So với tình hình thực tế, sự lo lắng của tôi hoàn toàn không cần thiết.
Gia đình Quân thực sự rất tốt. Suốt bữa cơm quây quần ấm cúng, ba mẹ anh chẳng hề tạo áp lực cho tôi. Vì đã từng gặp qua, lúc tôi mới tới, họ liền xem tôi như người thân thiết, nói chuyện gần gũi.
Thoạt đầu nhìn họ, tôi nghĩ họ trầm lắng, giống Quân. Nhưng càng về sau, tôi nhận ra rằng Quân và ba mẹ anh không hề trầm lắng như tôi nghĩ. Trong nhiều trường hợp, họ chỉ nói khi cần phải nói, thậm chí nếu được họ có thể biểu đạt trong một vài từ. Nhưng ở cạnh người thân - những người đem đến cho họ niềm tin và sự hạnh phúc, họ lại có thể vô tư trò chuyện, cởi mở chân thành.
Tôi nhìn gia đình bốn người nhà Quân, đột nhiên nhớ bố mẹ mình. Từ hôm bị mẹ mắng, tôi vẫn chưa về nhà lần nào. Hôm rồi, mẹ gọi tôi, nhắc ngày giỗ ông nội. Tôi biết ý nên hôm nay tự trở về.
Xong bữa, tôi phụ mẹ Quân rửa chén. Giọng bác gái rất hay, là kiểu giọng miền trung lai với miền nam, nghe nhẹ nhàng và thanh thoát. Hai bác cháu vừa rửa chén vừa nói chuyện, đột nhiên nghe nhà bên cạnh cãi lộn, tiếng chửi bới vọng lại rất to.
Mẹ Quân buông chén, đi nhanh ra hiên nhà nghe ngóng. Tôi cũng theo sau. Một lát sau, Đăng có mặt. Ngôi nhà phát ra tiếng cự cãi không ngờ lại là nhà bố mẹ chị Trang. Trong cái sân lớn, một nhóm hơn chục người đang đứng, hình như đều là hàng xóm sang hóng chuyện.
Ba người chúng tôi đứng hơn mươi phút vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, câu chữ nghe được tiếng còn tiếng mất. Thế là lại đứng một lúc lâu nữa, mẹ Quân nói:
-
Lâu lắm mới thấy cãi nhau lớn thế này.
-
…
-
Con là em chồng cũ của Trang đúng không?
-
Dạ.
-
Nhà này lâu lâu vẫn cứ cãi nhau thế này.
-
...
Bác gái vừa dứt lời, từ trong ngôi nhà ấy có một phụ nữ tầm ba mươi đi ra, nước mắt nhạt nhòa. Theo sau người đó là hai người cao tuổi, một ông một bà, vẻ mặt ai cũng nghiêm trọng lạ thường. Sau khi ra khỏi nhà, họ nhanh chóng đi mất hút.
Đám đông vẫn chưa rời đi, tôi và bác gái cũng đứng nguyên tại chỗ, chỉ có Đăng không mặn mà nữa, im lặng bỏ đi. Lúc này Quân từ hiên nhà trước đi tới, cười cười nói:
-
Mẹ vô nhà đi, lần nào cũng ra ngó đến lâu.
-
Từ từ,…
Bác gái trả lời hời hợt, chả thèm nhìn Quân. Anh dời sự chú ý đến tôi, dùng cằm chỉ vào nhà. Tôi cười toe toét, lắc đầu. Còn lâu! Đang cao trào thế này, còn lâu tôi mới bỏ đi. Nghĩ thế, tôi vòng tay mình qua tay bác gái, ôm chặt. Hai người chúng tôi tiếp tục xì xầm.
Nguyên văn câu chuyện là: người phụ nữ kia là vợ của anh hai của chị Trang, anh này có tính lăng nhăng, mấy bữa trước đi cặp bồ bị vợ bắt gặp, đánh ghen tại trận. Anh ta đánh lại vợ, sau đó vợ anh ta bỏ về nhà mẹ đẻ. Hôm nay anh ta đến nơi làm việc của vợ gây chuyện, tối đến chị vợ cùng bố mẹ mình mang đơn ly hôn đến, đòi ly dị. Anh này nhất quyết không đồng ý, gia đình anh ra sức khuyên can. Cuối cùng hai bên không tìm được tiếng nói chung, sinh cự cãi… Thật dài dòng!
Rất lâu sau, sự việc kết thúc. Tôi và bác gái trở vào bếp. Chén bát vừa nãy còn đang rửa dở đã được tráng sạch, xếp gọn gàng trên giá. Tôi đang thắc mắc thì bác gái lên tiếng:
-
Chắc bác trai rửa rồi.
Tôi câm nín.
-
Không sao, bình thường cũng là bác trai rửa chén bát. Sợ bác hư móng.
Câm nín tập hai.
-
Lên uống nước con.
Tôi nhìn bàn tay thuôn dài của bác gái, âm thầm ngưỡng mộ. Quân bảo, trước đây ba mẹ anh đều làm nghề giáo. Mấy ngón tay dài thuôn của bác gái, lúc cầm phấn lên hẳn là rất đẹp.
Chẳng bù cho tôi, bàn tay nhỏ xíu, ngón tay ngắn cũn, móng vừa nhỏ vừa tòe ra. Đã thế, tay còn có rất nhiều lông – Điều bất công cố một. Trong họ bao nhiêu là đàn ông, chỉ có mình tôi là con gái, bao nhiêu chén bát mình tôi gồng gánh hết – Điều bất công số hai. Như hay nói “ Đời bất công nên đường cong không bao giờ thẳng”, lắm lúc tôi thấy sao mà đúng thế.
Nửa đêm, Quân đưa tôi về. Ba mẹ anh và Đăng ra cửa tiễn, không quên dặn dò:
-
Đi cẩn thận nha con.
-
Đi chầm chậm nha con.
-
Đi từ từ nha Hai.
Khi Quân lái xe ra khỏi cổng, tôi quay đầu lại vẫn thấy họ đứng đó. Gia đình này thật giàu tình cảm, mà hơn hết họ luôn thể hiện tình cảm ấy ra. Đơn giản mà ấm áp vô cùng.
Tôi đảo mắt qua cổng nhà kế bên. Nơi đó, vừa nãy xảy ra tranh cãi lớn. Nơi đó, nhiều tháng trước đây, tôi đã từng tình cờ gặp lại anh. Lần đó, khiến tim tôi lỗi nhịp.
***
Giỗ ông tôi, họ hàng mấy nhà lại được một ngày tề tựu. Chuyện muôn thưở được lôi ra xào đi xào lại vẫn cứ là “Bao giờ Thư lấy chồng.” Tôi thiệt muốn hét lên “Con có bồ rồi, bồ con không những nhà giàu nứt vách, còn tài giỏi hơn người, tỷ người có một”, rút cuộc nửa chữ cũng nhả ra không được. Người thật việc giả, lỡ mai này họ gặp Quân, sẽ biết tôi nói bậy.
Tôi ngậm bồ hòn, cả ngày cười khờ cho qua chuyện. Nửa đêm mới len lén gọi cho Quân, tường thuật lại toàn bộ ngày dài. Anh nghe tôi kể, cười nói:
-
Anh thấy anh cũng xuất chúng mà.
-
Anh chỉ như ông anh hàng xóm nhà bên, đi đâu cũng thấy.
-
Vậy sao bao nhiêu năm mà em không yêu ông hàng xóm nhà bên nào?
-
Đó là em ví dụ, chứ hàng xóm nhà em toàn là con gái, nguyên xóm.
-
Thật đáng sợ!
-
Sợ gì?
-
Sao em không dõng dạc tuyên bố là em có người yêu rồi.
-
…
Tôi cũng muốn nói, sao mình không nói? Thực ra, một câu nói rất dễ dàng, nhưng tôi sợ. Sợ chúng tôi sẽ chia tay.
Tôi nghĩ ngợi, không dại gì mà nói lý do cho Quân. Anh tuy dễ chịu, qua loa, nhưng ai mà biết lỡ anh đột nhiên hẹp hòi, để ý lời tôi, sau đó hờn mát thì sao. Thế là tôi đánh trống lảng:
-
Hồi nãy em coi thời sự, chẳng hiểu tại sao có người đẹp trai lại ác như thế. Hϊếp da^ʍ con nít, còn gϊếŧ chết. Ác!
-
Phạm tội là do tâm tính, đâu phải do xấu đẹp.
-
Luật sư bọn anh, miễn được trả tiền là sẽ nhận bào chữa hả?
-
Em nói gì thế?
-
Thì ý là ví dụ anh biết thân chủ sai rành rành, nhưng được thuê bào chữa thì sẽ giúp người ta thoát tội, ý em là vậy đó.
-
Không. Những vụ anh thường nhận, hoặc là giúp người bị oan thoát tội, hoặc nếu được chỉ định thì sẽ cố giảm án cho người có tội. Còn mấy vụ tranh chấp bình thường, nhiều khi cũng có sai sót, nhưng không đáng kể.
-
Em xem phim, toàn thấy luật sư giúp chạy án.
-
Phim? Ngoài đời chắc cũng có, nhưng anh chưa gặp. Mới đi làm có mấy năm, nhận nhỏ lẻ, chưa có đẳng cấp nhận mấy vụ đó. Nhưng mà anh thấy tội phạm là đã ghét, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thôi. Kêu anh chạy án, không bao giờ.
-
…
Quân đang đọc tài liệu, nghe tôi đề cập đến vấn đề này, anh chống cằm, nhiệt tình trao đổi. Máy tính ở nhà của tôi đã bị liệt vào dạng không thể cổ hơn, màu sắc rất tệ. Hình ảnh Quân trên đấy bị nhòe ra. Vậy mà tôi vẫn thấy được vẻ nhiệt thành của anh, sâu trong đáy mắt là niềm tự hào nghề nghiệp vô cùng lớn. Từng câu từng chữ, nghiêm nghị lạ thường.
***
Cuối tuần, tôi lên phố, tiếp tục ở lại nhà Như, dốc sức hưởng thụ không gian xa hoa đẹp đẽ.
Cô bạn của tôi, từ sau đám hỏi thì xin nghỉ việc, dùng mấy tháng độc thân cuối cùng đưa ba mẹ đi du lịch vài nơi. Đến đâu cũng mua quà, gửi cho tôi bằng đường bưu điện.
Thành phố mùa này, đẹp đến nao lòng. Sang thu rồi, những cơn mưa rào đã dứt, nắng hửng thơm nồng. Tiết chuyển mùa, trong nắng vàng có gió lạnh hanh hao, lá khô rơi rụng, xào xạc một vùng.
Buổi chiều, tôi đi chợ mua vài thứ lặt vặt. Ngang qua khu bán hoa, thấy người ta trưng đầy những bó hoa trắng nhỏ, nụ vàng, tôi động lòng, mua một bó vừa cắm vào bình ở nhà Như. Nhưng mà mua xong, ra khỏi chợ liền thấy tiếc tiền. Cúc họa mi thường mắc hơn những loài hoa khác, bởi vì thành phố tôi còn chưa trồng được, mỗi mùa hoa đến, lái buôn sẽ lấy từ Bắc vô. Vậy nên so với giá gốc vốn mắc, giá bán lẻ sẽ còn mắc hơn.
Tôi ôm bó hoa, nhìn không dời mắt, hoa đẹp không dời mắt được. Cúc họa mi mang đầy âm hưởng của miền Bắc, thanh lịch, tinh khôi. Bởi vì đẹp như thế, nên tôi nhanh chóng không thấy tiếc nữa. Trở về nhà liền cắm vào bình, sau đó ngồi vẽ.
Tôi chăm chú vẽ qua giờ cơm tối, dạ dày bắt đầu co bóp mạnh, vừa uống vào một ngụm nước, cảm giác đau còn tồi tệ hơn.
Cơm chưa nấu, đồ ăn mua về còn quăng bừa trong bếp. Bây giờ mới bắt đầu nấu, không biết khi nào mới được ăn? Nghĩ vậy, tôi lấy vài cái bánh ngọt, vừa ăn vừa xem tivi, ăn hết cả mấy cái bánh to mà vẫn chưa no. Ăn ngọt xong, lại thèm ăn mặn, mà lúc này phim trên tivi đang chiếu đến đoạn hay, tôi dùng hết sức bình sinh, chạy cái vèo vào bếp lấy một gói mì tôm, sau lại chạy cái vèo ra, nhanh chóng về chỗ cũ yên vị.
Vì chạy nhanh quá, chân đập vào cạnh bàn, u lên một cục tím bầm. Tôi không quan tâm, tiếp tục xem phim, tay vò nát gói mì, sau xé mấy gói gia vị đổ vào, ăn sống. Ăn mì sống rất ngon miệng, vừa giòn vừa thơm, đến cả muối thừa đọng ở đáy bị tôi cũng cũng tay quệt, mυ'ŧ cho bằng hết.
Tôi vừa ăn xong, rác còn vứt vương vãi trên bàn thì điện thoại đặt úp trên bàn rung lên, nhích è è. Tôi nhìn dãy số gọi đến, giảm âm lượng tivi.
-
Em nghe.
-
Ra mở cửa cho anh.
-
Hở?
-
Anh đang đứng trước nhà em… à nhầm, nhà Như.
-
…
Tôi lật đật chạy đi mở cửa. Ánh sáng trong nhà theo độ mở cánh cửa thoát ra, hình dáng Quân từ từ hiện rõ. Vẫn là bộ dạng quen thuộc đó, người thẳng tắp, quần âu, áo măng tô, hai tay vùi sâu trong túi áo. Anh nhìn tôi, híp mắt.
Một tuần rồi tôi mới gặp anh. Dạo gần đây anh rất bận, ban đêm gọi cho nhau cũng không nói gì nhiều, ai làm việc nấy, không phiền nhiễu người kia. Vậy nên dù đêm nào cũng thấy nhưng tôi vẫn rất nhớ anh.
Tôi nhìn người trước mặt, bất ngờ xen lẫn vui mừng. Còn anh vẫn một mực giữ bộ dạng tỉnh rụi, bàn tay vò vò đầu tóc tôi, chân bước vào nhà và nói:
-
Hết biết em.
Hết biết cái gì? Tôi tự hỏi, sau đó nhìn lại mình từ trên xuống dưới, khổ sở không nói nên lời.
Tôi ở nhà rất tùy tiện, tóc tai chỉ vấn đại lên, tóc mái cột cây dừa, lộ ra cái trán Tam Mao. Cái áo len tôi đang mặc rộng thùng thình, chất len đã nhão ra chảy xuống tận gối, bên dưới bận một cái quần hoa bằng thun. Trông tôi không thể nào ngu xuẩn hơn được nữa. Và quan trọng hơn cả, tôi không mặc áo ngực. Chính nó! Lần trước bị gãy tay, cũng vậy. Hình tượng của tôi bị vỡ tan cả rồi.
Thật mất mặt! Quá mất mặt!
Tôi không hoảng loạn, giả câm giả điếc, lẳng lặng đi vào phòng mặc cái thứ quan trọng kia, còn thì mặc kệ.
Lúc tôi trở ra, Quân đang dọn dẹp rác tôi vứt vương vãi trên bàn.
-
Em ăn bữa phụ còn nhiều hơn bữa chính nhỉ?
-
Bữa chính của em đó.
Anh khựng tay, chau mày nói:
-
Ăn vầy hả?
Tôi gật đầu.
-
Em ăn lung tung thế này hèn chi suốt ngày bệnh.
-
Lâu lâu thôi mà.
-
…
-
Sao anh không gõ cửa?
-
Anh gõ nhưng em có nghe thấy đâu.
-
À… tại em mở tivi to quá.
-
Cũng may còn nghe điện thoại.
-
Anh ăn chưa?
-
Ừm.
-
Anh đến đây làm gì?
Tôi hỏi chuyện anh, thực ra tâm trí đã tập trung lại trên màn hình tivi, cũng không nhớ rõ anh có trả lời mình không.
Quân mở máy tính đặt lên bàn, ngồi bệt xuống cạnh tôi, yên tĩnh làm việc. Anh rất tâm trung, dường như lúc làm việc không hề có một giây lơ đễnh, cũng không để những cảm xúc cá nhân có thể xen vào.
Tôi xem xong phim mới nghĩ ra, anh bảo mai có phiên tòa, không phải cần họp hành gì sao, tự dưng lại chạy qua chỗ tôi ngồi làm việc.
-
Anh bảo tối phải họp mà?
-
Họp từ sáng rồi.
-
Anh qua đây có việc gì á?
-
Còn hỏi nữa là anh giận đấy.
Nãy giờ im lặng, không lẽ hờn rồi. Tôi cười mỉm.
-
Anh uống nước không?
-
Không.
-
Em có trà táo.
-
Không.
-
Hay ăn dâu không?
-
Không.
Người này lại giải phóng bản tính nhi đồng. Tôi kệ anh, ngồi xuống làm việc của mình.
Sau một thời gian dài tận tâm giúp việc cho thầy hướng dẫn cũ, tôi được thầy nâng đỡ, hỗ trợ để vào làm trợ giảng cho thầy. Đã vào năm học mới rồi, thầy càng bận nhiều công việc, cần người phụ giúp, tôi liền được nhanh chóng thông qua. Sớm mai chỉ cần nộp hồ sơ bằng cấp xong sẽ được đi làm liền.
Thấy tôi đang xắp xếp lại giấy tờ, Quân không biết đã hết hờn hay chưa, tò mò hỏi tôi:
-
Em có đứng lớp không?
-
Có, em dạy mấy bài cơ bản như đại cương hoặc hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Đại loại là vậy. Nửa tháng sau mới dạy.
-
Dạy hợp đồng hả?
-
Trước mắt là vậy.
-
Ừm.
Anh lại rơi vào im lặng, nhìn rất buồn phiền. Không lẽ hờn tôi đến mức này.
-
Công việc có trục trặc gì hả?
-
Không.
-
Anh mệt hả?
-
Không.
Mặc kệ anh đấy. Tôi hờn!
-
Hôm trước anh đi chơi bóng chuyền.
-
…
Rồi sao? Không liên quan đến tôi.
-
Em biết Nam không?
-
…
Nghe cái tên này phát ra từ miệng anh, chân tôi nhũn cả ra. Cũng may đang ngồi, nếu không tôi cũng không chắc mình còn đứng cho đàng hoàng được.
-
Biết. Bạn cấp ba của em mà.
-
Vậy hả?
-
Ừm.
Tôi không phải tội phạm, vậy mà cũng bị năng lực luật sư của anh làm cho hoang mang, không cách nào trấn tĩnh được.
-
Anh cũng quen hả?
-
Ừ, mới quen. Dạo này hay lập hội đánh bóng chung.
-
…
Vậy thôi ư? Vậy anh nhắc đến làm gì. Tôi khổ sở chết đi được.
-
Chiều nay bọn anh đi chung. Có mấy người bạn cấp ba của em nữa. Tụi nó nói chuyện chọc ghẹo nhau một hồi, nói ra hồi đó em với Nam…
-
Em với Nam… sao?
Thấy Quân do dự, không muốn trả lời. Tôi đành bất lực khai ra:
-
Hồi đó em thích Nam mà Nam… à không biết có thích em không.
-
Anh nghe Nam nói... à mà thôi.
-
Nam sao?
-
Có gì đâu, anh nói nhầm.
-
Chuyện lâu lắc rồi, từ cấp ba. Gần chục năm rồi còn gì. Bây giờ em chỉ quý Nam như bạn thôi. Với cả chả bao giờ gặp nhau.
-
Ừm.
-
Thật mà!
-
Ừm.
-
Anh uống nước không?
-
Có.
Tôi đứng dậy đi lấy nước, thầm lý giải được thái độ của anh. Sau đó, tôi cũng nghĩ đến một vấn đề.
-
Trước đây anh có yêu ai không?
-
Có.
-
Thật luôn?
-
Thái độ gì kỳ thế.
-
Sao mà chia tay?
-
Không cùng quan điểm, tìm hiểu thấy không hợp, xong rồi chia tay.
Quan điểm của anh là gì, hiện tại tôi còn chưa rõ. Người ta thường bảo, tình muốn bền lâu phải qua thời gian thử thách. Bấy nhiêu thời gian qua, anh có thấy chúng tôi hợp nhau không.
-
Người đó xinh hay đẹp?
-
Xinh, đẹp là một mà.
-
Khác nhau chứ.
-
Khác chỗ nào?
-
Xinh là để khen thôi, còn đẹp là để nhớ. Em ví dụ nha, đẹp là kiểu giống Như ấy, còn xinh là giống em.
Tôi cười đến hao gầy. Còn Quân thì nghiêm túc suy nghĩ, sau đó anh nói:
-
Chắc là đẹp.
-
Ồ, thế mà chia tay.
-
Vậy sao em không yêu Nam nữa. Soái ca như thế.
-
…
-
Sao lại phụng phịu?
- …
- Thôi thôi, đừng hờn. Mai mốt anh sẽ không nhắc chuyện này nữa.
Những tưởng sang thu, bão đã đi hẳn rồi, vậy mà chín giờ đêm, bỗng nhiên mưa ào ào kéo đến. Ngoài trời liên tục truyền đến tiếng sấm, chớp nhá vài lần.
Quân đang định về, thấy mưa thì nán lại. Đợi một lúc lâu, mưa vẫn hoài không tạnh.
-
Em có áo mưa không?
-
Không có. Áo mưa em để trong xe, xe thì để bên kia rồi. Để em đi mua cho anh. Em có ô.
-
Giờ này ai bán nữa?
-
Đi xa một tí, ra ngã năm chắc có.
-
Đi ra tới đó, có ô em cũng ướt hết. Thà anh ướt, về tắm liền. Anh để máy tính ở đây, mai qua lấy.
-
…
Quân đứng dậy toan bước đi. Đột nhiên, tôi thấy xót, đưa tay cầm ống quần anh, sau đó ngẩng đầu nói:
-
Anh đợi một lát nữa đi.
-
Mưa dầm, biết khi nào mới tạnh?
Tôi lưỡng lự, không nỡ để anh bị ướt mưa:
-
Vậy thì ngủ lại đây. Không tắm một ngày cũng không làm da anh đóng vảy thành cá được.
Đến lượt anh do dự:
-
Được?
Tôi khẳng khái gật đầu:
-
Được!
Sau đó, Quân cởi hai lớp áo khóac và áo len dày, xắn tay áo sơ-mi đi vào phòng tắm rửa mặt. Một lát sau anh nói vọng ra:
-
Em có bàn chải đánh răng dư không?
-
Có. Ở sau mấy chai nước súc miệng trên kệ ấy.
Lát sau nữa:
-
Anh xài sửa rửa mặt của em được không?
-
Được. Cái tuýp màu xanh ấy.
Người này cũng thật kỹ tính. Cùng lắm là chỉ một đêm không đánh răng rửa mặt thôi mà.
Quân vệ sinh mặt mũi xong thì ngồi lên ghế salong. Tôi ngồi bệt dưới đất xem bóng chuyền, thấy anh không có động tĩnh gì, tôi quay lại hỏi:
-
Anh không làm việc nữa hả?
-
Không, lười mang máy tính ra. Mai làm tiếp… Giải gì đây?
-
AVC cup. Anh có hay xem không?
-
Không. Lâu lâu có VTV Cup thì xem vài lần.
-
…
Tôi dời sự chú ý trở lại trận bóng. Trong bóng chuyền, điểm số được ghi liên tục, chỉ cần không chú ý vài giây cũng có thể bỏ lỡ những khoảnh khắc hay.
Đang lúc tôi quên mất sự tồn tại của Quân thì anh khom người xuống, kéo tôi ngồi lên ghế cùng anh. Anh ôm ngang người tôi, nói:
-
Có ghế mà không ngồi cho lưng thoải mái. Riết rồi đã lùn lại rụt thêm một khúc.
-
Em quen rồi.
-
…
Hai người chúng tôi miệt mài theo dõi trận đấu, mãi đến lúc kết thúc anh mới buông tay.
Tôi co hai chân lên ôm, dựa lưng vào ghế, rồi đổi kênh tìm chương trình khác để xem. Quân nhìn tôi chằm chằm, lát sau lên tiếng:
-
Em còn dịch sách không.
-
Xong đợt này rồi, em mới nộp bản dịch sáng nay. Họ thuê dịch tiếp thì dịch.
-
Lương em thế nào?
-
Chỉ đủ xài thôi, với một ít để dành. Em còn nhận vẽ trang trí nữa. Anh đừng lo.
-
Anh đâu có lo, nhưng có nhà riêng.
-
Em biết.
-
Lương anh cũng được lắm.
-
Dạ.
-
Anh kể cho em một chuyện?
-
Chuyện gì?
-
Hồi đó anh đi Phú Quốc, định mua một viên ngọc. Người tư vấn hỏi anh mua làm gì? Anh bảo tặng bạn gái. Em biết họ nói gì không?
-
Sao em biết được.
-
Họ bảo anh cứ mua đi, họ sẽ viết giấy chứng nhận cho. Nếu anh chia tay, đòi lại ngọc từ tay bạn gái, họ sẽ viết giấy chứng nhận khác. Bởi vì “ bạn gái có thể bỏ bạn đi, nhưng giấy chứng nhận tôi sẽ viết cho bạn trọn đời”.
Tôi cười nắc nẻ. Thường khi mua ngọc, mỗi người mua sẽ được viết một giấy chứng nhận, kiểu giấy chứng minh ngọc thật. Ai tặng ngọc cho người khác sẽ thường có giấy này đi kèm. Mà giấy thì hay thất lạc hoặc bị nhàu rách, cho nên muốn đòi lại cũng khó.
-
Vậy ngọc của em đâu?
-
Anh nghe nói thế, không thèm mua nữa.
-
Tại sao?
-
Vì mấy người đó trù em bỏ anh.
-
…
-
Chân em bị sao vậy?
Chỗ chân bầm tím vốn dĩ bị quần che lại, lúc lôi nhấc chân lên ghế, quần nhăn nhúm, vậy nên mới bị lộ ra.
-
Em cũng không biết.
Tôi đang không vui, chỉ trả lời cho có.
-
Không đau hả? Để anh chườm nóng cho em, bầm thế này mà cứ để vậy.
Nói rồi, Quân chạy đi mở tủ y tế lấy cái khăn nhỏ, nhúng qua nước nóng, vắt vừa ráo, mang đến tỉ mỉ chườm vết thương.
Tôi kệ anh, vẫn cứ chuyển kênh, mãi không chịu dừng.
Đâu ra mà tôi bỏ anh, có mà anh bỏ tôi ấy. Có thể vì trước nay, tôi chưa từng nghiêm túc yêu đương nên mới lo nghĩ nhiều như thế. Hay là con gái ai cũng vậy? Cứ hoài bất an về những điều chỉ có trong tưởng tượng và suy diễn những việc có thể sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Lắm lúc làm con gái, tôi cũng nản.
Quân nhận thấy tôi là lạ, giật lấy điều khiển từ tay tôi.
-
Sao vậy?
-
…
-
Em không nói sao anh biết em bị gì?
Trước đây, có lần tôi chứng kiến Như và người yêu giận nhau, chẳng ai nói với ai câu nào, thậm chí cả tháng trời không liên lạc. Tình chí sa sút, phủ tạng tổn thương, bạn tôi buồn bã, ăn không được, uống không vô. Những tưởng sẽ chia tay. Như khóc sướt mướt, trách người yêu vô tâm, người yêu nó lại trách nó không tâm lý. Ai cũng chỉ muốn nói ra suy nghĩ của mình, muốn đối phương theo đó hành động, lại không thể chính mình hành động theo suy nghĩ của người khác. Hiểu lầm chồng chất. Mấy tháng dài mới hòa giải với nhau.
Tình hình của tôi bây giờ không đến mức nghiêm trọng như vậy. Thế nhưng lần này nếu tôi không nói ra, không biết bản thân sẽ tự dày vò thêm bao lâu nữa.
-
Em sợ anh bỏ em!
Quân dừng động tác, đặt khăn ấm lên bàn, sau đó ngồi thẳng lưng, hỏi tôi:
-
Em có yêu nghiêm túc không?
-
Có.
-
Em bao nhiêu tuổi.
-
Hai sáu.
-
Tụi mình lớn cả rồi. Qua cái tuổi yêu đương sướt mướt như mấy đứa nhỏ rồi. Trừ phi một trong hai gây lỗi lớn không thể bỏ qua, nếu không sao lại chia tay.
-
Lỡ không hợp thì sao?
-
Yêu mấy tháng, có chỗ nào em thấy anh không hợp em không?
-
Không có.
-
Anh cũng không. Anh chia tay người kia chỉ trong một tháng. Lúc đó còn nhỏ, thấy người ta vừa xinh vừa học giỏi nên thích, nhưng quen nhau vài ngày đã nhận ra không hợp. Còn anh gặp em cả năm rồi, tiếp xúc cũng nhiều, nếu thấy không hợp, anh sẽ không ngỏ lời với em.
-
…
-
Bởi vì rất hợp, nên anh rất yêu em! Đừng lo nữa, được không?
Tôi không biết tiếp lời ra sao, cứ ngồi nghệt mặt ra. Sau đó mặt càng lúc càng đỏ, mắc cỡ quá, phụt cười.
Quân dúi đầu tôi một cái, hỏi:
-
Em xem tivi nữa không?
-
Có.
-
Vậy ngồi xuống dưới xem, anh đi ngủ. Cả ngày nay mệt quá.
Tôi chạy đi lấy cho Quân mền và gối của mình.
-
Em đắp gì?
-
Còn một bộ của Như, anh đắp bộ của em.
-
Ừm.
Sau đó, tôi đi tắt hết điện trong nhà. Quân nằm dài trên ghế, nghiêng mình hướng mặt về phía tivi. Tôi ngồi dưới đất, người nép vào mép ghế. Quân thuận thế, vùi đầu vào lưng tôi.
Tôi nghe anh thở nhè nhẹ, lát sau thở dài và sâu, dường như đã ngủ say. Tôi không quay lại nhìn anh, mắt vẫn nhìn về màn hình tivi đang nhấp nháy. Nghĩ lại những câu anh nói vừa rồi, đột nhiên lòng chợt dâng lên thương cảm không biết vì đâu mà tới.
Tôi vốn lất phơ lất phất, tính tình kỳ lạ, chẳng ngờ có thể gặp một người yêu mình. Lại chẳng ngờ người ta lại có thể kiên nhẫn với mình nhiều đến thế. Bản thân tôi, đã luôn có thể cắn răng mà đi một quãng đường dài. Vậy mà có khi yếu đuối, chỉ vì một câu nói ngắn gọn bốn chữ “anh rất yêu em” mà nước mắt tràn mi.