NGƯỜI LÀM CHA LÀM MẸ TRÊN ĐỜI, SỢ NHẤT CHÍNH LÀ CÓ MỘT ĐỨA CON TRAI PHÁ CỦA, MỘT ĐỨA CON GÁI “HƯỚNG NGOẠI”.
Lại nói lòng dạ của Dư nhị tỷ cứ quẩn quanh bên Trình Khiêm, cả nhà bị nàng ta chọc đến chẳng còn hơi sức đâu mà giận. Dư thái công đã lập kế hoạch lừa Trình Khiêm về làm con rể, miệng lầm rầm “con trai con gái đúng là của nợ”, nghĩ kỹ thì mình chỉ có một đứa con trai, có thêm một đứa con rể đỡ đần cũng chẳng phải chuyện gì xấu. Coi ra thì nhà họ Trình cũng chẳng có sức mà giành giật với mình, đền vài món tiền, gây khó dễ chuyện làm ăn của người ta, đến cả tương lai của con gái trước của Trình Khiêm cũng đã tính toán xong, Dư thái công thấy việc mình làm cũng không đến nỗi hϊếp người quá đáng.
Chỉ không ngờ rằng, vị Dư nhị tỷ này đúng là oan nghiệt kiếp trước, cứ như bị điên, đến chờ cũng không chờ được. Lúc đầu, cứ cách vài ngày, cha con Dư gia sẽ “mời” Trình Khiêm đến nhà trò chuyện, nàng vẫn có thể nhìn trộm mấy lượt, để thỏa nỗi tương tư. Len lén khâu vá, lòng cũng được an ủi. Chẳng ngờ, Trình Khiêm không phải gã khờ, một lần hai bận cứ cảm thấy có người nhìn trộm. Lại thêm Dư nhị tỷ đang lén nấp nhưng ngắm đến say mê, ngọc bội trên người chẳng nhẽ không vì thế mà vang lên khe khẽ?
Lúc đầu Trình Khiêm không biết, lâu dần lại nhận ra. Trước nay ra đường, chàng cũng sẽ được nhóm các cô gái các cô vợ trẻ nhìn lén vài lần rồi đỏ mặt, nhưng chàng không chú ý lắm. Nhưng vào nhà họ Dư lại bị nhìn như thế, không khỏi cảm thấy không ổn, vừa khéo Dư đại lang đang muốn làm thân với công tử hai nhà huyện lệnh và tri phủ, Trình Khiêm dong nước theo thuyền, chỉ mời Dư đại lang ra ngoài chơi.
Dư nhị tỷ lại có vẻ cầm lòng không được, nhà nàng giàu có, bên người có bốn nha hoàn, nha hoàn làm việc nặng còn nhiều hơn, tuyệt đối không thiếu người hầu hạ, phái một hai kẻ ra ngoài nghe ngóng tin tức. Biết chuyện Trình gia đuổi thị nữ, bèn nài mẫu thân mua về. Mẹ nàng thấy con gái thành ra kiểu này, đành nuốt cơn giận xuống bụng, sai người mua Quả Nhi và Mai Hương về, đích thân tra hỏi trước.
Mụ Vương dắt người đến, lại khen cả hai một bài: “Quả Nhi thêu thùa may vá cực tốt, cũng không lắm lời, tự biết lấy thân. Mai Hương thì lanh lợi trăm điều, đến mắt cũng như biết nói. Chỉ vì tiểu thư nhà họ Trình mới có năm tuổi, chênh lệch hơi nhiều, nhà ấy lại muốn cho tiểu thư mình thị nữ ngang tuổi, nuôi từ nhỏ làm tâm phúc, lúc đầu bảo lớn hơn vài tuổi để dễ bề chăm sóc, dễ bề sai phái trước, chẳng ngờ lại quá chênh lệch, không chơi chung được, bây giờ bên người tiểu thư nhà họ chỉ có một nha hoàn năm tuổi, còn bảo muốn mua thêm một đứa cỡ tuổi ấy nữa.”
Mẹ Dư nửa tin nửa ngờ: “Nếu giỏi ngoan thực sự thì sao lại phải bán đi? Nếu không hầu được con cháu thì trong nhà chẳng còn đầy chỗ cần dùng đấy thôi?”
Mụ Vương đáp: “Ây cha, đây mới đúng là lời của người sang quý. Người nhà quê, xài được thì xài, xài không được thì sao còn cần nữa?! Nhà họ mỗi cây củ cải trồng một hố, dư ra hai đứa này thì tiền thồi đâu ra mà nuôi?”
Mẹ Dư vốn đang tính bỏ ra vài lượng, mua người về hỏi vài chuyện, xong rồi thì vứt đại vào xó nào đó, quét lau nhà cửa chắc cũng làm nổi. Nhà họ Dư mới dọn đến, cũng thiếu người sai khiến, chưa thêm đủ số. Bèn hỏi giá cả thế nào. Mụ Vương đáp: “Hai đứa này, lúc mua nhà chủ bỏ mỗi đứa mười lượng, nuôi hai tháng cũng không tính tiền cơm áo, chỉ đòi giá gốc. An nhân muốn mua, dầu gì cũng nên thưởng bà già này vài đồng tất tả ngược xuôi. Hai đứa tổng cộng hai mươi lăm lượng thôi.”
Dư nhị tỷ đứng sau níu chéo áo mẹ mình một cái, mẹ Dư nhíu mày: “Dẫn bà mụ này đi lĩnh tiền.” Mình thì hỏi Quả Nhi và Mai Hương: “Hai đứa bọn mi tên gì?” Quả Nhi bẩm tên mình, Mai Hương nói: “Nô tỳ ở nhà chủ, tên Nhụy Nhi, nó vốn tên Nhị Ni, chủ nhân đổi thành Quả Nhi. Nó làm giày cho tiểu thư, quên một cây kim gãy bên trong, đâm chân tiểu thư nên nương tử mới bán cả hai ra ngoài. Nô tỳ cũng chẳng biết mình không ổn chỗ nào.”
Dư nhị tỷ hỏi: “Nó phạm lỗi thì phải bán, sao mi cũng bị bán nốt?”
Mai Hương đáp: “Nương tử nổi trận lôi đình, cũng do nô tỳ số khổ.”
Mẹ Dư liếc Dư nhị tỷ một cái, gọi nha hoàn đến “dìu” nàng về thêu thùa, lại tách riêng Quả Nhi và Mai Hương ra tra hỏi. Quả Nhi không dám nói dối, chỉ bẩm: “Làm được đôi giày, mấy thành phẩm trước chưa từng vấp váp, thật không biết tại sao lần này lại xảy ra chuyện như vậy.” Lại hỏi nó Mai Hương là đứa thế nào. Quả Nhi cũng chỉ đáp: “Chị ấy trước giờ thông minh, rất thân với tiểu thư, chẳng hiểu sao lần này cũng bị bán.”
Mẹ Dư bỗng hỏi: “Nguyên danh Nhụy Nhi là thế nào?” Quả Nhi đáp: “Chị ấy tên là Mai Hương.”
Mẹ Dư thả nó đi. Lại tra hỏi Mai Hương, câu hỏi đầu tiên lại là: “Nguyên danh của mi là gì?” Mai Hương thẹn thùng đáp: “Là Mai Hương, mẹ cả trong nhà đặt cho.”
Lại hỏi: “Ai đổi tên cho mi?”
Mai Hương đáp: “Là an nhân nhà chủ cũ đổi cho ạ.”
Lại hỏi: “Tiểu thư nhà ấy thông minh không?”
Mai Hương đáp: “Con nít con nôi, tầm nhìn hạn hẹp.”
Mẹ Dư bật cười, lại định bán nó đi ngay. Dư nhị tỷ không đồng ý, nàng vốn thấy Quả Nhi không muốn nói chuyện, Mai Hương miệng mồm lanh lợi, muốn giữ lại hỏi vài chuyện của gia đình họ Trình. Lấy tiền riêng, sai nhũ mẫu của mình rước Mai Hương về nuôi. Sau này mấy việc phải chạy đến Trình gia thì đều giao cho Mai Hương cả —– Vì nó thuộc đường, tuổi lại nhỏ, không khiến người để ý.
Ai ngờ Mai Hương tuy còn ít tuổi nhưng đầu óc lại nghĩ quá nhiều, mới qua mười tuổi, thời buổi này mười ba mười bốn tuổi đã phải gả chồng, nó đã biết vài chuyện nam nữ, trong lòng ngoài miệng Dư nhị tỷ lại không lúc nào ngừng nhắc đến Trình Khiêm, Mai Hương sao có thể không hiểu? Đem đồ thêu của Dư nhị tỷ đến chỗ bọn Bổng Nghiên, miệng như bôi mật, lại chia vài đồng tiền thưởng của Dư nhị tỷ cho cậu. Bổng Nghiên vốn được nhà họ Trình mua về, lại ở cùng Trình Khiêm đã lâu nên lòng thiên vị chàng hơn, lén đem đến cho chàng.
Đa số đàn ông, dù già hay trẻ, được một cô gái trẻ bày tỏ lấy lòng, tuy không nhận nhưng hẳn sẽ đắc ý. Trình Khiêm lại có vài phần khác người, chẳng thích thú tý nào: “Vứt trả lại!” Chàng vốn chưa từng gặp cô gái đấy, mình lại đang ở rể, nhị tỷ nhà họ Dư là khuê nữ, xét ở góc độ nào cũng chỉ thấy phiền phức.
•••••
Bổng Nghiên rất khó xử, nhưng cậu là tôi tớ Trình gia, chỉ đành trả lại cả đồ và mấy đồng Mai Hương vừa cho: “Cô gia không nhận, cô từng là nô tỳ nhà họ Trình, giờ lại làm mấy chuyện thế này, không tốt.” Mai Hương mắng: “Anh lớn tốt ghê, lúc đầu nhận lợi của ta sao không bảo thế đi? Chờ xong việc lại giả làm người tốt nhỉ.”
Nó ôm đồ, cũng không trả lại cho Dư nhị tỷ mà tự giấu đi, lại bẩm đã xong việc. Dư nhị tỷ khen nó có ích, lại thưởng đồ cho, rồi sai nó đưa thư. Đến mùa thu, lại làm giày cho Trình Khiêm mang. Đâu ngờ mấy thứ đồ này chẳng món nào đến được tay Trình Khiêm, còn tưởng Trình Khiêm đã hiểu lòng nàng. Lần này nàng không dám nói với cha mẹ nữa, tự mình trao nhận thực ra không phải chuyện hay hớm gì, cũng sợ cha mẹ biết sẽ không vừa ý Trình Khiêm. Nhưng cũng ngờ vực: “Sao chàng không đáp lại chữ nào cho mình?”
Lại không kìm được rung động trong lòng, viết thơ tặng Trình Khiêm. Mai Hương đã quen dối trên gạt dưới, đến lúc nghe Dư nhị tỷ bảo muốn thư hồi âm của Trình Khiêm mới hoảng lên, giấu đi thì dễ, hồi âm mới khó, dù là đồ vật hay thư từ, nếu tiện tay làm không tốt, e rằng không lọt nổi vào mắt Dư nhị tỷ, lại lòi ra chuyện dối gạt kia, nó sẽ thảm lắm.
Đã trèo lên lưng hổ rồi, thôi cứ đưa phắt thư đến tay Tú Anh, trêu ngươi con mụ dữ dằn đó chơi cũng được. Chuyện mà rùm beng lên, Dư gia có tiền có quyền hơn Trình gia, nhà họ Trình đành phải ôm lấy cục tức này, Trình Khiêm ở giữa cũng hết đường lui, Dư nhị tỷ được như ước muốn, nó sẽ là công thần. Về phần Tú Anh mất chồng, Ngọc Tỷ mất cha, lại không phải chuyện khiến nó bận tâm.
Chuyện cũng xảy ra đúng lúc, cái thai lần này của Tú Anh được cả nhà quan tâm hơn nhiều, coi nhốt kỹ hơn, lại vì lần trước đã sinh con gái, sợ lần này sinh con gái nữa nên nàng muộn phiền hơn rất nhiều, chỉ do ánh mắt trưởng bối tha thiết quá, nàng mới cố chịu đựng mấy tháng này, đã chịu đựng đến cực cùng rồi. Lại vì gia đình thấy chỗ nàng gần đây yên tĩnh rồi nên dần an tâm, phong thư đầy nỗi nhớ mong của Dư nhị tỷ cứ thế vào tay Tú Anh.
Tú Anh cũng được mời thầy về dạy từ nhỏ, Trình lão thái công cũng hết lòng hết dạ với nàng như với Ngọc Tỷ, tuy thầy dạy không nổi danh như Tô tiên sinh nhưng những kiến thức cần biết đều biết cả. Vừa đọc đã hiểu, chửi: “Chả trách chị dâu nhà họ Kỷ nói dạo trước, hóa ra có con yêu quái nhép này thực! Đĩ điếm! Tám trăm kiếp không ngắm đàn ông, giờ kiểu đàn ông gì cũng thèm gần gũi! Đều bảo không phải thương nhân thì đếch gian dối, nuôi mỗi con gái rượu mà cũng xảo quyệt như này! Thuê kiệu cho ta, ta đánh đến cửa nhà nó!”
Người trong nhà nào dám cản nàng lại? Một đám thì tất bật luôn tay, một đám thì lao đi cầu cứu bà Lâm. Tú Anh đang bực tức, không may lại trượt chân ngã, chẳng bao lâu sau đã thấy máu rịn ra. Tiểu Hỉ là thị tỳ của Tú Anh, Bổng Nghiên là thư đồng của Trình Khiêm, hai đứa xưa nay cũng thường mắt đi mày lại, thấy cảnh này thì chộp lấy người ngoài cửa, cho gã hai nắm tiền, bảo báo cho Bổng Nghiên.
Bổng Nghiên nghe chuyện, vội vã bẩm lại với Trình Khiêm. Trình Khiêm vô cùng mong chờ đứa con này, nghe đã xảy ra chuyện thì vội vàng quay về nhà. Tú Anh đã chẳng còn sức để mắng nữa, đến tối thì cái thai mang hình hài bé trai trôi tuột ra. Trình Khiêm đau khổ tột cùng, ông Trình kiên cường mấy chục năm, giờ khắc này cũng không chống đỡ nổi. Tố Tỷ đã khóc đến chết đi sống lại, bà Lâm lại đờ ra như khúc gỗ, không thốt nên lời. Trình Khiêm lại hỏi việc ban sáng, Bổng Nghiên biết rõ chuyện thì bị dọa cho hoảng hồn, vội vã khai ra Mai Hương: “Là lần ấy, sau đó con cũng không dám dính đến ả nữa.”
Lâm lão an nhân nói: “Chẳng trách Ngọc Tỷ thấy nó không ổn, không muốn giữ, linh tính con nít là đúng nhất!” Trình lão thái công đáp: “Tô tiên sinh cũng nói không sai, đúng là cái ngữ tiểu nhân.” Trình Khiêm nghiến răng bảo: “Đừng truyền ra ngoài vội! Cháu có cách của mình, con trai cháu không thể cứ thế mà qua đời được!” Mặt mày chàng đỏ gay, siết chặt nắm đấm, ông Trình thấy vẻ ngoài như muốn ăn thịt người này của chàng thì chẳng nói được gì nữa.
Trình Khiêm nói xong thì lao ra khỏi cửa, chỉ nghe rầm một tiếng, Đóa Nhi đứng ngoài cửa hét lên: “Tiểu thư!” Là Ngọc Tỷ lại nổi cơn cũ, thấy chuyện không ổn bèn chạy đến nghe lén. Trong nhà đang lộn xộn, thành ra không ai phát hiện. Bà Lâm nhảy dựng: “Cháu tôi!” Trình Khiêm cúi đầu xuống, Ngọc Tỷ ngước mặt lên, Trình Khiêm chìa tay bế bé lên: “Con đến đây làm gì? Về phòng nghỉ ngơi đi.” Tiện tay phủi bụi trên người Ngọc Tỷ.
Ngọc Tỷ mở to mắt nhìn vào phòng mà không đáp, Trình Khiêm cũng không để ý, đưa bé vào thẳng phòng, ra lệnh Đóa Nhi gọi mợ Lý đến: “Coi sóc tiểu thư cho cẩn thận!”
Rồi để Ngọc Tỷ đang gặm ngón tay ở lại.
•••••
Hai ngày vừa qua, Dư thái công đã tan nát cõi lòng vì con trai con gái nhà mình, con trai lão chơi xúc xắc với công tử nhà huyện lệnh tri phủ, vậy mà thua đến hơn năm vạn bạc trắng! Khoản tiền khổng lồ làm sao!
Là do Trình Khiêm thuận miệng nhắc với hai vị công tử kia, chàng Trình Khiêm này thuở thiếu thời không phải là đèn cạn dầu, cũng từng khốn khϊếp đến độ khiến cha mình tức nỗi không nỡ đập chết. Tiến thối lễ độ, nhã nhặn nhẫn nại như bây giờ chẳng qua chỉ là vẻ bề ngoài, vì trải nhiều rồi, nhìn nhạt rồi mà thôi. Giờ đây lại khiến con trai chưa ra đời của chàng phải chết non, cả nhà bất ổn, đẩy chàng vào cảnh này trong khi chàng chẳng làm gì, khiến người nhà xem chàng là kẻ bạc tình, cơn giận ấy sao đành đoạn nuốt trôi?!
Tính ra thì thân phận của Trình Khiêm chẳng tài nào bì được với cậu cả nhà họ Dư, nhưng hai vị công tử nhà huyện lệnh tri phủ lại thích tương giao cùng chàng, lòng tự sinh thân thiết. Chàng thuận miệng nhắc một câu, công tử hai nhà cũng rảnh việc, đưa thϊếp mời Dư đại lang cùng đánh bạc.
Dư đại lang vốn cũng không ngốc, trước giờ thua thắng gì đều nắm chắc. Lại chẳng ngờ Trình Khiêm gài bẫy cao minh, không tự mở sòng mà đi thẳng vào sòng bạc. Sòng bạc thì biết mưu giữ chân không cho bạn rời đi, dù có thua thì cũng phải vay tiền đánh tiếp. Trời rét, châm vài cây đèn mờ, cời vài chậu than nóng rực, lại bưng thức ăn rót rượu, đốt cả hương nồng. Chung quanh hô hào chém gϊếŧ, khiến máu nóng của con người hừng hực sôi trào. Dư đại lang rốt cuộc cũng không bằng được lão già lăn lộn giang hồ nhà mình, xung quanh lại toàn người hò hét ồn ào. Trình Khiêm thời trẻ cũng đánh bạc vô vàn bận, nhiều ngón độc, thả bài cho hai nhà kia ăn cả ngoài sáng lẫn trong tối, mình cũng thắng một ít thua một ít, sau cùng thắng lớn một bàn, chỉ có Dư đại lang là thua nhiều.
Thua một hồi hai bận, không chỉ muốn thua ba trăm lượng bạc thôi mà còn lệnh sai vặt về nhà vào phòng mình lấy thêm tiền, lại cởi hai chiếc kiềng tay ra đặt luôn. Dần dần đặt cả chuỗi tràng một trăm linh tám hạt trân châu, rồi cả nghiên mực nổi danh. Sau rốt lại còn viết mấy tờ giấy nợ. Sòng bạc này vốn kiêm luôn việc cho vay nặng lãi, tự mình đã có giấy mẫu, chỉ cần điền thông tin vào đúng lúc, đưa con nợ ký tên hoặc in dấu vân tay, tiền cứ thế thành khoản vay thôi.
Công tử nhà huyện lệnh thắng được tràng hạt và bạc, tính tổng ra thì khoảng hai vạn lượng; công tử tri phủ lại mát tay hơn, nghiên mực nổi danh với tiền cộng lại cũng tầm hai vạn năm ngàn lượng; số còn lại thì Trình Khiêm gom cả. Trong sòng bạc không có tiền mặt mà chỉ có ngân phiếu do nhà buôn lớn có tiếng phát hành, mỗi lần đến quầy đổi tiền, phải trích ba phần nghìn trả tiền huê hồng. Ba phần lỗ này, đương nhiên tính cả vào Dư đại lang. Trình Khiêm rút mười tấm ngân phiếu mười lượng ra phát cho đám chia bài chạy vặt của sòng bạc. Công tử huyện lệnh thấy thế cũng thưởng một miếng ngọc bội mỡ dê cho Lại Tam Nhi – người mở sòng bạc, công tử tri phủ cũng vứt chiếc vòng khảm ngọc cẩn bảo thạch cho gã.
Lại Tam Nhi híp mắt cười, tới chỗ gã đánh bạc, chỉ mượn sòng thì đương nhiên phải trả chút huê hồng. Lần này gã lại không cần lãi, ba người thưởng thôi cũng đủ rồi, với cả Dư đại lang cũng đã ký giấy mượn tiền, chỉ là chơi khốn một chút, mượn gã năm vạn, gã lại viết thành năm vạn rưỡi, chưa tính lãi. Chỉ cần nghĩ tới cửa hàng thật lớn mà Dư gia đặt mua trên giang hồ, Lại Tam Nhi đã muốn bật cười.
Gã cũng không phải tự mình mở sòng bạc, nếu tự mở thì làm sao có vốn nhiều đến vậy? Ngay cả những gia đình bậc trung như nhà họ Trình, bán tất cả đi thì sản nghiệp cũng chỉ tầm hơn vạn lượng, gộp cả của hồi môn của bà Lâm cũng không đến hai vạn, mà ấy là đã kinh doanh bốn đời, cũng chưa từng chia gia sản. Còn người đứng sau Lại Tam Nhi, ông chủ của gã đã muốn có những cửa hàng kia từ lâu rồi…
Muốn quy đổi cửa hàng ấy ra tiền thì không thể không đánh động quan phủ, tiền huê hồng không thâu cũng là chẳng đặng đừng. Đoạn lập tức bẩm lên chủ nhân, cầm giấy nợ đến Dư gia đòi tiền. Nhà họ Dư dù có giàu có, tổng gia sản cũng ba bốn chục vạn lượng, nhưng trong đó gồm cả cửa hàng, ruộng vườn, tiền vốn kinh doanh, tiền góp của họ hàng, đào đâu ra tiền mặt?
Trong nhà có tiền mặt hai ngàn lượng đã là vô cùng khá giả rồi, dù Dư thái công có đánh chết thằng ôn nhà mình thì cũng chẳng biến ra nổi số bạc nhiều như vậy. Mà con trai độc nhất thì lại chẳng thể đập chết thật, đành phải bán căn cửa hàng không cần gấp kia. Lại gửi thiệp đèo bòng hai nhà huyện lệnh tri phủ, sao mà ngờ sau khi thắng bạc nhà mình, cha già hai nhà ấy lôi con trai ra đập một trận, cưỡng chế đóng cửa học tập, lại chẳng nhắc đến chuyện trả tiền lại.
Công tử hai nhà đều là người có học, đám thư sinh ca tụng bọn hắn rằng thì là “phong lưu phóng khoáng”, “tiêu hết ngàn vàng lại quay đầu”, “ngón nghề tuyệt”, “hào hiệp”. Dư thái công mắng hai nhà trơ tráo, lại thấy chủ nợ là đối thủ kẻ thù của lão, bèn đồ rằng hai bên cùng lập mưu. Vậy thì con trai mình không dám hơn thua là thật, trước giờ dân đấu không nổi với quan, cháu họ lại ở xa, ngoài tầm tay với. Lão cũng cứng rắn, không san cửa hàng cho chủ nợ, thà thế chấp cho nhà khác lấy tiền trả nợ chứ không làm lợi cho tên khốn kia!
Dư thái công cũng có mở tiệm cầm đồ, ngày trước lão là người ép giá những kẻ cần tiền gấp, hôm nay lại đến lượt mình. Có thể cầm được một ngàn thì đến tay chỉ còn vài trăm, độc ác hơn thì chỉ trả nửa giá.
Nhà dột lại gặp mưa dầm, lại có tin đồn thổi ra ngoài, bảo rằng con gái Dư nhị tỷ nhà lão thèm đàn ông đến điên rồi. Là từ chỗ Mai Hương lộ ra thư từ khuê các, đồ may thêu này nọ. Vốn là do trộm xông vào nhà ăn cắp đồ, tiền giữ lại, thư từ đồ thêu thì vứt, bị ăn mày trạm tế bần nhặt được.
Người làm cha làm mẹ trên đời, sợ nhất chính là có một đứa con trai phá của, một đứa con gái “hướng ngoại”. Dư thái công lao lực quá độ, tính số bạc còn trong cửa hàng, gom góp được vạn lượng, lại bán rẻ gia sản nhà mình, gia nghiệp ba bốn chục vạn lượng mà đi mất mười vạn chỉ trong một buổi tối, danh tiếng của con gái xấu đi, buộc phải rời thành Giang Châu.
Trước khi đi tra ra được Mai Hương, mới biết Dư nhị tỷ – chủ nợ kiếp trước đã làm nên chuyện gì, Dư nhị tỷ cũng ngộ ra rằng con ả Mai Hương – nợ tình tám kiếp của mình dám dối gạt mình, khóc rồi thắt cổ lên xà nhà, may mà thị nữ vυ' nuôi cứu kịp, chưa chết.
Bên kia, Trình Khiêm đến tận nhà hỏi tội, bảo: “Dắt tỳ nữ nhà ta đuổi về, ấy là do đâu? Vốn vì nó xấu bụng mới bán, chẳng ngờ quý phủ lại lạ lùng thế này, thích kiểu người như vậy! Khiến vợ ta tức giận đến đổ bệnh, mưu sát con trai ta!” Dư thái công cúi người nhận lỗi, Trình Khiêm vẫn một mực đanh mặt: “Cụ cố nhà ta cũng tức đến ngã bệnh, quý phủ đúng là hiền hậu.” Đoạn ném chung trà đãi khách nhà họ Dư, phẩy tay quay về.
Sau khi bị người ngoài mắng như con như cháu xong, về phòng Dư thái công liền đập cho cặp con nhà mình một trận, lại giải Mai Hương đến, khế ước bán thân của nó vốn ở chỗ Dư nhị tỷ, một con bé tý tuổi thì thoát được đi đâu? Mai Hương bấy giờ mới biết sợ, khóc xin tha. Dư thái công không nhẫn tâm với con gái mình, nhưng lại vô cùng nhẫn tâm với con gái nhà người: “Đánh chết con nô tỳ rửa tiền cho ta cũng được!”
Quát bảo đánh chết Mai Hương, cũng chỉ xem như “lỡ tay” chứ không phải “cố ý”, người xuống tay lại là lão. Vì đã nuốt bạc nhà lão, lại vì Dư gia bây giờ thảm thật, cũng vì chỉ là chuyện nô tỳ cỏ rác, huyện lệnh tri phủ chỉ phạt vài lượng bạc thôi.
Ngày nhà họ Dư chuyển đi, Trình Khiêm mặc áo tang theo tiễn, sai một nhóm ăn mày ném dưa nát quả thối, lại thêm một bọn du côn ném giày rách vào xe nữ quyến Dư gia.Tác giả có lời phải nói:
Trình Khiêm không phải người tốt, chỉ vì ông Trình khá tận tình với cậu, cậu lại trải qua một hồi thăng trầm bôn ba, mới có vẻ tốt tính. Với một người đàn ông, hại chết con trai anh ta, quả thực không nhịn nổi! Đương nhiên, về vấn đề tính cách của Trình Khiêm, thái độ khi ở rể, sau này sẽ nói thêm.