Mộng Đổi Đời

Chương 12

Uông Hòe nhận được giấy báo nhận tiền một nghìn đồng của bưu điện, địa chỉ người gửi là công ty PA. Ông ta réo gọi tên vợ. Lưu Song Cúc ba chân bốn cẳng chạy ra. Uông Hòe không nói ngay chuyện ấy mà hỏi:

- Huyết áp của bà lúc này có bình thường không?

- Ông không bình thường à? – Lưu Song Cúc nhìn quanh nhìn quất hỏi lại.

- Tôi hỏi, lúc này tim bà có ổn định không?

Sắc mặt Lưu Song Cúc đột nhiên biến đổi, thở gấp:

- Có phải thằng Xích đã xảy ra chuyện gì à?

Uông Hòe đưa giấy báo nhận tiền cho vợ. Lưu Song Cúc chộp lấy, đọc lướt và nước mắt đã chực sẵn bên trong trào ra ướt nhòe. Đưa tay lên dụi mắt, Lưu Song Cúc nói:

- Không ngờ thằng Xích lại kiếm tiền nhanh thế.

- Tối đã tính rồi, nếu tính cả tiền ăn, tiền ở và các thứ vặt vãnh khác, mỗi tháng lương của thằng Xích phải đến năm trăm đồng mới có thể gửi cho mình nhiều tiền đến như vậy.

- Nó không phải giám đốc, sao lương lại cao như thế?

Uông Hòe chỉ vào mấy chữ “công ty PA” trên tờ giấy, nói:

- Không nhìn thấy à? Đây là chữ nước ngoài. Chỉ có công ty nước ngoài mới ngốc như thế, xem đô la Mỹ thành nhân dân tệ.

Lưu Song Cúc toét miệng cười:

- Phải chi bọn họ ngốc mãi thế này, ngốc đến cuối đời thì thằng Xích nhà mình không chừng sẽ hưởng lợi to.

Tin tức Uông Trường Xích gửi tiền về nhà truyền đi nhanh như gió, mọi người lũ lượt kéo đến nhà Uông Hòe chúc mừng. Ban đầu, Uông Hòe chỉ pha trà, chuẩn bị thuốc lá đón khách nhưng sau đó, ông ta phát hiện, chỉ có trà và thuốc lá thì không thể đuổi được khách. Do vậy mà Lưu Song Cúc phải lo nấu cơm. Đãi cơm mà không có món nào ngon thì rất khó coi nên Lưu Song Cúc phải qua nhà Trương Ngũ mua chịu một ít thịt muối. Trương Ngũ không bán vì sợ Lưu Song Cúc không có tiền trả nợ, bà bèn chìa giấy báo nhận tiền cho gã xem. Tờ giấy đã bị vô số bàn tay sờ mó vuốt ve nên dính đầy nước mắt, mồ hôi, vết bẩn và cả nhọ nồi. Qua tay Trương Ngũ, tờ giấy lại nhận thêm vài vết mỡ lợn. Lưu Song Cúc làm cơm có thịt xào để đãi những người tới chúc mừng, Uông Hòe cho rằng đã có thịt thì cũng nên có chút rượu nên vợ đành phải cầm tờ giấy đến nhà chú Hai, nói chỉ cần lĩnh được tiền mang về, ngay lập tức sẽ trả tiền nợ trước đây mà cả tiền nợ rượu nữa. Chú Hai cầm tờ giấy xem thật kỹ, lần này thì trên tờ giấy lại dính thêm bã rượu. Tờ giấy báo nhận tiền giống như một chiếc thẻ tín dụng, bị quẹt đi quẹt lại trong thôn, quẹt đến độ Lưu Song Cúc cảm thấy đau xót trong lòng.

Những người tới chúc mừng vừa ăn thịt muối vừa nói những lời tán dương Uông Trường Xích, vừa uống rượu gạo vừa đoán Uông Trường Xích đang làm công việc gì. Có người nói công ty PA sản xuất điện thoại di động, có người đoán là lắp ráp ti vi, có người nói là mua bán máy tính, riêng Uông Hòe thì cho rằng đó là công ty sản xuất ô tô.

Đoán già đoán non nhưng không ai đoán rằng, Uông Trường Xích đang ngồi tù. Ngày nào cậu cũng cuộn mình trong góc phòng giam, tưởng tượng Lâm Gia Bách là con người như thế nào. Ngày bước chân vào đây, cậu nghĩ rằng, người có trách nhiệm cao nhất trong trại giam sẽ gặp mặt Hoàng Quỳ và hai bên sẽ tiến hành các thủ tục như thể trao đổi tù binh chiến tranh, nhưng không ngờ rằng, một người vào thì một người ra, ngay cả bóng dáng của Lâm Gia Bách cũng biệt tăm biệt tích. Một ngày nọ cậu bỗng nhiên nhớ lại, công trường xây dựng mà cậu làm việc ba tháng chính là do công ty bất động sản Huy Hoàng nhận thầu và do đó, Lâm Gia Bách mới chính là kẻ nợ tiền lương của cậu. Tuy lần này Uông Trường Xích cũng đã kiếm được 1.400 đồng của Lâm Gia Bách nhưng nếu khấu trừ 900 đồng tiền lương thì thực thu của cậu chỉ có 500 đồng. Lỗ quá! Uông Trường Xích cho rằng, những kẻ ăn quỵt tiền máu và mồ hôi của người cùng đinh như Lâm Gia Bách chiếu theo lẽ phải thì phải bị ngồi tù đến rục xương, thậm chí là lôi ra ngoài đường bắn bỏ. Không ngờ, kẻ ngồi tù không phải là hắn mà là Uông Trường Xích. Nếu có bắn bỏ Lâm Gia Bách thật thì chẳng qua là bắn bỏ cái tên của hắn mà thôi. Chỉ cần đưa giá lên cao một tí là sẽ có ngay rất nhiều người chết thay cho hắn. Chỉ có những lúc nghĩ đến người yêu của Lâm Gia Bách là Vương Yến Bình thì lòng Uông Trường Xích mới cảm thấy an ủi được phần nào. Cậu tưởng tượng ra giọng nói, tưởng tượng ra bộ ngực đầy đặn và đôi chân trắng muốt của Vương Yến Bình, thậm chí là còn tưởng tượng ra cảnh cậu và cô ta cùng ngủ trên giường…

Trong những ngày Uông Trường Xích chìm đắm vào những suy nghĩ, tưởng tượng loạn xị bát nháo ấy, em gái của Lưu Song Cúc từ nhà chồng về nhà họ Uông, mang theo một đứa con gái. Đứa con gái này tên Hạ Tiểu Văn, dáng cao dong dỏng và rất xinh đẹp. Vừa vào đến cổng là cô ta đỡ lấy đôi thùng trên vai Lưu Song Cúc ra giếng gánh nước. Giếng cách nhà họ Uông đến năm trăm mét. Khi cô ta gánh đôi thùng nước quay về, một cánh tay giữ lấy đòn gánh, một cánh tay vung vẩy, thân thể đung đưa khiến hai bím tóc cũng đung đưa, chiếc đòn gánh nhún lên nhún xuống như thể cô ta đang khiêu vũ. Người trong thôn đều đưa mắt ngắm nhìn Hạ Tiểu Văn, Uông Hòe cũng nhìn cũng ngắm. Lưu Song Cúc hỏi nhỏ:

- Có vừa ý ông không?

- Đúng là một đứa con gái tốt, khỏe mạnh, xinh đẹp thật, nhưng không có văn hóa. Không có văn hóa thì không thể lên được thành phố. Không lên được thành phố thì không thể sống cùng thằng Xích. Thằng Xích đã vào công ty nước ngoài, lương lại cao như thế, không nhất thiết phải quay về nông thôn cưới vợ đâu.

- Tiểu Văn xinh đẹp như vậy là của hiếm còn sót lại ở nông thôn này. – Em gái Lưu Song Cúc chen ngang. – Nếu nó có văn hóa thì sớm đã được gả cho cán bộ rồi.

- Một cán bộ ở nông thôn không hẳn đã có tiền đồ hơn một công nhân ở thành phố. Cô cứ đưa nó đi vậy. – Uông Hòe nói.

- Anh chỉ biết sống trong mơ mà không nhìn thấy khó khăn thực tế của nhà anh. – Em gái Lưu Song Cúc nói – Chị gái tôi khổ đến độ nào anh biết không? Nếu có Tiểu Văn giúp đỡ, chị ấy có thể thở nhẹ được một chút, anh cũng có thể ngồi yên được trên ghế lăn.

- Đừng bới móc việc nhà người khác, chớ làm nhà người khác thêm khổ! Việc này chúng tôi không thể thay mặt thằng Xích được.

Em gái Lưu Song Cúc thấy thái độ không mặn mà của anh rể thì quay sang cầu cứu chị. Hai người đàn bà thì thầm thương lượng, cuối cùng quyết định cho phép Hạ Tiểu Văn lưu lại trong nhà một thời gian để cho Uông Hòe suy nghĩ thêm và cũng để Hạ Tiểu Văn có thời gian thể hiện sự ưu tú của mình.

Lưu Song Cúc mang theo giấy báo nhận tiền và chứng minh nhân dân đến bưu điện nhận tiền. Tiền đã có trong túi nhưng Lưu Song Cúc chẳng nỡ dùng tiền ấy mua bất cứ thứ gì, chỉ ghé vào cửa hàng quần áo mua cho Hạ Tiểu Văn một chiếc áo mỏng. Tuy Tiểu Văn chưa phải là người của nhà họ Uông nhưng trong mắt Lưu Song Cúc, cô ấy đã là con dâu. Uông Hòe dùng số tiền ấy để trả nợ. Sau khi nhận được tiền, Vương Đông khiêng cỗ quan tài dành cho Uông Hòe trả lại chỗ cũ. Trương Tiên Hoa nhận được tiền liền xé tờ giấy mượn tiền lẫn tờ giấy bảo đảm. Khoản nợ của chú Hai cũng đã thanh toán, tiền rượu cũng đã trả; tiền nợ thịt muối của Trương Ngũ cũng đã xong. Vẫn còn thừa được một ít tiền, sau khi thương lượng, Uông Hòe và Lưu Song Cúc mua một đôi lợn con.

Nấu cơm, nuôi lợn, gánh nước…Hạ Tiểu Văn đều làm tất tần tật, vả lại còn làm rất tốt. Uông Hòe phát hiện, mỗi khi cô ấy cho lợn ăn, hai con lợn ăn rất nhanh, tiếng phặp phặp vang lên đều đều khiến lòng ông gợn lên một niềm vui nho nhỏ. Sau mỗi ngày tíu tít với công việc, Tiểu Văn tắm rửa, mặc chiếc áo mới do Lưu Song Cúc mua về ngồi trên bậu cửa bắt đầu công việc may va. Tất cả quần áo bị rách của nhà họ Uông đều được cô ấy vá lại cẩn thận, những chiếc cúc bị sứt cũng được khâu lại. Đầu tiên là cánh đàn bà trong thôn lục tục kéo đến nhà họ Uông, sau đó là cánh đàn ông cũng thi nhau kéo đến. Uông Hòe và Lưu Song Cúc biết rất rõ rằng, họ đến cửa nhà mình không phải vì lý do gì đặc biệt mà chỉ là để ngắm Tiểu Văn, nói chuyện với Tiểu Văn.

Tiểu Văn thường nấu nước nóng đổ vào chậu rửa chân và cắt móng chân cho Uông Hòe. Thi thoảng ông vẫn hỏi Tiểu Văn vì sao không đi học, cô ấy thường trả lời là trong nhà còn có một người anh đang đi học, cô ấy được sinh ra là do vỡ kế hoạch, bố mẹ bị phạt rất nhiều tiền nên không thể đi học được. Sau đó, bố mẹ cô lại vỡ kế hoạch thêm lần nữa, một đứa em gái ra đời, gia cảnh càng trở nên cùng khốn, cô ấy phải giúp đỡ gia đình làm ruộng. Uông Hòe đột nhiên hỏi:

- Cháu đã gặp thằng Xích chưa?

Tiểu Văn lắc đầu, nói:

- Cháu chỉ nhìn thấy anh ấy trong ảnh thôi.

- Bác đã nhìn thấy hết những mặt tốt của cháu, nhưng cháu phải về thôi. Cháu ở đây càng lâu, bác càng cảm thấy không yên lòng, thấy có lỗi với cháu.

- Nhà cháu còn có anh trai và chị dâu. Điều làm hai người ấy lo lắng nhất chính là cháu không lấy được chồng.

- Họ đánh giá cháu quá thấp rồi.

- Cũng đã có người mai mối mấy lần nhưng cháu nhìn không vừa mắt. Bọn họ sao mà xấu xí, không chỉ xấu xí mà còn không có lương hàng tháng. Cháu chỉ muốn làm vợ một người như anh Xích, rời khỏi nông thôn.

- Cháu không biết chữ thì làm sao rời khỏi nông thôn được?

- Cháu đã bí mật học được mấy trăm chữ, đã biết viết tên, đọc được tên đường phố, cũng biết gọi điện thoại, cũng biết cộng trừ.

- Nhỡ Trường Xích không đồng ý thì sao?

- Thế thì đến lúc ấy cháu sẽ ở giá vậy.

- Đến lúc ấy cháu sẽ hận bác.

- Cháu giúp hai bác làm việc, hai bác cho cháu cái ăn, chỗ ngủ, quần áo, xem như cháu làm thuê cho hai bác cũng được.

Chiều tối, ráng chiều ở phía chân trời nhuộm hồng cả sườn núi, tất cả các nóc nhà trong thôn đều tỏa lên không trung những làn khói xanh ấm áp. Trương Ngũ từ dưới quê quay lại, trên người mặc chiếc áo mới, mồm huýt sáo lảnh lót. Đi ngang qua đầu thôn nhà Uông Hòe, hắn ta thấy Hạ Tiểu Văn đang cắt rau cho lợn dưới ruộng. Đứng trên đường, Trương Ngũ do dự giây lát rồi đi xuống khoảng ruộng trồng rau khoai của nhà họ Uông. Hạ Tiểu Văn trông thấy liền lên tiếng chào.

- Cháu có thể giữ được bí mật không?

- Bí mật gì chứ?

Trương Ngũ lấy ra một tờ giấy, đưa cho Tiểu Văn, nói:

- Thấy nó bao giờ chưa?

- Giấy báo nhận tiền của bưu điện, có phải là của anh Xích gửi về không?

- Cháu xem cái tên viết trên ấy.

Tiểu Văn đoán già đoán non:

- Phải gửi cho chú không?

- Đọc kỹ số tiền ghi trên đó đi.

- Ba nghìn.

- Đây là tiền Trương Huệ, em gái chú từ thành phố gửi về, cháu đừng nói lại với ai nhé.

- Sao chú lại nói với cháu?

- Bữa nay, khi còn ở quê, chú đã gọi điện thoại cho Trương Huệ, thuận mồm chú bèn đem chuyện của cháu ra nói với cô ấy. Nếu cháu đồng ý đến chỗ cô ấy làm việc, mỗi tháng có thể kiếm được từ ba nghìn đến năm nghìn đồng.

- Cô ấy làm công việc gì?

Trương Ngũ đốt một điếu thuốc, lại hỏi:

- Cháu có thể giữ bí mật không?

Tiểu Văn gật đầu.

- Cô ấy đang làm trong một khách sạn, công việc chính là giúp người khác rửa chân, bấm huyệt trên chân.

- Trước đây có người đến tìm cháu, bảo lên thành phố làm công việc mát xa cho người ta, cháu đã cương quyết từ chối.

Trương Ngũ thở dài, tay chỉ lên bờ đê, nói:

- Nói chung là những cô gái nông thôn xinh đẹp đều giống như những cây to trên bờ đê kia, chẳng chóng thì chầy rồi cũng bị người thành phố mua đưa đi thôi. Chú thấy cháu xinh đẹp, gia đình lại khó khăn nên mới giới thiệu cháu với người ta.

- Cảm ơn chú Trương.

- Lương của thằng Xích không bằng một phần năm của em gái chú, cháu làm vợ nó không bằng tự mình đi kiếm tiền.

- Lương của chị Huệ cho dù cao đến đâu đi nữa cháu cũng không dám nói với người khác đâu.

- Đúng vậy. Nói thật lòng, chú mới là người nhiều tiền nhất trong cái thôn khỉ ho cò gáy này. Nếu cháu muốn kiếm được nhiều tiền thì cứ đến tìm chú.

- Trừ phi Trường Xích không lấy cháu làm vợ.

- Đồ ngốc! Có tiền lại còn sợ không có người cưới mày à?

- Đợi Trường Xích về nhà, xem thái độ anh ấy thế nào rồi sẽ nói chuyện sau.