Bước Đường Cùng

Chương 17

Mấy hôm nay, ở mé đình, suốt từ sáng, đến tối, thỉnh thoảng lại thùng thùng nổi lên ba hồi chín tiếng. Lối trống đánh gióng ba, đã vì thói quen đời đời mà đưa vào bộ óc dân một ý nghĩa thúc giục.

Làng Việt Nam vốn quanh năm bình tĩnh, hồi trống ấy lại luôn luôn làm huyên náo, ầm ĩ cho người ta sợ thêm, trong khi người ta đang sợ thuế. Người ta sợ thuế, vì người ta lo không biết lấy đâu ra được tiền. Để dành gạo ăn đến hôm sau cũng khó, huống chi một món tiền vài đồng bạc để nộp công sưu. Người ta sợ thêm, vì chỉ nghĩ đến nỗi khủng bố mọi năm của tiếng quát tháo, chửi rủa, của sự đánh đập, hình phạt, của những hơi thở dài ngầm vụng đàn bà con trẻ trong xó tối, của những tiếng khóc rêи ɾỉ người thiếu thuế ở góc đình.

Buổi sáng, cơm nước xong, vợ thằng Mới cầm chổi ra đình quyét sàn. Nó ấn bã mía, tàn thuốc, lá bánh, vỏ dứa, cùng các thứ rác rưởi qua các khe ván cho lọt xuống đất để khỏi phải hốt, rồi trải ngay ngắn lại mấy chiếc chiếu. Lúc nó đương lau khay đèn thì hai ông chánh hội và lý trưởng đã bước lên thềm:

- Tôi nói dối ông tôi chết, Phó Năng nó nhất định chỉ đưa có chính tang và ngoại phụ ba đồng ba xu mà thôi, tôi nói thế nào nó cũng nhất định không lòi thêm xu nào. Quân kiệt đến thế. Không biết ngày xưa nó làm thuế mà người nộp thế, nó có chịu được không?

- Thế thì nó chưa nộp điền à?

- Chưa.

- Được, để nó biết tay tôi hôm nào nó ra nộp thuế ruộng, ông cứ bảo nó nộp ở tôi nhé.

Ông chánh vừa đặt một chân lên chiếu đã quát:

- Mới.

- Dạ.

Ông quắc mắt nhìn con đàn bà chậm chạp, thét:

- Sao chiếu sạn thế này? Không thay à? Láo thật.

Thằng Mới ở đâu tập tễnh chạy lên, sợ hãi quá, lấy tay sờ vào chiếu rồi ỳ èo một mình:

- Con mẹ ranh thế đấy, không chịu giũ đi. Mà chân các bố lấm như chân trâu cũng cứ léo vào mà ngồi.

Ông chánh hội trợn mắt tát đánh bốp vào má thằng khốn nạn ngã đồng kềnh ra và hoạch:

- Bố mày chân bẩn thì mày phải giặt chiếu, mày láo gì? Liệu hồn, không có xong thuế ông tống cổ.

Thằng Mới sợ hết hồn, lóp ngóp bò dậy. Mấy hôm nay phải đánh phải chửi nhiều quá. Bốn con mắt dữ tợn như bốn luồng điện thật nhanh đâm thẳng vào nó. Nhưng được cái nó lòa nên chẳng trông thấy gì. Nó cuộn ba chiếc chiếu lại, lom khom đến gần bao lơn, giũ ra ngoài.

- Mẹ bố mày giũ chiếu không bảo ông.

Ông tộc biểu Diễm vừa chửi vừa ôm đầu chạy. Ông lấy cái áo the vắt ở vai phủi đầu, mặt mũi và áo quần. Ông đi lên đình:

- Chào các cụ, đến sớm thế. Đêm qua, từ lúc có trống động thì chúng tôi đã tan rồi. Giá đánh thêm một hội nữa thì tôi được đến tứ nguyên ấy, đang đỏ.

Ông lý nghiêm nghị nói:

- Chắc thế nào hôm nay quan cũng về qua đây để đi xuống Bình Lộc khám cái cướp hôm qua.

- Nhưng đâu nó không lấy được gì.

- Sao bảo Lý Bình Lộc mất hết cả tiền thuế, cho nên tôi chắc quan về đây kiểm thuế, nhân tiện đi tuần. Ta phải bảo nhau mau làm ăn cẩn thận.

Đoạn ông hách dịch gọi:

- Mới, mau rồi nổi trống lên, gọi khán thủ và tuần hạ ra đây. Gậy, giáo đâu cả, sao chúng nó không dựng ở mái đình thế này, chết thật. Đi mời các ông ấy ra. Gớm, làm như ông hạng cả. Thế này mà quan đến thì làm thế nào kia chứ? Việc là việc công chứ việc riêng đếch ai mà hôm đếch nào cũng mời năm tin mười tin không thèm ra cho. Chén với phiện thì nhanh lắm.

Ba người ngồi. Ông chánh hội trật khăn, cởϊ áσ dài và cuộn cả lại để xuống chiếu gối đùi lên trên. Ông lý há ngoác mồm ra ngáp, gãi đùi sồn sột, phàn nàn:

- Cay cả mắt. Đã bảo thôi lại cứ tống cho mình hút mãi thành ra ngứa cả đêm không ngủ được.

Ông chánh hội đang sắp mở sổ, cũng dừng tay để gãi:

- Hễ nói đến gãi là tôi lại thấy ngứa. Năm sáu hôm nay bận quá, không lúc nào rỗi mà tắm cả.

Nói đoạn, ông vê ghét, quệt xuống sàn và ngắn nhìn cái áo, cái quần của ông, nó đã đổi sang màu vàng nhạt và dầy cộp vì ghét và mồ hôi. Thằng Mới bưng khay chén và ấm nước, cùng đèn điếu đi lên.

Các ông phần thu và tuần lục tục kéo nhau đến. Tiếng trống ròn rã nổi lên. Họ ngồi quanh hai chiếc chiếu, nói lại chuyện tổ tôm đêm qua.

Ông lý đang phục vị trên chiếu, mắt chăm chú vào quyển sổ lẩm bẩm tính, ngẩng dậy nói:

- Nay thôi im, gớm có làm mau lên không? Các ông chia việc, cộng xem từ hôm nọ đến hôm nay ta biên vào sổ cả thảy bao nhiêu tiền, để tôi cất chỗ thừa đi, không nhỡ sổ biên ít mà tiền thật lại nhiều thì chết. Hôm nay thế nào quan cũng về khám thuế.

Rồi ông quát gọi:

- Khán thủ đâu? Đứng kia, không cho ai vào nộp thuế vội, bảo người ta hãy chờ, nghe chưa?

Ông tộc biểu Hoàng thất vọng nói:

- Thế là nguội bữa chén sáng nay. Tôi lại chưa ăn cơm.

Ông thủ quỹ ngửa mặt lên ngáp:

- Ừ nhỉ. Các ông làm việc nhé, để tôi về làm mấy điếu cái đã.

- Không, ai tính thì tính, ai thu cứ thu cho chóng việc. Khán thủ, nổi trống lên, bảo ai nộp thuế cứ vào.

Nói đoạn ông chánh hội mài mực, loay hoay làm việc. Bà phó Đĩnh che vải ở mắt, lần lần đến:

- Chào các cụ chơi.

Rồi bà ngồi xổm, hai tay cởi giải yếm lấy tiền:

- Nào cụ tính hộ đi, bố cái Đĩ hôm nay phải nộp bao nhiêu?

- Tên Phạm Rụng có phải không nhỉ?

Bà cụ đáp rất tự nhiên:

- Tôi cũng chẳng biết ngày xưa ông cháu đặt tên chữ cho nó là gì. Lúc bé cứ thấy gọi là thằng Quạc. Mọi năm nhà nó về nó nộp, năm nay vợ nó lại ở cữ, nó gửi tiền về thôi.

Lý trưởng ngẩng đầu:

- Phải, Phạm Rụng, tên trong sổ xanh kìa

Rồi lại cúi xuống lẩm nhẩm tính. Ông chánh hội loay hoay với mấy con số một lát rồi nói:

- Ba mẫu bảy, là đi bốn mẫu hai, tất cả bốn mẫu chín.

- À ông ơi, cái bọn bảy sào ở đống Quằng này bố cháu đã đoạn mại cho ông nghị mà ông nghị cũng nhận nộp thuế cho bố cháu rồi. Ông trừ đi cho.

Ông chánh hội cau mặt gắt:

- Làm người ta nhầm cả rồi. Tôi không biết, bà hãy cứ bảo tên Phạm Rụng nộp, rồi tính toán với ông nghị sau, chứ đây sổ sách đã làm, tôi cứ chiếu ra thu tiền.

Ông tộc biểu họ Phạm đằng hắng một cái. Ông chánh hội nhìn, thấy bạn nháy mắt và lắc đầu ra hiệu. Bà cặp kèm không trông thấy, đáp:

- Thế thì nào tôi biết được.

Bỗng có tin báo quan về, mọi người nộp thuế chạy như vịt. Chức việc đội khăn áo chỉnh tề, chạy ra sân đình đón quan. Quan đi chiếc xe nhà sơn đen, có người lính phụ khăn xếp, áo the dài kéo. Quan bước xuống đất. Mọi người vái rạp. Quan hỏi:

- Thế nào? Thuế má ra sao? Đêm hôm phải bắt tuần giờ canh cho cẩn mật nghe chưa?

Lý trưởng khoanh tay, đáp:

- Dạ.

- Đêm qua, nó cướp nhà lý trưởng Bình Lộc, tao chắc nó cho là tiền thuế ở đấy. Nhưng may mà còn ở nhà các tộc biểu. Lý trưởng phải làm tờ khai những đứa tình nghi đêm qua khiếm diện nghe chưa? Khai cả những đứa mới ân xá nữa nhé.

- Dạ.

Quan thủng thỉnh bước lên thềm đình, nhìn mọi người đến nộp thuế đứng ở đằng xa:

- Tao đã phái phó đội với hai tên lính cơ đi tuần ban ngày để đốc thúc một thể, độ trưa hôm nay chúng nó đến.

- Dạ.

Rồi quan ôn tồn dặn nhỏ lý trưởng:

- Sổ sách với tiền nong phải cho cẩn thận nghe chưa?

- Dạ, lạy quan lớn đêm nào chúng con cũng cắt bốn tên tuần canh nhà.

- Là tao bảo sổ sách với tiền nong kia, độ này những thằng ân xá chúng nó bướng bỉnh lắm, tao sợ chúng nó hỗn láo, mấy mật thám ở Hà Nội về, cho nên sổ sách biên thế nào, thì tiền mặt phải cắn cưa như thế. Mà khi nào có người lạ mặt đến xem thu thuế, phải đuổi nó ra.

- Dạ, lạy quan lớn thương chúng con...

- Nghĩa là phải hết sức giữ gìn, kẻo mang tiếng cả tao. Chúng nó giở thói gì, cứ cột cổ lại giải lên huyện, tao trị cho.

- Lạy quan lớn, làng con không có tên nào được ân xá về, chúng con không phải lo ngại lắm.

- Nhưng biết đâu, ngộ những đứa ở chỗ khác đến.

- Thì chúng con đã biết mặt.

- Lạy quan lớn.

Mọi người quay lại nhìn. Nghị Lại khăn áo chỉnh tề vái chào quan và hấp tấp lên thềm, ông huyện niềm nở bắt tay nói:

- Lâu nay ngài vẫn mạnh khỏe?

Nghị Lại khúm núm đứng cách quan hai thước, đáp:

- Dạ, cám ơn quan lớn.

Ông huyện tươi cười, đứng im. Ông nghị nói:

- Lạy quan lớn, độ này thuế má, chắc quan lớn lắm việc lắm.

Ông huyện lắc đầu bĩu môi:

- Bận quá. Giá quanh năm như thế này thì chẳng ai dám ra làm quan nữa. Thật vất vả. Nay mai lại còn đê điều.

Nói đoạn, ông quay lại lý trưởng:

- Lý trưởng phải luôn luôn cho người canh trên đê nhé. Cơn mưa vừa rồi, nước các ngả sông đổ về chắc nhiều đấy.

- Dạ.

Rồi sực nghĩ ra, ông hỏi ông nghị:

- À, thế nào ông nghị, làng này phải kiếm một chỗ làm trường để tôi bổ hương sư về dạy học chứ. Mà ông nghị làm gì chẳng công đức được cho làng ít bàn ghế?

Nghị Lại khom lưng đáp:

- Dạ.

- Nhà nước có thứ học chính bội tinh thưởng cho những người có công đức với sự học, kể thế cũng phải.

- Dạ.

- Làng có trường, đỡ cho con em khỏi phải đi học xa. Ông nên giúp tôi lập trường hương học ở làng. Tôi trông cậy ở ông đấy.

Thấy lời lẽ thiết tha của quan phụ mẫu, ông nghị cảm động:

- Dạ.

Chuyện vãn một lúc, ông huyện lên xe đi. Ông nghị và mọi người vái chào, rồi quay về đình. Ông nghị híp mắt lại cười với lý trưởng:

- Hẳn có đứa nào nó cho chén nên mới khẩn khoản lập trường hương học.

Ông chánh hội ranh mãnh nói:

- Lại một lẽ nữa là ông ấy vừa mới bị cái kiện tham tang. Cho nên việc này để chuộc tiếng với quan trên.

Lý trưởng gật đầu nói:

- Bẩm đúng thế đấy ạ. Hôm nọ ông ấy còn bắt anh lý Tam Dương tìm đất để lập sân thể dục ngay cạnh huyện, sát lối ô tô lên tỉnh. Toàn làm lấy tiếng.

Ông nghị cười:

- Mẹ kiếp, ở nhà quê còn thể dục với thể dịch, lại chưa được làm bằng chân tay ựa cơm ra à? Việc mở trường hương học làng này, tôi nhất định phản đối. Làng nào có trường, trẻ con cũng láo, rồi sinh ra khó bảo khụng khượng. Làng ta là làng làm ruộng, cần gì có trường học?

Ông phó hội biểu đồng tình:

- Mấy lỵ làm vương làm tướng gì mà học? Rồi sinh ra một lũ dở dở ương ương như làng Tam Dương đó, đàn anh làm việc đến khó.

Ông nghị gật đầu:

- Thật thế, tao cũng nghĩ thế, cho nên tao chúa ghét trường học. Quỹ làng này làm gì không đóng nổi bàn ghế. Trường đã có sẵn dải vũ kia. Mà nếu không có tao cũng thừa tiền xây cho làng một nhà trường ba lớp với sắm đủ bàn ghế, các thức cần dùng. Nhưng không đời nào tao dại lại rước voi về giày mồ, kết quả là, hại cho tao trước. Cho nên chúng mày cũng thế nhé. Hễ ông huyện có đá động đến việc làm trường thì cứ vâng dạ cho qua rồi lờ đi, mà bận sau ông ấy về đây, hỏi đến tao, cứ bảo tao đi vắng.