Trần Chân

Chương 16: Nhược Lan theo chồng

Cuối tháng ba nhà tôi lại có tin vui, l*иg đèn đỏ giăng đầy từ cổng đến cửa nhà. Trước đây khi tôi xuất giá thì Nhược Lan loay hoay chuẩn bị đủ thứ, bây giờ đến khi chị ấy xuất giá chị ấy cũng không yên lòng. Chị ân cần lo lắng cho tôi mọi thứ khi không còn ở đây nữa. Tôi nhìn Nhược Lan mà không khỏi chạnh lòng. Từ lúc tôi ra đời chị đã ở bên bồng bế. Lúc ấy Nhược Lan lên bảy, tôi lên ba, đi đâu cũng kệ nệ bế theo tôi không dám kêu than nửa lời. Tôi lớn lên, nghịch ngợm đến đâu thì Nhược Lan cũng thay tôi chịu đòn của cha mẹ. Nhiều khi đau quá chị ấy cũng chỉ dám mếu máo xin tôi sau này đừng làm như vậy nữa chứ chưa một lần trách cứ hay có ý định bỏ đi. Ngày tôi lấy chồng ra đây chị cũng là người đồng cam cộng khổ, tôi có vui buồn gì Nhược Lan cũng sẵn sàng sẻ chia. Ấy vậy mà hôm nay đến phiên chị xuất giá, tôi lại thấy không cam lòng chút nào.

Tôi đặt may cho Nhược Lan một bộ áo cưới thật đẹp và còn tự tay giúp chị mặc vào người. Không biết tự lúc nào tôi không còn xem chị như người ở của mình nữa mà cứ như một người chị ruột thịt. Lần này gả Nhược Lan đi, tôi cũng không để chị thiệt thòi, lễ vật chuẩn bị đầy đủ, không thua kém bất kỳ cô gái gia đình khá giả nào. Nhược Lan khóc lên khóc suốt mấy ngày trước khi về nhà chồng.

Trước đêm xuất giá, Nhược Lan còn chân thành nắm lấy tay Xuân Mai, dặn dò: “Xuân Mai à, cô thay tôi chăm sóc mợ ba nhé. Xem như đời này tôi nợ cô một ân tình.”

Bình thường Xuân Mai hầu như không thể hiện cảm xúc gì, nhưng hôm nay chị ấy có vẻ cũng thoáng buồn.

Tuy rằng Nhược Lan gả đi không xa, nhưng mai mốt tôi sẽ về lại Hải Đông, còn chị ấy ở lại Châu Lạng, xem như duyên phận của chúng tôi cũng đến khi kết thúc.

Tôi cố gắng kìm nén lòng mình để tiễn Nhược Lan lên kiệu. Chiếc kiệu vừa rời đi, tôi bật khóc như mưa – chẳng khác nào lúc tôi lên thuyền ra Hải Đông mẹ tôi cũng đau buồn như thế.

Xuân Mai ở bên, đưa khăn lau nước mắt cho tôi, dỗ dành: “Mợ ba vui lên đi, dù gì chị ấy cũng gả cho người mà chị ấy phải lòng.”

Tôi nghe đến đây thì nín khóc. Đáng lẽ tôi phải vui mới đúng, vì ít ra trong chuyện chọn chồng thì Nhược Lan vẫn may mắn hơn tôi!

Không còn Nhược Lan bên cạnh, giờ tôi càng phải mạnh mẽ hơn để bước tiếp con đường của mình.

*

*

*

Nhược Lan toàn tâm toàn ý ở bên ông Hoàng phệ được mười hôm thì đã chịu hết nổi, cứ cách ba ngày lại chạy về nhà kiếm tôi một lần. Chị ấy ríu rít đủ chuyện, mà toàn là nói xấu ông Hoàng không cho chị ăn món này, ngăn cản chị làm việc kia…tôi nghe mà không khỏi bật cười. Trong lời chị nói chẳng có vẻ gì là ghét ông ấy, ngược lại tôi chỉ thấy một loại hạnh phúc dạt dào trong đáy mắt Nhược Lan. Tôi thầm ngưỡng mộ chị và xem như cuộc đời mình cũng làm một chuyện có ý nghĩa.

Lần nào chị đến tìm tôi cũng ở đển tận khuya, cho đến khi ông Hoàng chịu không nổi đi đến nhà đón chị về thì chị mới bịn rịn chào từ biệt tôi.

Sau này tôi mới biết thì ra ông Hoàng phệ và Nhược Lan phải lòng nhau từ trước. Nhưng khi ông ngỏ lời với Nhược Lan thì chị ấy giả vờ từ chối. Không ngờ ông ta giận lên, giông thuyền đi hơn một tháng, còn lừa rằng đi kiếm vợ khiến Nhược Lan bức xúc mới dám thừa nhận lòng dạ của mình. Đôi lứa yêu nhau tình trong như đã mặt ngoài còn e vậy mà tôi còn ảo tưởng mình là nguyệt lão của họ. Tôi thật hồ đồ!

Một lần Cát về nhà thấy Nhược Lan đến chơi với tôi, sau khi Nhược Lan ra về, anh nhăn nhó: “Cô ấy làm vợ có vẻ an nhàn. Suốt ngày cứ thấy tới đây kiếm cô. Phụ nữ các người nói chuyện gì mà mãi không hết?”

Tôi thu dọn mấy tách trà uống dở, thật thà trả lời: “Đối với chị ấy mỗi ngày làm vợ là một ngày tuyệt vời. Em thấy chị ấy hạnh phúc mà cũng vui lây. Nếu anh không thích Nhược Lan về đây thì mai mốt em sẽ đi kiếm chị ấy vậy.”

Cát đi lướt qua tôi, còn không quên bỏ lại một câu: “Nếu cô ấy đến khiến cô vui như vậy thì cứ việc đến. Tôi chỉ tò mò thôi chứ không có ý gì.”

Tôi khoái chí mỉm cười. Từ lúc Nhược Lan đi lấy chồng dường như Cát có vẻ quan tâm tôi nhiều hơn. Chắc anh ấy tội tôi không còn ai để cùng nhỏ to tâm sự. Có những lúc anh từ ruộng bông về, đi ngang qua chợ còn mua cho tôi vài cái bánh, một ít trái cây,…tôi vui vẻ đón nhận sự chăm sóc của anh, như khi xưa còn ở nhà, thỉnh thoảng Tự Khải đi đàm đạo thơ văn với bạn bè lại đem về cho tôi mấy xâu thịt nướng.

Không biết Nhược Lan có nghe những gì Cát nói không mà suốt mười ngày chị không đến tìm tôi. Thế là tôi lo lắng đi đến nhà ông Hoàng để tìm chị ấy.

Chị ấy ra đón tôi, nét mặt xanh xao nhợt nhạt. Tôi lo lắng không biết Nhược Lan mắc bệnh gì nên hỏi ngay: “Chị bị sao vậy?”

Nhược Lan chỉ tay vào bụng, như mách cùng tôi: “Là nó hành em cô ạ. Được hai tuần rồi, chẳng ăn uống được gì.”

Tôi ngẩng ra một lúc mới hiểu “Nó” mà Nhược Lan nói là ai. Hóa ra chị ấy đã mang thai được hai tuần, hèn gì không đến trò chuyện với tôi nữa. Tôi vui mừng nắm lấy tay chị ấy, nhảy cẫng lên: “Ôi thích quá. Vậy là em sắp có cháu rồi. Sau này chị sinh cho em làm mẹ nuôi của cháu chị nhé!”

Nhược Lan lắc đầu nhìn tôi: “Mẹ nuôi gì chứ. Cô cũng sinh một đứa cho cậu ba đi.”

Nghe đến đây mặt tôi ỉu xìu: “Em cũng muốn sinh con, nhưng cũng có mấy lần em và anh Cát ngủ chung nhưng sao bụng em chẳng có động tĩnh gì cả. Hay là em không thể sinh con hả chị?”

Nhược Lan chợt nhìn tôi như quái vật. Sau đó chị thở dài: “Em xin lỗi, cô vẫn còn ngây thơ quá. Cô có biết nếu chỉ nằm ngủ chung giường thôi thì sẽ không thể có em bé được không?”

Rồi hôm đó chị nói với tôi nhiều chuyện lắm, có đôi lúc tôi nghe mà cảm thấy ngượng ngùng. Tôi thầm nghĩ những chuyện như vậy làm sao có thể xảy ra giữa tôi và Cát được. Con đường có con gian nan đến vậy, thôi thì chắc tôi không sinh con nữa đâu.

Nhược Lan đưa tay lên xoa xoa cái bụng còn phẳng lì của mình: “Em biết cô cậu lúc trước không yêu nhau, nhưng dạo gần đây thấy thái độ cậu đối xử với cô khác hẳn. Có lẽ cậu đã mở lòng với cô, hay cô nhân dịp này mà quyết định mọi chuyện đi. Khi hai người có con rồi, tự nhiên sẽ thấy yêu thương đối phương nhiều hơn.

Hôm đó tôi lẩn thẩn trờ về nhà, đối diện với Cát mà không biết nên mở lời như thế nào. Thật sự tôi cũng không có cản đảm để yêu cầu anh cùng tôi chung sống thật sự dù cho dạo này anh có mềm mỏng với tôi hơn xưa. Nhưng tôi thấy bao nhiêu đó vẫn chưa đủ để chúng tôi có thể giải tỏa mọi khúc mắc để đến với nhau. Cát thấy tôi cứ thấp thỏm, lên tiếng hỏi: “Hôm nay cô bị gì vậy?”

Tôi và ít cơm vô miệng, trệu trạo nhai rồi nuốt ực: “Nhược Lan có thai rồi. Em bé được hai tuần.”

Cát thoáng ngừng đũa, rồi hờ hững trả lời: “Ừm”

Chúng tôi lại ăn cơm trong im lặng. Tôi ngập ngừng nói tiếp: “Anh à, hay là…”

Lời ở miệng, nhưng tôi lại chẳng thể nói ra. Cát nhìn tôi: “Hay là gì?”

Tôi lơ đễnh buông một câu: “Nhà mình có thuốc gì bổ cho người có mang không? Em đem qua bên ấy cho Nhược Lan một ít.”

Cát dường như không tin vào những gì anh nghe thấy nên cứ nhìn tôi. Sau đó anh trở lại bình thường, tiếp tục bữa cơm: “Mai tôi sẽ cho người chuẩn bị rồi đem qua đó, cô không phải lo.”

Đêm đó tôi cứ mãi trằn trọc không ngủ được nên đi ra sân định hít chút khí trời. Không ngờ nhìn qua phòng Cát, tôi thấy phòng anh vẫn còn sáng đèn…

*

*

*

Hai hôm sau Huỳnh Cát có một chuyến đi hơn mười ngày đến kinh thành, anh có hỏi qua tôi có muốn đi cùng không nhưng tôi lập tức từ chối. Đi kinh thành thì vui thật, nhưng nghĩ đến nơi đó gần như là nhà của Nguyên phi tôi lại thấy một nỗi sợ hãi vô cùng. Cũng đồng thời là đàn bà, nhưng mẹ tôi lúc nào cũng hết lòng vì chồng con, chị cả thì ân cần chu đáo, vậy mà không hiểu sao ở Nguyên phi tôi chỉ cảm thấy một sự uy nghiêm khó tả, không có một nét nào như những người phụ nữ xung quanh tôi từng biết. Thấy tôi từ chối, Cát cũng không có ý định nài ép hay năn nỉ gì. Tôi nghĩ anh hỏi tôi, đơn giản chỉ là một lời mời lơi, tôi đi cũng được, không đi cũng không ảnh hưởng gì đến anh nên thôi tôi cứ ở nhà chơi với Nhược Lan và trông chừng ruộng bông vẫn thích hơn.

Cát không có ở nhà, tôi lại chợt nhớ đến chiếc áo mình may dở từ mấy tháng trước nên lại lấy ra may tiếp, hy vọng lần này ngày sanh thần của anh tôi sẽ có một món quà do đích thân mình chuẩn bị. Tôi phấn khởi mở tủ định lấy rổ may, suýt chốc đã quên mất phong thư tôi lén lấy từ hộp thư của Cát trước đây.

Bây giờ, phong thư ấy ở trong tay tôi, khiến tôi tò mò vô cùng. Tôi nửa muốn trả nó về cho Cát, nửa muốn xem thử bên trong viết những gì. Anh Cát thương chị Bình như thế, nếu lỡ những lời lẽ trong thư ngập tràn tình cảm, liệu tôi có chấp nhận được không?

Nhưng tôi cũng không thể chiến thắng sự tò mò của bản thân. Phong thư trong tay tôi như mời gọi – tôi là vợ anh mà! Tôi có quyền được biết tâm tư của chồng mình dành cho một người con gái khác hay không?

Thư này Cát viết vào mùa xuân năm trước, đại ý nhớ Tú Bình, còn tặng Tú Bình một đôi bông tai bằng cẩm thạch. Tôi bất giác đưa tay lên sờ đôi hoa tai mình đang đeo – chẳng phải là nó hay sao? Cát nhiều tiền đến như vậy, sao lại đến mức anh đem tặng tôi thứ mà người con gái khác từ chối. Nếu tôi không đọc được thư này, có lẽ tôi mãi mãi không biết được chuyện này. Còn Tú Bình nữa, rõ ràng chị ấy phải nhận ra đôi hoa tai này trong lần tôi trở về Diễn Châu năm trước, sao chị cũng im lặng không nói gì. Huỳnh Cát à, lúc đem tặng nó cho tôi, thật ra trong lòng anh đang nghĩ gì?!

Tôi dùng hồ dán lại phong thư rồi đem trả sang phòng cho Cát. Đáng lẽ tôi đã định bụng sẽ không đọc thêm bất cứ thư nào nữa của anh, nhưng so với lần ấy tôi phát hiện thì giờ đây số lượng thư tăng lên vài bức. Điều khác biệt duy nhất là những bức thư sau này đã được đọc qua, không phải do Cát gửi nữa mà là gửi đến cho anh, bên ngoài không ghi tên người gửi. Trong lòng tôi dấy lên một nỗi lo sợ mơ hồ, hy vọng người gửi không phải là Tú Bình.

Kết quả đúng như tôi hy vọng, không có lá thư nào được gửi từ Tú Bình. Nhưng ngược lại, tất cả chúng đều có liên quan đến tin tức của chị ấy. Lúc này tôi mới biết thì ra anh Cát cho người ở lại Diễn Châu, âm thầm theo dõi tin tức của Tú Bình. Chúng tôi trở thành vợ chồng cũng gần hai năm, nhưng lòng dạ anh vẫn son sắc dành cho Tú Bình, cũng như chính bản thân tôi chưa bao giờ yên lòng khi nghĩ đến Lý Nhật Trung. Việc chúng tôi cứ tiếp tục ở bên nhau như thế này, liệu có còn ý nghĩa gì nữa hay không?

Những ngày sau tôi vẫn tiếp tục may áo cho Cát. Tôi không thấy giận anh, cũng không phiền lòng nhiều về chuyện những lá thư. Tôi hiểu lòng của anh vì tôi có khác gì anh đâu!

Một buổi chiều tôi ngồi ngoài sân để hoàn thành nốt phần cuối cùng của chiếc áo thì có gia nhân báo có thư. Xuân Mai nhanh chóng ra ngoài nhận thư. Tôi thấy chị ấy đem thư vào phòng cho Cát, rồi vội vã trở ra ngoài. Tôi hỏi bang quơ: “Thư của ai vậy chị?”

Xuân Mai bình thản trả lời tôi: “Thưa mợ, là thư từ một trong số những người cùng làm ăn với cậu.”

“Ừm. Trước nay thư của anh Cát đều là do chị nhận đúng không?”

Tôi lơ đãng hỏi Xuân Mai, cũng như chị ấy đứng lặng im ngầm nói với tôi đó là sự thật.

Tôi cầm tách trà lên định uống, nhưng trà trong tách đã hết, tôi đưa cho Xuân Mai bảo chị ấy châm cho tôi một tách khác. Chị vừa quay lưng đi, tôi thở một hơi, nói một câu – âm lượng không to không nhỏ: “Tôi hay Tú Bình thì cũng là họ Trần, còn chị dù gì cũng là người nhà họ Huỳnh, dĩ nhiên chị sẽ luôn luôn đứng về phía anh Cát, có đúng không?”

Xuân Mai nghe tôi nói, tách trà trên tay rơi xuống, vỡ toang. Tôi giật mình quay lại, nhìn chị, nhìn tách trà. Chị vội vã quỳ xuống, gương mặt thoáng chút mông lung: “Mợ ba, là lỗi của em!”

Tôi không biết chị ấy xin lỗi về tách trà đã vỡ, hay vì những lá thư kia. Dù là vì lí do gì thì chị cũng không liên quan đến quan hệ phu thê giữa tôi và Cát, tất cả là chuyện của chúng tôi. Nhưng tôi vẫn muốn nói cho Xuân Mai biết rằng, dù Cát có yêu tôi hay không, thì tôi vẫn là mợ ba của nhà họ Huỳnh. Tôi im lặng không phải là tôi không biết, tôi không nói không phải vì tôi sợ, chỉ là mọi chuyện chưa đến giới hạn của nó mà thôi.