Sơn Nam Hải Bắc

Chương 16

Cô nói lời cảm ơn.

Tiết Sơn bảo: “Không cần khách sáo”.

Mặc dù tâm tư rối bời nhưng cuối cùng, khi mở miệng lại chỉ có thể thốt ra ba chữ ấy.

Ánh mắt vô tình chạm nhau, Trần Dật khẽ mỉm cười nhu hòa.

Nụ cười cùng nét mặt dịu dàng này như giai điệu chính được tạo nên giữa không gian tăm tối.

Bình thản, ấm áp.

Tiết Sơn cúi đầu nhìn tay cô, hỏi: “Ngón tay thế nào rồi? Không sao chứ?”.

Trần Dật lắc đầu: “Không đáng lo lắm”.

“Mất bao lâu có thể mọc ra được?”.

“Để mọc hoàn toàn mất tầm một tháng”.

Một tháng? Xem ra hơi lâu.

Tiết Sơn hỏi tiếp: “Còn công việc của cô…?”.

Trần Dật đáp: “Lúc nãy tôi đã gọi điện về trung tâm thông báo tình hình, xin nghỉ ngơi vài hôm trước khi quay lại làm”.

“Ừm”.

Thời gian trôi qua, sau khi im lặng, Trần Dật nghĩ tới chuyện khác: “Đúng rồi, quần áo hết bao nhiêu tiền, về tôi sẽ gửi anh”.

Trong nháy mắt, Trần Dật thoáng trở nên nghiêm túc, Tiết Sơn lại cảm thấy vẻ xa cách hờ hững trên người cô.

Anh trả lời: “Không cần đâu, có mấy đồng ấy mà. Cô đi thay đi xem có vừa không”.

Ngẫm nghĩ mấy giây, Trần Dật gật đầu, cầm quần áo đi vào nhà vệ sinh.

Cô thay đồ xong, nhìn rõ giá niêm yết trên khóa kéo, mở cửa đi ra ngoài.

Phương Thanh Dã ngồi xe lăn, Đồng Đồng ngồi trên giường bệnh, hai chú cháu hình như đang chơi trò oẳn tù tì. Con bé trông rất vui, cười thích thú.

Nhưng tiếng cười của con bé không có âm thanh, trông từ xa như đang diễn kịch câm.

Tiết Sơn ngồi bên mép giường, ánh mắt dõi theo nụ cười của Đồng Đồng.

Trần Dật lại gần, anh ngước lên nhìn, đánh giá, xem ra bộ quần áo không vừa người cho lắm.

“Hơi rộng?”.

Chiều dài bộ quần áo khá vừa nhưng do Trần Dật hơi gầy nên mặc vào lộ vẻ dài rộng.

Cô khẽ mỉm cười: “Khá vừa”.

Phương Thanh Dã nhìn Trần Dật chằm chằm, mắt nhấp nháy: “Ôi, bác sĩ Trần mặc bộ này đẹp lắm. A Sơn biết mua phết nhỉ”.

Tiết Sơn không để tâm, rút một chiếc ghế dưới gầm giường, đưa ra trước mặt Trần Dật: “Cô ngồi đi”.

Sau khi ngồi xuống, Trần Dật kể lại tình hình của vợ chồng ông bà lão.

Nghe xong, Tiết Sơn ngạc nhiên: “Mắc trên xà nhà ư?”.

Hai mươi ba ngôi nhà ở khu vực đó đều bị lũ cuốn trôi, vậy vợ chồng ông bà lão đã lánh nạn trên nóc của ngôi nhà nào?

Trần Dật nói, là nhà của bà cụ.

Lúc cô đi qua chỗ đó, dựa vào lớp ngói mới tinh trên nóc nhà mới phân biệt được đấy là nhà ai nhưng cô không có tâm trạng để tìm tòi bên trong có người hay không.

Cô cũng không đoán ra, trong ngôi nhà gần như bị nước lũ bao phủ có hai thân già đang gắng gượng chống cự, nắm chặt con đường sống duy nhất, chiến đấu với thiên tai, và cuối cùng giành được chiến thắng, đợi tới lúc cứu viện đến.

Nỗi áy náy vẫn luôn quanh quẩn trong lòng dường như không còn quá

mãnh liệt.

Mọi thứ đều do bất lực, cũng đều do may mắn.

Đó chính là cảm giác của cô lúc này.

Bệnh tật và cái chết khiến người ta nảy sinh cảm giác sợ hãi tột cùng nhưng cũng khiến người ta cảm thấy sinh mệnh thật đáng quý.

Tiết Sơn cũng hết sức vui mừng khi nghe được thông tin này, khóe môi anh ẩn hiện ý cười.

Ngồi một lúc, Tiết Sơn và Trần Dật trao đổi với nhau về vấn đề chỗ ngủ qua đêm.

Ý của Tiết Sơn là, Phương Thanh Dã sinh hoạt bất tiện nên anh sẽ ngủ đêm ở đây để chăm sóc, tiện thể để ý tình hình của bà cụ. Nhưng để Đồng Đồng lại lại không tiện, anh hy vọng Trần Dật có thể dẫn con bé cùng đi ra nhà nghỉ bên ngoài.

Đương nhiên Trần Dật không phản đối nhưng cô vẫn muốn hỏi qua ý kiến của Đồng Đồng.

Tiết Sơn gọi Đồng Đồng tới, con bé do dự nhìn Trần Dật, ánh mắt lưu luyến rơi xuống người Tiết Sơn.

Cuối cùng, con bé khẽ gật đầu.

Trên hành lang, chiếc đồng hồ điện tử treo trên tường chỉ 22h00 đúng.

Đồng Đồng ngạc nhiên nhìn Phương Thanh Dã ngồi xe lăn, Phương Thanh Dã ôm con bé ngồi lên đùi, xoay bánh xe đi tới đi lui trong hành lang, Đồng Đồng thích thú cười không ngớt.

Tiết Sơn đứng sau nhắc Phương Thanh Dã đừng liều, cẩn thận chú ý cái chân bị thương.

Để Đồng Đồng được vui vẻ, Phương Thanh Dã mặc kệ, chút đau vặt này sao có thể làm khó anh ta.

Bóng hai chú cháu khuất dần, hòa dưới ánh đèn hành lang dịu dàng, lờ mờ, như mang theo một chiếc vòng cổ tích đầy màu sắc.

Trần Dật nhìn ngắm thế giới thuộc về Đồng Đồng, khẽ hỏi: “Đồng Đồng nói được đúng không?”.

Lời thì thầm ấy như câu hỏi dành cho anh.

Tiết Sơn ngạc nhiên ngẩng đầu, ánh mắt Trần Dật vẫn điềm tĩnh bước lại gần hai chú cháu.

Cô tựa như đang chờ đợi đáp án của anh, lại tựa như không cần bất cứ câu trả lời.

Đáp án đều đang nằm trong lòng, trong mắt.

Mỗi giây trôi qua đều dài dằng dặc, dài đến nỗi Tiết Sơn không kiềm chế hồi tưởng lại quãng thời gian vừa mới đưa Đồng Đồng trở về. Hồi tưởng lại ánh mắt khinh bỉ của những người xung quanh, những lời ong tiếng ve khó nghe, câu từ họ dùng xì xầm sau lưng anh.

Con bé câm.

Thật lâu sau, Trần Dật rời mắt khỏi hướng hai chú cháu.

Trên hành lang không còn bóng dáng của con bé, nhưng bức tranh trước mặt kia, hình ảnh con bé cười đùa, không có bất kỳ âm thanh nào, đã in dấu sâu đậm trong lòng Trần Dật.

Cô có cảm giác, người đàn ông bên cạnh khẽ gật đầu.

Sau khi Phương Thanh Dã quay về nghỉ ngơi, Tiết Sơn tiễn Trần Dật và Đồng Đồng đi ra.

Địa thế vùng này cao hơn mặt nước biển một chút, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch khá lớn, cộng thêm mưa dầm kéo dài mấy ngày, nên cho dù là mùa hè, gió đêm không mát mẻ mà là mát lạnh.

Tiết Sơn bế Đồng Đồng đi trước, Trần Dật theo sát sau lưng họ.

Lúc đi qua ngã tư, con bé bỗng giãy dụa, vỗ vai anh, ý bảo anh dừng lại.

Tiết Sơn quay đầu, thấy Trần Dật rớt sau anh ít nhất năm bước. Hai bố con liền đứng bên đường đợi cô.

Đồng Đồng làm động tác duỗi chân ra, chỉ chỉ xuống đất.

Tiết Sơn hỏi: “Muốn tự đi hả?”.

Con bé gật đầu.

Lúc thả Đồng Đồng xuống, Trần Dật cũng đi đến, nhìn anh cười áy náy: “Đi thôi”.

Vừa đi lên trước một bước, Trần Dật cảm giác có một bàn tay nhỏ xíu mềm mại kéo tay trái của mình lại.

Sau đó, Trần Dật trông thấy tay kia của con bé dắt Tiết Sơn.

Trần Dật hơi mất tự nhiên, thử hỏi: “Muốn nắm tay cùng đi à?”.

Đồng Đồng gật đầu, hết liếc mắt nhìn Tiết Sơn rời quay sang nhìn Trần Dật, mỉm cười.

Vẫn là nụ cười im lặng khiến người khác đau lòng.

Nửa giờ trước, khi đối mặt với câu hỏi của Trần Dật, Tiết Sơn đã gật đầu.

Trần Dật hỏi: “Là bệnh trầm cảm ở trẻ em ạ?”.

Lần đầu tiên tiếp xúc, cô có suy nghĩ giống Dư Sanh Sanh, xem xét đến chứng tự kỷ. Nhưng sau lần gặp mặt thứ hai ở thôn Thạch Tháp, ở chung với nhau, cô dần loại bỏ ý nghĩ này.

Gia đình là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến bệnh trầm cảm ở trẻ em, kết hợp với hoàn cảnh của Tiết Sơn, điều này gần như được chứng thực.

Nhưng hành vi thể hiện chứng trầm cảm ở Đồng Đồng lại ít khi xuất hiện. Ví dụ như chấn động tâm lý, ví dụ như tự làm tổn thương cơ thể…

Một bé gái 6 tuổi, biết mình muốn gì, nên làm gì, biết

tìm bác sĩ chữa vết thương cho bố, dù con bé không nói nhưng vẫn có thể thông qua ngôn ngữ hình thể để biểu đạt suy nghĩ của mình.

Mọi dấu hiệu cho thấy, con bé dường như không phải một đứa trẻ bị trầm cảm.

Cho nên lời vừa nói ra miệng, Trần Dật liền bác bỏ: “Không giống”.

Tiết Sơn vẫn không trả lời.

Ngay lúc Trần Dật cảm nhận, có lẽ anh không muốn thảo luận chuyện đó với cô, thì Tiết Sơn bỗng lên tiếng.

Anh đặt khuỷu tay lên đầu gối, hai tay siết chặt, giọng thì thầm: “Là chứng bệnh mất ngôn ngữ”.

“Chứng bệnh mất ngôn ngữ?”. Trần Dật từng nghe qua nhưng không hiểu rõ lắm.

“Ừ”. Tiết Sơn gật đầu: “Năm con bé tầm ba tuổi, bị thương, sau đó không mở miệng nói chuyện nữa”.

“Bị thương? Bị thương như thế nào?”.

“À…chuyện ngoài ý muốn ấy mà”. Anh trả lời lấp lửng.

“Vậy…đã khám bác sĩ tâm lý chưa?”.

“Rồi. Tháng nào cũng tới trung tâm tư vấn tâm lý trẻ em của thành phố”.

Tháng nào cũng đi, nhưng dường như con bé vẫn không muốn mở miệng.

Gần

bệnh viện có không ít nhà nghỉ, ví tiền và điện thoại của Trần Dật đều đã bị mất, thuê phòng phải dùng chứng minh của Tiết Sơn, tiền cũng là do anh trả.

Tạm biệt nhau dưới hành lang tầng một, Trần Dật dẫn con bé đang bịn rịn lên tầng hai.

Vào cửa, Trần Dật nhìn quanh gian phòng một lượt. Đây là căn phòng tiêu chuẩn, không rộng lắm, không đồ nội thất, một chiếc giường đôi đặt sát tường, chính giữa là chiếc tủ đầu giường, tổng thể nhìn khá sạch sẽ ngăn nắp.

Thời gian không còn sớm, cô dẫn Đồng Đồng vào nhà vệ sinh rửa mặt.

Con bé rất biết ý, đứng bên bồn rửa cao đến ngực, chăm chú đánh răng.

Trần Dật nhìn con bé, hỏi: “Cháu có muốn cô vắt khăn giúp không?”.

Trong gương, con bé miệng đầy kem chậm rãi quay lại, nhìn Trần Dật lắc đầu.

Trần Dật cười: “Tốt, cần gì cứ bảo cô”.

Đồng Đồng đánh răng xong, vớt nước rửa sạch kem trên miệng, một lần nữa nhìn vào trong tấm gương sáng bóng.

Con bé nhìn chính mình trong gương, miệng hơi mở, tựa như thử phát ra âm thanh, nhưng cố đến mấy cũng chỉ có mấy tiếng ô ô.

Trong phòng không có điều hòa, Trần Dật đến bên cửa sổ, kéo tầm rèm dày, mở toang cánh cửa sổ đóng chặt.

Bóng đêm dày đặc, trời đất chỉ còn là một mảng tối đen màu xám tro.

Khung cửa sổ nằm ngay dưới mái hiên, khoảng cách từ mái nhà đến cửa sổ rất gần, bên cạnh mái hiên là ống thoát nước, thông lên tầng sáu cao nhất.

Trần Dật cảm thấy không được an toàn, suy nghĩ một chút liền đóng cửa sổ lại.

Đồng Đồng rửa mặt xong đi ra, cho Trần Dật vào. Tắm rửa xong, đã thấy con bé nằm sát cửa sổ ngủ mất.

Đầu giường bật một chiếc đèn nhỏ, trong ánh sáng lờ mờ của căn phòng, con bé nằm ngay ngắn trên gối.

Trần Dật lau tóc đi tới, nhìn Đồng Đồng ngủ say sưa, cô dém chăn giúp con bé.

Lúc ở bên cạnh Tiết Sơn, con bé luôn thể hiện sự ỷ lại. Nhưng những lúc không có Tiết Sơn, con bé lại hết sức ngoan ngoãn tự lập, thành thục khác hẳn đám bạn cùng lứa.

Trần Dật rất muốn biết, rốt cuộc thì sự cố gì đã khiến con bé thành ra như vậy?