Mị Tướng Quân

Chương 189: Sự dũng mãnh được rèn giũa

Trên tay là miếng ngọc chạm khắc hình người cưỡi con ngựa dũng mãnh, mặc ngân giáp màu trắng, cầm thương ngọc kiếm bạc trong tay, tư thái ngạo nghễ, chính là dáng vẻ của ta năm đó. Ta không khỏi cười nói: “Hoàng tử chẳng những am hiểu dùng kiếm gϊếŧ người mà còn biết rõ dùng đao khắc người ấy chứ. Thật không thể tin nổi, ngọc cứng như thế phải dùng bảo kiếm chém sắt như chém bùn cỡ nào mới có thể khắc được?”.

Y vui mừng: “Nàng thích là tốt rồi”.

“Nhưng, sở thích của ta luôn khác với người xung quanh, ta không có hứng thú với miếng ngọc điêu này lắm, ngược lại rất tò mò, lưỡi dao phải sắc bén đến thế nào mới khắc được miếng ngọc cứng thế này? Nơi con dao lướt qua liền mạch vô cùng, không có dấu búa khắc”.

Ý nghi ngờ trong mắt y chợt lóe, nhưng chỉ khẽ cười: “Chỉ sắc bén hơn dao bình thường một chút thôi, chẳng đáng xem”.

Ta vươn tay che miệng ngáp một cái, nói: “Thật sự thấy hơi mệt rồi, mong Hoàng tử cứ tự nhiên”.

Y đặt ngọc điêu xuống bàn, nói với ta: “Vậy nàng nghỉ ngơi cho tốt”.

Lại hỏi thị tỳ ban đêm có dâng canh nóng hầu hạ, chăn lông có đủ không. Hỏi đủ rồi bấy giờ mới rời đi.

Ta biết đã thành công dấy lên nghi ngờ trong lòng y, liệu y có tra được đêm đó ta từng tiếp xúc với Quân Sở Hòa và đã gặp mặt Trưởng Công chúa không? Quân Sở Hòa thì sợ y qua cầu rút ván, sao y không sợ họ lâm trận đổi tướng chứ? Chỉ cần hai bên bắt đầu đề phòng nhau, vậy sẽ có càng nhiều hành động bị đối phương ngờ vực.

Điều ta có thể làm cũng chỉ như thế mà thôi. Còn lại, chỉ có thể chờ đợi, đợi chàng đến.

Quả nhiên mấy ngày tiếp theo, mỗi lần Ô Mộc Tề đến chỗ ta đều có vẻ mặt vội vã, sai bảo mấy câu qua loa rồi đi. Thủ vệ quanh viện đã đổi hết thành những khuôn mặt mới, ngay cả thị tỳ cũng đổi một nhóm mới. Mặt khác, Giang Tử Sơ được chuyển đến tiểu viện khác, cũng không thể tự do vào đây.

Phòng thủ trong viện chặt chẽ hơn, ngay cả thức ăn đưa vào hằng ngày cũng phải kiểm tra mấy đợt. Thậm chí củ cải còn phải bổ ra mới được chuyển vào, để phòng trong đó giấu vật phẩm bí mật.

Làm như thế thật sự là sợ bóng sợ gió, giông tố sắp nổi lên rồi. Tuy hành động của Tiểu Lục và Tiểu Thất không bị hạn chế nhưng lúc nào cũng có người đi theo, tuyệt đối không có khả năng đơn lẻ ở cùng nhau. Còn về phía ta, tất nhiên người hầu nhiều hơn, thêm vài khuôn mặt mới, lúc đi mang theo tiếng gió, thân mang võ công.

Ta từng cố ý kiếm cớ muốn đuổi những thị tỳ này đi, ở trước mặt ta Ô Mộc Tề vẫn giữ vững phong độ trước đó, y tốt tính đồng ý với ta, nhưng người được đưa tới vẫn có thân thể mạnh khỏe, vừa nhìn đã biết là tỳ nữ có võ công. Ta đành mặc kệ.

Đối với người Tây Di, đại hội Y Mộ Đạt là ngày lễ cực kỳ quan trọng. Các bộ tộc lân cận sẽ tự cử hành đại hội với quy mô nhỏ, còn phái những người có tài nghệ siêu phàm tiến vào thành cổ Lâm Tang trung tâm của Tây Di, tham gia đại hội Y Mộ Đạt do vương thất cử hành, đây cũng là quy cách cao nhất của đại hội Y Mộ Đạt. Mười dặm đất xung quanh cổ thành Lâm Tang dựng giá đao cao trăm mét để người dũng cảm nhất leo lên thổi kèn lệnh, nuôi những con dê béo nhất để dũng sĩ chơi trò cướp dê, còn xây đài cao cử hành đấu vật. Người giành được thắng lợi cuối cùng sẽ nhận được danh hiệu Đệ nhất dũng sĩ thảo nguyên, được Khả hãn tặng đai lưng chim ưng dệt gấm, lại còn xin trói một nữ tử Tây Di chưa lập gia đình có mặt tại đây vào đai lưng. Nữ tử này đương nhiên là người hắn ngưỡng mộ, mà rất nhiều cô gái sẽ nhân cơ hội này tặng đai lưng mình thêu cho hắn, tỏ ý nếu nàng kia không chấp nhận dũng sĩ thì hãy suy xét đến với các nàng… Ta đã sớm lĩnh giáo sự nhiệt tình bạo dạn của nữ tử thảo nguyên rồi.

Bởi vì năm xưa ta đã tham gia đại hội Y Mộ Đạt của bộ tộc Thảo Thạch.

Bộ tộc Thảo Thạch là bộ tộc du mục ở Tây Cương, không thuộc Tây Di và cũng không thuộc Trung Nguyên. Họ là một bộ tộc trung lập, người trong tộc giỏi ẩn náu, nếu có kẻ địch tấn công, họ sẽ băng qua ngàn dặm, che giấu tung tích nên Tây Di và Trung Nguyên đều không làm gì được họ. Tuy số người tộc họ không nhiều nhưng đã có bao thế hệ sinh sống trên thảo nguyên, lại có tính tình ôn hòa, trước giờ không chủ động phát động chiến tranh. Khi Trung Nguyên và Tây Di chiến tranh không ngừng, hai bên đều rộng lượng bỏ qua cho bộ tộc Thảo Thạch, mặc họ tung hoành trên thảo nguyên. Cho đến sau này, khi Lạc Nhật Hà ra tay cứu ta mới dẫn tới truy binh của triều đình, khiến họ phải trốn vào sâu trong sa mạc, còn Lạc Nhật Hà càng bặt vô âm tín. Ta nghĩ, cuộc đời này, người ta có lỗi nhất e rằng là nàng?

Nhớ năm xưa, bởi vì ta tham gia đại hội Y Mộ Đạt của bộ tộc Thảo Thạch nên mới gắn bó khăng khít với Lạc Nhật Hà, mới gặp Ô Mộc Tề cải trang, mới có thể bị Lạc Nhật Hà đuổi đến tận cửa chửi mắng.

Ô Mộc Tề mang đến thường phục rộng rãi của nữ tử Tây Di được hứa gả, cổ áo thêu hoa, hai vạt áo trước thêu hoa văn màu vàng bạc đan xen, vạt sau thêu tường vân ngũ sắc, còn có vầng trăng tròn giữa rặng tường vân. Ta biết mệnh phụ Tây Di không phải là người vương thất thì không được mặc đồ thêu hoa văn nhật nguyệt. Hoa văn trăng tròn che nửa này chính là hoa văn xác định nữ tử được gả vào vương thất.

Thị tỳ rẽ tóc của ta bện thành bím, buộc sợi dây sặc sỡ đính minh châu bảy màu tại mỗi bím. Sau đó đội mũ Cửu Long Tứ Phượng, cài chiếc trâm Phi Ưng, trước mũ có rèm che giấu đi khuôn mặt, chỉ lộ ra một phần cằm.

Sau khi mặc xong, thị tỳ thường ngày không nói một lời cũng phải khen: “Cô nương, hôm nay người nhất định sẽ trở thành viên minh châu sáng nhất trên đại hội Y Mộ Đạt”.

Tiếng phổ thông của nàng ta mang khẩu âm Tây Di, nghe hơi kỳ quặc. Thường ngày ngoài việc tận tâm tận lực hầu hạ, họ chỉ một mực nghe theo lời sai bảo của Ô Mộc Tề nên ta không để tâm lắm. Vả lại, thị tỳ trong căn viện này đã đổi vài nhóm, có người thậm chí ta còn chưa nhớ mặt đã chuyển đi rồi. Giọng điệu khen ngợi này có vài phần chân thành, ta không khỏi ngước mắt nhìn nhưng chỉ thấy một khuôn mặt xa lạ, bèn cười không đáp.

Ra phòng ngoài, Ô Mộc Tề đã chờ từ lâu, nhìn qua chân rèm thấy y mặc bộ bào lụa đỏ thẫm, giữa sợi tóc lấp ló sợi tơ tím điểm kim châu, khiến khuôn mặt y càng như một vị thần, chỉ đứng không thôi đã thu hút ánh mắt của mọi người.

Y vươn tay về phía này, ta nhìn thấy bàn tay màu mạch dày rộng, cổ tay đeo chiếc vòng xích dài chạm rỗng màu bạc, trên đó có khắc hình chim ưng vồ thỏ.

Ta đặt tay vào lòng bàn tay y, y nhẹ nhàng khoác tay ta vào khuỷu tay mình, cười nói: “Hôm nay, mây trắng trên trời cao và cỏ biếc dưới mặt đất đều sẽ bị nàng thu hút”.

Ta cười đáp: “Tiếc rằng hôm nay Vương tử không tham chiến, nếu không không biết nhận được bao nhiêu đai lưng dệt gấm”.

Y khẽ cười: “Giống nàng trước kia chăng?”.

“Ta không dám thử lại lần thứ hai đâu”.

Nhớ về ngày trước, mà còn đang ở bên y, lòng ta không khỏi trào dâng hoài niệm. Khi tuổi trẻ điên cuồng đã qua đi, không biết đến khi nào mới có thể hăng hái trở lại?

Ra khỏi căn viện lại là màn nghênh đón Thập Thiên Thập Địa, nghi vệ mặc nhung giáp hồng bích, vây quanh tám con trâu đen nhánh khỏe mạnh kéo một chiếc xe buông mành gấm hoa, bục giẫm chân màu đỏ xen vàng kim đặt cạnh xe trâu, chờ bọn ta bước lên.

Đây là vinh quang cao nhất mà vương thất Tây Di dành cho nữ tử chuẩn bị được gả vào. Đại hội Y Mộ Đạt và Ô Mộc Tề đồng thời phô diễn, vì vậy lễ nghĩ cũng thế.

Điều khiến ta ngạc nhiên chính là, y không giải thích những thứ vinh quang này cho ta mà nói khẽ: “Tiểu Lục và Tiểu Thất ở cạnh xe”.

Ta ngước mắt nhìn lên, Tiểu Lục và Tiểu Thất sớm thay y phục người hầu, đứng hai bên xe. Nhìn thấy họ, lòng ta không khỏi dao động. Bất kể mục đích của y ra sao, nếu đã chu đáo đến mức này hẳn tốn không ít công sức.

Bọn ta ngồi xe trâu băng qua đường Lâm Tang, lúc đi tới quảng trường đã là giờ Thìn. Trên quảng trường người đông nghìn nghịt, nhìn qua lớp lụa rủ, nơi nơi đều là thanh niên trai tráng mặc đồ Tây Di, ngay giữa quảng trường dựng giá đao trăm mét, lưỡi đao sáng loáng phản xạ ánh sáng sắc bén dưới mặt trời.

Nơi xe trâu đi qua, dân chúng Tây Di đều đặt tay trái trước ngực khom lưng hành lễ, khung cảnh ồn ào huyên náo bỗng tĩnh lặng.

Ta biết, bất kể người Tây Di dũng mãnh thiện chiến thế nào đi nữa, ở trước mặt kẻ địch xâm lăng lại đoàn kết như một, thề trung thành với vương thất, không tự làm theo ý mình như bộ tộc du mục khác. Vì thế, cuối cùng mới trở thành họa ngoại xâm lớn nhất đối với Trung Nguyên.