Tí đã học lớp năm, lúc nào nó cũng lải nhải bên tai Ten-go rằng nó đã lớn. Nhưng dù nó có bò lăn trên nền nhà trốn tránh, Ten-go vẫn thích bẹo má nó bất kể giờ giấc. Trong mắt Ten-go, Tí là điển hình của nữ sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, ngoài học sẽ là ăn và ngủ. Còn với bố mẹ nó chính là niềm hi vọng của cả nhà, có cảm giác bố mẹ cưng nó hơn Ten-go rất nhiều. Cũng phải thôi, Ten-go chỉ biết làm bố mẹ thất vọng hết từ năm này sang năm khác, từ buổi họp phụ huynh này quất sang bản kiểm điểm khác. Ten-go âm thầm hâm mộ Tí không ngừng, chỉ cần học giỏi bằng một góc nhỏ của nó là Ten-go sẽ cảm tạ trời đất suốt đời này.
Ấy thế mà dạo này buổi sáng Tí không tự dậy sớm học bài nữa, Ten-go thường xuyên phải hò hét ầm ĩ như gọi đò. Sáng nay chốt cửa xong, Ten-go lên giường đánh thêm một giấc ngắn, ai ngờ Ten-go ngủ quên mất làm hai anh em chạy loạn tùm lum khắp nhà. Trên đường đến trường, Ten-go mua vội cho Tí một nắm xôi khúc nhỏ. Tí không ăn, một tay cầm gói xôi, một tay bám chặt vạt áo trắng của Ten-go. Bầu má phúng phính của nó dùi dụi vào lưng Ten-go, có lẽ con bé vẫn buồn ngủ. Sắp đến cổng trường cấp một, đột nhiên cảm giác âm ấm và ươn ướt trên lưng áo truyền tới. Tí khóc sao? Ten-go hoảng hốt phanh xe.
- Mày có sao không? Đau ở đâu bảo anh biết!?
Tí leo từ trên xe xuống, lắc đầu quầy quậy, cầm gói xôi chạy thẳng vào trong lớp. Ten-go chẳng hiểu gì cả, kiểu này tối nay phải tra hỏi nó rõ ràng, bằng không phải lập tức cáo trạng với bố mẹ biết.
Ten-go cong mông đạp xe đến trường. Chưa kịp ngồi nóng chỗ Ten-go đã phát hiện ra có chuyện không ổn. Hàng chục ánh mắt “âu yếm” không quen biết xung quanh ném cho Ten-go chẳng thương tiếc. Cay nỗi, Ten-go không thấy cảm giác sung sướиɠ như trở thành minh tinh màn bạc chút nào cả, Ten-go chỉ thấy bản thân mình giống như một con gián chết nằm quay đơ trên mặt đất, thằng ác độc rảnh rỗi muốn cho thêm một đạp còn đứa ghét bẩn xì mũi đi đường vòng. Bố khỉ, đúng là lũ mất nết! Có điều gì bức xúc hãy xỉ vả thẳng mặt anh đây, đừng đâm lén sau lưng thế chứ.
Ten-go úp mặt trên cặp, dỏng tai nghe. Loáng thoáng tóm được mấy từ khóa như: đánh đập, dìm nước, mất tích. Trời ạ! Gϊếŧ người đấy! Ten-go không có liên can!
Mang nghi hoặc này cho Nhu, nó ậm ừ bảo nghỉ giải lao tiết sau sẽ nghe ngóng cho Ten-go.
- Cái *** gì cơ! – Ten-go gào lên, nhấn vào từng từ như trống dộng. Thật may là Ten-go ngồi ngoài sân trường, nếu không mấy “ánh mắt” kia mà nghe thấy lại chẳng rúm ró như chó hư ăn đập.
- Tao! Thằng Ten-go này! Đánh đập… dìm nước thằng “mồm méo”! Ông trời ạ. – Ten-go đứng thẳng, hai tay đưa về phía bầu trời, vẻ mặt không cam lòng, chỉ thiếu mỗi nước mắt chảy ròng ròng và nhảy nhót vòng quanh đống lửa.
- Bình tĩnh đi Ten-go, đấy là bọn nó đồn đại như thế. Chuyện Hải không đi học ngay trước Tết bạn không biết?
- Tao có phải bảo mẫu của nó đâu mà phải biết!
Sau khi hai đứa tốt nghiệp cấp hai, Ten-go mới biết lần kiểm tra toán mười lăm phút hôm đó Nhu đã muốn hỏi rằng, có phải Ten-go là thủ phạm bắt nạt Hải hay không, Nhu ngập ngừng bởi cô tin tưởng Ten-go không làm điều đó.
- Tao thậm chí còn chưa bao giờ thật sự nói chuyện với nó. Tao chỉ lôi nó dậy khỏi nền phòng vệ sinh “sạch sẽ” ngang chuồng lợn, ném cho nó mảnh gáo vỡ để gột bẩn. Thế thôi mà không biết thằng băm bổ nào tung lời đồn ác ôn này. Tao mà tóm được tao sẽ…
- Sẽ làm gì? – Nhu lườm Ten-go.
Trong một tích tắc, Ten-go thoáng giật mình vì ánh nhìn của Nhu.
- Điều quan trong bây giờ không phải là lời đồn ác ý, cũng chẳng phải chuyện bạn bực tức ra sao, mình chỉ lo lắng Hải có ổn không? Chắc Hải tổn thương lắm.
Ten-go im lặng. Bất tri bất giác Ten-go thấy mình đồng cảm với Hải, cậu ta chẳng trêu chọc ai cả, cũng không làm ảnh hưởng hay gây bất cứ tổn thương đến ai. Thế mà có những người không muốn để Hải yên. Có lẽ suy nghĩ thường trực hiện hữu trong đầu Hải đó là hãy để cậu ta được một mình. Căm ghét có thể gϊếŧ chết tâm hồn lẫn thể xác một người yếu đuối và những người chẳng có sức phản kháng đó thật đáng thương. Thật may, Ten-go là một người mạnh mẽ.
Bảy giờ tối, Tí và Ten-go đồng loạt ngồi vào bàn học. Ten-go nhớ ra chuyện lúc sáng, Ten-go vác ghế đến ngồi cạnh nó. Ten-go dùng đầu ngón tay trỏ gõ lên mặt bàn:
- Tao hỏi này! Mày bị bắt nạt đúng không?
Tí dừng bút, nó nhìn Ten-go, lắc đầu rất nhẹ. Nhẹ đến mức Ten-go còn cảm tưởng đó là hành động gật đầu. Ten-go cáu gắt nói:
- Không phải? Tại sao sáng nay mày lại khóc? Đừng nói với tao kiểu như em ăn xôi khúc không ngon nên em buồn em khóc. Vô lý hết sức, mày cứ nói tên đứa bắt nạt mày ra đây, tao sẽ xử lý nó.
- Không! Thực sự không có ai làm gì em cả.
- Thôi được rồi. – Ten-go dịu giọng. Ten-go nhận ra mắt con bé lại bắt đầu ầng ậc nước. Tức giận đúng là chẳng giải quyết được việc gì ra hồn cả. Ten-go nắm lấy cánh tay khẳng khiu của Tí, kéo nó quay mặt về phía Ten-go:
- Tao tin không có ai bắt nạt mày cả. Được chưa? Nếu có chuyện gì khó xử phải nói ra, tao sẽ nghĩ cách giải quyết. Tao lớn hơn mày, dù chỉ ba tuổi nhưng vẫn là lớn hơn mày, là anh mày. Hiểu chứ?
- Em thấy bố mẹ cãi nhau… – Con bé nói chậm rãi từng tiếng.
Câu nói của con bé làm Ten-go choáng váng. Bố mẹ cãi nhau ư? Chuyện chưa từng có. Nó xảy ra bao giờ? Sao Ten-go chẳng biết gì cả. Tâm trí Ten-go tự động liên hệ đến những bất thường trong cuộc sống của gia đình Ten-go hồi Tết. Ten-go ngồi ngay ngắn, cố gắng nén những câu hỏi dồn dập trong lòng.
- Bố mẹ cãi nhau hai lần. Một lần, em được về sớm, bạn chở em về nhà. Em thấy bố lớn tiếng quát mắng mẹ. Lần thứ hai, bố còn hất cả mâm cơm làm tung tóe trên mặt đất. Em không nghe rõ chuyện gì hết, chỉ trốn ngoài cửa… Em sợ lắm!
Cơ bắp toàn thân rũ ra, Ten-go thấy bản thân mất hết sức lực. Bên tai Ten-go văng vẳng tiếng rưng rức của Tí. Ten-go vỗ vỗ lưng nó.
- Nín đi, nín đi! Không có chuyện gì đâu, mày chỉ giỏi tưởng tượng. Có những hôm mày không ở nhà bố mẹ cãi nhau kịch liệt mấy bận liền, toàn chuyện làm ăn vớ vẩn thôi. Anh đảm bảo với mày vài hôm nữa sẽ trở lại bình thường, lại ngọt ngào như đường với sữa, lại anh anh em em ngay! – Ten-go ngoác miệng cố cười.
- Anh nói thật?
- Thật! Anh mày nào có biết nói đùa là gì. Anh đã lừa mày bao giờ chưa?
- Lừa của em mấy chiếc bánh liền…
Miệng Ten-go méo xệch, vừa cười trừ vừa nói:
- Thôi, chuyện bánh trái tạm thời bỏ qua. Anh bảo này, ngày mai mày giả vờ đòi cả bố lẫn mẹ dẫn đi xem hội chợ, càng nũng nĩu càng đáng thương càng tốt. Cứ việc gì cần hai người là mày cứ vơ hết vào cho anh. Lúc đấy mày sẽ thấy, chuyện cãi nhau chỉ như cơm bữa hàng ngày. Đến tao với mày còn đánh nhau chảy cả máu tay ấy chứ.
Ten-go an ủi Tí bằng mấy câu chuyện nhảm nhí một lúc lâu, lại còn bịa thêm mấy chuyện giật gân linh tinh khác để nó an tâm đi ngủ. Cả đêm hôm ấy Ten-go giật mình mấy bận, lần nào cả người cũng ướt đẫm mồ hôi. Ten-go còn không ngờ thói quen tỉnh dậy giữa đêm này còn kéo dài gần hai tuần.
Hai hôm sau, mẹ Ten-go nhận được một cuộc gọi điện thoại từ bà cô chủ nhiệm, bà cô yêu cầu cả hai mẹ con buổi chiều ngày hôm sau đến gặp tại trường. Bà cô này thật khéo vẽ chuyện, họp phụ huynh cuối kì trước còn chưa đủ sao? Gia đình Ten-go đang trong giờ phút nước sôi lửa bỏng và Ten-go không thể ngăn nổi bản thân tự tưởng tượng vể viễn cảnh sẽ trở thành nguyên nhân làm đổ vỡ mọi thứ.
Trong trí nhớ của Ten-go, buổi chiều hôm đó nắng nhẹ và rất đẹp, cả sân trường như phủ một lớp mật ong vàng óng và những cơn gió tháng ba còn xen chút hương vị lành lạnh mơn man qua má. Thế nhưng Ten-go lại run cầm cập, chưa bao giờ Ten-go lại sợ hãi vì những sai lầm trong quá khứ của bản thân như thế này.
Bà cô muốn trao đổi với mẹ trước nên yêu cầu Ten-go đợi bên ngoài. Thật không công bằng chút nào. Bởi trong căn phòng kia phiên tòa vắng mặt bị cáo đang diễn ra, còn bị cáo thực sự là Ten-go chỉ biết đứng như trời trồng cầu khấn cho chính mình. Con chó của lão bảo vệ quen mùi cứ dùi dụi mõm vào ống quần, nhưng Ten-go đang căng thẳng thế này sao còn tâm trí gãi cổ cho nó nữa. Lão bảo vệ thấy Ten-go nhịp chân không kiểm soát trước cửa liền lại gần đưa cho thằng nhóc một chén trà ấm. Ten-go muốn từ chối, lão bảo vệ liền nói:
- Không phải từ chối. Uống chút trà giảm căng thẳng đi, nhìn mày run cầm cập mà tao thương mày quá. Lo lắng không giải quyết được gì đâu, vì đây là việc của người lớn của bố mẹ mày. Mười mấy năm làm bảo vệ ở trường này, tao gặp trường hợp giống mày vô số.
Ten-go sắp mở miệng phản đối rằng tình huống của Ten-go lúc này hoàn toàn khác, lão lại thủng thẳng nói tiếp:
- Tao cũng là bố là mẹ nên tao biết. Bố mẹ thương yêu chúng mày hơn rất nhiều sao với bộ não của mày có thể tưởng tượng được. Bọn mày còn biết sợ chứng tỏ còn có thể uốn nắn dạy bảo. Thế nên không việc gì phải lo lắng cả.
Ten-go gật đầu, tựa hiểu tựa không, dốc hết chén trà ấm vào cổ họng.
Ten-go được gọi vào, ngồi cạnh mẹ và đối diện với bà cô.
- Cô đã nói chuyện qua tình hình chung cho mẹ em biết. Bây giờ cô cần lời xác nhận chính thức từ em, cô yêu cầu em trả lời trung thực nhất. Em chắc chắn biết bạn Hải mới chuyển vào lớp chúng ta thời gian gần đây đúng không?
Điều rõ ràng này có cần thiết phải hỏi không? Lời rào đón trước sau này giống hệt như những phiên tòa trên phim, chỉ khác là Ten-go thấy mình càng lúc càng giống “bị cáo” trước vành móng ngựa, còn bà giáo chính là người công tố viên chính trực và tận tụy nhất.
- Ngay trước Tết, bạn Hải đột ngột nghỉ học không có lý do. Qua trao đổi với mẹ Hải, cô được biết Hải có dấu hiệu bị bắt nạt. Hải không nói lý do cũng như không chịu chỉ đích danh người bắt nạt, Hải còn xin mẹ cho nghỉ ở nhà một thời gian. Cô muốn hỏi, em từng có hành động hoặc lời nói đe dọa gây tổn thương đến Hải hay không?
- Em không làm những việc đó. Hoàn toàn không. – Ten-go trả lời dõng dạc và dùng toàn bộ sức lực trong cơ thể nhìn thẳng vào mắt bà cô trong một giây đồng hồ.
Bà cô thở dài, dường như rất quen thuộc với tình huống này.
- Em chắc chứ? Cô có một số nguồn tin rằng đã nhìn thấy em và Hải cùng một lúc vào trong phòng vệ sinh, và khi Hải bước đi ra, toàn bộ quần áo của Hải bị ướt và có rất nhiều vết rách. Có điều này hay không?
Sao Ten-go lại giống như bị buộc tội thế này. Những câu chất vấn hoàn toàn có căn cứ nếu đứng ở vị trí người dự khán. Ten-go lo lắng liếc nhìn mẹ. Đáng buồn thay, chính những hành động này trong mắt người khác lại mang ý nghĩa sợ hãi và giấu giếm.
- Đúng là em và Hải cùng vào phòng vệ sinh. Nhưng việc quần áo bạn ấy bị rách hay bị làm sao không hề liên quan đến em.
- Thôi được, cô tạm tin lời này của em. Vậy cô hỏi tiếp, ở trường, em có bao giờ xô xát với ai không?
Ten-go toát mồ hôi, nuốt mạnh ngụm không khí trong họng. Bà cô hỏi như thế này là gần như muốn dồn Ten-go vào chân tường đây mà.
- Em… Em không chủ động xô xát với ai cả.
- Nghĩa là có! – Bà cô lạnh lùng nói, như thể để tóm được điểm mấu chốt của “bị cáo”.
Kiểu cách nói của bà cô như thể đã lường trước hết mọi câu trả lời mà Ten-go có thể vắt óc nghĩ ra, điều đó khiến Ten-go bắt đầu tức điên lên. Ten-go không hề biết khuôn mặt của nó đã đỏ lựng. Cắn chặt hai hàm răng. Ten-go nóng nảy phản kích lại luôn, bất tri bất giác âm điệu của nó bị đẩy lên cao vυ't:
- Đúng là em có xô xát. Nhưng là em bị bọn nó đánh trước. Phản kháng là sai…
Bốp. Im bặt. Cái tát lại không đau một chút nào. Thế nhưng, trong ánh mắt ửng hồng của Ten-go chỉ còn lại ánh nhìn hoảng hốt. Bởi cái tát này không phải của bà cô, mà đến từ mẹ Ten-go. Cái tát làm tâm hồn Ten-go chính thức sụp đổ. Mẹ không còn tin Ten-go nữa. Đó là điều đau đớn cỡ nào!?
Ten-go không rõ là bản thân đã rời khỏi căn phòng “xử án” đó bằng lối nào. Trong tâm trí Ten-go lúc ấy, ngoài âm thanh dai dẳng từ những câu xin thứ lỗi của mẹ, tất cả còn lại chỉ là sự trống rỗng. Đêm ấy, Ten-go ngồi trên bàn học đến gần sáng và sau đó ngủ quên luôn trên mặt bàn. Lần đầu tiên Ten-go bật khóc vì cảm thấy tổn thương và bất công cùng cực.