tử, công chúa khác. Ngoại trừ Tứ Thụy và nhị vương gia đã được phong vương, ban phủ đệ thì những người con còn lại của hoàng thượng đều sinh sống trong khu vực dành riêng cho hoàng thất. Các vị công chúa và lục hoàng tử thì ở hành cung có ma ma chăm sóc. Ngũ hoàng tử "dựa hơi" tứ hoàng huynh, lại thêm tính cách đơn thuần nên ở được trong cung gần mẫu phi của mình. Nhưng nếu hỏi ai được ưu ái nhất thì chính là tam vương gia; ngay từ nhỏ đã được ban cho ở điện Thanh La, nằm sau cung của thái hậu.

Tại sao tam vương gia lại được ưu ái như vậy? Nguyên nhân có lẽ nên truy ngược về khoảng thời gian từ nhiều năm trước, khi trong cung chỉ có ba vị hoàng tử. Trước khi Tứ Thụy được đón vào cung, hoàng thượng đã có ý định truyền ngôi cho tam hoàng tử. Đứa con trai xuất chúng vượt trội khiến ngài ngự tin chắc không còn ai có thể sánh kịp. Về sau, dù hoàng thượng coi trọng Tứ Thụy hơn, nhưng tam hoàng tử vẫn là chủ nhân của điện Thanh La một phần là vì thái hậu sủng ái y nhất, một phần vì Tứ Thụy luôn giả vô dụng nên hoàng thượng ngấm ngầm thuận theo ý hắn, có ý che chở.

Vốn không thân thiết với Tiểu Tam nên đây là lần đầu tiên Tứ Thụy chính thức đến thăm chỗ ở của y. Hắn nhìn cảnh non nước hữu tình trước mắt mà thầm chặc lưỡi. Quả nhiên là con trai Bồ Tát đại nhân, đến nơi ở cũng chẳng khác gì chốn tu tiên.

Điện Thanh La xây giữa hồ lớn, ba mặt dựa núi đá, lối vào duy nhất là một cây cầu bằng ngọc cong như mảnh trăng non. Đối lập hẳn với ồn ào náo nhiệt trong các cung, ở đây yên tĩnh như bức tranh thủy mặc, chỉ có âm thanh tự nhiên của thác nước đổ xuống từ vách đá phía Đông. Nếu nói cấm cung là nơi hồng trần nhất trong các nơi có thể được xem là nhuốm hồng trần thì điện Thanh La ở gần nơi hồng trần nhất lại chẳng hồng trần chút nào. Điện lớn nằm giữa hồ lớn, chỉ có nhìn từ trên cao mới bao quát hết được. Điện chia hai nửa, bên phía Tây chủ yếu là các gian phòng nhỏ, cung nữ thái giám có phận sự đều tập trung ở đó chờ nghe sai bảo. Tam vương gia không "keo kiệt" như vị hoàng đệ nào đó của mình, thái giám cung nữ hầu hạ y đều theo quy chế trong cung, không nhiều thêm mà cũng chẳng bớt đi. Có điều ngoại trừ hai đội thị vệ có nhiệm vụ chia ca canh giữ cẩn thận quanh điện; thì thái giám cung nữ chỉ ở Tây điện chơi đá cầu, nói chuyện phiếm, vô cùng nhàn rỗi. Bọn họ không được phép tới gần khu vực phía Đông điện gồm: thư phòng, dục phòng và ngọa phòng. Đó là nơi ở của tam vương gia.

Khoảnh sân rộng trước thư phòng có một cây Bồ Đề ngàn năm tuổi, đứng dưới nhìn lên xuyên qua tán lá có thể thấp thoáng thấy ngọn thác sủi bọt lấp lóa ánh trắng phản chiếu cái bóng của vầng thái dương. Khung cảnh nên thơ hùng vĩ, vừa mang cảm giác bình yên tự tại khiến người nào đến đây đều muốn ngồi dưới bóng cây buông cần trúc chờ cá cắn câu vừa như chứa cả ý Thiền khiến lòng người tĩnh tâm.

Đúng là người thế nào thì ở nơi thế ấy, Tứ Thụy lần nữa cảm khái nghĩ.

Hắn theo chân "điện chủ" đến thư phòng. Diện tích căn phòng này so với Ngự thư phòng còn lớn gấp bốn lần. Từ lúc chân ướt chân ráo vào cung, hắn đã thấy người này tay không rời sách nhưng không ngờ thư phòng của y sách càng ngày càng nhiều. Lượng sách nhiều đến mức không đếm xuể được sắp xếp ngăn nắp trên từng kệ gỗ, khiến hắn có cảm tưởng như lạc vào căn phòng cất giữ kinh văn quan trọng của Phật môn. Bên cạnh cửa sổ mở rộng nhìn ra mặt hồ có kê chiếc bàn ngọc trên mặt bày biện đầy đủ văn phòng tứ bảo cùng mấy chồng công văn. Kế đó là chiếc giường mây, công năng có vẻ là để cho Tiểu Tam trưa buồn ngủ thì đánh một giấc.

Tứ Thụy nhìn quanh nhưng bất lực trong việc tìm ghế để ngồi. Trong lúc hắn khoanh tay tựa cửa nhìn ngắm bên trong thì vị kia bê ra một bàn cờ vây và thản nhiên ra lệnh:

"Trong ngọa phòng bên cạnh có đệm ngồi".

Thái độ tiếp đón khách của kẻ này đúng là chẳng ra làm sao. Tứ Thụy chán nản theo lời y tự thân vận động đi lấy "đồ lót mông". Trở lại thì chẳng thấy người đâu nữa.

"Ở ngoài này".

Tứ Thụy nhoài người qua khung cửa sổ, quả nhiên thấy Tiểu Tam đang ung dung ngồi đó. Bên trái y là bàn cờ gỗ, bên phải là lò than hồng phía trên đặt ấm trà đang đun sôi, còn có thêm một bộ dụng cụ pha trà sáng bóng.

Hắn đành đi đường vòng ra chỗ lối đi, đặt tấm đệm xuống rồi ngồi ở đối diện, khoanh chân quan sát Tiểu Tam đang biểu diễn trà đạo. Nhìn vết cháy xém trên mặt sàn chỗ đặt lò than là có thể đoán ra chủ nhân nơi này mỗi ngày đều ngồi đây pha trà hóng gió. Chậc chậc, Tiểu Tam đúng là có thú vui tao nhã chẳng giống ai. Ở ngay một kho sách lớn lại có thể bình thản nổi lửa pha trà, gan lớn thật. Không biết Tiểu Tam có biết bơi hay không đây? Lỡ chẳng may cháy lớn thì chỉ có nước nhảy hồ.

Tam vương gia đặt chén trà bên cạnh Tứ Thụy, ra hiệu bảo hắn nếm thử. Cũng không biết do nước dùng để pha trà đặc biệt hay còn có bí quyết gì mà nhiệt độ lại rất vừa miệng, không hề nóng chút nào. Hương trà thơm ngát, trước ngọt sau đắng, chạm vào đầu lưỡi thì ngọt, sau khi trôi xuống cổ họng trong khoang miệng chỉ còn đọng lại vị đắng. Ngon hơn bất cứ loại trà thượng phẩm nào hắn từng nếm qua. Không lẽ đây là trà cống mới năm nay?

"Có vẻ hợp khẩu vị của đệ? Nếu thích thì ta còn vài cân đấy", tam vương gia cuối cùng cũng có chút dáng vẻ hiếu khách, quan tâm nói.

Bản thân Tứ Thụy là kẻ mê rượu hơn trà, nhưng sư phụ hắn lại thích cả trà và rượu. Xuất phát từ tấm lòng hiếu thảo có đồ tốt không quên nghĩ đến sư phụ, hắn liền vui vẻ cảm tạ:

"Được, vậy đệ không khách sáo. Đa tạ thịnh tình của tam ca".

Người kia lại nhẹ nhàng mỉm cười:

"Không cần đa tạ. Một vạn lạng bạc một lạng trà".

Tứ Thụy sặc nước trà, sửng sốt trừng mắt.

"Chẳng phải buôn bán vốn một lãi mười là chuyện đệ làm thường xuyên nhất hay sao? Trà này ta mất hai tháng mới sao được vài cân, thế mà đệ lại còn chê đắt?", tam vương gia bày ra vẻ mặt mất hứng.

Vấn đề không phải đắt hay rẻ. Tứ Thụy tức anh ách, cảm giác vị đắng trong miệng lan ra cả toàn thân.

Không nghĩ tới Tiểu Tam còn biết tự sao chế trà. Nhìn đôi bàn tay như tác phẩm nghệ thuật được tạo hình tinh tế của anh ta chẳng thể hình dung ra được cảnh người này xỏ găng tay đeo tạp dề đứng trước bát tô đen thùi lùi nổi lửa sao trà. Tứ Thụy tự nhận mình có khả năng quan sát đánh giá người khác, thế nhưng cho đến tận lúc này, hắn vẫn không thể đọc vị được kẻ ngồi trước mặt.

Hắn từng nói với Minh Ỷ, trên đời chỉ có hai người khiến hắn nể phục. Người thứ nhất là sư phụ, người thứ hai là tam hoàng huynh của hắn.

Hàn không chỉ là thiên tài võ học mà sự hiểu biết và khả năng tiếp nhận những vấn đề mới lạ khác thường của người luôn khiến hắn tự than không bằng. Bởi vì thân cận và tín nhiệm nên trong vô thức hắn không giấu giếm bản thân trước mặt sư phụ như khi ở cạnh kẻ khác. Nhưng những lúc nhìn thấy, nghe thấy những điều lạ lẫm từ hắn, Hàn vẫn chẳng hề tỏ ra kinh diễm. Sự bình tĩnh và khoáng đạt ấy luôn khiến hắn thấy bình tâm vững dạ.

Còn người thứ hai, tam hoàng huynh này đây, lại khiến Tứ Thụy sinh ra cảnh giác và không hề muốn thân cận.

Nguồn cơn có lẽ bắt đầu từ lần viếng thăm nơi này dạo trước. Hắn từng đến đây một lần, chỉ là không chính thức mà thôi. Sau khi chôm kiếm của nhị hoàng huynh,

hắn quyết định chạy đến Thanh Lương điện một chuyến cho "công tâm", đều là huynh đệ một nhà không thể thiên vị ai bỏ mặc ai được. Trong lúc lục lọi vô tình nhìn thấy bản chép tay kế hoạch cải cách Hộ bộ. Điều đáng nói là bản kế hoạch khiến phụ hoàng hắn và bá quan trong triều vô cùng coi trọng, hết sức tâm đắc lại được chép ra từ cuốn tập gần mười năm trước. Thời điểm đó Tứ Thụy mới nhận ra bản thân chưa từng hiểu rõ tam hoàng huynh của mình.

Ngay cả hắn còn đánh giá cao bản kế hoạch đó. Song hóa ra không phải nó được viết ra vài tháng trước mà là rất nhiều năm rồi. Tiểu Tam chỉ lười biếng chép lại bản nháp lúc nhỏ mà anh ta không hề xem trọng, cả triều đình lại rối rít mừng như nhận được quốc sách hàng đầu.

So với Tiểu Tam, tài năng của hắn chẳng thể sánh bằng. Người này mới là thiên tài thật sự.

Không chỉ mỗi mình hắn che giấu tài năng. Kẻ chân chính thâm tàng bất lộ là người trước mặt chứ không phải hắn. Anh ta đã sớm biết hắn giả vờ vô dụng, trong khi hắn chẳng biết gì về con người Tiểu Tam cả. Riêng việc anh ta tự mình nấu nướng, sao chế trà, làm đồ thủ công... hắn chưa từng nghe người trong cung nhắc đến. Đủ thấy anh ta quản lý cung nữ thái giám nghiêm ngặt đến mức nào. Quả là đáng sợ. Thế nên Tứ Thụy càng lấy làm cảnh giác. Mục đích của đối phương rút cục là gì?

"Lần tuyển phi này có phải là chủ ý của đệ?", tam vương gia đột nhiên thay đổi nét mặt, lạnh nhạt nhìn hắn hỏi.

"Không phải".

Lời này của hắn là thật. Hắn ở chỗ thái hậu nửa đùa nửa thật ép Tiểu Tam lấy vợ. Một nửa vì muốn thái hậu an lòng, một nửa do mang tâm lý trả đũa. Nhưng chủ ý này vốn không phải hắn đề xuất. Tuy Tiểu Tam sớm muộn gì cũng phải nạp phi, đó là chuyện các hoàng tử không thể tự quyết định; song trù bị lập kế bức ép người khác không phải là cách làm của Tiểu Tứ hắn.

"Ta tin đệ", tam vương gia ánh mắt thờ ơ nhìn ra mặt hồ, giọng nói lại như nhuốm phải gió lạnh, "mong rằng đệ đừng khiến ta phải thất vọng".

Tứ Thụy hạ chén trà, quyết định nên nói rõ ràng cho đối phương biết bản thân không có ý tranh giành ngôi vị.

"Tam ca, có nhiều việc xảy ra nằm ngoài dự liệu của đệ có lẽ đã khiến các huynh hiểu lầm. Nhưng đệ hoàn toàn không có ý định gì với ngôi vị thái tử...".

Một tiếng "cốp" đánh gãy lời nói của Tứ Thụy. Chén trà trong tay tam vương gia bị bóp nát thành những mảnh vụn, nước trà nóng loang thành từng vệt dài trên mu bàn tay nắm chặt của y.

"A Thụy ơi A Thụy, ta còn tưởng đệ chỉ giả ngốc hóa ra là ngốc thật. Muốn nhường ta ư? Có phải đệ cho rằng bản thân muốn thế nào thì thế ấy, muốn thắng thì thắng, không muốn thắng thì nhường?".

Nhìn ánh mắt tức giận của y, Tứ Thụy vội lắc đầu.

"Là đệ không muốn chúng ta bất hòa. Nếu huynh không tin, đệ có thể làm cam kết điểm chỉ cả đời tuyệt đối không ngồi vào vị trí thái hoàng tử".

Tam vương gia cười nhạt:

"Vậy ư?".

Tứ Thụy cảm thấy mếch lòng trước thái độ mỉa mai của đối phương, co chân đổi tư thế muốn đứng dậy đi lấy giấy bút. Thân mình chỉ vừa nhổm dậy đôi chút đột nhiên vai bị túm chặt lấy.

"Đến bây giờ vẫn không hiểu vì sao hắn muốn gϊếŧ ngươi đúng không? Ngươi có dã tâm hay không, ta không có hứng thú muốn làm rõ, hắn cũng vậy", tam vương gia trước nay nổi tiếng là người ôn hòa không biết nóng giận, lúc nào cũng mang dáng vẻ như bậc tiên nhân xa lánh hồng trần, vậy mà gương mặt lúc này không chỉ giận, mà còn đang rất giận, vô cùng giận! Ánh mắt y như chứa hỏa diễm, đôi mày chau lại sắp chạm vào nhau. Trong cơn thịnh nộ, y vô thức bóp chặt vai kẻ chọc giận mình.

Vết thương trên vai Tứ Thụy bị động chạm, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi song gương mặt hắn vẫn lộ ra vẻ đau đớn.

Tam vương gia buông tay, yên vị trở lại.

Trong một lúc không ai mở miệng nói gì. Tứ Thụy ngoảnh mặt nhìn ra mặt hồ, trong đầu chỉ có một ý nghĩ duy nhất: có nên bỏ ba đậu vào ấm trà kia không?

Đột nhiên người ở đối diện nói:

"Nếu đệ đã nói không quan tâm tới ngôi vị, vậy chắc sẽ không quản ta làm gì. Đệ cũng biết, con người ta xưa nay đối với nhiều chuyện đều không có hứng thú. Vốn dĩ muốn cùng chơi với hai người, nhưng đệ lại cảm thấy phiền chán. Vậy chỉ còn ta với Cảnh Tuyền. Hắn lại quá vô dụng, ngay cả Cảnh Vinh cũng không bằng. Nhưng mà đệ đã nói không quan tâm, nên ta có lỡ tay lấy mạng hắn, hẳn đệ cũng không bận lòng đâu nhỉ?".

Tam vương gia tính cách cao ngạo, chưa từng xem nhị vương gia là bậc huynh trưởng. Trước mặt đông đảo chúng nhân, khi tâm trạng tốt hoặc lúc diễn kịch, y còn rộng rãi gọi ra mấy tiếng "nhị ca của ta". Nhưng chẳng qua là cách gọi gián tiếp khi nói với người ngoài, thực tế trong lòng không hề nghĩ vậy, cũng không xưng hô trực tiếp với nhị vương gia như thế. Trong mắt y, so với ngũ hoàng tử Tiêu Cảnh Vinh thì nhị hoàng tử còn chẳng thông minh bằng. Có thể thấy y thật sự rất xem thường nhị vương gia. Những lời y vừa thốt ra, nếu là kẻ khác hẳn đã cười nhạo mà bảo y muốn làm gì thì tùy. Nhị vương gia năm lần bảy lượt sai người hành thích Tứ Thụy, sao hắn còn phải đứng ra bảo vệ anh ta? Song, ai cũng có thể cười nhạo mà xem nhẹ. Chỉ riêng Tứ Thụy thì không. Điều này, tam vương gia không hề có nửa điểm nghi ngờ. Vì sao ư? Vì Tiểu Tứ là kẻ ngốc, hắn không bao giờ chấp nhận để người nào vì hắn mà bị liên lụy. Cho dù người đó có là nhị vương gia đi chăng nữa.

Tứ Thụy nghe vào tai, cảm giác bực đến mức muốn đánh người. Chuyện tranh đoạt hoàng vị, huynh đệ tương tàn không màng cốt nhục, cảnh tượng hoàng thành máu chảy thành sông trong mắt anh ta chỉ là chuyện ba huynh đệ cùng chơi một trò chơi, trong miệng anh ta việc lấy mạng huynh đệ của mình lại nhẹ hẫng như một câu nói đùa?

"Tam ca, cho dù huynh không coi trọng tình huynh đệ giữa chúng ta, chẳng lẽ không sợ hoàng tổ mẫu đau lòng hay sao? Người thương huynh như vậy, huynh nỡ nhẫn tâm khiến lão nhân gia tuổi già lại phải chứng kiến đám tôn tử tranh đấu một mất một còn ư?".

"Ồ, sao đệ biết ta không coi trọng? Ta muốn chơi với đệ, ngược lại là đệ không coi trọng tình huynh đệ đấy chứ?".

Tứ Thụy còn chưa kịp tức giận, tam vương gia đã nhếch môi tiếp tục:

"Hay đệ vẫn ấu trĩ cho rằng chỉ cần lùi một bước là mọi chuyện đều sẽ tốt đẹp, dĩ hòa tất vi quý? Người luôn xem nhẹ mọi chuyện không ai khác mà chính là đệ đấy. Cha đệ là hoàng đế, huynh đệ của đệ là hoàng tử, bản thân đệ cũng là hoàng tử. Đệ trốn tránh không nghĩ đến thì có tác dụng gì? Chúng ta có thể chạy ra sân đấu dùng một trận mã cầu để giải quyết mọi mâu thuẫn như đám thiếu gia công tử ngoài cung ư? Đến đệ cũng biết điều đó rõ ràng rất nực cười. Tuy Cảnh Tuyền là kẻ ngu ngốc, song hắn còn hơn đệ ở chỗ không chọn lựa trốn tránh. Cả ta, cả hắn đều hiểu cái gọi là số mệnh thì phải chấp nhận".

Những lời này khiến Tứ Thụy nhất thời không thể phản bác. Bởi vì quả thật đúng là hắn luôn nghĩ cách tốt nhất là nhường nhịn. Tại sao ư? Bởi vì cơ thể của hắn có thể làm thái tử, rồi kế vị làm hoàng đế hay không? Tất nhiên là không thể! Mà đã có sẵn kết quả đó, thì hắn tranh giành rồi làm hại huynh đệ để làm gì? Huống hồ trở thành hoàng đế chưa bao giờ là ý muốn của hắn. Việc trong tâm trí mỗi người có ham muốn quyền lực hay không, trước nay hắn luôn cho rằng đó là do nhu cầu cá nhân. Tiểu Ngũ giống hắn, cũng đâu có hứng thú ngó ngàng đến việc tranh đoạt hoàng vị. Cho nên, suốt thời gian qua hắn luôn nhận định chắc chắn chuyện đó; rằng sự chọn lựa của hai vị hoàng huynh hay của hắn và Tiểu Ngũ là xuất phát từ vấn đề lập trường. Bây giờ đột nhiên Tiểu Tam đùng một cái ngang nhiên nói không phải như thế. Không phải nhu cầu hay lập trường gì cả, mà đơn giản đó là số mệnh của bọn họ.

Song số mệnh lại không hề đơn giản chút nào. Điều này hắn biết rõ hơn ai hết. Việc hắn chết đi sống lại, lạc đến thời không này, sống trong thân xác này... hết thảy đều là số mệnh. Số mệnh là gì? Là không thể chọn lựa.

Nhưng cho dù không thể chọn lựa, hắn vẫn không muốn buông xuôi chấp nhận. Tiểu Tam nói đó là do hắn ấu trĩ, hắn ngây thơ. Được, cứ cho là thế đi. Nhưng vậy thì sao chứ? Nếu cuối cùng vẫn không thể thay đổi được kết quả, hắn vẫn muốn nỗ lực cả quá trình dẫn đến kết quả đó. Là việc làm vô ích cũng được, trong mắt đối phương nó chẳng qua chỉ là sự cố gắng nực cười cũng được. Chí ít, hắn vẫn muốn làm việc gì cũng là bản thân quyết định lấy. Như thế kết quả có thế nào thì cũng sẽ không phải hối hận.

Song người ngồi đối diện không hề nghĩ như hắn. Ý định thuyết phục chưa chi đã bị dội một gáo nước lạnh.

Chậc chậc, Tiểu Tam quả nhiên không dễ đối phó.

Tam vương gia nhìn hoàng đệ trước mặt hai hàng mày kiếm nhíu chặt, vẻ mặt nhăn nhó thì lại mỉm cười, y bỗng dưng không còn thấy tức giận nữa, còn nổi lên hứng thú trêu chọc.

"Cũng không phải là không còn cách khác. Ta có thể cho đệ một cơ hội".

Cơ hội? Kẻ gian xảo như Tiểu Tam tốt bụng đột ngột, không thể không nghi ngờ anh ta có ý đồ. Tứ Thụy vẫn nhíu mày, miệng hỏi lại:

"Như thế nào?".

Tam vương gia tay trái nhấc nắp hộp gỗ bạch đàn, vốc một nắm quân rải lên bàn cờ phát ra âm thanh lạch cạch, ngước mi nhìn thẳng vào mắt Tứ Thụy:

"Dùng một ván cờ để giải quyết".

Cho rằng đối phương đang đùa bỡn mình, Tứ Thụy không vui chất vấn:

"Vừa mới nãy chính huynh đã bảo chúng ta và những thiếu gia công tử bình thường không giống nhau, chẳng thể dùng những thứ như một trận mã cầu để giải quyết mâu thuẫn. Hiện tại lại nói lấy thắng thua trên bàn cờ quyết định tất cả", hắn mỉa mai cười nhạo, "cờ vây và mã cầu thì có gì khác nhau".

"Tất nhiên không giống", tam vương gia vẻ mặt rất nghiêm túc bổ sung, "bởi vì ta chưa bao giờ thua cờ".

Thì ra không phải là đang nói đùa.

Cưỡi ngựa đánh cầu, không cần nghĩ cũng biết Tứ Thụy là kẻ thắng. Ngược lại, đánh cờ, hắn lại không giỏi. Đó là sở trường của Tiểu Tam. Nếu muốn thuyết phục anh ta, thì đây là cơ hội duy nhất. Chứng minh rằng cố gắng và niềm tin của hắn không phải là công toi. Nếu ngay cả một việc gần như chắc chắn kết quả là Tiểu Tam sẽ thắng trên bàn cờ cũng có thể thay đổi, thì anh ta sẽ tin vào mấy chữ "dĩ hòa vi quý" mà vốn dĩ anh ta cảm thấy rất nực cười. Nói cách khác, chỉ cần thắng ván cờ này, Tứ Thụy không cần phải tốn công lo nghĩ gì nữa. Ai đúng ai sai, cứ dựa vào việc thắng thua mà phân định.

Nhưng mà, hắn quả thật không giỏi chơi cờ. Nếu có thể Tứ Thụy rất muốn đổi sang thi đấu tửu. Hắn uống rượu, còn Tiểu Tam uống trà hay nước lã thì tùy. Ai uống nhiều hơn kẻ đó thắng. Như vậy rất công bằng, cũng rất đơn giản. Đáng tiếc, tam hoàng huynh của hắn không phải hoàng thượng thái hậu, cũng không phải sư phụ hắn. Chiêu trò dùng để đối phó với ba người kia không thể áp dụng lên Tiểu Tam. Thử tưởng tượng bản thân mè nheo với anh ta thôi cũng đủ khiến hắn nổi gai ốc khắp cả mình mẩy.

Một lần nữa Tứ Thụy liếc nhìn ấm trà và băn khoăn nghĩ đến việc thả mấy viên ba đậu vào đó. Như vậy đảm bảo phần thắng sẽ rất cao. Mặc dù có hơi không được quang minh chính đại, được rồi, là rất không quang minh chính đại. Nhưng những việc quan trọng nhường này, ảnh hưởng đến cả đại cục và tính mạng nhiều người như thế thì quang minh chính đại chỉ là yếu tố phụ. Người làm đại sự thường không nên câu nệ tiểu tiết.

Tứ Thụy khoanh tay suy nghĩ vô cùng nghiêm túc về việc có nên hạ dược vào trà để Tiểu Tam bị tiêu chảy mất tập trung lúc đánh cờ hay không...

Tam vương gia đã phân cờ xong, ngẩng lên thấy Tứ Thụy vẫn đang nhìn chăm chú vào ấm trà thì chân thành nói:

"Xem ra đệ thật sự rất thích trà của ta. Thấy đệ thích đến mức này, ta rất vui, nên tiền trà có thể giảm cho đệ hai phần".

Tứ Thụy cười khan:

"Không ngờ tam ca lại có khiếu kinh thương như vậy, đúng là khiến đệ bất ngờ".

Tam vương gia đưa tay vuốt vuốt cằm: "Đó là bởi vì đệ luôn nghĩ xấu cho ta. Thật ra con người ta rất tốt", ngừng một chút cho rằng nên bổ sung thêm, "không những tính tình rất tốt, còn rất giỏi giang", ngừng thêm chút nữa, đưa mắt nhìn ra xa nghiêm túc suy nghĩ gì đó, một lát mới quay đầu lại, gật mạnh đầu vẻ chắc như đinh đóng cột, thốt thêm bốn chữ, "vô cùng giỏi giang".

Tứ Thụy cười khan cái nữa.

Cuối cùng hắn vẫn đưa tay kẹp lấy quân cờ, mặc dù trong bụng cảm thấy phần thắng không lớn. Nếu Tiểu Tam bị tiêu chảy thì may ra...

Vị nhân huynh áo trắng ngồi trước mặt hắn vẫn phong thái nho nhã, ung dung điềm tĩnh, tay nhấc quân cờ trắng nhẹ nhàng hạ cờ. Khác hẳn vẻ phóng khoáng vừa biếng nhác vừa tràn trề nhựa sống khiến người ta vô tình bị thu hút của Tứ Thụy, tam vương gia từ nhỏ đến lớn đều mang một dáng vẻ nghiêm túc, gương mặt như tạc, biểu cảm lúc nào cũng nhẹ nhàng bình ổn. Y chưa từng cười nói lớn tiếng, lúc nhỏ chưa một lần chạy nhảy vui đùa, đối với người khác đều rất dịu dàng khoan hậu. Nhưng trong dịu dàng là xa cách, đằng sau khoan hậu là thờ ơ. Dường như không có điều gì khiến y tức giận, cũng không có người nào khiến y đặt nặng tâm tư để mà chú ý. Tâm tình y chẳng ai nắm bắt hay thử dò đoán ra. Y luôn như vậy, hệt một nhà tu hành đã tu thành chánh quả, không có hỷ nộ ái ố để mà lộ ra. Tính cách đó bộc lộ rõ qua từng cử chỉ, từng ánh mắt. Hệt như lúc này, lúc nghĩ nước cờ hay lúc nhìn đối phương đi cờ, vẻ mặt y đều không biến hóa.

Tâm tình Tứ Thụy lại không bình ổn như thế. Trước kia, khi còn sống ở thời đại cũ, vì tính chất công việc mà cũng vì bản thân hắn có khiếu kinh doanh; nên việc nhìn xa trông rộng là khả năng nhất định phải có và luôn phải trau dồi. Hắn có thể đi nước cờ khiến hai vị thái sư phụ và Chu lão tiền bối hài lòng cho thấy trong việc chơi cờ hắn cũng có vài phần năng khiếu. Nhưng kỳ nghệ của hắn quả thật không đủ tinh. Mỗi một nước cờ đối phương hạ xuống, hắn cẩn thận thì đều có thể nhìn ra. Đọc vị trước được mười nước, hai mươi nước, thậm chí một trăm nước đi với hắn chẳng phải việc khó khăn gì. Cho dù không thường xuyên chơi cờ, nhưng nếu đối thủ là người khác, hắn tự tin chỉ cần dựa vào việc lấy tĩnh chế động, mô phỏng lối chơi của đối thủ cũng đủ để nắm chắc bảy phần thắng. Bởi vì hắn có thể quan sát, có thể đọc được thế cờ, còn có khả năng ứng biến nhanh nhạy. Nhưng những điều này hiện tại chỉ giúp hắn gắng gượng chống chọi. Đơn giản vì đối thủ của hắn lúc này không phải bất kì ai khác mà chính là kẻ hắn chưa từng đọc vị được thử một lần. Mỗi quân cờ trắng dù đặt ở vị trí quan trọng, hay nằm ở điểm nhìn qua có vẻ rất bất lợi thì đều ẩn giấu vai trò không dễ nhìn ra ngay tính toán trong đó. Tam vương gia không bao giờ đi nước cờ nào vô nghĩa, mỗi bước đi, mỗi quân cờ hạ xuống đều ảnh hưởng đến toàn thế cục trên bàn cờ. Mà ảnh hưởng thế nào, ảnh hưởng đến đâu, không chỉ cần nhìn trước trăm nước đi kế tiếp, còn phải nhìn ra được mối liên quan từng nước đi một trong một trăm nước đi đó giữa quân cờ vừa hạ và toàn bộ những quân nằm trên bàn cờ lần lượt biến hóa. Mà một điều vô cùng bất lợi là Tứ Thụy có thể nhìn trước, cố gắng còn có thể nhìn bao quát thế cờ, song khi đi quá một trăm nước thì không thể nhớ như in một trăm nước đã đi trong đó ẩn chứa những biến số gì. Khả năng tập trung của con người là có hạn. Hắn vừa phải đọc trước nước cờ, vừa quan sát thế cờ hiện tại, tất nhiên không thể lại phân tâm lục lọi ký ức để tránh hậu họa.

Nhưng tam vương gia lại có thể. Y có khả năng ghi nhớ mọi thứ từng nhìn qua, chỉ cần y muốn là được. Huống chi là nhớ những nước cờ chính y hạ quân.

Thế nên, trong lúc Tứ Thụy tập trung cao độ, trán đổ mồ hôi thì tam vương gia hoàn toàn là dáng vẻ điềm nhiên như không. Trà đã được pha thêm hai ấm, trên bếp lò lúc này đang đặt một nồi đậu tương luộc đợi chín. Đáng nói là một tay nhón cờ, một tay quạt lửa mà phong thái vẫn ngút trời. Trên đời lại còn có người luộc đậu tương mà hình tượng vẫn uy nghiêm, khí độ bất phàm bậc này quả là hiếm thấy.

Mặt trời đã khuất dạng sau rặng núi đá, tam vương gia không châm đèn. Hai người họ từ chơi cờ dưới ánh nắng ban ngày, đến lúc hoàng hôn buông xuống vẫn tiếp tục dựa vào ánh lửa than, rồi đến tận khi trăng trên cao xuất hiện.

Những đốm sáng lập lòe nhấp nháy càng lúc càng dày, hàng nghìn hàng vạn con đom đóm bị thu hút bởi loài cỏ mọc trên những vách đá. Có lẽ vì số lượng quá nhiều, những con không còn cây để bám đập cánh dàn hàng trên mặt hồ. Cả điện Thanh Lương chìm trong ánh sáng xanh kỳ ảo. Trong nguồn ánh sáng đó, hai bóng người một trắng một đỏ vẫn đang nhập tâm vào bàn cờ, không hề chú ý xung quanh. Thứ đặt giữa họ là một ván cờ cược cả giang sơn, nhưng dường như chẳng ai trong hai người quan tâm đến vật cược. Đám cỏ trên vách đá rung rinh theo gió, đàn đom đóm con ngủ con bay, vài con giống như bị thu hút bởi ván cờ đập cánh bay đến, đậu lên mép tay vịn nhìn xuống những quân cờ đen, trắng, lại ngắm nghía dung nhan như tạc của hai nam nhân đang đấu cờ kia.

Ván cờ dù kéo dài rất lâu, nhưng cuối cùng vẫn phải kết thúc.

Kết quả không có gì bất ngờ, hắn đã thua, thua một cách triệt để.

Tứ Thụy trầm ngâm nhìn bàn cờ.

"Ta đã cho đệ cơ hội, là chính đệ không tận dụng tốt. Ngay từ đầu rõ ràng đệ đã biết rõ phần thắng của mình không lớn, sao lúc này còn mang dáng vẻ ủ rũ như vậy?", tam vương gia mân mê một quân cờ đen, chậm rãi nói tiếp: "Đã hiểu ra chưa? Không thể có hai người cùng thắng, cũng không có khả năng cả hai kẻ đều thua. Cờ có người thắng sẽ có kẻ thua. Giữa chúng ta cũng thế. Là ai trong ba người chúng ta còn sống thì cuối cùng vẫn sẽ có người sống kẻ chết. Không thể chỉ vì đệ mong muốn tất cả mọi người chung sống hòa bình thì sẽ chung sống hòa bình. Muốn có được thứ gì, nhất định phải hy sinh một thứ khác để đổi lại. Đệ có thể bảo vệ một người, hai người nhưng không có khả năng bảo vệ được tất cả. Nếu như vẫn còn có ý nghĩ hoang đường nhường nhịn, vậy hãy nghe cho rõ, đệ nương tay thì người chết đầu tiên không phải đệ mà sẽ là những người ở cạnh đệ".

Hắn đứng lên, dường như vì ngồi một chỗ quá lâu, khi đứng lên có hơi loạng choạng. Lúc sắp rời khỏi, vẫn quay lưng lại, hắn hỏi:

"Vì sao? Vì sao nhất định phải bức ép ta?".

"Ta không bức ép đệ. Không có ai bức ép đệ. Nhưng nếu đệ vẫn nghĩ như thế, vậy cứ cho là thế đi".

Ánh sáng đom đóm vẫn lập lòe khắp hồ, rọi lên nửa gương mặt trông nghiêng của hắn, nhưng đôi mắt lại như mất dần ánh sáng. Ai cũng cảm thấy Tứ Thụy có đôi mắt sáng hơn cả vì tinh tú, chút ánh sáng nho nhỏ như đom đóm đêm sao có thể che lấp được? Thế nhưng đôi mắt lấp lánh hơn cả vì tinh tú kia lúc này lại như bị rút kiệt ánh sáng. Hắn muốn quay lưng lại đối mặt mà nói, hắn chưa từng muốn hại huynh đệ nào của mình dù chỉ là trong ý nghĩ, bởi vì trong mắt trong tim hắn bọn họ là người thân không dễ dàng có được; ngược lại trong mắt đối phương một lòng thành tâm đối đãi của hắn lại là thứ nực cười ấu trĩ chẳng đáng để tâm ư? Nhưng hắn đã không quay người lại, hắn cảm thấy cho dù có quay lại, cũng không có được kết quả hắn muốn.

Tứ Thụy bước xuống sân, đi qua gốc Bồ Đề đã không còn khiến người ta muốn buông cần thả câu, thẳng qua cầu rời khỏi Thanh Lương điện.

Bóng áo đỏ mất hút trong màn đêm.

Bếp than còn chưa tắt không biết vô tình bị ai va đổ hay cố ý ném đi, rơi tõm xuống mặt hồ. Đàn đom đóm giật mình vỗ cánh bay đi hết cả, bóng đêm phủ xuống mênh mang. Bên bàn gỗ, những quân cờ bị xáo trộn nằm lăn lóc, nam nhân áo trắng vẫn im lìm ngồi đó. Một bóng người ẩn sau những kệ sách trong thư phòng lặng lẽ xuất hiện, quỳ bên cạnh y.

"Tại sao không bẩm báo với ta chuyện hắn bị thương?", giọng nói vẫn đều đều nhưng người đang quỳ kia lại hoảng hốt cúi đầu thật thấp.

"Nô tỳ chưa kịp bẩm với gia, gia đã phát hiện trước".

"Bao nhiêu?".

Dường như người nghe còn chưa hiểu ra ý trong câu hỏi nên hơi ngẩng lên mà chưa đáp lời.

"Bao nhiêu kẻ?", giọng y lạnh lùng thêm mấy phần.

"Mười ba. Nhưng chỉ còn một kẻ sống sót, mười hai thích khách còn lại đều đã chết dưới kiếm của ngài ấy".

"Trong phủ nhà họ Tống già trẻ lớn bé vừa hay đúng mười ba mạng".

"... Vâng", người nọ nặng nề đáp, lại hỏi: "Vậy còn tên thích khách còn sống? Gia định...", chưa dứt câu đã im bặt, thân thể run lên, vội vàng nói: "Nô tỳ hiểu rồi".

"Đi đi".

Nàng thưa vâng rồi đạp lên mặt nước lao đi, đến khi đứng trên đỉnh vách đá, lại quay người nhìn xuống bóng áo trắng đang nhặt đám quân cờ vương vãi dưới chân. Nàng khe khẽ thở dài, đến giờ nàng vẫn không biết nguyên nhân tại sao gia lại hận người đó, càng không hiểu tại sao đã hận lại chưa ra tay lấy mạng, cũng không cho phép kẻ khác lấy mạng người đó. Nàng thôi nghĩ ngợi, nhảy xuống khỏi vách đá, hướng về phía đường Thanh Phong mà phóng đi.