Búp Bê Bắc Kinh

Chương 14: Thoáng cái đã qua

Ngày hôm sau còn cảm thấy dài hơn. Ngay khi tôi tỉnh dậy, mẹ tôi và cô Lý (mẹ của Lý Chiêm Vũ) đã đến, vậy là càng thêm khó xử. Chúng tôi ăn đồ rán, khiến tôi rất khát nước. Giả Giai ngủ như một người đã chết, như không còn tỉnh dậy được nữa.

Một lúc sau buổi sáng đó tôi ra ban công ngắm phong cảnh. Những cây ngô đồng cao, tán dày mọc đằng kia, không khí tỏa ra mùi đậu phụ. Lý Chiêm Vũ sau đó nói cho tôi biết cạnh đó có nhà máy chế biến dược phẩm.

Lý, người đánh trống, và tôi rất hợp với nhau. Anh nói mẹ anh mấy tháng nữa có thể sẽ cho anh đến Đại học Tổng hợp Khai Phong để học tin học. Tôi tặng anh một đĩa CD nhạc giá mười tệ của La Đại Hữu. Tôi cũng hợp với cả Bạch Kiến Thu nữa. Thế nhưng tôi vẫn ở trong tình trạng tuyệt vọng. Sự như nhất, thuần khiết, và mê đắm mà bạn mong mỏi từ một bằng hữu thực sự, họ chẳng có để cho tôi. Tôi chẳng muốn gì hơn ngòai việc nói chuyện một cách cởi mở về các chủ đề nghiêm túc như cuộc sống, âm nhạc, lý tưởng hay bất cứ thứ gì đi nữa, cùng với mọi người, nhưng chẳng có ai cả.

Trước khi đến, ngay cả nghĩ đến ban nhạc đã khiến tôi vui sướиɠ, đã khiến tôi mỉm cười; nay thì chỉ có sự sợ hãi và một cảm giác bất an. Làm sao lại hóa ra nông nỗi này? Đây là một sự thật. Hạnh phúc trước đó của tôi là thật, nhưng cũng là sự thật khốn khổ của tôi bây giờ.

Ngày thứ ba họ đưa tôi đi thăm trường của họ, một ngôi trường trung học nghề trong một tòa nhà màu trắng. Sân tập thể dục và mái nhà được bao phủ bởi một lớp rêu xanh, và đều lớn hơn Trung học Tây X rất nhiều. Học sinh trên sân tập thể dục đang mặc đồng phục mùa hè; con trai đang đá bóng, con gái đang túm năm tụm ba nói chuyện. Tất cả bọn họ trông đều rất đáng yêu, tràn đầy sức sống của tuổi trẻ. Mặt trời vẫn chói chang khi tôi tới lớp của bọn họ, và thu hết can đảm, tôi bước vào trong phòng. Một vài cô gái tỏ ra ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi, có lẽ là đang tự hỏi con bé mới vào này là ai, bởi lẽ họ chưa từng nhìn thấy tôi trước đây. Hừ, các vị cũng chẳng nhìn thấy tôi lần nữa đâu, tôi nghĩ.

Mấy phút sau, Bạch Kiến Thu bước vào cùng một cô gái tóc dài, trắng trẻo, bận váy dài có dây đeo. “Để mình giới thiệu cậu với một người, Cố Linh Linh. Đây là Gia Phù. Gia Phù, đây là bạn gái mình.”

Tôi nhìn cô ấy. “Tôi có nghe cậu ấy nói về bạn,” tôi nói.

“Mình cũng đã nghe anh ấy nói về bạn,” cô ấy vừa đáp vừa vân vê chiếc vòng ngọc trên tay.

Tôi buộc phải cười. Cô ấy thật duyên dáng, nhưng chăc chắn không phải một kẻ ngờ nghệch. Phản ứng của cô ấy rất nhanh. Cô ấy đã đáp lại nụ cười của tôi bằng chính nụ cười của mình, và tôi thích cô ngay lập tức.

Mối tình của họ dường như là loại tình cảm đặc trưng của các cậu trai cô gái tầng lớp trung lưu ở bất cứ thành phố cỡ trung bình nào – chất phác và chân thật.

Giả Giai và Bạch Kiến Thu ngồi ở hàng cuối cùng, bên phải. Tôi ngồi trước Bạch Kiến Thu. Một mình. Đang là giờ chính trị, một trong những môn tôi thích nhất trong lớp khi ở Bắc Kinh. Đã lâu lắm rồi tôi không học chính trị và rất mong để được bắt đầu. Từ đáy lòng, tôi hy vọng thầy giáo – một người đàn ông, tôi mong vậy – sẽ đưa ra những chủ đề thú vị để thảo luận, và điều đó sẽ cho tôi cơ hội để chứng tỏ tài năng của tôi, để họ thấy rõ rằng tôi thông minh thật sự.

À ha, giờ học đã bắt đầu – thầy giáo, ai dè, là một phụ nữ - và thay vì một bài giảng, cô lại bảo bọn họ ôn tập lại bài học. Thật là vô công rồi nghề! Tôi quay người và ngó ra sau tôi. Bạch Kiến Thu đang ngủ, đầu gục xuống bàn. Còn Giả Giai! Anh chàng đang mê mẩn xem cuốn Tìиɧ ɖu͙© nhập môn tôi cho mượn và thậm chí cũng chẳng biết rằng tôi đang nhìn anh ta.

Tôi nằm ườn ra trên mặt bàn và bắt đầu học thuộc lòng những từ trong một cuốn sách giáo khoa tiếng Anh. Thật là không thể nào tin nổi.

Sau giờ học, tôi đi tới cửa hiệu bán bánh trái của trường và mua một hộp sữa chua Khai Phong. Không tồi, và rẻ, chỉ có chín hào. Tôi cũng mua một ít kẹo cao su để cho bọ họ. Người đàn bà bán hàng nói người Khai Phong tất cả đều nghèo, cho nên giá cả mọi thứ đều rẻ hơn.

Khi tan học Bạch Kiến Thu mời tôi về nhà ăn cơm. Cậu ta cùng gia đình ở trong một một khu xóm giềng chật chội với những căn hộ nhỏ. Tôi gặp bố cậu, một người đàn ông gầy, đen và chào hỏi tôi bằng tiếng địa phương. Phòng của Kiến Thu gọn và sạch, với một cây đàn gỗ để ở một góc; một vài bức tranh cậu vẽ và một vài tấm poster tự làm của ban nhạc treo trên tường. “Tớ sẽ mua một chiếc guitar bass cho riêng mình năm nay,” cậu ta nói.

Cậu ta và Cố Linh Linh đều rất thích nhau, và cứ xoắn xúyt với nhau suốt.

“Tớ tặng cậu một miếng ngọc bội,” cô ấy mỉm cười nói, “và cậu và tớ có thể thành chị em.”

“Nghe thì hay nhưng khó là thật được lắm,” tôi trả lời.

Cô ấy lấy từ trong ví ra một cái khóa nhỏ bằng ngọc. “Tớ có một cái chìa khóa ngọc nhỏ để mở cái này,” cô nói. “Đó là một cặp. Một cái cho cậu và một cái cho tớ. Bắt đầu từ hôm nay, cậu và tớ sẽ là hai chị em.”

“Đó là ngọc thật đấy,” Kiến Thu nói.

Cô ấy dứt một sợi tóc ra để thử. Thôi được, đúng là ngọc thật.

“Thấy chưa, tớ đã nói mà.” Kiến Thu cười đắc chí.

Cả buổi chiều tôi ở chỗ Lý Chiêm Vũ sau đó cậu ta đưa tôi đi thăm các thắng cảnh xung quanh thành phố. Đầu tiên chúng tôi đến một cửa hàng âm nhạc, chỗ mà cậu ta nói với tôi rằng cậu thường mua các đĩa Music and Video World và Punk Age. Đó là nơi duy nhất ở Khai Phong bạn có thể mua được tạp chí nhạc rock. Họ cũng bán các băng cassette và CD lậu. Tôi đi dòm quần áo trong các cửa hiệu một chút rồi chuồn thẳng từ một Hiệu sách Tân Hoa.

Mặt trời nung chúng tôi từ trên cao. Tôi bận một cái áo phông đỏ, một cái váy kẻ caro – trẻ trung kinh khủng. Lý Chiêm Vũ dẫn tôi tới một quận có một thính phòng bị bỏ hoang; chúng tôi trèo qua các bậc xi măng lên tới đỉnh và ngồi xuống trò chuyện. Tôi mua một chai bia, và cậu ta nói với tôi rằng mình chưa bao giờ uống, nhưng dầu sao hai chúng tôi vẫn chia đôi chai bia.

Xẩm tối, Lý Chiêm Vũ nói chúng tôi phải đi kiếm cái gì đó để ăn – cậu ta đãi. Tại một cái chợ huyên náo, chúng tôi ăn một ít kem và uống vài cốc nước mát. Tôi nói, “Mọi thứ ở đây cái gì cũng thật là rẻ!”

“Đúng thế,” cậu ta đùa cợt, “Tiền lương ở đây cũng rẻ nốt.”

Chúng tôi trở về khi trời tối và cùng với các thành viên khác của ban nhạc đi chơi phố. Cố Linh Linh mua cho tôi một sợi dây lụa để đeo cái khóa ngọc. Cô tự tay xâu lấy và đeo vào cổ cho tôi, và tôi đã thầm nhủ rằng sẽ không bao giờ tháo nó ra.

Ngày hôm sau tôi nói với họ rằng tôi sắp sửa đi rồi. “Cậu sắp sửa đi về đâu vậy?” Bạch Kiến Thu hỏi tôi.

“Nhà.”

“Ở đâu?” Cậu ta biết tôi nói gì, nhưng vẫn cứ hỏi. Và tôi biết tôi chẳng nên trả lời thêm, nhưng vẫn cứ.

“Nhà.”

Cậu ta chỉ im lặng gật đầu. Tôi quay người nhìn Giả Giai, nhưng anh ta vẫn không ngừng ném bóng rổ.

Tôi đi tìm mẹ tôi ở nhà khách gần ga xe lửa. Sau buổi tối đầu tiên chúng tôi đến Khai Phong, khi mẹ tôi ở chỗ Lý Chiêm Vũ, mẹ cứ nằng nặc chuyển ra ở nhà khách. Khi tôi đến nơi, mẹ đang uống trà và chải tóc; trông mẹ có vẻ rất hạnh phúc, có thể là vì mẹ biết chúng tôi về thẳng Bắc Kinh tối hôm đó, rằng tôi không còn nằng nặc đòi ở Khai Phong cả tháng nữa, và có thể là mẹ vui vì chuyến đi đã kết thúc mà chẳng xảy ra sự cố gì đáng tiếc. Ai biết được? Dù lý do là gì đi nữa, nhìn mẹ vui vẻ như thế khiến lòng tôi cũng rộn ràng theo.

Kiến Thu và Lý Chiêm Vũ còn tiễn chúng tôi ra tận sân ga và nhìn con tàu chúng tôi rời xa. Trước khi chúng tôi đi, Lý Chiêm Vũ còn tháo dây chữ thập ở cổ mình và đeo vào cho tôi.