Ly Uyên

Chương 8: Ly Hâm | 3

HOÀN LAN NGHĨ NÀNG ĐÃ NHÌN THẤU ĐƯỢC ÁNH MẮT CỦA TRỊNH UYÊN, NHƯ SƯƠNG MAI BÃI BIẾC, QUANH QUẨN MÃI THEO NGƯỜI. CẬU VÀ NÀNG GIỐNG NHAU, NGƯỜI Ở CẠNH BÊN KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI TRONG LÒNG THƯƠNG NHỚ.

________________________________________________________________________________

Đối với hai nước Trịnh, Tề, năm thứ tư Tề Tuyên Minh khẩn yếu hơn bất kỳ một năm nào khác. Vào mùa thu năm ấy, Thái tử Giám quốc Trịnh Uyên mở yến tân hôn, đồng thời liên thủ với nước Tề, ngăn cản thành công năm vạn đại quân của nước Ngụy ở ngoài dãy núi biên giới hai nước Ngụy - Trịnh, bảo vệ được lá chắn thiên nhiên vững chắc nhất che chở cho công cuộc Tề Trịnh cùng chống Ngụy này.

Cách nhau một dãy núi, sự giằng co giữa hai nước Ngụy và Trịnh cứ như vậy mà kéo dài đến năm Tề Tuyên Minh thứ năm. Chính bởi vì có núi non ngăn cách như vậy mà hai nước Trịnh, Tề mới có được một khoảng thời gian để chỉnh đốn quân đội, gom góp mọi nguồn lực chuẩn bị chiến đấu, đặt nền móng để sau này có thể mở đợt phản công lớn vào nước Ngụy.

Cũng từ lúc đó, Trịnh Uyên gặp được vị tướng trẻ tuổi Thiệu Dương của nước Tề, để rồi cả hai cùng bị cuốn vào dòng nước lũ khủng khϊếp, trở thành tiêu điểm của một thời kỳ loạn thế, hấp dẫn mọi sự chú ý của các nhà nghiên cứu sử.

-

Sau đại hôn của Trịnh Uyên, quân tướng nhà Tề đi theo hộ tống Đại trưởng công chúa Hoàn Lan lục tục kéo nhau về nước, chỉ có Thiệu Dương - theo đúng dự liệu của Trịnh Uyên - ở lại Ly Hâm. Trịnh Uyên thử dò hỏi Thiệu Dương rằng làm sao để ngăn chặn thế tiến công của nhà Ngụy. Thiệu Dương đơn giản nói: "Cướp lúa thu."

Hơn thế nữa, đó là câu nói đầu tiên của Thiệu Dương khi y đứng trên điện Vân Nghi, giữa cuộc tranh cãi giữa Trịnh Uyên và các tướng lĩnh nước Trịnh đang đỏ mặt tía tai.

Lần này, đích thân Viên Duẫn Đàn dẫn theo năm vạn bộ binh, không có chiến xa theo cùng, bấy giờ đã chạm tới biên giới nước Trịnh. Bộ binh linh hoạt nhưng thiếu tốc độ tiến công, lực tấn công cũng không mạnh như chiến xa. Như vậy có thể thấy mục đích thực sự của y không phải là đoạt được Trịnh quốc chỉ trong một hồi trống trận, mà là chia quân ra đột kích, nhanh chóng chiếm lấy địa điểm hiểm yếu nơi lằn ranh giao tranh giữa hai nước.

Nếu muốn xuất quân thọc sâu vào giữa lòng địch quốc, vấn đề tiên quyết phải được chuẩn bị chu toàn không gì khác ngoài vận chuyển lương thảo. Giữa hai nước Ngụy - Trịnh có dãy núi vắt ngang, đường núi nhỏ, quanh co khúc khuỷu, xe chở lương thực rất dễ dàng bị địch chặn cướp nên khó lọt qua nổi. Do đó, nước Ngụy ắt phải khống chế được vùng núi chắn giữa biên ải Ngụy - Trịnh, trước hết để đảm bảo cho đường vận chuyển lương thảo tiếp tế để đảm bảo đầy đủ điều kiện để công chiếm Tề, Trịnh. Về phía nước Trịnh, vốn là muốn mượn hơi hiểm yếu này để chống đỡ quân Ngụy, nên tuyệt đối không để quân Ngụy khống chế được vùng núi này.

Đạo lý trên ai cũng hiểu. Việc mà các tướng lĩnh nhà Trịnh tranh cãi nhau chính là làm sao bảo vệ được cả một dãy núi trùng điệp kia. Binh lực của Trịnh không đủ, nếu đối chọi trực diện với quân Ngụy thì gần như không có cơ may để thắng. Còn nước Tề ở biên cảnh, nước Trần đang rục rịch phản loạn, không thể nào chia quân ra cùng một lúc như thế được. Hoàn vương phái người đến báo tin với Trịnh Uyên, một tháng sau sẽ điều năm vạn quân Tề sang trợ giúp cho nhà Trịnh.

Nói cách khác, trong tình huống nước Trịnh không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào về quân lực, chắc chắn không cầm cự nổi ba mươi ngày.

Trong tình huống các tướng lĩnh chỉ trích nhau nặng nề mà không có lối thoát, Thiệu Dương, vị tướng nước Tề năm ấy mới mười sáu tuổi, khi được Thái tử Trịnh Uyên hỏi tới, đã nói ra ba chữ lạ thường ấy.

Trịnh Uyên cười, một lần nữa ngắm nghía người thiếu niên đứng trước mặt mình. Trông Thiệu Dương già dặn hơn nhiều so với tuổi thật. Y không có bộ dáng thô bạo của võ tướng bình thường. Cơ thể y còn chưa hoàn toàn trưởng thành nhưng dáng vóc đã cao ráo, trên vầng trán còn chưa rũ hết nét trẻ con nhưng đã có thể nhìn ra một khuôn mặt vô cùng khôi ngô, đường nét sắc cạnh mà tinh tế, cứ như là mỗi một đường nét đều được tính toán hết sức chặt chẽ, không một chỗ thừa. Điều khiến Trịnh Uyên ngạc nhiên nhất là đôi mắt của y. Phàm là người từng sống trong cung, là quan đã vào triều, hoặc là người ở trên chiến trường đã thấy những cảnh người ngợm sứt tay gãy chân, mắt đã nhìn thấy kiếp người đấu đá tranh giành quyền lực đầy bi thảm, chắc hẳn trong đôi mắt ít nhiều phải có sự lạnh lẽo, u tối. Nhưng người nam tử này lại có một đôi mắt sáng ngời không gì sánh được, cứ như đôi mắt ấy đang hút hết mọi tinh hoa của trời đất.

Địa vị của Thiệu Dương tại nước Tề có thể nói là tương đương với Viên Duẫn Đàn của nước Ngụy. Tuy nhiên, họ Viên đời đời được phong hầu, còn Thiệu Dương là áo vải nhập quân. Trên người y không có cái khí chất toàn bích đến kiêu hãnh hay ngạo mạn như Viên Duẫn Đàn, nhưng bù lại, ý có sự chuyên chú của một kẻ chuyên rong ruổi sa trường. Tương phản với đôi mắt sáng của y chính là, khi thương thảo chiến sự Thiệu Dương có thể lên tiếng chậm rãi nói vài câu, nhưng bình thường y cực kỳ kiệm lời, hiếm khi chủ động mở miệng. Nên từ lần gặp đầu tiên, Trịnh Uyên đã biết Thiệu Dương không phải là một kẻ tâm cơ sâu sắc, giỏi ngụy trang. Nhưng chính kiểu người như thế mới chọn cách tỏ ra trầm mặc để che giấu đi suy nghĩ thật trong lòng mình.

Khi Trịnh Uyên đang tỉ mủ quan sát Thiệu Dương, đã có một viên tướng nước Trịnh cao giọng hỏi, cái gì gọi là "Cướp lúa thu?" Thiệu tướng quân không phải muốn lớn tiếng dọa người hay sao mà đòi lật núi lên chặn đứng lương thảo của quân Ngụy? Tiếc là núi non địa hình phức tạp, không thể nào xua quân quy mô lớn tiến lên. Nếu dẫn quân băng đèo để xung đột chính diện với địch, sợ tới lúc đó chiến đấu bất lợi, có muốn rút quân về đúng thời điểm cũng không có cách nào, toàn quân bị gϊếŧ sạch.

Thiệu Dương lắc đầu: "Chúng ta không đủ binh lực, không thể qua núi, cứ để cho chúng tới đây."

"Vậy, Thiệu tướng quân là muốn hai tay đem núi non của nước chúng ta dâng lên sao?"

Trong phút chốc nhất loạt đều yên lặng. Chợt có người dường như sực nghĩ ra, kêu lên: "Ta đã hiểu, đầu tiên là nhường cho quân Ngụy qua núi, sau đó sẽ nhân cơ hội đánh úp trong núi, đoạt hết lương thảo lẫn đồ quân nhu. Quân Ngụy không có lương thực sẽ đành lùi về bên kia núi như cũ."

Trịnh Uyên cười thầm trong lòng. Lương thảo là gốc rễ của việc hành quân, nếu Viên Duẫn Đàn mà qua loa sơ sài như vậy thì đã không là Bình Loạn vương của nước Ngụy. Nhưng cậu không lên tiếng phản bác, chỉ đợi Thiệu Dương trả lời.

Hàn Phi có nói, quân chủ chỉ nên ít lời mới mong khiến chúng thần bên dưới không phỏng đoán được, bèn không a dua xiểm nịnh mà chỉ có thể tận tâm làm việc không ngại thiệt hơn. Cũng chỉ có như vậy mới lấy một người trị được vạn người. Đạo lý này Trịnh Uyên tất nhiên phải hiểu.

Quả nhiên Thiệu Dương lắc đầu: "Viên Duẫn Đàn dẫn bộ binh đến đây, lại không có chiến xa theo, chỉ có một khả năng duy nhất chính là căn bản quân Ngụy không hề mang theo lương thảo đi cùng. Viên Duẫn Đàn biết rõ nơi biên giới Ngụy Trịnh có địa hình đồi núi phước tạp, xe chở lương thảo rất dễ bị đánh cướp, khó lòng phòng bị. Hắn không mạo hiểm như vậy đâu."

"Thiệu tướng quân đang nói là..."

"Nơi biên cảnh nước Trịnh có những thửa ruộng tốt rất rộng. Hơn mười ngày nữa là vào lúc gặt vụ thu. Tất nhiên quân Ngụy sẽ cấp tốc vượt núi để đánh chiếm hết lúa mùa thu ở chân núi nước Trịnh, sung cho quân dùng." Thiệu Dương nói không nhanh, không chậm: "So về binh lực, quân Trịnh thua kém quân Ngụy khá xa, sợ là không bảo vệ nổi đồng ruộng. Kế sách lúc này, thiết nghĩ chỉ có thể gặt hết lúa mùa thu ngay trước khi quân Ngụy kéo tới, rồi cho quân mang lúa về phía vùng sâu bên trong đất Trịnh. Quân Ngụy thấy không có lương thực, tất nhiên lòng quân sẽ phân tán, bắt đầu thoái chí. Lúc này Thái tử có thể điều động toàn bộ binh lực cả nước chờ ở chân núi, tỏ ra thật nhiều nhuệ khí, lấy sự nhàn hạ của mình mà chống lại sự vất vả của địch. Tới lúc đó lại để một con đường rút lui, cho Viên Duẫn Đàn rút quân quay về Ngụy."

"Nếu đã trừ khử phần lương thảo của quân Ngụy thì tại sao không chặn luôn con đường thoát kia để tiêu diệt tất cả?"

Thiệu Dương cười nhạt, nói: "Người nước Ngụy dữ dằn như hổ như sói. Nếu thật sự thấy không còn đường rút chạy, tất nhiên chúng sẽ liều mạng chiến đấu, thế trận lúc đó ta không thể đỡ được. Trịnh quốc thiếu hụt binh lính rất nhiều, không thể chống cự nổi. Nếu để cho chúng một đường lui thì quân Ngụy chắn chắn ai cũng tham sống sợ chết, nhất định tranh nhau bỏ chạy. Tới lúc đó thì nước Trịnh tạm thời không còn lo lắng."

Các tướng quân nước Trịnh gật đầu bảo phải, nhưng họ nhìn nhận lại một lần nữa thì trên mặt lại lộ vẻ khó xử. Bao giờ có thể gặt được lúa mùa thu thì còn do ông trời định đoạt, không ai có thể kiểm soát được. Bây giờ, nếu muốn thu hoạch vụ thu trước để ngăn cản quân Ngụy tiến công, tuy rằng sẽ sớm hơn khoảng thời gian chờ viện quân của Tề đến chừng một tháng, nhưng cũng không phải chuyện dễ dàng.

Lúc này Trịnh Uyên mới thong thả lên tiếng, "Các vị có thượng sách nào có thể ngăn cản quân Ngụy vượt núi hay không?"

"Hồi điện hạ, kế sách hiện tại chỉ có thể là phái quân mai phục những con đường nhỏ để quấy rối quân Ngụy, hoặc đốt lửa thổi khói xung quanh để làm nhiễu loạn tầm mắt, tai nghe của chúng. Đường nhỏ trên núi thì chằng chịt, tỏa ra khắp mọi hướng. Dân bản địa trên núi còn có thể bị lạc đường, nữa là quân Ngụy ở xa tới, chúng sợ hãi mai phục càng không dám manh động. Tất nhiên chúng sẽ phải cẩn thận vạn lần hơn, tốc độ hành quân cũng chậm lại. Như vậy, được một ngày hay một ngày."

Trịnh Uyên khẽ gật đầu. Biện pháp này tuy rằng thô lậu nhưng sẽ hữu hiệu đối với Viên Duẫn Đàn. Nếu đổi lại là Ngụy Ly, dù biết trong núi sẽ có mai phục, hắn cũng sẽ hạ lệnh cho toàn quân xông lên phía trước, lấy cách ít tổn thất nhất để xẻ núi vượt qua. Nhưng Viên Duẫn Đàn thì không giống như thế, y là một bề tôi luôn luôn cẩn thận, hơn nữa trời sinh tính tình ôn hòa nhân hậu, chắc chắn không thể xua quân trong mạo hiểm như thế, chỉ làm cho quân lính hy sinh vô nghĩa. Dù đoán được nước Trịnh có thể chỉ đang phô trương thanh thế, Viên Duẫn Đàn cũng sẽ không đem tính mạng của năm vạn quân sĩ ra đặt cược thắng thua.

Có câu, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Biện pháp đơn giản kia có thể cầm chân được Viên Duẫn Đàn bao lâu thì còn cậy ý ông trời.

-

Buổi nghị sự kết thúc, Trịnh Uyên đứng dậy mỉm cười với Thiệu Dương, "Tướng quân tuổi còn trẻ, nhưng ta nghĩ đã đọc không ít binh thư. Áp dụng lời của bách gia thành lời của mình như vậy thật là hiếm có."

Đôi đồng tử của Thiệu Dương trong nháy mắt thu hết mọi sắc sảo mà trở lại thành trầm mặc. Dường như lời khen hoa mỹ đó không có ảnh hưởng gì đến y, y chỉ cúi đầu khiêm nhường nói: "Tôi chưa từng đọc nhiều sách. Binh pháp căn bản cũng chỉ là bốn chữ "Đoán lòng quân địch" mà thôi."

"Trịnh Uyên sớm đã nghe nói tướng quân từ nhỏ đã được đích thân Hoàn vương Giám quốc chỉ bảo, ngươi đừng khiêm tốn quá."

Thiệu Dương chỉ cười, gật đầu nhẹ như thừa nhận mà không trả lời gì thêm.

Tài năng bộc phát từ sớm của Thiệu Dương được sử nước Trịnh ghi chép rất kỹ. Sử quan còn bình luận rằng, tướng quân Thiệu Dương nước Tề mặc dù có tài năng hơn người, giỏi về tiên đoán trước hành động của quân địch nhưng không có được yếu tố cốt lõi để giải quyết vấn đề thời điểm đó. Những phân tích của Thiệu Dương bất quá chỉ là giúp cho thời gian nước Trịnh một mình chống quân Ngụy từ một tháng rút ngắn còn hơn mười ngày, nhưng bản chất là không thay đổi được vấn đề. Người chân chính cứu được nước Trịnh, người đã đưa ra cách trì hoãn tốc độ tiến công của quân Ngụy là tướng nhà Trịnh - Vương Khải. Phần đông các nhà sử học cho rằng sử quan nước Trịnh tuy rằng có lý, nhưng bất hợp lý ở chỗ không công bằng. Khi hai nước giao chiến với nhau, thời gian tranh thủ được dài ngắn khác nhau đôi khi có thể là then chốt quyết định thắng bại.

Thực tế, quân đội của Viên Duẫn Đàn hầu như không bị cản trở, đột phá tiến tới với tổn thương về nhân lực gần như bằng không, và đến được đất Trịnh hai ngày trước khi quân Trịnh thu hoạch xong vụ lúa thu. Một ngày trước khi quân Ngụy đến, tin tức này đã được bẩm báo lên cho Trịnh Uyên. Dù người Trịnh ngày đêm đẩy nhanh tiến độ nhưng trên ruộng còn không ít lương thực chưa gặt xong trước lúc quân Ngụy tới. Vì thế, dưới cái nhìn lo âu của các tướng lĩnh, Trịnh Uyên hơi rũ mắt xuống, trầm giọng ra một mệnh lệnh khiến cậu nổi danh khắp các chư hầu hậu thế: "Nổi lửa lên, thiêu hết lương thực còn dư."

Các tướng nhất loạt rét run. Có câu, với người dân cái ăn to như trời đất. Nước Trịnh đã chịu đủ mọi nỗi khổ của chiến loạn, đất ruộng hoang vu nên từ lâu gạo cao thóc kém. Nổi lửa đốt lương thực thì cầm như đã thiêu rụi cả vận mệnh của bách tính. Dù là ai cũng không thể nào hiểu được hành vi điên rồ ấy.

"Không đốt, chẳng lẽ còn chờ quân Ngụy đến gặt phải không?" Trịnh Uyên nhìn về phía bách tính đang tỏ ra muôn vàn sợ hãi, "Nông dân đang có ở đây theo quân rút về phía tây, sau này có thể lấy đó để bổ sung quân lương." Dứt lời, Trịnh Uyên nhìn về phía Thiệu Dương, biết y cũng mong muốn quyết định như vậy. Chỉ là, với thân phận của Thiệu Dương thì dù có thế nào cũng không thể nói là đốt hết lương thực của người Trịnh đi.

Cuối cùng, nghênh đón Viên Duẫn Đàn và năm vạn quân Ngụy là ruộng đồng vạn khoảnh đang bừng bừng cháy rực, thấy rõ cả mặt người. Trịnh Uyên quyết đoán như vậy đã làm Viên Duẫn Đàn bất ngờ, còn trong lòng quân Ngụy mơ hồ dấy lên nỗi bất an. Họ bắt đầu ý thức được rằng người mà bọn họ sắp phải đối mặt không phải là kẻ môi hồng răng trắng từng bị cấm luyến trong Ngụy Cung như họ nghĩ, mà là một vị vương đế thời loạn, sáng suốt, kiên định, quả quyết, có thể định đoạt sống chết của muôn vạn con người không khác gì Cẩn Hâm hoàng đế.

Bên kia đồng lửa cao ngút trời, Viên Duẫn Đàn mơ hồ nhìn thấy Trịnh Uyên mặc áo trắng, cưỡi trên ngựa trắng ở phía đầu quân. Cậu nhìn về phía y bằng một ánh mắt khoan thai, lóng lánh. Tựa hồ như hai con người quyến luyến nhau đến chết rồi tái thế tương phùng, tính người thì còn đây mà thân người đã đổi khác. Những chuyện xưa cũ lũ lượt kéo qua trước mắt, cố níu kéo không được, càng chẳng thể nào đánh tan.

Trịnh Uyên cũng thấy ánh mắt Viên Duẫn Đàn nhìn cậu, ánh mắt ấy mang cậu trở về giữa gầm gào tiếng của sóng dòng Lân Tiêu, Viên Duẫn Đàn hiền hòa vỗ về lên lưng cậu.

Trịnh Uyên thấy đầu mình đau như búa bổ.

Triệu Luận có câu, vật xưa không đến nay, ở không như cũ, đi không đổi thay.

Duẫn Đàn, sao huynh không hiểu được?

-

Đúng như kỳ vọng của Thiệu Dương, quân Ngụy gặp tình huống lương thảo không đủ, sau khi phát sinh vài xung đột quy mô nhỏ với quân Trịnh đã rút quân trở về. Một tháng sau, quân Tề y hẹn mà tới. Mất đi ưu thế tương quan lực lượng, quân Ngụy cũng đánh mất luôn thời cơ tốt nhất khi chiếm được núi đồi biên cảnh trước. Một thời gian khá dài sau đó, Viên Duẫn Đàn xây dựng cơ sở tạm thời để tùy tình hình mà hành động, quân Tề cũng chiếm được vùng chân núi nên họ cũng không đơn giản rút quân ra khỏi nước Trịnh được.

Tình trạng giằng co này cứ duy trì như vậy đến năm Tề Tuyên Minh thứ năm. Năm đó, Tuyên Minh đế tuổi vừa mười lăm, đã gần tới lúc tự mình chấp chính. Còn Thiệu Dương cũng vào thời điểm đó đã được trao binh quyền, bèn thưa lên Trịnh Uyên mong muốn được trở về nước Tề.

Bấy giờ đã gần vào hạ chí, những cơn mưa lớn khiến người Trịnh buồn bực đã giảm đi đôi chút. Trong Đông cung, thái tử phi Hoàn Lan vấn tóc mây, cẩn thận thổi tắt tim nến. Ánh nến nhảy nhót trong khoảnh khắc, lập lòe chiếu lên khuôn mặt của Hoàn Lan, cũng rọi lên một bên khuôn mặt lo âu vô định của Thái tử Trịnh Uyên.

Hoàn Lan dịu dàng hỏi: "Điện hạ còn chưa nghỉ ngơi?"

Trịnh Uyên quay lại nhìn nàng. Cậu, cũng như tất cả mọi người đã gặp qua Thái tử phi, đều sợ hãi trước sự thu hút không tầm thường của người con gái này. Vẻ đẹp của Hoàn Lan rất tinh tế, dù không phải quá rực rỡ, nhưng nàng có một vẻ thong thả mà ai đã thấy nhất định sẽ không quên. Ánh nến nhấp nháy lên trong đôi mắt nàng, thanh thoát mà không yêu mị, quyến rũ mà không ướŧ áŧ, khiến cho người ta chợt nổi lòng muốn gần gũi nàng hơn, nhưng không hề có ý định khinh bạc đi quá giới hạn nào. Trịnh Uyên mỉm cười với nàng, "Không ngủ được. Ngày mai giờ Dần, Thiệu tướng quân khởi hành về nước Tề, ta muốn tiễn y một đoạn."

Hoàn Lan mỉm cười, "Cũng may thế cục ở biên cảnh đã ổn định, điện hạ không cần lo lắng điều gì."

Trịnh Uyên không đáp lại nàng. Lần này liên thủ chống Ngụy không thể không nhắc đến công lao của Thiêu Dương. Nếu y có thể ở lại nước Trịnh thêm một thời gian nữa là hay nhất. Nhưng Tuyên Minh đế đã tròn mười lăm tuổi, Hoàn vương Giám quốc cũng sắp tới ngày trả lại việc triều chính cho thiên tử. Còn hơn lúc năm xưa tân đế lên ngôi, Giám quốc giao trả triều chính là thời cơ đã được các chư hầu bụng dạ khó lường của nước Tề mong ngóng từ lâu. Hoàn vương được lòng của đông đảo người dân trong nước, lại còn nắm cả phần lớn binh quyền, rất có uy trong quân đội. Thậm chí có người còn suy đoán rằng năm xưa Chiêu Hòa đế truyền ngôi cho người con thứ ba nhu nhược Hiển Dương là muốn đi đường vòng, để hoàng đệ Hoàn Duyên mà ông sủng ái nhất có thể tạo uy vọng thật sự mà có được nước Tề trong tay.

Cách suy đoán này có thể khiến cho các đại thần theo phái bảo hoàng trong cung nhà Tề bất an. Dù Hoàn vương có anh minh đến đâu chăng nữa, đoạt cung soán vị luôn là việc đại nghịch bất đạo. Nhưng đối với một bộ phận triều thần khác mà nói thì Hoàn vương vốn là người trong hoàng tộc, hơn nữa còn là người có tư chất quân chủ tốt hơn Tuyên Minh đế rất nhiều. Trong thời điểm mà sự tồn vong của nước Tề đã trở nên nguy cấp thì nên theo thời thế mà thích nghi, không nên câu nệ lễ nghĩa cổ xưa. Hoàn vương Giám quốc vẫn luôn cung kính kiêm nhường Tuyên Minh đế, nhìn như thể hắn không hề có ý muốn thâu tóm quyền lực. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của đông đảo quần thần, sự việc phát triển đến đâu vẫn là điều không thể báo trước.

Đối với nước Trịnh mà nói, hoàng đế nhà Tề là ai không quan trọng. Thứ mà nước Trịnh quan tâm nhất chính là sự thiếu khuyết binh lực khi chống lại nước Ngụy. Tuy nhiên theo như tình hình hiện nay mà nói, Thiệu Dương chắc chắn sẽ thống suất đại bộ phận quân đội nhà Tề. Cho dù là Tuyên Minh đế hay Hoàn vương, chỉ cần trao cho Thiệu Dương đủ tin tưởng và quyền lực thì có thể duy trì được niềm hy vọng của nhà Trịnh, đó chính là cục diện quân thần nước Tề đồng tâm cùng Trình chống Ngụy. Chư thần của nước Tề cũng ý thức được điều này, do đó thái độ của Thiệu Dương có sức ảnh hưởng rất lớn đến việc họ sẽ chọn theo phe phái nào.

Trong thời gian cộng tác không phải quá dài, Trịnh Uyên phát hiện rằng sở dĩ Thiệu Dương mới mười sáu tuổi mà đã giỏi hơn rất nhiều tướng lĩnh khác chính là y không chỉ lĩnh ngộ một cách thiên bẩm các binh pháp thao lược, mà y còn là một kẻ hết sức cứng đầu liều lĩnh, muốn thắng bằng được. Điều làm người ta khó hiểu chính là y không hề giống như các tướng lĩnh khác, những người vô cùng đam mê việc mở rộng bờ cõi hay tham lam quyền vị, muốn có được thứ vinh quang chiến thắng đứng trên ngàn vạn quân. Thậm chí Trịnh Uyên còn nghe nói, do Thiệu Dương sinh trưởng tại biên giới phía Tây nước Tề, nơi có cả dân nước Vệ, Trần sống lẫn vào nhau, nên vị trí của nước Tề trong lòng Thiệu Dương cũng không hơn hai nước kia là mấy. Thậm chí khi Thiệu Dương mới vào quân đội nước Tề từng vô tình nói ra những điều khiến đông đảo tướng sĩ bất mãn với y.

Do đó, Trịnh Uyên cho rằng sự tận tâm tận sức tưởng bình thường mà rất kỳ lạ của Thiệu Dương chính là vì y đã hứa hẹn báo đáp một người nào đó, chứ không phải là sự trung thành to lớn đối với bản thân nước Tề. Cậu từng đề cập thoáng qua để thử lòng Thiệu Dương, nhưng Thiệu Dương cũng chỉ lãnh đạm đối đáp, rằng chỉ để báo đáp một người tri kỷ.

Vì vậy, Trịnh Uyên suy đoán rằng lúc này Thiệu Dương trở về nước Tề, chính là cho thấy y đang rất ủng hộ Tuyên Minh đế anh minh sáng suốt.

Hoàn Lan im lặng nhìn Trịnh Uyên rơi vào giữa suy tư. Nàng ngồi xuống bên cạnh cậu. Nàng từng nghe qua các tin đồn rất khó chịu về thời gian Trịnh Uyên ở nước Ngụy. Nhưng tất cả những ngờ vực ấy đều tan thành mây khói trong khoảnh khắc đầu tiên nàng gặp được Trịnh Uyên. Nàng vốn cho rằng Trịnh Uyên hẳn phải có một đôi mắt tối tăm lặng ngắt, nhưng thứ mà nàng nhìn thấy là đôi mắt sáng trong xa vắng, không thể nhìn vào sâu bên trong đó là gì. Trong giây phút đầu tiên gặp được cậu, nàng thậm chí đã hoài nghi rằng có thực rằng Thái tử nước Trịnh đang tồn tại hay không, hay chỉ là chính bản thân nàng tưởng tượng ra một ảo ảnh nhạt nhòa mà thôi? Trịnh Uyên cứ như là bóng trăng ánh nước, vô cùng tĩnh mịch thanh thoát mà cũng xa cách đến tận cùng. Dù là nhìn từ xa hay gần, đều khiến người ta không thể nào đoán được.

Hoàn Lan lại dịu dàng nói, "Nếu điện hạ không muốn y đi, ngài đừng ngại cứ bảo với Hoàn vương ca ca."

Trịnh Uyên lắc đầu, "Hoàn vương điện hạ trước kia đã nói, tất cả thảo luận của hai nước Tề, Trịnh đều do đích thân Tuyên Minh đế sắp xếp."

Hoàn Lan hơi sửng sốt, "Chẳng phải còn vài ngày nữa với giao triều chính lại hay sao?" Nàng nhíu mày than thở, "Hoàn vương ca ca luôn rõ ràng như vậy, cũng rất thực tế."

Trịnh Uyên gật đầu nhẹ nhàng nói, "Ta chỉ mong rằng ngày sau vinh hạnh có được phong thái của Hoàn vương điện hạ."

Thái tử phi cao nhã ung dung dường như băn khoăn trong tích tắc, rồi nàng mỉm một nụ cười chân thành, "Một canh giờ nữa mới đến giờ Dần, điện hạ nghỉ ngơi một lúc đã."

Trịnh Uyên và nàng bèn mỉm cười nhìn nhau. Nàng quả thật là một người con gái thông minh biết bao, chỉ một chút đã hiểu được hết những gì cậu không nói. Trên song cửa hắt bóng hai con người ấy, quả nhiên là quần anh tụ hội, kết thành giai ngẫu.

-

Đêm hôm ấy, Hoàn Lan nghĩ nàng đã nhìn thấu được ánh mắt của Trịnh Uyên, như sương mai bãi biếc, quanh quẩn mãi theo người.

Cậu và nàng giống nhau, người ở cạnh bên không phải là người trong lòng thương nhớ.

Mà người trong lòng thương nhớ, xa thẳm xa nơi vong xuyên bỉ ngạn, ngồi ngắm vần vũ đổi thay.