Ký Ức Tựa Mùa Rơi

Chương 10: Mùa sang, người đi mất, ai sẽ là ai?

Hè đã về rồi, phượng nở bung hoa, tím, đỏ một góc trời. Hoa lau trên những đồi thông vắng cũng đã trắng xác xơ, những cây nhỏ mỏng manh nép sát rạt vào nhau, ngả nghiêng theo chiều gió. Lãng đãng đâu đó, ve kêu.

Tôi dự lễ bế giảng xong, bịn rịn chia tay mấy đứa học trò nhỏ. Chúng nó biết tôi không dạy nữa, đứa này giành đứa kia đòi chụp hình với tôi, buồn vui hỗn độn.

Đi dạy lần đầu, may mắn được học trò quý mến, còn chưa kịp thân hơn thì đã phải chia tay. Thời gian dạy mấy tháng ngắn ngủi lại đủ dài để tôi học thêm nhiều thứ chẳng bao giờ ghi trên sách vở, những cảm xúc vỡ òa khó diễn tả bằng lời.

Ngày tháng sau này, khi hoài niệm về tuổi trẻ, tôi nhớ nhất là những ngày mặc quần xanh áo trắng, cắp sách đến trường. Và nhớ hơn cả là khoảnh khắc này, được học trò vây quanh, mỗi ánh mắt đều dành cho tôi niềm thương yêu vô hạn.

Hoài niệm là cách để trưởng thành.

***

Sau khi kết thúc năm học, Đăng xin tôi tăng số giờ dạy mỗi ngày, học liền tù tì từ năm giờ chiều đến tám giờ đêm. Khoảng thời gian này là bước chạy nước rút trước kỳ thi đại học gần kề.

Tất nhiên tôi đồng ý. Lại lâm vào cảnh thất nghiệp, vớ được phao cứu sống nào, tôi quyết không buông.

Trưa nay, tôi mơ về Quân.

Hai tháng trước, tôi từng nói chuyện với anh ta một lần, rất lâu. Anh ta hỏi tôi tại sao tôi không nhờ vào những mối quan hệ của gia đình kiếm một nơi dạy ổn định. Tôi trải lòng, nói hết suy nghĩ của mình với anh ta.

Thực ra lúc mới ra trường, bố mẹ tôi cũng bảo tôi như thế. Tôi không đồng ý, một phần vì nghĩ đến số tiền phải bỏ ra quá nhiều, phần quan trọng hơn là vì tôi sợ sẽ phải gắn bó với nghề giáo mãi. Sợ suốt một đời lầm lũi đi dạy rồi về nhà, tảo tần chăm sóc chồng, con. Mỗi ngày buồn tẻ trôi qua, không có lấy một ngày nào khác biệt. Nếu dùng tiền của bố mẹ kiếm một công việc, tôi sẽ không dám bỏ ngang việc để làm điều mình thích.

Bên trong con người an phận của tôi luôn có một sự nổi loạn nhỏ nhoi nào đó, âm ỉ theo tôi suốt tháng năm dài.

Quân nghe tôi tâm sự xong, trầm tĩnh nói:

-

Anh nghĩ dù trong hoàn cảnh nào em vẫn có thể làm được việc mình thích, vấn đề là em muốn hay không. Không ai làm công việc mình thích cả đời, ban đầu là thích thú, sau này sẽ dần biến thành thói quen. Nhà văn yêu sách nhưng sẽ có một quãng thời gian không muốn viết văn, nhạc sĩ sống trong âm nhạc nhưng đôi khi không muốn viết nhạc, đại loại như thế. Tuổi trẻ muốn hạnh phúc, phải vừa làm việc mình thích và không thích. Giống như vừa khám phá vừa hưởng thụ, đừng chỉ chăm chăm hưởng thụ không. Về già nếu muốn khám phá cũng không còn khả năng nữa. Lúc đó thì hối hận rồi.

Anh ta nói triết lý quá, tôi nghe chữ được chữ mất, mù mờ như lạc vào mê cung. Vờ vịt gật đầu.

Nằm mơ nhớ lại mấy câu nói đó, thức dậy tôi chợt lĩnh hội ra.

Giấc ngủ trưa kéo dài thường gây mệt mỏi, ngủ càng nhiều đầu óc càng không tỉnh táo, đôi khi còn làm tâm trạng tệ đi. Biết thế nhưng tôi vẫn hay buông thả bản thân, ngủ no mắt. So với việc gắng gượng thức dậy đúng giấc, tôi thà chấp nhận bị mệt người.

Tôi uể oải đi mở cửa sổ, đứng thất thần.

Mùa mưa đến cách đây không lâu, có khi mưa liên tục mấy ngày, có khi qua đi mấy ngày nắng mới mưa. Hôm nay mưa từ sáng, lúc tôi đi ngủ vẫn còn nghe tiếng mưa rả rích, bây giờ thì đã tạnh hẳn rồi.

Khoảng sân bên dưới cửa sổ ướt đẫm nước, trải đầy những bông hoa bị mưa đánh nát, thêm những lá phượng ngả vàng bón lại khắp nơi.

Tôi sực nhớ ra một thứ, đi đến kệ sách mò mẫm, lôi chiếc hộp giấy lớn xuống từ ngăn trên cùng. Chiếc hộp bị lãng quên lâu ngày, đóng bụi đầy trên mặt nắp, màu sắc trang trí cũng bị sờn đi. Nó đã ở yên một chỗ ba năm rồi.

Bên trong hộp đựng đầy những bức tranh nhỏ chỉ vẽ toàn là hoa. Hoa loại nào cũng có, hoa thực, hoa cách điệu, rừng hoa, hay chỉ một bông hoa. Dưới cùng của hộp là một đống màu vẽ gồm màu sáp, màu chì, màu nước, màu lông…Tôi lôi hết chúng ra, ngắm nghía từng thứ một, không khỏi buồn rầu.

Thành phố tôi ở có rất nhiều loại hoa, mùa nào cũng có hoa. Tôi bắt đầu vẽ hoa từ khi vào cấp ba. Ban đầu chỉ vẽ nghuệch ngoạc cho vui tay, sau đó chuyển qua thích thú, tập vẽ thật đẹp với ước mơ vẽ được ngàn loại hoa. Lên đại học, khoảng thời gian dành để vẽ của tôi rút ngắn dần. Đến khi học cao học thì thôi hẳn. Tôi không biết tại sao mình không vẽ nữa, có thể là vì quá bận, cũng có thể là vì ước mơ phai dần.

Tôi chìm đắm trong những bức vẽ của mình, vừa khéo nhớ tới giấc mơ kia. Bỗng dưng, tôi muốn tiếp tục ước mơ còn dang dở, muốn làm tất cả mọi thứ mình có thể làm. Để biết bản thân thực sự cần gì, muốn vị trí nào,muốn sống ra sao.

Thế là tôi bừng bừng khí thế, trước khi đến giờ dạy liền tranh thủ vô nhà sách, mua một đống giấy vẽ với các kích cỡ và chất liệu khác nhau. Sau đó lỉnh khỉnh mang theo vào phòng Đăng.

Thấy tôi ôm theo đống giấy, Đăng không tỏ ra tò mò. Hôm nay Đăng khác với mọi khi, mặt nó đượm buồn, trông hơi lơ đễnh. Tôi tìm cách nói chuyện, giả vờ châm chọc:

-

Mất tiền hay sao buồn hiu vậy ông giời.

-

Cô…

-

Sao? Có gì thưa bẩm.

-

Hôm nay nghỉ học nha cô.

-

Sao mà nghỉ? Muốn nghỉ thì nói từ chiều chớ.

-

Anh Đông mất rồi.

-

Mất là sao?

Tôi run run, không dám nghĩ đến ý nghĩa thật của từ “mất” kia.

-

Là chết. Anh Đông chết rồi.

Đông là người tóc xoăn.

Tôi gặp Đông không nhiều. Chỉ vô tình gặp vài ba lần lúc anh đến nhà Quân chơi. Đông bình thường nói nhiều, hay chọc ghẹo tôi nhưng chỉ chọc vui, không làm gì quá đáng. Lần tôi gặp Đông gần đây nhất là tuần trước, hôm đó anh còn mua trà sữa cho tôi.

Tồn tại, thực sự là một khái niệm mông lung. Có khi một ai đó chết đi, người ta mới nhận ra sự tồn tại của họ. Người còn ở đấy, mới nhắc đến mà đã đi rồi.

Cổ họng tôi nghẹn bứ, lòng buồn không thôi.

-

Mất lúc nào?

-

Dạ, chiều nay. Em chưa kịp gọi cho cô thì cô đến.

-

Sao mà mất?

-

Ảnh bị tai nạn.

-

Anh em đâu?

-

Anh Hai ở nhà anh Đông rồi.

-

Em biết nhà ảnh không?

-

Dạ biết.

-

Đi, em với cô qua đó.

Tôi và Đăng đến nơi, rạp đám ma đã dựng xong, người thân và người viếng có mặt rất đông. Tôi vào thắp nhang, sau đó trở ra tìm kiếm Quân.

Quân ngồi ở một bàn khá xa trong góc rạp, cạnh anh ta còn có hai người bạn. Ba người con trai ngồi bất động, bóng trăng trắng nhợt từ ngoài chiếu vào bao trùm họ, cả người toát ra niềm đau thương vô hạn.

Dạo gần đây tôi giận lẫy, gặp Quân toàn lơ đi. Anh ta thấy tôi cư xử vậy cũng không nhiệt tình như trước nữa. Hôm nay thấy bộ dạng Quân thế này, tôi vừa tội anh ta, vừa thấy áy náy, bao nhiêu giận hờn trôi đi hết. Anh ta có người yêu nhưng có làm gì xấu với tôi đâu, chỉ toàn là tôi vô lý.

Tôi kéo Đăng đi về hướng đó, ngồi xuống trước sự ngỡ ngàng của Quân.

Anh rót cho tôi một ly trà ấm.

-

Em đến hồi nào?

-

Vừa mới.

Quân gật đầu, không nói gì thêm. Tôi cũng không nói gì. Trong cảnh này, chẳng ai muốn nói với ai câu nào, cứ trầm mặc ngồi yên, tiếc thương cho một người con trai còn chưa qua hết tuổi đôi mươi, cả một bầu trời tương lai còn chưa đi hết thế mà đã phải rời đi.

Ban đêm, gió lùa vào rạp mạnh hơn. Quân chỉ mặc chiếc sơ-mi đơn độc, da vì lạnh mà tái đi. Tôi lo lắng, không kìm được hỏi:

-

Anh lạnh không?

-

Ừm.

-

Sao không mặc áo khoác?

-

Áo dính đầy máu Đông rồi.

Giọng anh dù cố nói bình thường nhưng tôi vẫn nghe ra có chút nghẹn ngào trong đó. Tôi nhìn cảnh tang thương, lại nghe giọng đau khổ của anh thì hốc mắt ướt đi. Cố gắng không cho mình khóc, tôi nói với anh:

-

Anh vô mượn tạm cái áo mặc đi.

-

Không sao.

-

Để em với Đăng về lấy áo cho anh.

-

Không sao. Tí nữa anh đi mượn.

Tôi yên tâm, ngồi lại thêm một tiếng mới về. Đăng không chịu về, nhất quyết ở lại với anh trai.

Quân lẳng lặng đi bộ cùng tôi ra chỗ để xe. Anh vẫn chỉ mặc độc áo sơ-mi, lúc bước đi đầu hơi cúi xuống, tay để trong túi quần, trông rất cô đơn. Trong đêm tối, tôi không nhìn rõ vẻ mặt anh, cũng không biết an ủi thế nào. Đi cạnh Quân cứ bứt rứt không thôi.

Quay xe dùm tôi xong, anh nói:

-

Về cẩn thận.

-

Anh quay lại mượn áo khoác mặc đi.

-

Ừ. Lái xe cẩn thận.

Bảy ngày Đông mất, Quân gọi cho tôi từ lúc tờ mờ sớm, hỏi tôi có muốn đi cùng anh không. Tôi đồng ý ngay tắp lự. Quân bảo sẽ đến đón tôi.

Cả buổi sáng, chúng tôi theo gia đình Đông ra mộ, lên chùa, sau đó về lại nhà Đông ăn một bữa cơm.

Lần đầu tiên, tôi thấy Quân khóc.

Đàn ông, hơn phụ nữa ở một trái tim lạnh và một bờ vai rắn.

Tôi chưa từng chứng kiến một người đàn ông khóc, kể cả bố tôi. Ngày nhỏ tôi chứng kiến bố bị cuốc va vào chân, lưỡi cuốc cứa sâu vào thịt thấy cả xương, máu chảy ra thấm ướt cả mấy miếng gạc to, tôi hỏi bố:

-

Sao bố không khóc?

-

Sao mà khóc?

-

Bố đau không?

-

Đau.

-

Đau sao không khóc?

-

Đàn ông không được khóc.

Con gái dễ khóc, dễ rơi nước mắt vì đau, vì buồn hoặc đơn giản chỉ vì một bộ phim. Nhưng nước mắt vốn là thứ đàn ông muốn giấu đi, họ luôn nghĩ rằng đàn ông bản lĩnh không được khóc. Vậy mà mấy ngày này, tôi chứng kiến nhiều người đàn ông khóc.

Hôm đưa tang, Quân mạnh mẽ đi cạnh quan tài, quai hàm anh ngậm chặt, một giọt nước mắt cũng không rơi. Vậy mà hôm nay, anh ở trong chùa nghe sư thầy gọi tên Đông lại lẳng lặng rơi nước mắt, vai anh run run. Những giọt nước mắt chứa đựng nỗi đau thương đến tột cùng. Tôi đứng cạnh anh vờ như không biết, không muốn anh phải ngại với mình.

Đầu giờ chiều Quân đưa tôi về, anh vẫn mang theo sự im lặng thường trực. Đến cửa nhà, tôi níu Quân lại.

-

Người mất cũng đã đi rồi, người sống chỉ còn cách ở lại sống thật tốt thôi.

-

Ừ.

-

Anh muốn uống trà táo không?

Tôi nổi cơn bạo dạn đề nghị Quân. Lời nói ra mới kịp tư duy rằng mình vừa mời con trai lên nhà.

-

Trà táo?

-

Em nấu trà táo, anh lên phòng em uống một ly không?

Quân hơi chần chừ, suy nghĩ vài giây. Sau đó anh xuống xe, đáp “ừ” một tiếng.

Phòng tôi ở tầng hai, có một lối đi riêng. Trước đây phòng này là của em gái cô chủ. Sau khi em gái theo chồng đi Mỹ, cô mới cho thuê. Cô quen bố mẹ tôi từ trước, vừa hay bố mẹ muốn tìm chỗ cho tôi ở, thế là phòng vừa trống, tôi liền chuyển vào. Từ cấp ba đến giờ chỉ ở mãi chỗ này.

Căn phòng tương đối rộng. Trước khi tối đến, cô chủ còn cẩn thận kêu người về lắp cho tôi một gian bếp. Vật dụng trong phòng tăng lên tỷ lệ theo số năm tôi ở. Bây giờ căn phòng đã biến thành một căn hộ nhỏ, không gian mở, thứ gì cũng có và thứ gì cũng nhỏ.

Tôi mở cửa mời Quân vào phòng, thầm thở phào vì hôm qua đã dọn dẹp gọn gàng.

Phòng tôi có một cái bàn gỗ thấp và duy nhất một chiếc nệm ngồi. Tôi ăn uống, học hành, vẽ vời đều trên bàn ấy. Vì chưa bao giờ tiếp khách nên tôi cũng không để ý nhiều. Bây giờ thấy Quân đang ngồi bệt dưới nền lạnh nhường nệm cho tôi, tôi hơi ngại, đẩy đệm ngồi cho anh.

-

Anh ngồi đi.

Sợ Quân từ chối, tôi liền chạy đi xì xẹp ghế lười, dùng nó ngồi thay cho nệm. Quân thấy vậy, lôi nệm về phía mình rồi ngồi lên. Anh nói đùa:

-

Ở một mình nên đồ gì cũng toàn số ít nhỉ?

Lâu rồi Quân mới cười. Sau đó, anh vừa uống trà vừa chăm chú nhìn mặt bàn được tôi vẽ đầy hoa, màu sắc sặc sỡ.

-

Em mua bàn này ở đâu?

-

Mua ở tiệm đồ gỗ gần chợ.

-

Họ trang trí hoa đẹp nhỉ?

-

Không phải, em vẽ đó.

Tôi tự hào khoe khoang.

-

Thật?

-

Thật. Em vẽ hết.

-



Quân không nói gì, theo hướng tay tôi chỉ nhìn mấy bức tranh treo trên tường. Tôi tưởng anh sẽ khen tôi vài câu, nào ngờ anh xem xong thì hỏi:

-

Anh có một chuyện…

-

Dạ?

-

Bữa trước em giận anh chuyện gì phải không?

Tôi chột dạ. Đúng là tôi giận. Nhưng mà giận rất vô lý. Lẽ nào nói ra là vì anh có bồ nên tôi giận. Có bị thần kinh mới tự khai.

-

Không có.

-

Vậy sao gặp anh, em cứ lảng lảng.

-

Không phải. Tại em vẫn ngại vụ đau bụng.

-

À… Xin lỗi em. Đừng ngại nữa.

Nhắc đến chuyện tế nhị, Quân không gặng hỏi nữa. Anh uống thêm một ly trà táo thì về. Tôi nhìn Quân rời đi, trong lòng nặng trĩu. Người ta là hoa đã có chủ, tôi đâu thể đập chậu cướp bông.

Buổi tối đi ngủ, tôi sực nhớ ra, tại sao Quân gặp chuyện buồn như thế, người yêu anh lại không xuất hiện lấy một lần.

***

Thứ ba một tuần sau đó, tôi theo lịch đến dạy Đăng.

Ngôi nhà nhỏ bình thường luôn khép kín, hôm nay lại một lần nữa mở toang ra. Trong phòng khách, một phụ nữ lớn tuổi đang ngồi xem tivi, dáng vẻ duyên dáng, thanh tao. Thấy tôi bước vào, bác gái ấy đứng lên, ánh mắt dò hỏi.

-

Con chào bác.

-

Con đến tìm ai?

-

Dạ, con là cô giáo của Đăng, hôm nay đến dạy.

-

Ô, vậy hả, vậy vào nhà nhanh, nhanh con…

Tôi giới thiệu xong, bác ấy cuống quýt hẳn, miệng kêu tôi vào nhà, chân đã bước tới nhà bếp phía sau. Tôi đoán chừng bác gái là phụ huynh của hai anh em nhà này. Năm giây sau suy nghĩ ấy, tôi nghe bác nói chuyện với Đăng

-

Cô giáo đến rồi kìa.

Tôi vào phòng Đăng, vừa đặt giỏ lên bàn thì cu cậu xuất hiện, mặt mày hớn hở.

-

Nhờ cô mà em đỡ rửa chén một buổi.

Tôi thì thầm

-

Ai đấy?

-

Mẹ em.

-

Giờ cô mới gặp. Sao hôm nay mẹ lên đột xuất thế?

-

Tại cả tháng rồi em với anh Hai không về.

-

Ờ.

Khoảng nửa tiếng sau, đang lúc tôi tập trung giải bài cho Đăng, mẹ cậu xách giỏ đứng trước cửa phòng, cất giọng nhẹ nhàng nói:

-

Mẹ về nha Đăng.

-

Ủa mẹ không chờ anh Hai chở về hả?

-

Không, mẹ đi xe bus. Bác chào con nha.

Tôi đứng dậy, gập người chào đáp lại. Mẹ Đăng lại khách sáo cảm ơn tôi mấy câu. Đăng chạy theo mẹ, hai mẹ con đứng thì thầm điều gì đó, sau đó bác ấy mới thực sự rời đi.

Tám giờ tối, tôi dạy xong, Quân vẫn chưa làm về. Đăng vừa dọn sách vở vừa hỏi tôi:

-

Cô, cô đói không?

-

Đói.

-

Cô ở lại ăn với em đi, hồi chiều mẹ em mang nhiều đồ ngon lên lắm.

-

Mời thiệt hay mời chơi đó.

-

Thiệt mà, em ăn một mình buồn lắm.

-

Buồn mới mời hả?

-

Thôi cô về đi, em bưng tô cơm ra đường ngồi ăn.

Đùa giỡn hồi lâu, cuối cùng tôi và Đăng ngồi trước một bàn thức ăn đầy ắp. Mẹ cu cậu vì thương con trai lớn làm việc vất vả, thương con trai nhỏ ôn thi mệt nhọc, mang tình cảm nấu thành vô số món ngon. Tôi nhìn mấy cái đùi gà chiên nước mắm, mực ống nhồi thịt, lòng già xào dưa cải,… thì mở cờ trong bụng, nước miếng muốn chảy cả ra ngoài.

Phụ huynh nhà này sao có thể hoàn hảo đến vậy. Vẻ ngoài thì phúc hậu, kiêu sa, giọng nói lại nhẹ nhàng, thanh thoát. Đến cả nấu ăn còn ngon như đầu bếp xịn. Quả thật là mẹ nhà người ta rồi. Nói thế không phải chê mẹ tôi, nhưng mà thực sự mẹ tôi nấu ăn rất dở, làm tôi trở thành người đi ăn chực nức tiếng xa gần.

Mấy hôm nay trời mưa, không khí lạnh ẩm vô cùng, tôi vì đó mà bị sổ mũi. Lúc đang chuyên chú ăn, mũi bị đặc nghẹt, tôi với tay lấy khăn giấy xì mũi rồi ăn tiếp. Đăng ngồi bên chứng kiến hết hành động của tôi, mặt nhăn nhó.

-

Cô bắt đầu có dấu hiệu giải phóng bản tính rồi.

Tôi quệt nước mũi, nhướn mắt hỏi:

-

Cái gì?

-

Hồi đầu em còn thấy cô dễ thương chết đi được, giờ thấy thô thiển quá à.

-

Thô thiển cái gì?

-

Ăn thì xấu, hai má cứ phồng lên. Bây giờ thì xì mũi phẹt phẹt còn gì. Em nuốt hết vô.

-

Hay là em muốn cô đợi nước mũi chảy thòng xuống xong rồi hít vô lại.

Đăng đang ăn, bộ dạng như muốn ói ra tới nơi, trông rất khổ sở.

-

Ghê quá đi. Hôm sau em thà ăn buồn một tí cùng không rủ cô nữa.

Tôi cười tới tắc thở, nghĩ lại thấy mình đúng thật thô thiển quá. Bởi vì đã quá thân thiết với cậu trò nhỏ nên cũng không để ý nhiều đến hình tượng, dần dần thể hiện hết con người thật của mình.

Trước một người, nếu có thể là chính mình chân thật nhất, người ấy chính là cái gương phản chiếu bản thân mình.